C
hị ngồi đối diện với tôi giữa bóng đêm. Lúc đó, đã là gần 2 giờ sáng. Tiếng chị nói về cuộc đời mình cứ đều đều tĩnh lặng rớt vào thinh không. Dường như không có nỗi xót xa, không có nỗi buồn, hoặc mọi cái đã vượt hẳn ra ngoài giới hạn chịu đựng của chị. Văng vẳng ngoài xa lại có tiếng của những con vật hoang dã kêu la nghe não ruột. Tôi không nhìn thấy đôi mắt chị vào lúc ấy vì bóng đêm giăng đặc quanh ngôi làng hẻo lánh, có thể có nước mắt, cũng có thể là không.
Phía bên trong, Lu La vẫn đang ngủ ngon lành. Giấc ngủ hiếm khi tròn trịa. Chị nói Lu La vẫn hay thức dậy vào lúc nửa đêm và gào thét. Chị không biết tiếng thét đến từ đâu, từ những giấc mơ với hình thù quái ác, hay từ chứng tự kỷ điển hình mà con đang gặp phải. Những lúc như thế chị lại ôm con thật chặt, mặc cho con cào xé hay cắn mạnh vào người. Rồi nước mắt chị lại bắt đầu rơi. Chị lại ước tất cả những gì đang diễn ra chỉ là một cơn ác mộng và mơ mộng về những giấc mơ không hề có quái vật.
Nhưng, đến sáng hôm sau, chị lại vẫn phải tiếp tục đối diện với sự thật. Sự thật không dễ gì thay đổi là chị đang phải dò dẫm một mình với cậu bé 5 tuổi để dạy những bài học đầu đời, từ cách tập nói, đến cách tập nhai. Con vẫn không mở lòng ra với chị. Cậu bé nhìn chị với sự xa lạ và không hề có một cảm giác yêu thương, che chở. Con vẫn làm những điều con muốn, sống trong một thế giới của riêng con. Thế giới mà chị không thể hiểu đó là cái gì? Chị nói, có lẽ là vì chị đã có một quãng thời gian khá dài chìm ngập trong đau khổ và bỏ quên con.
Vết thương lòng của chị dường như càng ngày càng bị lấp đầy bởi những nỗi đau. Đến bây giờ vẫn thế, chị không biết phải vùng ra, phải thoát lên như thế nào? Chị sợ sự cô đơn, sợ bóng đêm… sợ cái hoang hoải giữa một chốn xa xôi, bao bọc chị là núi rừng, màn đêm và không người thân thuộc. Chị chới với rơi từ vực thẳm này xuống vực thẳm khác.
Chị đã từng có một gia đình hạnh phúc.
Ngày chị biết mình mang thai, niềm hạnh phúc tưởng chừng như nghẹt thở. Chồng chị đã lớn tuổi và khao khát một đứa con… Lu La là đứa con mà vợ chồng chị đã phải chờ đợi gần 3 năm mới có. Anh đi bên chị, dìu dắt và nâng niu. Rồi chị sinh Lu La. Hơn một năm đầu là quãng thời gian quá tuyệt vời. Hạnh phúc nhân lên hạnh phúc, tình yêu ươm mầm tình yêu. Con được họ hàng nội ngoại chăm bẵm. Chồng chị đi đâu về cũng dụi đầu vào mặt con hít lấy hít để mùi hương từ con rồi cười khành khạch. Con biết nói, biết hát, biết đếm sớm hơn nhiều bạn cùng tuổi, điều đó làm chị thêm niềm tin về một tương lai tươi sáng sẽ mở ra trước mắt con. Con giống như một thiên thần mà Chúa đã tạo ra tặng cho chị, con thật đẹp, môi đỏ, má hồng, hai hàng mi dài cong vút, hai má mũm mĩm.
Nhưng rồi, biết bao đau khổ, buồn bã, tủi hờn và cả tuyệt vọng bất ngờ tràn về. Ngày đầu tiên biết bệnh của con, chị thấy mình quỵ ngã. Chị khóc như mưa. Chồng chị không chịu tin vào điều đó. Anh lùng sục khắp các trang web trên mạng, chửi bới “bọn bác sĩ phán những điều vớ vẩn, bất lương”.
