S
chiller (Johann Christoph Friedrich Schiller) là một nhà thơ, nhà văn và triết gia người Đức. Ông được xem như là nhà viết bi kịch có tầm quan trọng nhất và cùng với Goethe, Wieland và Herder là người đại diện quan trọng nhất của phong trào Văn học cổ điển Weimar. Ông được mệnh danh là “Shakespeare của văn học Đức”, ngoài ra còn được tôn vinh là: “nhà thơ triết học“, “triết gia chính trị“, “nhà thơ của tự do”…
Schiller sinh ngày 10 tháng 11 năm 1759 tại Marbach (Wurtemberg), là con của một bác sĩ giải phẫu trong quân đội.
Lúc còn nhỏ, ông theo học ở một trường La tinh. Năm 1773 - 1780, theo lệnh Công tước Cac Oighen, ông vào học Trường thiếu sinh quân (sau này là Trường Đại học Cac) ở Stutgac. Tại đây, lúc đầu ông học khoa Luật, từ năm 1776 ông chuyển sang khoa Y. Năm 1780, ông tốt nghiệp đại học với luận văn “Về mối quan hệ giữa mặt sinh vật và mặt tinh thần ở con người”, sau đó ông vào làm y tá trong quân đội với đồng lương rất eo hẹp. Khi còn đi học, bất chấp mọi cấm đoán, ông đã say mê đọc Lexinh, Shakespeare và Ruxô. Năm 1780, khi ông sáng tác vở kịch đầu tay “Những tên cướp” đã bị Công tước Cac Oighen ra lệnh bắt giam và cấm hoạt động văn học. Năm 1782, ông bỏ trốn đến vùng núi Thuyrinhghen, tại đây ông đã sáng tác vở bi kịch “Âm mưu và tình yêu”. Năm 1785, ông đến Laixich, viết xong vở kịch thơ “Đông Caclôx” và bài thơ nổi tiếng “Gửi niềm vui”. Năm 1787, ông đến Vaima, yêu ngay một phụ nữ đã có chồng và một con. Mối tình này tuy chẳng đi đến đâu nhưng cũng là một cuộc cách mạng tư tưởng trong ông, khi nhận thấy rõ những thói hư tật xấu của mình và người đời. Ngoài ra lúc này ông còn quen và chơi thân với Gơt, người đang được xem là đỉnh cao của thi văn thế giới thời bấy giờ, Gơt rủ ông nghiên cứu thêm về sử học, triết học và luật học.
Tháng 5 năm 1789, được sự giới thiệu của Gơt, ông được mời làm giáo sư sử học tại Trường Đại học Yêna. Thời gian này Schiller lần lượt cho ra đời những bi kịch hết sức giá trị: “Wallenstein”, “Chiếc tất tay”, “Trinh nữ ở phố Orléans”, “Wilhelm Tell”, “Chiến đấu với Rồng”, “Lời Chuông”… Lại thêm nhiều tập thơ, sách sử, sách nghiên cứu nghệ thuật rất được yêu mến.
Từ năm 1791, ông bị lao phổi, lúc này ông bắt đầu nghiên cứu triết học Căng và chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng này. Năm 1792, ông được nhận là công dân danh dự của nước cộng hoà Pháp. Từ năm 1794, ông cộng tác chặt chẽ với Gơt, ra tờ báo văn học Hôren, cùng viết “Những câu thơ châm biếm” (1796). Năm 1799, ông chuyển đến ở hẳn Vaima, hoàn thành vở kịch bộ ba “Valenstainơ”, sau đó ông sáng tác rất nhiều vở kịch lớn khác như: “Maria Xtuart”, “Trinh nữ ở phố Orléans”, “Người vị hôn thê ở Mexina”, “Vinhem Ten”, dịch “Macbet” của Shakespeare, “Pheđrơ” của Raxin. Năm 1802, ông được phong quý tộc.
