William Shakespeare sinh ngày 23 tháng 4 năm 1564 tại thị trấn Stratford nằm trên bờ sông Avon, miền Trung nước Anh. Do hoàn cảnh gia đình, năm 14 tuổi Shakespeare phải bỏ học đi làm kiếm sống. Năm 18 tuổi, Shakespeare lập gia đình. Năm 23 tuổi, ông để vợ con lại thị trấn quê hương rồi hăm hở tới London với ước mơ lập nghiệp. Khoảng thời gian từ năm 1580 - 1642, nền kịch Anh phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Nhiều tác phẩm với những xu hướng đua nhau nảy nở.
Nhưng từ khi Shakespeare xuất hiện, dường như sân khấu kịch chỉ dành riêng cho ông. Ông chính là nhà soạn kịch, nhà thơ thiên tài, người đại biểu xuất sắc nhất cho văn đàn nước Anh thời Phục Hưng.
Shakespeare bắt đầu sự nghiệp với bao vất vả và khó khăn. Ông đến với rạp kịch ở Anh và làm đủ công việc từ chân giữ ngựa, chân soát vé, chân nhắc vở rồi làm diễn viên.
Ban đầu ông chỉ soạn lại, cải biên một vài vở cũ, viết chung với soạn giả khác một hai vở mới, sau đó mới sáng tác một mình. Trong quá trình sáng tác, nhận thấy mình còn thiếu hụt nhiều kiến thức ông đã tự mày mò học về lịch sử, triết học... tự quan sát đời sống giới thượng lưu, và nhờ mối quan hệ với nhiều người mà ông thâm nhập vào mọi môi trường sống để hiểu biết về xã hội. Ông cũng được những người trong nghề kịch chỉ bảo, tiếp thu vốn kinh nghiệm trong dàn dựng kịch, nhờ vậy ý tưởng sáng tạo của ông đã mau chóng đơm hoa kết trái.
Và chỉ sau 5 năm có mặt ở kinh thành, Shakespeare đã trở nên nổi tiếng. 20 năm cầm bút, ông để lại gần 40 vở kịch, 2 bản trường ca, một tập gồm 154 bài thơ xone. Ông được thừa nhận là nhà thơ, nhà soạn kịch lớn nhất của thời đại mình.
Từ năm 1590 - 1594 là thời kỳ ông viết các vở “Hài kịch của những hiểu lầm”, “Hai chàng công tử ở Veron”, “Công cốc vất vả vì tình”, vở kịch lịch sử “Henry VI”. Đây được coi là thời kì tập sự, thử sức của Shakespeare, thời kì ông sửa chữa cải biên các vở kịch cũ và hợp tác với soạn giả khác khi viết vở mới. Đây cũng là thời kì Shakespeare cho ra đời một số bài thơ xone và bi kịch nổi tiếng “Romeo và Juliet”.
Từ năm 1594 - 1600 là thời kì ông sáng tác những vở kịch nổi tiếng như “Henry VI”, “Henry V”... cùng loạt hài kịch vui nhộn như “Ầm ĩ vì chuyện không đâu”, “Xin tuỳ thích”, “Đêm thứ mười hai”, “Giấc mộng đêm hè”, “Chàng lái buôn ở Venice”. Đây là một thời kì tài năng của Shakespeare nở rộ, những vở kịch phản ánh sự yêu đời, lạc quan, tự hào về đất nước, phác họa không khí của “Cái nước Anh vui vẻ”.
Từ năm 1601-1608 là giai đoạn của những vở bi kịch lớn như “Hamlet”, “Othello”, “Vua Lear”, “Macbeth”, “Antony và Cleopatra”... Những tác phẩm này thể hiện cảm hứng lạc quan vui vẻ đã thay bằng thái độ phê phán lên án những mặt đen tối, những cái xấu xa, lên án tội ác và bạo lực, nêu bật sự khủng hoảng bế tắc của cả một xã hội, một thời đại.
Từ năm 1609-1613, ông sáng tác những vở kịch tình duyên thơ mộng, đầy gian nan trắc trở nhưng cuối cùng tốt đẹp: “Pericles”, “Cymbeline”, “Câu chuyện mùa đông”, “Bão táp”. Quan điểm sáng tác thời kỳ này không còn gay gắt quyết liệt như thời kì trước, mâu thuẫn có phần dịu xuống vì vậy mà có những kết thúc vui vẻ với cảnh sum họp đoàn viên.
Từ năm 1613, Shakespeare không viết nữa. Người ta vẫn thường thắc mắc tại sao ông ngừng viết khi cây bút chưa hề tỏ ra đuối sức? Nguyên nhân thì nhiều nhưng phải chăng điều này liên quan đến 20 năm sáng tác tương đương với bao nhiêu biến cố trong lịch sử nước Anh.
