2
NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TẠO NÊN SỨC MẠNH
“Chúng ta sinh ra là để sống chứ không phải để chuẩn bị sống.”
— BORIS PASTERNAK
Hy vọng và ước mơ của bạn là gì?
Bạn sẽ ở đâu trong 10 hay 15 năm tới?
Bạn sẽ sống 10 năm tiếp theo như thế nào?
Hiện tại bạn phải sống như thế nào để có thể tạo dựng nên tương lai như mong muốn?
Trong hiện tại và về lâu dài, điều gì là quan trọng nhất đối với bạn?
Bạn có thể làm gì để định hình nên vận mệnh cuộc đời mình?
Bây giờ là thời điểm thích hợp nhất để hoạch định kế hoạch cho tương lai. Đừng chờ đợi, đừng để thời gian trôi đi vô ích. Chúng ta phải tận dụng thời gian. Chỉ sau vài năm nữa thôi, nhìn lại ngày hôm nay, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, hài lòng hay lo sợ?
Năm 1980, tôi là một chàng thanh niên 20 tuổi, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn và buồn nản, gần như không có nguồn thu nhập nào, không được ai tư vấn, không có những người bạn thành công và nhiều kinh nghiệm, không có mục tiêu rõ ràng. Tôi còn hậu đậu và béo ú nữa. Nhưng chỉ trong vài năm ngắn ngủi, tôi đã khám phá ra nguồn sức mạnh có thể thay đổi hầu hết mọi mặt cuộc đời tôi. Đó chính là phương tiện mà tôi sử dụng để nâng cao lòng tự tin và nhờ đó cải thiện khả năng hành động để tạo ra những kết quả trông thấy: lấy lại khả năng kiểm soát thể trạng; loại bỏ vĩnh viễn hơn 15 cân trọng lượng thừa; làm quen với người phụ nữ trong mơ, cưới nàng và gây dựng một gia đình như mơ ước. Tôi cũng dùng sức mạnh ấy để gia tăng thu nhập từ mức đủ sống lên tới hơn 1 triệu đô-la một năm. Nó giúp tôi chuyển từ căn hộ bé xíu (nơi tôi phải rửa chén trong bồn tắm vì không có nhà bếp) tới ngôi nhà hiện tại, biệt thự Del Mar. Sự đổi thay ngoạn mục này đã giúp tôi rũ bỏ cảm giác cô độc và vô dụng để trải nghiệm cảm giác thoải mái, dễ chịu vì có được những cơ hội mới mẻ – được đóng góp điều gì đó cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Và đó cũng là sức mạnh mà tôi đang tiếp tục sử dụng hàng ngày trong cuộc sống để định hình nên vận mệnh của đời mình.
Trong quyển Unlimited Power, tôi đã nêu rõ một điều rằng cách thức hiệu quả nhất để tự quyết định đời mình là tự chúng ta phải hành động. Trong cùng một hoàn cảnh, những hành động khác biệt mang lại những kết quả khác biệt.
Xét về bản chất, nếu chúng ta muốn định hướng cho cuộc đời mình, chúng ta phải kiểm soát thói quen hành động. Không phải những hành động nhất thời sẽ định hình nên cuộc đời ta, mà chính là những hành động được thực hiện một cách kiên trì, nhất quán. Vậy thì điều gì quyết định hành động của ta, và theo đó quyết định con người ta? Mục tiêu tối thượng của ta trong cuộc sống là gì? Đâu mới là cội nguồn của hành động?
Hiển nhiên lời giải đáp là những gì mà tôi đã ám chỉ ngay từ đầu: sức mạnh của quyết định. Mọi điều ta gặp phải trong đời – cả những điều khiến ta run sợ và những khó khăn ta vấp phải – đều bắt đầu bằng một quyết định. Tôi tin rằng vận mệnh được hình thành ngay trong lúc chúng ta đưa ra quyết định. Những quyết định bạn xác lập bây giờ sẽ chi phối cảm nhận của bạn hôm nay, cũng như “nhào nặn” nên con người bạn trong tương lai.
“Con người tạo ra hoàn cảnh, chứ hoàn cảnh không nhào nặn nên con người.”
— BENJAMIN DISRAELI
Chính những quyết định của chúng ta, chứ không phải do điều kiện sống, xác lập vận mệnh của chúng ta. Có những người được sinh ra trong điều kiện vô cùng thuận lợi, họ có lợi thế về mặt di truyền, môi trường sống, thân thế, hay các mối quan hệ. Nhưng cũng có những người có thể vượt lên những điều kiện sống hạn chế nhờ biết đưa ra những quyết định đột phá. Họ trở thành điển hình minh chứng cho sức mạnh không giới hạn của tinh thần con người.
