T
ào Tuyết Cần sinh năm 1715 trong một gia đình dòng dõi quý tộc, nhưng về sau do các cuộc nội chiến liên miên giữa các thế lực thống trị của giai cấp phong kiến nên gia đình ông bị khuynh gia bại sản. Vì vậy, cuộc sống của ông lại trở nên khó khăn, bần hàn. Biến cố của gia đình đã khiến ông nhận thức được một cách sâu sắc về bóng đen của chế độ phong kiến và ông quyết định từ bỏ quan trường, bắt đầu tham gia sáng tác. Ông là một bậc văn nhân học thức uyên bác, đa tài, không những tinh thông về tiểu thuyết, thơ ca mà ông còn rất giỏi hội họa. Thời niên thiếu, ông sống ở phương Nam nhưng sau đó chuyển đến Bắc Kinh nên ông rất am hiểu về các loại diều trên mọi vùng miền của đất nước.
Cụ nội, ông nội và người chú của ông đều là những người đảm nhiệm xưởng dệt trong thời gian gần 60 năm và được Khang Hy rất tin tưởng, ưu ái. Trong sáu lần Khang Hy tuần hành xuống phương Nam thì có năm lần được gia đình họ Tào tiếp đón trong khuôn viên xưởng dệt. Điều đó có thể cho chúng ta thấy được, gia đình họ Tào là một gia đình danh tiếng hiển hách. Tào Tuyết Cần là một người con trưởng thành trong một gia đình dòng dõi vinh hoa phú quý. Nhưng tiếc là đến thời kỳ Ung Chính thì gia đình ông lại xảy ra biến cố. Ung Chính cho rằng, gia đình họ Tào đã từng chống lại ông ta nên đã cách chức của cha Tào Tuyết Cần và tịch thu nhà của gia đình ông. Về sau, do các vụ hoả hoạn liên miên, nên gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn, khốn đốn. Khi đó, Tào Tuyết Cần mới lên 10 tuổi.
Về sau, ông chuyển đến vùng Hương Sơn, phía tây thành Bắc Kinh kiếm sống bằng nghề bán tranh và làm diều. Những cánh diều ông làm ra, có cái như con yến điệp hoặc như con cua, có cái lại giống với con người, rất đẹp mắt. Một ngày, một người bạn họ Vu đến chơi nhà, kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình và thỉnh thoảng lại nhắc đến sở thích mua diều của một công tử quý tộc trong thành. Ông biết làm diều, ông có thể tự mình làm diều bán cho vị công tử kia để kiếm tiền. Nhưng, lúc này điều mà ông nghĩ đến chính là người bạn. Vậy là, ông dùng những nguyên liệu sẵn có trong nhà mình giúp người bạn làm một vài chiếc diều để bán. Kết quả là người bạn của ông kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán diều, vì thế cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn. Về sau, nhờ sự giúp đỡ của ông mà người bạn họ Vu cũng trở thành một nghệ nhân diều nổi tiếng.
Ông tiếp xúc với rất nhiều người dân nghèo khó và đã trở thành bạn tốt của họ. Cuối cùng, ông quyết định viết một cuốn tiểu thuyết dựa trên những kinh nghiệm thực tế của mình. Đó chính là tác phẩm “Hồng lâu mộng”. Để hoàn thành tác phẩm này, ông đã mất khoảng gần 10 năm. Lúc ông chết, tiền mai táng cũng do bạn bè ông quyên góp lo liệu. Lúc này, ông mới chỉ viết xong 80 hồi trước của tác phẩm, còn 40 hồi sau là do Cao Ngạc hoàn thành.
“Hồng lâu mộng” còn được gọi bằng cái tên là “Kí sự hòn đá”, hiện nay đang còn lưu giữ 120 hồi. Tác phẩm này được công nhận là tác phẩm vĩ đại hàng đầu trong lịch sử văn học thế giới.
Tào Tuyết Cần đã thành công. Thành công của ông trước hết là nhờ cuộc đời bất hạnh của ông, từ cuộc sống nhung lụa cho đến lúc bần hàn cơ cực, bản thân ông đều đã từng nếm trải, sau những biến cố lớn trong gia đình, Tào Tuyết Cần đã nhìn thấu được xã hội và cuộc đời. Người ta nói rằng, lúc bi thảm nhất, ông còn phải sống những tháng ngày cơ cực ở chuồng ngựa nhà họ Vương. Ông đã vượt lên trên sự bất hạnh, biến nó thành chất liệu để cống hiến tác phẩm hiện thực vĩ đại nhất cho nền văn học Trung Hoa. Có thể nói, cuộc đời bất hạnh là suối nguồn để tác phẩm “Hồng lâu mộng” ra đời.
Thành công của Tào Tuyết Cần còn bắt nguồn từ chính nghị lực phi thường của ông. Sự thống khổ không phải đều là tài sản đối với mỗi người. Lúc viết tác phẩm “Hồng lâu mộng”, Tào Tuyết Cần rất nghèo, thậm chí giấy viết cũng không có, không những thế sau đó người vợ qua đời, rồi đứa con của ông cũng chết nhưng ông đều vượt qua được.
Ngoài ra, thành công của ông có được còn nhờ vào tài năng nghệ thuật siêu việt và sự tu dưỡng văn hoá. Tào Tuyết Cần là một con người đa tài. Chính tài năng trong lĩnh vực hội họa, y học, điêu khắc, nấu nướng, in nhuộm... đã tạo nền tảng cho sự ra đời của tác phẩm vĩ đại “Hồng lâu mộng”.