1. Sự phân chia manh mún của thức
2. Trí thông minh có thức tỉnh không?
3. Sợ hãi
4. Nỗi sợ, thời gian và hình ảnh
5. Trí thông minh và đời sống tôn giáo
Ta có nhận thức được rằng ta nhìn cuộc sống một cách phân chia manh mún không? Sự quy định của thức. Ta có thật sự biết nội dung của thức không? Có chăng một sự chia tách thành ý thức và vô thức? Người quan sát là một phần nội dung của thức. Có bất cứ tác nhân nào nằm bên ngoài nội dung bị quy định này không? “Những mánh lới tôi làm với chính mình.” Hành động là gì? Bởi vì bản ngã bị phân chia manh mún, nên “tôi” không thể thấy cuộc sống như một thể thống nhất.
Krishnamurti: Trong các buổi đối thoại này, ta có thể khám phá mỗi sáng một vấn đề, thâm nhập vào đó xuyên suốt, sao cho ta thật sự hiểu nó được không? Đây là một cuộc trò chuyện bạn bè giữa chúng ta, trong đó ta có thể cùng nhau đi vào một vấn đề để xem liệu ta có thể giải quyết vấn đề đó trong một buổi sáng hay không. Đối thoại khác với tranh luận biện chứng; nó không tìm kiếm sự thật thông qua ý kiến hay thảo luận, tức là lý luận, logic, lập luận; điều đó sẽ không dẫn ta đi thật xa. Vậy, sáng nay ta có thể xem xét một vấn đề và đi sâu vào đó một cách trọn vẹn, không chệch khỏi nó mà từng bước từng bước thâm nhập vào đó, thật chi tiết, thật thận trọng, không đưa ra ý kiến – bởi vì khi đó ý kiến của bạn, lập luận của bạn sẽ đối lập với ý kiến của người khác – và cũng không đắm chìm vào các ý thức hệ, không trích dẫn người khác, mà chỉ xem xét vấn đề vốn có tính sống còn đối với mỗi người chúng ta và cùng nhau khám phá, được chứ? Tôi cảm thấy như thế mới xứng đáng. Ta sẽ làm thế chứ?
Người hỏi (1): Ta có thể thảo luận về trật tự được không?
Người hỏi (2): Tôi thấy rằng dù đã nghe mọi thứ mà ngài nói, nhưng tôi vẫn cảm thấy trống rỗng bên trong. Sự thôi thúc lẩn trốn khỏi nó ngăn cản tôi nhìn – tôi luôn luôn lẩn trốn.
Người hỏi (3): Tôi tự hỏi liệu phương pháp mà chúng ta cùng nhau sử dụng có thật sự khiến chúng ta thực hiện một cuộc chuyển hóa triệt để và vững bền không? Bởi vì phương pháp này nằm trên cấp độ ý thức, còn những sức mạnh trói buộc ta lại nằm trên cấp độ vô thức. Làm sao ta mới có thể thật sự thoát khỏi sự quy định và những động cơ vô thức này? Ví dụ, nếu tôi có thể đưa ra một ví dụ, tôi biết rất nhiều người đã theo ngài suốt nhiều năm, họ không còn phán xét theo quan điểm quốc gia, dân tộc, nhưng họ lại phê phán những người hippy, cũng như nhau cả thôi.
Người hỏi (4): Tôi có một vấn đề về việc thấu hiểu sự nhận thức. Trí não tôi nhận thức khi nó kinh qua một điều gì đó, nó gọi tên điều đó, rồi tôi trở nên tách biệt với trải nghiệm đó. Khi tôi nhận thức, có một sự tách biệt giữa điều được quan sát và người quan sát.
Người hỏi (5): Nhìn cuộc sống một cách trọn vẹn là thế nào?
Người hỏi (6): Ngài đã nói: “Tôi là thế giới và thế giới là tôi”. Đâu là những lý do đơn giản cho sự khẳng định đó?
Krishnamurti: Sáng nay ta sẽ xem xét điều nào trong số các vấn đề nêu trên, để khi bạn và tôi rời căn lều này, ta đã thật sự thấu hiểu nó?
Người hỏi: Ngài nhìn cuộc sống như là thiện hay ác?
Krishnamurti: Làm sao bạn có thể thật sự nhìn cuộc sống? Đừng giả vờ gì cả. Đừng để ta trở nên lý thuyết, giả thuyết, và do đó mất đi sự trung thực: Bạn nhìn cuộc sống như một cái toàn thể hay như những mảnh vụn? – tất cả vỡ vụn. Có thể nhìn vào sự chuyển động toàn thể này như một tiến trình thống nhất không? Và tôi, vốn được nuôi dạy trong một nền văn hóa đã quy định tôi, một cách hữu thức hoặc vô thức, nhìn Thượng đế và Quỷ dữ – vật chất và phi vật chất – liệu tôi có thể xem xét toàn bộ sự chuyển động của cuộc sống, hay tôi đập vỡ nó ra từng mảnh? Và khi bạn đập vỡ nó, thì từ đó, sự vô trật tự xuất hiện. Vậy, làm sao bạn có thể thật sự nhìn cuộc sống?
Người hỏi: Trong phần lớn các cuộc thảo luận, tôi đã nghe ngài bắt đầu với tiền đề là sự vô trật tự chứ không phải từ quan điểm trật tự.
Krishnamurti: Tôi không thừa nhận trật tự, tôi bắt đầu với vô trật tự. Ta đang sống trong vô trật tự, điều đó quá rõ. Có chiến tranh, có sự chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, có những người đàn ông và đàn bà đấu đá nhau. Ta đang chiến tranh với nhau và trong chính ta nữa, đó là vô trật tự. Đó là thực tế. Thật phi lý khi thừa nhận trật tự – không có trật tự đâu!
Người hỏi: Không có trật tự trong đời sống tự nhiên sao?
Krishnamurti: Có thể có trong tự nhiên. Nhưng đó không phải là câu hỏi của tôi. Câu hỏi của chúng ta là: Bạn và tôi có thể nào nhìn toàn bộ hiện tượng này của cuộc sống như một chuyển động thống nhất, không bị chia nhỏ thành ý thức và vô thức được không?