Nếu quyết tâm, ta có thể biến cuộc đời mình trở thành tấm gương rạng ngời như thế. Bằng cách nào? Đơn giản là ngay từ hôm nay hãy đưa ra quyết định ta sẽ sống thế nào trong tương lai. Không xác định được mình sẽ sống ra sao thì đấy cũng là một… xác định, phải không? Nghĩa là bạn xác định để cho hoàn cảnh xung quanh đưa đẩy thay vì tự quyết lấy vận mệnh của mình. Cả cuộc đời tôi đã thay đổi chỉ trong một ngày – vào cái ngày tôi xác định rõ mình mong muốn đạt được điều gì và trở thành người như thế nào. Đó chỉ là một sự khác biệt nhỏ nhưng lại là điểm mấu chốt.
Hãy nghĩ một chút. Có gì khác nhau giữa việc thích một điều và cam kết thực hiện điều đó? Chắc chắn là rất khác! “Ôi, tôi muốn kiếm thêm tiền lắm chứ!”, “Tôi muốn gần gũi hơn với đám trẻ nhà tôi”, hay “Tôi rất muốn thay đổi thế giới”… thì không phải là lời cam kết. Đó chỉ đơn thuần là sự ưa thích suông!
Bạn không chỉ xác định thành quả muốn đạt được, mà còn phải xác định mẫu người bạn muốn trở thành. Như đã trình bày ở chương 1, bạn phải đặt ra những chuẩn mực cho hành vi của bản thân, và xác định thái độ bạn mong nhận được từ những người mà bạn quan tâm. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng trượt vào những kiểu hành vi, thái độ hay một cuộc sống dưới mức bạn đáng được hưởng rất nhiều. Do vậy bạn cần xác lập và hành động dựa trên những tiêu chuẩn đó cho dù có gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Tiếc là đa số mọi người chẳng bao giờ làm được như vậy bởi vì họ luôn tìm cách bào chữa, nào là: do cách đối xử của bậc sinh thành, vì thời trẻ họ thiếu cơ hội để phát huy, hoặc bởi không được học hành tới nơi tới chốn, cũng có thể do họ đã quá già, hay bởi vì họ còn quá trẻ… Những lời bào chữa đó đều xuất phát từ niềm tin hạn hẹp về bản thân.
Sức mạnh của quyết định này sẽ giúp loại bỏ thói quen bào chữa và theo đó thay đổi ngay lập tức mọi khía cạnh trong cuộc sống, như: cải thiện mối quan hệ, môi trường làm việc, tình trạng sức khỏe, thu nhập và trạng thái cảm xúc của bạn. Nó khơi nguồn cho sự thay đổi trong phạm vi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, và cả thế giới.
Tôi thường hỏi những người hay phàn nàn về công việc của họ rằng: “Vậy tại sao hôm nay bạn còn đi làm?”. Câu trả lời thường nhận được là: “Vì tôi phải làm chứ sao”. Hãy nhớ một điều: Không ai có thể bắt buộc ta phải làm điều gì cả.
“Không điều gì ngăn nổi ý chí của những ai dám hy sinh đến cả tính mạng mình cho mục đích đã xác định rõ ràng.”
— BENJAMIN DISRAELI
Ai dám nghĩ tính quả quyết và sự vững tin của một người trầm lặng, khiêm tốn – một luật sư theo chủ nghĩa ôn hòa – lại có sức mạnh lật đổ sự cai trị của một đế quốc hùng mạnh? Chính tính cách quả quyết bất khuất của Mahatma Gandhi đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của nước Anh, và sự kiện làm thay đổi vĩnh viễn cán cân quyền lực thế giới này là một minh chứng sống động cho sức mạnh ý chí.
Tính quả quyết cũng là nguồn gốc cho sự phát triển nhảy vọt đưa Donald Trump tiến tới đỉnh cao của thế giới tài chính, và cũng là nguyên cớ dẫn đến sự suy vi nhanh chóng của ông. Tính quả quyết có lẽ là nguồn gốc của cả hai thứ: rắc rối và niềm vui, cũng như những cơ hội không ngờ.
