Mối quan hệ giữa trí thông minh và tư tưởng là gì? Những giới hạn của tư duy bị quy định. Không có chuyển động mới mẻ nào có thể diễn ra nếu “não bộ cũ” vẫn luôn luôn vận hành. “Tôi đã đi về phương Nam mà cứ nghĩ mình đang đi về phương Bắc.” Việc tri giác được những giới hạn của cái cũ là hạt giống của trí thông minh. Có thể nhận biết được “cái mới” không? Chiều nhận thức khác chỉ có thể vận hành thông qua trí thông minh.
Krishnamurti: Ta đã thảo luận vấn đề ý thức và vô thức, và nội dung của thức. Ta sẽ thảo luận tiếp điều đó hay sáng nay các bạn muốn thảo luận vấn đề khác?
Người hỏi (1): Hãy thảo luận tiếp điều đó.
Người hỏi (2): Tôi thích thảo luận thêm về mối quan hệ giữa trí thông minh và tư tưởng, và giữa sự tịch lặng và sự chết.
Người hỏi (3): Tôi không biết liệu ta đã kết thúc những gì ta đã thảo luận hôm qua chưa và liệu ta đã thật sự đi đến tận cùng vấn đề về động cơ thôi thúc trong cuộc sống của ta chưa.
Krishnamurti: Tôi tự hỏi liệu ta có thể thảo luận sâu hơn vấn đề về ý thức này bằng cách xem xét mối quan hệ giữa trí thông minh và tư tưởng không; và có lẽ ta cũng có thể đi sâu vào vấn đề về sự tịch lặng và mối quan hệ của nó với sự chết. Nhưng trước khi ta đi sâu vào đó, có nhiều điều hàm chứa trong những gì ta đã thảo luận hôm qua. Tôi không biết liệu bạn có tự mình đi sâu vào đó chưa: Bạn đã hiểu được những gì, bao nhiêu điều trong đó là thực tại?
Hôm qua ta đã nói rằng phần đông chúng ta đều bị quy định bởi văn hóa, bởi môi trường, bởi thực phẩm, quần áo, tôn giáo, vân vân. Sự quy định là nội dung của ý thức và ý thức là sự quy định. Mối quan hệ giữa tư tưởng với sự quy định đó là gì? Có thể có trí thông minh ở nơi có sự quy định không?
Nếu ta đã tìm hiểu và quan sát chính mình một cách khách quan, không hề chỉ trích hay phán xét dưới bất kỳ dạng nào, ta hiểu ra rằng ta bị quy định trên bề mặt nông cạn và tận sâu bên trong. Có sự quy định sâu thẳm, có thể là kết quả từ sự tích tụ của gia đình, chủng tộc, những ảnh hưởng không rõ ràng nhưng vẫn thâm nhập thật sâu. Trí não có bao giờ thoát được khỏi tất cả những điều đó không? Khi bị quy định, trí não có thể xóa bỏ hoàn toàn sự quy định chính nó không? Hoặc trí não có thể nào ngăn chặn – không phải thông qua sự kháng cự – để bản thân không bao giờ bị quy định được không? Có hai điều ta phải xem xét sáng nay liên quan tới tư tưởng và trí thông minh, cùng với mối liên quan giữa sự tịch lặng và sự chết. Nếu ta có thể, ta sẽ đi sâu vào đó, bao quát toàn bộ phạm vi này.
Tại sao trí não luôn luôn bị quy định? Có phải vì nó quá nhạy cảm, quá dễ bị tổn thương? Nó là một thứ mong manh, dễ vỡ, và trong mối quan hệ nó luôn luôn bị tổn thương, luôn luôn bị quy định thôi. Liệu sự quy định đó có thể được rửa sạch không? Ta nhận ra rằng trí não, chính là não bộ, bị quy định, đã tiến hóa qua nhiều thế kỷ và não bộ là nhà kho chứa những ký ức. Bạn có thể quan sát nó ở chính mình, không cần phải đọc sách triết học hay tâm lý học – ít ra đối với tôi là không, dù bạn thì có thể có. Não bộ tiến hóa qua thời gian – tức là quá khứ, là sự tích lũy ký ức, kinh nghiệm, kiến thức – hồi đáp bất kỳ thách thức nào ngay lập tức theo sự quy định của nó, một cách nông cạn hoặc sâu sắc. Tôi nghĩ điều này rõ rồi.
Bây giờ, sự hồi đáp từ quá khứ đó có thể nào bị trì hoãn lại để có một khoảng cách giữa thách thức và sự hồi đáp không? Tôi đang nói về một sự quy định rất nông cạn: Ta đã được nuôi dưỡng trong một nền văn hóa cụ thể, trong một tín ngưỡng hay một khuôn mẫu cụ thể, và khi những thứ đó bị đặt nghi vấn thì lập tức sẽ có một sự hồi đáp theo nền tảng của từng người cụ thể. Bạn nói tôi là một kẻ ngốc. Tôi lập tức phản ứng: “Bạn cũng ngốc không kém”, hoặc nổi giận với bạn, hoặc thế này thế nọ. Vậy, khi bạn gọi tôi là một kẻ ngốc, có thể nào có một khoảng cách, một không gian, trước khi tôi phản ứng không? Sao cho trí não đủ tĩnh lặng để phản ứng theo cách khác.
