3
SỨC MẠNH ĐỊNH HÌNH CUỘC ĐỜI
“Đời người gồm những khoảnh khắc của lý trí xen lẫn những khoảnh khắc khôi hài và đam mê.”
— SIR THOMAS BROWNE
Cô gái chỉ mới chạy bộ được khoảng nửa giờ đồng hồ thì tai họa ập tới. Khoảng một chục thanh thiếu niên từ đâu bất ngờ lao nhanh về phía cô. Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, chúng lao tới tấn công cô, kéo cô vào bụi rậm và dùng ống sắt liên tục nện vào người cô. Một gã liên tiếp đá vào mặt cô cho đến khi mắt cô bê bết máu. Sau đó chúng cưỡng hiếp cô và bỏ mặc cô cho đến chết.
Tội ác man rợ, không tưởng tượng nổi này đã xảy ra ở Công viên Trung tâm New York. Vào cái đêm xảy ra thảm kịch này, tôi đang ở New York. Tôi bị choáng không chỉ vì tính chất tàn bạo của vụ tấn công mà còn kinh ngạc hơn khi biết những kẻ thủ ác là ai. Chúng chỉ là những thiếu niên tuổi từ 14 đến 17. Không giống như những tội phạm thiếu niên khác, những đứa trẻ này hoàn toàn không xuất thân từ gia đình nghèo khổ hoặc bị ngược đãi. Chúng đều được học ở các trường tư, tham gia đội bóng, đội kèn đồng của trường. Trong lúc phạm tội, những đứa trẻ này không hề bị say thuốc, cũng không bị kích động sắc tộc. Chúng tấn công và suýt nữa đã giết chết người phụ nữ 28 tuổi ấy vì một và chỉ một nguyên do duy nhất: cho vui. Thậm chí chúng còn đặt cho “trò vui” này cái tên là “ngầu”.
Cách đó khoảng 400 cây số, ngay tại thủ đô Washington, một chiếc máy bay gặp tai nạn ngay khi vừa cất cánh từ Sân bay Quốc gia giữa cơn bão tuyết mịt mù. Nó đâm vào cây cầu Potomac vào đúng giờ cao điểm. Giao thông bị ngừng trệ, các đội cứu nạn khẩn cấp được điều ngay đến hiện trường, và cây cầu trở thành cơn ác mộng. Lính cứu hỏa và nhân viên cứu thương liên tục được điều thêm tới cầu Potomac để cố gắng cứu người bị nạn trong đống đổ nát kinh hoàng.
Giữa cảnh tượng hoảng loạn, đầy sợ hãi ấy, có một người đàn ông liên tục chuyền phao cứu sinh cho những người gặp nạn. Anh ta đã cứu sống rất nhiều người, trừ mạng sống của mình. Cuối cùng khi trực thăng ứng cứu tới được chỗ anh, bóng anh đã chìm khuất bên dưới mặt nước đóng băng, lạnh giá. Người đàn ông này đã dùng chính mạng sống của mình để cứu những người hoàn toàn xa lạ với anh!
Điều gì đã khiến một người có “nền tảng giáo dục tốt” hành xử thật dã man, không chút động lòng, trong khi một người khác lại dám hy sinh tính mạng của mình để cứu những người hoàn toàn không quen biết? Điều gì đã tạo nên một người anh hùng, một kẻ đê tiện, một tên tội phạm hay một người hào hiệp vì cộng đồng? Điều gì tạo nên sự khác biệt trong cách hành xử của con người?
Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn khao khát tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Có một điều rất rõ đối với tôi, đó là con người không phải là một sinh vật hành xử một cách ngẫu nhiên; mọi việc chúng ta làm đều có lý do. Có thể không xác định chính xác lý do, nhưng chắc chắn luôn có một động lực cho tất cả các hành vi của con người. Động lực này chi phối mọi mặt trong cuộc sống, từ các mối quan hệ, khả năng tài chính cho đến thân thể và trí óc chúng ta. Động lực nào hiện đang chi phối bạn và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến bạn trong suốt phần đời còn lại? Đó chính là niềm vui và nỗi đau. Mọi việc ta làm đều vì nhu cầu tránh mọi nỗi thống khổ hoặc mưu cầu sự sung sướng.