Người hỏi: Nhưng đó có thể là trật tự.
Krishnamurti: Ta đang thảo luận điều đó đây, tôi không biết nó sẽ dẫn ta đi về đâu. Ta đang cố khám phá thông qua trò chuyện xem liệu trí não ta có thể nhìn cuộc sống như một cái toàn thể, như một chuyển động thống nhất, và do đó không có mâu thuẫn được không.
Người hỏi: Nhưng chẳng phải sự định nghĩa vô thức khiến tôi không thể nhìn vào đó sao?
Krishnamurti: Ta phải đi sâu vào điều này một cách chậm rãi thôi. Bây giờ, giả sử tôi không thể nhìn cuộc sống như một cái toàn thể. Liệu tôi có nhận thức rằng tôi đang nhìn cuộc sống một cách manh mún không? Ta hãy bắt đầu từ đó. Bạn có nhận thức, bạn có biết rằng bạn chia cắt cuộc sống không?
Người hỏi (1): Không.
Người hỏi (2): Không phải “cuộc sống như một cái toàn thể” là một khái niệm trừu tượng sao?
Krishnamurti: Nếu ta thừa nhận cuộc sống là một tiến trình thống nhất, là một ý tưởng, thì nó sẽ là một khái niệm. Nhưng nếu ta nhận ra rằng ta sống trong những mảnh vụn và hỏi liệu sự chia cắt manh mún đó có thể thay đổi được không, thì ta mới có thể khám phá ra điều kia.
Người hỏi: Có vẻ đối với tôi thì trước hết tôi phải khám phá tôi là gì, rồi mới có thể bắt đầu thay đổi. Tôi không thích những người hippy, và đó là tôi hiện tại! Có lẽ tôi có thể thay đổi điều đó, nếu trước hết tôi trở thành tôi hiện tại.
Krishnamurti: Thưa ngài, hãy nhìn đây, ta không nói về sự thay đổi. Sáng nay ta đang cố gắng đi vào câu hỏi: Tôi nhìn cuộc sống như thế nào?
Người hỏi: Nếu tôi bị chia cắt manh mún, tôi không thể thấy cuộc sống như một thể thống nhất.
Krishnamurti: Đúng vậy. Ta có bị chia cắt manh mún không? Ta hãy bắt đầu từ đó.
Người hỏi: Có thể sự chia cắt manh mún không nằm ở cấp độ ý thức, như ngài đã nói, với tư cách một nghệ sĩ, một nhà khoa học, một giáo sĩ. Sự chia cắt manh mún nằm trong vô thức.
Krishnamurti: Trước hết hãy tuyệt đối chắc chắn rằng bạn đã loại bỏ cái nông cạn trên bề mặt; rằng bạn không còn bị mắc kẹt trong những cách tiếp cận cuộc sống mang tính chia cắt manh mún về mặt tôn giáo, quốc gia, dân tộc. Hãy hoàn toàn chắc chắn rằng bạn đã loại bỏ triệt để các thứ đó; đó là một trong những điều khó làm nhất. Nhưng ta hãy đi sâu hơn.
Người hỏi: Nếu những sự phân chia đó thật sự tồn tại ở cấp độ ý thức, thì chẳng phải loại bỏ chúng là một sự phân chia manh mún trong tự thân nó sao?
Krishnamurti: Ta sẽ đi đến đó đây. Bằng cách đi sâu vào ý thức và thấy sự phân chia manh mún diễn ra như thế nào, đương nhiên ta sẽ đi đến cái còn lại. Lúc đó, cả hai cái sẽ cùng đến, bởi vì ta đã phân chia cuộc sống thành ý thức và vô thức, cái ẩn khuất và cái mở bày. Đó là quan điểm tâm lý học và phân tâm học. Đối với cá nhân tôi, điều đó không tồn tại. Tôi không phân chia thành ý thức và vô thức. Nhưng có vẻ như phần lớn chúng ta có sự chia rẽ này.
Vậy, bạn sẽ xem xét cái vô thức bằng cách nào? Bạn nói rằng có sự chia rẽ giữa ý thức và vô thức, rằng ta chỉ có thể thoát khỏi những sự chia rẽ mà văn hóa đã tạo ra một cách nông cạn. Bạn sẽ xem xét cái vô thức cùng với tất cả sự phân chia manh mún của nó như thế nào?
Người hỏi (1): Không phải tốt hơn ta nên xem xét liệu có ý thức và vô thức hay không, và khám phá xem chúng có tồn tại hay không sao?
Người hỏi (2): Định nghĩa cái vô thức là gì?
Krishnamurti: Có vẻ định nghĩa của vô thức là: cái mà ta không biết. Ta nghĩ ta biết ý thức trên bề mặt, nhưng ta không biết vô thức là gì. Hãy nghe những gì quý ông này đã nói: Ta tạo ra sự chia rẽ này, nhưng đó có phải là một thực tế?
Người hỏi: Nếu cái vô thức không phải là một thực tế thì sau một cuộc nói chuyện ở Saanen, ta sẽ được giải thoát!
Krishnamurti: Có ý thức và vô thức. Tôi không nói sự chia tách này có tồn tại, nhưng đó là điều ta đã tiếp nhận. Bạn có biết trí não ý thức của bạn không – điều bạn nghĩ, cách bạn nghĩ, lý do bạn nghĩ? Bạn có ý thức được điều bạn đang làm và điều bạn không đang làm không? Bạn nghĩ bạn hiểu ý thức nhưng bạn có thể không thật sự hiểu nó đâu. Cái nào là thực tế? Bạn có thật sự biết ý thức không? Bạn có biết nội dung của trí não ý thức không?
Người hỏi: Phải chăng trí não ý thức là điều ta hiểu nhờ vào định nghĩa?
Krishnamurti: Bạn có thể hiểu điều này và có thể không hiểu điều khác. Bạn có thể hiểu một phần nội dung của ý thức và có thể không biết chút nào về phần khác. Vậy, bạn có biết nội dung của trí não ý thức không?
Người hỏi: Nếu ta biết nó thì sẽ không có tình trạng hỗn loạn này trong thế giới.
