M
ichael Faraday là nhà vật lý và nhà hóa học người Anh, có nhiều cống hiến trong lĩnh vực điện từ học. Ông sinh ngày 22 tháng 9 năm 1791 tại Newington Butts, nước Anh trong một gia đình rất nghèo. Cha ông, James Faraday là một thợ rèn, vì hoàn cảnh gia đình nên ông phải thôi học từ rất sớm, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục đọc sách và tìm tòi.
Thời thơ ấu của Michael Faraday không được như những đứa trẻ khác. Theo một số tư liệu, ông đã phải trải qua những năm tháng khó khăn, không mấy vui vẻ. Chuyện kể rằng, một hôm thầy giáo và cả lớp rất ngạc nhiên khi thấy Faraday đến lớp muộn với gương mặt buồn bã. Thầy giáo hỏi:
- Có chuyện gì xảy ra với em vậy, Faraday?
Faraday nghẹn ngào nói:
- Thưa thầy, con đến xin phép thầy nghỉ học để ở nhà trông em giúp bố mẹ, vì dạo này bố con không có việc làm, mẹ con phải đi giặt thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Nói xong, cậu bé òa lên nức nở. Thầy giáo xúc động rời bục giảng, bước lại gần cậu học trò nghèo đã nhiều lần bỏ học, và lần này chắc chắn là cậu sẽ nghỉ luôn. Ông đặt tay lên đôi vai gầy gò của Faraday và nói:
- Hãy dũng cảm lên Faraday! Phải bỏ học nửa chừng như vậy thật tiếc, nhưng em hãy vững lòng tin vào cuộc sống và luôn ghi nhớ những tấm gương hiếu học của người xưa. Cái khó nhất là tôi rèn ý chí.
Là một người thông minh hiếu học, Faraday quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng cách thực hiện lời khuyên chân tình của thầy giáo và một dịp may đã đến với ông. Một lần, cha dẫn Faraday đến xin việc tại “Hiệu bán sách và đóng sách Ribo” ở LonDon. Được sự đồng ý của ông chủ hiệu sách, từ năm 14 tuổi, Faraday giúp việc và ăn ngủ luôn tại xưởng với điều kiện phải làm mọi việc vặt trong nhà. Faraday chấp nhận vì chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được đọc sách vào buổi tối sau khi xong việc. Trong thời gian 7 năm làm việc tại đây, ông đã đọc được rất nhiều sách. Cuốn sách đầu tiên mà Faraday đọc được là cuốn “Những mẩu chuyện hóa học” của Jane Marcet.
Vừa đọc mấy trang đầu Faraday đã thốt lên: “Thì ra không khí mà mọi người đang hít thở lại là một hỗn hợp gồm nhiều thứ khác nhau!”. Sau đó, Faraday nhỏm dậy, cầm cây nến đi tìm một chậu đựng nước và một cái cốc. Cậu thấy nghi ngờ những điều mình vừa đọc được trong cuốn sách vừa rồi và quyết tâm tự tay làm một thí nghiệm đơn giản có hướng dẫn trong sách. Cậu úp cái cốc lên cây nến đang cháy và thấy ngọn lửa lụi dần rồi tắt ngấm. Loay hoay tìm cách đo mực nước trong cái cốc , Faraday thấy nó chiếm khoảng 4/5 thể tích. Cậu vui sướng reo lên khe khẽ rồi lại trở về chỗ cũ mở quyển sách ra chăm chú đọc tiếp những trang hấp dẫn còn lại. Từ đó, cứ tối đến, cậu lại miệt mài đọc sách, các cuốn sách khoa học và làm theo những thí nghiệm mà sách hướng dẫn.
Một lần, ngày chủ nhật về nhà chơi, Faraday gọi em gái và các bạn của em đến xem cậu biểu diễn “ảo thuật”. Cậu lấy giấy cắt một số hình người ngộ nghĩnh đặt vào trong một cái hộp to, rồi lấy tấm thủy tinh trong suốt đậy lại và bảo:
- Anh đố các em dựng được những người bằng giấy này đứng lên nhảy múa đấy!
