X
écvantéc (Mighel De Xervantex Xaavedra), là nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất Tây Ban Nha. Ông sinh ngày 26 tháng 9 năm 1547 trong một gia đình quý tộc nghèo ở thị trấn Ancala đơ Hênarex gần thủ đô Mađrít. Ông là một nhà tiểu thuyết lừng danh châu Âu thời Phục Hưng, và là niềm tự hào của đất nước Tây Ban Nha.
Cha của Xécvantéc là một thầy lang nghèo, khi còn nhỏ Xécvantéc thường cùng cha lang thang hết làng này sang làng khác, hết lâu đài này sang trang trại khác để chữa bệnh kiếm tiền. Tuy cuộc sống vất vả nhưng ông luôn ý thức được giá trị đích thực của cùng mỗi con người, vì vậy khi đi khám bệnh cho những người giàu có, ông đều mượn sách vở cho cậu con trai của mình nghiên cứu. Năm lên 14 tuổi, Xécvantéc đã nổi tiếng khắp thị trấn về khả năng đọc sách và về kiến thức mà cậu hiểu biết. Lúc này, Xécvantéc cũng bắt đầu biết làm thơ.
Năm 1566, gia đình Xécvantéc chuyển đến sống ở thủ đô Mađrít và ông theo học trường của một học giả nổi tiếng theo dòng chủ nghĩa nhân văn của Mađrít. Mùa đông năm 1569, Xécvantéc đến Rôma theo dòng tôn giáo và chính nơi đây ông đã viết không ít bài thơ ca ngợi đất nước Italia. Đạo giáo chủ Rôma sau khi gặp Xécvantéc đã hết lời ca ngợi và thể hiện rõ thái độ thiện chí đối với ông. Thấy chàng trai khoẻ mạnh và thông minh nên khi trở về Italia, đức Hồng y đã xin đưa Xécvantéc đi theo làm thư ký.
Tại La Mã, trong thư viện của Accaviva, Xécvantéc đã đọc rất nhiều tài liệu và từ đó ông được tiếp xúc với tư tưởng và nghệ thuật của các nhà Phục Hưng Italia, những người tiên phong của chủ nghĩa Phục Hưng ở châu Âu.
Năm 1570, được sự giúp đỡ của đại giáo chủ Rôma, Xécvantéc được gia nhập quân đội. Việc này đối với Xécvantéc là một điều cực kỳ may mắn, bởi theo quan niệm của người Tây Ban Nha lúc đó thì được tham gia quân đội Italia là hành động thể hiện sự hiếu trung đối với vương thất và là cách để đạt đến vinh hoa phú quý.
Vào nửa đầu thế kỷ XVI, Tây Ban Nha là một cường quốc quân sự số một ở châu Âu. Tháng 5 năm 1571, trong một trận đánh của cuộc chiến tranh giữa những quốc gia Hồi giáo và các nước châu Âu, Xécvantéc đã bị thương và bị tàn phế vĩnh viễn cánh tay trái.
Năm 1575, khi 28 tuổi, ông giải ngũ. Không may trên đường về quê, Xécvantéc bị bọn hải tặc bắt cóc và đòi tiền chuộc. Do gia đình không có đủ tiền chuộc nên ông đã bị giam cầm ở Ladatka gần 5 năm trời. Mãi đến năm 1580, Xécvantéc mới được trả tự do. Sau khi trở về quê (1580), cuộc sống của ông lâm vào cảnh khó khăn. Trong lúc thiếu thốn, Xécvantéc đã quyết định quay lại với nghề viết văn của mình. Ông đã tìm đủ mọi cách để kiếm sống như chép thuê kịch bản và làm theo rồi đọc thơ của các chợ phiên. Thu nhập chẳng đáng là bao nên ông lại xung vào đời lính.
Năm 1584, Xécvantéc lấy vợ. Cuộc sống vẫn chẳng khấm khá hơn. Vậy là ông lao vào sáng tác.