Krishnamurti: Tất nhiên, đương nhiên rồi.
Người hỏi: Nhưng ta không biết.
Krishnamurti: Đó là điểm trọng tâm của tôi. Ta nghĩ ta biết nó. Ta nghĩ ta biết những cách vận hành của trí não ý thức, bởi vì có hàng loạt thói quen: đến văn phòng, làm việc này, việc nọ. Và ta nghĩ ta hiểu nội dung trí não trên bề mặt. Nhưng tôi thắc mắc về điều đó và tôi cũng rất muốn đặt câu hỏi rằng liệu có bao giờ ý thức có thể tìm hiểu, khám phá cái vô thức hay không. Nếu tôi không biết nội dung của cái trí não ý thức, thì làm thế nào tôi có thể xem xét cái vô thức với nội dung của nó? Vì thế, phải có một thái độ tiếp cận hoàn toàn khác.
Người hỏi (1): Làm sao ta biết vô thức có tồn tại?
Người hỏi (2): Bởi chính những biểu hiện của nó.
Krishnamurti: Bạn nói: “Bởi chính những biểu hiện của nó”. Tức là, về mặt ý thức bạn có thể làm điều gì đó, nhưng về mặt vô thức, động cơ có thể hoàn toàn khác với thôi thúc của ý thức.
Người hỏi: Hành động tiêu cực.
Krishnamurti: Tất nhiên. Ta hãy cố hiểu nhau xem sao. Nếu nội dung của ý thức không thể được biết một cách trọn vẹn, thì làm sao ý thức, vốn nông cạn, không biết chính nó, lại có thể xem xét vô thức với tất cả nội dung ẩn khuất của nó? Vậy, bạn chỉ có một phương tiện để xem xét, đó là: nhìn vào vô thức một cách có ý thức. Xin hãy thấy tầm quan trọng của điều này.
Người hỏi: Chẳng phải là bất kỳ biểu hiện ý thức bên trong nào cũng đều có biểu hiện bên ngoài tương ứng sao?
Krishnamurti: Dĩ nhiên. Ta có thể đặt vấn đề theo cách này không: Tôi có biết được nội dung ý thức của tôi không? Tôi có nhận thức được về nó, tôi có hiểu nó, tôi có quan sát mà không thành kiến, không có bất kỳ công thức nào không?
Người hỏi: Tôi nghĩ vấn đề còn sâu sắc hơn. Điều bạn biết, điều bạn nhận thức được, đó là ý thức của bạn; mọi thứ mà bạn không nhận thức được, không biết, là vô thức của bạn.
Krishnamurti: Tôi hiểu, đó là điều ông ấy vừa mới nói. Xin hãy dành vài phút nghĩ về điều người khác đã nói, tức là: Nếu tôi không biết nội dung ý thức nông cạn của tôi, thì liệu ý thức đó, vốn không hoàn toàn hiểu được tính nông cạn của nó, có thể tìm hiểu về vô thức không? Đó là việc hiện bạn đang làm, phải không? Bạn đang cố gắng quan sát cái vô thức bằng ý thức. Không phải sao?
Người hỏi (1): Điều này là không thể. Ta không thể làm vậy.
Người hỏi (2): Không có biên giới giữa ý thức và vô thức.
Krishnamurti: Vậy thì, bạn sẽ làm gì? Đừng đắm chìm trong các lý thuyết. Hãy nhìn đi, tôi đã được nuôi dạy với một nền tảng Bà-la-môn truyền thống cao cấp; truyền thống này vốn tàn nhẫn. Từ sáng đến tối người ta dạy bạn phải làm gì, không làm gì, nghĩ gì. Từ lúc mới sinh ra bạn đã bị quy định. Ý thức bị nhồi nhét từng ngày, bởi đền thờ, bởi mẹ, bởi cha, bởi môi trường, bởi văn hóa của Bà-la-môn giáo. Rồi bạn chuyển sang một sự quy định khác và lại một sự quy định khác nữa. Hết quy định này đến quy định khác. Tất cả đều áp đặt lên bạn, bởi xã hội, bởi nền văn minh, bởi sự tình cờ hay cố ý. Vậy thì vì sao bạn lại chia tách thành điều này và điều nọ? Tất cả chúng đều có quan hệ với nhau. Tôi có thể vứt bỏ truyền thống Bà-la-môn một cách hết sức nhanh chóng, hoặc tôi không thể, hoặc tôi có thể nghĩ mình đã làm được, nhưng thật ra vẫn còn bị kẹt trong đó. Làm sao tôi hiểu được toàn bộ nội dung này?
Người hỏi: Tôi là nội dung đó.
Krishnamurti: Tất nhiên, ý thức là nội dung của chính nó! Xin hãy thấy điều đó. Ý thức của tôi được xây dựng nên từ truyền thống Bà-la-môn, truyền thống thông thiên học, đấng giáo chủ thế giới – tất cả những thứ đó; nội dung của toàn bộ ý thức này là như thế. Bây giờ, tôi có thể nhìn toàn bộ nội dung này như là một thể duy nhất, hay tôi phải nhìn vào nó theo kiểu phân chia manh mún? Khoan đã, trước hết hãy nhìn thấy chỗ khó khăn. Có chăng một nội dung sâu thẳm mà tôi không biết? Phải chăng tôi mãi mãi chỉ có thể biết cái nội dung nông cạn trên bề mặt? Đó là vấn đề. Bây giờ, làm sao tôi xóa bỏ sự quy định ở trí não có một nội dung như thế?
Người hỏi: Ngài nói rằng ngài lấy sự quy định của Bà-la-môn làm ví dụ, tức là vẫn đang nhìn ý thức một cách phân chia manh mún. Nhưng mối quan hệ của ngài với cha, với mẹ, hay với người nào đó vô cùng nóng nảy, hay với ai đó làm ngài thất vọng – điều này thậm chí còn quan trọng hơn. Nếu ngài hỏi: “Làm thế nào tôi xóa bỏ được sự quy định của trí não, hoặc bằng cách nào tôi tự xóa bỏ sự quy định của chính tôi”, thì tôi sẽ nói: Làm thế nào tôi có thể thay đổi?