Anh chị vẫn tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian nữa, để nuôi hy vọng. Nhưng con chẳng khá lên. Con không cảm nhận được mọi thứ xung quanh, con tự tung tự tác trong thế giới mà con ngỡ chỉ mình con. Con cứ đi thẳng xuống bể bơi hay hồ nước, con lao thẳng ra giữa đường đầy ô tô, con dẫm chân vào những cái cây đầy gai nhọn. Con bị mất vị giác, không cảm nhận được mùi vị của thức ăn. Con thậm chí còn không muốn ăn gì hết, cứ hễ thấy cái gì màu nâu là con lại nôn ói…
Chồng chị chống chọi cùng chị với “căn bệnh” của con một thời gian, rồi đến khi nhận ra mọi thứ là vô vọng. Anh bỏ cuộc.
Mọi thứ sụp đổ trong chị cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Chồng chọn cách bỏ đi. Anh xin đi xuất khẩu lao động để trốn chạy thực tế. Họ hàng bên nội cũng ngoảnh mặt làm ngơ. Họ mong anh tìm được một đứa cháu khác, một đứa cháu không hề khiếm khuyết.
Chị đã tưởng rằng mình sẽ chết. Chị định chọn cái chết cùng với con, chị định sẽ cùng con lao đầu vào xe lửa, hay nhảy xuống sông và biến mất vĩnh viễn, nhưng chị đã không làm như vậy. Chị trốn mình vào trong một căn phòng, khóc đã đời rồi đứng dậy. Phải một thời gian sau đó, chị mới dám bước ra với tư thế của một người dám đối diện. Chị chọn cách đối diện với chính căn bệnh của con trai. Chị vẫn có niềm tin là con mình sẽ được chữa lành bệnh. Chị tin rằng rồi con sẽ bước vào và hòa nhịp với thế giới ngoài kia. Chị không tin con là một cậu bé bất thường.
Chị đã làm tất cả mọi việc, kể cả những việc chị chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm. Chị từ một cô tiểu thư yếu ớt vụt biến thành một bà mẹ phi thường. Chị đã đi khắp mọi nơi mà người ta mách để tìm những tia hy vọng có thể giúp con. Chị đến cả những nơi mà chị không bao giờ nghĩ là mình có thể đặt chân đến để tìm cho con một chút hy vọng chữa lành căn bệnh. Chị tha con đi mọi ngóc ngách, cùng con thử nghiệm mọi điều.
Nhưng đó là một cuộc chiến mà chị không tưởng tượng được. Mọi cái nằm ngoài sức chịu đựng của chị. Dạy con mãi một điều mà con không thể biết. Ôm con thật chặt con cũng không cảm nhận được tình thương. Chị không biết mình đã khóc bao nhiêu lần. Khóc mỗi lần con bị người ta nhìn ngó với thái độ không thiện cảm, khóc khi con không thể chơi cùng bạn bè, khóc đau đớn vì bất lực đã không thể giúp con những điều mà con muốn. Đi qua hành trình dài dạy dỗ, uốn nắn, nhưng con vẫn không có biểu hiện gì thay đổi, chị thấy mình đuối sức. May mắn là chị vẫn còn được sự giúp đỡ của ông bà ngoại.
Có những lúc chị đã muốn bỏ cuộc, muốn buông xuôi. Chị nhắm mắt lại và bỏ mặc mọi thứ xung quanh. Chị nhìn dòng người trôi đi, rồi lại tự nhủ với lòng mình chỉ cần có con bên đời thôi là đã đủ đầy hạnh phúc. Rồi chị chọn cách tìm về với núi rừng. Chị bỏ luôn công việc hiện tại, bỏ luôn ngôi nhà rộng rãi mà chồng chị để lại cho hai mẹ con. Chị về với vùng núi Sơn Trà, Đà Nẵng. Chị nghe nói nơi đây có một bà giáo làng rất tốt, đã già và biết cách để cải thiện tình trạng của những đứa trẻ như Lu La. Chị cũng hy vọng chốn núi rừng thanh tĩnh sẽ giúp bệnh tình con chị có chuyển biến tốt.
