Sự liên kết giữa niềm vui thú và nỗi sợ; vai trò của tư tưởng. Tư tưởng không thể quy giản cái không biết, không chắc chắn vào những giới hạn của kiến thức. Cần thấy được cấu trúc của nỗi sợ. Về mặt tâm lý, ngày mai có thể không tồn tại. “Sống hoàn toàn trong hiện tại” ngụ ý gì?
Người hỏi (1): Tôi muốn thảo luận về nỗi sợ và cái chết, cùng mối quan hệ của chúng với trí thông minh và tư tưởng.
Người hỏi (2): Ngài có thể đi sâu vào lời phát biểu “Thế giới là tôi và tôi là thế giới” được không?
Người hỏi (3): Ta có thể thảo luận – nhưng không lý thuyết hóa – về những gì xảy ra sau khi chết nếu thật sự có thể chết đi những điều đã biết?
Krishnamurti: Sợ hãi là một vấn đề phức tạp và ta phải nghiên cứu sâu điều đó, không phải tiếp cận nó bằng bất cứ ý tưởng có sẵn nào mà thật sự thâm nhập vào toàn bộ vấn đề sợ hãi. Trước hết, để nghiên cứu vấn đề này, ta không nỗ lực giải quyết nó như một nỗi sợ mang tính tập thể, ta cũng không thảo luận về nó như một hình thức trị liệu nhóm để loại bỏ nỗi sợ. Mà ta sẽ tìm hiểu xem sợ hãi là gì, bản chất và cấu trúc của nó; liệu nỗi sợ hãi sâu thẳm nơi gốc rễ con người chúng ta có thể được thấu hiểu không; và liệu trí não có bao giờ thoát được nỗi sợ không. Bạn tiếp cận vấn đề này như thế nào? Bạn có bất kỳ nỗi sợ nào về thể lý hay tâm lý không? Nếu bạn có những nỗi sợ hãi về tâm lý – lát nữa ta sẽ trở lại những nỗi sợ về thể lý – thì bạn đối phó với chúng bằng cách nào?
Giả sử tôi sợ sẽ đánh mất địa vị, uy thế: Tôi phụ thuộc vào cử tọa, vào các bạn, để ủng hộ tôi, tôi phụ thuộc vào các bạn để có được sinh khí bằng cách nói chuyện. Tôi sợ rằng khi già đi, tôi sẽ trở nên suy yếu. Tôi sẽ phải đối mặt với hư không và tôi sợ. Nỗi sợ hãi này là gì? Hoặc tôi sợ rằng tôi phụ thuộc vào bạn và sự phụ thuộc đó khiến tôi bám lấy bạn, thế là tôi sợ mất bạn. Hoặc tôi sợ vì tôi đã làm điều gì đó trong quá khứ khiến tôi ân hận hay xấu hổ, và tôi không muốn bạn biết; vì thế, tôi sợ bạn biết và tôi cảm thấy tội lỗi. Hoặc tôi cảm thấy cực kỳ âu lo về cái chết, về cuộc sống, về những gì người ta nói hay không nói, về cách họ nhìn tôi. Tôi có một linh tính sâu xa, một nỗi âu lo, một cảm giác thấp kém. Và trong nỗi âu lo về cái chết, khi sống một cuộc đời vô nghĩa, tôi tìm kiếm sự bảo đảm từ ai đó thông qua mối quan hệ con người với nhau. Hoặc ngoài nỗi âu lo của mình, tôi còn tìm kiếm cảm giác an toàn trong một niềm tin nào đó, trong một ý thức hệ nào đó, nơi Thượng đế, vân vân.
Tôi cũng sợ rằng mình sẽ không làm được mọi thứ tôi muốn làm trong cuộc đời này. Tôi không có năng lực cũng như trí thông minh, nhưng tôi lại có tham vọng to lớn để thực hiện điều gì đó; thế nên điều đó cũng khiến tôi sợ. Và tất nhiên, tôi sợ chết; và tôi sợ sống cô độc, không được yêu thương, thế nên tôi thiết lập một mối quan hệ với ai khác, trong đó, sự sợ hãi này, nỗi âu lo này, cảm giác cô độc này, sự chia ly này không tồn tại. Tôi cũng sợ bóng tối, sợ đi thang máy – vô số nỗi sợ kích thích thần kinh!
Nỗi sợ hãi này là gì? Tại sao bạn, tại sao bất kỳ ai đó, lại sợ hãi? Phải chăng nỗi sợ dựa trên việc không muốn bị tổn thương? Hoặc phải chăng vì ta muốn được an toàn tuyệt đối, và vì không thể tìm thấy sự an toàn đó – cái cảm giác tuyệt đối chắc chắn, được chở che về thể lý, cảm xúc, tâm lý – nên ta trở nên âu lo khủng khiếp về cuộc sống? Vậy là có cảm giác bất an này. Tại sao có sự sợ hãi?
