R
acine (Jean-Baptiste Racine) sinh năm 1639 tại La Ferté-Milon, trong một gia đình viên chức nghèo. Cha mẹ Racine mất sớm, ông được bà và cô nuôi nấng và cho ăn học tại một trường thuộc phái Giăngxen. Ngay từ nhỏ, Racine đã được tiếp xúc với một nền giáo dục cổ điển vững vàng và hoàn chỉnh; ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của phái Giăngxen, một trung tâm đối lập với sự chuyên chế của triều đình lúc bấy giờ. Học xong, không muốn trở thành tu sĩ, năm 1660 ông đến Paris kiếm sống bằng nghề viết văn. Đoàn kịch Môlie đã diễn hai vở bi kịch đầu tiên của ông. Từ năm 1667 - 1677, Racine viết liên tiếp nhiều bi kịch danh tiếng như “Ăngđrômac” (1667), vở kịch đã gây chấn động lớn ở Paris và tài năng của Racine đã được mọi người công nhận, làm lu mờ ngôi sao Cornây vẫn ngự trị từ 30 năm nay. Với “Ăngđrômac”, Racine sáng tạo nên một bi kịch mới, đoạn tuyệt với bi kịch anh hùng của Cornây. Năm 1669, ông cho diễn vở “Britaniquyx”; từ vở kịch này, với Nêrông, nhân vật bạo chúa trở thành nhân vật trung tâm của bi kịch Racine. Và cũng từ đó, tình yêu vật chất của kẻ có quyền lực trở thành động lực chủ yếu của hành động kịch Racine. “Britaniquyx” là bức tranh của La Mã hồi thế kỷ thứ nhất, đồng thời cũng là bức tranh của cung đình Pháp thời kỳ quân chủ chuyên chế cuối thế kỷ XVII. Tiếp sau Britaniquyx, năm 1670 Racine viết “Bênêrix”, một vở bi kịch được xem là tiêu biểu cho chủ nghĩa cổ điển - với một cốt truyện hết sức đơn giản và tâm lý sâu sắc, tiêu biểu cho bi kịch Racine - một bản tình ca réo rắt đầy tính thơ. Năm 1672, “Bagiadê” đã làm xúc động người dân Paris khi Racine đưa lên sân khấu một trang trí phương Đông với không khí huyền ảo của những cố cung đầy bóng tối và đầy máu, vẫn với cặp nhân vật quen thuộc: bạo chúa và nạn nhân, kẻ có quyền hành và người vô tội. Năm 1675, tác phẩm “Iphigiêni” tiếp tục tạo thêm uy tín cho ông. Năm 1677, Racine sáng tác vở “Pheđrơ” nhưng thất bại do những kẻ ghen ghét ông âm mưu và tổ chức, một cuộc tranh luận gay gắt diễn ra khiến nhà vua phải can thiệp để chấm dứt cuộc tranh cãi. Racine chán nản, quyết định từ bỏ sự nghiệp văn học để nhận chức ngự sử mà nhà vua giao cho. Sau này, “Pheđrơ” được đánh giá cao, vở bi kịch này đã hội tụ mọi tài năng của Racine: cuộc đấu tranh giữa kẻ mạnh và người yếu, xung đột giữa cha và con, sự bảo vệ công lý và quyền sống của con người. Cái mới của “Pheđrơ” là ông đã xây dựng nhân vật trung tâm rất phức tạp, đắm say, hối hận, ghen tuông, liều lĩnh... Racine trở lại với nghệ thuật sân khấu sau 12 năm im tiếng. Năm 1689, ông viết “Exter” và năm 1691, ông viết “Atali”, đưa bản đồng ca của thời kỳ cổ đại trở lại bi kịch. Có thể nói “Atali” là một tuyệt tác của bi kịch cổ điển Pháp. Khác với những bi kịch trước đó, “Atali” nêu lên vấn đề bạo lực của nhân dân để đập tan thế lực của bạo chúa; không khí đấu tranh căng thẳng; những giấc mơ hãi hùng đầy máu và nước mắt của nhân vật “Atali” bao trùm toàn vở kịch, gây nên những xúc động mãnh liệt và niềm tin vào sức mạnh của công lý thắng cường quyền.
