R
abơle (Francois Rabelais) sinh năm 1494 ở một trại ấp gần thành phố Chinon, trong một gia đình trí thức khá giả. Cha là luật sư ở thành phố Chinon tỉnh Touraine, luôn chăm lo đến việc học hành của con cái. Rabơle là một nhà văn lớn của Pháp thời đại Phục Hưng, người được coi là có công lao đi tiên phong trong cuộc đấu tranh cho những tư tưởng khoa học và tiến bộ của nước Pháp, mở đường cho thời đại mới của Đêcac, Vônte, Diderot.
Thuở nhỏ, sống ở nông thôn và theo học trường dòng. Từ khi còn nhỏ, Rabơle đã biểu lộ rõ tư chất thông minh và hiếu học.
Flaubert vào học ở Tu viện thành phố. Nhưng ông không an phận với cuộc sống tu hành, mà say mê nghiên cứu văn hóa cổ đại Hy Lạp - La Mã và thích giao tiếp với những nhà nhân văn chủ nghĩa.
Rabơle không quan tâm đến chức vị giáo sĩ tương lai của mình mà quan tâm đến khoa học. Ông học tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, nghiên cứu những tác phẩm cổ đại, nhận sao chép những bản thảo cho các nhà bác học nhân văn chủ nghĩa đầu tiên của Pháp. Lo sợ trước phong trào chủ nghĩa nhân văn đang phát triển, trường Đại học Xorbon, một công cụ chuyên chính đầy quyền lực của chủ nghĩa ngu dân - tôn giáo ra lệnh cấm các tu viện dạy tiếng Hy Lạp. Và thế là Rabơle rời bỏ tu viện. Ông tìm đến Hồng y giáo chủ Giôphroa Đettixăc xin được bảo hộ và giúp đỡ để được chuyển sang một dòng tu khác. Đương nhiên ông không gặp trở ngại gì đáng kể, mà còn được Hồng y giáo chủ tin yêu dùng làm thư ký riêng và gia sư. Chức vụ thư ký riêng giúp ông có điều kiện đi khắp đó đây và hiểu biết nhiều điều trong cuộc sống, đặc biệt ở tỉnh Poatu, nơi Hồng y giáo chủ năng lui tới. Năm 1528, Rabơle cởi bỏ bộ áo tu sĩ, từ giã tỉnh Poatu đi Paris, tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, học tập. Năm 1530, vào học ở trường Y học thành phố Môngpeliê. Năm 1532, ông làm thầy thuốc ở một bệnh viện tại thành phố Liông, một thành phố được coi như Thủ đô của văn chương lúc bấy giờ. Trong thời kỳ này, ông viết, dịch, bình giải một vài tác phẩm y học, giao thiệp với các nhà nhân văn chủ nghĩa danh tiếng như Êraxmơ, Êchiên Đôlê và nhiều nhà trí thức khác. Ông bắt tay sáng tác bộ truyện “Gacgăngchuya” và “Păngtagruyen” và năm 1532 cho xuất bản cuốn “Păngtagruyen”, quyển II của bộ truyện, với bút danh là Ancôphribax Nadiê. Ngoài ra ông còn cho xuất bản hai cuốn sách lịch dân gian, một về thiên văn học và một cuốn mang tên “Lời tiên đoán của Păngtagruyơlin” năm 1533. Cũng như “Păngtagruyen”, hai cuốn sách mỏng này đều được viết dưới dạng hài hước nhằm truyền bá những tư tưởng tiến bộ. Cuốn “Păngtagruyen” bị trường Đại học Xorbon lên án. Rabơle phải tìm một người bảo trợ khác có thế lực hơn là Hồng y giáo chủ Giăng Đuy Belê cai quản địa phận Paris, một nhà hoạt động tôn giáo, chính trị - ngoại giao của chính quyền đương thời. Rabơle được làm thầy thuốc riêng của đức Cha (1534), và đã từng theo đức Cha sang Ý, quê hương của chủ nghĩa nhân văn. Tháng 10 năm 1534, Rabơle cho xuất bản cuốn “Gacgăngchuya” vào lúc các thế lực phong kiến và tôn giáo phản động tiến hành cuộc khủng bố ác liệt phong trào nhân văn chủ nghĩa và cải cách tôn giáo sau vụ truyền đơn xảy ra tháng 10 năm 1534. Trí thức bị bắt đưa lên giàn lửa thiêu sống, sách báo tiến bộ bị tịch thu đem đốt. Trường Đại học Xorbon kết án cuốn “Gacgăngchuya”. Rabơle lập tức bí mật rời bỏ thành phố Liông đến ở với vị Hồng y giáo chủ Đuy Belê và đã được cho theo sang Ý. Năm 1537, ông được cấp bằng bác sĩ y học. Đầu năm 1538, ông được nhà vua Phrăngxoa I bổ dụng vào làm một thành viên trong đoàn tuỳ tùng của nhà vua đi hội đàm với vua Saclơ Canh (Tây Ban Nha). Tháng 3 năm 1543, trường đại học Xorbon kết án một lần nữa cả hai cuốn “Gacgăngchuya” và “Păngtagruyen”. Với tài khéo léo của mình, nhà văn lại thoát vòng nguy hiểm. Năm 1546, Rabơle cho xuất bản Quyển III (của bộ truyện). Trường Đại học Xorbon lại lên tiếng công kích. Rabơle phải trốn đi Mêdơ - một thị trấn ở ngoài biên giới nước Pháp vào thời đó.
