K
huất Nguyên, tên Bình, tự Nguyên, người nước Sở cuối thời Chiến quốc, sinh năm 339 TCN. Ông là một chính trị gia, một nhà thơ kiệt xuất thời bấy giờ. Ông chính là hậu thế của Khuất Hà, con trai của Sở Võ Vương Hùng Thông, người Đan Dương (tỉnh Hồ Bắc ngày nay).
Cuộc đời Khuất Nguyên trải qua ba thời kỳ của ba vị hoàng đế là Sở Uy Vương, Sở Hoài Vương, Khoảnh Tương Vương, nhưng ông sống chủ yếu vào thời Hoàng đế Sở Hoài Vương. Thời kỳ này chính là đêm trước của công cuộc thực hiện thống nhất Trung Quốc.
Khuất Nguyên là một con người tài hoa, học rộng biết nhiều và có trí nhớ tốt. Vào thời kỳ bảy nước phân tranh, chiến loạn liên miên, trong lòng Khuất Nguyên lúc nào cũng ấp ủ ý định cứu giúp nhân dân bằng cách khuyên Sở Hoài Vương là “dùng người phải dựa vào đức tài trí dũng”. Ban đầu, Hoài Vương rất tin tưởng ông, phong cho ông chức Tả đồ quan. Để chống lại sự tấn công ráo riết của nước Tần, Khuất Nguyên đã đích thân đến các nước láng giềng làm việc, liên lạc với họ, những mong kết hợp sức mạnh của 6 nước đối phó với sự lớn mạnh của Tần. Sau đó, ông thành lập liên minh 6 nước là Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Nguỵ để chống lại sự bành trướng của nước Tần.
Nhưng xung quanh Khuất Nguyên có không ít kẻ ghen ăn tức ở với tài năng của ông. Ông đã phải chịu sự tấn công hiềm khích của nhiều thế lực thù địch cả trong và ngoài nước. Ở trong nước, bè lũ do Thượng quan đại phu, Công tử Tử Lan và Vương hậu Trịnh Tụ cầm đầu luôn tỏ thái độ ghen ghét, đố kị với tài năng đức độ của ông, họ thường xuyên tiếp cận với Hoài Vương để tìm cách li gián ông với hoàng thượng, đặt điều Khuất Nguyên là kẻ tự cao tự đại, chuyên quyền độc đoán, coi thường quân vương phép nước.
Năm thứ 15 (tức là vào năm 304 TCN), sứ giả nước Tần là Trương Nghi đến nước Sở, dùng một khoản tiền vàng lớn mua chuộc Cách Thượng, Tử Lan và Trịnh Tụ làm nội gián cho nước Tần, hắn gạ gẫm nên hợp sức với nước Tần, cắt đứt quan hệ cũ với nước Tề; khuyên rằng nếu nước Sở đồng ý quan hệ với Tần thì nước Tần sẽ cắt nhượng cho Sở 600 dặm đất... Đoán trước được rằng Khuất Nguyên sẽ phản đối việc này nên chúng đã bố trí cho Vương hậu Trịnh Tụ gặp Hoài Vương để bôi nhọ, nói xấu Khuất Nguyên, hòng đạt được ý đồ đen tối của chúng.
Trịnh Tụ là phi tử của Sở Hoài Vương, một người đàn bà nham hiểm, xảo quyệt. Trước đây, khi Hoài Vương sủng ái một người đẹp khác mà xa lánh bà ta khiến bà vô cùng tức giận, luôn tìm cách để trả thù. Một lần, bà nói với người đẹp kia rằng, Hoàng thượng rất yêu quý nàng, nhưng ông ta lại không thích cái mũi của nàng. Từ đó, mỗi lần gặp Hoàng thượng, người đẹp đó lại dùng tay che mũi của mình, khiến cho Hoài Vương không hiểu lý do tại sao mà người đẹp làm như vậy. Nhân cơ hội này, Trịnh Tụ thưa với Hoàng thượng rằng, người đẹp đó rất ghét mùi hôi khó chịu trên cơ thể Hoàng thượng nên cô ta mới làm như vậy. Nghe xong, Hoài Vương vô cùng tức giận, bèn hạ lệnh cho quân lính cắt đứt chiếc mũi xinh xắn của người đẹp. Cũng từ đó, Trịnh Tụ lại được Hoài Vương yêu quý như xưa.
