Đời sống tôn giáo là gì? Mối quan hệ giữa thiền và trí não tịch lặng. Tư tưởng là sự đo lường; hành động đo lường. Làm sao để hiểu cái không thể đo lường? Trí thông minh là mối quan hệ giữa cái có thể đo lường và cái không thể đo lường. Sự thức tỉnh của trí thông minh. Nhận thức không chọn lựa. Học, không phải là tích lũy kiến thức.
Người hỏi (1): Ta có thể thảo luận vấn đề người quan sát và điều được quan sát, sự liên quan của chúng với nhận thức được không?
Người hỏi (2): Ta có thể thảo luận về ý nghĩa thật sự của việc sống một cuộc đời tôn giáo là gì không?
Người hỏi (3): Ta có thể bàn về trí thông minh và thiền được không?
Krishnamurti: Đời sống tôn giáo là gì? Khi thảo luận về điều đó, ta sẽ đi đến vấn đề về người quan sát và điều được quan sát, trí thông minh và thiền, cùng những thứ tương tự. Tôi không biết việc tìm hiểu xem tôn giáo có nghĩa là gì có khiến các bạn quan tâm chút nào không? Nghĩa đã được chấp nhận của từ này là tin vào một đấng cứu thế, tin vào một dạng Thượng đế, một nghi lễ nào đó, vân vân – tất cả đều là tuyên truyền và đối với tôi, nó chẳng có giá trị nào cả – đó không phải là đời sống tôn giáo. Bạn có hoàn toàn đoan chắc rằng tất cả chúng ta đều nhìn thấy thực tế đó không? Bạn có thể không thuộc bất kỳ giáo phái, đoàn thể tôn giáo, hay một cộng đồng nào tin – hay không tin – vào Thượng đế. Việc tin hay không tin vào Thượng đế như vậy là một hình thức khác của sợ hãi: trí não muốn được an toàn, ổn định theo một kiểu nào đó; bởi cuộc sống của ta quá bất định, quá hỗn loạn, quá vô nghĩa, nên ta muốn có điều gì đó để tin. Vậy ta có thể nào cũng loại bỏ luôn hy vọng rằng một thứ gì đó bên ngoài, một tác nhân vượt trội, có tồn tại không? Để tìm hiểu, rõ ràng là tất cả mọi thứ phải bị gạt bỏ hết.
Tư tưởng có thể tưởng tượng ra bất cứ điều gì – những thần thánh hay không phải thần thánh, thiên thần hay không phải thiên thần – nó có thể sản sinh ra mọi dạng tri giác, ý tưởng và kết luận loạn thần kinh. Khi biết được điều đó nhờ trí thông minh, con người sẽ nói rằng: Làm sao để tư tưởng có thể im lặng, để cho trí não tự do khám phá? Tư tưởng có khả năng bịa đặt hay tưởng tượng mọi hình thức kết luận, phóng chiếu ra một hình ảnh, mà trong đó trí não con người tìm thấy sự an toàn; sự an toàn đó, hình ảnh đó, trở thành một ảo tưởng – Đấng Cứu Thế, Brahman, Atman, những kinh nghiệm bạn có được nhờ kinh qua nhiều hình thức kỷ luật, vân vân. Vậy, câu hỏi là: Liệu tư tưởng có thể trở nên tịch lặng hoàn toàn không? Một số người nói bạn có thể làm cho trí não tịch lặng nhờ một phương pháp tu tập mà một đạo sư nào đó đã tạo ra bằng kỷ luật và kiểm soát. Một phương pháp tu tập, kỷ luật, sự tuân thủ có thể nào khiến cho trí não thật sự tịch lặng được không? Hay phải chăng tuân theo một phương pháp tu tập, thực hành từ ngày này sang ngày khác, khiến trí não trở nên máy móc? Và vì biến thành máy móc nên bạn có thể kiểm soát trí não giống như bất kỳ cỗ máy nào khác. Nhưng trí não không tịch lặng, nó đã bị định hình và bị quy định bởi phương pháp tu tập mà nó đã thực hành. Một bộ não như vậy, vì có tính máy móc, nên có thể được kiểm soát và nghĩ rằng kiểm soát như thế là tịch lặng, yên lặng. Rõ ràng là không phải. Xin đừng đơn giản chấp nhận những gì diễn giả đang nói, mà liệu tất cả chúng ta có thấy được sự cần thiết của việc có một trí não hoàn toàn tịch lặng không? Bởi vì, khi trí não tịch lặng, nó mới có thể thấy và nghe nhiều hơn, thấy mọi thứ như chúng là – chứ không bịa đặt, không tưởng tượng.
