Thời gian lịch đại và thời gian tâm lý. Thế lưỡng nan của kiến thức. Thế lưỡng nan của tư tưởng và hình ảnh. Ta có thể tìm thấy căn nguyên của sự sợ hãi không? “Trí não mà có thể không bao giờ bị tổn thương.”
Người hỏi (1): Ta đã bao phủ gần hết mặt đất này mà không thể hợp nhất được sao? Tôi hoàn toàn không chắc trong bản thân mình về sự liên hệ giữa tư tưởng và sợ hãi: ta có thể thảo luận thêm điều này không?
Người hỏi (2): Khi tư tưởng đối mặt với cái không biết, nó không biết làm gì. Bây giờ, nếu bạn tư duy mà không có thời gian, nếu không có thời gian thì không có sự sợ hãi.
Krishnamurti: Các bạn muốn thảo luận vấn đề đó chứ?
Cử tọa: Vâng.
Krishnamurti: Thời gian là gì? Sáng nay tôi phải ở đây, dù thời tiết lúc mười giờ rưỡi khá xấu, nhưng tôi đã có mặt. Nếu tôi không đến đúng giờ, tôi sẽ để bạn phải chờ đợi. Có thời gian theo đồng hồ – hôm qua, hôm nay và ngày mai. Có thời gian để đi được một khoảng cách nào đó – chẳng hạn từ đây đến mặt trăng, từ đây đến Montreux, vân vân. Cũng có thời gian để lấp đầy khoảng cách giữa hình ảnh của chính tôi – hoặc hình ảnh tôi đã phóng chiếu ra về mình – với cái “tôi nên là”, và khoảng cách giữa cái “tôi đang là” với cái “tôi thích là”, giữa sự sợ hãi và sự chấm dứt nỗi sợ. Ta phải hiểu điều này.
Người hỏi: Ngài có thể cho ví dụ thực tế về những gì ngài đã trải qua được không?
Krishnamurti: Tôi không giỏi về việc đưa ra những ví dụ thực tế. Điều tôi nói hoàn toàn đơn giản. Tôi không phải là triết gia, tôi không chơi trò tung hứng với các lý thuyết.
Vậy, có thời gian như là hôm qua, hôm nay và ngày mai, và có thời gian – chí ít ta nghĩ là có thời gian – giữa cái tôi đang là với cái tôi nên là, giữa thực tế của nỗi sợ hãi với sự chấm dứt cuối cùng sẽ đến của nỗi sợ. Cả hai đều là thời gian, phải không? Thời gian lịch đại và thời gian do tư tưởng tạo ra. “Tôi là thế này” và “Tôi nên thay đổi thành thế kia”. Để lấp đầy khoảng cách giữa cái tôi đang là và cái tôi nên là, cần phải có thời gian. Cũng lại là thời gian. Tôi sẽ mất nhiều ngày, hoặc nhiều tuần, để tập một số bài tập làm cho cơ bắp nở nang, để làm việc đó tôi cần thời gian, tôi sẽ bỏ ra ba ngày hoặc một tuần: đó là thời gian.
Vậy, khi đề cập đến thời gian, ta hãy làm rõ mình đang nói về điều gì. Có thời gian lịch đại, như hôm qua, hôm nay và ngày mai, và có thời gian ta nghĩ là cần thiết để đạt đến sự chấm dứt nỗi sợ. Thời gian là một phần trong nỗi sợ, phải không? Tôi sợ tương lai – không phải sợ những điều có thể xảy ra trong tương lai mà sợ cái ý niệm về tương lai, ý niệm về ngày mai. Vậy là có thời gian tâm lý và thời gian lịch đại. Ta không nói về thời gian lịch đại, thời gian theo đồng hồ. Điều ta đang nói tới là: “Bây giờ tôi ổn, nhưng tôi sợ tương lai, sợ ngày mai”. Hãy gọi đó là thời gian tâm lý.
Bây giờ, tôi xin hỏi, có chăng điều gì là thời gian tâm lý không, hay đó chỉ là một sự bịa đặt của tư tưởng? “Mai tôi sẽ gặp bạn, dưới một tán cây ở gần cầu” – đó là thời gian lịch đại. “Tôi sợ ngày mai và tôi không biết làm sao để đối mặt với nỗi sợ ngày mai” – đó là thời gian tâm lý, đúng không?
Người hỏi: Sẽ thế nào nếu tôi nói: “Tại sao điều đẹp đẽ này phải kết thúc?”?
Krishnamurti: Đó cũng là thời gian tâm lý, phải không? Tôi cảm nhận được một mối quan hệ cụ thể với một thứ xinh đẹp và tôi không muốn mối quan hệ đó chấm dứt. Có ý niệm cho rằng mối quan hệ đó có thể chấm dứt và tôi không muốn nó chấm dứt, tôi sợ điều ấy. Đó là một phần trong cấu trúc của nỗi sợ.
Một điều nữa là tôi đã biết đến sự an toàn, ổn định, mà ngày mai lại bất định, thế là tôi sợ nó – đó là thời gian tâm lý, đúng không? Tôi đã sống một cuộc đời gần như an toàn, nhưng ngày mai thì lại cực kỳ bất định, tôi sợ nó. Thế là vấn đề của tôi nảy sinh: Làm sao để không sợ? Chẳng phải, chắc chắn rồi, mọi điều hàm chứa trong đó đều thuộc về thời gian tâm lý sao? Kiến thức về ngày hôm qua, của hàng ngàn ngày hôm qua, đã cho não bộ một cảm giác an toàn nào đó. Bởi vì kiến thức vốn là kinh nghiệm, ký ức. Trong quá khứ có sự an toàn cho não bộ; ngày mai có thể chẳng có sự an toàn nào cả, tôi có thể bị giết.
