R
uxô (Jean - Jacques Rousseau) sinh năm 1712 tại Ganeva. Ông là một nhà văn, nhà triết học gốc Thụy Sĩ, người phát ngôn của nền dân chủ tư sản trong triết học ánh sáng Pháp.
Trước đây, dòng họ ông sinh sống ở làng Mônglêri, gần Paris, vì theo đạo Tin lành nên phải trốn tránh sang cư trú ở Ganeva từ năm 1549. Mẹ mất sớm, Ruxô sống với cha là thợ đồng hồ. Từ năm 1722 - 1724, ông được gửi đến ăn học tại nhà mục sư Lambecxiê ở Bôxây. Đó là quãng thời gian duy nhất trong đời ông được học hành với sự hướng dẫn của người khác. Năm 1726, ông học nghề thợ chạm và thường xuyên bị chủ xưởng chửi mắng đánh đập. Không chịu được cảnh bất công, áp bức, năm 1728 Ruxô bỏ Giơnevơ ra đi tìm cuộc sống tự do. Ông đã đi lang thang nhiều nơi, trải qua nhiều nghề: đầy tớ, gia sư, dạy âm nhạc, bị cưỡng bức từ bỏ đạo Tin lành để theo đạo Cơ-đốc. Tuy vậy cũng được một vài năm, ông sống tương đối dễ chịu ở Sacmet, nhờ sự giúp đỡ của bà Đơ Varen, một người phụ nữ hơn ông 12 tuổi và đã để lại những ấn tượng khá sâu sắc trong cuộc đời ông.
Năm 1741, Ruxô đến ở Paris. Năm 1742, ông đệ trình Viện hàn lâm khoa học “Dự án cải cách phương pháp ghi nhạc” nhưng thất bại. Năm 1743, ông làm thư ký cho Sứ quán Pháp ở Vơnidơ. Sau gần hai năm, thấy rõ những mục rỗng của giới quan chức, ông thất vọng quay về Paris. Năm 1746, Ruxô gặp và yêu Têredơ Lơvaxơ, cô gái nghèo làm nghề giặt giũ ở nhà trọ. Và từ đó sống với Têredơ cho đến trọn đời.
Năm 1749, Viện hàn lâm Đigiông mở cuộc thi với đề tài: “Sự tiến bộ của khoa học và nghệ thuật góp phần làm cho phong tục thuần khiết hay suy đồi?” Ông đã tham gia và viết tác phẩm dự thi: “Luận về khoa học và nghệ thuật” (1750), trong đó ông phủ nhận vai trò của khoa học và nghệ thuật. Tuy ý kiến có nhiều điểm cực đoan, nhưng rõ ràng đây là dịp để ông trút nỗi căm giận lên đầu giai cấp phong kiến và bọn giàu có. Bài luận văn đã làm cho dư luận xôn xao.
Năm 1752, ông sáng tác vở nhạc kịch “Thầy bói nông thôn”, sau tác phẩm kịch này, tư tưởng của nhà văn lại có dịp được bộc lộ trong bản luận văn thứ hai: “Luận về nguồn gốc và những cơ sở của sự bất bình đẳng giữa người với người” (1755). Đề tài này cũng do Viện hàn lâm Đigiông đưa ra. Ruxô chứng minh nguồn gốc của sự bất bình đẳng là chế độ tư hữu tài sản. Sự bất bình đẳng ấy là trái với tự nhiên. Chế độ phong kiến cũng là một hình thức của sự bất bình đẳng; con người đã sinh ra nó thì con người cũng có thể phá nó đi. Sau khi viết xong tác phẩm, Ruxô quay trở về Giơnevơ và trở lại với đạo Tin lành. Ông dự định về ở hẳn tại thành phố quê hương cho đến trọn đời, nhưng ý định ấy không thực hiện được.
Năm 1758, xuất hiện “Thư gửi Đalambe” nêu lên những tác hại của sân khấu. Tác phẩm này đánh giấu sự đoạn tuyệt của Ruxô với phái Bách khoa toàn thư. Năm 1761, tiểu thuyết “Guyly hay nàng Êlôidơ” mới ra đời. Đây là tác phẩm được coi là tiêu biểu của dòng văn học tình cảm chủ nghĩa xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ XVIII. Với nhan đề gợi lại câu chuyện yêu đương giữa hai thầy trò Abêla và Êlôidơ là những nhân vật có thật trong thế kỷ XII, “Giuyly hay nàng Êlôidơ” mới mô tả mối tình đằm thắm giữa chàng Xanh-Prơ, một gia sư nghèo thuộc đẳng cấp thứ ba và cô học trò xinh đẹp của chàng thuộc dòng dõi quý tộc là nàng Giuyly. Tiểu thuyết gồm 163 bức thư của đôi tình nhân trao đổi với nhau hoặc với một vài người bạn thân trong khung cảnh thiên nhiên hùng tráng và nên thơ của miền hồ Giơnevơ và vùng núi Vale trên đất nước Thuỵ Sĩ.