Vậy trí não có thể nào trở nên hoàn toàn tịch lặng mà không bị ép buộc, không bị thúc ép, không cần kỷ luật không? Kỷ luật là ý chí, kháng cự, trấn áp, tuân thủ, rập khuôn theo một khuôn mẫu được thiết lập sẵn. Nếu bạn làm thế, bạn đang thông qua xung đột để ép trí não tuân theo một khuôn mẫu do phương pháp tu tập thiết lập nên. Vậy, kỷ luật theo nghĩa thông thường của từ này là sai lầm. Kỷ luật có nghĩa là học; chứ không phải tuân thủ, không phải trấn áp, không phải kiểm soát.
Toàn bộ cấu trúc của não bộ và trí não có thể nào hoàn toàn tịch lặng mà không phải chịu bất cứ sự xuyên tạc nào của ý chí, của dục vọng, của tư tưởng được không? Đó mới là vấn đề và khi biết điều này, người ta nói rằng: “Việc đó không thể”. Cho nên họ đã đi theo một hướng khác, sử dụng kiểm soát và kỷ luật, đã làm đủ mọi mánh khóe, thủ đoạn. Trong thiền Zen, họ ngồi, chú tâm, quan sát, và nếu ngủ gục, họ sẽ bị đánh để giữ tỉnh táo. Loại kỷ luật khủng khiếp này vốn mang tính máy móc, do đó có thể kiểm soát. Nó được áp dụng trong hy vọng đạt được một trải nghiệm chân thực.
Trong công cuộc tìm kiếm một trải nghiệm siêu việt nào đó, con người đã nói: Trí não phải tuyệt đối tịch lặng để tiếp nhận điều mà nó chưa bao giờ trải nghiệm trước đó; con người chưa bao giờ nếm trải được mùi vị đó, cho nên trí não phải tịch lặng. Và họ đã nói chỉ có một cách duy nhất để làm cho trí não tịch lặng: ép buộc nó. Khi ý chí vận hành để mang lại một trí não tịch lặng, thì sự xuyên tạc xuất hiện. Một trí não bị xuyên tạc không thể thấy “cái đang là”. Có phải ta đang làm như vậy không? – tức là không vận dụng ý chí, không cưỡng bách trí não biến thành máy móc bằng bất kỳ hình thức kỷ luật hay phương pháp tu tập nào, bao gồm cả những mánh lới hoàn toàn sai lầm của yoga. Những người dạy các bài tập luyện thân thể đã biến nó thành một thủ đoạn hoàn hảo.
Khi thấy hết tất cả mọi điều đó, liệu trí não có thể nào trở nên hoàn toàn tĩnh lặng được không? – tâm trí và não bộ, bởi vì điều quan trọng là não bộ phải hoàn toàn tịch lặng. Não bộ, vốn là kết quả của thời gian, cùng với tất cả kiến thức, kinh nghiệm của nó, luôn luôn tích cực trước mọi kích thích, hồi đáp với mọi ấn tượng, mọi tác động, não bộ đó cũng có thể tịch lặng không?
Người hỏi: Tại sao nó phải tịch lặng? Nó còn có rất nhiều chức năng khác mà.
Krishnamurti: Nó phải năng động trong phạm vi của kiến thức, bởi vì đó là chức năng của nó. Nếu tôi không biết rắn hổ mang là loài rắn độc nhất, thì tôi sẽ chơi với nó và bị nó cắn chết. Kiến thức về loài rắn độc này giúp tự vệ, cho nên kiến thức phải tồn tại – về mặt khoa học công nghệ, theo cách này cách khác. Ta đã có được kiến thức đó, mà không gây trở ngại cho nó. Ta không nói: “Bạn không được có kiến thức”, trái lại, bạn phải có kiến thức về thế giới, về các thực tế. Nhưng kiến thức đó phải được sử dụng một cách vô ngã, tức không nhằm vào cá nhân ai.