Những quyết định đúng đắn là chất xúc tác giúp biến ước mơ của chúng ta thành hiện thực. Điều vô cùng tuyệt vời là nguồn sức mạnh tiềm ẩn vô song ấy không phải là đặc quyền của riêng ai. Tất cả chúng ta đều đang sở hữu và được toàn quyền sử dụng nếu như quyết tâm đánh thức nó.
Nếu bạn đang nghĩ: “Tôi cũng muốn đưa ra những quyết định như thế lắm chứ, nhưng tôi đã phải trải qua những bi kịch thực sự trong cuộc đời mình!” thì hãy để tôi đưa ra một ví dụ khác về Ed Roberts, một người “tầm thường” phải ngồi xe lăn, đã trở thành một người đặc biệt như thế nào khi quyết định sẽ hành động vượt lên những hạn chế của bản thân. Ed bị liệt từ cổ trở xuống từ khi ông 14 tuổi. Ông sử dụng một thiết bị trợ giúp hô hấp để hàng ngày sống một cuộc đời “bình thường” như bao người, rồi hàng đêm ông lại phải dùng đến một lá phổi nhân tạo. Sống với chứng bệnh bại liệt suốt đời, nhiều lần Ed gần như sắp lìa xa cuộc sống, dĩ nhiên ông có thể lựa chọn tập trung vào nỗi đau của mình, nhưng thay vào đó ông đã có một quyết định khác hẳn giúp thay đổi cuộc đời mình và cuộc đời của biết bao người.
Vậy ông đã làm gì? Trong 15 năm cuối đời, ông quyết định đấu tranh để nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật. Bỏ qua những lời đồn đoán về sự hạn chế khả năng thể chất, Ed truyền đạt cho cộng đồng và đưa ra nhiều ý tưởng về những đường dốc dành riêng cho xe lăn, nơi đỗ xe đặc biệt giúp người khuyết tật có thể đu vào các thanh xà… Ông trở thành người bị liệt cả tay chân đầu tiên tốt nghiệp Đại học California, Berkeley; sau đó ông giữ chức giám đốc Phòng Hồi phục Chức năng bang California, và trở thành người tiên phong trong vị trí này.
Ed Roberts là một bằng chứng đầy sức thuyết phục cho thấy không phải nơi bạn bắt đầu mà chính quyết định lựa chọn đích đến mới là điều trọng yếu. Mọi hành động của ông đều nảy sinh từ một khoảnh khắc quyết định mạnh mẽ, tận tâm và dứt khoát. Vậy, bạn có thể làm gì cho cuộc đời mình nếu bạn thực sự tự chủ trong các quyết định?
Rồi nhiều người khác lại đưa ra ý kiến: “Ồ, tôi cũng muốn đưa ra những quyết định như thế, nhưng tôi không biết chắc tôi sẽ thay đổi cuộc đời mình như thế nào!”. Họ đã bị nỗi sợ khiến cho đờ đẫn, mụ mị đến nỗi không biết chính xác phải làm gì để biến ước mơ thành hiện thực. Vì thế họ không bao giờ đưa ra được những quyết định có thể làm cho cuộc sống trở thành một tuyệt phẩm mà họ xứng đáng thụ hưởng. Điều quan trọng không phải là biết chắc ngay từ đầu mình phải làm gì để đạt được kết quả, mà là xác định rõ rằng bạn sẽ tìm ra hướng đi bất kể trong điều kiện nào.
Trong quyển Unlimited Power, tôi đã giới thiệu Công thức Thành công Chủ chốt, đó là tiến trình cơ bản giúp bạn xác định đích đến của mình: 1) Xác định điều bạn mong muốn, 2) Hành động, 3) Nhận ra điều gì hiệu quả và/hoặc không hiệu quả, rồi 4) Thay đổi cách tiếp cận cho đến khi đạt được điều mình muốn. Ngay khi thực sự quyết tâm thực hiện điều gì, tức khắc bạn sẽ tìm ra phương pháp.
“Trong hoạt động phát minh và sáng tạo, khi con người hoàn toàn quyết tâm thì đến ý Trời cũng phải lay chuyển.”
— JOHANN WOLFGANG VON GOETHE
Nếu việc ra quyết định quá đơn giản và hiệu quả như thế, thì tại sao không mấy người áp dụng? Theo tôi, một trong những lý do đó là hầu hết chúng ta không nhận thức được ý nghĩa của việc đưa ra quyết định đúng đắn, không thấy được sức mạnh thay đổi to lớn mà một quyết định hợp lý và dứt khoát có thể tạo ra. Một phần của vấn đề là do lâu nay chúng ta đã quen sử dụng từ “quyết định” một cách tùy tiện đến mức dường như nó trở nên đồng nghĩa với “ao ước”, “mong muốn”. Thay vì đưa ra quyết định, chúng ta cứ nêu ra những điều mình ưa thích.