Kiến thức, với tư cách là thời gian, cho não bộ một cảm giác an toàn. Vì thế kiến thức thuộc về thời gian. Nhưng tôi không có kiến thức về ngày mai, nên tôi sợ hãi. Nếu tôi có kiến thức về ngày mai thì tôi sẽ không sợ. Vậy là kiến thức sinh ra sợ hãi, nhưng tôi vẫn phải có kiến thức. Bạn hiểu chứ? Tôi phải có kiến thức để đi từ đây tới ga tàu, tôi phải có kiến thức để nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay bất cứ tiếng gì, tôi phải có kiến thức để thực hiện bất cứ chức năng nào đó. Tôi đã tích lũy kiến thức về chính tôi, với tư cách người trải nghiệm, tuy nhiên người trải nghiệm đó lại sợ ngày mai bởi vì anh ta không biết ngày mai.
Người hỏi: Còn sự lặp lại thì sao?
Krishnamurti: Cũng vậy thôi, việc đó có tính máy móc. Rốt cuộc, kiến thức mang tính lặp lại. Tôi có thể thêm vào hoặc bớt ra, nhưng kiến thức là một guồng máy tích lũy.
Người hỏi: Còn những người gặp phải bi kịch khủng khiếp thì sao, những người đã chứng kiến người khác bị tàn sát và tra tấn?
Krishnamurti: Chuyện đó liên quan gì với điều ta đang thảo luận?
Người hỏi: À, ngài thấy đó, chúng để lại nỗi sợ.
Krishnamurti: Ta đang đề cập đến mối quan hệ giữa tư tưởng và nỗi sợ.
Người hỏi: Nhưng ngay cả vậy, người ta vẫn nói với tôi rằng nỗi sợ cứ ở lại trong họ như thế nào và họ không thể loại bỏ chúng, bởi vì đối với họ, con người là một con thú.
Krishnamurti: Chắc chắn cũng là một vấn đề thôi. Tôi bị một con rắn hay một con người làm hại. Sự tổn thương để lại một dấu vết hằn sâu lên não bộ tôi và tôi sợ rắn hoặc sợ con người – vốn là quá khứ. Tôi cũng sợ ngày mai. Như nhau cả thôi, phải không? Chỉ khác là nỗi sợ này nằm trong quá khứ, nỗi sợ kia nằm ở tương lai.
Người hỏi: Vấn đề chỉ khó ở chỗ ngài nói rằng: “Kiến thức của ngày hôm qua cho ta sự an toàn”. Một số người lại thấy kiến thức ngày hôm qua cho họ sự bất an.
Krishnamurti: Kiến thức cho sự an toàn và nó cũng cho sự bất an, không phải sao? Trong quá khứ, tôi bị con người làm tổn thương – đó là kiến thức. Nó ăn sâu bám rễ trong tôi và tôi ghê tởm con người, tôi sợ họ.
Người hỏi: Ta không nói về kiến thức tâm lý mà nói về sự tra tấn thể xác.
Krishnamurti: Vâng, sự tra tấn thể xác cũng vẫn nằm trong quá khứ.
Người hỏi: Nhưng ngài biết rằng trong hiện tại người ta vẫn tiếp tục làm điều đó mà.
Krishnamurti: Bạn đã lẫn lộn hai thực tế. Ta đang đề cập đến nỗi sợ và mối quan hệ của nó với tư tưởng. Sự tra tấn thể xác vẫn tiếp tục diễn ra trong thế giới, người ta tàn bạo đến lạ lùng, tôi thích nghĩ đến điều đó và cảm thấy thật sự bị kích thích. Tôi cảm thấy điều đó chính đáng về mặt luân lý nhưng tôi không thể làm gì được, đúng không? Khi tôi ngồi trong túp lều này, tôi không thể làm gì với những việc đang xảy ra ở nơi khác. Nhưng tôi lại muốn thần kinh mình bị kích thích bởi điều ấy và tôi nói: “Những việc con người đang làm mới khủng khiếp làm sao”. Không phải ư? Điều tôi có thể thật sự làm là gì? Tham gia vào một đoàn thể lên đường đi ngăn chặn việc tra tấn tàn độc của con người? Biểu tình trước mặt ai đó? Nhưng sự tra tấn đó vẫn tiếp diễn. Điều tôi quan tâm là làm cách nào để thay đổi trí não con người, để không còn sự tra tấn con người về mặt thân thể và tâm lý theo bất kỳ cách nào. Nhưng nếu thần kinh tôi bị nhiễu loạn, tôi thích tiếp tục nghĩ rằng: “Thế giới này thật khủng khiếp làm sao”.