Vì thế não bộ phải tịch lặng; nếu nó có bất kỳ chuyển động nào, chuyển động đó đều sẽ đi về hướng an toàn, bởi vì nó chỉ có thể vận hành trong sự an toàn, dù sự an toàn đó loạn thần kinh, hợp lý hay phi lý. Não bộ phải có tính nhạy cảm để nó có thể vận hành trong kiến thức một cách đầy đủ, toàn diện, hiệu quả, lành mạnh, khỏe khoắn và không xuất phát từ quan điểm “tổ quốc của tôi”, “vì dân tộc tôi”, “vì gia đình tôi”, “vì tôi”. Nhưng cũng phải có tính nhạy cảm để khiến cho não bộ hoàn toàn tịch lặng – đó là vấn đề. Tôi đã giải thích, mô tả vấn đề, nhưng nó chẳng liên quan gì với thực tế. Thực tế là liệu bạn, khi đang nghe điều này, có loại bỏ mọi hình thức niềm tin có tổ chức, mọi hình thức muốn có nhiều thật nhiều kinh nghiệm hơn nữa không. Bởi vì nếu bạn khao khát có được nhiều kinh nghiệm hơn, thì lúc đó dục vọng đang vận hành, tức là ý chí.
Vậy, thực tế là nếu bạn quan tâm đến việc theo đuổi một đời sống tôn giáo thì bạn phải làm điều này, tức là sống một cuộc đời thật sự nghiêm túc – không có một thứ chất gây nghiện nào, tất cả đều bị loại bỏ. Và cũng phải không cần tìm kiếm hay đòi hỏi trải nghiệm. Bởi vì khi bạn tìm kiếm trải nghiệm – trải nghiệm siêu việt hay bất cứ cái tên nào bạn thích – thì đó là vì bạn đang buồn chán với những trải nghiệm thường nhật và bạn muốn có một trải nghiệm vượt trên điều này. Và khi bạn trải nghiệm điều mà bạn gọi là siêu việt, hay một cấp độ trải nghiệm khác, trong đó sẽ có người trải nghiệm và cái được trải nghiệm; có người quan sát đang trải nghiệm và cái được quan sát, tức là trải nghiệm. Vậy là có sự chia tách, có xung đột, vì bạn muốn có nhiều thật nhiều trải nghiệm. Điều đó cũng phải được loại bỏ hoàn toàn, bởi vì khi bạn đang xem xét thì sẽ không có chỗ cho trải nghiệm.
Ta thấy rõ rằng một điều tuyệt đối cần thiết là trí não, não bộ, toàn bộ hệ thống, cả cơ thể phải tịch lặng. Bạn có thể thấy, nếu bạn muốn nghe điều gì đó như nhạc chẳng hạn, thân thể bạn, trí não bạn phải tịch lặng – vì bạn đang lắng nghe. Và nếu bạn đang lắng nghe ai đó nói chuyện, thân thể bạn sẽ trở nên tịch lặng. Khi bạn muốn thấu hiểu điều gì, tâm trí, bộ não, thân thể, toàn bộ con người bạn trở nên tịch lặng một cách tự nhiên. Hãy nhìn xem, các bạn đang ngồi mới yên lặng làm sao! Bạn không ép buộc bản thân mình phải ngồi yên, mà bởi vì bạn đang quan tâm đến việc tìm hiểu. Chính mối quan tâm đó là ngọn lửa khiến cho tâm trí, bộ não, thân thể đều tịch lặng.
Vậy thiền có quan hệ gì với một trí não tịch lặng? Từ thiền (meditation) có nghĩa là đo lường (measure), đó là nghĩa gốc của nó. Chỉ tư tưởng mới có thể đo lường, tư tưởng là một sự đo lường. Điều này rất cần phải hiểu. Ta thật sự không nên dùng từ “thiền”. Tư tưởng dựa vào đo lường và việc đào luyện tư tưởng là hành động đo lường – trong khoa học công nghệ và trong đời sống. Không có sự đo lường thì không thể có nền văn minh hiện đại. Để lên mặt trăng, bạn phải có một khả năng đo lường vô hạn.