Thực ra từ “quyết định” (decision) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Latinh, trong đó “de” có nghĩa là “khỏi (điều gì đó)” và “caedere” có nghĩa là “loại bỏ”. Một quyết định thực sự chính là sự cam kết toàn tâm toàn ý đạt cho bằng được kết quả, và gạt bỏ bất kỳ khả năng gây cản trở nào. Chẳng hạn như người nghiện rượu thừa biết rằng ngay cả sau nhiều năm tuyệt đối kiêng khem, nếu anh ta đánh lừa bản thân bằng suy nghĩ có thể uống một chút, anh ta sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.
Sự minh định như vậy mang lại sức mạnh cho bạn, giúp tạo ra những kết quả mong muốn. Nhưng do đã không đưa ra quyết định một cách đúng nghĩa trong một thời gian dài nên chúng ta cũng quên mất cảm giác ấy, đã “cùn” mất khả năng ra quyết định!
Vậy làm thế nào để củng cố khả năng ra quyết định? Một cách để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn là hãy quyết định nhiều hơn nữa. Sau đó học hỏi từ mỗi quyết định bạn đã xác lập, bao gồm cả những quyết định có vẻ như không đi đến đâu – trong ngắn hạn – để giúp bạn cân nhắc và có những quyết định tốt hơn trong tương lai. Càng đưa ra nhiều quyết định, bạn sẽ càng nhận thức rõ bạn đang thực sự kiểm soát cuộc sống của mình. Bạn sẽ sẵn sàng đón nhận những thử thách trong tương lai, và xem chúng như là cơ hội để tạo ra sự khác biệt, nâng chất lượng cuộc sống lên một tầm cao mới.
“Vận mệnh của bạn được định hình chính trong khoảnh khắc bạn đưa ra quyết định.”
— ANTHONY ROBBINS
Có ba quyết định sẽ chi phối vận mệnh con người. Ba quyết định này xác định bạn sẽ lưu tâm đến điều gì, bạn sẽ cảm thấy thế nào, bạn sẽ làm gì, sẽ đóng góp những gì, và sẽ trở thành con người như thế nào. Không làm chủ được ba quyết định này nghĩa là bạn không kiểm soát được cuộc đời mình. Còn khi đã thực sự điều khiển được chúng, bạn bắt đầu tạo ra những trải nghiệm như ý muốn.
Ba quyết định chi phối vận mệnh của bạn là:
1. Xác định những điều cần quan tâm.
2. Xác định những điều có ý nghĩa quan trọng đối với bạn.
3. Xác định bạn sẽ làm gì để tạo ra kết quả như mong muốn.
Không phải là những điều xảy ra với bạn hôm nay hay trong quá khứ quyết định bạn sẽ trở thành người như thế nào. Có thể thấy rõ ràng là Ed Roberts đã lựa chọn tập trung vào điều gì đó khác hẳn với hầu hết những người cùng cảnh ngộ như ông. Ông chú trọng tới cách tạo ra sự khác biệt. Khiếm khuyết về mặt thể chất chỉ là “thử thách” đối với ông. Những quyết định ông đưa ra đều hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của những người có hoàn cảnh tương tự như ông.
“Không điều gì đáng khích lệ hơn việc một người tin rằng mình có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân nhờ vào những nỗ lực sáng suốt.”
— HENRY DAVID THOREAU
Rất nhiều người đưa ra những quyết định rất hời hợt, đặc biệt là ba quyết định cốt lõi này. Vì thế khi đụng chuyện, họ phải trả giá rất đắt. Họ sống theo kiểu mà tôi gọi là Hội chứng Thác Niagara. Cuộc đời giống như một dòng sông, hầu hết mọi người lao vào “dòng chảy” lề thói cũ mà không thực sự xác định mình sẽ đi tới đâu. Rồi họ sớm bị cuốn xô giữa những dòng sự kiện, nỗi sợ và thử thách. Đứng giữa những ngã rẽ cuộc đời, họ không sáng suốt xác định được nơi muốn đến, hay đâu mới là hướng đi đúng đắn. Họ chỉ đơn thuần trôi xuôi dòng thay vì tự định hướng. Kết quả là họ cảm thấy mất tự chủ. Họ vẫn sống trong tình trạng như vậy cho tới một ngày bị âm thanh của “dòng nước xiết” đánh thức, và nhận ra mình đang chơi vơi trên “con thuyền thiếu mất mái chèo”, chỉ cách “vực thẳm” không xa. Vào lúc đó mọi nỗ lực lội ngược dòng đều đã quá muộn. Họ sắp phải đón nhận thất bại ê chề.
