4
NIỀM TIN – SỨC MẠNH SÁNG TẠO VÀ SỨC MẠNH HỦY HOẠI
“Ẩn bên dưới suy nghĩ của ta là niềm tin – tấm màn chắn cuối cùng của tâm hồn ta.”
— ANTONIO MACHADO
Ông là một con người cay nghiệt, độc ác, nghiện rượu và ma túy, đã nhiều lần tự sát nhưng không thành. Hiện ông đang thụ án chung thân vì tội giết một người bán rượu đã “cản đường” mình. Ông có hai người con trai, cách nhau mười một tháng tuổi, một đứa lớn lên “giống như cha” – một kẻ nghiện ngập sống bằng nghề cướp giật và chuyên đe dọa người khác cho tới khi cũng bị tống vào tù vì tội mưu sát. Tuy nhiên, cuộc đời người anh của hắn lại là một câu chuyện khác hẳn: một người đàn ông nuôi dạy ba đứa con nên người, có một cuộc hôn nhân mỹ mãn và có vẻ hạnh phúc thực sự. Là người quản lý khu vực về những mối quan tâm hàng đầu của quốc gia, anh thấy công việc của mình đầy thử thách nhưng rất ý nghĩa. Anh có thân hình cân đối, khỏe mạnh và không hề nghiện rượu hay ma túy!
Làm sao mà cuộc sống của hai người thanh niên lại khác nhau trong khi họ cùng lớn lên trong môi trường gần giống như nhau? Cả hai đã được phỏng vấn riêng và đều được hỏi cùng một câu, nhưng không hề biết trước câu hỏi: “Tại sao cuộc sống của anh đi theo hướng này?”. Thật ngạc nhiên, họ cùng đưa ra câu trả lời giống hệt nhau: “Tôi có thể trở thành ai khác kia chứ, khi mà tôi lớn lên với một người cha như vậy?”.
Chúng ta thường tin rằng những sự kiện trong đời điều khiển cuộc sống của chúng ta và môi trường sống hình thành nên con người chúng ta hôm nay. Song không phải như vậy, chính là niềm tin của ta về ý nghĩa của những sự kiện đó đã làm công việc này.
Bạn biết đấy, không bao giờ là do môi trường, không bao giờ là do những tình huống trong cuộc sống, mà chính là ý nghĩa chúng ta gắn liền với những sự kiện hay cách chúng ta diễn dịch chúng mới là điều hình thành nên con người chúng ta hôm nay và mai sau. Niềm tin là điều tạo nên sự khác biệt giữa sự cống hiến đầy đam mê trong cả cuộc đời và sự đau khổ, tàn phá suốt kiếp; làm cho một số cá nhân trở thành anh hùng, trong khi những người khác sống một cuộc đời tuyệt vọng, u sầu.
Vậy, niềm tin tồn tại với ý nghĩa gì? Chúng giữ vai trò định hướng, cho ta biết điều gì sẽ dẫn đến khổ đau và điều gì sẽ dẫn tới hạnh phúc. Mỗi khi có điều gì xảy ra trong cuộc sống của ta, bộ não sẽ nêu ra hai câu hỏi: “Điều này mang lại khổ đau hay vui sướng? Tôi phải làm gì để tránh khổ đau và trải nghiệm hạnh phúc?”. Câu trả lời cho hai câu hỏi này sẽ dựa vào niềm tin về sự sướng – khổ, mà niềm tin ấy lại được dẫn dắt bởi sự khái quát hóa về những gì sẽ dẫn đến đau khổ hay sung sướng. Những điều khái quát hóa này vạch lối cho mọi hành động, và theo đó ảnh hưởng đến phương hướng, chất lượng cuộc sống của ta.
Khái quát hóa có thể rất hữu ích trong nhiều trường hợp. Đây là sự nhận biết những dạng thức tương tự như nhau. Chẳng hạn như, mặc dù chưa bao giờ thấy kiểu tay nắm cửa đặc biệt này trước đây nhưng bạn vẫn có thể phỏng đoán rằng hiển nhiên cái cửa sẽ mở ra nếu bạn xoay tay nắm qua trái hay phải. Tại sao bạn tin vào điều này? Đơn giản thôi, kinh nghiệm trước đó về những cái cửa đã cung cấp cho bạn nguồn tham chiếu để tạo cảm giác vững tin cho phép bạn làm theo như vậy. Nếu không có cảm giác chắc chắn này, chúng ta hầu như không thể rời khỏi nhà, lái xe, gọi điện thoại, hay làm hàng tá chuyện mỗi ngày. Sự khái quát hóa làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng, đơn giản hơn và giúp ta hoàn thành tốt vai trò của mình.
Tuy nhiên, không may là sự khái quát hóa ở những lĩnh vực phức tạp hơn trong cuộc sống lại bị đơn giản hóa quá mức theo kiểu “vơ cả nắm” nên thỉnh thoảng tạo ra những niềm tin hạn hẹp. Ví dụ, sau vài lần nỗ lực theo đuổi mục tiêu nhưng cứ gặp thất bại, bạn căn cứ vào đó để xác lập niềm tin rằng bạn là người kém cỏi, bất tài. Một khi bạn tin điều đó là đúng, nó có thể trở thành “lời tiên tri” đầy tính tự kỷ ám thị.
Cần phải nhớ rằng hầu hết các niềm tin đều là sự khái quát hóa những trải nghiệm sướng – khổ của ta trong quá khứ. Do vậy niềm tin có thể cản trở ta đưa ra quyết định đúng đắn có liên quan đến bản thân và khả năng của bản thân. Nguyên nhân gây ra trở ngại này là 1) hầu hết chúng ta không tự ý thức quyết định chúng ta sẽ tin vào điều gì; 2) niềm tin của ta thường dựa trên những hiểu biết nào đó về trải nghiệm quá khứ – mang tính chất đại diện, không hẳn là chân lý “bất di bất dịch”; và 3) sau khi đã xác lập niềm tin, ta quên rằng nó chỉ đơn thuần là một cách hiểu về sự việc, hiện tượng.
Loài người không phải là một tạo vật hành động ngẫu nhiên. Mọi việc ta làm đều xuất phát từ niềm tin chủ ý hay vô thức về những gì sẽ dẫn tới niềm vui hoặc tránh xa khổ đau. Nếu muốn tạo ra những thay đổi bền vững, lâu dài trong cách hành xử, ta phải thay đổi những niềm tin đã kìm hãm bản thân mình.
SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
Sống sót sau trải nghiệm kinh hoàng ở trại tập trung Auschwitz, Viktor Frankl(*) nhận thấy những người có thể vượt qua được cảnh “địa ngục trần gian” đều có khả năng chịu đựng phi thường và biến đổi trải nghiệm khổ ải này bằng việc tìm kiếm một phương tiện giúp gia tăng sức mạnh chống chọi với nỗi đau. Họ nuôi một niềm tin rằng bởi vì họ đã chịu cảnh đọa đày nên họ phải sống sót để có thể kể lại câu chuyện này một cách chân thực nhất, để không ai phải chịu đựng tổn thương như thế nữa.
(*) Viktor Emil Frankl (1905 – 1997): chuyên gia về tâm lý, tâm thần học người Áo, đồng thời là cha đẻ của Liệu pháp Ý nghĩa – Logotherapy. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Man’s Search for Meaning – đã được First News xuất bản bằng tiếng Việt với tựa Đi tìm lẽ sống.
Niềm tin không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc hay hành động, nó còn có thể biến đổi cả thể chất của chúng ta trong một chừng mực nào đó. Nghiên cứu của giáo sư Bernie Siegel, Đại học Yale, về chứng bệnh rối loạn đa nhân cách cho thấy một điều đáng kinh ngạc là: sức mạnh niềm tin ở những người cho rằng họ đã trở thành một người hoàn toàn khác truyền dẫn một mệnh lệnh tới hệ thần kinh để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cấu trúc sinh hóa của cơ thể họ. Màu mắt của bệnh nhân thực sự thay đổi khi nhân cách họ thay đổi, hoặc là có sự xuất hiện và biến mất của một số đặc điểm thể chất! Ngay cả những căn bệnh như đái tháo đường hay cao huyết áp cũng xuất hiện và biến mất dựa trên niềm tin của nhân cách đang thể hiện.
Tiến sĩ Henry Beecher ở Đại học Harvard đã thực hiện một nghiên cứu với kết luận gây chấn động về sức mạnh niềm tin có khả năng biến đổi tác động của thuốc đối với cơ thể người. Một trăm sinh viên y khoa được yêu cầu tham gia kiểm nghiệm hai loại thuốc. Một loại được mô tả là thuốc siêu kích thích (viên màu đỏ), còn loại kia là thuốc siêu gây mê (viên màu xanh). Các sinh viên hoàn toàn không biết trước thuốc bên trong đã bị hoán đổi – viên màu đỏ thực ra là thuốc an thần, còn viên màu xanh là thuốc kích thích. Nhưng một nửa số sinh viên đã có những phản ứng thể lý đúng như suy nghĩ của họ – hoàn toàn trái ngược với phản ứng hóa học mà thuốc lẽ ra sẽ tác động lên cơ thể họ! Theo tiến sĩ Beecher, công hiệu của thuốc “không chỉ nằm ở thành phần hóa học của thuốc, mà còn nằm ở niềm tin của bệnh nhân vào tác dụng và hiệu quả của thuốc”.
Niềm tin có khả năng khiến chúng ta sinh bệnh hay hồi phục trong phút chốc. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng niềm tin tác động đến cả hệ miễn dịch. Và quan trọng nhất là niềm tin cổ vũ ta quyết tâm hành động, hay làm suy yếu, triệt tiêu nghị lực của ta.
Bên cạnh những niềm tin gây trở ngại hoặc tiếp thêm động lực, sức mạnh trong một tình huống, sự việc cụ thể nào đó, còn có loại niềm tin khác có sức chi phối hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của ta – theo hướng tiêu cực hoặc tích cực. Tôi gọi đó là niềm tin phổ quát.
Niềm tin phổ quát có thể là niềm tin về nhân dạng bản thân, về con người, công việc, thời gian, tiền bạc, cuộc đời,… Đây cũng là một sự khái quát hóa, thường được mở đầu bằng: “Cuộc sống là...”, “Tôi là...”, “Người ta thì...”. Vì vậy mà một sự thay đổi trong niềm tin phổ quát hạn hẹp có thể thay đổi hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta trong thời gian ngắn!
Niềm tin là một mệnh lệnh không thể chối từ đối với hệ thần kinh, và nó có sức mạnh phát huy hay triệt tiêu năng lực hiện tại cũng như trong tương lai của ta. Cho nên nếu muốn định hướng cuộc đời mình, ta phải bắt đầu kiểm soát niềm tin. Và để thực hiện điều đó, chúng ta cần phải hiểu chúng thực sự được hình thành từ đâu và bằng cách nào.
NIỀM TIN LÀ GÌ?
Hầu hết mọi người xem niềm tin như là một “thứ” cụ thể, trong khi thực ra nó là cảm giác chắc chắn về một điều gì đó. Nếu bạn tin rằng mình thông minh, điều bạn thực sự muốn nói là: “Tôi có cảm giác chắc chắn rằng tôi thông minh”. Cảm giác rõ ràng đó cho phép bạn khơi nguồn năng lực, đưa bạn đến những kết quả tốt đẹp. Tự trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều đã có lời giải đáp cho hầu hết mọi điều chúng ta còn băn khoăn, nhưng thường thì do thiếu tin tưởng, thiếu sự chắc chắn nên chúng ta không có khả năng vận dụng sức mạnh nội tại của mình.
Mỗi niềm tin đều có xuất phát điểm từ một ý niệm. Ta có thể nghĩ ra nhiều ý niệm khác nhau nhưng không thực sự tin vào một ý niệm nào. Ví dụ, có nhận định rằng bạn rất gợi cảm. Hãy dừng lại một chút và tự nói với bản thân: “Tôi rất gợi cảm”. Câu nói này là một ý tưởng hay là một niềm tin còn tùy thuộc vào cảm giác chắc chắn của bạn. Giả sử bạn nghĩ: “À, thực ra mình đâu có gợi cảm” thì điều mà bạn thực sự muốn nói là: “Tôi không chắc là mình gợi cảm”.
Vậy, làm thế nào để chuyển hóa ý niệm thành niềm tin? Một ý niệm cũng giống như mặt bàn không có chân. Không có cái chân nào, mặt bàn sẽ không thể tự đứng lên được. Trong khi đó niềm tin thì lại có nhiều “chân”, nhiều cơ sở. Nếu bạn thực sự tin “Tôi rất gợi cảm”, dựa vào đâu để bạn tin tưởng như vậy? Những tham chiếu, hoặc những kinh nghiệm từ cuộc sống, chính là những chiếc “chân” giúp cho ý niệm có cơ sở vững chắc, từ đó trở thành niềm tin chắc chắn.