Dù đo lường là thiết yếu, rõ ràng là cần thiết, nhưng làm sao để tư tưởng – vốn có thể đo lường, là sự đo lường – không thể xen vào? Hãy đặt vấn đề theo cách khác. Khi có sự tịch lặng tuyệt đối của trí não, của toàn bộ cơ thể, gồm cả não bộ, thì sự đo lường, tức là tư tưởng, sẽ chấm dứt. Lúc đó, ta có thể khám phá xem liệu có cái không thể đo lường không. Cái có thể đo lường là tư tưởng, và chừng nào tư tưởng còn vận hành, chừng đó ta không thể hiểu được cái không thể đo lường. Cho nên, tư tưởng đã nói: Hãy kiểm soát, hãy hạ gục tư tưởng. Và toàn bộ thế giới châu Á đều nghiên cứu cái không thể đo lường, chứ không để ý đến cái có thể đo lường. Bạn theo kịp chứ?
Vẫn tiếp tục sử dụng từ “thiền”, mối quan hệ giữa thiền với một trí não cực kỳ tịch lặng là gì? Liệu tư tưởng có thể thật sự tịch lặng, nghĩa là để cho thân, trí và tâm hoàn toàn hòa hợp được không? – nhưng vẫn thấy được sự thật rằng tư tưởng có thể đo lường và mọi kiến thức mà tư tưởng đã tạo ra đều là thiết yếu. Đồng thời cũng thấy được sự thật rằng tư tưởng, thứ có thể đo lường, sẽ không bao giờ hiểu được cái không thể đo lường.
Vậy nếu ta đã đi đến điểm này, thì tính chất này của cái không thể đo lường có quan hệ gì với cuộc sống thường ngày? Phải chăng tất cả đều say ngủ? Phải chăng tất cả các bạn đều đang bị diễn giả thôi miên?
Ta biết tư tưởng là sự đo lường, ta biết tất cả những thảm họa mà tư tưởng đã gây ra trong cuộc sống nhân loại, sự đau khổ, hỗn loạn, sự chia rẽ của con người. “Bạn tin và tôi không tin”, “Thượng đế của bạn không phải là Thượng đế của tôi”: tư tưởng đã tạo ra sự tàn phá ghê gớm trong thế giới. Mà tư tưởng cũng là kiến thức, vì vậy tư tưởng vốn cần thiết. Thấy được sự thật của điều đó, rằng tư tưởng không bao giờ có thể khám phá cái vô lượng, là thấy rằng tư tưởng không bao giờ có thể trải nghiệm nó như một người trải nghiệm và cái được trải nghiệm. Vậy, khi tư tưởng tuyệt đối tịch lặng, lúc đó có một trạng thái, hay một chiều không gian mà trong đó cái không thể đo lường có chuyển động riêng của nó. Nó có quan hệ thế nào với cuộc sống thường ngày? Bởi vì nếu không có mối quan hệ thì tôi sẽ sống một cuộc đời luôn luôn đo lường rất cẩn thận đạo đức của tôi, hành vi của tôi, theo khuôn khổ đo lường của tư tưởng, nhưng sống như thế thì sẽ hết sức hạn chế.
Vậy mối quan hệ của cái không biết với cái biết là gì? Mối quan hệ giữa cái có thể đo lường và cái không thể đo lường là gì? Phải có một sự nối kết, và đó chính là trí thông minh. Trí thông minh không liên quan gì với tư tưởng. Bạn có thể rất lanh lợi, thật sắc bén trong lập luận, học rộng. Bạn có thể trải nghiệm nhiều, sống một cuộc đời xuất sắc, đi khắp thế gian, nghiên cứu, khám phá, tìm kiếm, tích lũy vô số kiến thức, thực hành thiền Zen hay thiền kiểu Hindu. Nhưng tất cả đều không liên quan gì với trí thông minh. Trí thông minh xuất hiện khi trí, tâm và thân thật sự hài hòa.
Cho nên – hãy hiểu rõ điều này, thưa quý vị – thân thể phải nhạy cảm cao độ. Không để mình béo phì, không ăn uống và tình dục quá độ, cùng tất cả những gì làm cho thân thể thô tục, tối tăm, nặng nề. Bạn phải hiểu tất cả mọi điều đó. Chính nhờ thấy được thực tế đó, bạn sẽ ăn ít lại, cho thân thể phát huy trí thông minh vốn có. Nếu thân thể có nhận thức, thứ nhận thức không bị thúc ép, lúc đó nó sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm, giống như một công cụ cực tốt. Trái tim cũng vậy, nó không bao giờ bị tổn thương và cũng không bao giờ làm tổn thương người khác. Không gây tổn thương và không bị tổn thương, đó là sự hồn nhiên của trái tim. Một trí não không còn sợ hãi, không đòi hỏi khoái lạc – không phải trí não mà bạn không thể tận hưởng cái đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của cây cối, của một gương mặt xinh xắn, nhìn đám trẻ, nhìn dòng nước chảy trôi, núi non và thảm cỏ xanh – có niềm vui lớn lao trong đó. Nhưng niềm vui này, khi được tư tưởng theo đuổi, lại trở thành khoái lạc.