Người hỏi: Hoặc để quan sát chính phản ứng của nó.
Krishnamurti: Não bộ luôn luôn phản ứng theo sự quy định của nó, theo các hình thức kích thích khác nhau: nó luôn luôn hoạt động. Não bộ là sự hồi đáp của thời gian, của ký ức; trong não bộ chứa toàn bộ quá khứ. Nếu não bộ có thể tự kiềm chế và không phản ứng tức thì, khi đó có thể có một phản ứng mới.
Não bộ vận hành theo những thói quen cũ được thiết lập bởi nền văn hóa mà chúng ta sống, bởi những gì thừa kế từ quá khứ về mặt chủng tộc, vân vân; điều đó luôn luôn phản ứng với bất kỳ kích thích nào – bằng cách phán xét, đánh giá, tin, không tin, thảo luận, bảo vệ, chối từ, vân vân. Kiến thức quá khứ của não bộ không thể bị phủ nhận; nó phải có điều đó, nếu không thì nó không thể vận hành. Do đó, tôi đang hỏi liệu não bộ – vốn là cái cũ kỹ – có cho phép chính mình tĩnh lặng để một phần mới mẻ có thể vận hành hay không. Khi bạn tâng bốc tôi, não bộ cũ kỹ nói: “Thật dễ thương làm sao”. Nhưng liệu não bộ cũ có thể nào lắng nghe những gì bạn nói mà không hồi đáp không, sao cho có lẽ một động thái mới có thể diễn ra? Động thái mới đó chỉ có thể xảy ra khi có sự tịch lặng, khi guồng máy đó không hoạt động dựa trên quá khứ. Điều đó rõ chứ – rõ theo nghĩa bạn tự mình quan sát, nếu không sẽ không có gì vui nữa. Tôi không giải thích điều này cho bản thân tôi, chúng ta đang cùng nhau làm việc.
Tôi thấy, khi ta xem xét những hoạt động của mình, não bộ cũ luôn luôn phản ứng theo kiến thức hạn chế của nó, theo truyền thống của nó, theo những gì nó thừa kế từ chủng tộc, và khi não bộ đó vận hành, sẽ không có bất cứ điều gì mới xảy ra. Bây giờ tôi muốn tìm hiểu xem liệu não bộ cũ đó có thể nào tịch lặng, để một động thái mới có thể xảy ra. Tôi có thể làm điều đó khi tôi đang ở trong một mối quan hệ với người khác, quan sát não bộ cũ kỹ của mình hoạt động, và khi nó hiểu ra sự thật rằng nó phải tĩnh lặng để một hoạt động mới có thể diễn ra.
Não bộ không tự buộc nó phải im lặng. Nếu nó tự bắt buộc nó im lặng, thì nó vẫn còn là hoạt động của quá khứ. Trong đó có sự chia rẽ, có sự xung đột, có kỷ luật và những thứ đại loại như vậy. Nhưng nếu não bộ cũ thấu hiểu, hoặc nhìn thấy sự thật, rằng chừng nào nó còn không ngừng phản ứng trước bất kỳ kích thích nào, thì nó còn phải hoạt động theo đường lối cũ. Nếu não bộ cũ thấy được sự thật của điều đó, nó sẽ trở nên yên lặng. Chính sự thật tạo ra sự yên lặng, chứ không phải ý muốn được yên lặng.
Bạn thấy đó, câu hỏi này rất thú vị bởi vì ta thấy có một số não bộ không bao giờ bị quy định. Bạn có thể nói: Làm sao ông biết? Tôi chỉ biết bởi vì điều đó đã xảy ra với diễn giả. Bạn có thể tin hoặc không tin. Cứ xem đó là một thực tế vậy.
Tôi đang hỏi tại sao não bộ phải luôn luôn vận hành trong khuôn mẫu cũ. Nếu nó không vận hành trong khuôn mẫu cũ, thì nó lại thiết lập một khuôn mẫu mới theo những ký ức của nó đối lập với cái cũ. Ta chỉ sử dụng một phần rất nhỏ của não bộ và cái phần nhỏ đó là quá khứ. Có một phần của não bộ đã không hề được vận hành, phần đó vốn để mở, trống rỗng, mới mẻ. Bạn có biết gì về cái phần ấy không? Đừng đồng ý chi cả. Bạn chỉ biết cái não bộ cũ đang vận hành, khi bạn ý thức về nó ở mức thấp nhất. Bây giờ tôi hỏi: Liệu não bộ cũ có thể tĩnh lặng trước sự kích thích, để một phản ứng mới có thể xuất hiện được hay không? Và câu hỏi tiếp theo là: Làm thế nào não bộ đó, vốn bị quy định quá nhiều, có thể kìm nén lại một chút được không? Tôi có thể trình bày tiếp chứ?