Và chị đi. Đó là những ngày cuối năm 2008.
Đó cũng là trường hợp tự kỷ đầu tiên mà tôi biết. Năm đó, tôi hãy còn trẻ. Tôi lắng nghe và đồng cảm với chị. Có những lúc nước mắt cũng rơi lã chã khi nhìn vào ánh mắt ngây thơ của Lu La. Nhưng quả thực, tôi vẫn chưa thấu hết được hết nỗi đau ấy, cho đến trở thành một người mẹ.
Lần đầu tiên chạm tay vào con trai đầu lòng của mình, tôi nghĩ ngay đến chị. Những lần ôm con chạy dọc hành lang bệnh viện chỉ vì con khó thở, mệt mỏi, những lần rơi nước mắt vì con gào khóc bên cổng trường mẫu giáo, tôi lại nhớ đến chị. Tôi biết, những gì mình đang trải qua chỉ là một góc nhỏ trong bộn bề những lo toan, những mệt mỏi, những áp lực, nhưng chênh vênh của một người mẹ như chị.
Từ buổi gặp gỡ đó với chị đến nay đã 5 năm. Tôi rời xa chị và vào Sài Gòn lập nghiệp. Từng ngày trôi qua, tôi lại chứng kiến thêm bên cạnh mình những trường hợp trẻ tự kỷ. Lũ trẻ đáng thương và sự chống chọi phi thường của những ông bố, bà mẹ mạnh mẽ. Bươn bả, vật lộn mưu sinh để nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó. Với họ, nỗi khổ đau, vất vả dường như nhân lên gấp 10. Những lúc nhìn thấy những cuộc đời như thế, tôi lại vùi vào đâu đó và khóc. Rồi tôi nhớ chị!
Tôi vẫn hay nghĩ về nỗi đau mà chị và những người mẹ ấy đang phải chống chọi hàng ngày với niềm hy vọng nhỏ nhoi. Niềm hy vọng được cất giữ và giấu diếm ở một nơi rất riêng. Có nỗi đau nào hơn khi nhìn thấy con mình lạc lõng giữa dòng đời và nỗi lo lắng mơ hồ về một tương lai, về một ngày mai khi con trưởng thành trong vô định.
Những đứa con luôn xếp vị trí số một trong trái tim người mẹ, chiếm hết tâm trí của những người mẹ. Dẫu chỉ một điều gì đó nhỏ nhoi xảy đến với con thôi, mẹ cũng là người bị tổn thương lớn nhất. Thế mới thấy, sức chịu đựng của những bà mẹ có con tự kỷ dường như là vô tận. Họ tập trung hầu hết năng lượng, tâm trí của bản thân cho con, nhiều khi quên mất những mục tiêu tốt đẹp cho riêng mình. Ước mơ lớn nhất trong những người mẹ ấy, đôi khi chỉ là một biểu hiện rất đỗi bình thường trên gương mặt, trong hành vi của đứa con thơ. Đi cùng với con, họ không còn là một người mẹ đơn thuần, mà còn là nhà tâm lý, là bác sĩ, là huấn luyện viên, là người bạn và đôi khi còn là… cha.
Dù cho được quan tâm, san sẻ, thì người mẹ đi bên những đứa con mắc chứng tự kỷ vẫn rất đơn độc. Họ đơn độc khi không tìm được một cộng đồng đủ lớn để cùng nhau san sẻ. Họ đơn độc khi không tìm được sự cảm thông của những người ngoài cuộc cho những hành vi bất thường của con... Đơn độc như chị, ngày lại ngày đối diện với núi rừng và bóng đêm.
Nhưng, tôi vẫn tin dẫu hành trình dù có dài đến đâu, niềm hy vọng vẫn không bao giờ tắt. Với những đứa trẻ như thế, Mẹ vẫn phải là sao của ban đêm và mặt trời của ban ngày. Một ngày nào đó, biết đâu, sau ánh bình minh, điều kỳ diệu sẽ nảy mầm trong tâm hồn tinh khôi bé thơ.
Lu La ơi, giờ con đã là cậu bé lớp 5 đầy bản lĩnh với những bức tranh tĩnh vật thật tuyệt đúng không?
Khánh Mai