Tôi vẫn thường nghe nhiều người nói về những thay đổi họ muốn tạo ra trong cuộc sống nhưng họ không theo đuổi chúng đến cùng. Họ cảm thấy chán chường, mệt mỏi, thậm chí tức giận khi biết rằng họ cần phải hành động, song lại không thể bắt bản thân làm việc đó. Lý do cơ bản là họ cố gắng thay đổi hành vi, mà hành vi vốn chỉ là kết quả, thay vì phải đối mặt với nguyên nhân nảy sinh vấn đề.
Hiểu và tận dụng được động lực sướng - khổ sẽ cho phép bạn tạo ra những thay đổi bền vững cho bản thân và cho những người bạn quan tâm. Không hiểu được sức mạnh của hai động lực này sẽ khiến tương lai bạn bị đày đọa trong viễn cảnh sống để đối phó.
“Chịu đựng đau khổ khi chưa phải lúc tức là đang phải chịu đựng nhiều hơn mức cần thiết.”
— SENECA
Điều gì ngăn cản bạn tiếp cận mẫu người yêu lý tưởng của mình? Điều gì ngăn cản bạn khởi đầu sự nghiệp kinh doanh mà bạn đã hoạch định trước đó đã lâu? Tại sao bạn cứ trì hoãn việc ăn kiêng? Tại sao bạn không kiểm soát nổi danh mục đầu tư tài chính của bạn? Điều gì ngăn bạn thực hiện những việc giúp tạo nên cuộc sống như bạn hằng mơ ước?
Dù biết rõ tất cả những hành động này đều mang lại lợi ích cho mình, nhưng bạn cũng không làm vì lúc đó bạn đã liên tưởng việc thực hiện những điều cần thiết đó với nỗi khổ nhọc – lớn hơn nhiều so với việc đánh mất đi cơ hội. Điều gì xảy ra nếu bạn tiếp cận người ấy và bị từ chối? Điều gì xảy ra nếu bạn khởi nghiệp kinh doanh nhưng thất bại và gây xáo trộn cả công việc hiện tại? Điều gì xảy ra khi bạn bắt đầu ăn kiêng và phải chịu đựng cảm giác kiêng khem khổ sở, rồi rốt cuộc lại tăng ký? Điều gì xảy ra nếu khoản đầu tư của bạn mất sạch? Thế thì tại sao phải thử?
Với nhiều người, nỗi sợ mất mát vẫn lớn hơn nhiều so với niềm vui được có thêm. Điều gì thúc đẩy bạn mạnh mẽ hơn: tránh để mất đi 100.000 đô-la bạn đã dành dụm trong suốt năm năm, hay là cơ hội sinh lời gấp đôi trong năm năm tới? Thực tế là hầu hết mọi người sẽ cố gắng giữ lại những gì mình đang có thay vì chấp nhận rủi ro để đạt được những điều họ mơ ước.
“Bí quyết thành công là biết cách sử dụng niềm vui và nỗi đau thay vì để chúng chi phối bạn. Nếu làm được vậy, bạn đang làm chủ cuộc đời mình; còn nếu không, cuộc đời sẽ chi phối bạn.”
— ANTHONY ROBBINS
Một câu hỏi thú vị thường được nêu ra trong các cuộc thảo luận về hai nguồn lực chi phối chúng ta, đó là: “Tại sao con người dù đã trải qua khổ ải nhưng vẫn không thể thay đổi?”. Vì họ chưa nếm trải đủ “mùi” đau khổ, vẫn chưa chạm đến cái mà tôi gọi là ngưỡng cảm xúc. Đây chính là khoảnh khắc kỳ diệu – khi nỗi khổ niềm đau trở thành bạn của ta. Nó khiến ta phải hành động khác đi để gặt hái những kết quả mới. Ta sẽ hành động quyết liệt, dứt khoát hơn nếu lúc đó ta hình dung sự thay đổi sẽ tạo ra vô vàn niềm vui cho cuộc sống của mình.