Người hỏi: Điều đó quá rõ rồi.
Krishnamurti: Và ta thấy não bộ thật sự kìm nén khi cần thiết, khi khẩn cấp, khi câu hỏi này mang tính sống còn – sao cho một tính chất mới của trí não, của não bộ, vốn chưa bao giờ được chạm đến, sẽ vận hành. Điều này có xảy ra, nó không chỉ là kinh nghiệm của tôi. Bất cứ nhà khoa học hàng đầu nào thoát được khỏi khao khát thành công hay địa vị hẳn đều đã đặt ra câu hỏi này, bởi vì họ khám phá cái mới bằng cách nào? Nếu não bộ cũ vẫn cứ vận hành không ngừng thì nó không thể khám phá được điều gì mới mẻ cả. Vì thế, chỉ khi nào não bộ cũ tĩnh lặng thì mới thấy được điều mới mẻ, và trong trạng thái tịch lặng đó, cái mới sẽ được khám phá. Đây là một thực tế.
Vậy, nếu không ép buộc não bộ, làm sao để sự tịch lặng đó có thể xuất hiện và não bộ tự nguyện tịch lặng? Nó chỉ có thể khám phá cái mới khi thấy được sự thật rằng cái cũ không thể tìm ra điều gì mới mẻ, cho nên cái cũ trở nên tịch lặng. Sự thật khiến cho nó tịch lặng, chứ nó không ao ước được im lặng. Điều đó rõ rồi chứ? Bây giờ, sự tịch lặng đó có thể hoạt động mọi nơi mọi lúc không? Và sự quy định cũ với kiến thức của nó chỉ vận hành khi cần thiết. Bạn đã hiểu câu hỏi của tôi rồi chứ?
Người hỏi: Ngài nói: “Hoạt động mọi nơi mọi lúc”? Điều đó không mang lại xung đột sao?
Krishnamurti: Xin hãy nghe đây, thưa ngài. Tôi muốn tìm hiểu, tôi muốn khám phá, tôi không nói rằng: “Nó phải tịch lặng”. Tôi thấy được não bộ cũ phải vận hành, nếu không thì tôi không thể nói tiếng Anh, lái xe, hay nhận ra bạn. Não bộ cũ phải vận hành đúng chức năng. Nhưng đồng thời, chừng nào nó còn chưa tịch lặng thì sẽ không có điều gì mới mẻ được nhìn thấy cả. Bạn hiểu kịp chứ?
Cử tọa: Vâng.
Krishnamurti: Tôi tự hỏi: Mối quan hệ giữa tính chất mới của não bộ, vận hành trong sự tịch lặng, với não bộ cũ là gì? Cái cũ chính là tư tưởng, đúng chứ? Cái cũ là tập hợp ký ức và bất kỳ phản ứng nào theo những ký ức ấy đều là tư tưởng. Tư tưởng đó phải vận hành, nếu không, bạn không thể làm bất cứ điều gì.
Người hỏi: Chẳng phải ngài đang tạo ra sự chia tách sao?
Krishnamurti: Không, đó không phải là sự chia tách. Tựa như một ngôi nhà, nó là một cái toàn thể, nhưng trong đó có những sự phân chia.
Ta đã khám phá ra hai điều. Rằng não bộ cũ – tạm thời ta gọi nó như thế – là não bộ bị quy định đã tích lũy kiến thức suốt nhiều thế kỷ. Ta không chia não bộ thành cái cũ và cái mới, ta chỉ muốn truyền đạt ý rằng có cấu trúc toàn vẹn của não bộ, một phần của nó là cái cũ – thế không có nghĩa là nó tách biệt với cái mới – nó chỉ khác thôi. Khi đó, tôi nói với bản thân: Tôi thấy rằng nếu não bộ cũ vận hành thì không điều mới mẻ nào có thể được khám phá. Cái mới chỉ có thể được khám phá khi cái cũ tịch lặng. Và cái cũ chỉ có thể tịch lặng khi nó thấy được sự thật rằng cái mới không thể được khám phá bởi cái cũ. Bây giờ, ta có thực tế này: Cái cũ phải yên lặng một cách tự nhiên để khám phá điều gì mới.
Người hỏi (1): Công cuộc khám phá đó là do cái mới hay cái cũ thực hiện?
Người hỏi (2): Không do cái nào cả.
Krishnamurti: Hãy trả lời đi, quý vị! Não bộ tôi nói: “Tôi thật sự không biết, tôi sẽ tìm hiểu”. Bạn đặt ra một câu hỏi, đó là: Não bộ cũ có nhận ra cái mới không, hay cái mới sử dụng cái cũ?
Não bộ cũ tịch lặng bởi vì nó đã hoàn toàn hiểu rằng nó không bao giờ có thể khám phá bất cứ điều gì mới. Ta thậm chí sẽ không dùng từ “khám phá”. Không có động thái mới mẻ nào có thể diễn ra nếu cái cũ không ngừng hoạt động. Cái cũ thấy được thực tế của điều đó và tịch lặng. Và một động thái mới, cái gì đó mới mẻ xảy ra. Liệu cái cũ có nhận ra điều mới mẻ ấy, hay nó tự mở cửa để cho cái mới sử dụng nó?