Giờ hãy quay lại. Tôi sợ điều mà con người đã làm với tôi, hoặc với ai khác. Kiến thức đó trở thành một vết sẹo trong não bộ tôi. Tức là kiến thức của quá khứ chẳng những cho tôi sự chắc chắn mà còn cả sự không chắc chắn nữa, rằng ngày mai tôi có thể bị tổn thương, cho nên tôi sợ. Tại sao não bộ lưu giữ ký ức của sự tổn thương ngày hôm qua? Phải chăng để tự bảo vệ khỏi những tổn thương trong tương lai? Hãy suy ngẫm về điều đó. Nghĩa là, tôi luôn đối mặt thế giới với sự tổn thương đó, và do vậy, tôi không có mối quan hệ nào với người khác, bởi vì tổn thương quá sâu. Và tôi kháng cự lại mọi mối quan hệ với con người bởi vì tôi có thể bị tổn thương lần nữa. Do đó mà có sợ hãi. Kiến thức về tổn thương trong quá khứ đem lại nỗi sợ về sự tổn thương trong tương lai. Vậy là kiến thức đem lại nỗi sợ, nhưng tôi vẫn phải có kiến thức.
Kiến thức đã được tích lũy qua thời gian. Kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức ngôn ngữ, vân vân, đều cần thời gian. Kiến thức, sản phẩm của thời gian, phải tồn tại, nếu không thì tôi không thể làm bất cứ việc gì, tôi không thể truyền đạt với bạn. Nhưng tôi cũng thấy kiến thức về tổn thương trong quá khứ nói: “Hãy cẩn thận, đừng để bị tổn thương trong tương lai”. Vì thế mà tôi sợ tương lai.
Vậy làm sao tôi, mang vết sẹo quá đậm sâu, có thể thoát khỏi đó mà không phóng chiếu kiến thức đó vào tương lai, không nói rằng “Tôi sợ tương lai”. Có hai vấn đề hàm chứa trong đó, phải không? Có vết sẹo của đau khổ, của tổn thương và kiến thức về nó khiến tôi sợ ngày mai. Trí não có thể thoát khỏi vết sẹo đó được không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Tôi chắc chắn phần lớn chúng ta đều có những vết sẹo tâm lý nào đó. Phải không? Ta đang nói đến những vết sẹo thể lý ảnh hưởng đến não bộ – ta có thể tạm thời dẹp nó sang một bên. Có những vết sẹo do tổn thương về tâm lý. Làm sao trí não, não bộ, có thể thoát khỏi chúng? Nó có cần phải thoát khỏi chúng không? Chẳng phải ký ức về sự tổn thương là một sự bảo vệ trước tương lai sao? Về mặt ngôn từ, bạn đã làm tổn thương tôi bằng nhiều cách; có ký ức về những tổn thương ấy. Nếu tôi quên tất cả, sáng hôm sau tôi sẽ hồn nhiên đến gặp bạn và bạn lại làm tôi bị tổn thương lần nữa. Vậy tôi phải làm gì? Hãy suy ngẫm đi, thưa quý vị. Tiếp tục nào.
Người hỏi: Chẳng phải tôi cũng cần tìm hiểu lý do tại sao tôi có thể bị tổn thương về mặt tâm lý ư?
Krishnamurti: Điều này thật đơn giản thôi. Ta rất nhạy cảm, có cả chục lý do. Tôi có một hình ảnh về chính mình và tôi không muốn bạn làm tổn thương hình ảnh đó. Tôi nghĩ tôi là một người tuyệt vời, bạn xuất hiện và châm chích hình ảnh đó, khiến tôi bị tổn thương. Hoặc tôi cảm thấy mình thấp kém khủng khiếp, mà tôi lại gặp bạn, một người cảm thấy bản thân thật vượt trội, thế là tôi bị tổn thương. Bạn lanh lợi, xinh đẹp, còn tôi thì không – tôi thấy bị tổn thương. Kiến thức về việc bị tổn thương không chỉ liên quan đến thể lý mà còn liên quan đến tâm lý, nội tâm, lưu lại một dấu vết trên não bộ, tức là ký ức. Ký ức là kiến thức. Tại sao tôi không nên thoát khỏi kiến thức đó? Nếu tôi thoát được, bạn sẽ lại gây tổn thương tôi lần nữa. Do đó, kiến thức đó tác động như một sự kháng cự, như một bức tường. Điều gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ của con người với nhau khi xuất hiện một bức tường ngăn cách giữa chúng ta?
Người hỏi: Ta không thể gặp nhau.
Krishnamurti: Chính xác. Vậy, ta phải làm gì? Tiếp tục đi, thưa ngài, hãy theo đuổi điều đó!
Người hỏi: Dời bức tường ấy đi.
Krishnamurti: Nhưng bạn sẽ làm tổn thương tôi.
Người hỏi: Chỉ có hình ảnh bị tổn thương thôi.
Krishnamurti: Không thưa ngài. Hãy nhìn đây, tôi đến với bạn hoàn toàn hồn nhiên. Nghĩa gốc của từ “hồn nhiên” là bạn không thể bị tổn thương. Vì tôi đến với bạn một cách cởi mở, thân thiện, rồi bạn nói điều gì đó làm tổn thương tôi. Đây không phải là điều xảy ra với tất cả các bạn sao? Và điều gì diễn ra? Sự tổn thương đó để lại một dấu vết – là kiến thức. Có gì sai với kiến thức đó? Kiến thức đó tác động như một bức tường ngăn cách giữa bạn và tôi. Tất nhiên là thế! Vậy thì ta sẽ phải làm gì?
Người hỏi: Bạn phải xuyên thủng.
