V
ictor Hugo sinh ngày 26 tháng 2 năm 1802 tại Besancon, một thành phố nhỏ nằm ở phía Đông của nước Pháp. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng của Pháp. Cha ông là một thượng uý thuộc quân đoàn Rhein của Napoleon, có tư tưởng tiến bộ, ủng hộ cách mạng, nhưng mẹ ông lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng bảo hoàng rất nặng nề. Thuở nhỏ, Hugo thường theo mẹ nhọc nhằn khắp nước Pháp, nước Ý, Tây Ban Nha. Trên đường đi, những vết thương và những tai họa do chiến tranh gây ra, làm cho dân chúng bần cùng, đau khổ đã lưu lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cậu bé.
Trong thời gian đi học, Hugo ảnh hưởng tư tưởng tự do mà người thầy truyền dạy. Ông ham mê các môn học nghệ thuật và sùng bái Chateaubriand.
Năm 1817, Hugo tham gia phong trào làm thơ do Viện Hàn lâm Pháp tổ chức. Lần đầu tiên Hugo viết một bài thơ dài trên 300 câu và được khen ngợi rất nhiều. Năm 1819, Hugo học luật tại Đại học Paris nhưng vẫn đam mê sáng tác thơ. Năm đó, ông tham gia cuộc thi thơ do Học viện Toulouse tổ chức và giành được phần thưởng hoa Tulipes vàng.
Năm 1820, Hugo lại nhận được phần thưởng về văn học nên Học viện Toulouse đã mời ông làm viện sĩ trẻ tuổi nhất.
Năm 20 tuổi, Hugo đã đạt được nhiều điều mà bao tài năng khác phải ao ước. Ngay từ những ngày chập chững vào làng văn, ông đã tự tạo dựng cho mình tiếng tăm và còn được gọi là thần đồng. Trong nhóm “Nàng thơ Pháp”, gồm nhiều văn sĩ lịch duyệt lúc bấy giờ, Hugo là người có nhiều ý tưởng về thơ ca nhất. Cùng với niềm ham thích sáng tác và khả năng thiên bẩm, nỗ lực làm việc kiên cường, ông đã tạo nên nhiều tác phẩm xuất sắc.
Năm 1824, Hugo cho ra đời tập thơ “Tập tân tụng ca”. Năm 1826, Hugo lại cho ra đời “Tụng thi” và “Trường ca”, chứa đựng nhiều cách tân mang tính đột phá. Ban đầu, Hugo không cảm thấy hứng thú đối với trào lưu văn học mới là chủ nghĩa lãng mạn, thậm chí ông không thừa nhận trên văn đàn còn có sự phân biệt giữa chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn. Mãi đến năm 1826, ông mới ủng hộ chủ nghĩa lãng mạn một cách tích cực, và cũng từ lúc này, ông bắt đầu chuyển từ lập trường bảo hoàng chuyển sang lập trường tự do của giai cấp tư sản.
Năm 1827, Hugo viết vở kịch thơ “Cromwell”. Điều đáng nói là Hugo đã viết lời tựa dài cho vở kịch nhằm trình bày quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn. Lời tựa trở thành cương lĩnh, tuyên ngôn quan trọng của chủ nghĩa lãng mạn.
Năm 1829, Hugo viết tập thơ “Những bài ca phương Đông” miêu tả cuộc chiến tranh giành độc lập của người Hy Lạp. Thành tựu về mặt ngôn ngữ đã chứng tỏ phong cách độc lập và lãng mạn của Hugo. Năm 1831, tập “Lá thu” ra đời, một lần nữa cùng với “Những bài ca phương Đông” mở ra hai nguồn chính của dòng thác thơ Hugo. “Những bài ca phương Đông” là thế giới rực rỡ bên ngoài, bát ngát thì “Lá thu” chính là bằng chứng cho ta thấy thi ca mang trong mình cái riêng tư nhất.