Năm 1547, Hăngri II lên ngôi, Hồng y giáo chủ Giăng Đuy Belê được giao cho những trọng trách ở đất Ý. Rabơle lại trở về làm thầy thuốc riêng cho đức Cha và lại theo ông sang Ý. Năm 1552, Quyển IV (của bộ truyện) ra đời. Trường Đại học Xorbon và Pháp viện ra lệnh truy nã tác giả, cấm các hiệu sách tàng trữ và lưu hành tác phẩm.
Từ năm 1551, nhờ sự bảo hộ và giúp đỡ của Đuy Belê, Rabơle được cử làm giám mục trông coi hai giáo khu Man và Mơđông. Nhưng chẳng bao lâu ông từ bỏ chức vụ này. Ông qua đời vào khoảng cuối năm 1553 ở Paris. 10 năm sau, năm 1564 Quyển V, cuốn cuối cùng của bộ truyện mới được xuất bản.
Bộ truyện gồm 5 cuốn này của Rabơle phản ánh trung thành “cuộc đảo lộn tiến bộ lớn nhất mà từ xưa đến nay nhân loại chưa từng thấy” (Ănghen). Nó tiến công toàn diện chế độ phong kiến Trung cổ từ tư tưởng đến tổ chức, từ hệ tư tưởng thống trị, nền giáo dục đến những người “trí thức” đại diện cho hệ tư tưởng và nền giáo dục đó. Có thể nói tất cả những giá trị cũ đều bị tiếng cười nhạo báng của Rabơle phán xét. Mặt khác, tác phẩm của Rabơle đã khẳng định những tư tưởng, những xu thế tiến bộ cách mạng của thời đại mới - thời đại của sự giải phóng cá nhân khỏi ranh giới chật hẹp, ngu tối của tôn giáo và chế độ phong kiến, thời đại của khoa học và kỹ thuật, của tiếng cười lạc quan, tin tưởng vào năng lực và trí tuệ của con người. Đương nhiên, Rabơle cũng như nhiều nhà tư tưởng lớn khác trước Mác, đều không có khả năng giải quyết vấn đề hạnh phúc của con người một cách triệt để và đúng đắn, nhất là trong thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa.
Sự nghiệp sáng tác của Rabơle mặc dù chỉ có một bộ truyện nhưng lại rất phong phú và sâu sắc. Tác phẩm của ông thể hiện những khát vọng to lớn của thời đại Phục Hưng là: giải phóng con người khỏi chế độ phong kiến và nền giáo dục thần học, giáo điều và kinh viện của thời kỳ Trung cổ. Với niềm tin chất phác và mãnh liệt của một nhà nhân văn chủ nghĩa. Rabơle cho rằng bản chất con người là tốt, nếu tôn trọng nó, để nó phát triển theo những quy luật của tự nhiên, trau dồi kiến thức, đạo đức, rèn luyện sức khoẻ, sống tự do, thoải mái thì xã hội sẽ tốt đẹp, có hạnh phúc. Nhưng cũng như nhiều nhà nhân văn chủ nghĩa khác, niềm tin của Rabơle trước sự thật lịch sử, thời kỳ tích luỹ ban đầu của chủ nghĩa tư bản, chỉ là một ảo tưởng.
Rabơle là nhà văn có bản lĩnh kiên cường và phương pháp đấu tranh khéo léo. Dưới hình thức hoang đường và hài hước, nhiều khi rất tục, ông đã vạch trần sự ngu dốt và tội ác của chế độ phong kiến và tôn giáo, đả kích giai cấp thống trị ăn bám, thối nát bằng những tiếng cười sâu cay, sảng khoái. Thiên tài của ông là sự kết hợp nội dung triết học nhân sinh sâu sắc, những kiến thức uyên bác với những truyền thống dân gian của dân tộc. Tiếng cười trong tác phẩm của ông vừa là phương tiện, vừa là mục đích. Ông nhắn nhủ bạn đọc khi tiếp xúc với tác phẩm của ông phải “như con chó... cắn gãy cái xương ra và hút lấy chất tuỷ nuôi sống người”. V. Hugo đã đánh giá ông là “vị pháp sư của tiếng cười”:
“Mỗi mảnh vỡ của tiếng cười khổng lồ của ông
Là một trong những vực sâu của trí tuệ”.