Hãy nhìn đi, quý vị, đây là điều thật sự vô cùng quan trọng, ngay cả khi bạn không hiểu được nó, bởi vì tôi muốn tìm ra một lối sống hoàn toàn mới. Tôi nhận ra lối sống cũ là khủng khiếp, xấu xa, tàn nhẫn. Tôi phải tìm thấy một chiều không gian mới không liên quan gì với cái cũ. Bất cứ động thái nào về phía cái cũ để khám phá chiều không gian khác đều là không thể. Vì hiểu ra điều này, nó trở nên tịch lặng. Vậy, điều gì xảy ra trong sự tịch lặng đó? Hãy tiếp tục theo đường lối đó. Điều gì xảy ra khi não bộ cũ đã hiểu rằng nó không thể tìm thấy một chiều nhận thức mới?
Người hỏi: Cái chưa biết?
Krishnamurti: Không, đừng bịa ra. Đừng đoán già đoán non, trừ khi bạn trải nghiệm điều này.
Người hỏi: Có không gian.
Krishnamurti: Chờ một phút. Khi não bộ cũ tịch lặng, thì sẽ có không gian, quý ông này nói vậy. Hãy xem xét điều đó. Bạn hiểu gì về không gian?
Người hỏi: Sự trống rỗng.
Krishnamurti: Xin đừng bịa ra, đừng đoán mò nữa, hãy quan sát đi. Não bộ của bạn có tịch lặng không?
Người hỏi (1): Không.
Người hỏi (2): Nếu não bộ cũ tịch lặng, liệu ngài có thể đặt ra câu hỏi đó không?
Krishnamurti: Tôi đang hỏi bạn. Đó có thể là một câu hỏi sai, nhưng ta phải khám phá.
Người hỏi: Phần không được dùng đến của não bắt đầu vận hành.
Krishnamurti: Hãy nghe điều ông ấy vừa nói. Khi não bộ cũ tịch lặng, có lẽ một phần mới của não bộ, vốn chưa được dùng đến, khởi sự vận hành. Tức là, ta chỉ vận hành một phần rất nhỏ của não bộ, và khi cái phần nhỏ bé đó tịch lặng, phần còn lại của não bộ có thể hoạt động. Hay nó đã luôn hoạt động mà ta không biết, bởi vì phần não đã tích lũy kiến thức, truyền thống, thời gian, luôn hoạt động vượt trội, vì vậy mà ta không biết đến phần kia; nó có thể có hoạt động của riêng nó. Bạn hiểu điều này chứ?
Đây thật sự là một câu hỏi hết sức thú vị. Xin hãy chú ý một chút; đừng nói “Tôi không hiểu” và buông bỏ nó. Hãy áp dụng vào bản thân! Bạn thấy đó, vì đã dùng não bộ cũ quá nhiều nên ta không bao giờ cân nhắc đến bất kỳ phần nào khác của não bộ và tự hỏi phần đó là gì, vốn có thể mang tính chất của một chiều nhận thức khác. Tôi nói tính chất đó của một chiều nhận thức khác có thể được khám phá khi não bộ cũ thật sự tịch lặng. Đó là ý chính của tôi. Bạn hiểu chứ? Khi não bộ cũ hoàn toàn tịch lặng, không phải bị buộc tịch lặng, mà do đã thấu hiểu một cách tự nhiên rằng nó phải tịch lặng, và do đó nó thật sự tịch lặng, lúc đó ta có thể khám phá xem điều gì xảy ra.
Bây giờ, tôi đang khám phá – chứ không phải bạn – bởi vì não bộ cũ của bạn không tịch lặng. Bạn có đồng ý điều đó không? Nó đã không hiểu được sự cần thiết của việc hoàn toàn tịch lặng trước bất kỳ kích thích nào, tất nhiên ngoại trừ kích thích về thể lý – tức là, nếu bạn lấy cây kim châm vào chân tôi, thì chân tôi sẽ phản ứng. Nhưng vì không có người nào châm kim vào chân tôi, nên não bộ cũ có thể tịch lặng.
