G
eorg Simon Ohm (1787 - 1854) là nhà vật lý học người Đức đã có công lớn trong việc xây dựng cơ sở điện học, âm học và quang học.
Ông sinh tại Erlangen năm 1787 trong một gia đình nghèo. Thuở còn thơ ấu, Ohm không có điều kiện học hành đầy đủ nhưng do tinh thần ham học, Ohm đã xuất sắc vượt qua các năm học ở trường tiểu học và trung học để năm 1805, bước vào trường Đại học Tổng hợp Erlangen.
Cuộc sống vô cùng thiếu thốn buộc Ohm phải đi dạy học ở nhiều nơi để có thể vừa kiếm tiền vừa tiếp tục tự học. Chỉ trong 6 năm, ông không những tự học xong chương trình đại học mà còn viết xong luận văn và bảo vệ thành công học hàm giáo sư tại chính trường Đại học Tổng hợp Erlangen (1811).
Suốt 20 năm trời, Ohm lần lượt giảng dạy ở các trường trung học Bamberg, Kôln, Berlin đồng thời dành nhiều thì giờ nghiên cứu khoa học. Mối quan tâm chính của Ohm là điện. Trong vòng 20 năm, ông sống rất khó khăn nhưng vẫn cố theo đuổi mục đích của mình mặc dầu các thiết bị thí nghiệm về điện của Ohm lúc ấy rất nghèo nàn. Tuy nhiên, ông đã nghĩ ra cách tạo dây kim loại với độ dày và độ dài có chất lượng phù hợp. Ông đã trải qua chín năm tại trường đại học của dòng Tên, tiến hành nghiên cứu và có các thực nghiệm đáng chú ý về tính chất của mạch điện. Ông cố gắng thực hiện chính xác từng chi tiết và năm 1827, ông phát hiện ra sự tương tác của các điện tích.
Năm 1826, Ohm đã nêu ra định luật quan trọng về mạch điện, tức là định luật Ohm mà giờ đây được giảng trong các sách giáo khoa vật lý phổ thông. Đó là định luật về cường độ dòng điện. Cường độ của dòng điện không đổi trong dây dẫn tỉ lệ thuận với hiệu điện thế giữa hai đầu dây. Định luật này không được công nhận ngay trong giới khoa học. Chỉ sau khi E.Lenz, B.Jacobi, K.Gauss, G. Kirchhoff và nhiều người khác dùng định luật này làm cơ sở cho các nghiên cứu của họ thì nó mới được thừa nhận.
Năm 1833, Ohm được giữ chức Hiệu trưởng trường Bách khoa Nuremberg. Uy tín của ông ngày một tăng...
Năm 1849, ông được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng ở trường Đại học Tổng hợp Munich , một trường đại học nổi tiếng nhất nước Đức thời đó.
Năm 1842, ông trở thành hội viên Hội Hoàng gia London và được tặng huy chương. Những năm cuối đời, ông còn có công nghiên cứu về âm học. Năm 1843, Ohm đã chứng minh rằng cảm giác âm thanh đơn giản được tạo nên bởi các dao động tuần hoàn mà tai ta tách lọc từ những âm điệu phức tạp. Khám phá này sau đó được công nhận là định luật Ohm trong lĩnh vực âm học và được nhà bác học Đức G. Helmholtz sử dụng làm cơ sở cho lý thuyết cộng hưởng của thính giác. Ngoài ra, ông còn tiến hành nghiên cứu cả lĩnh vực quang học và quang học tinh thể.
Ohm mất năm 1854, hưởng thọ 67 tuổi. Để tưởng nhớ tên tuổi và công lao của ông, tại Đại hội các nhà điện học toàn thế giới năm 1881, các đại biểu đã nhất trí lấy tên ông đặt cho đơn vị điện trở, đó là đơn vị Ohm.