Krishnamurti: Cũng như nhau cả thôi, thưa ngài.
Người hỏi: Ví dụ, tôi tin rằng trước hết ngài phải trở thành điều ngài đang là.
Krishnamurti: Bạn là gì? Bạn là tất cả sự quy định đó. Bạn có nhận thức về toàn bộ sự quy định nơi bạn không? Trước khi nói đến thay đổi, trước hết ta phải hỏi: Tôi có nhận thức được sự quy định của tôi không? Không chỉ trên bề mặt mà ở tận những tầng lớp sâu thẳm. Như quý ông đây đã chỉ ra, tôi có thể bị mắc kẹt trong truyền thống Kitô giáo, hay truyền thống Bà-la-môn; nhưng tôi cũng đã sống trong một gia đình có người mẹ tàn bạo hoặc nóng nảy. May mắn thay, trong gia đình mà con người này đã lớn lên, có tới mười ba đứa con và không ai chăm sóc!
Người hỏi: Tôi có cảm nhận rằng tôi xóa bỏ được sự quy định chính mình nhờ nghe ngài nói.
Krishnamurti: Chính thế, chỉ lắng nghe thôi, đó là điều tôi muốn đạt tới. Tiếp đi nào!
Người hỏi: Sự chú tâm phải xóa bỏ sự quy định trí não.
Krishnamurti: Không, thưa bà. Đó là suy đoán. Xin hãy theo dõi điều này. Tôi là tất cả nội dung của tôi: nội dung là ý thức của tôi; nội dung là kinh nghiệm, kiến thức, truyền thống, sự dạy dỗ, người cha nóng nảy, người mẹ tàn bạo hoặc hay la mắng. Tất cả những điều đó là nội dung, tức là cái “tôi”. Vậy, tôi có nhận thức được nội dung này không? Đừng nhún vai và nói “Tôi không biết”; nếu không, bạn sẽ không thể tiến tới. Nếu bạn không nhận thức – mà tôi e là bạn không, nếu tôi có thể chỉ ra – vậy làm thế nào ta có thể tiếp tục đây?
Người hỏi: Trí não nhận thức rằng nó bị quy định. Nó thấy sự quy định.
Krishnamurti: Tôi hiểu. Hãy nhìn đây, tôi có thể thấy phần nào sự quy định của tôi, tôi có thể thấy tôi bị quy định như là một người Kitô giáo hay Hồi giáo, nhưng còn có nhiều phần khác của sự quy định này. Tôi có thể khám phá trên bình diện ý thức các mảnh vụn khác nhau hợp thành cái “tôi”, nội dung ý thức của tôi, được hay không? Tôi có thể nhìn tất cả mọi điều này trên bình diện ý thức không?
Người hỏi: Nhưng ta không phân tách khỏi nó.
Krishnamurti: Tôi hiểu. Tôi nhìn các nội dung khác nhau trong ý thức của tôi bằng cách nào? Hay đó là một tiến trình hoàn toàn sai lầm?
Người hỏi: Nó phải là thế thôi.
Krishnamurti: Ta đang khám phá, đừng nói “Nó phải là thế thôi”.
Người hỏi: Tôi không thấy có cách nào để ta có thể nhìn thấy được tất cả các phần này. Dường như nếu ta có thể giữ mình ở lại với những gì ta đang nhìn thấy thật sự xung quanh ta trong tiền cảnh mà không phán xét hay định kiến về cách mà ta nên nhìn, thì lúc đó ta bắt đầu thấy cả tiềm thức.
Krishnamurti: Tôi hiểu. Nhưng bạn chưa trả lời câu hỏi của tôi: Bạn có thể nhìn vào nội dung ý thức của bạn không? – bạn là một phần của nội dung đó. Nếu bạn không thể biết nội dung ý thức của bạn, làm sao bạn có thể nói “Tôi đúng” hay “Tôi sai”, “Tôi ghê tởm điều này, điều nọ”, “Điều này hay, điều kia dở”, “Những người hippy thật tuyệt”, “Những người hippy không hay ho gì”? Bạn không hề ở vị thế phán xét. Vậy, bạn có thể biết nội dung ý thức của chính bạn không?
Người hỏi: Cái gì nhận thức về sự quy định? Chắc chắn đó là điều quan trọng.
Krishnamurti: Ta hãy tiếp tục thêm chút nữa. Ta có hiểu ý thức của ta là nội dung của chính nó không? Bạn có hiểu phát biểu của tôi không? Nội dung làm thành ý thức. Do đó, ý thức không tách rời nội dung của nó; nội dung là ý thức. Điều đó hoàn toàn rõ ràng rồi chứ? Vậy, bạn sẽ làm gì đây? Thực tế là, nội dung làm nên ý thức của bạn; là một tín đồ Kitô giáo, một Phật tử, ảnh hưởng của cha, của mẹ, áp lực của nền văn minh, dù là gì đi nữa, tất cả những điều đó là nội dung. Bạn có nói “Đó là một thực tế” không? Hãy bắt đầu từ đó. Hãy nhớ lấy điều đó. Vậy thì bạn phải làm gì?
Người hỏi: Tôi thấy rằng tiến trình thông thường tương ứng với việc tôi hành động dựa trên điều tôi thấy tự thân nó là một sự phân chia manh mún, và khi điều đó được thấy rõ ràng, tôi sẽ ngừng hành động dựa trên điều tôi thấy.
Krishnamurti: Không, bạn không nắm được ý chính của tôi rồi.
Người hỏi: Chúng tôi không thể làm được gì – không có gì để làm cả.
Krishnamurti: Chờ đã, đừng rời khỏi đó.
Người hỏi: Tiến trình này chắc phải dẫn tới trật tự thế giới.