Không chỉ có thơ, Hugo bắt đầu sáng tác những tiểu thuyết có tiếng, mở đầu là “Ngày cuối cùng của một tử tù”.
Từ năm 1832, Hugo cho ra đời tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” lấy bối cảnh nước Pháp vào thế kỷ XV. Trong tác phẩm, Hugo đã dùng thủ pháp so sánh để tạo nên hai nhân vật: Frollo và Quasimodo. Một người có ngoại hình xấu xí nhưng tâm tính lương thiện, người kia tuy ngoại hình đạo mạo uy nghiêm nhưng tâm địa độc ác. Hình ảnh của Frollo là hình ảnh của giáo hội thời trung cổ. Nó không còn phù hợp với tinh thần nhân đạo cao đẹp mà Quasimodo là hình mẫu. Sau khi tiểu thuyết được xuất bản có người gọi đó là tác phẩm kiểu Shakespeare, nhưng trong tiểu thuyết, cái đẹp và cái xấu cuối cùng đều bị huỷ diệt. Hugo đã nói rõ với độc giả đây là tiểu thuyết được viết trên tư tưởng định mệnh.
Nước Pháp vào thập niên 30, 40 của thế kỷ XVIII đã có một số tiểu thuyết lấy cuộc sống của người dân làm đề tài. Những tiểu thuyết đó đã bắt rễ vào đời sống hiện thực, phản ánh diện mạo chân thật của xã hội, đã vứt bỏ những lời lẽ cũ rích ca ngợi công đức của giới thống trị để tô điểm cho một xã hội thái bình. Từ lâu Hugo cũng đã muốn viết một bộ tiểu thuyết dài nói lên những bất hạnh, nghèo khổ đầy tai ương của nhân dân, những cảnh sống khắc sâu vào tâm khảm chú bé Hugo trong thời gian cùng mẹ bươn chải. Nhưng mãi đến 1862, bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ” mới được xuất bản.
Cũng như những cuốn truyện trước, Hugo khai thác thành công loại tiểu thuyết nhiều kì đăng báo rất ăn khách. Sơ đồ nhân vật và kết cấu kịch tính được dập trên khuôn khổ của tiểu thuyết đen. Trong cuốn tác phẩm, Hugo đã thể hiện độ căng của quá khứ những năm bão tố của thế kỷ XVIII, và cả một tương lai còn tối tăm sau chiến luỹ. Đó còn là những thắt nút, những tình tiết hỗn hợp xoay quanh vận mệnh của nhân vật chính, những phố xá lan man của Paris, nơi tu viện, cống ngầm, dòng sông Seine, đều có điểm gặp gỡ.
Kết cấu tiểu thuyết vừa gắn với hiện thực, vừa có ý nghĩa siêu hình và tương phản của ánh sáng và bóng tối. Bạo lực và ôn hoà, cách mạng và tình thương, ở những chương nhất định, ở những nhân vật lí tưởng, không chỉ có riêng một thứ ánh sáng thuần khiết mà trong đó là hỗn hợp của nhiều tính cách.
Về mặt ngôn từ, tiểu thuyết vẫn tồn tại những ý kiến trái ngược: đó là giá trị của những đoạn, chương trữ tình ngoại đề mở rộng với những kích thước khác thường so với các tiểu thuyết khác. Có người cho rằng nó mang nhiều tính giáo huấn lộ liễu, nhiều độc giả thậm chí bỏ qua không quan tâm đến nó. Tuy nhiên, tính chất giáo huấn ở đây có khi nhường chỗ cho cảm hứng của nhà văn trước lịch sử; có những lúc nó lại mang lại chất thơ cho tiểu thuyết.