Bọn trẻ ồ lên kinh ngạc và lắc đầu. Faraday cười, lấy một miếng dạ xát mạnh mấy cái lên bề mặt thủy tinh rồi đậy nắp hộp. Những người bằng giấy lập tức đứng phắt dậy, bám vào mặt thuỷ tinh rồi lại rơi xuống và cứ tiếp tục như vậy như nhảy múa thực sự.
Mẹ cậu nhìn thấy sợ hãi hỏi:
- Faraday, cái đó là gì thế, trò của ma quỷ hay sao vậy?
Faraday cười:
- Không phải đâu, điện đấy mẹ ạ! Các nhà khoa học đã tìm ra khi họ xát dạ vào mặt thủy tinh hoặc nhựa thì sinh ra điện. Điện hút được các vật nhẹ cho nên nó làm cho các hình người bằng giấy nhảy múa thôi mà.
Thời gian cứ thế trôi đi, Faraday đã trở thành một chàng thanh niên thực sự. Được sự động viên của gia đình, ông Ritô và bạn bè, Faraday tranh thủ dự các lớp của “Hội triết học” tổ chức do ông Tatum giảng. Faraday chăm chú nghe và ghi chép rất cẩn thận, sau đó đóng xén cẩn thận quyển vở ghi của mình. Anh hối hả trau dồi kiến thức để bù lại khoảng thời gian không được cắp sách đến trường. Nhiều đêm Faraday thiếp đi trên bàn học, có lần anh ngủ gật trong giờ làm việc, các bạn thợ đã giúp anh đóng đủ số sách được giao. Mọi người cũng biết anh thiếu ngủ vì đêm nào cũng đọc sách tới khuya.
Một lần, một vị giáo sư trung học về hưu đến cửa hàng mua sách. Faraday đã đem những vướng mắc trong quá trình tự mầy mò nghiên cứu về môn hóa học ra hỏi. Vị giáo sư già vui vẻ cho phép Faraday đến nhà và tận tình chỉ bảo. Ông đã dẫn dắt Faraday bước những bước đi chập chững trên con đường nghiên cứu khoa học đầy gian khổ. Ông còn tặng cho anh tập giáo trình của nhà hóa học nổi tiếng thời bấy giờ là giáo sư Davy. Các bài giải súc tích, sâu sắc của giáo sư đã giúp Faraday xác định hướng đi của cuộc đời. Lòng khát khao kiến thức khiến anh quyết định viết thư cho giáo sư Davy. Trong thư, anh bày tỏ nguyện vọng được ông thu nhận làm phụ tá. Lá thư không có hồi âm nhưng Faraday được vị giáo sư già giới thiệu tới phụ giúp giáo sư Cleman, một nhà hóa học nổi tiếng người Pháp trong một buổi thuyết trình trước Hội Khoa học Hoàng gia Anh. Buổi thuyết trình hôm đó thành công mỹ mãn một phần vào là sự phụ giúp của nhân viên làm thí nghiệm.
Trước khi rời nước Anh về Pháp, giáo sư Cleman đến chào từ biệt giáo sư Davy và giới thiệu Faraday với nhà hóa học lừng danh nước Anh. Ông Davy chợt nhớ ra một chuyện cách đây khá lâu, chàng trai này đã viết cho ông một lá thư kèm theo những nhận xét về các bài giảng môn hoá học của ông. Trong bức thư ấy, có những nhận xét khá táo bạo và chính xác. Faraday đã bày tỏ trong thư “Gần 10 năm nghiên cứu hóa học, tôi hoàn toàn chỉ tự học, mầy mò làm lại các thí nghiệm vật lý và hóa học tìm thấy trong các sách giáo khoa hay các từ điển chuyên môn vì chưa từng học qua trung học.”