Krishnamurti: Trước hết hãy nhìn đã, đừng nói “Phải xuyên thủng”, hãy cứ nhìn vào đó thôi. Bạn đã làm tổn thương tôi và kiến thức về điều đó được lưu lại. Nếu tôi không có kiến thức đó, bạn sẽ làm tôi tổn thương lần nữa; và nếu tôi củng cố thêm kiến thức đó, nó sẽ tác động như một bức tường ngăn giữa bạn và tôi. Do đó, giữa bạn và tôi không có mối quan hệ nào cả. Vậy, kiến thức về quá khứ ngăn cản mối quan hệ giữa bạn và tôi. Tôi sẽ phải làm gì?
Người hỏi: Hãy tìm hiểu nó.
Krishnamurti: Tôi đã tìm hiểu, tôi đã dành ra mười phút để xem xét vấn đề và tôi thấy sự xem xét đó, phân tích đó hoàn toàn vô dụng.
Người hỏi: Phải chăng đây là chỗ mà thời gian xen vào?
Krishnamurti: Tôi đã dành ra mười phút – phân tích trong vòng mười phút – và mười phút đó là một sự hoang phí.
Người hỏi: Nếu không có thời gian...
Krishnamurti: Tôi đã sử dụng thời gian. Đừng nói không có thời gian.
Người hỏi: Nhưng nếu không có thời gian.
Krishnamurti: Tôi không biết, đó là một giả thuyết. Tôi đã dành ra mười phút để thấy được tại sao tôi bị tổn thương, để xem xét sự tổn thương đó, để thấy sự cần thiết phải giữ lấy tổn thương đó như kiến thức. Tôi tự hỏi, nếu tôi loại bỏ tổn thương đó, bạn có làm tổn thương tôi lần nữa không? Và tôi thấy, chừng nào sự tổn thương đó còn lưu lại thì sẽ không có quan hệ nào giữa bạn và tôi. Tất cả điều đó mất khoảng hơn mười lăm phút. Và tôi thấy, rốt cuộc tôi chẳng đạt được gì cả. Thế là tôi đã thấy phân tích không có giá trị gì cả. Tôi sẽ làm gì khi đã bị tổn thương và nhớ lại rằng tổn thương đó ngăn chặn mọi mối quan hệ?
Người hỏi: Ta phải chấp nhận bị tổn thương.
Krishnamurti: Không, tôi không chấp nhận cũng không bác bỏ. Tôi chỉ đang nhìn. Tôi không chấp nhận hay bác bỏ bất cứ điều gì. Khi đó, câu hỏi của tôi là: “Tại sao tôi bị tổn thương?”. Cái gì đang bị tổn thương?
Người hỏi: Kiến thức trên thực tế là một kẻ ngốc.
Krishnamurti: Thưa ngài, hãy nói điều gì đó thực tế, đừng tưởng tượng ra rồi nói. Trước hết, hãy khám phá xem cái gì đang bị tổn thương. Khi tôi nói tôi bị tổn thương bởi vì bạn gọi tôi kẻ ngốc, cái gì đang bị tổn thương?
Người hỏi: Lòng kiêu hãnh của ông. Kiến thức về việc thế nào là một kẻ ngốc xuất hiện.
Krishnamurti: Không, thưa bà, không chỉ thế đâu. Hãy nhìn đi, có cái gì đó sâu hơn thế nhiều lắm. Tôi bị tổn thương bởi vì bạn đã gọi tôi là kẻ ngốc. Tại sao tôi phải bị tổn thương?
Người hỏi: Bởi hình ảnh tôi có về chính mình.
Krishnamurti: Nghĩa là tôi có một hình ảnh về bản thân rằng tôi không phải là kẻ ngốc. Khi bạn gọi tôi là kẻ ngốc, là tên vô lại, hay bất cứ gì, tôi sẽ bị tổn thương vì tôi có hình ảnh về mình. Tại sao tôi lại có một hình ảnh về bản thân? Chừng nào tôi còn có một hình ảnh về chính mình, tôi sẽ còn bị tổn thương.
Người hỏi: Tại sao tôi phải quan tâm đến hình ảnh mà người khác có về tôi, dù hình ảnh đó là gì đi nữa?
Krishnamurti: Người khác có hình ảnh về tôi là một kẻ ngốc, hoặc người ấy có hình ảnh về tôi là một bậc đại trí thức – cũng như nhau cả thôi, bạn hiểu chứ? Vậy, tại sao tôi lại có một hình ảnh về bản thân mình?
Người hỏi: Bởi vì tôi không thích cái tôi đang là.
Krishnamurti: Không, trước hết tại sao tôi có hình ảnh? Bởi vì tôi không thích mình như đang là phải không? Mà bạn là gì? Đã có khi nào bạn nhìn vào chính bạn mà không có một hình ảnh chưa? Hãy đơn giản thôi. Tôi có hình ảnh về bạn là người lanh lợi, sáng chói, thông minh, tỉnh thức, giác ngộ – một hình ảnh phi thường. Và nếu so với bạn, tôi thật trì trệ, tối tăm. So với bạn, tôi thấy mình thật thấp kém – rõ ràng là vậy. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình thật là ngu đần, ngốc nghếch, và từ cảm giác thấp kém, ngu muội này, tôi vướng vào nhiều vấn đề khác nữa. Tại sao tôi so sánh tôi với bạn? Phải chăng từ thơ ấu, ta đã được dạy phải so sánh? Trong trường học, ta so sánh thông qua việc chấm điểm, qua các kỳ thi. Mẹ ta bảo rằng: “Hãy thông minh như anh con”. Sự so sánh khủng khiếp này luôn diễn ra trong suốt cuộc đời ta. Và nếu tôi không so sánh, tôi sẽ ở đâu? Tôi có đần độn, tăm tối không? Tôi không biết. Tôi tự gọi mình là đần độn khi so sánh với bạn, một người không đần độn, nhưng nếu tôi không so sánh, chuyện gì sẽ xảy ra?