Tôi muốn khám phá xem tính chất của não bộ mới là gì – cái tính chất mà não bộ cũ không thể nhận ra. Bởi vì não bộ cũ không thể nhận ra bất cứ điều gì mà nó chưa từng trải nghiệm, không phải là kết quả của ký ức. Do đó, điều gì não bộ cũ nhận ra thì vẫn là cái cũ. Điều đó rõ chứ? Vậy, tôi đang hỏi: Cái mới là gì? Não bộ cũ không biết bất kỳ điều gì về cái mới, do đó, nó chỉ có thể nói: Tôi thật sự không biết. Ta hãy tiếp tục từ đó, trong số các bạn có ai hiểu điều này không? Não bộ cũ nói: “Tôi không thể chạm đến điều này và tôi thật sự không biết”. Bởi vì tôi không thể chạm đến nó (cái mới), bởi vì tôi không thể nhận ra nó (cái mới), tôi sẽ không bị nó dối gạt. Tôi tuyệt đối không biết gì về chiều nhận thức mới của não bộ mới này. Khi não bộ cũ tịch lặng và không có khả năng nhận biết, nó chỉ có thể nói: “Tôi thật sự không biết”. Liệu não bộ cũ có thể ở lại trong trạng thái không biết không? Nó đã nói: “Suốt cả đời, tôi đã vận hành với kiến thức và sự nhận biết”. Khi vận hành theo cách này, nó đã nói “Tôi biết” dựa trên điều mà tôi không biết, điều mà tôi sẽ học, nhưng luôn luôn nằm trong khuôn mẫu của cái biết. Giờ đây nó nói: “Tôi thật sự không biết”, bởi vì một điều mới mẻ đang xảy ra. Cái mới không thể được nhận biết, cho nên tôi chưa có mối quan hệ nào với nó cả. Tôi sẽ khám phá.
Vậy, bản chất của không biết là gì? Có nỗi sợ khi có một trạng thái không biết không? – tức là cái chết. Bạn theo kịp chứ? Khi não bộ cũ thật sự nói “Tôi không biết”, nó đã từ bỏ mọi cái biết. Nó đã từ bỏ luôn cả cái ý định biết, mong muốn được biết. Vậy là có một địa hạt mà trong đó não bộ cũ không thể vận hành, bởi vì nó không biết. Vậy thì địa hạt đó là gì? Nó đã từng được mô tả chưa? Nó chỉ có thể được mô tả khi não bộ cũ nhận ra và ngôn từ hóa nó để truyền đạt. Vậy là, có một địa hạt mà não bộ cũ không thể bước vào; đây không phải là bịa đặt, đây không phải là một lý thuyết, đây là một thực tế khi não bộ cũ nói: “Tôi thật sự không biết gì về điều này”. Quý vị thấy chỗ khác biệt chứ?
Vì thế, bây giờ tôi muốn khám phá không phải bằng ngôn từ, bởi vì ngay lúc sử dụng ngôn từ, tôi liền trở lại với cái cũ. Cho nên có chăng một sự thấu hiểu một điều mới mà không bằng ngôn từ? Theo nghĩa không đặt ra một từ mới, hay có ý định mô tả nó để nắm bắt hay giữ nó lại. Tôi chỉ đang khám phá xem trí não có thể nhìn vào điều gì đó mà nó hoàn toàn không biết không? Trí não đã luôn nhìn ở góc độ học hỏi về nó, kháng cự lại nó, tránh né nó, thoát khỏi nó, hoặc vượt qua nó. Bây giờ, trí não không làm bất cứ việc gì như vậy. Bạn hiểu chứ? Nếu điều này không thể làm được, thì bạn không thể hiểu cái kia (cái mới).
Cái kia là gì mà não bộ cũ không thể hiểu, và do đó, không thể biết hay có được kiến thức về nó? Có điều gì như thế không? Hay đó chỉ là một sự sáng chế của não bộ cũ, vì mong muốn có điều gì mới mẻ xảy ra? Nếu đó là vì não bộ cũ muốn có cái gì đó mới mẻ xảy ra, thì nó vẫn còn là một phần của não bộ cũ. Vậy tôi đã xem xét nó một cách trọn vẹn, để cho não bộ cũ hiểu được chính cấu trúc và bản chất của nó, và nhờ đó mà tuyệt đối tĩnh lặng, không còn muốn biết nữa. Đó là chỗ khó khăn đấy.
Có chăng điều gì đó thực, không do tưởng tượng, không do bịa ra, không phải là một lý thuyết? Điều gì đó mà não bộ cũ không thể thấu hiểu, nhận biết, hay muốn thấu hiểu? Có điều gì như thế không? Đối với diễn giả thì có đấy, nhưng điều đó không có chút giá trị nào, ông ta có thể đánh lừa chính mình. Nó chỉ có giá trị theo nghĩa là phải do chính bạn khám phá. Vì thế, bạn phải khám phá xem mối quan hệ của cái mới – nếu bạn thấy được cái mới – với cái cũ, vốn phải vận hành trong đời sống một cách khách quan, lành mạnh, phi cá nhân, nhờ vậy, có hiệu quả. Cái cũ có nắm bắt cái mới để có một đời sống khác không? Hay phải chăng cái mới vận hành theo một đường lối mà cái cũ không thể nhận biết và cách vận hành đó là lối sống mới?