Thời gian này, giáo sư Davy mới lập một phòng thí nghiệm tại nhà để tiện kiểm tra những phát minh của mình. Ông quyết định cho Faraday vào làm nhân viên giúp việc. Đúng lúc nhận được tin vui bất ngờ từ giáo sư Davy, Faraday lại gặp cảnh gia đình khó khăn. Cha Faraday qua đời, gánh nặng gia đình dồn lên vai người con lớn, anh phải tìm cách kiếm tiền giúp mẹ nuôi các em. Một người bạn tìm cho Faraday chân quản gia cho người chú ruột với mức lương 80 stec-ling một tháng. Số tiền này sẽ đủ phụ giúp gia đình nhưng anh phải sống xa London, xa môi trường khoa học, phải hy sinh những ước mơ cháy bỏng ấp ủ bao lâu nay. Sau khi cân nhắc kỹ càng, Faraday chấp nhận đến giúp việc cho giáo sư Davy với mức lương 25 stec-ling. Với khoản thu nhập này, anh đã phải sống kham khổ, chi tiêu dè xẻn để có thể gửi về cho mẹ 10 stec-ling một tháng giúp gia đình. Từ đấy, Faraday trở thành người giúp việc cho giáo sư Davy, được ông cho phép đến nghe những buổi giảng dạy tại trường đại học và dự thính một số cuộc hội thảo của Hội Khoa học Hoàng gia Anh.
Lòng ham đọc sách của anh được giáo sư Davy, hội viên Hội Khoa học Hoàng gia Anh chú ý. Dù chỉ có số lương ít ỏi, Faraday vẫn hăng hái làm thư kí ghi chép cho nhà bác học Davy. Faraday không những ghi chép rất chính xác các ý tưởng khoa học của Davy mà còn tham gia đóng góp ý kiến vào việc phân tích các số liệu thực nghiệm, nhận xét các kết luận khái quát của nhà bác học. Vị giáo sư ngày càng mến và tin Faraday. Ông đã hết sức vận động cho Faraday được nhận vào làm việc chính thức ở Hội Khoa học Hoàng gia Anh. Cuối cùng, ngày 1 tháng 3 năm 1813 Faraday đã chính thức được nhận làm phụ tá ở phòng thí nghiệm của Giáo sư Davy. Cuộc đời Faraday đã bước hẳn sang một trang mới.
Giáo sư Davy được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp mời sang thăm Châu Âu. Ông đề nghị Faraday đi cùng gia đình ông với tư cách là thư ký và phụ tá kiêm quản lý. Với lòng ham hiểu biết, Faraday vui vẻ nhận lời. Faraday may mắn được tham gia vào các cuộc hội thảo khoa học nổi tiếng giữa giáo sư Davy với các nhà khoa học nổi tiếng như viện sĩ Ampere, giáo sư hóa học Cleman,... Anh giúp giáo sư Davy làm các thí nghiệm mới sau đó viết báo cáo mô tả ngắn gọn và đầy đủ các thí nghiệm đã làm. Thói quen ghi chép tự học theo sách báo đã giúp anh rèn luyện khả năng viết báo cáo khoa học cô đọng, súc tích, chặt chẽ, khiến cho giáo sư Davy rất hài lòng.
Ít lâu sau, Faraday được mời đến giảng ở lớp buổi tối của Hội triết học thay cho thầy cũ - giáo sư Tatum đã già yếu. Một niềm vui quá lớn với Faraday, cách đây mấy năm anh còn ước ao đi dự những lớp học buổi tối. Thế mà giờ đây chính anh, một người thợ chưa học hết lớp hai tiểu học, lại lên giảng bài cho những thanh niên nghèo ham học khác. Anh đã dành hơn một tháng vào việc chuẩn bị bài giảng. Bài giảng đầu tiên của anh đạt kết quả rất tốt: anh vừa giảng, vừa thực hiện thí nghiệm. Cách nói gẫy gọn, mạch lạc và vốn hiểu biết sâu rộng của Faraday về nhiều vấn đề đã chinh phục lòng tin của mọi người.