Cuối cùng, nước Sở và nước Tề cắt đứt quan hệ, mối quan hệ cũ đó được thay thế bằng mối quan hệ với nước Tần. Nhưng khi nước Sở đưa ra đề nghị đòi đất như nước Tần đã hứa trước đây thì Trương Nghi lại có ý định trở mặt, hắn cho rằng trước đây nước Tần chỉ hứa cắt cho nước Sở 6 dặm đất, không phải là 600 dặm. Sự trở mặt của Trương Nghi khiến Hoài Vương vô cùng tức giận, liền dấy binh tấn công nước Tần. Nhưng lúc này, thế nước Tần rất mạnh nên đã nhanh chóng tiêu diệt được quân Sở, giết chết 8 vạn quân, bắt sống tướng nước Sở là Sở Khuất Cái, tiếp sau đó còn tấn công chiếm được vùng Hán Trung của nước Sở. Sở Hoài Vương khởi binh tấn công nước Tần, cuộc chiến Tần - Sở lại tiếp tục nổ ra ngày càng ác liệt. Biết được Tần và Sở đang giao tranh, nước Nguỵ liền cho quân đánh lén nước Sở. Trong tình thế vô cùng khó khăn, nước Sở đành phải rút quân về nước. Đến năm sau, Tần giảng hoà với Sở và quyết định cắt phần đất Hán Trung cho Sở, nhưng Sở Hoài Vương nói: “Ta không mong được đất đai lãnh thổ, ta chỉ cần Trương Nghi là đủ rồi”. Biết được điều này, Trương Nghi liền tâu lên vua: “Chỉ dùng một mình Trương Nghi để bù được một vùng đất Hán Trung như vậy, xin Hoàng thượng cho thần thay thế đi đến nước Sở". Sau khi đến nước Sở, Trương Nghi lại tiếp tục cống tặng nhiều lễ vật quý giá cho quan đại thần nắm quyền nước Sở là Cách Thượng và dùng lời lẽ ngon ngọt để lấy lòng Trịnh Tụ. Cuối cùng, nghe theo lời Trịnh Tụ mà Hoài Vương đã cho thả Trương Nghi về nước. Lúc này, Khuất Nguyên không còn giữ chức quan trong triều nữa nhưng ông vẫn khuyên gián Hoài Vương: “Tại sao Hoàng thượng lại không cho giết Trương Nghi đi?” Hoài Vương vô cùng ân hận, cho người truy đuổi theo nhưng không kịp vì Trương Nghi đã “cao chạy xa bay”.
Hoài Vương năm thứ 30, Khuất Nguyên trở về đô Sính (đô thành nước Sở thời Chiến quốc). Sau khi lên ngôi, Khoảnh Tương Vương tiếp tục thực hiện chính sách đầu hàng, một lần nữa Khuất Nguyên bị đuổi ra khỏi đô Sính, lưu lạc khắp Giang Nam, sống lang thang ở Trung Nguyên và Tương Nhị Thuỷ. Cuối cùng ông đã buông mình xuống dòng sông Mịch La tự vẫn. Truyền thuyết nói rằng, ngày Khuất Nguyên quyên sinh chính là ngày 5 tháng 5, tết Đoan Ngọ ngày nay. Vào ngày này, người dân thường ăn bánh chưng, tổ chức đua thuyền rồng để tưởng nhớ đến ông.
Khuất Nguyên là nhà thơ yêu nước vĩ đại đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc, ông cũng là đại biểu kiệt xuất của thơ ca theo trường phái lãng mạn chủ nghĩa. Sự xuất hiện của ông đã đánh dấu nền thi ca Trung Quốc bước sang một thời đại mới, thời đại từ hình thức thi ca tập thể chuyển sang hình thức thơ ca sáng tác cá nhân. Ngoài ra, “Sở từ” mà Khuất Nguyên là người khai sáng đầu tiên cũng chính là bước đột phá trong hình thức biểu hiện của “Kinh thi”, vì vậy người đời sau cũng thường gọi “Sở từ” và “Kinh thi” là thể loại “Phong và Tao”.
Trong suốt cuộc đời mình, Khuất Nguyên đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể đến như “Li tao”, “Thiên vấn”, “Cửu ca”, “11 chương”, “Chiêu hồn”,... còn những tác phẩm “Bốc cư”, “Ngư phụ” có phải là sáng tác của Khuất Nguyên hay không vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật hiện nay.
Sở dĩ tên tuổi của Khuất Nguyên sống mãi với thời gian chính là vì tinh thần yêu nước và phẩm chất cao quý không chịu luồn cúi của ông. Ông là người đã khóc thay tiếng khóc cho người dân cùng khổ, hành động quyên sinh xuống dòng sông Mịch La của Khuất Nguyên cũng đã thể hiện được tinh thần yêu nước, dám hy sinh vì nước của ông. Bằng những vần thơ của mình, Khuất Nguyên muốn bày tỏ ý chí và lòng căm phẫn về mối thù chưa trả của đất nước và sự suy tư về vận mệnh của nhân dân và đất nước. Đồng thời, thơ ca cũng chính là vũ khí sắc bén để ông đấu tranh với các thế lực xấu xa khác. Thành công chính của Khuất Nguyên chính là thơ ca, có thể nói ông đã xây dựng nên sự hư ảo nhưng lại là thế giới lý tưởng mà mọi người hướng đến bằng tâm huyết và trí tưởng tượng mang màu sắc chủ nghĩa lãn mạn siêu thoát của mình. Chính vì lý do này mà những vần thơ của ông mới được lưu truyền muôn đời.