Tin tốt lành là chúng ta không cần để cho những quán tính trong quá khứ chi phối hiện tại và tương lai của mình. Với những phương pháp được trình bày ở đây, chúng ta có thể tổ chức lại niềm tin và giá trị một cách có hệ thống để cuộc đời ta đi đúng theo hướng đã định.
Bên trong não bộ đã có sẵn một hệ thống giúp đưa ra các quyết định. Hệ thống này hoạt động như một nguồn lực vô hình, định hướng toàn bộ suy nghĩ, hành động và cảm xúc – cả tích cực lẫn tiêu cực – của ta trong mỗi giây phút. Nguồn lực này điều khiển cách chúng ta đánh giá mọi thứ trong cuộc đời, và đa phần nó được dẫn dắt bởi tiềm thức. Điều đáng sợ là đa số mọi người không bao giờ chú ý củng cố vững mạnh hệ thống này. Thay vào đó, suốt nhiều năm nó đã bị “nhồi nhét” bởi nhiều nguồn khác nhau, như từ người lớn, bạn bè, truyền thông...
Hệ thống này bao gồm năm thành phần:
1) niềm tin cốt lõi và những quy tắc vô thức
2) giá trị sống của bản thân
3) những trải nghiệm tham chiếu
4) những câu hỏi tự vấn quen thuộc
5) trạng thái cảm xúc trong mỗi khoảnh khắc.
Mối quan hệ tương hỗ giữa năm yếu tố này tạo ra sức mạnh thúc đẩy hoặc ngăn trở ta hành động, giúp ta tiên liệu trước hoặc chìm trong nỗi lo lắng về tương lai, giúp ta cảm thấy được yêu thương hoặc bị ruồng bỏ, và chi phối mức độ thành công cũng như hạnh phúc của ta.
Bằng cách thay đổi bất kỳ yếu tố nào kể trên, ta có thể ngay lập tức tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trông thấy trong cuộc sống. Hãy chủ động thay đổi nguyên nhân thay vì lo khắc phục hậu quả. Chẳng hạn như, nếu bạn thường xuyên ăn quá nhiều, nguyên nhân thực sự thường là nhận thức sai lầm về giá trị hoặc niềm tin hơn là do thức ăn.
“Tôi chẳng hề thoái chí, bởi bước qua một lần dại là tiến tới một lần khôn.”
— THOMAS EDISON
Vẫn còn một trở ngại nữa trong việc phát huy sức mạnh quyết định, đó là chúng ta phải vượt qua nỗi sợ rằng mình có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Bản thân tôi không kỳ vọng mình sẽ luôn ra quyết định đúng. Tôi xác định rằng không quan trọng là tôi đã quyết định điều gì, tôi sẽ linh động, nhìn vào kết quả để rút ra bài học cho lần sau.
Thành công thực ra là kết quả của việc phán đoán tốt; phán đoán tốt là kết quả của kinh nghiệm; và kinh nghiệm thường là kết quả của những phán đoán sai lầm. Đôi khi những trải nghiệm tưởng chừng như đau thương hay tệ hại đó lại là những trải nghiệm quan trọng. Vì khi thành công, người ta có khuynh hướng hả hê với chiến thắng; đến khi thất bại, họ mới bắt đầu suy nghĩ cân nhắc, tự điều chỉnh để thay đổi theo hướng tốt hơn.
Kinh nghiệm cá nhân quả là quan trọng, nhưng sẽ quý giá biết bao nếu ta học hỏi được kinh nghiệm vượt qua “ghềnh thác” cuộc đời của những người đi trước. Điều này giúp ta tránh được nhiều khổ ải và va vấp.
Sẽ có những lúc bạn đơn độc chèo chống và phải tự mình đưa ra những quyết định hệ trọng. Dẫu có chuẩn bị kỹ càng đến đâu, đã xuôi theo dòng đời thì thể nào chẳng dăm lần đâm đầu phải đá! Đó không phải là bi quan, mà là thực tế. Điểm mấu chốt là khi ta vấp ngã, thay vì tự dằn vặt mình do thất bại, hãy nhớ rằng cuộc đời này chẳng tồn tại điều gì gọi là “thất bại”, chỉ có các kết quả mà thôi. Nếu không đạt được kết quả như mong muốn, hãy rút tỉa kinh nghiệm từ đấy làm nguồn tham chiếu để có thể đưa ra những quyết định chuẩn xác hơn về sau.