Có rất nhiều cấp độ sướng – khổ khác nhau. Ví dụ như việc cảm thấy bị sỉ nhục là một hình thức đau khổ rất lớn về mặt tinh thần. Cảm giác bất tiện, thiếu thoải mái, buồn chán cũng là những dạng khổ sở khác, dù cường độ có thấp hơn nhưng chúng vẫn có thể thúc đẩy bạn đưa ra quyết định mới. Và niềm vui sướng cũng có vai trò tương tự. Rất nhiều động lực trong cuộc sống xuất phát từ việc chúng ta nghĩ rằng hành động của mình sẽ đưa đến một tương lai tốt đẹp hơn, rằng việc ta làm hôm nay sẽ không uổng phí, rằng ta sẽ được tưởng thưởng quả trái thành công trong một ngày rất gần.
BÀI HỌC QUAN TRỌNG NHẤT CUỘC ĐỜI
Donald Trump và Mẹ Teresa đều bị chi phối bởi cùng một động lực. Hẳn bạn sẽ bảo: “Họ khác nhau một trời một vực mà!”. Đúng là các giá trị sống của họ thuộc hai thái cực đối lập nhau, nhưng thật ra họ đều chịu tác động của sự sướng – khổ. Cuộc đời họ được định hình từ những điều họ học hỏi được, rằng điều gì sẽ đem lại niềm vui, cũng như những gì sẽ mang đến khổ đau.
Điều gì đã chi phối những việc làm của Donald Trump? Suốt cuộc đời, ông đã học cách đạt tới niềm vui sướng bằng cách sở hữu những chiếc du thuyền hoành tráng và đắt tiền nhất, chiếm được những tòa nhà tráng lệ nhất, kiếm được những phi vụ làm ăn hời nhất – tóm lại là tích lũy những món “đồ chơi” xa xỉ và quy mô nhất. Ông đã học cách liên hệ nỗi đau khổ với điều gì? Qua nhiều cuộc phỏng vấn, ông tiết lộ rằng không gì khiến ông đau khổ hơn việc là người về nhì trong bất kỳ chuyện gì – ông đánh đồng điều đó với thất bại. Thực ra, động lực lớn nhất giúp ông đạt được thành tựu bắt nguồn từ nỗ lực tránh rơi vào sự khốn khổ ấy. Động lực này lớn hơn nhiều so với động cơ mưu cầu hạnh phúc. Nhiều đối thủ đã vô cùng đắc chí nhìn Trump nếm mùi đau khổ khi phần lớn đế chế kinh tế của ông sụp đổ. Thay vì phán xét ông, sẽ thật đáng quý nếu chúng ta hiểu được điều gì đang thôi thúc ông và thông cảm với nỗi khổ của ông.
Mẹ Teresa thì ngược lại. Đó là người phụ nữ có lòng từ ái sâu sắc đến độ khi trông thấy người khác khổ sở, bà cũng đau đớn theo. Bà đau xót khi chứng kiến những bất công của hệ thống đẳng cấp xã hội. Bà nhận thấy vào những lúc giúp đỡ người khác, khi những nhọc nhằn của họ vơi đi thì nỗi đau khổ của bà cũng tan biến theo. Với Mẹ Teresa, ý nghĩa tối thượng của cuộc sống có thể được tìm thấy ở một trong những khu dân cư nghèo khổ nhất thành phố Calcutta với hàng triệu người đói ăn và bệnh tật. Với bà, niềm vui sống có thể là việc lội qua bãi sình rác thải, nước cống và rác rưởi ngập đến gối để tìm đến túp lều tồi tàn mà chăm sóc cho những đứa bé sơ sinh, những trẻ nhỏ sống ở đấy với thân thể gầy guộc, tiều tụy vì bệnh tả và kiết lỵ. Bà bị thôi thúc mạnh mẽ bởi ý niệm cứu vớt người khác thoát khỏi nỗi bất hạnh cũng chính là giúp vơi nhẹ đi nỗi khổ của bản thân, và bằng cách giúp họ có một cuộc sống tốt hơn – mang lại niềm vui cho họ – bà sẽ cảm thấy hạnh phúc, thanh thản. Mẹ Teresa biết rằng phụng sự vì lợi ích của người khác mới là việc làm phước thiện hơn cả, nó giúp bà nhận thấy cuộc đời bà thực sự có ý nghĩa.
Sẽ có ý kiến cho rằng thật quá khập khiễng nếu ví đức khiêm nhường cao thượng của Mẹ Teresa với chủ nghĩa vật chất của Donald Trump, song điều mấu chốt cần nhớ là hai con người này đã định hình nên số phận của họ dựa trên những điều mà họ liên tưởng đến như là niềm vui hoặc nỗi đau. Chắc chắn nguồn gốc xuất thân và môi trường sống cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ, nhưng chính họ mới là người quyết định họ sẽ tưởng thưởng hay trừng phạt bản thân vì điều gì.