Đến đây, vấn đề được đặt ra là: Đâu là niềm tin đúng đắn? Nói cách khác, nguồn tham chiếu mà ta có đã đủ đảm bảo rằng niềm tin của ta là đúng đắn? Bởi vì chúng ta thường tìm kiếm ai đó để “hậu thuẫn” cho điều ta tin tưởng và giúp ta cảm thấy chắc chắn hơn về nó – một cách để hợp lý hóa mọi sự – vậy thì đâu là những nguồn tham chiếu khả thi?
Hiển nhiên là chúng ta có thể rút ra từ kinh nghiệm cá nhân, thỉnh thoảng có thể gom nhặt thông tin từ người khác, sách vở, băng đĩa, phim ảnh, v.v. Và đôi lúc chúng ta hình thành những tham chiếu chỉ dựa vào sự tưởng tượng của mình. Cảm xúc dành cho tham chiếu càng mãnh liệt thì sẽ làm cho chiếc “chân” ấy thêm vững chắc. Một yếu tố khác nữa là số lượng nguồn tham chiếu mà ta thu thập được – rõ ràng là càng có nhiều trải nghiệm tham chiếu củng cố cho nhận định, niềm tin bạn đặt vào nhận định đó càng mạnh mẽ.
Vậy các tham chiếu có cần phải đảm bảo tính chính xác không? Không nhất thiết phải chính xác, vì nguồn tham chiếu có thể có thật hoặc chỉ do tưởng tượng mà ra – ngay cả những trải nghiệm cá nhân mà ta cảm nhận một cách rõ ràng cũng có thể bị bóp méo bởi ước định của riêng ta.
Do con người có khả năng bóp méo và sáng tạo như vậy nên những cơ sở tham chiếu có thể được sử dụng để xây dựng niềm tin hầu như là không giới hạn. Bất kể nguồn tham chiếu được lấy từ đâu, chúng ta đều chấp nhận chúng là thật, không hoài nghi gì cả! Não bộ không thể chỉ ra sự khác biệt giữa điều tưởng tượng một cách sống động với điều mà ta thực sự trải qua. Với cường độ cảm xúc và tần suất lặp lại vừa đủ, hệ thần kinh sẽ ghi nhận điều đó là thật, ngay cả khi nó chưa từng xảy ra. Vì vậy chúng ta có thể sử dụng những tham chiếu tưởng tượng để dẫn dắt mình hướng đến điều mơ ước. Tất cả những người thành đạt mà tôi từng phỏng vấn đều có khả năng tự khích lệ bản thân tin chắc rằng họ có thể thành công, bất kể trước họ chưa có ai làm được. Họ có khả năng tạo cho mình những tham chiếu mà trước đó chưa từng có hoặc được xem là không thể thực hiện.
Suốt hàng ngàn năm qua, con người tin chắc rằng không ai có khả năng chạy hết một dặm(**) dưới bốn phút. Nhưng vào năm 1954, Roger Bannister đã phá vỡ “rào cản” niềm tin kiên cố này. Anh đã đưa mình chạm đến điều “bất khả thi” không chỉ đơn thuần bằng cách tập luyện thể lực mà còn nhờ liên tục “diễn tập” sự kiện vượt qua rào cản bốn phút một dặm trong tâm trí với cảm xúc mãnh liệt đến độ trở thành nguồn tham chiếu “đáng” tin cậy – một mệnh lệnh vô điều kiện bắt buộc hệ thần kinh đạt cho bằng được kết quả. Tuy nhiên, điều hết sức tuyệt vời từ cú đột phá của anh là nguồn cảm hứng nó để lại. Trong vòng một năm kể từ lúc Roger vượt qua giới hạn đó, đã có ba mươi bảy người phá vỡ kỷ lục này. Thành công của anh là nguồn tham chiếu mạnh mẽ, đủ để tạo ra cảm giác chắc chắn là họ cũng có khả năng làm điều “không thể”. Quả thật như vậy, vào năm tiếp theo, ba trăm người khác nữa lần lượt thiết lập nên kỷ lục mới.
(**) 1 dặm tương đương với 1,609 km.
“Niềm tin cho tôi khả năng phát huy tối đa sức mạnh của mình, là phương tiện tốt nhất biến năng lực thành hành động.”
— ANDRÉ GIDE
Nhiều người thường mang niềm tin hạn hẹp về bản thân do họ đã không thành công trong quá khứ, rồi từ đó tin rằng mình sẽ không thể thành công trong tương lai. Kết quả là, vì sợ thất bại, họ bắt đầu trở nên “thực tế” – chấp nhận sự kém cỏi – để không bị thất vọng lần nữa. Niềm tin xuất phát từ nỗi sợ ấy khiến họ do dự, không tận lực cố gắng nên chỉ đạt được những kết quả hạn chế.
Những lãnh tụ vĩ đại hiếm khi chấp nhận “thực tế”. Họ thông minh, chính xác, không chịu sống “thực tế” theo “chuẩn mực” của số đông. Những gì gọi là “thực tế” theo quan niệm của người này hoàn toàn khác so với chuẩn “thực tế” của người khác, tùy thuộc vào nguồn tham chiếu. Chẳng hạn như Gandhi tin rằng ông có thể giành lại quyền tự trị cho Ấn Độ mà không dùng đến bạo lực chống lại đế quốc Anh – điều chưa từng xảy ra trước đây. Ông đã không “thực tế” và đã chứng minh rằng mình đúng.
Khả năng của con người lớn hơn rất nhiều so với những gì họ từng mơ đến. Thật thế, nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt giữa người tuyệt vọng và người cực kỳ lạc quan. Sau khi được trang bị kỹ năng mới, người bi quan luôn luôn tuân thủ chính xác cách thực hiện, trong khi người lạc quan lại chú trọng đến hành động thực tế hơn. Nhưng sự xa rời “thực tế” như vậy lại chính là bí mật cho thành công trong tương lai của họ.
Người lạc quan không quá phụ thuộc vào những tham chiếu thành công trong quá khứ – đôi khi chúng chưa hề tồn tại – và bỏ qua những nhận thức rời rạc như “Tôi thất bại” hay “Tôi không thể thành công”. Thay vào đó, họ tạo ra những tham chiếu niềm tin, vận dụng trí tưởng tượng để hình dung mình sẽ làm điều gì đó khác biệt trong lần sau và đạt được thành công. Đây là một khả năng đặc biệt, một cách tập trung chú ý rất độc đáo giúp họ kiên trì cho tới khi hội đủ điều kiện đưa mình lên đỉnh cao.