Trí não phải trống không để thấy thật rõ ràng. Vậy mối quan hệ giữa cái không thể đo lường, cái không biết, và cái biết, chính là trí thông minh này, vốn không có liên quan gì với Phật giáo, với Zen, với tôi hay với bạn. Nó tuyệt đối không liên quan gì với quyền lực hay truyền thống. Bạn có đạt được trí thông minh đó chứ? Đó là điều duy nhất quan trọng. Trí thông minh đó sẽ hoạt động phù hợp với luân lý trong thế giới này. Luân lý khi đó là trật tự, tức là đức hạnh. Đức hạnh hay luân lý không thuộc về xã hội, vốn hoàn toàn phi luân lý.
Trí thông minh đó tạo ra trật tự, tức là đức hạnh, một thứ đang sống động, không máy móc. Cho nên bạn không bao giờ có thể tu tập để sống thiện lành, bạn không bao giờ có thể tu tập để trở nên khiêm nhường. Khi có trí thông minh đó, nó tự nhiên tạo ra trật tự và vẻ đẹp của trật tự. Đó mới là đời sống tôn giáo, chứ không phải tất cả những điều điên khùng vây quanh nó.
Khi nghe diễn giả nói, bạn có thể hiểu được điều này không? Không phải trên bình diện ngôn từ hay tri thức, mà thật sự thấy được sự thật về nó. Nếu bạn nhìn thấy sự thật đó, nó sẽ hành động. Nếu bạn thấy được sự thật rằng rắn thật nguy hiểm, bạn sẽ hành động. Nếu bạn thấy sự nguy hiểm của vực thẳm, thực tế, sự thật về nó, bạn hành động ngay. Nếu bạn thấy được sự thật về chất thạch tín, về thuốc độc, bạn hành động tức khắc. Vậy bạn có thấy được điều này không, hay bạn vẫn còn sống trong thế giới của những ý niệm? Nếu bạn sống trong thế giới của những ý niệm, kết luận, lúc đó sẽ không có sự thật mà chỉ có sự phóng chiếu ra của tư tưởng.
Vì thế, đây mới là câu hỏi thật sự – hãy lắng nghe điều này, bởi vì suốt ba tuần qua ta đã thảo luận về mọi sắc thái của cuộc sống nhân loại, về những phiền não, đau khổ và vui sướng, về tình dục và phi luân lý, bất công xã hội, chia rẽ quốc gia, chiến tranh và những thứ đại loại thế: Bạn có thấy được sự thật về điều này không, và nếu vậy trí thông minh có vận hành không? – không phải cái “tôi” đang vận hành. Khi bạn nói: “Tôi phải là chính mình”, một câu khẩu hiệu sáo rỗng của thế hệ hiện đại, khi bạn xem xét kỹ những từ ngữ này, “tôi phải là chính mình”, chính mình là gì? Thật nhiều từ ngữ, thật nhiều kết luận, truyền thống, phản ứng, ký ức, một mớ quá khứ; vậy mà bạn lại nói: “Tôi muốn là chính mình”, thật quá ấu trĩ.
Sau khi đã nghe những điều này, trí thông minh có thức tỉnh không? Và nếu trí thông minh thức tỉnh thì nó sẽ vận hành; bạn không cần phải hỏi: “Tôi sẽ làm gì?”. Có lẽ cả ngàn người ở đây trong ba tuần lễ này đã lắng nghe. Nếu họ thật sự sống với trí thông minh đó, bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra không? Ta sẽ thay đổi thế giới. Ta sẽ là “muối của đất”*.
* Thành ngữ này có xuất xứ từ Thánh kinh, trong đó Chúa Jesus gọi những người bị ngược đãi vì trung thành với Ngài là “salt of the earth”, tức là những người tốt lành và cao thượng trong xã hội. ( “Các con là muối của đất… Các con là sự sáng thế gian”.)