Do sức chứa rộng lớn của tiểu thuyết, do đề tài và nhân vật được huy động với dung lượng lớn, ta thấy từ cuốn sách cất lên những tiếng nói đa âm. Từ giọng của những lão bảo hoàng tiêu biểu cho lối sống của một lớp người đã qua, đến giọng nói dõng dạc của luật pháp (Javert), giọng của các cô thợ trẻ, giọng của những người sinh viên, đối thoại của giới giang hồ, điệu đồng dao, điệu hát dân ca, những bài ca cách mạng vang lên qua giọng hát trong trẻo của một chú bé bên chiến luỹ... cảm hứng chung là lãng mạn, song chủ yếu vẫn là khẳng định thế giới lí tưởng của nhà văn.
Những số phận khác nhau của các nhân vật trong tác phẩm phản ánh một cách rộng rãi tình cảm bi thảm của nhân dân. Sự đồng tình sâu sắc đối với những người bất hạnh đó đã nói lên tư tưởng chủ nghĩa nhân đạo, sự cải cách xã hội, cứu vớt nhân loại và lòng nhân từ có thể chặn đứng tội ác. Hugo thông qua nhân vật lí tưởng Jean Valjean để đánh thức mọi người phát huy lòng nhân ái, dùng đạo đức để cảm hoá và chữa trị những thói nạn trong xã hội. Trong lời tựa của cuốn sách, Hugo đã nói: “Chỉ cần ngày nào đó còn tồn tại sự áp bức trong xã hội do pháp luật và tập tục tạo ra... chỉ khi nào ba vấn đề của thế kỷ này - bần cùng làm cho đàn ông sa đoạ, đói khát làm đàn bà truỵ lạc, đen tối làm trẻ em cằn cỗi - còn chưa giải quyết được, chỉ cần ở một khu vực nào đó còn có thể xảy ra sự độc hại trong xã hội. Nói một cách khác chỉ cần trên thế giới này còn ngu muội và nghèo khó, thì một tác phẩm như tác phẩm này không thể trở thành vô dụng”.
Cho tới nay, thời gian đã chứng minh rằng ngay cả khi những vấn đề trên của xã hội đã được giải quyết phần nào, cuốn sách vẫn là bức thông điệp về sự khao khát và khả năng vượt qua giới hạn trần thế, cát bụi của con người vươn lên cái chưa biết, cái tuyệt đối.
Năm 1869, Hugo hoàn thành tiểu thuyết dài cuối cùng trong thời gian lưu vong ở ngoại quốc, đó là “Người đàn ông có bộ mặt cười”. Quyển tiểu thuyết lấy bối cảnh xã hội Anh vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
Năm 1872, Hugo lại viết quyển tiểu thuyết dài “Năm chín mươi ba”. Cuốn sách thể hiện lập trường cách mạng của nhà văn, đồng thời cũng quán xuyến tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa nhất quán của ông.
Trong những năm cuối đời, Hugo tỏ ra rất yêu thương trẻ con. Những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng lần lượt xuất hiện trong thơ ông. Trong khi chăm sóc các cháu gái của mình, Hugo đã tìm thấy nhiều đề tài để sáng tác. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cho ra đời tập thơ “Nghệ thuật làm ông”, chứa đựng tình yêu trẻ một cách đôn hậu và ân cần.
Nhìn cả chặng đường sáng tác của Hugo cũng giống như ta đọc bản biên niên sử của nước Pháp. Cuộc sống và những sáng tác của ông luôn luôn hướng về nhân dân và nước Pháp trong những thời khắc của lịch sử. Lập trường chính trị của ông còn nhiều mâu thuẫn nhưng lúc nào cũng thể hiện một tinh thần nhân đạo cao cả. Suốt đời ông gắn bó với nhân dân, trong những trang văn bất hủ ông luôn dành để nói về nhân dân đau khổ và những hình tượng cách mạng sáng ngời. Cho đến nay, những tác phẩm của ông trở thành tài sản quý báu của toàn nhân loại. Victor Hugo không những là một đại văn hào mà còn là một chiến sĩ đấu tranh không biết mệt mỏi cho tự do, bình đẳng, bác ái và sự tôn nghiêm của nhân loại. Ông mất ngày 22 tháng 5 năm 1885.