“Chỉ trong trí tưởng tượng của con người, sự thật mới có nơi tồn tại vững chắc và không bị phủ nhận. Trí tưởng tượng, chứ không phải sự phát minh, mới là bậc thầy đỉnh cao của nghệ thuật, cũng như của cuộc sống.”
— JOSEPH CONRAD
Một trong những thử thách lớn nhất trong đời mỗi người là hiểu được ý nghĩa của sự “thất bại”. Cách ứng phó trước “thất bại” và những điều ta quyết tâm đeo đuổi sẽ định đoạt số phận của ta. Đôi lúc, sau khi gặp phải quá nhiều khổ ải và thất bại, ta bắt đầu tập hợp chúng lại thành niềm tin, rằng ta chẳng thể làm được điều gì nên hồn cả. Những niềm tin kiểu này tước bỏ dần sức mạnh cá nhân và hủy hoại năng lực hành động. Trong tâm lý học, kiểu tư duy tiêu cực này được gọi là bất lực thành tính (learned helplessness).
Giáo sư Martin Seligman ở Đại học Pennsylvania đã hoàn thành một nghiên cứu chuyên sâu về các yếu tố tạo ra “bất lực thành tính”. Trong quyển Learned Optimism, ông dẫn ra ba kiểu mẫu niềm tin đặc thù khiến chúng ta cảm thấy mình không có khả năng gì và gần như có thể hủy hoại mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta. Ông gọi ba dạng này là tính bất biến, tính lan tỏa và tính cá nhân.
Rất nhiều người thành đạt đã gặt hái được thành công thay vì bị cuốn vào những vấn đề khó khăn và chướng ngại to tát. Điểm khác biệt giữa họ và những người thất bại là họ không tin vào sự bất biến của các vấn đề họ gặp phải. Người thành đạt hiếm khi, hoặc chẳng bao giờ, cho rằng trở ngại sẽ tồn tại mãi, trong khi người thất bại quan niệm ngay cả rắc rối nhỏ nhất cũng còn đấy cả đời.
Tám năm trước, khi tôi rơi xuống tận đáy sâu tuyệt vọng, tôi đã cho rằng vấn đề rắc rối của mình là vĩnh viễn không thể cứu vãn. Tôi gần như chết về mặt cảm xúc. Thế nhưng sau đó tôi đã học cách liên kết niềm tin nguy hại ấy với nỗi đau, để rồi có thể gỡ bỏ được nó và không bao giờ chìm đắm vào nó nữa. Dù có chuyện gì xảy ra với bạn, hãy tin tưởng “Chuyện này rồi cũng sẽ qua” và nếu vẫn kiên trì, bạn sẽ tìm ra lối thoát.
Sự khác biệt thứ hai giữa người chiến thắng và người thất bại là niềm tin về sức lan tỏa của vấn đề. Người thành đạt chẳng bao giờ cho phép một rắc rối nhỏ kiểm soát toàn bộ cuộc sống của họ. Họ cho rằng: “À, thói quen ăn uống của mình chỉ là một thách thức nhỏ xíu thôi”, chứ không nghĩ: “Tôi chính là vấn đề. Bởi vì tôi ăn quá nhiều nên đời tôi sẽ bị hủy hoại”.
Yếu tố khác biệt thứ ba là tính cá nhân. Nếu chúng ta không xem thất bại như là một thử thách để điều chỉnh hướng đi của mình mà xem đó là một khiếm khuyết cá nhân, chúng ta rất dễ cảm thấy nản lòng.
Duy trì những niềm tin hạn hẹp này chẳng khác nào tự đầu độc mình từ từ, khiến ta “chết dần chết mòn” trong tâm tưởng. Vì vậy hãy tránh chúng bằng mọi giá. Nên nhớ, khi tin vào điều gì đó, não của bạn hoạt động theo chế độ “lái tự động” – gạn lọc nguồn dữ liệu đầu vào từ ngoại cảnh theo “bộ lọc niềm tin” và tìm kiếm các bằng chứng tham chiếu giúp khẳng định mạnh mẽ niềm tin ấy.
“Chính cách suy nghĩ quyết định tốt hay xấu, tạo ra bất hạnh hay hạnh phúc, giàu có hay nghèo khổ.”
— EDMUND SPENSER
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUYỂN ĐỔI NIỀM TIN
Mọi bứt phá cá nhân đều bắt đầu từ sự thay đổi niềm tin. Nhưng sẽ thay đổi bằng cách nào? Cách thức hiệu quả nhất là hãy để cho trí não liên kết những khổ sở cùng cực với niềm tin cũ. Bạn phải cảm nhận sâu sắc rằng niềm tin này không chỉ làm bạn khổ ải trong quá khứ mà nó còn khiến bạn khổ sở cả trong hiện tại và tương lai. Sau đó, bạn phải liên kết sự hoan hỉ vô bờ với ý tưởng nuôi dưỡng một niềm tin mới. Nên nhớ rằng chúng ta làm bất cứ điều gì cũng nhằm tránh khổ đau, hoặc trải nghiệm niềm vui sướng; nếu chúng ta liên kết mức độ khổ đau vừa đủ với bất kỳ điều gì, chúng ta sẽ có động lực thay đổi.
Cách thứ hai là hãy tạo ra sự ngờ vực. Có niềm tin nào bạn từng hết mình bảo vệ nhiều năm trước giờ lại khiến bạn hổ thẹn khi phải thừa nhận nó hay không? Điều gì đã xảy ra? Trải nghiệm mới khiến ta phải đặt ra nghi vấn, công kích vào “thành lũy” những khuôn mẫu vững chắc bấy lâu nay, và bắt đầu lung lay những cơ sở tham chiếu bồi đắp cho niềm tin cũ.
Tuy vậy, một trải nghiệm mới tự thân nó chưa đủ sức để cải hóa một niềm tin cũ. Người ta có thể trải nghiệm một điều hoàn toàn tương phản với niềm tin của mình, nhưng họ vẫn hiểu theo cách mà họ muốn để ủng hộ cho cái cũ. Một phụ nữ tham gia buổi hội thảo của tôi đã bắt đầu trải nghiệm một số trạng thái khác thường về tinh thần và cảm xúc. Cô ấy khăng khăng rằng tôi là một tên Đức quốc xã đang đầu độc tất cả mọi người trong khán phòng bằng hơi ngạt được dẫn vào qua lỗ thông hơi của máy điều hòa không khí. Khi tôi cố gắng làm cô ấy bình tĩnh bằng cách nói chậm lại – một cách làm thông thường giúp người khác thư giãn – thì cô liền bảo: “Thấy chưa, khí độc đang bắt đầu làm ông líu nhíu đấy!”. Bất kể chuyện gì xảy ra, cô ta đều dùng nó để bồi đắp cho niềm tin rằng tất cả mọi người đang bị đầu độc. Nhưng cuối cùng tôi cũng có thể dỡ bỏ được định kiến của cô. Bằng cách nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm ở chương kế tiếp.