NHỮNG GÌ BẠN CHO LÀ SƯỚNG HOẶC KHỔ SẼ TẠO RA SỐ PHẬN CỦA BẠN
Một quyết định tạo ra sự khác biệt to lớn cho chất lượng cuộc sống của tôi là ngay từ thời trẻ tôi đã có hứng thú học tập lạ thường. Tôi nhận ra rằng việc khám phá những ý tưởng và chiến lược hình thành nên nhân cách, cảm xúc của mình có thể đem lại cho tôi gần như mọi thứ tôi muốn có trong đời. Học tập có thể giúp tôi thoát khổ và tìm đến niềm vui. Học tập để khám phá những bí mật ẩn sau hành động, qua đó giúp tôi sống khỏe hơn, gắn bó bền chặt hơn với những người tôi quan tâm. Học tập mang lại cho tôi cơ hội cống hiến những giá trị thật sự cho mọi người xung quanh – niềm vui tối thượng của tôi! Và từ đây mục đích sống của tôi bắt đầu mở ra.
Vậy, những trải nghiệm sướng – khổ nào đã khắc họa nên cuộc đời bạn?
Nếu bạn là bác sĩ, có phải quyết định theo đuổi nghề y được thôi thúc bởi niềm tin rằng trở thành bác sĩ sẽ làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc? Mọi bác sĩ trò chuyện với tôi đều cho rằng niềm vui lớn lao của họ là giúp mọi người xoa dịu cơn đau, chữa lành bệnh tật, và cứu được nhiều mạng sống. Thường thì niềm tự hào khi là một người được nể trọng trong xã hội cũng là một động lực khác.
Hãy nghĩ đến những quan niệm về sướng – khổ nhất thời của John Belushi, Freddie Prinze, Jimi Hendrix, Elvis Presley, Janis Joplin và Jim Morrison. Việc viện đến ma túy như là một cứu cánh, một lạc thú trong phút chốc hoặc là một lối thoát khỏi khổ ải để tìm đến “cõi” vui tạm thời đã làm cho đời họ xuống dốc. Họ phải trả cái giá quá đắt cho việc không định hướng được tư tưởng và cảm xúc của chính mình. Hệ quả không chỉ dừng lại đó, hãy nghĩ về hình mẫu họ đã tạo ra cho hàng triệu người hâm mộ mà xem!
Tôi chưa bao giờ tự “nộp” mình cho “nàng tiên nâu” hay “thần lưu linh”! Có phải là tôi quá khôn ngoan? Không, đó là vì tôi rất may mắn. Một lý do nữa khiến tôi không đụng đến bia rượu là khi còn nhỏ, trong gia đình tôi có vài người làm những chuyện ghê tởm mỗi khi say xỉn, khiến tôi liên tưởng việc uống bất kỳ loại thức uống có cồn nào với nỗi đau tột cùng.
Một ấn tượng đặc biệt sâu sắc khác nữa vẫn còn lưu giữ trong tâm trí tôi là ký ức về người bạn thân nhất của mẹ. Dì ấy mập hơn 130 ký và uống rượu thường xuyên. Mỗi lần rượu vào, dì ấy thường thích bám vào tôi và nôn ọe lên cả người tôi. Cho đến giờ, mùi rượu bốc ra từ hơi thở của bất kỳ ai cũng khiến tôi thấy buồn nôn.
Còn bia thì lại gắn với một ký ức khác nữa. Hồi mười một, mười hai tuổi gì đó, tôi không xem bia là một loại thức uống có cồn. Nhất là cha tôi cũng uống bia, nhưng không có những hành động đáng khinh hoặc ghê tởm. Thực ra ông có vẻ vui hơn một chút khi đã uống một vài ly. Thế là tôi liên tưởng niềm vui với bia bọt bởi vì tôi muốn được giống như cha. Có phải việc uống bia thật sự khiến tôi trở nên giống cha?