“Chúng ta hoặc sẽ tìm ra lối đi, hoặc sẽ tự tạo ra lối đi.”
— HANNIBAL
Một trong những quyết định quan trọng bảo đảm duy trì hạnh phúc lâu dài là tận dụng mọi điều mà cuộc đời trao cho ta trong lúc này. Sẽ chẳng có rào cản nào ngáng trở bước chân ta nếu ta 1) xác định rõ điều mình cam kết dấn thân thực hiện, 2) sẵn sàng hành động, 3) nhận ra điều gì có tác dụng, điều gì không, và 4) tiếp tục thay đổi cách tiếp cận cho đến khi đạt được mục tiêu mong muốn, tận dụng mọi điều mà cuộc đời trao cho ta.
Một trong những câu chuyện thành công yêu thích của tôi là chuyện về ngài Soichiro Honda, nhà sáng lập tập đoàn Honda. Như mọi công ty khác, không quan trọng là nó lớn nhỏ thế nào, tập đoàn Honda cũng bắt đầu bằng một quyết định và một khao khát cháy bỏng.
Vào năm 1938, khi còn đi học, Honda dồn tất cả mọi thứ mình có để đầu tư xây dựng một phân xưởng nhỏ, bắt đầu phát triển ý tưởng về vòng găng piston. Với ý định sẽ bán sản phẩm này cho tập đoàn Toyota, vì vậy ông làm việc cật lực ngày đêm, hai tay bám đầy dầu máy lên đến tận khuỷu tay, ngủ ngay trong xưởng chế tạo và luôn vững tin là việc mình làm sẽ có kết quả. Thậm chí ông cầm cố cả trang sức của vợ để có tiền theo đuổi mục tiêu. Cuối cùng khi ông hoàn thành bạc piston và giới thiệu cho hãng Toyota, họ lại bảo rằng sản phẩm ấy không phù hợp với tiêu chuẩn của họ.
Trở lại trường học thêm hai năm nữa, ở đó ông phải hứng chịu lời cười cợt chế giễu từ các giáo viên và các bạn sinh viên. Họ oang oang rằng ý tưởng của ông mới ngớ ngẩn làm sao. Nhưng thay vì chăm chắm vào kinh nghiệm đau thương đó, ông quyết định tiếp tục tập trung vào mục tiêu của mình.
Sau hai năm, Toyota đã chấp nhận hợp đồng mà Honda từng mơ ước. Sự say mê và lòng tin đã được đền đáp bởi vì ông biết mình muốn gì, sẵn sàng bắt tay thực hiện, nhận ra điều gì hiệu quả và không ngừng thay đổi phương thức hành động cho đến khi có được điều mong muốn. Và rồi một vấn đề mới phát sinh.
Chính phủ Nhật lúc bấy giờ đang chuẩn bị cho chiến tranh nên đã từ chối bán cho ông vật liệu để xây dựng nhà máy. Ông bỏ cuộc ư? Ông để tâm suy nghĩ đến sự bất công? Ông thấy ước mơ của mình tan theo mây khói? Hoàn toàn không. Một lần nữa, ông quyết định tận dụng kinh nghiệm và phát triển theo một chiến lược khác. Ông và những người bạn kề vai sát cánh của mình nghĩ ra một quy trình sản xuất bê tông riêng để có thể tiến hành xây dựng nhà xưởng.
Trong thời kỳ chiến tranh, xưởng của ông bị trúng bom hai lần khiến phần lớn thiết bị sản xuất bị phá hủy. Honda đã xoay xở thế nào? Ngay lập tức ông tập hợp thành viên, thâu lượm những thùng dầu xăng mà quân đội Mỹ vứt bỏ. Ông gọi những thứ này là “món quà từ Tổng thống Truman”, bởi vì chúng cung cấp cho ông nguyên liệu thô cần thiết cho quy trình sản xuất – những vật liệu không thể tìm ra ở Nhật lúc bấy giờ. Sau khi đã tồn tại qua tất cả những biến cố đó, một cơn động đất lại san bằng toàn bộ nhà máy của ông. Honda quyết định bán quy trình sản xuất vòng găng piston cho Toyota.