Những trải nghiệm mới chỉ khởi đầu cho các thay đổi nếu chúng khơi dậy trong ta những nghi vấn về niềm tin cũ. Hãy nhớ rằng một khi đã tin vào điều gì, ta không còn thắc mắc về nó nữa. Vào thời điểm ta nghi ngờ niềm tin của mình, những “cái chân” tham chiếu của “mặt bàn” nhận thức trong ta bị lung lay, và kết quả là ta bắt đầu mất đi cảm giác chắc chắn về điều mình hằng tin tưởng.
Bạn có từng nghi ngờ khả năng của mình? “Nếu tôi thất bại thì sao?”, “Nếu chuyện đó không thành công thì thế nào?”, “Sẽ thế nào nếu họ không ưa tôi?”… những câu hỏi này cực kỳ hữu dụng nếu ta dùng nó để kiểm tra xem niềm tin của ta có cơ sở vững chắc không, hay chỉ được chấp nhận một cách mù quáng, được đặt trên những giả định sai lầm.
Giữa các niềm tin có sự khác biệt ở mức độ mãnh liệt và ổn định về cảm xúc. Thực tế, tôi đã phân niềm tin thành ba loại: quan điểm, đức tin và sự thành tín.
Quan điểm là điều gì đó ta cảm thấy hiển nhiên một cách tương đối, chỉ mang tính tạm thời bởi nó có thể dễ dàng bị thay đổi. “Mặt bàn” nhận thức này được dựng trên những “cái chân” không được xác chứng, có lẽ chỉ dựa vào cảm giác, phán đoán ban đầu, hoặc dựa trên một vài tham chiếu mà người ta nhắm đến vào thời điểm đó.
Còn niềm tin thì được hình thành với tập hợp những cơ sở tham chiếu vững chắc hơn, có cường độ cảm xúc mạnh mẽ hơn. Những tham chiếu này mang đến cho ta cảm giác chắc chắn, rõ ràng. Chúng có thể đến từ kinh nghiệm cá nhân, nguồn tham khảo khác, hoặc thậm chí từ trí tưởng tượng một cách sống động.
Có những người mang đức tin với mức độ xác tín mạnh mẽ đến mức họ không cởi mở chấp nhận những nguồn tin mới. Nhưng nếu bạn có mối quan hệ tốt với họ, bạn có thể phá vỡ khuôn mẫu đóng kín ấy và khiến họ đặt nghi vấn về những tham chiếu của họ để họ bắt đầu cho phép mình tiếp cận với những yếu tố mới. Tuy nhiên, sự thành tín còn vững chắc hơn cả đức tin, chủ yếu ở cường độ cảm xúc được liên kết với ý niệm.
Người nuôi giữ sự thành tín không chỉ cảm thấy vững tin, mà còn tức giận nếu niềm tin tuyệt đối của họ bị ngờ vực. Họ không sẵn lòng đặt câu hỏi nghi vấn cho nguồn tham chiếu của mình, thậm chí chỉ trong nhất thời. Họ luôn phản kháng lại những tư tưởng mới, nhất là những điều gieo vào họ nỗi ám ảnh. Họ không ngần ngại hủy hoại người khác để bảo vệ cho niềm tin của mình; cũng chính vì thế mà sự thành tín đôi khi bị lợi dụng dưới vỏ bọc cao quý. Sự cứng nhắc này về lâu về dài có thể dẫn đến thất bại.
Dĩ nhiên sự thành tín cuồng nhiệt không phải là đặc tính riêng biệt chỉ có ở những người cuồng tín. Nó thuộc về bất cứ ai có mức độ cam kết cao và dám dấn thân cho một ý tưởng, một nguyên tắc, hay một sự nghiệp. Ví dụ, người than vãn về tình trạng giáo dục đại chúng chỉ là người có niềm tin, nhưng người thực sự tình nguyện tham gia vào chương trình xóa mù chữ để tạo nên sự thay đổi thì lại là người thành tín. Sự khác biệt ở đây là gì?
Sự thành tín luôn được gây dựng bởi những sự kiện hoặc sự việc quan trọng, để lại xúc cảm mạnh. Nuôi giữ sự thành tín chính là điều cốt yếu cho sự tồn tại của con người. Về mặt tích cực, sự thành tín có thể truyền cảm hứng, khơi nguồn sức mạnh thúc đẩy ta hành động, vượt qua mọi trở ngại. Theo tiến sĩ Robert P. Abelson, giáo sư tâm lý học và khoa học chính trị ở Đại học Yale, “Niềm tin giống như tài sản, còn lòng thành tín là tài sản có giá trị hơn hẳn, cho phép con người say mê làm việc để đạt tới mục tiêu, hoàn thành những dự án, mơ ước và khát vọng”.
Vậy làm thế nào để xây dựng sự thành tín?
Trước hết, hãy bắt đầu với một niềm tin cơ bản.
Tiếp theo, củng cố niềm tin bằng cách thêm vào những tham chiếu mới và vững chắc hơn. Càng có nhiều nguồn tham chiếu mạnh mẽ, sự thành tín sẽ càng mãnh liệt.
Sau đó, tìm một sự kiện “bùng nổ” có sức kích hoạt mạnh, hoặc chính mình tạo ra một sự kiện như thế. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi tạo ra xúc cảm mạnh, chẳng hạn như: “Tôi sẽ mất gì nếu không làm vậy?”.
Cuối cùng là hành động. Mỗi hành động của bạn sẽ củng cố thêm quyết tâm, gia tăng hơn nữa cường độ cảm xúc và sự thành tín.
Một trong những thách thức cho sự thành tín là niềm tin của bạn thường dựa trên lòng nhiệt tình, sôi nổi của người khác. Trong tâm lý học, điều này được gọi là kiểm chứng xã hội hay hiệu ứng số đông (social proof). Nhưng “đám đông” không phải lúc nào cũng đúng. Khi người ta không chắc chắn về điều họ làm, họ sẽ tìm kiếm sự hướng dẫn từ người khác. Trong quyển Influence, Robert Cialdini mô tả một thí nghiệm kinh điển, trong đó một người la lên “Cứu! Cưỡng hiếp!” để theo dõi phản ứng của một chủ thể – ngay lúc đó có hai người (đã được sắp đặt trước) tảng lờ tiếng kêu cứu và cứ đi tiếp. Chủ thể lưỡng lự không biết có nên hành động đáp lại lời cầu cứu hay không, nhưng khi thấy hai người kia xem như thể không có gì khác thường xảy ra, anh ta cho rằng tiếng kêu cứu chẳng đáng lưu tâm và cũng tảng lờ luôn.