Người hỏi: Tôi hiểu như thế này có đúng không, rằng để cho tư tưởng ngừng lại, trí não phải thấy thật sâu sự thật độc hại của việc tìm kiếm an toàn. Có phải ngài đã nói vậy không?
Krishnamurti: Một phần thôi, thưa ngài.
Người hỏi: Chỗ khó dường như là ở phần không nhìn thấy, trí não không thấy nó; muốn trí não nhìn thấy điều gì đó thì phải có sự tịch lặng. Nó như một cái vòng lẩn quẩn. Chỗ khó là trí não không thấy được điều đó.
Krishnamurti: Không, thưa ngài. Trước hết, tại sao trí não phải tịch lặng, tại sao nó không tiếp tục huyên thiên? Khi trí não huyên thiên, bạn không thể thấy bất cứ điều gì một cách rõ ràng, phải không? Bạn không thể nghe bất cứ ai một cách rõ ràng. Nếu bạn đang nhìn một ngọn núi, thấy được vẻ đẹp của nó, trí não bạn phải tự nhiên tịch lặng, nghĩa là bạn phải chú tâm ngay lúc đó vào việc thấy. Chỉ thế thôi. Tức là, nếu bạn lắng nghe thực tế rằng tư tưởng là đo lường, rằng tư tưởng đã chia cắt con người, rằng tư tưởng đã gây ra chiến tranh, nếu bạn thấy được sự thật về điều đó – không giải thích, không biện minh – bạn chỉ đơn giản thấy thực tế những gì tư tưởng đã làm. Hiển nhiên, để thấy được thực tế đó, trí não phải tịch lặng. Vậy đó không phải là cái vòng lẩn quẩn gì cả, thưa ngài.
Người hỏi: Tôi có thể hỏi ngài một câu được chứ? Ngài thường nói về vẻ đẹp của núi non và về sự tịch lặng của trí não khi nhìn ngắm vẻ đẹp của mây trời. Vậy trí não có thể nào tịch lặng khi nhìn điều gì đó khủng khiếp không?
Krishnamurti: Nghe thật kỹ nhé, hãy quan sát bóng tối và ánh sáng, khu ổ chuột và khu nhà bình thường. Bạn có thể nhìn thấy điều đó chứ? Có nhận thức nào mà trong đó những sự chia tách này không tồn tại không? Không phải thực tế là không có sự chia tách, cùng với mọi bất công, phi luân lý của nó – mà là có một nhận thức, trong đó sự chia tách này không tồn tại? Tức là, trí não có thể nào quan sát vẻ đẹp của đồi núi và sự bẩn thỉu và không thiên lệch, không nghiêng về bên này, chống lại bên kia được không? Một nhận thức nơi sự chọn lựa không tồn tại. Bạn có thể làm điều này. Không phải là sự nghèo đói cứ tiếp diễn đi – bạn có thể làm điều gì đó về mặt chính trị, xã hội, vân vân, nhưng trí não có thể thoát khỏi sự chia rẽ, thoát khỏi sự phân chia giai cấp giữa người giàu và kẻ nghèo, giữa đẹp và xấu, thoát khỏi những cái đối nghịch và tất cả những thứ tương tự.
Người hỏi: Tôi muốn hỏi ngài, có sự khác biệt nào giữa suy nghĩ và suy đoán không?
Krishnamurti: Tại sao phải có sự khác biệt giữa suy nghĩ và suy đoán? Ai đang suy đoán, chẳng phải chính suy nghĩ đang suy đoán đó sao? Chẳng phải suy nghĩ đang lý thuyết hóa rằng có Thượng đế, rằng không có Thượng đế, có bao nhiêu thiên thần ngồi được trên một mũi đinh ghim, vân vân? Toàn bộ công việc của suy nghĩ là suy đoán – không có sự khác biệt, hai cái đó là một.
Người hỏi: Ta có thể nhận thức một cách khách quan một cái cây, một ngọn núi, một người. Nhưng liệu tư tưởng có thể quan sát sự chuyển động của chính nó được không? Có sự nhận thức về chính mình không, và người ta có thể nhận thức về việc đang nhận thức được không?
Krishnamurti: Vâng, có nhận thức về việc tư tưởng đang quan sát chính nó không?
Người hỏi: Tôi không thích từ “quan sát”.