Sau chiến tranh, nước Nhật bị thiếu nhiên liệu trầm trọng, và ông Honda thậm chí không thể lái xe hơi đi mua thực phẩm cho gia đình. Trong hoàn cảnh bí bách ấy, ông đành gắn chiếc mô tơ nhỏ vào chiếc xe đạp của mình. Sau đó hàng xóm của ông cũng đề nghị ông làm cho họ chiếc “xe đạp có mô tơ”, cho đến khi ông không còn chiếc mô tơ nào nữa. Ông quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất mô tơ, nhưng thật không may là ông lại không có vốn.
Cũng như bao lần trước, ông kiên quyết tìm lối thoát. Giải pháp của ông là viết thư cho 18.000 chủ cửa hàng xe đạp trong toàn quốc để yêu cầu góp vốn. Ông chỉ cho họ thấy họ giữ vai trò như thế nào trong việc giúp nước Nhật hồi sinh, và đã thuyết phục được 5.000 chủ cửa hàng cung cấp trước số vốn ông cần. Ban đầu những chiếc xe gắn máy của ông quá to và kềnh càng. Ông liền điều chỉnh lại kích cỡ và cho xuất xưởng chiếc xe gắn máy mới, gọn nhẹ hơn. Những chiếc “Super Cub” ra đời đã mang đến thành công chóng vánh, đem về cho ông giải thưởng của Nhật hoàng. Về sau, ông bắt đầu xuất khẩu xe gắn máy sang châu Âu và Mỹ, theo chân những chiếc xe hơi đã trở nên phổ biến trong thập niên bảy mươi.
Tập đoàn Honda ngày nay là một trong những hãng chế tạo xe hơi lớn nhất thế giới. Thành công này có được là nhờ vị “tiền nhân” Honda đã thấu hiểu sức mạnh của sự quyết định, và hành động đến cùng dẫu gặp bất cứ trở ngại nào.
Đôi lần khi bạn ra quyết định và bắt tay vào thực hiện một việc nào đó, nhưng trong một thời gian ngắn có vẻ như nó không mang lại kết quả như mong đợi. Để thành công, bạn phải tập trung vào mục tiêu lâu dài. Hầu hết những thử thách ta gặp phải trong đời đều là do ta để ý đến những mục tiêu trước mắt, không lường trước hệ quả của những quyết định nhỏ trong quá trình thực hiện. Những giải pháp tạm thời thường trở thành những rắc rối dài lâu. Chẳng hạn như, trẻ con ngày nay khó tập trung đủ lâu để suy nghĩ, ghi nhớ, học hỏi và dễ bị béo phì bởi chúng đã “nghiện” những thú vui dễ dãi, tức thời như trò chơi điện tử, chương trình giải trí trên truyền hình, thức ăn nhanh,…
Trong kinh doanh cũng vậy, kiểu mục tiêu ngắn hạn này thật là “chết người”. Thảm họa tràn dầu Exxon Valdez có thể được ngăn ngừa chỉ bằng một quyết định đơn giản – đóng vỏ kép cho thân tàu chở dầu nhằm ngăn chặn sự cố tràn dầu khi va chạm. Nhưng công ty này đã không thực hiện, chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt thay vì tác động lâu dài. Sau sự cố tràn dầu đó, Exxon phải chi trả 1,1 tỉ đô-la tiền bồi thường cho những thiệt hại kinh tế, chưa kể đến những thiệt hại cho hệ sinh thái vùng Alaska và các khu vực lân cận.
Thành công và thất bại không phải là những trải nghiệm bất ngờ. Hàng loạt những quyết định nhỏ trong tiến trình hướng tới mục tiêu là nguyên nhân dẫn đến thất bại: sai lầm trong tiến trình, sai lầm trong hành động, sai lầm do cố chấp, sai lầm trong việc kiểm soát trạng thái tinh thần và cảm xúc,... Tương tự như vậy, thành công xuất phát từ những quyết định nhỏ: quyết định đưa mình đến một tiêu chuẩn cao hơn, quyết định cống hiến, quyết định chăm sóc tâm trí mình thay vì để mặc cho môi trường ngoại cảnh chi phối,...
Niềm tin tôi đã vun đắp để giúp chính mình vượt qua những thời điểm cực kỳ khó khăn là một điều hết sức đơn giản: khi Thượng đế trì hoãn, không có nghĩa là Người từ chối. Những điều dường như không thể trong một lúc nào đó sẽ trở thành có thể nếu ta kiên quyết theo đuổi. Để thành công, chúng ta cần phải rèn luyện bản thân có tầm nhìn xa trông rộng.