Thời đại của Shakespeare là thời của những chuyển biến dữ dội từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản. Theo Shakespeare, ông viết kịch là để “chìa ra một tấm gương tự nhiên nhằm làm cho đạo đức thấy hình ảnh của nó, thói vô đạo đức tự biết khinh bỉ và mỗi thế kỷ, cả thời đại nói chung có thể nhận ra bộ mặt và tính cách của nó”. Thời kỳ viết những vở kịch vui vẻ là thời kì mà tâm trạng của ông có nhiều đắc ý, hân hoan trước chiến thắng và sự lớn mạnh của nước Anh. Nhưng càng về sau, kịch của ông càng nhiều yếu tố bi, âm hưởng của niềm lạc quan hầu như không còn. Thế giới quan trong những vở bi kịch hết sức tăm tối, nặng nề.
Điều khiến Shakespeare từ giã sân khấu, đó là thái độ thù địch của phái Thanh giáo và của giới cầm quyền đối với nghệ thuật sân khấu, cùng với thị hiếu chuộng hình thức hoa mĩ, cầu kì đang thắng thế, đi ngược lại với quan điểm của ông là “Chớ bao giờ vượt ra khỏi cái bình dị của tự nhiên”. Một khi nghệ thuật chỉ đơn thuần là mua vui, giải trí dễ dãi thì sứ mạng của Shakespeare - người nghệ sĩ chân chính - cũng kết thúc!
Không những có đóng góp lớn về kịch mà ông còn là một nhà thơ. Ông có hai truyện thơ và 154 bài xone. George Gissing, nhà thơ Anh thế kỷ XIX đã nhận xét về thơ của Shakespeare như sau: “Mỗi một từ đều có hàm ý phong phú hoàn chỉnh, mỗi một dòng đều có tiết tấu vui tai như âm nhạc”.
Shakespeare có gần 40 vở kịch. Căn cứ vào đề tài có thể phân thành nhiều nhóm như: kịch lịch sử, hài kịch, bi kịch. Trong mỗi nhóm, Shakespeare lại có những vở kịch xuất sắc khác nhau.
Kịch lịch sử cho thấy quan điểm chính trị của ông là tán thành và ủng hộ nhà nước quân chủ tập trung có khả năng thống nhất quốc gia. Các nhà nghiên cứu cho rằng những vở kịch lịch sử của Shakespeare làm sống lại quá khứ, đem lại một cái nhìn sắc sảo đối với các sự kiện, các nhân vật lịch sử. Ông luôn luôn lựa chọn những nhân vật có vấn đề trong những thời điểm có vấn đề, tập trung khắc họa tính cách nhân vật khi nhân vật lâm vào hoàn cảnh bị dồn nén.
Shakespeare là một cây bút hài kịch độc đáo. Ông viết khá nhiều hài kịch như “Hài kịch của những hiểu lầm”, “Cô nàng đáo để đã thuần rồi”, “Công cốc vất vả với tình”, “Giấc mộng đêm hè”, “Chàng thương gia thành Venice”, “Đêm thứ mười hai... Những vở hài kịch của ông trước hết là để mua vui cho công chúng nước Anh. Để viết nên những vở hài kịch ông thường mượn cốt truyện của các nhà văn Ý, Pháp, Tây Ban Nha, hay những câu chuyện từ thời La Mã cổ đại.
Vở hài kịch “Giấc mộng đêm hè” đưa người xem vào một thế giới nửa hư nửa thực. Còn “Đêm thứ mười hai” cũng chung một chủ đề về tình yêu.
Trong hai vở kịch này, Shakespeare đã thả hồn mình vào những cảnh thiên nhiên sống động, những cảnh đôi lứa hẹn hò, tâm trạng nhân vật được thể hiện một cách tinh tế từ thương nhớ, chờ mong đến hi vọng và hạnh phúc... Đây là hai vở hài kịch kết hợp tiếng cười và tính lãng mạn bay bổng. Trong khi đó, “Chàng thương gia thành Venice” lại kết hợp tiếng cười với những bài học sâu sắc về tình người.
Trong quá trình sáng tạo, Shakespeare không chỉ hướng sự chú ý vào nhân vật chính mà ngòi bút của kịch gia còn tái hiện hình ảnh nhân vật đối nghịch nhau. Một bên đại diện cho chủ nghĩa nhân văn, một bên là đại diện của những thói xấu xa ti tiện.
Những vở kịch vui của Shakespeare vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Nhưng thành công của Shakespeare còn thể hiện ở những vở bi kịch.