Một trong những vấn đề chính yếu của ta là sự sợ hãi, dù ta có nhận thức được nó hay không, dù ta lẩn tránh hay cố gắng khuất phục nó, cố gắng chống cự lại nó, trở nên can đảm hơn, thì nỗi sợ hãi vẫn còn đó. Tôi tự hỏi mình và tôi cũng hỏi bạn, có phải trí não mong manh, nhạy cảm đến mức từ thuở nhỏ, nó đã không muốn bị tổn thương. Và vì không muốn bị tổn thương, ta xây dựng một bức tường. Ta rất nhút nhát, hoặc hung hăng; trước khi bạn tấn công, tôi đã sẵn sàng tấn công bạn bằng lời nói hoặc bằng tư tưởng. Tôi đã bị tổn thương quá nhiều trong cuộc sống của mình, mọi người đều làm tổn thương tôi, mọi người đều giẫm lên chân tôi và tôi thì không muốn bị tổn thương. Phải chăng đó là một trong những lý do khiến sợ hãi tồn tại?
Bạn đã bị tổn thương, phải không? Và vì sự tổn thương đó, bạn làm mọi thứ. Ta kháng cự dữ dội; ta không muốn bị xáo trộn; từ cảm giác tổn thương đó, ta bám vào thứ mà ta hy vọng sẽ che chở mình. Do đó, ta trở nên hung hăng, chống lại bất cứ điều gì tấn công thứ mà ta bám lấy để được che chở.
Với tư cách là một người đang ngồi ở đây, muốn giải quyết vấn đề sợ hãi này, bạn đang sợ điều gì? Đó có phải là nỗi sợ về thể lý – sợ cái đau thân thể? Hay nỗi sợ tâm lý, tức sợ bị hiểm nguy, sợ bất an, sợ lại bị tổn thương? Hay sợ không thể tìm thấy một sự an toàn trọn vẹn, tuyệt đối? Có phải đó là nỗi sợ bị thống trị, nhưng ta đang bị thống trị đấy thôi? Vậy, bạn sợ điều gì? Bạn có nhận thức được nỗi sợ của mình không?
Người hỏi: Tôi sợ cái không biết.
Krishnamurti: Vậy hãy lắng nghe câu hỏi. Tại sao ta sợ cái không biết, trong khi bạn không biết gì về nó? Xin hãy tìm hiểu điều đó.
Người hỏi: Tôi đã có một hình ảnh về những gì đã xảy ra cho tôi và sợ rằng điều đó có thể lại xảy ra.
Krishnamurti: Nhưng có phải đó là nỗi sợ để vuột mất cái biết không? Hay là sợ cái không biết? Bạn hiểu chứ? Sợ để vuột mất những gì tôi đã thu thập được – tài sản của tôi, vợ tôi, tên tuổi của tôi, sách vở của tôi, đồ dùng trong nhà tôi, vẻ ngoài xinh đẹp của tôi, năng lực của tôi – để vuột mất những gì tôi biết, những gì tôi đã trải nghiệm. Đó có phải là nỗi sợ không? Hay nó là sợ tương lai, sợ cái không biết?
Người hỏi: Tôi thấy nỗi sợ của tôi nói chung là sợ những gì sẽ xảy đến chứ không phải điều đang xảy ra.
Krishnamurti: Ta sẽ đi sâu vào đó chứ?
Người hỏi: Không phải ta sợ những gì có thể xảy ra ngày mai, mà sợ đánh mất những gì ta đã nhận biết, những sự thỏa mãn của ta hôm nay.
Krishnamurti: Nhìn đây, quý ông này đã đặt ra một câu hỏi, đó là: “Tôi không sợ ngày hôm qua hay hôm nay, nhưng tôi sợ điều có thể xảy ra ngày mai, trong tương lai”. Tương lai có thể là hai mươi bốn giờ tới hay một năm sau, nhưng ta sợ điều đó.
Người hỏi: Nhưng tương lai là kết quả của tất cả những gì ta mong chờ bởi vì quá khứ.
Krishnamurti: Tôi sợ tương lai, tôi sẽ đối phó với nó như thế nào? Đừng giải thích cho tôi, tôi muốn tìm hiểu xem cần phải làm gì với nỗi sợ này. Tôi sợ điều gì đó có thể xảy ra; tôi có thể bị bệnh, tôi có thể mất việc, vô số thứ có thể xảy ra cho tôi, tôi có thể mất trí, mất hết mọi thứ tôi đã tích trữ. Nào, hãy tìm hiểu đi.
Người hỏi: Tôi nghĩ có lẽ không phải tương lai làm tôi sợ, mà đúng hơn là nỗi bất định về tương lai, về những sự kiện mới không thể đoán trước. Nếu tương lai có thể đoán trước thì sẽ không có sợ hãi, ta sẽ biết điều gì có thể xảy ra. Sợ hãi là một kiểu tự vệ của thân thể trước điều gì đó hoàn toàn mới, trước toàn bộ sự bất định của cuộc sống.
Krishnamurti: “Tôi sợ tương lai bởi vì tương lai bất định.” Tôi không biết phải đối phó thế nào với sự bất định ấy, với toàn bộ con người tôi, do đó tôi sợ. Sợ hãi là một dấu chỉ của nỗi bất định về tương lai, phải không?
Người hỏi: Đó chỉ là một phần của vấn đề. Còn có nhiều nỗi sợ hãi khác nữa.