Người hỏi: Tôi trở thành chính mình.
Krishnamurti: “Chính mình” là gì? Hãy nhìn rõ cái vòng lẩn quẩn mà ta đang mắc vào, cứ lặp đi lặp lại mãi những điều này mà không hiểu gì cả. Vì vậy, tôi xin trở lại điều này: tại sao tôi phải có một hình ảnh về chính mình – xấu, tốt, cao quý, hèn mọn, xấu xí hay đần độn. Tại sao tôi lại có hình ảnh về điều gì đó?
Người hỏi: Đó là phương tiện để ý thức hoạt động. Một người có ý thức và nhận thức phải tự động can dự vào việc so sánh.
Krishnamurti: Thưa ngài, tôi đang hỏi: Tại sao tôi so sánh? So sánh chẳng những bao hàm sự xung đột mà còn cả sự bắt chước nữa, phải không?
Người hỏi: Nhưng chắc chắn nó là điều cần thiết để đánh giá.
Krishnamurti: Xin làm ơn quan sát nó đi. So sánh bao hàm sự xung đột và bắt chước, không phải sao? Đó là một mặt của vấn đề. Khi so sánh bản thân mình với bạn, tôi cảm thấy mình ngu đần, do đó tôi phải phấn đấu để được lanh lợi như bạn. Lúc ấy sẽ có xung đột và tôi bắt chước giống như bạn. Trong so sánh có xung đột và bắt chước. Nhưng tôi cũng thấy tôi phải so sánh giữa chiếc áo này với chiếc áo kia, ngôi nhà này với ngôi nhà kia, đo xem bạn cao hay thấp, đo khoảng cách từ đây đến nơi nào khác. Bạn hiểu kịp chứ? Nhưng tại sao tôi có một hình ảnh về chính mình? Bởi vì nếu tôi có một hình ảnh về chính mình, tôi sẽ bị tổn thương.
Người hỏi: Có lẽ hình ảnh này không hề tồn tại.
Krishnamurti: Đúng rồi, tiếp đi, hãy truy tìm nó đi. Tại sao tôi có một hình ảnh về chính tôi như là thứ gì đó hoặc không là gì cả.
Người hỏi: Tôi muốn được an toàn, điều đó tùy vào việc hình ảnh an toàn đến đâu.
Krishnamurti: Bạn nói rằng bạn tìm kiếm sự an toàn trong một hình ảnh. Phải thế không? Hình ảnh đó do tư tưởng kết tập nên. Vậy là bạn tìm kiếm sự an toàn trong một hình ảnh do tư tưởng xây dựng nên, và trong hình ảnh đó tư tưởng tìm kiếm sự an toàn. Tư tưởng tạo ra hình ảnh bởi vì nó muốn sự an toàn trong hình ảnh đó. Vậy là tư tưởng tìm kiếm sự an toàn trong chính nó. Tức là, tư tưởng tìm kiếm sự an toàn trong hình ảnh do nó xây dựng nên, và hình ảnh đó là sản phẩm của tư tưởng; tư tưởng là ký ức, nghĩa là quá khứ. Vậy là tư tưởng đã dựng lên hình ảnh về chính nó? Không phải sao?
Người hỏi: Thưa ngài, tôi xin hỏi ta có thể làm gì với giáo dục? Bởi vì ngay cả cha mẹ cũng bắt đầu so sánh các con của họ với nhau: “Đứa con này thông minh hơn”.
Krishnamurti: Tôi biết. Cha mẹ là những người nguy hiểm nhất! (Cười) Họ hủy hoại con cái của họ, bởi vì họ không được giáo dục.
Vậy là tư tưởng đã tưởng tượng ra hình ảnh rồi quay lại tìm kiếm sự an toàn trong hình ảnh đó, nhưng đó vẫn là tư tưởng và tư tưởng là sự hồi đáp của ký ức, của ngày hôm qua. Chuyện gì xảy ra? Kiến thức về ngày hôm qua đã tạo ra hình ảnh này. Phải làm sao để tôi không bị tổn thương? Không bị tổn thương nghĩa là không có bất kỳ hình ảnh nào cả – rõ ràng là thế. Làm thế nào tôi ngăn chặn được hình ảnh? – thứ hình ảnh của tương lai mà tôi sẽ sợ hãi nó. Tư tưởng là thời gian, tư tưởng là nỗi sợ hình ảnh của ngày mai vì trong đó không có sự ổn định nào cả. Làm sao để trí não hay não bộ không có một hình ảnh nào nhưng vẫn không bị tổn thương? Ngay khi nó bị tổn thương, nó sẽ có một hình ảnh. Và vì bị tổn thương nên nó tự bảo vệ mình bằng một hình ảnh khác.