Trong hoàn cảnh thế kỷ XVIII, tình yêu của Giuyly và Xanh-Prơ có ý nghĩa chống phong kiến, nó báo hiệu những thành kiến phân biệt đẳng cấp và coi khinh những người nghèo khổ của tầng lớp quý tộc đã bị rạn nứt và sẽ đi đến chỗ sụp đổ không thể tránh khỏi. “Giuyly hay nàng Êlôidơ” mới đặt vấn đề giải phóng con người về phương diện tình cảm. Trong tác phẩm, Ruxô đem đối lập đạo đức tự nhiên với đạo đức phong kiến. Tuy nhiên cách giải quyết của ông không triệt để. Nhà văn bênh vực tình yêu tự do của Giuyly và Xanh-Prơ, nhưng đồng thời lại cũng muốn bảo vệ hạnh phúc của gia đình Vônma. Đó là mâu thuẫn không giải quyết được trong tư tưởng của ông. “Giuyly hay nàng Êlôidơ” mới đem lại cho văn học Pháp một yếu tố mới, đó là tình cảm. Cuốn tiểu thuyết đẫm nước mắt, nhân vật khóc nhiều, nhưng tiếng khóc trong tác phẩm của Ruxô nói lên được tâm trạng khao khát giải phóng tình cảm của những người bình thường sống dưới chế độ phong kiến, nhất là phụ nữ. Trong thời đại của Ruxô, cuốn tiểu thuyết này có sức truyền cảm mạnh mẽ. Giữa tác giả và nhân vật, giữa nhân vật và người đọc có sự đồng cảm sâu sắc. Tác phẩm có tiếng vang rộng rãi ở châu Âu và có ảnh hưởng đến trào lưu văn học lãng mạn xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX.
Luận điểm triết học bao trùm nhiều tác phẩm chính của Ruxô là sự đối lập giữa con người tự nhiên và con người xã hội. Khi mới ở trong bàn tay tạo hoá đi ra, con người lương thiện, tự do và sung sướng; xã hội làm cho con người trở thành độc ác, nô lệ và cực khổ. Trong hai bản luận văn, tác giả đã đề cập đến luận điểm ấy một cách khái quát. Đến “Giuyly”, Ruxô đi sâu vào khía cạnh đối lập giữa đạo đức tự nhiên và đạo đức phong kiến. Giuyly và Xanh-Prơ yêu nhau chân thành. Nhưng Nam tước Đêtănggiơ, cha của Giuyly, một kẻ mang nặng thành kiến quý tộc đã kịch liệt phản đối mối tình ấy chỉ vì Xanh-Prơ thuộc tầng lớp bình dân. Cuốn tiểu thuyết mở đầu cho trào lưu chủ nghĩa tình cảm trong văn học Pháp và ghi một mốc quan trọng trong lịch sử văn học châu Âu.
Trong năm 1762, ông tiếp tục cho ra đời hai tác phẩm là “Khế ước xã hội” và “Êmin hay về giáo dục”. Tác phẩm trước là một luận văn chính trị. Tác phẩm sau nửa có tính chất tiểu thuyết, nửa có tính chất luận văn giáo dục.
“Khế ước xã hội” là tác phẩm nổi tiếng của Ruxô. Theo Ruxô, thì xã hội và nhà nước sinh ra do sự thỏa thuận giữa các cá nhân, vì lợi ích chung. Trong “Khế ước xã hội” đó, mỗi người chịu từ bỏ một phần chủ quyền của mình để giao cho những đại biểu do mình bầu ra. Những người đại biểu này cai trị theo danh nghĩa của những người bầu ra họ. Vì thế chủ quyền không thể thuộc về một cá nhân (vua chúa), mà là của nhân dân. Học thuyết về chủ quyền của nhân dân đã là cơ sở cho chế độ cộng hòa dân chủ của những người tư hữu nhỏ.
Ruxô khẳng định chế độ tư hữu lớn gây ra sự bất bình đẳng xã hội và sự áp bức của người giàu đối với người nghèo, người mạnh đối với người yếu, do đó cần phải hạn chế chế độ tư hữu lớn và bảo vệ những người tư hữu nhỏ. Tư tưởng của Ruxô phản ánh tâm trạng của các tầng lớp tiểu tư sản thành thị và của quần chúng nông dân muốn thủ tiêu chế độ phong kiến, nhưng lại sợ những tai họa của chủ nghĩa tư bản và mơ ước ngây thơ rằng có thể tránh được những tai họa đó bằng cách hạn chế chế độ tư hữu lớn, duy trì chế độ tư hữu nhỏ.
Với “Êmin hay về giáo dục”, một lần nữa, luận điểm triết học về con người tự nhiên lại được đặt ra. Ruxô vạch đường lối một nền giáo dục mới thoát ly hẳn ảnh hưởng của xã hội lúc đó, một nền giáo dục thấm nhuần tinh thần dân chủ và tự do, dựa trên cơ sở yêu thương trẻ em và lòng tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Chính quyền phong kiến và nhà thờ bắt đầu đàn áp Ruxô. “Êmin” bị kết án, bị thiêu huỷ cả ở Pháp và Thuỵ Sĩ. Bản thân nhà văn bị truy nã, phải trốn tránh khắp nơi. Mãi đến 1770, ông mới trở về Paris, sống bằng nghề chép thuê nhạc. Những tác phẩm cuối cùng của ông là “Những điều bộc lộ” (1766 - 1770), “Những mơ mộng của một người dạo chơi cô độc” (1772 - 1778).
Tư tưởng tiến bộ của Ruxô đã có tác dụng động viên nhân dân Pháp tiến tới cách mạng 1789. Ông còn là một trong số những nhà văn đã sớm nhìn thấy bản chất xấu xa của giai cấp tư sản. Tuy nhiên, ông chỉ chủ trương hạn chế quyền tư hữu. Theo ông, xã hội lý tưởng là xã hội trong đó chỉ có toàn những người tiểu tư hữu.