Krishnamurti: Thưa ngài, ta mới chỉ nói đến một nỗi sợ, lát nữa ta sẽ bàn đến nhiều dạng sợ hãi khác. Quý ông đây nói: “Thật ra tôi chẳng sợ hãi bất cứ thứ gì ngoài tương lai. Tương lai quá bất định, tôi không biết phải đối mặt với nó như thế nào. Tôi không đủ khả năng thấu hiểu chẳng những hiện tại mà cả tương lai nữa”. Vì thế, chính cảm giác bất định cho thấy nỗi sợ. Dù giải thích thế nào đi nữa thì thực tế vẫn là tôi sợ ngày mai. Vậy tôi sẽ phải đối phó với nỗi sợ ấy như thế nào? Tôi sẽ phải thoát khỏi nỗi sợ đó bằng cách nào?
Người hỏi: Khi nhìn vào phản ứng của ta trước nỗi bất định về tương lai, dường như nó vẫn chưa tương xứng.
Krishnamurti: Tôi sợ ngày mai, sợ điều gì đó có thể xảy đến. Toàn bộ tương lai đều bất định, có thể có chiến tranh hạt nhân, có thể có một kỷ băng hà, tôi sợ tất cả những điều đó. Tôi phải đối phó với nó như thế nào đây? Hãy giúp tôi, đừng lý thuyết nữa, đừng giải thích nữa!
Người hỏi (1): Sự bất định đó có nhất thiết sẽ sinh ra sợ hãi không?
Người hỏi (2): Ta sợ hãi bởi vì ta đang vờ vịt, đùa giỡn, và ta sợ bị phơi bày.
Krishnamurti: Nhưng bạn không giúp tôi! Chẳng phải ngài sợ tương lai sao, thưa ngài? Hãy bám vào đó.
Người hỏi: Vâng, có lẽ vậy.
Krishnamurti: Vậy thì bạn sẽ đối phó với điều đó như thế nào?
Người hỏi: Bằng cách sống trong hiện tại.
Krishnamurti: Tôi không biết điều đó nghĩa là gì.
Người hỏi (1): Đối với tôi, thật tốt khi nhận ra điều mà tôi đã sợ trong quá khứ, tại sao tôi lại sợ và chấp nhận xem xét điều này. Nó giúp tôi đối mặt với tương lai.
Người hỏi (2): Trước hết ta phải hiểu ý ta muốn nói gì khi nhắc đến tương lai.
Krishnamurti: Đó là điều ta đang cố gắng tìm ra.
Người hỏi: Việc trước hết ta phải làm là không sợ sự sợ hãi.
Krishnamurti: Ôi, những lời sáo rỗng, chẳng giúp gì được cho tôi cả!
Người hỏi: Ta phải nhận ra rằng bạn không thể giúp tôi thoát ra, nỗi sợ luôn ở đó. Ta phải hiểu rằng nỗi sợ sẽ là một người đồng hành với ta suốt đời.
Krishnamurti: Thưa ngài, ngài chẳng cho tôi ăn gì cả, ngài chỉ cho tôi toàn là từ ngữ và tro tàn. Tôi vẫn sợ ngày mai.
Người hỏi (1): Đó đúng là vấn đề. Bạn không thể giúp được ai cả.
Người hỏi (2): Bạn không thể chờ đến ngày mai để mọi thứ đến rồi xem chuyện gì xảy ra được sao?
Người hỏi (3): Tôi thấy sự cần thiết của an toàn thân thể, nhưng tôi muốn hiểu vì sao tôi cần an toàn tâm lý.
Krishnamurti: Ý ông ấy là thế, thưa ngài. Ông ấy hẳn đã có một sự an toàn nhất định về thân thể, nhưng về mặt tâm lý ông ấy lại sợ ngày mai. Ông ấy có một tài khoản ngân hàng nho nhỏ, một ngôi nhà nho nhỏ, vân vân, ông ấy không sợ về mặt này, mà sợ điều gì đó có thể xảy ra trong tương lai.
Người hỏi (1): Liệu có thể sống với nỗi bất định của bạn không?
Người hỏi (2): Nếu ta biết việc gì sắp xảy ra, ta sẽ không sợ hãi.
Người hỏi (3): Khi ngồi ở đây tôi không sợ, nhưng nghĩ đến ngày mai tôi thấy sợ hãi.
Krishnamurti: Tư tưởng làm việc ấy.
Người hỏi: Tư tưởng làm việc ấy. Khi ngay bây giờ ta sợ hãi, đó là một thực tế. Nếu ta chấp nhận thực tế đó và nếu ta sống trọn vẹn trong hiện tại, ta sẽ quên đi tương lai.
Krishnamurti: Chính xác. Tôi muốn tìm hiểu xem điều gì gây ra nỗi sợ ngày mai này. Ngày mai là gì? Tại sao ngày mai lại tồn tại? Bạn hiểu chứ? Tôi sẽ giải đáp điều đó.