Một ngày kia tôi xin phép mẹ cho tôi uống thử. Đầu tiên bà phản đối và bảo rằng nó không tốt cho tôi. Thế nhưng một khi ý tôi đã quyết thì thuyết phục tôi khó đấy! Chúng ta không tin vào những điều nghe thấy, phần nào là do chúng ta khăng khăng rằng nhận thức của mình là đúng đắn – và hồi đó tôi tin rằng uống bia là dấu hiệu của sự trưởng thành. Rồi mẹ tôi nhận thấy tôi cũng sẽ đi uống ở nơi khác nếu bà không cho tôi nếm trải một kinh nghiệm nhớ đời. Ở chừng mực nào đó, hẳn là bà đã biết cách thay đổi quan niệm của tôi về bia nên bà bảo:
- Được rồi, con muốn uống bia cho giống cha à? Vậy thì con sẽ phải thực sự uống giống như ông ấy.
- Vậy nghĩa là sao ạ?
- Con sẽ phải uống hết một lốc sáu lon. – Bà nói tiếp.
- Chuyện nhỏ! – Tôi gật đầu đồng ý.
- Và con phải uống ngay tại đây.
Nhấp ngụm đầu tiên, nó có vị thật kinh khủng, không giống với những gì tôi tưởng. Dĩ nhiên khi ấy tôi không thừa nhận điều đó, trước hết là do sĩ diện. Thế nên tôi ráng uống thêm vài ngụm nữa. Sau khi uống hết một lon, tôi nói:
- Giờ thì con đầy bụng thật rồi mẹ à!
- Không, một lon nữa này con. – Vừa nói, bà vừa khui nắp.
Uống đến lon thứ ba hoặc thứ tư, tôi bắt đầu cảm thấy bụng dạ chộn rộn cả lên. Chắc bạn cũng đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, tôi nôn thốc nôn tháo lên khắp người và tóe loe cả bàn ăn. Thật kinh tởm, và việc lau dọn cái đống ấy cũng thế! Tôi tức khắc liên kết “mùi vị của bia” với “bãi nôn” và “cảm giác ghê sợ”. Tôi đã khắc cốt ghi tâm cái cảm giác ấy – nó định hướng rõ ràng cho các quyết định tương lai của tôi. Kết quả là, tôi không bao giờ uống một ngụm bia nào kể từ đó!
Phải chăng việc liên tưởng đến sướng – khổ tạo ra trong cuộc sống chúng ta một hiệu ứng dây chuyền? Mối liên tưởng tiêu cực về bia đã ảnh hưởng đến nhiều quyết định của tôi. Nó ảnh hưởng đến người tôi chọn để chơi cùng ở trường. Nó xác định cách tôi học hỏi để có được niềm vui. Do không uống bia rượu nên tôi có thể chú tâm học hành, vui chơi và tham gia các hoạt động thể thao. Tôi cũng biết cảm giác giúp đỡ người khác thật sự rất tuyệt, do đó trong trường tôi trở thành người mà ai cũng có thể đến để nhờ tư vấn những vấn đề cá nhân. Giải quyết những vấn đề đó khiến cả tôi và họ đều dễ chịu.
Tôi cũng chẳng bao giờ dùng ma túy vì hồi học lớp ba hoặc lớp bốn gì đó, một nhóm cảnh sát đến trường tôi, chiếu cho bọn tôi xem những đoạn phim về hậu quả khi “dính” vào ma túy. Tôi đã thấy người ta chơi thuốc, nằm mê man, bị cách ly và cố chuồn ra qua cửa sổ. Bởi ngay từ nhỏ tôi đã gắn “nhãn” ma túy với sự xấu xa và chết chóc nên tôi chẳng bao giờ dùng thử.
Chúng ta rút ra được bài học gì từ đây? Chỉ bằng cách liên kết nỗi khổ đau cùng cực với bất kỳ kiểu mẫu hành xử hoặc cảm xúc tiêu cực nào đó, chúng ta sẽ tránh sa vào nó. Chúng ta có thể ứng dụng kiến thức này để thay đổi gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ việc trì hoãn công việc cho đến việc chơi ma túy. Giả dụ như bạn muốn con cái mình tránh xa ma túy, vậy thì thời điểm tốt nhất để tiếp cận mấy đứa nhỏ là trước khi chúng tò mò dùng thử và trước khi có ai đó nhồi vào đầu chúng hình dung lệch lạc rằng ma túy sẽ mang đến niềm khoái lạc.