Thời kỳ này, công việc ở phòng thí nghiệm đã thu hút hết cả thời gian của anh. Không quản ngày đêm, Faraday giúp giáo sư thực hiện các đơn đặt hàng nghiên cứu, trong đó có đơn đặt hàng của Liên hiệp công ty than Anh quốc về chiếc đèn mỏ an toàn. Thời ấy khí than là tai họa khủng khiếp của thợ mỏ. Những vụ nổ khí than làm sập hầm và vùi chết hàng trăm người. Faraday tận tâm cần cù làm việc ghi chép để giáo sư Davy có thể hoàn thành công trình nghiên cứu nhanh chóng nhất. Có khi nửa đêm anh cũng sẵn sàng vùng dậy nếu như giáo sư Davy gọi anh chuẩn bị đồ thí nghiệm để kiểm tra một ý nghĩ nào đó mới nảy ra trong đầu ông. Và kết quả của những ngày làm việc căng thẳng là giáo sư đã rút ra được kết luận về nguyên tắc cấu tạo của chiếc đèn mỏ an toàn. Chiếc đèn khá tốt. Faraday đã giúp giáo sư làm thí nghiệm nhiều lần trong buồng chứa khí than. Song anh nghĩ cần kiểm tra kĩ lưỡng hơn nữa và cải tiến cho tốt hơn để bảo đảm an toàn tính mạng cho công nhân. Tiếc thay giáo sư Davy quá tin ở tài năng của mình, khăng khăng giữ ý kiến là chiếc đèn đã đủ điều kiện an toàn để sản xuất hàng loạt và trang bị cho thợ mỏ. Vì tính mạng của những người thợ mỏ, Faraday đã không ngại mất lòng vị giáo sư đáng kính, anh đã kháng nghị lên Hội đồng Khoa học Hoàng gia. Ý kiến của người phụ tá trẻ tuổi được chấp nhận. Sau hàng trăm lần thí nghiệm người ta đã tìm ra chỗ chưa tốt của chiếc đèn và hoàn chỉnh nó. Giáo sư Davy ban đầu tự ái, nhưng sau đó ông rất vui mừng về năng lực người phụ tá của mình và quyết định giao hoàn toàn cho anh công việc phân tích những mẫu đá vôi mà có người đã nhờ giáo sư làm. Faraday tỏ ra ngần ngại nhưng giáo sư cười và nói:
- Không cần phải quá khiêm tốn, anh đã có đủ điều kiện để làm việc độc lập rồi. Có thể tôi sẽ gửi bản báo cáo của anh cho đăng trên tờ tạp chí Khoa học Hoàng gia.
Sau nhiều ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm, cuối cùng Faraday đã tìm ra được cách thức biến các lực từ thành chuyển động. Faraday lấy hai cốc đựng thủy ngân, mỗi cốc có một thanh nam châm đặt thẳng đứng, và gắn thanh nam châm vào đáy chiếc cốc kia, ở cốc này, thanh nam châm di động quanh một điểm ở đáy cốc. Một sợi dây đồng được thả từ trên xuống, cắm xuyên qua một miếng nút chai nổi trên thuỷ ngân, đầu dưới nhúng vào thủy ngân. Đầu trên của sợi dây nối vào một cực của bộ pin Vônta, thủy ngân trong bình nối với cực kia. Ở chiếc cốc có thanh nam châm di động được thì sợi dây lại được gắn chặt. Khi Faraday cho dòng điện đi qua dụng cụ thí nghiệm thì thấy hiện tượng: ở một cốc thanh nam châm từ từ quay tròn xung quanh sợi dây đồng cố định, còn ở cốc kia, sợi dây đồng lại quay xung quanh thanh nam châm cố định. Khi Faraday đổi chiều dòng điện, thanh nam châm và sợi dây lại quay theo chiều ngược lại. Faraday xúc động quan sát thanh nam châm và sợi dây đồng quay đều đều rồi suy nghĩ: “Thí nghiệm này chứng tỏ có thể biến các lực từ thành lực chuyển động. Điều này có tầm quan trọng lớn về mặt thực tiễn”. Và năm 1821, Faraday đã công bố bài viết đầu tiên của mình về những chuyển động điện từ mới đăng trên tạp chí khoa học.