Tôi muốn tìm hiểu xem tư tưởng khởi sinh như thế nào, nỗi sợ sinh ra như thế nào. Tôi nghĩ đến ngày mai, và quá khứ đã cho tôi một cảm giác an toàn; dù có thể có nhiều sự bất định trong quá khứ, nhưng nói chung tôi đã sống sót. Cho đến giờ tôi vẫn hoàn toàn được an toàn, nhưng ngày mai thì lại rất bất định, nên tôi sợ hãi. Vậy, tôi sẽ tìm hiểu xem điều gì gây nên nỗi sợ ngày mai. Sự phản ứng bằng cả con người tôi với nỗi bất an về ngày mai bất định, là nỗi sợ. Tôi muốn khám phá xem tại sao nỗi sợ lại khởi lên khi tôi nghĩ về tương lai. Nghĩa là, tương lai có thể vẫn tốt đẹp, nhưng suy nghĩ của tôi về tương lai sinh ra sự bất định. Tôi không biết tương lai sẽ thế nào, tuyệt vời hay chết chóc, khủng khiếp hay đẹp vô cùng. Tôi không biết. Tư tưởng không khi nào chắc chắn về tương lai. Thế là tư tưởng, vốn luôn tìm kiếm sự ổn định, đột ngột phải đối mặt với sự bất định. Vậy tại sao tư tưởng gây ra sợ hãi? Bạn theo kịp chứ?
Người hỏi: Bởi vì tư tưởng chia tách và tạo một khoảng cách giữa quá khứ và tương lai, thế là sợ hãi nhảy vào khoảng không gian trống ấy.
Krishnamurti: Người này nói: “Tư tưởng tách tương lai ra khỏi quá khứ và chia tách điều có thể xảy ra. Sự chia tách ‘cái đang là’ với ‘cái có thể là’ vốn là một phần trong nỗi sợ này”. Nếu tôi không nghĩ về ngày mai thì sẽ không có nỗi sợ, tôi không thể biết về tương lai, tôi thậm chí không quan tâm. Bởi vì tôi nghĩ về tương lai – cái tương lai mà tôi không biết, cái tương lai quá bất định – thì toàn bộ phản ứng của tôi, về mặt tâm lý cũng như sinh lý, đều lên tiếng rằng: “Trời ơi, không biết việc gì sẽ xảy ra đây”. Vậy là chính tư tưởng sinh ra nỗi sợ.
Người hỏi: Phải chăng tư tưởng là hoạt động tâm lý duy nhất có thể gây ra sợ hãi? Nhiều hoạt động phi lý khác như cảm giác cũng có thể gây ra nỗi sợ.
Krishnamurti: Tôi đang nói về một điều cụ thể, còn có những yếu tố khác nữa.
Người hỏi (1): Có nỗi sợ về cái không biết, nỗi sợ ngày mai, nó dựa trên sự bám chấp với một niềm tin hay một công thức nào đó. Có thể hiểu được nỗi sợ nếu ta nhìn thấy tại sao ta bám vào một quy ước hay một niềm tin cụ thể nào đó.
Người hỏi (2): Còn nỗi sợ tồn tại thì sao?
Krishnamurti: Tất cả đều bao hàm trong đó, không phải sao? Bám vào một niềm tin, một công thức, một quan niệm theo ý thức hệ nào đó mà tôi đã xây dựng cho chính mình, tất cả đấy đều nằm trong nỗi sợ hãi này. Bây giờ, tôi muốn tìm hiểu bằng cách thấy được thế nào là sợ hãi.
Tôi đã nói với bạn lúc đầu là tôi đã làm một điều gì đó trong quá khứ và tôi cảm thấy xấu hổ hoặc sợ hãi về nó, tôi không muốn nó lặp lại. Việc nghĩ đến điều tôi đã làm trong quá khứ làm sinh ra nỗi sợ, không phải sao? Nghĩ đến điều có thể xảy ra trong tương lai cũng sinh ra sợ hãi. Do đó, tôi thấy – cũng có thể tôi sai – rằng tư tưởng chịu trách nhiệm cho sự sợ hãi, cả nỗi sợ quá khứ lẫn nỗi sợ tương lai. Và tư tưởng cũng chịu trách nhiệm cho nỗi sợ hãi vì đã phóng chiếu ra một lý tưởng, một niềm tin và bám vào niềm tin đó, muốn có được sự ổn định từ niềm tin đó; tất cả những điều đó đều là hoạt động của tư tưởng, đúng không? Vì thế, tôi phải hiểu được tại sao tư tưởng lại nghĩ về tương lai, tại sao tư tưởng gợi lại một sự kiện nào đó đem đến sợ hãi. Tại sao tư tưởng làm thế?
Người hỏi: Tư tưởng có thể tự giúp chính nó bằng cách hình dung mọi điều khủng khiếp có thể xảy ra trong tương lai, nhờ đó nó có thể vạch ra kế hoạch để ngăn chặn những điều ấy trở thành sự thật. Nó cố bảo vệ chính mình bằng cách tưởng tượng.
Krishnamurti: Tư tưởng cũng giúp bạn tự bảo vệ mình, bằng cách mua bảo hiểm, xây một ngôi nhà, tránh xa chiến tranh; tư tưởng nuôi dưỡng nỗi sợ và cũng bảo vệ, đúng không? Ta đang nói về việc tư tưởng tạo ra sợ hãi, chứ không phải nó bảo vệ như thế nào. Tôi đang hỏi, tại sao tư tưởng sinh ra sợ hãi; tư tưởng cũng sinh ra niềm vui, đúng không? Niềm vui của tình dục, niềm vui được ngắm hoàng hôn ngày hôm qua, vân vân. Vậy là, tư tưởng tạo ra một sự nối tiếp liên tục cho niềm vui và cả nỗi sợ.