Vợ tôi, Becky, và tôi đã xác định rằng cách tốt nhất để đảm bảo con cái không bao giờ nghiện ngập là khiến chúng liên tưởng ma túy với nỗi khổ sở ghê gớm. Nếu không dạy cho các con biết ma túy thật sự là gì, có thể sẽ có ai đó thuyết phục chúng rằng ma túy là một cách hữu dụng để thoát khổ. Để thực hiện “sứ mệnh” đặc biệt này, tôi gọi cho một người bạn cũ, Đại tá Cảnh vệ binh John Rondon. Ông đã sắp xếp đưa các con tôi đi một chuyến mà chúng sẽ chẳng bao giờ quên, mang đến cho chúng một trải nghiệm rõ ràng về những tác động ma túy gây ra cho con người.
Chuyến đi bắt đầu bằng cuộc thăm thú trực tiếp một khu nhà với những căn hộ mục nát, đầy chuột bọ. Lúc chúng tôi vào, mấy đứa con tôi bị “khủng bố” tinh thần bởi mùi nước tiểu hôi nồng nặc dây đầy sàn, bởi cảnh những con nghiện đang phê thuốc bất chấp ai đang nhìn mình, những cô gái làng chơi non choẹt đang mồi chài khách qua đường, và tiếng khóc của những đứa trẻ nhếch nhác. Các con tôi đã học được cách liên tưởng ma túy với sự tàn phá về thể chất, cảm xúc và tinh thần. Từ đó, dù nhiều lần thấy ma túy bày bán tràn lan nhưng chúng không bao giờ động vào. Những liên tưởng này đã định hình rõ số phận của chúng.
“Nếu bạn buồn khổ vì những điều thuộc ngoại cảnh, thì không phải do ngoại cảnh mà chính những nhận định của bạn về ngoại cảnh đã gây ra cảm xúc đó; và bạn hoàn toàn có khả năng thay đổi cách đánh giá của bạn bất cứ lúc nào.”
— MARCUS AURELIUS
Con người là sinh vật duy nhất trên hành tinh có cuộc sống nội tâm phong phú nên chúng ta không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh. Chính cách hiểu của ta về các sự việc, hiện tượng sẽ quyết định cách ta nhìn nhận về bản thân, cũng như cách thức ta hành động trong tương lai. Một trong những điều tuyệt vời khiến con người trở nên đặc biệt là khả năng điều chỉnh, biến đổi và chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm cụ thể, hay ho và hữu ích hơn. Chỉ con người mới có khả năng thay đổi cách liên tưởng của mình để biến khổ đau thành niềm vui, hoặc ngược lại.
Mọi hành vi của ta, kể cả chủ ý lẫn vô tình, đều bị chi phối bởi sự sướng – khổ. Bạn có thể biết hoặc không biết chính xác khi nào thì việc lập trình và điều tiết này diễn ra. Một câu nói của ai đó, một sự cố bất ngờ, nhận giải thưởng thể thao, giây phút ngượng ngập, điểm 10 đỏ chói… đều góp phần tạo nên con người chúng ta hôm nay. Xin nhấn mạnh rằng bạn liên tưởng sự sướng – khổ với những gì thì chính những điều đó sẽ hình thành nên số phận của bạn.
“Người ta thường nghe theo tiếng gọi của con tim hơn là của lý trí.”
— LORD CHESTERFIELD
Dù không muốn thừa nhận điều này, nhưng thực tế là những phản ứng theo bản năng liên quan đến sướng – khổ luôn điều khiển hành vi của chúng ta, chứ không phải là những toan tính lý trí. Theo lý trí, chúng ta biết ăn sô-cô-la quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn cứ để “cái miệng hại cái thân”. Tại sao? Bởi vì chúng ta không bị chi phối nhiều bởi những gì chúng ta biết theo lý trí, mà bởi những gì liên quan đến cảm giác sướng – khổ. Chính các liên hợp thần kinh xác định chúng ta sẽ làm gì. Mặc dù chúng ta hay nghĩ rằng lý trí mới thật sự chi phối mình, nhưng trong nhiều tình huống thì chính cảm xúc đã điều khiển ta.