“Romeo và Juliet” là vở bi kịch đầu tay của Shakespeare, ra đời trong thời kì ông đang được tán dương nồng nhiệt với hai thể loại kịch lịch sử và hài kịch. Khi vở kịch được công diễn đã gây nên nỗi xúc động lớn lao trong dư luận. Đó là câu chuyện bi thảm của đôi lứa yêu nhau đã lấy cái chết để phản kháng lễ giáo phong kiến và mối hận thù truyền kiếp của gia tộc. Dưới ngòi bút tài hoa của ông, câu chuyện trở thành bản tình ca thách thức lễ giáo phong kiến giành lấy quyền tự do yêu đương. Cái bi ở đây không nằm trong tính cách, không do tính cách nhân vật quy định mà do hoàn cảnh gây ra, xô đẩy hai nhân vật trung tâm vào chỗ chết. Vì vậy đây là vở kịch thuộc phạm trù bi kịch kiểu cũ. Mô típ hận thù dòng họ gây nên tấn bi kịch cũng là mô típ quen thuộc của bi kịch truyền thống từ trước đến bấy giờ.
Lecmantov, nhà thơ Nga nổi tiếng thế kỷ XIX từng ca ngợi: “Nếu như Shakespeare vĩ đại thì đó là ở Hamlet. Nếu như Shakespeare thật là Shakespeare, một thiên tài vô cùng rộng lớn, đi sâu vào lòng người và những quy luật của vận mệnh, một thiên tài độc đáo, nghĩa là một Shakespeare không ai bắt chước được thì đó chính là ở Hamlet”. Trong suốt mấy trăm năm qua, đây vẫn là vở kịch sống động nhất với nhiều cách dựng khác nhau. Có thể nói đây là một tác phẩm tuyệt vời kết hợp giữa thi ca và triết học, giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa sân khấu và cuộc đời.
Chủ nghĩa hiện thực được Shakespeare xây dựng trên một hình tượng cực kì phức tạp, đa dạng và phong phú. Về nghệ thuật, ông đã giành thắng lợi quyết định cho thể loại bi kịch tính cách mà chính ông đã khai sinh ra nó. Ông còn sáng tạo nên thủ pháp nhân đôi, trong con người của Hamlet luôn luôn tồn tại hai con người đấu tranh với nhau: một con người hành động và một con người trầm tư suy nghĩ. Nghệ thuật tạo không khí bi kịch, đưa người xem vào không khí nửa xưa nửa nay, vừa như truyện cổ mà vừa rất thời sự.
Nhắc đến Shakespeare người ta nhắc đến “Hamlet”, và cũng nhắc tới những “Othello”, “Vua Lear”, “Macbeth”... đây đều là những kiệt tác của nghệ thuật kịch. “Othello” là một vở bi kịch của lòng tin tan vỡ. Trong khi đó, “Vua Lear” lại lấy đề tài từ câu chuyện cổ của xứ Britan. Vở kịch nhằm thể hiện sự xung đột giữa lòng chân thành nhân ái lấy chủ nghĩa nhân đạo làm cốt lõi với chủ nghĩa vị kỷ.
Và “Macbeth” là vở kịch kể lại chuyện đại tướng Macbeth, một vị tướng người Scotland thiện chiến gan dạ đã thí vua đoạt ngôi và cuối cùng bị tiêu diệt qua một cuộc chinh phạt. Không có vở kịch nào của Shakespeare lại phơi trần tham vọng, chuyên chế và tàn bạo của cá nhân mạnh mẽ như “Macbeth”. Nhưng sự trừng phạt cuối cùng của Macbeth không chỉ qua đạo quân chính nghĩa lật đổ kẻ tiếm quyền, mà đồng thời còn ở sự giày vò suốt ngày đêm từ trong chút ít lương tri còn tồn tại. “Macbeth” được thừa nhận là một vở bi kịch kiệt tác còn vì nghệ thuật kết cấu chặt chẽ, nghệ thuật phân tích tâm lí bậc thầy. Đây là vở kịch ngắn nhất trong những vở kịch của Shakespeare, ngắn vì hàm súc và chặt chẽ. Trí tưởng tượng của tác giả đã dựng nên những cảnh tuy không có thực mà vẫn sinh động, bất ngờ.
Quả thực, sự nghiệp sáng tác của Shakespeare làm người ta kinh ngạc. Hiếm có nhà văn nào mà có nhiều tác phẩm trường tồn như ông. Đặc biệt ở địa hạt kịch, ông là một đỉnh cao đầy thách thức đối với bất kì nhà soạn kịch nào. Cống hiến của ông giúp con người hiểu thêm về mình. Nghệ thuật đối với ông là một tấm gương phản chiếu cuộc sống. Đó là những quan điểm nghệ thuật tiến bộ không chỉ với thời đại ông mà còn đối với những thời đại sau, kể cả hiện nay, khi nhiều trường phái, nhiều học thuyết nhân danh là “mới” đang muốn kéo nghệ thuật đi chệch khỏi con đường chân chính.