Người hỏi: Trong khi tìm kiếm niềm vui, con người tuân theo sự lựa chọn của tư tưởng bằng cách phân biệt: “Điều này sẽ tốt” và “Điều kia sẽ xấu”. Nỗi sợ dường như trực tiếp đến từ những việc con người làm để cái tốt xảy ra và tránh được cái xấu.
Krishnamurti: Chắc chắn toàn bộ tiến trình này là dựa trên tư tưởng, không phải sao?
Người hỏi: Nỗi sợ xuất phát từ khía cạnh phân biệt của tư tưởng.
Krishnamurti: Đúng, nhưng vẫn là tư tưởng nói: “Tôi sẽ giữ cái này, vứt cái kia”. Toàn bộ sự chuyển động của tư tưởng là đòi hỏi niềm vui và phân biệt theo kiểu: “Điều này khiến tôi vui, điều kia thì không”. Vậy, toàn bộ chuyển động của sợ hãi và vui thú, sự đòi hỏi, và nối tiếp liên tục của cả hai, đều tùy thuộc vào tư tưởng, phải thế không?
Người hỏi: Nhưng làm sao ta có thể thoát khỏi đó?
Krishnamurti: Hãy khoan, trước hết cứ tiếp tục điều này đã.
Người hỏi: Tư tưởng là sợ hãi.
Krishnamurti: Ta sẽ tìm hiểu. Hôm nay tôi an toàn. Tôi biết tôi sẽ có cái ăn, có nhà, có chỗ ở, nhưng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai. Hôm qua tôi có thật nhiều niềm vui đủ mọi kiểu và tôi muốn những niềm vui ấy lặp lại ngày mai. Vậy là tư tưởng vừa duy trì nỗi sợ, vừa tạo ra một sự nối tiếp liên tục cho niềm vui mà tôi có được ngày hôm qua.
Vậy bây giờ câu hỏi của tôi là: Làm thế nào tôi có thể ngăn được sự nối tiếp của nỗi sợ mà vẫn để cho niềm vui tiếp tục được? Tôi muốn niềm vui, muốn được vui càng nhiều càng tốt, muốn tương lai luôn luôn vui vẻ. Nhưng tôi cũng có những nỗi sợ, tôi muốn loại bỏ chúng và không muốn lại phải sợ hãi trong tương lai. Thế là tư tưởng hoạt động theo cả hai hướng. Thưa ngài, đây là công việc của ngài, không phải của tôi, hãy xem xét nó đi!
Người hỏi: Việc này cho tư tưởng một dạng năng lượng.
Krishnamurti: Tư tưởng là năng lượng.
Người hỏi: Việc này cho tư tưởng một dạng năng lượng khác.
Krishnamurti: Hãy đi sâu vào đó, nó là cả hai.
Người hỏi: Nó đang tích lũy ký ức.
Krishnamurti: Những ký ức nào vui vẻ thì tôi bám lấy, còn những ký ức đau đớn, gây sợ hãi thì tôi muốn vứt bỏ. Nhưng tôi không thấy được căn nguyên của điều đó là tư tưởng.
Người hỏi (1): Tư tưởng dường như kháng cự lại sự kết thúc của nó – nỗi sợ và niềm vui dường như phần nào cũng giống như vậy – nhưng cái trạng thái mà trong đó tư tưởng không tồn tại này cứ lẩn tránh tôi.
Người hỏi (2): Hãy làm điều bạn đang làm cho thật trọn vẹn, bạn cứ nghĩ về điều cho bạn niềm vui trong lúc nó đang xảy ra, nhưng đừng nghĩ về những gì có thể không xảy ra.
Krishnamurti: Đừng nói: đừng nghĩ về những gì có thể không xảy ra. Làm sao tôi ép được bản thân không nghĩ về chúng chứ?
Người hỏi: Hãy nghĩ về điều đang xảy ra thôi, hãy cứ vui đi đã!
Krishnamurti: Vậy là tôi ép buộc mình nghĩ về điều đang xảy ra và không được nghĩ về những điều không xảy ra?
Người hỏi: Hãy nghĩ về điều đang xảy ra.
Krishnamurti: Nhưng trí não tôi luôn luôn quan sát những gì có thể xảy ra. Bạn không vậy sao? Hãy thật đơn giản và trung thực. Ta muốn nghĩ về điều đang xảy ra, nhưng tư tưởng cũng để mắt tới những gì có thể xảy ra.
Người hỏi: Thưa ngài, cảm giác “tôi đang là” không dính dáng gì đến niềm vui, nỗi sợ và tư tưởng cả. Tôi chỉ nghĩ rằng “tôi đang là”. Tôi không sợ hãi. Cảm giác “tôi đang là” này không liên quan gì với tư tưởng.
Krishnamurti: Khi nói “tôi đang là”, bạn có ý gì?
Người hỏi: Cảm giác đang hiện diện, đang ngồi đây, và trong đó không có nỗi sợ nào cả.