Sử dụng kiểm chứng xã hội là cách thức giới hạn cuộc sống của bạn – trở nên “giống như bao người khác”. Một trong những hình thức kiểm chứng xã hội được ưa chuộng là lấy thông tin từ các “chuyên gia”. Nhưng có phải các nhà chuyên môn thì luôn luôn đúng? Vì vậy, bạn đừng mù quáng tiếp nhận mọi điều tôi chia sẻ! Hãy xem xét cẩn thận ý nghĩa của nó trong phạm vi cuộc đời bạn.
Đôi khi, ngay cả cảm giác của bạn cũng không thể hoàn toàn đáng tin cậy, như câu chuyện nổi tiếng về Copernicus. Vào những ngày đầu của nền thiên văn học non trẻ Ba Lan, mọi người thấy “rõ ràng” là mặt trời di chuyển vòng quanh trái đất, nên trái đất là trung tâm của vũ trụ. Nhưng đến năm 1543, Copernicus đã lần đầu tiên phát triển mô hình chính xác của hệ mặt trời. Cũng giống như bao vĩ nhân khác, ông đã dũng cảm thách thức “sự thông thái” của các chuyên gia, và cuối cùng giả thuyết đúng đắn của ông được chấp nhận dù rằng ông không còn sống.
Theo triết gia Đức Arthur Schopenhauer, mọi sự thật trải qua ba bước: trước tiên là bị chế nhạo, sau đó bị phản đối dữ dội, cuối cùng thì mới được chấp nhận như là điều hiển nhiên.
“Thế giới này được tạo thành như là tác phẩm của lòng minh. Tâm mình nghĩ thiện tạo thành thế giới thiện Lòng mình nghĩ ác tạo thành thế giới ác.”
— ĐỨC PHẬT THÍCH CA
Niềm tin kiểm soát mọi quyết định trong cuộc sống, và theo đó là cả tương lai của ta. Một trong những niềm tin phổ quát quan trọng nhất cần có là để thành công và hạnh phúc, ta phải kiên trì nâng cao chất lượng cuộc sống, không ngừng mở mang, học hỏi và phát triển.
Người Nhật nắm rất rõ quy tắc này. Ở Nhật, có một từ thường xuyên được sử dụng, đó là kaizen, nghĩa là liên tục cải thiện. Họ thường nói tới kaizen khi doanh số bị sụt giảm, kaizen cho dây chuyền sản phẩm, kaizen cho các mối quan hệ. Kết quả là, họ liên tục hướng tới việc làm thế nào để phát triển, nâng cao, cải tiến. Kaizen dựa trên nguyên lý tăng tiến từ từ, thực hiện những bước cải tiến đơn giản. Họ hiểu rằng những cải tiến nhỏ được tiến hành hàng ngày sẽ dần liên kết lại tạo thành những cải tiến vượt trội. Vì vậy người Nhật có một câu châm ngôn là “Nếu không gặp một người nào đó trong vòng ba ngày, bạn bè anh ta phải quan sát kỹ để tìm ra những thay đổi ở anh ấy”.
Càng xem xét ảnh hưởng của kaizen trong văn hóa kinh doanh Nhật Bản, tôi càng nhận thấy rõ đây là nguyên tắc tổ chức đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi. Sự cam kết không ngừng hoàn thiện bản thân, không ngừng nâng cao chất lượng sống là điều giúp tôi vừa hạnh phúc, vừa thành đạt. Tôi nhận ra chúng ta cần một từ gợi nhắc để hướng tập trung vào sự hoàn thiện liên tục. Vì ngôn từ nếu thường xuyên được sử dụng sẽ định hình nên lối tư duy, thậm chí ảnh hưởng đến cả việc đưa ra quyết định.
Kết quả của sự thấu hiểu này là, tôi tạo ra một từ gợi nhớ đơn giản: CANI! (Constant And Never-ending Improvement, phát âm là kun-ai), nghĩa là liên tục hoàn thiện. Tôi tin rằng mức độ thành công trong cuộc sống tỉ lệ thuận với mức độ cam kết CANI!, cam kết liên tục hoàn thiện. Điều này sẽ biến cuộc sống trở thành một hành trình khám phá thú vị.
Hầu hết mọi người không bao giờ cảm thấy an tâm bởi vì họ luôn lo lắng bị mất việc, mất số tiền tích cóp được, mất đi người thân yêu, mất sức khỏe, v.v. Song, sự vững tâm duy nhất trong cuộc sống xuất phát từ nhận thức rằng bạn đang hoàn thiện bản thân qua từng ngày, đang nâng cao năng lực, phẩm giá con người bạn, để rồi bạn trở nên giá trị đối với công ty, bạn bè và gia đình.
CANI! không có nghĩa là bạn không bao giờ nếm trải những thử thách. Thực tế, bạn chỉ có thể hoàn thiện điều gì đó nếu bạn nhận ra nó chưa ổn. Mục đích của CANI! là nhận ra những vấn đề đang manh nha và xử lý chúng trước khi chúng trở thành thảm họa.
Như là một phần trong cam kết CANI! đối với bản thân, cuối mỗi ngày tôi hay tự hỏi mình: “Tôi đã học hỏi được điều gì hôm nay? Tôi đã đóng góp hoặc hoàn thiện được gì? Tôi hứng thú với điều gì?”. Nếu mỗi ngày bạn đều kiên trì nâng cao khả năng tận hưởng cuộc sống, bạn sẽ trải nghiệm một cuộc sống phong phú, đầy ý nghĩa mà ít ai mơ tưởng đến.
NHỮNG BƯỚC TIẾN NHỎ CHO SỰ THAY ĐỔI LỚN
Pat Riley là huấn luyện viên bóng rổ thành công nhất trong lịch sử giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Vài người cho rằng ông may mắn vì có được những cầu thủ tuyệt vời. Điều đó hoàn toàn đúng, tuy nhiên có nhiều người dù đầy đủ nhân lực, vật lực trong tay nhưng thành công thu được lại không tương xứng. Thành công Pat có được là nhờ cam kết CANI!. Ông kể rằng vào đầu mùa giải 1986, ông đã phải đối mặt với một thách thức lớn: nhiều cầu thủ nghĩ mùa giải năm ngoái là mùa họ thi đấu tốt nhất nhưng vẫn còn thua đội Boston Celtics.