Do các kết quả nghiên cứu và đóng góp về mặt khoa học của Faraday, tiến sĩ Vônlaxtơn đã đề nghị Hội Hoàng gia London bỏ phiếu công nhận Faraday là hội viên chính thức. Đề nghị đó làm mọi người xôn xao vì Hội Hoàng gia London là một tổ chức khoa học thuộc loại lớn nhất thế giới, hội viên đều là những nhà bác học xuất sắc còn Faraday lại xuất thân là thợ nghèo và trước đây chỉ mới là người giúp việc cho giáo sư Davy. Hơn nữa, lại có dư luận cho rằng bài báo “Về những chuyển động điện từ mới” chỉ giới thiệu lại những thí nghiệm mà anh đã “nghe lỏm” được của tiến sĩ Vônlaxtơn. Nhưng chính tiến sĩ Vônlaxtơn, là một người chân chính, đã cải chính lại lời đồn đại đó. Và cuối cùng, năm 1824 Faraday đã được toàn thể hội viên Hội Hoàng gia London nhất trí bầu làm hội viên chính thức của Hội.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, cánh cửa tôn nghiêm của Hội Khoa học hé mở cho con một người thợ rèn vào ngồi với các nhà quý tộc. Davy - một con người của “ánh sáng” với trí thông minh nhạy bén, linh hoạt khác thường đã được Faraday tiếp thu như muốn “nuốt” hết kinh nghiệm của nhà hóa học xuất sắc này. Tất cả những gì anh thấy tại Paris và Florăngxơ, những cuộc gặp gỡ với Ampe và Gây Luýtxắc, những chuyến dừng chân trên đường đèo qua núi Anpơ và miền núi lửa Vơduvơ đối với Faraday đều là phòng thí nghiệm lớn. Tâm trí anh không ngừng đắm chìm trong những đối chiếu, so sánh, phán đoán, kết luận.
Ngay cả khi ngắm nhìn nhà hát ngoài trời Côtidê, anh đã dùng chân để đo chu vi và đã xác định độ cao của nó. Từ một thanh niên rụt rè, nhút nhát, anh chuyển dần thành người ham mê quan sát, thí nghiệm.
Sau thành công của thí nghiệm năm 1821, Michael Faraday nghĩ rằng, nếu như dòng điện có thể sinh ra lực từ như một nam châm thì có thể dùng nam châm để tạo ra điện! Và ông tự đặt cho mình nhiệm vụ “biến từ thành điện”. Ông thấy rằng, nếu đặt một thanh nam châm bên cạnh một cuộn dây đồng thì chẳng bao giờ tạo ra được dòng điện trong cuộn dây, do đó cuộn dây và nam châm không thể tương tác với nhau. Hay là, thay cho thanh nam châm, có thể đặt một cuộn dây thứ hai có dòng điện chạy qua để tạo ra nam châm điện? Nhưng ý tưởng này đã thất bại! Có lẽ vì dòng điện của pin Vônta còn quá yếu chăng? Vậy làm thế nào để tạo ra một nam châm điện mạnh?
Sau một thời gian nghiên cứu, nhờ sự giúp đỡ của người phụ tá, ông dùng vành sắt non làm lõi ống dây điện, quấn một số vòng dây đồng vào một nửa vành sắt non thành ống dây thứ nhất (dài 7,5m) rồi đem nối với bộ pin Vônta, như vậy sẽ có được một nam châm điện đủ mạnh. Để có ống dây thứ hai, ông lại quấn một số vòng dây dẫn (dài 2m) lên nửa vành của nó. Khi ông vừa đóng mạch điện cho dòng điện chạy qua ống dây thứ nhất, ông suýt kêu to lên vì sung sướng: chiếc kim điện kế nối với ống dây thứ hai đột ngột chao đi rồi lại trở về vị trí ban đầu. Đợi một chút không thấy gì khác lạ, ông liền ngắt mạch điện ở ống dây thứ nhất. Thật lạ lùng, chiếc kim điện kế lại chao đi rất nhanh. Michael Faraday vô cùng hồi hộp. Ông lặp lại thí nghiệm nhiều lần. Lần nào đóng mạch hay ngắt mạch điện ông cũng đều thấy có dòng điện xuất hiện trong ống dây thứ hai. Thế là, vào ngày 29 tháng 8 năm 1831, Michael Faraday đã phát hiện ra hiện tượng cảm ứng điện từ. Sau một thời gian ngắn, Faraday tiếp tục làm thí nghiệm với một nam châm vĩnh cửu. Ông phát hiện ra rằng, với một thanh nam châm vĩnh cửu thì dòng điện cảm ứng chỉ xuất hiện trong ống dây khi nam châm chuyển động cắt mặt phẳng các vòng dây. Ông trằn trọc suy nghĩ rất lâu trước khi tiến hành hai lần thí nghiệm tiếp theo vào ngày 1 tháng 10 và 17 tháng 10 năm 1831. Cuối cùng, Faraday khẳng định, ông đã khám phá ra hiện tượng cảm ứng điện từ mà nhà bác học Ampe đã dự đoán.