Krishnamurti: Được thôi, nhận thức về chính nó. Vậy hãy đợi một chút, nhìn đây. Bạn có hiểu câu hỏi không? Bạn có thể nhận thức về cây cối, đồi núi, về việc bạn đang ngồi đây. Nhưng có thể nào nhận thức rằng bạn đang nhận thức không? Xin hãy nhìn vào câu hỏi. Bạn có thể nhận thức về cây cối, mây trời, màu sắc chiếc áo bạn mặc và bạn có thể nhận thức một cách khách quan. Bạn cũng có thể nhận thức về việc tư tưởng đang vận hành ra sao. Nhưng có chăng nhận thức về việc đang nhận thức?
Khi bạn nhận thức về một cái cây, với tư cách một người quan sát, đó phải là nhận thức không? Cái cây ở đó và bạn nhận thức về nó. Khi đó bạn trở thành người quan sát và cái cây đó trở thành thứ được quan sát, rồi bạn nói: “Đó không phải là nó”. Trong đó có sự chia tách, thành người quan sát và cái được quan sát. Cũng giống như với đám mây, giống như bạn đang ngồi đây và người đang nói, đang ngồi trên bục này quan sát, trong đó cũng có sự chia tách. Trong đó cũng có người quan sát đang quan sát bạn, cái được quan sát, trong đó có sự chia tách. Ta có thể nhận thức về tư tưởng. Tôi đang đi từng bước một. Nhận thức về tư tưởng, trong đó cũng có sự chia tách; người nhận thức đang tự phân cách mình với tư tưởng.
Bạn đặt ra câu hỏi rằng: Nhận thức có biết, hay nó có nhận thức được chính mình, mà không có người quan sát? Tất nhiên là không, ngay khi không có người quan sát thì cũng không có nhận thức về việc đang nhận thức. Rõ ràng là thế, thưa ngài, toàn bộ vấn đề chỉ có thế! Ngay khi tôi nhận thức được rằng tôi đang nhận thức, đó là lúc tôi đang không nhận thức. Hãy suy ngẫm điều này đi, thưa ngài, hãy dành hai phút để suy ngẫm! Ngay khi tôi nhận thức được rằng tôi khiêm nhường, thì không có sự khiêm nhường nữa. Ngay khi tôi nhận thức rằng tôi hạnh phúc, thì không có hạnh phúc.
Vì thế, nếu tôi nhận thức rằng tôi đang nhận thức, thì lúc đó không có sự nhận thức; trong đó chỉ có sự chia tách giữa người quan sát và cái được quan sát thôi. Bạn đặt ra câu hỏi rằng: Có sự nhận thức nào không chia tách giữa người quan sát và cái được quan sát không? Rõ ràng nhận thức nghĩa là như thế – nhận thức nghĩa là không có người quan sát.
Người hỏi: Ta có thể nhận thức về một cái cây mà không có người quan sát, không có không gian đó không?
Krishnamurti: Hãy nhìn đi. Khi bạn nhìn một cái cây, có không gian giữa bạn và cái cây. Đợi đã nào, ta đang đi từng bước một. Khi bạn nhìn cái cây đó, có khoảng cách giữa bạn và nó, có không gian, có sự chia tách. Sự chia tách này xảy ra khi có một người quan sát sở hữu một hình ảnh về cái cây, cây sồi hay cây thông chẳng hạn. Vậy là kiến thức, hình ảnh chia tách người quan sát với thứ được quan sát, với cái cây. Xin hãy nhìn vào đó. Bạn có thể nhìn cội cây đó mà không có hình ảnh được không? Nếu bạn nhìn vào cái cây mà không có hình ảnh, không nói: “Đó là cây sồi”, “Nó đẹp hoặc không đẹp”, thích hay không thích, thì điều gì xảy ra? Điều gì xảy ra khi không có người quan sát mà chỉ có cái được quan sát? Tiếp đi, thưa ngài, hãy nói cho tôi biết điều gì xảy ra? Tôi sẽ không nói đâu!
Người hỏi (1): Có sự hợp nhất.
Người hỏi (2): Cái nhất thể.
Krishnamurti: Nhất thể nghĩa là cùng một thứ.
Người hỏi: Nhận thức.
Krishnamurti: Không, đừng bịa ra, đừng suy đoán.