Sự thống nhất sâu sắc trong các vở bi kịch của Racine là chủ đề đấu tranh giữa bạo chúa và nạn nhân, giữa tội ác và trái tim trong trắng, là tiếng trả lời “không” trước sức mạnh. Racine là nhà thơ của những ham mê, tình yêu và quyền lực. Mỗi vở kịch của Racine là một tìm tòi mới, tất cả bao trùm trong không khí thơ ca vừa khủng khiếp vừa dịu dàng. Những năm cuối đời, Racine sống yên ổn trong gia đình và làm tròn nhiệm vụ ngự sử nơi cung đình. Racine là người đã sáng tạo nên một bi kịch mới của nước Pháp, tiêu biểu cho bi kịch cổ điển: hành động kịch đơn giản, xung đột kịch dữ dội bên trong lòng người, có khả năng gây những xúc động mãnh liệt, thiết tha. Bi kịch của ông tuân theo một cách dễ dàng quy tắc “ba nhất” của chủ nghĩa cổ điển: hành động kịch hết sức tập trung, trong một ngày, ở một nơi. Bi kịch Racine là tiếng ca tha thiết của những tâm hồn trong sạch. Tuy nó có một giá trị thẩm mỹ lớn đầy chất thơ nhưng lại mang tính bi quan sâu sắc: kẻ mạnh và tàn ác bị đánh bại, song người vô tội bị hy sinh. Cái bi trong kịch của Racine gợi nên một niềm mong ước hạnh phúc xa xôi của con người, phản ánh những khát vọng của nhân dân trước sự tàn bạo của chế độ quân chủ chuyên chế ở nước Pháp cuối thế kỷ XVII. Racine là một nhà văn cổ điển, và ông đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc xây dựng văn học cổ điển rực rỡ của nước Pháp, đặc biệt trong việc khám phá thế giới những ham mê mãnh liệt của con người.
Có thể nói “Atali”, vở bi kịch cuối cùng của Racine là một di chúc đầy ý nghĩa của ông. Nội dung vở kịch tập trung mọi đặc trưng cơ bản của toàn bộ bi kịch Racine: cấu trúc đơn giản, hành động dồn dập, diễn biến ở bên trong lòng người, cuộc đấu tranh dữ dội giữa tàn bạo và chính nghĩa, tính thơ ca của bi kịch. “Atali” đã giết để thống trị và tiếp tục giết để tiếp tục thống trị. Khác với các bi kịch trước, ở đây quyền hành và tội ác gắn chặt với nhau. Cái mới cơ bản của “Atali” là ở chỗ bi kịch này đặt vấn đề giải quyết một tai họa xã hội bằng bạo lực của nhân dân - vũ khí duy nhất có khả năng tiêu diệt tội ác. Nhân dân trong bi kịch “Atali” được tượng trưng bằng hình tượng Giôat, một nhân vật mang tính anh hùng ca và bằng ban đồng ca, động lực của hành động kịch. Thông qua những câu thơ réo rắt, gợi những cảm xúc sâu xa của Racine, không khí phương Đông, nên thơ và khủng khiếp, âm u và bí ẩn, bao trùm toàn bộ vở kịch, tạo nên những hình ảnh tương phản, bóng tối và ánh sáng, hùng tráng và bi thảm.
Còn tác phẩm “Ăngđrômac”, một bi kịch năm hồi của Racine, được công diễn lần đầu ngày 18 tháng 11 năm 1667 tại Paris.
“Ăngđrômac” là vở kịch lớn đầu tiên của Racine. Với “Ăngđrômac”, Racine đã sáng tạo một loại bi kịch mới của nước Pháp - cốt truyện đơn giản, mọi sự kiện bên ngoài được giảm đến mức tối đa để tập trung vào những xung đột dữ dội giữa các dục vọng. Số phận của các nhân vật, không chỉ Piruyx, mà cả Ecmion và Orext, đều tuỳ thuộc ở thái độ Ăngđrômac; và cuộc đấu tranh diễn ra âm thầm mà quyết liệt giữa kẻ có thế lực đòi hỏi muốn được yêu và người phụ nữ yếu đuối, trong sạch từ chối tình yêu bạo lực ấy. Bi kịch “Ăngđrômac” thấm sâu những xúc động mạnh mẽ; nhân vật “Ăngđrômac” gây cho người xem một niềm thương cảm sâu xa: một người phụ nữ vô tội, một tâm hồn sáng như ngọc bị dồn ép; một người vợ trẻ bị cưỡng bức lấy con trai kẻ đã giết chồng mình; một người mẹ xót thương đứa con bị đe doạ giết chết. Đằng sau tấn bi kịch ấy, thấp thoáng hình ảnh một đất nước bị tàn phá, số phận những kẻ nô lệ không ai che chở, không thể tự vệ. Piruyx, hình ảnh đầu tiên của những bạo chúa trong bi kịch của Racine - những Nêrông và Atali, là kẻ nắm quyền lực trong tay và gây biết bao tội ác. Vở “Ăngđrômac” chìm đắm trong lo âu, sợ hãi và bao phủ một không khí thơ ca êm dịu, nhẹ nhàng, thấm thía tình thương và niềm hy vọng.