Câu hỏi của tôi là: Ngoài khía cạnh thể lý, nơi nó phải tự bảo vệ mình trước sự nguy hiểm, ô nhiễm không khí, chiến tranh, vân vân, nơi nào cần có sự bảo vệ, liệu não bộ có thể hoàn toàn không bị tổn thương không? Nghĩa là không có một loại hình ảnh nào cả? Không bị tổn thương hàm ý không có sự kháng cự. Không có sự kháng cự nghĩa là không có hình ảnh. Không bị tổn thương có nghĩa là đầy sinh lực, đầy năng lượng, và năng lượng này sẽ bị tiêu mòn khi tôi có hình ảnh. Năng lượng đó bị tiêu mòn đi khi tôi so sánh tôi với bạn, so sánh hình ảnh của tôi với hình ảnh của bạn. Năng lượng đó bị tiêu mòn đi trong xung đột, trong nỗ lực trở thành hình ảnh về bạn mà tôi đã phóng chiếu ra cho chính mình. Năng lượng này bị tiêu phí khi tôi bắt chước hình ảnh mà tôi đã phóng chiếu ra về bạn. Và khi tôi tràn đầy năng lượng, vốn chỉ có thể xảy ra khi có sự chú tâm, thì tôi không bị tổn thương. Tôi không biết liệu bạn có theo kịp không? Ta sẽ hiểu theo cách khác.
Ta quan sát thấy rằng ta bị tổn thương. Ta bị tổn thương cơ bản là do ta có một hình ảnh về chính mình. Hình ảnh đó đã được xây dựng thông qua các hình thức văn hóa, giáo dục, văn minh, truyền thống, quốc gia, điều kiện kinh tế và bất công xã hội. Hình ảnh đó là quá khứ và do đó là kiến thức. Tư tưởng – dù là tư tưởng của tôi hay tư tưởng tập thể – đã in lên não bộ cái ý niệm so sánh hình ảnh này với hình ảnh khác. Những người mẹ, những giáo viên, chính trị gia đều so sánh, cũng giống như huyền thoại của những người Kitô giáo; toàn bộ nền văn minh dựa trên việc xây dựng hình ảnh này. Và nó ở đó, trong não bộ, tức là tư tưởng. Vậy ta hiểu rằng chừng nào ta còn có hình ảnh, chừng đó còn phải bị tổn thương.
Người hỏi: Hình ảnh chính là sự tổn thương, không phải sao?
Krishnamurti: Vậy, não bộ có thể nào thoát khỏi mọi hình ảnh, và nhờ vậy mà không bao giờ bị tổn thương được không? Như thế cũng có nghĩa là thoát khỏi kiến thức của quá khứ, là hình ảnh. Kiến thức của quá khứ là cốt yếu để nói một ngôn ngữ, nhưng chừng nào còn có kiến thức như là hình ảnh, do tư tưởng kết tập nên – mà tư tưởng là cái “tôi”, là hình ảnh khổng lồ nhất – và chừng nào tôi còn có cái hình ảnh lớn nhất trong “tôi”, thì bạn còn có toàn quyền đâm kim vào đó. Và bạn đang làm vậy!
Não bộ có thể không bao giờ bị tổn thương không? Thưa quý vị, hãy tự mình khám phá điều này và hãy sống một cuộc đời mà não không bao giờ bị tổn thương! Chỉ lúc đó bạn mới có thể có mối quan hệ. Nhưng nếu bạn làm tổn thương tôi và tôi làm tổn thương bạn, mối quan hệ sẽ chấm dứt. Và nếu trong mối quan hệ giữa bạn và tôi có sự tổn thương và mối quan hệ đó kết thúc, thì tôi sẽ đi tìm một mối quan hệ khác – rời xa bạn và kết nối với một người khác. Rồi lại cũng sẽ có tổn thương. Ta nghĩ bằng cách thay đổi một mối quan hệ ta sẽ hoàn toàn không bị tổn thương. Nhưng ta luôn luôn bị tổn thương.
Người hỏi: Nếu hình ảnh không còn, thì mối quan hệ sẽ là giữa những điều gì? Mối quan hệ nghĩa là một từ thích hợp, và nếu hình ảnh không còn, mối quan hệ giữa chồng và vợ là gì?
Krishnamurti: Tại sao bạn hỏi tôi? Hãy tìm hiểu xem nếu hình ảnh của bạn không còn – không phải bởi vì bạn muốn hỏi tôi một câu hỏi mà tôi phải giải đáp – hãy tìm hiểu xem nếu những hình ảnh mà bạn có không còn, thì mối quan hệ của bạn với người khác là gì? Nếu bạn nói: “Đó là tình yêu”, thì chỉ là lý thuyết suông thôi. Vứt hết đi, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng nếu bạn nói: “Tôi biết tôi bị tổn thương, suốt cả đời tôi đã bị tổn thương”. Chẳng phải bạn biết điều ấy sao? – hàng loạt những dòng lệ bên trong, hàng loạt những nỗi âu lo. Những hình ảnh ấy có tồn tại!