Người hỏi: Khi tôi nhận thức về cái cây, tôi có cảm giác...
Krishnamurti: Tôi đang đi tới đó đây, thưa ngài. Xin hãy lắng nghe từng bước một. Tôi đã nói với bạn: Khi bạn nhìn cái cây theo cách bình thường, sẽ có sự chia tách giữa bạn với cây. Bạn là người quan sát và cây là cái được quan sát. Đó là một thực tế. Bạn, với hình ảnh của bạn, với những thành kiến của bạn, với những hy vọng của bạn, là người quan sát. Do đó, chừng nào còn tồn tại người quan sát, thì còn phải có sự chia tách giữa bạn và cái cây. Khi không có người quan sát, mà chỉ có đối tượng, tức cái được quan sát, thì điều gì xảy ra? Đừng tưởng tượng, hãy làm đi!
Người hỏi (1): Có sự tịch lặng... tư tưởng không còn hoạt động nữa.
Người hỏi (2): Ta trở thành cái cây.
Krishnamurti: Bạn trở thành cái cây sao, trời ơi, tôi mong là không! Hãy trở thành con voi đi! (Cười) Xin hãy lắng nghe. Hãy làm đi. Hãy nhìn một cái cây và xem liệu bạn có thể nhìn nó mà không có bất kỳ hình ảnh nào được không. Điều đó hoàn toàn dễ dàng. Nhưng nhìn vào chính mình mà không có hình ảnh, nhìn vào chính mình mà không có người quan sát, điều đó khó hơn nhiều. Bởi vì điều bạn thấy khiến bạn vui hoặc không vui, bạn muốn thay đổi nó, bạn muốn kiểm soát, muốn uốn nắn, bạn muốn làm điều gì đó với nó.
Vậy, bạn có thể nhìn vào chính mình mà không có người quan sát, như khi bạn nhìn cái cây không? Có nghĩa là nhìn vào chính mình với tất cả sự chú tâm. Khi hoàn toàn chú tâm thì sẽ không có hình ảnh. Chỉ khi nào trí não bạn nghĩ: “Ước gì tôi có cái ‘tôi’ tuyệt vời hơn”, hoặc “Tôi sẽ làm điều này, điều nọ” – thì bạn sẽ nhìn mà không chú tâm.
Người hỏi: Tôi có sai lầm không khi nói rằng ta luôn ở trong trạng thái nhận thức? Chính tư tưởng tạo ra sự chia tách.
Krishnamurti: Ồ, không! Đó là một suy đoán khác của tư tưởng, rằng ta luôn luôn nhận thức. Ta chỉ ở trong trạng thái nhận thức theo từng khoảnh khắc, rồi ta đi biệt tăm vào giấc ngủ. Có những khoảnh khắc ta chìm vào giấc ngủ. Có những khoảnh khắc ta chìm vào giấc ngủ, những khoảnh khắc ta không chú tâm, đó mới là điều quan trọng, chứ không phải lúc ta nhận thức.
Người hỏi: Chúng tôi có nhận thức được tình yêu thương vô tận mà ngài mô tả khi diễn giải về trí thông minh trong đời sống nhân loại không?
Krishnamurti: Tùy thuộc vào ngài thôi, thưa ngài!
Người hỏi: Khi tôi nhận thức về hình ảnh của tôi và hình ảnh của tôi mất đi, chẳng phải đó chính là bản thân sự nhận thức sao?
Krishnamurti: Khi tôi nhận thức về hình ảnh của tôi, hình ảnh đó còn tồn tại không? Nó không tồn tại.
Người hỏi: Khi đó, nó chính là bản thân sự nhận thức.
Krishnamurti: Chính xác, chính là bản thân sự nhận thức mà không chọn lựa. Thưa ngài, chỗ quan trọng ở đây không phải là ta đã nghe được gì, mà là ta đang học được gì. Học không phải là tích lũy kiến thức. Khi bạn rời khỏi đây, bạn sẽ có nhiều ý tưởng khác nhau về nhận thức, tình yêu, sự thật, sợ hãi, vân vân. Chính những ý tưởng ấy sẽ ngăn cản bạn học hỏi. Nhưng nếu bạn nhận thức một chút, khi đó bạn đang học và khi đó trí thông minh có thể vận hành thông qua việc học hỏi trong cuộc sống thường ngày.
Saanen
10/8/1971