Krishnamurti: Đúng là thế. Trật tự thế giới, hay vô trật tự, là nội dung ý thức của tôi, vốn đang ở trong tình trạng vô trật tự. Cho nên tôi đã nói: “Tôi là thế giới, thế giới là tôi”. Cái “tôi” được làm từ tất cả những phần khác nhau của nội dung, và vì thế tôi là thế giới. Thực tế là nội dung ý thức của tôi là ý thức. Tôi phải tiếp tục từ đó như thế nào để làm sáng tỏ các nội dung khác nhau, xem xét chúng, vứt bỏ một số, giữ lại một số. Cái thực thể đứng ra xem xét đó là ai? Thực thể dường như tách rời đó là một phần trong ý thức của tôi, vốn là kết quả của nền văn hóa mà tôi đã được nuôi dạy trong đó. Thực tế thứ hai là nếu có một thực thể tìm hiểu từng mảnh vụn của nội dung đó, thì người tìm hiểu đó là một phần của nội dung, và người tìm hiểu đó đã tự tách biệt với nội dung vì nhiều lý do tâm lý để được an toàn, an tâm, được che chở; và nó cũng là một phần của nền văn hóa đó. Vì thế, trong khi tìm hiểu, tôi thấy rằng tôi đang giở trò lừa bịp, tôi đang dối gạt chính mình. Bạn không thấy điều này sao?
Sự chia tách thành người tìm hiểu, người quan sát, tự tách biệt với nội dung, việc phân tích, vứt bỏ hay giữ lấy, tất cả đều là kết quả của nội dung. Tôi có thấy thật rõ điều này không? Nếu có thì hành động tiếp theo là gì? Tôi giáp mặt với vấn đề này. Tôi bị quy định dữ dội, và một phần của sự quy định này là khao khát được an toàn. Một đứa bé cần được an toàn; não bộ cần được hoàn toàn an toàn để vận hành lành mạnh. Nhưng não bộ đó, vì muốn được an toàn, có thể tìm thấy sự an toàn trong một niềm tin hay một hành động điên loạn nào đó. Do đó, nó tìm được an toàn trong truyền thống và bám chặt lấy đó. Và nó tìm được an toàn trong sự chia tách thành người quan sát và thứ được quan sát, bởi vì đó là một phần của truyền thống; bởi vì nếu tôi loại bỏ người quan sát, tôi sẽ lạc lối!
Vậy, tôi đang đối mặt với thực tế rằng sự chia tách thành người quan sát và thứ được quan sát, hay bất kỳ động thái nào của tôi, cũng đều là một phần của nội dung. Bạn hiểu rõ điều này rồi chứ? Vậy ở đây có gì để làm không? Ta không thảo luận về ý thức và vô thức, bởi vì chúng cũng thuộc về nội dung này. Ta nói trí não ý thức quan sát trên một bình diện nào đó, nhưng còn có nhiều động cơ sâu hơn, nhiều ý muốn sâu hơn, nhiều sức sống sâu hơn, tất cả điều đó là nội dung ý thức của tôi, tức là ý thức của thế giới.
Vậy, tôi phải làm gì? Trí não tôi hiểu rằng nó phải thoát khỏi sự quy định, nếu không, tôi sẽ là nô lệ của sự quy định đó; tôi thấy sẽ có chiến tranh, sẽ có đối kháng, sẽ có chia rẽ. Do đó, trí não, nếu thông minh, sẽ nói rằng nó phải xóa bỏ sự quy định chính nó bằng bất cứ giá nào. Làm sao làm được điều này mà không có sự phân chia thành người phân tích và cái được phân tích? – biết rằng nội dung là thức, và rằng bất cứ nỗ lực nào tôi thực hiện để thoát khỏi nó thì vẫn là một phần của nội dung đó. Bạn hiểu chứ? Vậy ta phải làm gì để đối mặt với điều này?
Người hỏi: Hoặc ta chấp nhận thế giới như nó là, hoặc chối bỏ nó hoàn toàn – ta không thể chấp nhận nó như nó là.
Krishnamurti: Bạn là ai mà chấp nhận thế giới? Tại sao bạn phải chấp nhận nó hoặc chối bỏ nó? Nó là một thực tế. Có mặt trời. Bạn chấp nhận hay chối bỏ mặt trời à? Nó ở đó! Bạn đối mặt với điều này và nếu bạn chối bỏ nó, người đang chối bỏ nó là ai? Người ấy là một phần của ý thức mà anh ta đang chối bỏ; chỉ là đó là một phần không phù hợp với anh ta. Và nếu anh ta chấp nhận, anh ta sẽ chấp nhận phần phù hợp với anh ta.
Người hỏi: Nhưng còn có chỗ khó khăn hơn thế; bởi vì nếu bạn chỉ bị quy định là một người Hindu, bạn có thể thậm chí không biết điều đó. Trở lại những gì lúc trước ngài đã nói về một khuôn mẫu điên loạn: ta có thể bị gắn dính vào một khuôn mẫu điên loạn mà không biết.
Krishnamurti: Đó là lý do tôi sắp trình bày với bạn điều này đây, thưa ngài.
Người hỏi: Tôi có thể chối bỏ nó bằng cách nào?
Krishnamurti: Bạn không thể chối bỏ bất cứ điều gì. Nó ở đó! Bây giờ hành động gì sẽ diễn ra khi bạn quan sát rằng bạn không thể làm bất cứ điều gì?
Người hỏi: Bạn ngừng lại. Bạn cảm thấy rằng tất cả ý thức này vốn không thật sự là nó, rằng bạn có thể là một con quái vật. Và khi cảm thấy rằng mình là như vậy, bạn liền ngừng lại. Nhưng tiến trình vẫn tiếp diễn, bạn không thể làm gì được.
Krishnamurti: Không. Tiến trình chỉ tiếp diễn khi tôi không hiểu nội dung ý thức của tôi: liệu nó có điên loạn hay không, liệu nó có đồng tính hay không – nội dung – tất cả những gì hàm chứa trong đó. Và nếu tôi chọn một thành phần và bám vào đó, đó chính là cốt tủy của sự điên loạn. Vì thế bất kỳ hành động nào về phần tôi – tức là phần của nội dung ý thức của tôi – đều không thể xóa bỏ sự quy định; không thể làm gì được theo cách đó.
Vậy thì tôi phải làm gì? Bạn hiểu chứ? Tôi sẽ không chối bỏ hay chấp nhận nó. Đó là một thực tế.
