K
opernik sinh tại Torun, Pologne trong một gia đình thương gia. Ông vào học viện Krakow năm 1491, có thể ông đã làm quen với thiên văn học lần đầu tiên ở đây, và được Wojciech Brudzewski dạy dỗ.
Tháng Giêng năm 1497, Kopernik bắt đầu học Luật Giáo hội tại Đại học Bologna và ở nhà giáo sư, nhà thiên văn học nổi tiếng Domenico Maria Novarada Ferrara. Giáo sư Novara là một trong những người đầu tiên điều chỉnh chính xác khoa địa lý của Ptolémée và đã khuyến khích ông rất nhiều trong ngành Ðịa lý và Thiên văn. Cả hai thầy trò cùng quan sát nguyệt thực, sao Aldébaran ngày 9 tháng 3 năm 1497 tại Bologna. Năm 1500, Kopernik tổ chức Hội nghị về Thiên văn tại Rome. Năm sau ông được phép học Y khoa tại Padoue, (trường đại học mà gần một trăm năm sau Galilê học). Năm 1503 ông đậu tiến sĩ Luật, và trở về Pologne.
Từ năm 1503 đến 1510, Kopernik sống trong lâu đài của cậu là Giám mục Lidzbark Warminski và tham gia công việc hành chính của giáo phận.
Thời gian này, ông in quyển sách đầu tiên, dịch từ tiếng Latinh viết về đạo đức của một tác giả xứ Bizance thế kỷ VII. Trong những năm từ 1507 đến 1515, ông hoàn thành bài viết về thiên văn nhưng mãi đến thế kỷ XIX mới được in. Trong công trình này, ông đưa ra những nguyên tắc của thuyết Thiên văn mới: thuyết Nhật tâm. Tiếp đó ông viết bài về chuyển động quay của một số thiên thể. Công trình này ông hoàn tất từ năm 1530 nhưng mãi đến năm 1543 mới được in tại Nuremberg. Kopernik chỉ kịp nhận được vài bản in vài giờ trước khi ông mất (24/05/1543). Ông gửi tặng một bản cho Giáo hoàng Paul III, giới thiệu hệ thống của ông là một lý thuyết thuần túy để tránh sự trừng phạt của giáo hội.
Hệ thống Kopernik cho rằng trái đất quay quanh chính nó một vòng trong một ngày và quay quanh Mặt trời một vòng trong một năm. Ngoài ra, những hành tinh khác cũng ở xung quanh Mặt trời. Như vậy, Trái đất có sự tiến động trên trục của nó khi nó quay.
Hệ thống Kopernik còn giữ lại một số lý thuyết xưa như những khối cầu thật chắc mang những hành tinh và mang những ngôi sao đứng yên.
Thuyết của Kopernik có ưu điểm hơn của Ptolémée là giải thích được sự chuyển động hàng ngày của Mặt trời và sao (do chuyển động của Trái đất quay quanh chính nó) và chuyển động của Mặt trời hàng năm (do sự chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời). Ông giải thích được chuyển động bề ngoài có vẻ ngược của Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thủy, Sao Kim giữ nguyên độ xa đối với Mặt Trời.
Ngoài ra, thuyết Kopernik cho một bảng thứ tự mới của các hành tinh tùy chu kỳ quay vòng của chúng. Hệ thống Kopernik khác của Ptolémée là bán kính quỹ đạo của hành tinh càng lớn thì càng cần nhiều thời gian hơn để hành tinh đó quay một vòng quanh Mặt trời. Nhưng khái niệm về một Trái đất di chuyển khó được những độc giả của thế kỷ XVI chấp nhận để hiểu được lý thuyết Kopernik. Có vài thuyết của ông được chấp thuận nhưng thuyết Nhật tâm bị bác bỏ.
Từ năm 1543 đến 1600 chỉ có mười người theo ông. Phần đông họ làm việc bên ngoài trường đại học, trong những lớp học hoàng gia. Những người nổi tiếng nhất là Galilê, Johannes Kepler. Những người này có những lý lẽ đặc biệt khác để ủng hộ hệ thống Kopernik.
Khoảng cuối thế kỷ XVII khi ngành Cơ học thiên văn tiến bộ nhờ Isaac Newton, phần đông những nhà bác học người Anh, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch theo Kopernik, còn những nước khác thì chống ông trong thời gian ngót một thế kỷ.
Người ta kể lại rằng, vốn là người thận trọng và hiểu rõ Giáo hội. Kopernik đã hình dung ra những sự la ó phản đối của các nhà thần học bởi chính lý thuyết của ông làm tan biến niềm tin của họ rằng Trái đất đứng yên và do vậy con người, “hình ảnh của Chúa”, là trung tâm của vũ trụ. Ông cũng đã không vội vã công bố tác phẩm “Về chuyển động quay của các thiên thể”. Ông đã phó thác cho một người bạn là G.Rhaethicus. Tác phẩm này đã xuất hiện mấy ngày trước khi Kopernik mất, ngày 24 tháng 5 năm 1543.