Câu hỏi của ta là: Não bộ có thể không bao giờ bị tổn thương không? Bạn phải áp dụng điều đó cho chính mình, chứ đừng nói suông. Hãy tìm kiếm và tự hỏi: “Liệu trong tôi có một hình ảnh nào không?”. Rõ ràng là bạn có, nếu không, bạn và tôi sẽ không ngồi đây. Và nếu bạn có một hình ảnh, hãy xem xét nó, đi sâu vào nó và thấy được sự vô dụng của việc phân tích, bởi vì phân tích ngăn cản bạn hành động. Trong khi đó, nếu ngay bây giờ bạn nói: “Tôi chuyển động cùng hình ảnh”, chuyển động cùng hình ảnh nghĩa là tư tưởng mà đang xây dựng nên hình ảnh ấy; và tư tưởng là kiến thức. Vậy não bộ có thể nào tràn ngập kiến thức theo hướng này và không có kiến thức theo hướng khác được không? Điều đó có nghĩa là hoàn toàn tịch lặng. Bạn hiểu chứ? Hoàn toàn tịch lặng, và từ sự tịch lặng đó ta sử dụng kiến thức. Bạn sẽ không thấy được điều này.
Người hỏi: Chỗ dành cho một mối quan hệ được thiết lập là gì? Có chỗ nào như thế không?
Krishnamurti: Đến gặp nhân viên hộ tịch và đăng ký kết hôn, điều đó thiết lập hợp pháp một mối quan hệ, và mọi sự cứ thế, trời hỡi! Và mọi sự tiếp diễn cũng có thể không hợp pháp! Đó là nỗi thống khổ của bạn.
Quay lại, mối quan hệ giữa tư tưởng với nỗi sợ hãi là gì? Ta đã nói, tư tưởng xuất phát từ kiến thức của quá khứ, kiến thức là quá khứ. Trong kiến thức đó, tư tưởng tìm thấy sự an toàn: Tôi biết nhà của tôi, tôi biết bạn, tôi là thế này, tôi bị quy định hoặc không bị quy định. Tôi khẳng định tôi là gì trong kiến thức. Nhưng ngày mai thì tôi không biết, nên tôi sợ ngày mai. Và tôi cũng sợ kiến thức mà tôi có về quá khứ, bởi vì tôi thấy cũng có sự bất an khủng khiếp trong đó. Nếu tôi sống trong quá khứ như phần lớn chúng ta vẫn sống thì tôi đã chết rồi. Cái cảm giác sống trong quá khứ đó đang bóp nghẹt tôi và tôi không biết làm sao để loại bỏ nó, tôi sợ hãi nó, như tôi sợ ngày mai. Vậy, tôi sợ sống và sợ chết. Tôi phải làm gì với những nỗi sợ hãi của mình? Hay phải chăng chỉ có một nỗi sợ hãi duy nhất? Ngoài những nỗi sợ hãi về thể lý, và những nỗi sợ hãi về tâm sinh lý, phải chăng chỉ có một nỗi sợ duy nhất nhưng có nhiều hình thức khác nhau?
Người hỏi: Có nỗi sợ cái hư vô, sợ sự trống rỗng không?
Krishnamurti: Có phải đó là nỗi sợ sự không tồn tại? Sợ không có bất kỳ hình ảnh nào: sự sống là hình ảnh, không phải sao? Hãy áp dụng vào tâm trí mình và xem liệu trí não có thể thoát khỏi sợ hãi, cả nỗi sợ thể lý lẫn tâm lý thâm sâu hơn, ảnh hưởng tới thần kinh hơn nhiều. Ta hãy đặt mình vào đó, nghiên cứu thật sâu, bởi vì ta thấy rằng khi có nỗi sợ ở bất kỳ dạng nào, thì đó là điều hãi hùng hơn cả. Ta sống trong tăm tối, trong cảm giác trống rỗng, bị tiêu mòn, không có mối quan hệ nào, mọi thứ đều trở nên xấu xa. Bạn không sợ hãi sao? Không chỉ sợ quá khứ mà sợ cả tương lai, không chỉ những nỗi sợ ta ý thức được, mà cả những nỗi sợ sâu thẳm.
Vậy khi bạn nhìn vào toàn bộ hiện tượng sợ hãi này, với các hình thức khác nhau của nỗi sợ, về thể lý và tâm lý, cùng với mọi sự chia rẽ của chúng, trong mọi sắc thái khác nhau của chúng, khi bạn thấy được toàn bộ cấu trúc của sự sợ hãi, căn nguyên của tất cả điều đó là gì? Tôi sẽ tiếp tục thao tác riêng biệt từng phần, chỉnh sửa từng phần, trừ khi tôi khám phá được căn nguyên của nó. Vậy, tôi phải tìm ra căn nguyên của sự sợ hãi. Bạn nghĩ căn nguyên của mọi nỗi sợ là gì? Không phải chỉ một dạng sợ hãi cụ thể nào đó. Xin đừng trả lời tôi, mà hãy tự mình biết chắc căn nguyên của nó là gì, hãy khám phá, hãy lật mở, hãy nhìn vào đó.
Người hỏi: Thưa ngài, tôi muốn nói rằng, như một bài luyện tập, ta nên làm tổn thương nhau. Tôi xin mạn phép làm tổn thương ngài và ngài nên làm tổn thương những người này; vì điều kiện ở đây – tôi cảm thấy toàn bộ bầu không khí ở đây thật lịch sự – ngài không muốn làm tổn thương ai cả.
Krishnamurti: Quý ông này nói rằng bầu không khí này thật lịch sự, thật tẻ nhạt. Tôi không muốn làm tổn thương bạn và bạn không muốn làm tổn thương tôi, cho nên đó là một dạng lịch sự và nó không có ý nghĩa gì cả. Phải thế không? Tôi không phiền nếu bạn làm tổn thương tôi.