Hoạt động văn học của Schiller rất đa dạng, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là những sáng tác kịch bản và nghệ thuật diễn kịch. Với ông, sân khấu “phải là tấm gương phản ánh cuộc sống”, có nhiệm vụ giáo dục công chúng, phải “trả thù cho nhân loại đã bị xúc phạm”. Quan điểm đó được thể hiện ngay trong vở “Những tên cướp”, một trong những tác phẩm điển hình của văn học “Bão táp và Xung kích”, một vở kịch lên án chế độ phong kiến đã vùi dập nhân phẩm, đẩy con người vào những tội ác. Tiếp theo, năm 1783, ông sáng tác vở bi kịch cộng hoà “Cuộc nổi loạn của Phiexcô ở Giên”, miêu tả cuộc đấu tranh nhằm duy trì chính thể cộng hoà chống lại nền thống trị độc tài của quý tộc. Tác phẩm cũng được viết bằng ngôn ngữ của “Bão táp và Xung kích” hừng hực tinh thần chiến đấu. Năm 1784, vở bi kịch tư sản “Âm mưu và tình yêu” ra mắt công chúng (5 lần được quay thành phim vào các năm 1907, 1911, 1920, 1922 và 1959 và cũng được người xem nhiệt liệt hoan nghênh như “Những tên cướp”). Đây là một tác phẩm đề cập đến một chủ đề hiện đại, là vở kịch đấu tranh quyết liệt nhất chống lại chế độ phong kiến cát cứ. Thông qua nhân vật Luidơ tác giả khẳng định sẽ đến một thời kỳ không còn có sự khác biệt giai cấp trong xã hội. Nhờ xây dựng được những tính cách nhân vật điển hình, tác giả đã dựng được một bức tranh hiện thực rất sinh động về xã hội Đức giữa thế kỷ XVIII. Ănghen gọi tác phẩm này là “vở kịch Đức đầu tiên có khuynh hướng chính trị”. Khác với những tác phẩm văn học cùng thời, Schiller không dùng chất liệu lịch sử, mà tái hiện một hiện thực sinh động của nước Đức phong kiến cát cứ giữa thế kỷ XVIII, do đó khi ra đời, vở kịch có tính thời sự sâu sắc. Tác giả đã khắc phục chủ nghĩa anh hùng cá nhân và hành động vô Chính phủ của “Những tên cướp”, vì vậy sức phê phán chế độ phong kiến của tác phẩm rất sâu sắc và có tính chất cách mạng. Đoạn đối thoại giữa Minpho và người đầy tớ già có tác dụng tố cáo mãnh liệt chính sách bán thanh niên ra nước ngoài làm bia đỡ đạn mà bọn phong kiến Đức lúc bấy giờ vẫn thường làm. Một thành công nữa của Schiller là đã khắc họa được những tính cách điển hình của thời đại. Chỉ với một vài nét bút, ông đã vẽ nên những con người vừa có cá tính sinh động, vừa có ý nghĩa khái quát lớn. Phôn Vante là một tên trùm phong kiến độc ác và thô bỉ. Vuôc là kẻ gian hiểm, ti tiện. Thị vệ trưởng Phôn Canbơ ngu dốt và hèn nhát. Phecđinan cũng là một thanh niên nổi loạn như Cac Mo trong “Những tên cướp”, đứng lên chống lại chính giai cấp xuất thân của mình, nhưng thái độ đấu tranh của Phecđinan kiên quyết và nhất quán hơn. Chàng nhìn rõ hơn bản chất của giai cấp phong kiến. Nhạc sĩ Mile tiêu biểu cho giai cấp tư sản Đức thế kỷ XVIII, vừa căm ghét bọn quý tộc thống trị lại vừa sợ chúng.
“Âm mưu và tình yêu” là một tác phẩm mẫu mực về nghệ thuật bi kịch Đức. Hành động kịch rất chặt chẽ, phát triển hợp lô gích, không có chi tiết thừa và rắc rối, phức tạp. Xung đột kịch rất gay gắt, những tuyến nhân vật đối lập đấu tranh với nhau quyết liệt. Ngôn ngữ kịch cô đọng, có tính kịch cao độ, luôn luôn thúc đẩy hành động phát triển.
Đến năm 1787, vở kịch thơ đầu tiên của Schiller, “Đông Caclôx”, Hoàng tử Tây Ban Nha ra đời chứa đựng những tư tưởng chính của phong trào Ánh sáng: chủ nghĩa nhân đạo tư sản, ảo tưởng giáo hoá bọn vua chúa thống trị, biểu hiện qua những câu thơ tuyệt đẹp. Sự vững vàng nghệ thuật càng bộc lộ rõ hơn trong kịch bộ ba “Vanlenstainơ”, đây là một bức tranh rộng lớn về cuộc chiến tranh 30 năm (1618 - 1648), trong đó quần chúng nhân dân xuất hiện qua những tính cách điển hình. Nhân vật Vanlenstainơ được xây dựng thành một kẻ nổi loạn tiêu biểu cho ý chí của nhân dân, đấu tranh vì quyền lợi dân tộc chống lại bọn phong kiến xâm lược. Vở bi kịch lãng mạn “Trinh nữ ở phố Orléans” (sáng tác năm 1801) phản ánh cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Pháp; nhân vật trung tâm tượng trưng cho đông đảo nhân dân lao động, đấu tranh xuất phát từ tình cảm quốc gia và ý thức trách nhiệm trước dân tộc. Nhưng với “Vinhem Ten” thể hiện là một đỉnh cao trong nghệ thuật kịch của Schiller. Với lời thơ giản dị, tươi sáng, vở kịch đã miêu tả cuộc đấu tranh giải phóng đất nước chống lại ách ngoại xâm. Tính chất hồn nhiên và giản dị làm cho tác phẩm trở thành một vở kịch dân gian được người xem các thế hệ nhiệt liệt hoan nghênh. Nhân vật trung tâm là một tập thể những người lao động bình thường. Tác phẩm là câu trả lời của tác giả đối với cách mạng Pháp: quyền của nhân dân đấu tranh chống lại bọn thống trị để bảo vệ các quyền của con người, là cụ thể hoá những tư tưởng của Ruxô. So với những vở kịch kể trên thì hai bi kịch Maria Xtuart (1801, dựng thành phim vào những năm 1913, 1921, 1927 và 1959) và “Người vị hôn thê” ở Mexina (1803) ít thành công hơn, do tác giả đánh giá sai sự thật lịch sử và rơi vào tình trạng trừu tượng hoá một cách duy tâm chủ nghĩa.
Schiller là một văn hào Đức vĩ đại, ông đã trọn đời đem nghệ thuật phục vụ cuộc đấu tranh của những người lao động bình thường chống lại thế lực phong kiến thống trị tàn bạo; nói như Biêlinxki, ông là “viên công tố của toàn nhân loại, đã kêu gọi loài người cùng hướng phía trời cao”; và như nhà thơ Hainơ đánh giá, ông đã “đập tan nhà ngục Baxti tinh thần và tập hợp nhân loại lại thành anh em một nhà dưới mái đền của Tự do...”.