F
jodor Dostojevski sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821 tại Moscow. Cha Dostojevski là một bác sĩ quân y nổi tiếng nghiêm khắc và độc đoán. Năm Dostojevski lên 10 tuổi, gia đình ông chuyển về sống ở nông thôn, một vùng quê nghèo nàn của nước Nga. Mặc dù còn nhỏ tuổi, song năm tháng sống ở đây đã giúp Dostojevski nhận ra được mặt trái của xã hội. Năm 1834, ông được bố mẹ gửi vào học ở trường nội trú. Ngôi trường này có nhiều giáo viên giỏi giảng dạy và môn văn học rất được trú trọng. Sau khi mẹ mất, cha của Dostojevski gửi con trai vào học ở Trường Công binh tại St. Petersburg. Ra trường, ông làm kĩ sư bản đồ, nhưng ông nhận thấy công việc đó không phù hợp với mình và chưa đầy một năm sau ông đã quyết định thôi việc. Năm 1844, Dostojevski bắt đầu bước vào nghề viết văn. Mặc dù phải đương đầu với cuộc đời đầy rẫy những khó khăn, thách thức, nhưng Dostojevski luôn lạc quan yêu đời, yêu nghề và say mê với lí tưởng mà mình đã chọn.
Năm 1845, ông hoàn thành tác phẩm truyện vừa đầu tiên với nhan đề “Những kẻ bất hạnh”. Nội dung truyện miêu tả tâm lí của những người thuộc tầng lớp hạ lưu ở thành thị thời Nga hoàng. Tác phẩm được các tầng lớp nhân dân nồng nhiệt đón nhận và cũng từ đó, tên tuổi của ông đã được nhiều người biết đến.
Năm 1848, Dostojevski gia nhập nhóm Petrashevsky - một hội cấp tiến chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa không tưởng của Fourier. Mục đích của nhóm này là xây dựng một nước Nga bình đẳng và bác ái. Khi các cuộc cách mạng nổ ra ở châu Âu, Nga hoàng Nicolas I vì quá lo lắng nên đã thẳng tay đàn áp nhóm Petrashevsky. Tháng 4 năm 1849, nhóm Petrashevsky bị bắt, và 21 người của nhóm bị kết án tử hình, trong đó có cả Dostojevski, lúc này ông mới 28 tuổi. Ngày 2 tháng 12 năm 1849, ông và những người đồng đảng bị đưa ra quảng trường Semyonnovskaya ở St. Petersburg hành hình. Tại đây, trong giờ phút căng thẳng chờ chết, án tử hình của các tử tội được đổi thành án khổ sai lưu đày đi Siberi. Sau khi mãn hạn tù, ông lại phải tham gia quân ngũ suốt 5 năm. Năm 1859, Dostojevski trở về St. Petersburg và tiếp tục sự nghiệp viết văn của mình. Dường như nỗi khát khao được viết bao năm bị kìm nén đến bây giờ mới có cơ hội bộc lộ. Thời gian này, những tác phẩm nổi tiếng của ông lần lượt ra đời. Năm 1861, cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên của ông “Những kẻ bị áp bức và bị sỉ nhục” ra đời. Cùng năm đó, cuốn “Bút kí từ ngôi nhà chết” cũng được ra mắt bạn đọc. Đây là hai tác phẩm lớn đầu tiên miêu tả xác thực về cuộc sống khổ sai, gợi lên kinh nghiệm đắng cay và khủng khiếp của một người từng “đi qua cõi chết” ở Siberi. Nguồn cảm hứng chủ đạo trong những tác phẩm của ông vẫn là tầng lớp dân nghèo và một St. Petersburg u ám, lạnh lùng và tàn nhẫn.
Năm 1866, ông cho ra đời tác phẩm “Tội ác và trừng phạt” của Dostojevski. Đây là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, đánh dấu sự đoạn tuyệt của Dostojevski với những nhóm cấp tiến và tự do. Số phận các nhân vật được ông miêu tả đã làm rung động bao trái tim người đọc trên khắp thế giới qua nhiều thế hệ.
Tiếp đó, các tiểu thuyết lớn khác của Dostojevski lần lượt ra đời như “Con bạc” (1866), “Lũ người quỷ ám” (1871 - 1872), “Gã khờ” (1868), “Gã thiếu niên” (1875) cùng nhiều truyện vừa và các bài báo. Năm 1879, ông viết tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”. Tác phẩm miêu tả quá trình suy sụp của một gia đình quý tộc, thể hiện rõ nét những mâu thuẫn gay gắt trong nhân sinh quan của Dostojevski, qua đó, ông cũng đưa ra những vấn đề đạo lí, triết học phổ biến đương thời. Dostojevski coi đây là tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp văn chương của mình. Tiếc thay, tác phẩm chưa hoàn thành thì ngày 8 tháng 1 năm 1881, ông qua đời đột ngột vì bệnh xuất huyết ở tuổi 60, giữa lúc tài hoa đang nở rộ và trên đỉnh cao vinh quang cuộc đời.
Suốt đời mình, Dostojevski luôn bị sự nghèo đói và những bi kịch đời tư đe doạ. Thỉnh thoảng những cơn động kinh lại dở chứng hành hạ ông. Sau khi người vợ cả qua đời, ông kết hôn với cô thư kí trẻ hơn mình 26 tuổi, người đã mang lại ít nhiều an ủi cho ông.
Nhưng cuộc sống nghèo nàn, khổ cực không làm Dostojevski nao núng, ông vẫn làm việc không ngừng, cần mẫn chép đi chép lại những bản thảo, gọt giũa từng chữ một cho tới lúc hài lòng mới thôi. Tuy Dostojevski công bố không nhiều tác phẩm, nhưng ông để lại rất nhiều di cảo. Các bản thảo với nhiều phương án và những sổ tay ghi chép đã chiếm một phần không nhỏ trong toàn bộ sự nghiệp của ông.
Đến nay, tác phẩm của Dostojevski đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau và có ảnh hưởng rất lớn đến văn học thế giới. Các nhà tội phạm học đánh giá rất cao tính chính xác về mặt khoa học trong việc miêu tả tâm lí những nhân vật bệnh hoạn của Dostojevski. Khả năng phân tích tâm lí chính xác và sâu sắc đã đem lại cho Dostojevski một vị trí độc đáo trong văn học Nga và thế giới. Maxim Gorki đánh giá Dostojevski ngang hàng với Shakespeare - thiên tài văn học Anh thời Phục Hưng. Có thể coi Dostojevski là một nghệ sĩ lớn, một nhà tâm lí học, một nhà văn xuất sắc của thế giới nói chung và nước Nga nói riêng.