Krishnamurti: Đó không phải là vấn đề, thưa ngài.
Người hỏi: Trước hết, ta phải tìm hiểu xem liệu có sự ổn định không, khi đó sẽ không có nỗi sợ.
Krishnamurti: Làm sao ta tìm ra được?
Người hỏi: Ta thấy được toàn bộ quá trình tư duy là một cái bẫy.
Krishnamurti: Hãy đi sâu vào đó. Mỗi người lại theo đuổi một thứ khác. Để tôi phát biểu xem tôi cảm nhận vấn đề là gì nhé.
Tôi sợ ngày mai bởi vì ngày mai bất định. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn hoàn toàn chắc chắn về cuộc đời mình; tuy có đôi lúc tôi cảm thấy sợ hãi về nó, nhưng dù sao tôi cũng đã vượt qua. Nhưng còn cảm giác sợ hãi về ngày mai, vốn vô cùng bất định – chiến tranh hạt nhân, những cuộc chiến bất chợt có thể nổ ra, gieo rắc đủ thứ kinh hoàng, mất hết tiền bạc – tôi sống trong một trạng thái rối loạn về tương lai. Vậy thì tôi phải làm gì? Nếu có thể, tôi muốn thoát khỏi nỗi sợ hãi về cả quá khứ lẫn tương lai, những nỗi sợ hãi sâu thẳm và những nỗi sợ trên bề mặt.
Đừng lý giải gì cho tôi cả. Đừng nói “Hãy làm việc này”, “Đừng làm việc nọ”. Tôi muốn tìm hiểu xem sợ hãi là gì; liệu đó có phải là sợ bóng tối, sợ sự bất định, liệu đó có phải là sợ sự bám chấp, níu giữ điều gì đó, ai đó hay ý tưởng nào đó. Tôi muốn tìm ra căn nguyên của nỗi sợ, làm sao thoát được nó, chứ không phải làm sao để bưng bít nó. Tôi muốn thấy được cấu trúc của nỗi sợ. Nếu tôi có thể thấu hiểu điều đó thì một điều gì khác có thể diễn ra. Vậy, tôi sẽ truy tìm xem sợ hãi là gì. Cho phép tôi trình bày một chút nữa nhé?
Sợ hãi tồn tại với tôi bởi vì tôi đang nghĩ tới ngày mai, dù cho bạn bảo đảm rằng ngày mai hoàn toàn tuyệt hảo, tôi vẫn cảm thấy sợ. Vậy tại sao tôi nghĩ tới tương lai? Phải chăng bởi vì quá khứ quá tốt đẹp, đã cho tôi thật nhiều kiến thức và điều này đã trở thành sự an toàn của tôi, mà tôi lại không biết gì về tương lai? Nếu tôi có thể hiểu tương lai và biến nó thành kiến thức của tôi, thì lúc đó tôi sẽ không còn sợ hãi. Liệu tôi có thể hiểu được tương lai như kiến thức, như kinh nghiệm, sao cho nó trở thành một phần trong kiến thức của tôi mà tôi sẽ không sợ hãi được không?
Tôi cũng thấy rằng tôi muốn có thật nhiều niềm vui, niềm vui về tình dục, niềm vui khi đạt được, thỏa mãn, trở thành một nhân vật nào đó. Tôi muốn những niềm vui mà tôi đã có được lặp lại. Và khi đã chán chúng, tôi lại muốn những niềm vui rộng hơn, sâu hơn. Xu thế mang tính nguyên tắc của tôi là niềm vui – theo mọi hướng. Vậy, tôi muốn tránh nỗi sợ và tôi muốn có nhiều niềm vui hơn. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Niềm vui có tách biệt với nỗi sợ không? Hay chúng là hai mặt của một đồng xu? Tôi phải khám phá, đừng nói “Có” hay “Không”. Tôi phải tiếp cận thật sâu và tìm hiểu xem liệu niềm vui có gây ra sợ hãi và sợ hãi có phải là kết quả của việc tôi đòi hỏi niềm vui hay không. Bạn đã hiểu câu hỏi của tôi rồi chứ?
Người hỏi: Nhưng niềm vui có thể là cái gì đó khác, một quá trình học hỏi chẳng hạn.
Krishnamurti: Không, niềm vui đó cũng là đau khổ, nhưng tôi sẽ vượt qua nó để có thêm nhiều niềm vui hơn. Bạn không để ý thấy điều này trong cuộc sống của bạn sao, chúng ta muốn có niềm vui đến thế nào?
Người hỏi: Vâng.
Krishnamurti: Đó là điều tôi đang nói đến. Ta đòi hỏi, theo đuổi niềm vui. Tất cả mọi thứ đều căn cứ vào điều này. Và khi nó không được thỏa mãn, tôi trở nên bất an. Vậy là tôi tự hỏi liệu niềm vui và nỗi sợ có đồng hành không. Tôi không bao giờ thắc mắc về niềm vui, tôi không bao giờ hỏi: “Tôi có cần phải có nhiều niềm vui như vậy không?”, “Điều này sẽ dẫn đến đâu?”. Tôi chỉ muốn có nhiều niềm vui hơn, trên trời, dưới đất, trong gia đình, trong tình dục – nó điều khiển tôi trong mọi việc. Và nỗi sợ cũng có mặt ở đó. Làm ơn nhìn vào nó đi, đừng ôm khư khư ý kiến riêng của mình. Trời ơi, hãy rời khỏi đó đi! Hãy khám phá!