Một hình ảnh ẩn dụ mà tôi thường dùng để tự nhắc nhở mình là so sánh những thăng trầm trong cuộc đời với sự thay đổi giữa các mùa. Không có mùa nào tồn tại mãi mãi vì cuộc sống là một vòng tuần hoàn liên tục của gieo trồng, gặt hái/hưởng thụ, nghỉ ngơi và phục hồi. Mùa đông đâu thể kéo dài mãi được. Dù hôm nay có gặp trở ngại thì ta cũng không thể từ bỏ hy vọng về một “mùa xuân” đang đến. Đối với một số người, mùa đông đồng nghĩa với việc ngủ vùi trong nhà; song với những người khác, mùa đông lại là thời điểm tuyệt vời để trượt tuyết. Thay vì đợi đến lúc sang mùa, tại sao không biến nó thành khoảng thời gian đáng nhớ?
KHAI THÁC SỨC MẠNH CỦA QUYẾT ĐỊNH
Sau đây là sáu bí quyết giúp bạn nhanh chóng khai thác sức mạnh của quyết định:
Cứ mỗi lần đưa ra một quyết định mới là bạn đã vạch ra cho cuộc đời của bạn một lẽ sống, một mục tiêu, một định hướng và một điểm dừng mới.
Khi bạn bắt đầu cảm thấy bị bủa vây, khi cảm thấy mình chẳng có quyền lựa chọn, hay là khi mọi thứ đang dồn dập xảy đến với bạn, bạn có thể thay đổi tất cả bằng cách dừng lại – đó cũng là một quyết định lựa chọn.
Hãy nhớ rằng một quyết định thật sự chỉ được tính khi bạn có một hành động mới. Nếu không đi đôi với hành động thì bạn chưa thật sự ra một quyết định nào cả.
Đừng để mình bị cuốn vào những thắc mắc như không biết mình có khả năng thực hiện hay không, hoặc sẽ làm bằng cách nào. Hầu hết những người thành đạt thường ra quyết định rất nhanh chóng vì họ đã thông suốt về khả năng của họ và những gì họ thật sự muốn có trong cuộc sống, đồng thời không hấp tấp thay đổi quyết định. Trái lại, những người thất bại thường rề rà khi quyết định mà đổi ý thì chóng vánh, và luôn luôn trong tình trạng lưỡng lự.
Vậy, hãy cứ quyết định đi! Bản thân việc ra quyết định đã là một hành động.
Càng thường xuyên ra quyết định, chúng ta càng có những quyết định chuẩn xác hơn; cũng như càng vận động nhiều, cơ bắp sẽ càng mạnh mẽ. Ngay bây giờ hãy giải phóng sức mạnh trong bạn bằng cách đưa ra một số quyết định cho những việc đang bị trì hoãn. Rồi bạn sẽ thấy cuộc đời mình tràn trề năng lượng sống và niềm hứng khởi đến thế nào!
Đôi khi chúng ta không tránh khỏi việc làm hỏng chuyện; thay vì dằn vặt bản thân, hãy tự hỏi: “Tôi có thể học hỏi được gì từ điều này?”.
“Thất bại” có thể là một món quà vô giá nếu ta biết sử dụng nó để đưa ra những quyết định tốt hơn. Đừng chăm bẵm vào những trở ngại trước mắt, hãy rút ra bài học để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, hoặc tránh những tổn thương, đau đớn về cảm xúc, tinh thần; và điều đó sẽ cho bạn khả năng thành công trong tương lai.
Đừng bị lệ thuộc vào phương tiện giúp đạt được mục tiêu. Hãy cố gắng chọn ra hướng đi tốt nhất nhưng cũng cần cởi mở, linh hoạt lựa chọn những hướng thay thế khác. Đừng cứng nhắc trong cách tiếp cận.
Với mỗi một quyết định, có thể bạn sẽ thay đổi cuộc đời của mình mãi mãi. Quyết định tiếp chuyện với người đứng xếp hàng phía trước bạn hoặc ngồi kế bên bạn trong máy bay; quyết định thực hiện hoặc nhận cuộc gọi gần đây nhất; xem bộ phim, quyển sách hoặc trang báo mới… có thể là nguồn cảm hứng mở tung cánh cửa cuộc đời bạn, để cho những điều bạn hằng trông đợi ùa vào.
“Sống là dám chấp nhận phiêu lưu hoặc là không có gì cả.”
— HELEN KELLER