Thí nghiệm xuất sắc quyết định thành công của Faraday diễn ra vào ngày 28 tháng 10 năm 1831, ông đã phát minh cách tạo ra dòng điện cảm ứng.
Chiếc đĩa đồng quay của Faraday thực sự là máy phát điện đầu tiên dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ, nhưng dòng điện do nó phát ra còn quá yếu, chưa tạo được tia lửa điện, thậm chí không làm cho chiếc đùi ếch co giật. Chỉ có những điện kế đủ nhạy mới phát hiện nổi dòng điện cảm ứng khi đĩa quay.
Để máy phát điện cảm ứng điện từ được áp dụng vào thực tiễn thì phải cải tiến đĩa đồng thô sơ kia để thu được dòng điện đủ mạnh. Nhưng cải tiến thế nào, đó chính là điều khiến nhà bác học trăn trở. Trong khi Michael Faraday đang suy nghĩ làm sao để cải tiến chiếc đĩa đồng, tạo ra dòng điện đủ mạnh thì vợ ông mang chiếc bánh gatô mà ông thích lên phòng làm việc. Trong đầu ông lúc này vẫn suy nghĩ về chiếc máy phát điện: Về nguyên tắc thì đã rõ: hoặc chuyển dịch thanh nam châm trong cuộn dây đồng, hoặc chuyển dịch cuộn dây đồng đối với nam châm đều tạo ra được dòng điện. Nhưng không thể tạo ra một cuộn dây đồng dài vô tận để cho dòng điện phát sinh một cách liên tục và mạnh được. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Chiếc bánh ngọt mà vợ ông mang lên đã gợi cho ông một suy nghĩ: nếu những miếng bánh ngọt là những thanh nam châm đặt theo đường kính của đĩa hình tròn, lần lượt hướng các cực khác nhau ra ngoài, bên ngoài đĩa là những cuộn dây đồng gắn trên một vành tròn. Khi ta quay đĩa có nam châm sẽ xuất hiện dòng điện qua các cuộn dây. Chỉ việc tăng giảm số lượng các thanh nam châm và tốc độ quay của đĩa là ta có thể thu được dòng điện lớn đến bao nhiêu cũng được. Ý tưởng này chính là bước mở đầu quan trọng cho phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử.
Sau một đêm cặm cụi với những thanh nam châm và cuộn dây có sẵn, Michael Faraday đã hoàn thành chiếc máy phát điện đầu tiên, thực hiện được được ước mơ biến từ thành điện - nguồn năng lượng sạch và phổ biến nhất hiện nay.
Buổi sáng, người phụ tá của ông hết sức kinh ngạc và thích thú nhìn những tia lửa điện xanh lè phát ra từ những đầu dây của chiếc máy kì diệu. Faraday vinh dự được trường Đại học Oxford tặng học vị Tiến sĩ danh dự. Các Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Anh, Đức, Nga đều lần lượt tặng ông danh hiệu Viện sĩ. Giới khoa học coi ông là nhà bác học kiệt xuất trong hàng ngũ những người giỏi nhất thế kỷ XIX. Sau phát minh vĩ đại về dòng điện, Faraday được cả thế giới tôn vinh song ông vẫn sống cuộc đời bình dị như khi ông còn là một phụ tá thí nghiệm. Nhà bác học tự tay tiến hành thêm nhiều thí nghiệm phức tạp khác với hy vọng tìm ra những khám phá mới. Một đặc điểm lớn trong tác phong nghiên cứu của Faraday là tận dụng hết khả năng của các phương tiện vật chất đã có để sáng tạo. Vì vậy, những phát minh và cải tiến về khoa học, kĩ thuật của Faraday thời đó luôn làm cho người ta kinh ngạc và thán phục.
Là nhà bác học tự học, mọi phát minh của Faraday đều mang dấu vết đặc trưng của cuộc đời tìm tòi, sáng tạo. Giáo sư Davy, người thầy đầu tiên đã sớm phát hiện thiên tài Faraday và ông đã không dấu nổi niềm tự hào mà tuyên bố: “Faraday là phát minh lớn nhất của tôi”.