Khi lựa chọn một kế hoạch khả dĩ để đưa các cầu thủ lên một tầm cao mới, ông quyết định chọn kế sách thực hiện những bước tiến nhỏ. Ông thuyết phục các cầu thủ rằng bằng cách gắng sức thêm 1% so với khả năng tốt nhất, họ có thể tạo ra khác biệt lớn trong mùa bóng. Nghe qua có vẻ quá nhỏ nhoi, nhưng hãy thử nhẩm xem, mười hai cầu thủ nếu gia tăng 1% khả năng trên sân ở năm khu vực thì khi kết hợp nỗ lực của cả đội, hiệu quả sẽ gia tăng đến 60% – trong khi chỉ với 10% khác biệt đã đủ để giành chức vô địch. Tuy nhiên giá trị thật sự của triết lý này nằm ở chỗ mọi người đều biết điều đó khả thi. Các cầu thủ đều tin chắc rằng họ có thể cải thiện ít nhất là 1% trên khả năng tốt nhất của họ trong năm khu vực chính, và cảm giác chắc chắn đó thậm chí còn khơi dậy tiềm năng lớn hơn trong họ. Kết quả là, hầu hết các cầu thủ gia tăng ít nhất 5% và nhiều người tăng đến 50%. Theo Pat Riley, mùa giải 1987 hóa ra là mùa giải dễ dàng nhất của họ từ trước tới đó.
Hãy nhớ rằng chìa khóa dẫn đến thành công là xây dựng cảm giác vững tin – một loại niềm tin cho phép bạn cởi mở hơn và có những động thái cần thiết để giúp cuộc sống của bạn và những người xung quanh tuyệt vời hơn. Ngày hôm nay bạn nghĩ điều gì đó là đúng đắn; nhưng thời gian trôi qua, cũng là lúc chúng ta thay đổi, sẽ có những trải nghiệm mới mẻ hơn. Niềm tin có thể thay đổi nếu ta có thêm nhiều nguồn tham chiếu.
“Vì lòng hắn nghĩ sao, con người hắn như vậy.”
— SÁCH CÁCH NGÔN (23: 7)
Chúng ta đã tìm hiểu nhiều về niềm tin, nhưng để thật sự làm chủ cuộc sống, chúng ta phải biết rõ mình đang sử dụng niềm tin nào để định hướng. Vì vậy ngay lúc này, hãy tạm dừng mọi việc khác và dành mười phút cho hoạt động sau. Nghĩ về tất cả những niềm tin mà bạn có, bao gồm những niềm tin khiến bạn trở nên mạnh mẽ hoặc yếu đuối, những niềm tin nhỏ bé tưởng chừng chẳng có ảnh hưởng gì mấy và cả những niềm tin phổ quát tạo ra những thay đổi rõ rệt. Hãy đảm bảo rằng bạn nêu đủ:
Viết ra tất cả những gì bạn có thể nghĩ được trong vòng mười phút. Khoảnh khắc này chính là món quà bạn dành tặng cho riêng mình. Khi làm xong, tôi sẽ mách nước tiếp làm thế nào để củng cố những niềm tin tích cực (khơi nguồn sức mạnh) và loại bỏ những niềm tin hạn hẹp (triệt tiêu sức mạnh).
Bạn rút ra được điều gì qua hoạt động này?
Bây giờ hãy dành ít phút để xem lại danh sách trên. Chọn và khoanh tròn ba niềm tin tích cực nhất. Chúng khiến bạn trở nên mạnh mẽ như thế nào? Hãy nghĩ về những tác động tích cực chúng tạo ra cho bạn. Gia cố thêm bằng xúc cảm mãnh liệt, cũng như cảm giác vững tin để những niềm tin này có thể định hướng cho hành vi của bạn về sau.
Còn về những niềm tin hạn hẹp, chúng đã đem đến cho bạn những hậu quả nào? Hãy khoanh tròn hai niềm tin tai hại nhất. Khẳng định ngay lập tức, một lần và mãi mãi, rằng bạn sẽ không bao giờ sẵn lòng trả giá cho những gì mà các niềm tin này gây ra nữa. Khi bạn bắt đầu nghi ngại và thắc mắc về tính hợp lý của chúng, bạn có thể lay chuyển những “chiếc chân” tham chiếu bằng cách tự hỏi mình những câu hỏi sau:
Việc liên tưởng đến những tổn hại mà các niềm tin này gây ra cho bạn và tổn hại thực sự về sau nếu bạn không thay đổi sẽ thôi thúc bạn đưa ra quyết định mạnh mẽ là sẵn sàng từ bỏ chúng.
Song, ta không thể loại bỏ triệt để mô thức cũ nếu không thay thế nó ngay bằng mô thức mới. Nên ngay từ bây giờ, hãy viết ra những ý niệm thay thế cho hai niềm tin hạn hẹp bạn vừa mới bỏ đi. Sẽ là điều gì đó tương phản chăng? Ví dụ, nếu bạn tin “Tôi không thể thành công vì tôi là phụ nữ”, thì niềm tin mới của bạn có thể là “Vì là phụ nữ nên tôi sẵn có những sáng kiến mà không người đàn ông nào có thể nghĩ ra được!”.
Tiếp theo, bạn cần đưa ra các tham chiếu để cảm thấy vững tin hơn vào ý niệm mới. Khi bạn gia cố và làm vững mạnh cho niềm tin này, nó sẽ bắt đầu dẫn dắt hành vi của bạn theo hướng đi hoàn toàn mới và hiệu quả hơn nhiều.
Khi bạn kiểm tra những niềm tin hạn hẹp, hãy để ý xem cảm xúc của bạn thay đổi như thế nào. Nếu bạn thay đổi ý nghĩa của bất cứ sự kiện, sự việc nào, bạn sẽ ngay lập tức thay đổi cảm nhận của mình, dẫn đến thay đổi hành vi và theo đó chuyển đổi cả số phận của bạn.
Niềm tin ẩn chứa một tiềm năng phi thường có thể sáng tạo hoặc gây ra hủy hoại. Tôi tin rằng khi bạn cầm cuốn sách này lên, từ sâu bên trong, bạn đã không cam chịu kém hơn khả năng tốt nhất có thể đạt đến. Bạn có thật sự muốn khai thác sức mạnh để biến ước mơ thành hiện thực? Thế thì hãy học cách lựa chọn niềm tin mang đến cho bạn sức mạnh, tạo ra những niềm tin vững chắc hướng bạn đến gần hơn với “con người phi thường” bên trong.
NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
Nhà lãnh đạo, hay người dẫn dắt, là người có tài củng cố niềm tin và cổ vũ mọi người bộc lộ hết năng lực của họ bằng cách chuyển đổi những niềm tin hạn hẹp. Một trong những “người dẫn đường” đã để lại cho tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc là cô giáo Marva Collins.
Ba mươi năm trước, Marva tận dụng năng lực cá nhân và quyết định vươn đến tương lai bằng cách tạo ra những thay đổi thật sự trong cuộc sống của những đứa trẻ. Ban đầu, khi nhận dạy học ở một khu ổ chuột, những học sinh lớp hai ở đó xác định là chúng không muốn học hành gì cả. Nhưng nhiệm vụ của Marva là phải tác động đến cuộc sống của những học sinh này. Bà không chỉ tin mình sẽ lay động được các em, mà bà còn có một niềm tin sắt đá rằng bà sẽ gây ảnh hưởng lên chúng mãi mãi.
Đối mặt với những đứa trẻ mắc phải chứng khó đọc và gặp vấn đề về khả năng tiếp nhận hoặc rối loạn hành vi, bà nghiệm ra rằng vấn đề không nằm ở những đứa trẻ mà là ở cách dạy. Chưa có ai đưa ra thách thức để kích hoạt khả năng của chúng nên chúng không còn tin vào bản thân nữa. Chúng chưa từng trải qua áp lực đến mức buộc phải đột phá để nhận ra con người thật sự và năng lực thật sự của mình. Theo bà, con người luôn phản ứng lại với những thách thức để có thể trưởng thành, và bà tin những đứa trẻ này cần nhiều thử thách hơn bất cứ điều gì.
Nghĩ vậy, bà quẳng đi tất cả những cuốn sách giáo khoa soạn riêng cho học sinh chậm hiểu và thay vào đó là dạy chúng những tác phẩm của Shakespeare, Sophocles và Tolstoy. Các giáo viên khác đều bảo: “Không được đâu! Làm sao chúng hiểu nổi!”. Nhiều người còn cho rằng bà đang hủy hoại cuộc đời bọn trẻ.
Nhưng học trò của Marva không chỉ hiểu được các tác phẩm đó mà còn trưởng thành lên nhờ chúng. Tại sao như vậy? Vì bà có niềm tin mãnh liệt vào nét độc đáo và khả năng học hỏi của mỗi đứa trẻ. Bà tiếp xúc với chúng một cách hòa đồng và đầy yêu thương đến nỗi chúng dần cảm thấy tự tin hơn – với một số trẻ thì đó là lần đầu tiên trong đời. Thành quả bà tạo ra quả là phi thường.
Lần đầu tiên gặp Marva và phỏng vấn bà ở trường Dự bị Westside, một trường tư thục nằm ngoài hệ thống trường học của thành phố Chicago. Sau cuộc gặp gỡ, tôi quyết định phỏng vấn một vài học sinh của bà. Người đầu tiên tôi gặp là một cậu bé bốn tuổi với nụ cười mê hồn. Tôi bắt tay cậu nhỏ.
- Xin chào, chú là Tony Robbins.
- Chào chú Robbins, tên cháu là Talmadge E. Griffin. Cháu được bốn tuổi. Thế chú muốn biết điều gì nào?!
- Ừ này Talmadge, cho chú biết cháu đang học những gì trong thời gian này?
- Cháu học nhiều thứ lắm, thưa chú.
- Vậy thì cháu đã đọc những quyển sách nào gần đây?
- Cháu vừa đọc xong cuốn Of Mice and Men của John Steinbeck.
Phải nói là tôi cảm thấy khá ấn tượng về điều này. Tôi tiếp tục hỏi cậu bé về cuốn sách, hình dung rằng cậu bé sẽ trả lời cuốn sách đề cập đến hai người tên là George và Lenny.
- Tốt thôi, nhân vật chính trong cuốn sách này là... - Cậu bé nói.
Lúc này tôi đã thật sự tin! Sau đó tôi hỏi thêm cậu đã học được gì từ cuốn sách.
- Thưa chú, cháu không chỉ học từ cuốn sách. Cuốn sách đã ngấm vào tâm hồn cháu.
Tôi bật cười và hỏi tiếp:
- “Ngấm vào” nghĩa là sao vậy cháu?
- Là lan tỏa từ bên trong. - Cậu bé đáp, rồi định nghĩa từ này còn hoàn hảo hơn mức tôi có thể cho bạn biết.
- Điều gì trong cuốn sách làm cháu xúc động như vậy, Talmadge?
- Thưa chú, cháu để ý thấy trong truyện, những đứa trẻ không bao giờ phán xét người khác qua màu da của họ. Chỉ người lớn mới làm vậy thôi. Sau này lớn lên, cháu cũng sẽ không bao giờ quên đi những bài học lúc bé.
Tôi bắt đầu rơm rớm vì thấy Marva Collins đã giúp người đàn ông bé nhỏ này, cũng như những đứa trẻ khác, nuôi giữ một niềm tin mạnh mẽ sẽ định hình cho những quyết định không chỉ ở hiện tại mà còn trong cả cuộc sống mai sau. Marva gia tăng giá trị cuộc sống cho học trò bà bằng cách sử dụng ba yếu tố tổ chức mà tôi đã đề cập ở phần đầu quyển sách: nâng tầm bản thân; tiếp nhận quan điểm mới, thay đổi niềm tin hạn hẹp về bản thân; đồng thời trang bị cho các em những kỹ năng, chiến lược chuyên biệt cần thiết cho sự thành công suốt cả cuộc đời. Kết quả là gì? Học trò của bà không chỉ trở nên tự tin mà còn giỏi giang nữa. Cuối cùng, tôi hỏi Talmadge:
- Đâu là điểm quan trọng nhất trong những điều mà cô Collins đã dạy cho cháu?
- Điều quan trọng nhất mà cô Collins đã dạy cho cháu là XÃ HỘI CÓ THỂ ĐƯA RA NHỮNG PHỎNG ĐOÁN MƠ HỒ, NHƯNG CHỈ CÓ CHÍNH CHÁU MỚI QUYẾT ĐỊNH SỐ PHẬN CỦA MÌNH!
Có lẽ tất cả chúng ta đều cần phải ghi nhớ bài học này. Với những niềm tin mà Talmadge diễn đạt một cách hùng hồn như thế, tôi bảo đảm rằng cậu ta, và những đứa trẻ khác trong lớp, sẽ có nhiều cơ hội tạo ra tương lai như các em mong muốn.