Người hỏi (1): Tôi nghĩ mối quan hệ không chỉ là ngồi đây và nghe ngài nói chuyện. Tôi nghĩ nếu tôi làm tổn thương bạn, sẽ có một mối quan hệ giữa bạn và tôi, bởi vì lúc đó tôi đã hủy hoại phần nào của hình ảnh.
Người hỏi (2): Thật vô nghĩa! Liệu bạn có thể tiếp tục không, khi mà ta có quá ít thời gian?
Krishnamurti: Bạn thấy đó, đây không phải là một phản ứng, ông ấy đang nói với bạn điều gì đó: ta đã trải qua toàn bộ chuyện này. Ta đã xem xét những hình ảnh – bạn có hình ảnh, tôi có hình ảnh, bạn gây tổn thương và tôi gây tổn thương, ta đã trải qua toàn bộ điều ấy; nó không phải là lịch sự gì cả.
Người hỏi: Nhưng ngài đã mô tả các hình ảnh, mà ta lại không nhìn vào những hình ảnh đó.
Krishnamurti: Bạn nên làm vậy. Làm sao bạn biết được?
Người hỏi: Có lẽ những người khác đã làm vậy.
Krishnamurti: Làm sao bạn biết? Bạn thấy đó, làm sao tôi biết rằng bạn chưa giũ sạch những hình ảnh trong bạn? Chính sự kiêu ngạo của tôi nói rằng bạn chưa làm vậy. Tôi là ai mà nói bạn làm vậy hay chưa. Việc đó tùy thuộc vào bạn. Ta trở lại nhé.
Tôi muốn khám phá sự sợ hãi – không phải những phần của những nỗi sợ khác nhau, mà tôi thật sự muốn khám phá căn nguyên của nỗi sợ. Có phải nó là “không tồn tại”? – tức là “đang trở thành”, bạn theo kịp chứ? Tức là “Tôi đang trở thành điều gì đó”, “Tôi muốn là điều gì đó”. Tôi đã bị tổn thương và tôi muốn thoát khỏi những tổn thương. Toàn bộ cuộc sống của tôi là quá trình “trở thành”. Hung hăng, gây hấn là một phần của quá trình trở thành này. Và “không trở thành” là một nỗi sợ hãi mênh mông. “Không tồn tại” là một nỗi sợ, không phải sao? Có phải đó là căn nguyên của nó không?
Người hỏi: Thưa ngài, tôi cố gắng tìm ra căn nguyên của nỗi sợ. Tôi thấy tôi không thể nghĩ về nỗi sợ đó, vì thế trí não trở nên tịch lặng để tôi có thể cảm nhận nỗi sợ. Lúc ấy, tất cả những gì tôi cảm nhận được là một sự căng thẳng ở sâu bên trong, nhưng tôi không thể vượt qua điểm này.
Krishnamurti: Nhưng tại sao ta lại căng thẳng về nó? Tôi chỉ muốn tìm hiểu thôi. Tại sao tôi phải có bất kỳ sự căng thẳng nào về nó? Bởi vì nếu có căng thẳng, tôi sẽ muốn vượt qua đó, tôi quá hăm hở, quá thèm khát! Thưa ngài, hãy chỉ nhìn thôi. Ta nghĩ, mỗi người trong chúng ta đều nghĩ, theo hướng trở thành, trở nên – trở nên giác ngộ, phá vỡ các hình ảnh: “Bạn không lắng nghe hình ảnh của tôi”, “Tôi không lắng nghe hình ảnh của bạn” – bạn hiểu kịp chứ? Toàn bộ tiến trình này là một hình thức “trở thành” hay “sẽ là”. Khi sự “sẽ là” bị đe dọa – tức là “không trở thành” – thì sợ hãi xuất hiện. Đúng chứ?
Có điều gì ở đó để trở thành? Tôi hiểu rằng tôi có thể trở nên khỏe khoắn hơn, tôi có thể để tóc dài hơn, nhưng về mặt tâm lý, có cái gì ở đó để trở thành? Trở thành là gì? Thay đổi hình ảnh ư? Thay đổi từ hình ảnh này thành hình ảnh khác? Rõ ràng là thế. Nhưng nếu tôi không có hình ảnh nào và tôi thấy được lý do hợp lý để không có bất kỳ hình ảnh nào, tôi cũng thấy được sự thật rằng hình ảnh ngăn cản mối quan hệ, dù đó là hình ảnh gây tổn thương, hoặc một hình ảnh gây thích thú – rõ ràng là cả hai. Nếu tôi có một hình ảnh vui thích về bạn, bạn là bạn của tôi, nếu tôi có một hình ảnh không vui về bạn, bạn là kẻ thù của tôi. Vì thế, đừng có bất kỳ hình ảnh nào cả! Hãy thử khám phá điều này, hãy áp dụng, đừng chỉ biết chấp nhận mà hãy thật sự áp dụng nó. Hãy khám phá, áp dụng nó và sống với nó. Rồi ta sẽ thấy – nếu bạn thật sự áp dụng, thật sự thực hành nó – rằng có một trí não, một não bộ không bao giờ bị tổn thương, bởi vì không có gì để bị tổn thương cả.
Saanen
8/8/1971