Hãy đi chậm thôi, hãy dành thời gian để nhìn! Não bộ cũ này, với ý thức của nó, đã sống nhiều ngàn năm; ý thức của não bộ cũ này là nội dung của chính nó. Nội dung của ý thức có thể đã được thu thập một cách nông cạn hoặc sâu sắc và đó là não bộ cũ với tất cả kiến thức, với tất cả kinh nghiệm của nhiều thế kỷ nỗ lực, tiến hóa. Khi nó vận hành trong phạm vi ý thức đó, nó không bao giờ có thể khám phá được điều gì mới. Đó là một thực tế tuyệt đối, không phải lý thuyết. Ta không biết chút gì về tự do, không biết tình yêu là gì, cái chết là gì, ta không biết gì ngoài đố kỵ, ganh tỵ, sợ hãi, vốn đều thuộc về nội dung cũ. Lúc đó, não bộ cũ này, vì nhận ra chỗ giới hạn hoàn toàn của nó, trở nên im lặng, bởi vì nó đã thấy nó không có tự do. Và bởi vì nó không thấy có tự do, nên một phần mới của não bộ vận hành. Tôi không biết bạn có thấy điều đó không.
Hãy nhìn đi! Tôi đã đi về phương Nam, nhưng cứ nghĩ mình đang đi về phương Bắc và đột nhiên tôi khám phá ra điều đó. Ngay lúc tôi khám phá ra, có một sự đảo hướng hoàn toàn – không phải của cái cũ, đó là một sự đảo ngược hoàn toàn. Chuyển động ấy không hướng về phía Bắc, cũng không phải về phía Nam, đó là một chiều hướng hoàn toàn khác. Tức là, ngay khoảnh khắc tôi khám phá ra, có một chuyển động hoàn toàn khác, đó là tự do.
Người hỏi: Ngài có thể thảo luận về sự khác biệt giữa nhiệt huyết muốn khám phá và khao khát đi tìm cái mới của cái cũ được không?
Krishnamurti: Khao khát đi tìm cái mới của cái cũ thì vẫn là cái cũ; do đó, khao khát đi tìm cái mới hoặc trải nghiệm cái mới – gọi đó là giác ngộ, Thượng đế, gọi là gì thì tùy bạn – vẫn là một phần của cái cũ; cho nên cũng hỏng bét.
Người hỏi (1): Krishnaji, ngài có nhận ra rằng ngài đã nói với chúng tôi về triết lý tối thượng và chúng tôi, đang ngồi đây, trong căn lều này, thậm chí còn không thể có được một mối quan hệ nhỏ nhất với nhau?
Người hỏi (2): Chúng ta là ai?
Krishnamurti: Chúng ta đã bàn về điều này rồi – chúng ta là những con khỉ! Nhìn đi, thưa ngài, đây không phải là cuộc nói chuyện về “triết lý tối thượng”, mà chỉ là một thứ thuần khiết thôi. Bạn có thật sự hiểu, không phải theo kiểu lý thuyết, rằng bạn không có mối quan hệ gì với nhau, rằng mối quan hệ của các bạn với nhau không thể tồn tại chừng nào não bộ cũ còn vận hành, bởi vì não bộ cũ vận hành bằng những hình ảnh, cảnh tượng, sự kiện trong quá khứ; khi những việc xảy ra trong quá khứ, những hình ảnh, kiến thức trở nên sâu đậm, thì lúc đó mối quan hệ chấm dứt – rõ ràng là thế. Nếu tôi xây dựng nên một hình ảnh về bạn – là vợ của tôi, bạn của tôi, con gái của tôi, hay bất cứ là gì – thì hình ảnh đó, kiến thức đó, tức là quá khứ, rõ ràng đã ngăn cản mối quan hệ. Mối quan hệ nghĩa là tiếp xúc trực tiếp ngay lập tức trong hiện tại, cùng một cấp độ, cùng một cường độ, cùng một đam mê. Và đam mê, cường độ ở cùng cấp độ đó không thể tồn tại nếu tôi có một hình ảnh về bạn và bạn có một hình ảnh về tôi. Vậy, chính bạn phải thấy liệu bạn có một hình ảnh về ai khác hay không. Rõ ràng bạn có; do đó, hãy tự áp dụng, hãy nỗ lực tìm hiểu – tức là, nếu bạn thật sự muốn có mối quan hệ với người khác, mà tôi rất nghi ngờ chuyện đó. Tất cả chúng ta đều ích kỷ và khép kín khủng khiếp. Nếu bạn thật sự muốn có mối quan hệ với người khác, bạn phải thấu hiểu toàn bộ cấu trúc này của quá khứ – đó là điều ta vẫn đang làm. Và khi cấu trúc đó tan biến, bạn mới có mối quan hệ luôn hoàn toàn mới mẻ. Và mối quan hệ mới mẻ đó là tình yêu – chứ không phải cái cũ khua chiêng, gióng trống inh ỏi!
Vậy, mối quan hệ của tính chất đó, của chiều không gian vốn mới mẻ, vốn chưa được biết, vốn không thể được nắm bắt bởi cái cũ đó, với cuộc sống thường ngày của ta là gì? Tôi đã khám phá ra chiều không gian đó, nó diễn ra vì tôi thấy được rằng não bộ cũ không bao giờ có thể tự do, và vì thế không đủ khả năng khám phá sự thật. Do đó, não bộ cũ nói rằng: Toàn bộ cấu trúc của tôi thuộc về thời gian và tôi chỉ vận hành liên quan cái gì có thời gian – máy móc, ngôn ngữ, những thứ đại loại như vậy – để thành phần đó sẽ hoàn toàn tịch lặng. Vậy mối quan hệ giữa hai cái đó là gì? Cái cũ có bất kỳ mối quan hệ nào với tự do, tình yêu, cái chưa biết không? Nếu cái cũ có mối quan hệ với cái chưa biết, thì cái chưa biết ấy cũng là một phần trong cái cũ – bạn hiểu chứ? Nhưng nếu cái chưa biết có mối quan hệ với cái cũ, lúc đó nó là một vấn đề hoàn toàn khác. Tôi không biết bạn có thấy điều đó không?