Năm sau, tập truyện lấy đề tài thôn dã “Gatalê” của ông ra đời. Mặc dù ý tưởng của truyện thể hiện khát vọng tự do trong cuộc sống và trong tình yêu, nhưng do nghệ thuật viết còn non nớt nên “Gatalê” nhanh chóng rơi vào quên lãng. Xécvantéc lại quay sang viết kịch. Hơn 20 vở kịch của ông đem đến các gánh hát và đoàn kịch để bán, cũng chẳng mấy ai mua, vì lý do tương tự như truyện “Gatalê”.
Thất bại, Xécvantéc kiếm sống bằng việc tham gia vào nhóm thầu việc mua bán lương thực cho quân đội. Công việc thua lỗ, ông phải ngồi tù (1597). Ra tù, còn phải làm công việc đi thu thuế và đòi nợ thuê cho những người giàu có.
Cố nhiên, công việc này không đơn giản vì số người muốn trốn thuế thường vẫn nhiều. Nhưng bù vào sự cực nhọc vất vả đó, ông có dịp cưỡi ngựa rong ruổi qua nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều hạng người, chứng kiến nhiều sự nhố nhăng kệch cỡm và cả sự đớn đau thua thiệt của người đời, đó chính là những chuyện rất hữu ích với một nhà văn.
Thời gian ở tù, Xécvantéc có dịp suy ngẫm, đúc kết được nhiều điều. Ông thường nghĩ đến mối quan hệ giữa ước vọng và khả năng thực tế hoàn cảnh thực tế, so sánh về sự có mặt tích cực và vô tích sự của một số loại người khác nhau như quý tộc và nông dân giữa buổi xã hội đang có nhiều biến động... Và ông bắt tay vào viết và cuốn “Truyện Nhà hiệp sĩ Đônkihôtê thuộc dòng Hiđangô xứ Man tra” của ông ra đời.
Về cuối đời, Xécvantéc vẫn sống trong nghèo khổ, sức khoẻ bị giảm sút, ông chỉ viết thêm được cuốn “Cuộc chu du của Pecdilek và Xơdixmanda”. Xécvantéc đã sống một cuộc đời đầy gian truân. Như được chắt ra từ đó, tác phẩm của ông đã thể hiện tinh thần nhân đạo và có ý nghĩa khuyến cáo lâu dài. Phẩm chất cao đẹp này trong tư tưởng nghệ thuật của Xécvantéc được thể hiện tập trung nhất trong tác phẩm “Truyện nhà Hiệp sĩ Đôn kihôtê thuộc dòng Hidangô xứ Man tra” mà chúng ta quen gọi là Đôn Kihôtê.
Tháng 1 năm 1605, phần đầu của tác phẩm kiệt xuất “Đônkihôtê” được xuất bản, 10 năm sau phần cuối của tác phẩm này mới được hoàn thành. Khi đó, Xécvantéc đã gần 68 tuổi. Tác phẩm “Đônkihôtê” không những được đông đảo độc giả trên toàn thế giới đón nhận mà còn được phát hành ở nhiều quốc gia với nhiều thứ tiếng khác nhau. Theo một số học giả đánh giá thì số lượng tác phẩm này được xuất bản chỉ đứng sau sách “Kinh thánh”.
Ngày 23 tháng 4 năm 1616, Xécvantéc qua đời sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết dài cuối cùng của mình. Cả cuộc đời khó khăn nghèo khổ nhưng sau khi Xécvantéc chết đi, tiếng thơm của ông vẫn được lưu danh muôn đời. Cả cuộc đời Xécvantéc đã trải qua muôn vàn khó khăn, những khó khăn mà ông phải trải qua có thể là sự tuyệt vọng đối với người khác nhưng với Xécvantéc, ông không hề bị khuất phục mà ngược lại còn đấu tranh với cuộc sống để giành lấy thắng lợi vẻ vang.