Nhiều lần ta cố ép mình ăn kiêng nhưng rốt cuộc đành ngậm ngùi chấp nhận thất bại vì ta đã gây cho mình một trải nghiệm quá khổ sở. Vấn đề có thể tạm thời được giải quyết, song nếu không rút ra được nguyên nhân gốc rễ, nó sẽ lại tái diễn như cũ. Như vậy, để tạo ra sự thay đổi lâu dài, ta cần liên tưởng nỗi khổ với trạng thái cũ và niềm vui sướng với trạng thái mới; rồi liên tục củng cố “đường dây liên lạc” này cho đến lúc nó trở thành quán tính.
Buộc mình kiêng khem và cố chịu đựng những vất vả nhất thời bằng sức mạnh ý chí thuần túy thì hiệu quả của việc làm ấy không kéo dài được lâu, bởi vì chúng ta vẫn còn liên tưởng việc đành đoạn từ bỏ những món ăn béo ngậy hấp dẫn với cảm giác khổ sở. Để sự thay đổi được duy trì bền lâu, ta phải liên tưởng việc tọng thức ăn vô tội vạ với nỗi khổ để không còn ham muốn ăn quá mức nữa, và vui vẻ dùng những thức ăn có lợi hơn cho sức khỏe. Người mạnh khỏe và có thân hình cân đối nghĩ rằng không gì thích thú bằng cảm giác gọn gàng! Họ chuộng những loại thực phẩm bổ dưỡng và thường liên kết hành động đẩy đĩa đầy thức ăn ra xa với niềm sung sướng. Điều đó với họ có nghĩa là họ đang thật sự làm chủ cuộc sống của mình.
NẾU KHÔNG CHỦ ĐỘNG LÊN KẾ HOẠCH CHO ĐỜI MÌNH, NGƯỜI KHÁC SẼ LÀM THAY BẠN
Các nhà làm quảng cáo hiểu rõ rằng lý trí không chi phối ta nhiều bằng những cảm xúc của ta về sản phẩm. Họ là những chuyên gia trong việc vận dụng âm thanh, hình ảnh, màu sắc và nhiều yếu tố khác để khiến ta rơi vào một trạng thái xúc cảm nào đó. Khi cảm xúc của ta lên đến đỉnh điểm như mong đợi, họ liên tục trưng ra hình ảnh sản phẩm cho đến khi ta gắn kết nó với cảm giác ham muốn sở hữu. Họ nhồi vào đầu mọi người cảm giác nếu lái chiếc BMW thì bạn là một người phi thường với gu thẩm mỹ hiếm có; còn lái chiếc Hyundai, bạn là một người thông minh có lối sống bình dị; bạn sẽ trải nghiệm cảm xúc phấn khích với chiếc Pontiac; hoặc cảm giác mới tuyệt làm sao khi được ngồi đằng sau tay lái chiếc Toyota!
Pepsi đã áp dụng chiến lược quảng bá sản phẩm theo cách này một cách xuất sắc. Họ đã nhận thấy kỳ tích trong hiện tượng Michael Jackson, một chàng trai trẻ đã dành cả đời học cách khơi dậy cảm xúc mãnh liệt của khán giả bằng giọng hát, hình thể, nét mặt và những động tác nhảy múa của mình. Cách Michael hát và nhảy đã khiến cho hàng triệu khán giả cảm thấy phấn khích, say mê đến độ phải bỏ tiền ra mua album của anh để có thể tái hiện lại cảm giác ấy. Pepsi tự hỏi: “Làm thế nào để chuyển tải được những rung động đó vào sản phẩm của chúng ta?”. Pepsi cho rằng nếu người tiêu dùng liên kết cảm giác vui vẻ với sản phẩm Pepsi Cola như là với Michael Jackson, họ sẽ mua thức uống này như đã mua album của Michael Jackson.
Chắc hẳn bạn đã biết đến nhà khoa học người Nga Ivan Pavlov từng tiến hành các thí nghiệm về phản xạ có điều kiện. Nhưng thí nghiệm của Pavlov có liên quan gì đến Pepsi? Đầu tiên, Pepsi mượn hình ảnh của Michael Jackson để đưa khán giả truyền hình lên trạng thái xúc động cực độ. Rồi vào đúng thời điểm đó họ trưng ra hình ảnh sản phẩm. Hình ảnh lặp đi lặp lại như thế đã tạo ra mối liên kết cảm xúc đến hàng triệu người hâm mộ Michael.