Câu hỏi của tôi là: Mối quan hệ giữa hai cái ấy là gì, và ai muốn có mối quan hệ? Ai đòi hỏi mối quan hệ này? Có phải cái cũ đòi hỏi không? Nếu cái cũ đòi hỏi mối quan hệ, thì lúc đó nó là một phần của cái cũ, cho nên không có mối quan hệ nào khác diễn ra. Tôi không biết liệu bạn có thấy vẻ đẹp của điều này không. Cái cũ không có mối quan hệ gì với tự do, với tình yêu hay lòng từ, với chiều không gian mới này. Nhưng chiều không gian mới đó, tình yêu đó có thể có một mối quan hệ với cái cũ, ngược lại thì không. Quý vị có thấy điều đó không?
Vậy bước kế tiếp sẽ là: Hành động trong cuộc sống thường ngày là gì, khi cái cũ không có mối quan hệ gì với cái mới, nhưng cái mới đang thiết lập mối quan hệ khi nó chuyển động trong cuộc sống? Trí não đã phát hiện điều gì đó mới. Cái mới sẽ vận hành như thế nào trong phạm vi của cái biết, trong đó não bộ cũ vận hành cùng với tất cả các hoạt động của nó?
Người hỏi: Phải chăng trí thông minh xuất hiện từ đó?
Krishnamurti: Hãy khoan, thưa ngài, có lẽ bạn nói đúng. Khi não bộ cũ thấy rằng nó không thể hiểu tự do là gì, khi nó thấy rằng nó không đủ khả năng khám phá cái mới, thì chính sự tri giác đó là hạt mầm của trí thông minh, đúng không? Đó chính là trí thông minh: “Tôi không thể làm được”. Tôi đã nghĩ tôi có thể làm nhiều thứ, và tôi có thể, theo một chiều hướng nào đó, nhưng theo một chiều hướng hoàn toàn mới thì tôi không thể làm bất cứ điều gì. Khám phá ra điều đó là trí thông minh, rõ ràng là thế.
Vậy mối quan hệ của trí thông minh đó với cái kia là gì? Phải chăng cái kia cũng là một phần của cảm thức kỳ lạ về trí thông minh này? Tôi muốn tìm hiểu xem ý ta là gì khi nói đến “trí thông minh”; trí não không được vướng mắc vào từ ngữ. Rõ ràng não bộ cũ, tất cả những thế kỷ nay, đã nghĩ nó có thể có Thượng đế của nó, tự do của nó, nó có thể làm bất cứ điều gì nó muốn. Và bỗng dưng nó phát hiện ra rằng bất kỳ chuyển động nào của não bộ cũ vẫn là một phần của cái cũ; do đó, trí thông minh là hiểu rằng nó chỉ có thể vận hành trong phạm vi của cái biết. Khám phá được điều đó là thông minh, ta nói thế. Vậy thì trí thông minh đó là gì? Quan hệ của nó với cuộc sống, với một chiều không gian mà não bộ cũ không biết đến?
Bạn thấy đó, trí thông minh vốn không có cái “tôi”, không phải là kết quả của suy luận, niềm tin, ý kiến hay lý luận. Trí thông minh xuất hiện khi não bộ phát hiện ra khả năng sai lầm của nó, khi nó phát hiện nó có khả năng gì và không có khả năng gì. Vậy, mối quan hệ của trí thông minh với chiều nhận thức mới này là gì? Tốt hơn tôi không nên dùng từ “mối quan hệ”.
Chiều nhận thức mới này chỉ có thể vận hành thông qua trí thông minh; nếu không có trí thông minh đó, nó không thể vận hành. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, nó chỉ có thể vận hành ở nơi nào trí thông minh đang hoạt động. Trí thông minh không thể vận hành khi não bộ cũ còn hoạt động, khi có bất kỳ hình thức tin tưởng và gắn bó nào với bất kỳ mảnh vụn nào của não bộ. Tất cả những điều như vậy đều là thiếu trí thông minh. Người tin vào Thượng đế, người nói: “Chỉ có một Đấng Cứu Rỗi duy nhất”, là không thông minh. Người nói: “Tôi thuộc về nhóm này” là không thông minh. Khi người ta phát hiện ra sự hạn chế của cái cũ, thì chính phát hiện đó là trí thông minh, và chỉ khi nào trí thông minh đó vận hành, chiều nhận thức mới mới có thể hoạt động thông qua đó. Chấm hết. Bạn hiểu điều đó chứ?