Người hỏi: Mọi thứ bạn làm đều chỉ củng cố thêm sự chia tách.
Krishnamurti: Thế thì, bạn phải làm gì?
Người hỏi: Bạn không thể làm được gì.
Krishnamurti: Khoan, bạn đi quá nhanh! Bạn không biết không làm gì có nghĩa là gì đâu!
Người hỏi: Cho phép tôi lặp lại những gì Freud đã nói: Bạn phải đem những thứ trong vô thức vào ý thức.
Krishnamurti: Tôi không quan tâm Freud nói gì.
Người hỏi: Tôi thì có.
Krishnamurti: Tại sao?
Người hỏi: Bởi vì đó là một thực tế. Ngài có thể thấy nó trong tự nhiên.
Krishnamurti: Bạn trích dẫn Freud hay bạn tự quan sát? Khi bạn nói rằng vô thức xuất hiện và hành động, hay vô thức ngăn cản hành động, thì đó có phải là kinh nghiệm của chính bạn không? Bạn vẫn còn suy nghĩ bằng những thuật ngữ của sự chia tách – ý thức và vô thức. Tôi không nghĩ bằng những thuật ngữ ấy.
Người hỏi: Thật sự không có sự chia tách nào cả.
Krishnamurti: Nhưng bạn vẫn nói: vô thức xuất hiện.
Người hỏi: Đó chỉ là một từ, giống như “ý chí”.
Krishnamurti: Ồ không, khi ta nói đến “vô thức”, ta dùng từ đó với ý nghĩa xác định rằng có cái gì đó không phải là ý thức. Theo tôi, đó là một phát biểu của sự phân chia manh mún. Nếu bạn biết rằng bạn bị phân chia manh mún theo cách đó, tại sao bạn vẫn tiếp tục bám vào đó chứ?
Người hỏi: Vô thức của ta hoạt động!
Krishnamurti: Tất nhiên nó hoạt động. Người nào đó nói rằng anh ta dị tính, nhưng sâu bên trong anh ta có thể đồng tính. Ta luôn luôn mâu thuẫn với chính ta, luôn luôn đạo đức giả. Do đó, tôi nói tất cả đều là một phần của ý thức: truyền thống, Freud, bám chấp, không bám chấp, không thích dân hippy và thích người thật thà – tất cả đều như nhau. Do đó, tôi mới nói với bạn, toàn bộ nội dung đó là ý thức của tôi. Tôi sẽ không chọn phần này và bỏ phần kia; không bám vào một phần nào đó vì nó làm tôi vui, hoặc vì tôi bị quy định theo lối ấy.
Người hỏi: Nhưng khi ngài nói “trí não tôn giáo” – ngài nói về...
Krishnamurti: Tôi e rằng tôi có nói thế.
Người hỏi: ... ngài cũng tạo ra một sự chia tách.
Krishnamurti: À, không, tôi nói khi không có sự chia tách ở bất kỳ dạng nào, không chỉ trên bề mặt, mà cả trong nội dung của chính ý thức, như người quan sát và cái được quan sát, khi không có bất kỳ sự phân chia nào như thế cả, lúc đó mới có phẩm chất của một trí não tôn giáo. Điều đó đã được trình bày hết sức phân minh.
Bây giờ xin hãy nghe đây. Khi ta nói nội dung tạo nên ý thức – dù là triết lý của Freud, hay kinh nghiệm riêng của bạn – mọi thứ đều bao hàm trong đó. Những người nghèo ở Ấn Độ không bao giờ nghe đến Freud, hay Chúa Jesus, nhưng người đã được nuôi dạy lớn lên với huyền thoại về Chúa Jesus thì nói rằng: Đó là một thực tế. Và người dân làng nghèo khổ với Thượng đế của anh ta cũng nói rằng: Đó là một thực tế. Cả hai đều là nội dung của ý thức. Chắc rồi chứ, thưa ngài?
Người hỏi: Vẫn chưa rõ.
Krishnamurti: Bạn thấy đó, bạn từ chối buông tay khỏi một mảnh vụn nào đó mà bạn đang bám víu. Đây là điều mà tôi phải chiến đấu khi tôi đến Ấn Độ, bởi vì qua suốt nhiều thế kỷ, người ta đã được nuôi dưỡng trong ý niệm rằng có một Atman và Brahman, Thượng đế. Và họ tin tưởng một cách căn cơ nhất rằng giác ngộ chỉ khả dĩ khi hai điều đó đến cùng nhau. Và tôi nói rằng điều đó vô nghĩa, cả hai đều do tư tưởng đặt ra.
Bây giờ, tôi đi đến điểm chính này: Tự tôi thấy rằng bất cứ động thái nào nằm trong nội dung đó đều vẫn là một phần của nội dung đó. Tôi biết rõ điều đó, nó rõ như ánh nắng mặt trời, đó là một thực tế tuyệt đối. Rồi tôi nói với tôi: Vậy, làm thế nào trí não có thể giải thoát chính mình khỏi sự quy định của nó?
Người hỏi: Bạn sẽ phải vượt qua sự quy định.
Krishnamurti: Không, “vượt qua” nghĩa là vẫn còn thuộc về sự quy định đó.
Người hỏi: Nhưng bạn có thể vượt qua chính mình khi bạn lắng nghe.
Krishnamurti: Vâng, hoàn toàn chính xác.
Người hỏi: Bởi vì tôi cảm thấy rằng ngài không còn bị quy định nữa, nên tôi mới lắng nghe ngài, thật sự lắng nghe.
Krishnamurti: Tôi hiểu, thưa ngài. Bạn không biết tôi đâu, xin đừng nói: “Ngài đã xóa bỏ sự quy định”; bạn không biết như thế nghĩa là gì đâu, xin vui lòng đừng phán xét.
Người hỏi: Chúng tôi không muốn loại bỏ sự quy định của mình.
Krishnamurti: Cứ giữ lấy và sống với nó, sống trong sự rối loạn, sống trong khổ sở, chiến tranh! Nếu bạn thích nó thì cứ bám chặt vào nó. Và đó là những gì đang xảy ra! Người Ả Rập bám lấy sự quy định của mình và họ đánh nhau với người Do Thái. Và người Do Thái thì bám lấy sự quy định của họ. Đó là thế giới. Tôi có mỏ neo riêng của tôi và tôi không thể bỏ nó. Vậy, khi biết tất cả những điều này, trí não phải làm gì?