Sự thật là Michael Jackson không uống Pepsi! Anh ta thậm chí còn không cầm trên tay một lon Pepsi rỗng trước máy quay! Có thể bạn sẽ cho rằng: “Công ty này điên rồi sao? Họ thuê một gã với giá 15 triệu đô-la để làm đại diện trong khi anh chàng thậm chí không cầm đến sản phẩm của họ, và còn tuyên bố với mọi người rằng sau này anh ta cũng vậy! Người phát ngôn kiểu gì thế này? Thật là một ý tưởng điên khùng!”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đó là một ý tưởng xuất sắc. Doanh số bán vượt trần, đến độ ngay sau đó L. A. Gear đã thuê Michael với giá 20 triệu đô-la để làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm của họ. Và nhờ vào khả năng “xui khiến tâm trạng” của anh, Michael và Sony/CBS đã ký kết một bản hợp đồng thu âm trong vòng mười năm được đồn đại là trị giá hơn 1 tỷ đô-la. Khả năng thay đổi trạng thái cảm xúc con người của Michael Jackson đã khiến anh trở nên vô giá.
Quá trình “neo giữ” cảm xúc mới mẻ về một sản phẩm hay một ý tưởng nào đó là bước sơ khởi hình thành “đường dây liên kết” cảm xúc – sẽ được tìm hiểu kỹ hơn ở chương 6 trong phương pháp Điều phối Liên hợp Thần kinh. Nhưng bây giờ hãy biết rằng bất cứ khi nào chúng ta rơi vào trạng thái xúc cảm cao độ, khi chúng ta có những rung cảm sướng – khổ thật mạnh mẽ, thì điều gì đó độc đáo xuất hiện liên tục vào đúng thời điểm ấy sẽ được liên kết với hệ thần kinh. Trong tương lai, mỗi khi điều độc đáo ấy lặp lại, trạng thái cảm xúc có liên quan sẽ quay về.
Các nhà làm quảng cáo biết cách thay đổi trạng thái cảm xúc của ta về sản phẩm bằng cách thay đổi những gì ta liên tưởng đến như là sướng – khổ. Do vậy nếu muốn làm chủ cuộc sống của chính mình, ta cũng phải biết cách tự làm “quảng cáo” trong tâm trí ta. Mà sẽ làm như thế nào?
HÃY THAY ĐỔI NGAY LÚC NÀY
Đầu tiên, hãy viết ra bốn hành động bạn cần thực hiện nhưng đã bị trì hoãn bấy lâu nay như: giảm cân, cai thuốc lá, giảng hòa với ai đó, liên lạc với người có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời bạn…
Tiếp theo, với mỗi hành động, hãy viết ra câu trả lời cho những câu hỏi sau:
Tại sao tôi đã không hành động?
Trong quá khứ, tôi đã liên kết việc thực hiện hành động này với nỗi đau nào?
Bước thứ ba, viết ra những niềm vui bạn có được trong quá khứ khi cuốn theo kiểu mẫu tiêu cực này.
Ví dụ như, nếu bạn nghĩ mình nên giảm cân, tại sao bạn vẫn cứ ngấu nghiến bánh kẹo ngọt? Có thể là bạn đang tránh nỗi đau bỏ bê bản thân nên đã đồng nhất chuyện ăn uống với cảm giác vui sướng – chỉ là niềm vui nhất thời! Để tạo sự thay đổi lâu bền, chúng ta cần tìm cách nào đó mới mẻ hơn, cũng mang lại niềm vui mà không để lại hệ quả xấu.
Bước thứ tư, hãy viết ra bạn sẽ trả giá nhiều thế nào nếu không thay đổi ngay bây giờ. Và việc phải trả giá như vậy khiến bạn cảm thấy thế nào?
Cuối cùng, viết ra tất cả những niềm vui bạn sẽ nhận được khi thực hiện những hành động ấy ngay lúc này. Hãy hình dung ra mọi tác động tích cực cả trong hiện tại và trong tương lai.
Bạn nên dành thời gian ngay bây giờ để hoàn thành bài tập, và tận dụng quán tính đã xây dựng trong thời gian đọc quyển sách này như là bước đà cho những thay đổi bạn mong muốn.