Người hỏi: Tôi có thể hỏi một câu khác được không? Tôi không hoàn toàn đồng ý với ngài. Điều ngài nói về trí thông minh chỉ áp dụng được cho trí thông minh chính yếu. Nhưng ta cũng cần trí thông minh thứ yếu; tức là khả năng hợp nhất cái mới với cái cũ.
Krishnamurti: Đó là điều xảy ra khi không có trí thông minh, tôi sẽ không dùng từ “hợp nhất”; cái mới vận hành khi có trí thông minh không chỉ chính yếu mà còn là nền tảng.
Người hỏi: Nhưng ngài thấy đó, trong buổi nói chuyện hôm nay, tôi luôn luôn nghe từ “chính yếu”. Tôi nghĩ điều ngài gọi là “mới”, theo một nghĩa nào đó là chính yếu. Nếu tôi chơi một trò chơi, ném một đồng xu chẳng hạn, tôi không thể nói trước điều gì sẽ xuất hiện, và ta nói trò chơi đó ở đây là một sự kiện ngẫu nhiên. Tôi muốn biết ngài nghĩ gì về sự liên quan của điều mà ngài gọi là “hoàn toàn mới” với cái ngẫu nhiên theo nghĩa tôi đã giải thích.
Krishnamurti: Tôi hiểu. Giáo sư đây hỏi rằng mối quan hệ giữa cái ngẫu nhiên, cơ may, với cái hoàn toàn mới ấy là gì. Có những sự kiện trong cuộc sống của ta dường như xảy ra do tình cờ, những sự kiện xảy đến một cách ngẫu nhiên. Liệu điều đó có mới mẻ, hoàn toàn không mong đợi không? Hay đó là kết quả của những sự kiện không được xem xét, ẩn giấu, vô thức?
Tôi tình cờ gặp bạn. Sự gặp gỡ đó là do tình cờ hay nó xảy ra vì những sự kiện vô thức, không biết nào đó đã đem chúng ta đến với nhau? Ta có thể xem đó là sự tình cờ, nhưng nó chẳng phải là tình cờ gì cả. Tôi gặp bạn, trước đó tôi không biết đến sự tồn tại của bạn và trong cuộc gặp gỡ, một điều gì đó đã xảy ra giữa chúng ta.
Cuộc gặp đó có thể là kết quả của vô số những sự kiện khác mà ta không ý thức được và ta có thể nói: “Đây là một sự kiện ngẫu nhiên, đây là một sự tình cờ không mong đợi, đây là điều hoàn toàn mới”. Nhưng có lẽ không phải thế. Có sự tình cờ trong cuộc sống này không? – một điều gì đó xảy ra mà không có nguyên nhân. Hay tất cả mọi sự kiện trong đời sống đều có những nguyên nhân cơ bản, sâu thẳm của chúng, mà ta có thể không biết nên ta nói: “Cuộc gặp gỡ của ta xảy đến một cách tình cờ, đó là một sự kiện ngẫu nhiên”. Nguyên nhân trải qua một sự thay đổi khi có kết quả. Rồi kết quả trở thành nguyên nhân. Có nguyên nhân và rồi kết quả trở thành nguyên nhân của kết quả kế tiếp. Vì thế, nhân-quả là một chuỗi không dứt; nó không phải là một nguyên nhân, một kết quả, mà nó đang trải qua một sự thay đổi không dứt. Mỗi nguyên nhân, mỗi kết quả thay đổi nguyên nhân kế tiếp và kết quả kế tiếp. Vì điều này đang liên tục diễn ra trong cuộc sống, nên có điều gì là sự kiện xảy ra do tình cờ, ngẫu nhiên, không mong đợi không? Bạn sẽ nói gì nào?
Người hỏi: Quan niệm về cái ngẫu nhiên dựa trên chính thuyết nhân quả.
Krishnamurti: Thuyết nhân quả à? Tôi không nghĩ cuộc sống vận hành theo cách ấy. Nhân trở thành quả và quả trở thành nhân – bạn có thể thấy điều này trong cuộc sống. Vì thế, ta không bao giờ có thể nói “nhân và quả”, chỉ vậy thôi! Ngài giáo sư đã hỏi về mối quan hệ giữa cái không biết – không phải theo nghĩa một chiều nhận thức mới – với một sự kiện tình cờ.
Người hỏi: Cái không biết vốn nằm ngoài thế giới tương đối.
Krishnamurti: Bạn có thể thảo luận điều đó. Tôi không biết gì về nó cả, tôi đang nói về các mối quan hệ của con người, về con người, chứ không phải các vấn đề toán học, những sự kiện tình cờ và trật tự toán học. Tất cả những điều đó dường như không ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của ta. Ở đây ta đang quan tâm đến việc tạo ra một sự thay đổi trong cuộc sống thường ngày đó – cách ta cư xử. Và khi nào cách cư xử của ta còn dựa vào quá khứ đó, thì nó còn đem đến xung đột và đau khổ; đó là điều ta đang nói tới.
Saanen
5/8/1971