Suốt 50 năm hăng say tìm tòi và sáng tạo, Faraday đã cống hiến cho khoa học rất nhiều phát minh có giá trị như hoá lỏng clo, chứng minh bằng định luật bảo toàn điện tích đến phát hiện cảm ứng điện từ. Trên cơ sở phát minh của Faraday, kỹ thuật vô tuyến điện đã ra đời và phát triển nhanh chóng. Faraday đã tìm ra hai định luật về điện phân mở ra bộ môn kỹ thuật cho công nghệ mạ điện, đúc điện và luyện kim. Faraday đã khám phá ra hiện tượng quay từ điện. Những động cơ điện được dùng rộng rãi trên trái đất là kết quả phát minh thiên tài của ông.
Faraday là nhà bác học bình dân nhưng cũng là nhà bác học chân chính, không màng đến danh vọng, tước vị. Ông hầu như không tham dự các bữa tiệc sang trọng mà Hoàng gia dành cho giới quý tộc và các nhà khoa học danh tiếng, từ chối những chức vụ trong trường đại học, trong hội khoa học. Ông không tham gia giảng dạy tại trường đại học vì nghĩ rằng những nghiên cứu khoa học có lẽ có ích hơn những bài giảng của ông.
Cuối đời, Faraday được Hội Khoa học Hoàng gia đề cử giữ chức Chủ tịch Hội. Nữ hoàng Anh ban cho ông tước hiệu nam tước, một lâu đài nhỏ và một món tiền lớn. Ông vui vẻ đến sống tại lâu đài cổ Hampton Court, ngoại ô London vì suốt một đời cống hiến cho khoa học ông vẫn chưa có được một ngôi nhà. Số tiền còn lại ông dùng vào nghiên cứu khoa học và giúp đỡ sinh viên nghèo. Riêng tước vị quý tộc và chức Chủ tịch Hội Khoa học Hoàng gia ông đã chối từ.
Faraday đang tiếp tục nghiên cứu về năng lượng thì mắc phải căn bệnh bất ngờ là bị mất trí nhớ, ông buộc phải đi tĩnh dưỡng. Sau một thời gian khá dài đi du lịch, ông vẫn không hồi phục được trí nhớ. Ngày 13 tháng 2 năm 1862, ông đã ghi chép lại thí nghiệm cuối cùng của đời mình, thí nghiệm số 16.041.
Mùa hè năm 1867, có một người bạn tới thăm ông, lúc đó ông đã 76 tuổi. Người bạn hỏi:
- Bác cảm thấy trong người thế nào?
- Tôi đang đợi đấy - Faraday mỉm cười trả lời.
Thời gian này, Faraday ốm nặng, ông bị điếc và mất trí nhớ, nhưng nhìn ông, người ta vẫn cảm thấy ông đang suy tưởng như cả đời ông chưa bao giờ ngừng suy tưởng. Trong những dòng nhật kí cuối cùng của ông, có những lời sau: “... Tôi thật sự thấy luyến tiếc những năm sống đầy hạnh phúc, trong niềm say mê làm việc và trong ước mơ tìm đến những phát minh. Thật đáng buồn khi tôi biết mình sắp từ giã cõi đời, và sẽ không bao giờ được trở lại những ngày sôi nổi... Đối với các bạn trẻ, tôi chỉ có một lời khuyên để lại, rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống: hãy làm việc và suy nghĩ đi ngay cả khi chưa nhìn thấy một tia sáng nhỏ bé, vì dù sao, như vậy vẫn còn hơn là ngồi không!...”
Ngày 25 tháng 8 năm 1867 là ngày nhà bác học vĩ đại từ giã cõi đời. Ông qua đời trên chiếc ghế mềm kê cạnh bàn làm việc. Sau khi ông mất, nhiều người còn nhắc lại rằng một thời gian dài ông thường xuyên mang trong túi một chiếc lò xo bằng đồng nhỏ. Có lúc quên bẵng cả những người đang nói chuyện với mình và chưa ăn sáng, tay ông vẫn vân vê chiếc lò xo. Ông vẫn đắm chìm trong những suy nghĩ, những điều người khác không thể nào hiểu được.
Ông chết đi để lại cho toàn nhân loại một phát minh bất tử, một phát minh mang tính bản lề cho mọi phát minh của loài người sau này. Nhà khoa học Hemhônxơ người Đức đã nói: “Chừng nào loài người còn sử dụng đến điện, thì chừng đó mọi người còn ghi nhớ công lao của Michael Faraday”.