Người hỏi: Tôi trở nên thật sự tĩnh lặng. Tôi không làm bất cứ điều gì.
Krishnamurti: Các bạn có nghe kịp phát biểu này không? Ông ấy nói: Khi tôi đối mặt với thực tế rằng tôi hoàn toàn bị quy định, tôi trở nên tĩnh lặng. Tôi có thể lừa gạt chính mình và nói tôi đang xóa bỏ sự quy định của tôi – đó là một phần trong sự đào tạo của tôi, vốn là một phần của nội dung. Ông ấy nói: “Tôi trở nên tĩnh lặng”. Đúng thế không?
Người hỏi: Tôi không thể không đưa cái “tôi” vào.
Krishnamurti: Chính thế. Ông ấy thật sự muốn nói rằng đó là phương tiện để nói về cái “tôi”. Vậy thì điều gì xảy ra khi bạn đối mặt với một điều mà bạn không thể làm gì được? Cho đến lúc này bạn đã suy nghĩ, nhờ vào sự quy định của bạn, rằng bạn có thể làm điều gì đó, rằng bạn có thể thay đổi, rằng bạn có thể sửa đổi mọi thứ; nhưng nó vẫn là một phần trong phạm vi cũ, chỉ dịch chuyển từ góc này sang góc khác mà thôi. Khi bạn hiểu ra rằng bất kỳ sự dịch chuyển nào trong cùng phạm vi đó cũng là một động thái bị quy định, việc gì sẽ xảy ra? Khi người Ả Rập và người Do Thái nói: Nhìn đi, tôi bị quy định và bạn bị quy định, điều gì sẽ xảy ra? Hãy tiếp đi, thưa ngài, điều gì xảy ra?
Người hỏi: Khi đó mới có thể sống.
Krishnamurti: Tôi hiểu ra tôi hoàn toàn bị quy định và rằng bất kỳ thủ đoạn nào tôi có thể dùng để dối gạt chính mình cũng là một phần trong sự quy định của tôi. Đổi từ một tín đồ Công giáo sang một tín đồ Hindu, từ một tín đồ Hindu sang Hồi giáo, rồi trở lại Thiền đạo và từ Thiền đạo sang Krishnamurti, vân vân (Cười) – tất cả đều là một phần trong sự quy định của tôi, nó là một phần của toàn bộ nội dung này. Việc gì xảy ra khi tôi hiểu được điều ấy?
Người hỏi: Quá trình này tự chấm dứt.
Krishnamurti: Nó có chấm dứt với bạn không? Đừng lý thuyết suông!
Người hỏi: Nó là một thực tế. Nó tự chấm dứt.
Krishnamurti: Phức tạp hơn thế nhiều. Bạn đi quá nhanh, bạn không đi cùng nó. Bạn muốn có một kết quả.
Người hỏi: Trí não thấy điều này không phải là trí não đã bắt đầu cuộc khám phá.
Krishnamurti: Đúng vậy. Hãy đi chậm thôi, thưa ngài. Điều gì đã xảy ra ở một trí não đã bắt đầu cuộc thâm nhập vào chính nội dung của nó và khám phá ra những sự chia rẽ lạ thường, những mâu thuẫn, chia cắt manh mún, những khẳng định, gây hấn, tất cả những điều đó; việc gì xảy ra cho một trí não như thế?
Người hỏi: Nó trở nên hết sức sáng suốt. Nó có được không gian, nó nằm trong một trạng thái khác.
Krishnamurti: Vậy, thưa ngài, tôi sẽ đặt cho ngài một câu hỏi khác. Hành động của bạn trong cuộc sống thường ngày thế nào – không chỉ trong một cuộc khủng hoảng – khi bạn nhận ra thực tế này?
Người hỏi: Có lẽ chúng ta không nhận ra thực tế này.
Krishnamurti: Đó là quan điểm của tôi. Hoặc bạn nhận ra điều này như một thực tế, và thực tế đó thay đổi một cách căn cơ toàn bộ cấu trúc ý thức của bạn, hoặc bạn không nhận ra nó. Nếu bạn không nhận ra thực tế đó – mà rõ ràng là không – và chỉ nói “Tôi hiểu” thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Khi bạn đương đầu với thực tế ấy, hành động của bạn trong cuộc sống thường ngày là gì? Hãy liên kết hai điều đó, rồi bạn sẽ có câu trả lời. Đó là: Tôi nhận ra rằng tôi bị quy định như một tín đồ Hindu, tôi nhận ra rằng tôi đã được nuôi dưỡng trong những hoàn cảnh đặc biệt – giáo chủ của thế giới – sự sùng bái, những ngọn nến, thờ phụng, tất cả những điều đó; đối mặt thế giới, tài sản, tiền bạc, địa vị, uy thế, tôi thấy tất cả những điều đó đều là một phần của nội dung, một phần của cái “tôi”. Mối quan hệ giữa sự tri giác đó với cuộc sống thường ngày của tôi là gì? Nếu không liên kết được nó, thì nó vẫn là nói suông, lý thuyết suông, vô nghĩa. Vì vậy, tôi phải liên kết được với nó. Nếu bạn không thể trả lời điều này thì bạn chưa nhận ra nó đâu, bạn chỉ đang chơi đùa với từ ngữ thôi.
Người hỏi: Với tôi, có vẻ như mỗi khi ngài đặt một câu hỏi, thì lại có một vấn đề mà mỗi người phải ra sức tìm câu trả lời. Trong câu hỏi phải có sự hiểu ra rằng ngài không thể trả lời.
Krishnamurti: Tất nhiên là không, thưa ngài. Tôi đặt câu hỏi đó bởi vì chính bạn phải hỏi câu đó.
Người hỏi: Chính xác. Người đặt câu hỏi luôn luôn phải tìm câu trả lời.
