T
ôi nghĩ mình vẫn ở đâu đó trong câu chuyện của họ. Tôi đã nằm xuống nền nhà cùng lũ trẻ say đắm nhìn vòng xoay của cánh quạt, cùng đập chân loạn xạ xuống đất, nhảy cỡn lên và cùng kêu lên những âm thanh vô nghĩa; chúng tôi nhìn những tinh thể bụi bay theo chút ánh sáng lọt qua khung cửa và bất thần kéo tất cả các món đồ chơi trên kệ xuống cho văng tung tóe...
Một tiếng cười phát ra, rồi hai, rồi ba... Tất cả chúng tôi đã bật cười cùng nhau. Thế giới quanh chúng tôi thật thanh bình lúc đó, dường như không tồn tại một sự tính toán, sắp đặt nào.
Tất cả những đứa bé tự kỷ đều rất đẹp, đẹp đến nhói lòng. Đôi mắt mở to nhưng vô hồn, dường như điểm nhìn ở đâu đó rất xa xăm, hành vi khác thường, phản ứng kỳ quặc, một vách ngăn vô hình giữa sự hiểu của những người-bình-thường và những người-tự-kỷ khiến lời nói hay cảm nhận không chạm được vào nhau. Nhưng đó chưa phải là tất cả, chỉ là một vài nét nhỏ trong số hàng trăm triệu chứng thu nhận được từ tự kỷ.
Đối diện với một nỗi thống khổ nào đó bạn làm cách nào? Giải phóng nó. Xoa dịu nó. Tìm cách vượt qua. Vâng, nhưng những gia đình có con mắc chứng tự kỷ không thực hiện được một trong những cách ấy. Họ phải gói nỗi đau đó cất đi. Ai lại giữ gìn nỗi đau. Chỉ vì nỗi đau vĩnh viễn sẽ không tan được, nó tồn tại vĩnh hằng trong tâm trí hữu hạn của con người, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng thì nó vẫn còn nằm nguyên đó. Nhưng họ, không được phép nhìn nó, lôi nó ra như một cái cớ biện minh cho nỗi tuyệt vọng, họ cũng không thể chối bỏ nó. Họ phải bọc nó lại, cất gọn vào tầng tầng lớp lớp nông sâu đời người, sẵn sàng với tư thế của một chiến binh nhưng thấm đẫm tình yêu thương mẫu tử, kiến thức của một người thầy, sự thông thái của bác sĩ, lòng chân thành của người bạn, sự nhẫn nhịn, kiên nhẫn của một bậc tu hành, sức khỏe của một siêu nhân và phơi phới niềm tin, hy vọng của mùa xuân để cùng con đi một đoạn đường dài, giúp con sống một cuộc đời bình thường trong thân phận đặc biệt của mình.
Tôi gần như tuyệt vọng khi mò mẫm trong tất cả các bộ luật thì đều thấy một sự trống rỗng, nếu có cũng rất mơ hồ, về tự kỷ. Tựa như chúng ta bước vào một căn phòng, chủ nhà bảo ngồi đi, nhưng tất cả các ghế đều kín đặc người, sự chơ vơ trong ngữ cảnh ấy càng trở nên nặng nề. Tôi đã hỏi trên 100 giáo viên mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 và cấp 3 rằng tự kỷ là gì, câu trả lời đúng chỉ có 3, mà con số 3 ít ỏi ấy lại rơi đúng vào 3 trường hợp họ có con, cháu mắc chứng này. Tôi hỏi trên 10 hiệu trưởng rằng trường có sự hỗ trợ nào cho trẻ tự kỷ không, họ ngơ ngác hỏi lại tôi tự kỷ là gì. Khi tôi trả lời câu hỏi của họ, có người bảo rằng tốt nhất hãy để những đứa trẻ ấy ở nhà để đỡ làm phiền các bạn khi học, có người bảo rằng trường không có giáo viên học giáo dục đặc biệt nên không ai am hiểu lĩnh vực này để hỗ trợ, chỉ duy nhất một người hứa hẹn sẽ cố gắng hết sức. Những người tự kỷ đã bị lãng quên ngay cả khi cố vươn lên nói với chúng ta: Chúng tôi vẫn còn đang sống!
Hàng trăm phụ huynh có con tự kỷ mười mấy năm trước họ đã tự tìm đường để đi mà không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào; vài mươi người đã cùng con đi qua được giai đoạn gian khó khăn nhất để sống rất vui vẻ cùng con, vài người trong số họ đã trở thành những chuyên gia hiếm hoi về lĩnh vực này. Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN) được ra đời. Những nhà hoạt động xã hội độc lập bằng cách này hay cách khác đã làm hết sức đóng góp cho cộng đồng người tự kỷ Việt Nam, thế hệ những nhà chuyên môn về tự kỷ được đào tạo chính quy, bài bản ở những nơi khai sinh ra các phương pháp can thiệp tự kỷ đã về nước...
Dù chưa phải là một dàn đồng ca để đánh động chính phủ, cộng đồng, xã hội, dù chưa phải là một quầng sáng mãnh liệt để tất cả mọi người chú ý đến, nhưng tất cả nỗ lực âm thầm lẫn công khai của những người đang góp sức cải thiện nhận thức của chính phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ và cộng đồng cũng đã gióng lên những tiếng chuông, dẫu thưa thớt nhưng sẽ có lúc hợp sức lại ngân lên rộn rã.
Mời bạn ngồi xuống đây, cầm những mảnh vụn rời rạc, thong thả ghép chúng lại. Bạn không cần phải khóc cùng, không cần phải ôm ấp, không cần phải tìm ra một loại biệt dược thần kỳ nào, không cầu xin phép màu nhiệm ở nơi xa xôi nào đó, cũng không cần phải ngợi ca, tôn vinh điều gì cả. Chỉ cần bạn mỉm cười và làm như những bạn nhỏ ấy thôi, không cần thêm gì nữa, sự cảm thông đã được thể hiện đầy đủ rồi.