Vậy hãy hiểu rằng: Tôi muốn ngày mai phải ổn định, sự ổn định chỉ có thể tồn tại ở đâu có kiến thức, khi tôi nói rằng “Tôi biết”. Nhưng tôi còn có thể biết gì ngoại trừ quá khứ? Ngay khi tôi nói “Tôi biết”, đó đã là quá khứ rồi. Khi tôi nói “Tôi biết vợ tôi”, tôi biết cô ấy ở phương diện quá khứ. Trong quá khứ có sự ổn định và trong tương lai có sự bất định. Vì thế, tôi muốn kéo tương lai về quá khứ để tôi cảm thấy hoàn toàn an tâm. Tôi thấy sợ hãi khởi lên nơi nào tư tưởng còn vận hành, nếu tôi không nghĩ về tương lai thì không thể có sợ hãi.
Người hỏi: Đối với tôi, sợ hãi dường như là cái gì đó mang tính bản năng. Tôi cảm thấy rằng sợ hãi là một năng lượng, rằng có một thế lực nào tồn tại trong đó.
Krishnamurti: Bạn thấy đó, mỗi người chúng ta đều có một ý kiến. Mỗi người chúng ta đều hoàn toàn chắc chắn rằng ta biết cách đối phó với nỗi sợ. Ta lý giải nó, ta đưa ra nguyên nhân, ta nghĩ rằng ta hiểu nó, nhưng cuối cùng rồi ta vẫn sợ hãi. Ta muốn vòng ra phía sau tất cả những thứ đó để khám phá ra tại sao nỗi sợ tồn tại. Nó có phải là kết quả của việc suy nghĩ về tương lai? Bởi vì tương lai quá bất định và suy nghĩ lại dựa trên ký ức của quá khứ. Tư tưởng là phản ứng của ký ức được tích lũy thành kiến thức, thành nhiều thế kỷ kinh nghiệm, và từ đó tư tưởng xuất hiện. Tư tưởng nói: “Kiến thức là sự đảm bảo của tôi”. Và giờ, bạn bảo tôi hãy thoát khỏi ngày mai bất định. Nếu tôi biết ngày mai là gì thì sẽ không có sợ hãi. Điều tôi đang khao khát là sự ổn định của kiến thức. Tôi biết quá khứ của tôi, tôi biết tôi đã làm gì mười năm trước hay hai ngày trước. Tôi có thể phân tích nó, thấu hiểu nó, sống với nó; nhưng tôi không biết ngày mai và thế nên sự không biết đó khiến tôi sợ. Không biết nghĩa là không có kiến thức về nó. Tư tưởng có thể có kiến thức về điều gì mà nó không biết không?
Vậy là có sự sợ hãi. Tư tưởng cố gắng tìm hiểu tương lai, và vì không biết nội dung của tương lai nên nó sợ hãi. Tại sao tư tưởng nghĩ về ngày mai, về điều mà nó không biết gì cả? Nó muốn có sự ổn định, nhưng có thể không có sự ổn định. Hãy trả lời câu hỏi của tôi, chứ không phải câu hỏi của bạn.
Người hỏi: Cuộc sống đòi hỏi ta phải nghĩ về ngày mai, đây là quy tắc cơ bản của cuộc sống; nó cần một kiểu dự báo nào đó.
Krishnamurti: Tôi đã nói điều đó, thưa ngài.
Người hỏi: Ta phải tuân thủ quy tắc này của cuộc sống. Có những sự xáo trộn về tâm lý do trí tưởng tượng phóng chiếu ra những nỗi sợ hãi tồi tệ, như ngài nói, nhưng không thể ngăn con người suy nghĩ một cách hợp lý được.
Krishnamurti: Nếu tôi có thể nói như thế, ta đã nói cần phải tư duy để bảo vệ sự tồn tại về thể lý. Đó là một phần cuộc sống chúng ta, đó là điều mà ta luôn làm.
Người hỏi: Tôi không đồng ý, tôi nghĩ tư tưởng không cần thiết cho sự tồn tại. Động vật có bản năng sinh tồn mà không có nỗi sợ hãi đầy rắc rối như chúng ta.
Krishnamurti: Thưa bà, ta đang lẫn lộn hai điều này. Ta đã cố gắng giải thích điều này ngay từ đầu rồi.
Người hỏi: Bà ấy nói đúng, tư tưởng của con người đã thay thế cho bản năng.
Krishnamurti: Tôi đồng ý với bạn. Ta phải biết rằng ngày mai ngôi nhà vẫn sẽ ở đó. Sự tồn tại thể lý và việc hoạch định tương lai là điều thiết yếu, đúng không? Nếu không có chúng, ta không thể tồn tại được.
Người hỏi (1): Khi bạn thấy điều đó thật sáng tỏ thì sẽ không có thời gian cho nỗi sợ.
Người hỏi (2): Tư tưởng nghĩ về cuộc sống trong hiện tại và cũng phải nghĩ đến ngày mai.