Krishnamurti: Đó là điều tôi muốn nói. Dù bạn bị gắn mác một kẻ loạn thần kinh hay gì khác, khi bạn nhận ra toàn bộ sự quy định này, sự nhận ra đó tác động ra sao với các hoạt động thường ngày của bạn?
Người hỏi: Phải chăng mọi nỗ lực về phía bản ngã sẽ chấm dứt?
Krishnamurti: Bạn sẽ phải khám phá điều đó. Khi bạn nói: “Tôi đã hiểu điều này”, nếu còn có sự chia cách giữa sự hiểu đó với hoạt động thường ngày của bạn, thì tất sẽ còn xung đột. Sự xung đột đó là vô trật tự mà chúng ta sống trong đó, cả thế giới và bạn và người khác. Vậy, điều gì xảy ra khi có tri giác thật sự về sự thật, kiểu như “lửa đốt cháy”, “thuốc độc gây chết người”? Khi bạn nhận ra thực tế này cũng mang tính sống còn như thực tế kia, thì bạn sẽ hành động thế nào với hiểu biết ấy trong cuộc sống thường ngày?
Người hỏi: Hiểu biết này giúp tôi luôn nhận thức trong đời sống thường ngày – đó là tất cả những gì cần thiết.
Krishnamurti: Ồ, không, thưa bà. Nó không phải là thế.
Người hỏi: Nó phải thay đổi hoàn toàn cách sống của tôi.
Krishnamurti: Hãy khám phá đi, thưa ngài. Tất nhiên là nó thay đổi. Tôi không ra vẻ kẻ cả, tôi chỉ đang hỏi bạn: Bạn có nhận ra nó, theo nghĩa là khi bạn đau răng, bạn sẽ hoàn toàn nhận ra cơn đau – bạn làm gì với nó? Bạn không thuyết lý về nó, bạn đi đến tiệm thuốc gần nhất, hoặc đến nha sĩ, sẽ có hành động. Cũng như vậy, khi trí não hoàn toàn nhận ra rằng nó bị quy định, rằng ý thức của bạn là nội dung của chính nó, và rằng bất kỳ động thái nào bạn thực hiện cũng vẫn là một phần của ý thức ấy – cố gắng thoát khỏi đó, chấp nhận nó hoặc chối bỏ nó – vậy thì việc nhận ra sự thật đó tác động như thế nào lên cuộc sống của bạn?
Việc nhận ra sự thật đó sẽ hành động. Bạn hiểu chứ? Và sự thật đó, vốn cực kỳ thông minh, sẽ hành động theo từng thời khắc.
Người hỏi: Nhưng liệu bạn có thể nhận ra điều đó không, khi bạn vẫn còn bị mắc kẹt trong những sợ hãi và dục vọng?
Krishnamurti: Bạn không thể. Bạn cố gắng khuất phục một mảnh vụn, là sự sợ hãi, bằng một mảnh vụn khác. Cứ như vậy, bạn không thể loại bỏ nó, thế nên phải có một thái độ tiếp cận khác đối với mảnh vụn mà bạn gọi là sợ hãi đó. Và thái độ tiếp cận đó là: tuyệt đối không làm gì với nỗi sợ. Bạn có thể không?
Tôi không thể làm gì với tiếng ồn của đoàn tàu hỏa vừa mới chạy qua, do vậy tôi lắng nghe nó. Tôi không thể làm được gì với âm thanh ầm ầm của đoàn tàu đó. Cho nên tôi không có ý gì chống lại nó, tôi chỉ lắng nghe. Có tiếng ồn nhưng nó không ảnh hưởng tới tôi. Cũng như khi tôi nhận ra rằng tôi bị loạn thần kinh, rằng tôi đang bám vào một niềm tin, một cách hành động cụ thể nào đó, rằng tôi có những thành kiến khủng khiếp. Tôi chỉ lắng nghe trọn vẹn mọi điều đó. Tôi không kháng cự lại nó. Tôi lắng nghe nó hoàn toàn, trọn vẹn với con tim của mình.
Ta bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi rằng liệu tôi có thể nhìn vào toàn bộ sự chuyển động của cuộc sống như một quá trình thống nhất được không. Sự giết chóc, đoàn người tị nạn, chiến tranh ở Trung Đông, tín đồ Công giáo, tín đồ Tin Lành, các nhà khoa học, các họa sĩ, doanh nhân, đời sống riêng tư, đời sống công cộng, gia đình của tôi, gia đình của bạn – có sự chia rẽ triền miên không dứt. Sự chia rẽ này đã tạo ra tình trạng vô trật tự, hỗn loạn trong thế giới và trong chính tôi. Liệu tôi có thể nhìn vào tất cả những điều đó như một chuyển động kỳ diệu duy nhất không? Tôi không thể, đó là một thực tế. Tôi không thể, bởi vì tôi bị chia năm xẻ bảy trong chính tôi. Tôi bị quy định trong chính tôi. Vì thế mối quan tâm của tôi khi đó không phải là làm thế nào để tìm ra cách sống một cuộc đời thống nhất, mà là xem liệu sự phân chia manh mún này có thể chấm dứt không. Và sự phân chia manh mún chỉ chấm dứt khi tôi nhận ra rằng toàn bộ ý thức của tôi được dựng lên từ những mảnh vụn ấy. Ý thức của tôi là sự phân chia manh mún. Và khi tôi nói: “Phải có sự hợp nhất, các mảnh vụn đó phải được kết hợp lại”, thì đó vẫn là một phần của trò lừa đảo mà tôi đang làm với chính mình. Thế là tôi nhận ra điều đó. Tôi nhận ra điều đó là một sự thật, giống như lửa thì cháy, bạn không thể lừa dối tôi được nữa, đó là một thực tế, và tôi buộc phải sống với nó. Tôi phải tìm hiểu xem nó vận hành như thế nào trong cuộc sống thường ngày của tôi – không suy đoán, không đùa giỡn, không lý thuyết. Bởi vì tôi đã thấy sự thật của nó, rằng sự thật đang hành động. Nếu tôi không thấy sự thật mà vờ như mình đã thấy nó, tôi sẽ đẩy cuộc sống của tôi vào tình trạng hỗn loạn ghê gớm.
Saanen
4/8/1971