Krishnamurti: Thời tiết nóng bức, tôi phải lên kế hoạch mua vài chiếc quần mát hơn. Thế nghĩa là vạch kế hoạch cho ngày mai. Mùa đông này tôi phải đến Ấn Độ. Tôi sẽ lên kế hoạch, tức là tương lai. Ta không phủ nhận điều đó, trái lại là đằng khác. Điều ta đang muốn nói đến là nỗi sợ cái bất định.
Người hỏi: Ta không tin vào bản thân.
Krishnamurti: Tôi thật sự không hiểu được điều đó. Ai là “bản thân” để bạn tin tưởng? Bạn có phải là một con người tuyệt vời để tin tưởng vào bản thân?
Người hỏi: Tại sao không?
Krishnamurti: Bản thân bạn là gì?
Người hỏi: Nhân loại.
Krishnamurti: Nhân loại là gì? Cái thiện và cái ác, những cuộc chiến tranh, đó là những gì ta đã trải qua. Ta bận tâm với nỗi sợ. Ta phải sử dụng tư tưởng để có thể tồn tại. Nhưng để tồn tại, tư tưởng đã chia thế giới thành tổ quốc của tôi, tổ quốc của bạn, chính quyền của tôi, chính quyền của bạn, Thượng đế của tôi, Thượng đế của bạn, đạo sư của tôi và đạo sư của bạn, chính tư tưởng đã gây ra điều này. Dù tư tưởng muốn lập kế hoạch để sống sót, nhưng nó đã chia rẽ cái thế giới vốn hủy hoại chính nó, mà tôi là một phần. Vì vậy, tôi phải thấu hiểu bản chất của tư tưởng, nơi nào nó cần thiết và nơi nào nó là ma quỷ, nơi nào nó mang tính hủy diệt và nơi nào nó gây nên sợ hãi – đó là vấn đề của tôi.
Tôi đã nói, tư tưởng phải vận hành, nếu không bạn không thể tồn tại; nhưng trong khao khát tồn tại của nó, nó đã gây chia rẽ và do đó mang tính hủy diệt. Tôi thấy rằng tư tưởng phải vận hành một cách rõ ràng, khách quan, không có bất kỳ sự xuyên tạc nào. Vì thế, câu hỏi của tôi là: Tại sao tư tưởng nghĩ về ngày mai? Theo một hướng nào đó, nó phải nghĩ về ngày mai, nhưng tại sao nó lại nghĩ về tương lai và sinh ra sợ hãi?
Người hỏi: Để được an toàn.
Krishnamurti: Bạn thấy đó, tư tưởng phải nghĩ về ngày mai để được an toàn, điều đó rõ rồi. Và bạn cũng thấy rằng tư tưởng, khi nghĩ về ngày mai, đã tạo ra nỗi sợ. Tại sao lại thế?
Người hỏi (1): Bởi vì chúng ta muốn được tiếp tục.
Người hỏi (2): Bởi vì ta bị trói buộc vào niềm vui.
Krishnamurti: Ta chưa giải quyết được vấn đề này, bởi vì ta từ chối rời bỏ những ý kiến, những phán xét và kết luận nhỏ bé của riêng ta. Hãy xóa bỏ chúng và nghĩ lại theo một cách mới.
Với tôi thì rất đơn giản. Tư tưởng phải gây sợ hãi vì nó không bao giờ có thể tìm thấy sự an toàn trong tương lai. Tư tưởng an toàn trong thời gian, mà ngày mai thì không có thời gian. Ngày mai tồn tại trong trí não với tư cách thời gian, nhưng ngày mai có thể chẳng hề tồn tại, về mặt tâm lý. Và do sự bất định đó, tư tưởng phóng chiếu ra điều nó muốn cho ngày mai: sự an toàn, những gì tôi đã thu được, những gì tôi đã đạt được, những gì tôi sở hữu, tất cả. Và điều đó cũng hoàn toàn bất định. Vậy tư tưởng có thể nào im lặng về tương lai được không? Đó là trọng điểm của tôi. Tư tưởng có thể nào im lặng không, nghĩa là: chỉ vận hành nơi nào cần thiết để bảo vệ cái thân thể? Như vậy sẽ không có sự chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, không có chia tách giữa các thần thánh, không có những kẻ gây chiến. Hãy để tư tưởng im lặng, sao cho thời gian với tư cách ngày mai không còn tồn tại.
Cho nên ngay bây giờ tôi phải hiểu sống là gì. Nhưng bây giờ tôi không hiểu sống là gì, cũng như trong quá khứ tôi không hiểu sống là gì, do đó tôi muốn sống trong tương lai, điều mà tôi không biết, giống như tôi không biết hiện tại là gì. Vậy nên tôi hỏi: Tôi có thể sống hoàn toàn, trọn vẹn ngay hôm nay không? Tôi chỉ có thể làm thế khi đã hiểu được toàn bộ guồng máy và sự vận hành của tư tưởng. Chính khi hiểu được thực tại của tư tưởng, sự tịch lặng mới xuất hiện. Và nơi nào trí não tịch lặng, nơi đó không có tương lai, không có thời gian.
Saanen
7/8/1971