Những ý nghĩa khác nhau của không gian. Không gian mà ta nghĩ và hành động từ đó; không gian mà tư tưởng đã dựng lên. Làm cách nào ta có được không gian vô lượng? “Mang gánh nặng nhưng vẫn tìm kiếm tự do.” Tư tưởng không tự chia tách chính nó đang chuyển dịch trong sự trải nghiệm. Ý nghĩa của trí thông minh. Sự hài hòa giữa trí, tâm và thân. “Tư tưởng thuộc về thời gian, trí thông minh không thuộc về thời gian.” Trí thông minh và cái vô lượng.
Các câu hỏi: Hatha Yoga. Có chăng sự phân chia giữa người quan sát và cái được quan sát trong hoạt động công nghệ? Nhận thức và giấc ngủ.
Ta đã bàn về các trạng thái mâu thuẫn khác nhau của thế giới, bên ngoài ta như chúng vốn là, về tình cảnh bị hành hạ khổ sở của người tị nạn và nỗi kinh hoàng của chiến tranh, về sự nghèo đói, sự phân chia về mặt tôn giáo và quốc gia, dân tộc của con người, về những sự bất bình đẳng trong kinh tế và xã hội. Đấy không đơn thuần là nói suông, mà là thực tế của những gì đang diễn ra trong thế giới: bạo lực, mất trật tự khủng khiếp, những thù ghét và đủ mọi hình thái sa đọa. Trong chính chúng ta, hiện tượng đó cũng đang diễn ra: chúng ta đánh nhau với chính mình, bất hạnh, bất mãn, tìm kiếm điều gì đó mà ta không biết, bạo lực, hung hăng gây chiến, sa đọa, khốn khổ, cô độc và đau khổ nhiều đến mức kỳ lạ. Nhưng không biết vì sao ta dường như không thể thoát khỏi đó, thoát khỏi những sự quy định ấy. Ta đã thử đủ mọi hình thái liệu pháp và hành vi, những hình phạt trong tôn giáo và theo đuổi việc áp dụng chúng, đời sống tu viện, một đời sống của hy sinh, phủ nhận, đè nén, tìm kiếm mù quáng, đi từ quyển sách này sang quyển sách khác, từ đạo sư này sang đạo sư khác; hoặc ta thử cải cách chính trị và làm cách mạng. Ta đã thử rất nhiều thứ, nhưng dường như ta vẫn không thể tự mình thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn khủng khiếp bên trong ta cũng như bên ngoài xã hội. Ta đã chạy theo vị đạo sư mới nhất cung cấp cho ta một hệ thống tu tập nào đó, một loại thuốc trị bách bệnh, một con đường nào đó để ta tháo chạy khỏi nỗi khổ đau của chính ta, và một lần nữa điều đó dường như chẳng thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào của ta. Tôi nghĩ một người bình thường nào ở đây cũng có thể hỏi: Tôi biết tôi bị mắc kẹt trong cái bẫy của nền văn minh, của thống khổ, buồn phiền, sống một cuộc đời nhỏ nhoi, hạn hẹp. Tôi đã thử đủ mọi cách, nhưng không biết sao tất cả sự hỗn loạn đảo điên này vẫn cứ tồn tại mãi trong tôi. Tôi phải làm gì bây giờ? Làm thế nào tôi có thể thoát ra khỏi tất cả những hỗn loạn này?
Trong các buổi nói chuyện, ta đã đi sâu vào nhiều vấn đề khác nhau: trật tự, sợ hãi, đau đớn, yêu, chết và đau khổ. Nhưng rồi đến cuối các cuộc họp mặt này, đa phần chúng ta vẫn ở nơi mà chúng ta đã bắt đầu với một vài thay đổi nho nhỏ ngoài rìa, nhưng ở ngay gốc rễ con người ta, toàn bộ cấu trúc và bản chất của ta ít nhiều vẫn giậm chân tại chỗ. Làm thế nào tất cả những điều nói trên thật sự được xốc tung lên, để khi ta rời nơi này, ít nhất trong một ngày, một giờ, sẽ có điều gì đó hoàn toàn mới, một cuộc sống thật sự quan trọng, có ý nghĩa, sâu và rộng?
Tôi không biết liệu bạn có để ý những ngọn núi sáng nay không, dòng sông và những bóng râm biến chuyển, những hàng cây thông tối sẫm tương phản với nền trời xanh, và những ngọn đồi kỳ lạ đầy mảng sáng và tối. Vào một buổi sáng thế này, ngồi trong túp lều để nói về các vấn đề nghiêm trọng thì có vẻ thật vô lý, khi mọi vật quanh ta đang reo lên với một niềm vui to lớn, kêu thấu tận trời cao về vẻ đẹp của trái đất và nỗi thống khổ của con người. Nhưng bởi vì ta đang ngồi ở đây, nên tôi muốn tiếp cận toàn bộ vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Hãy chỉ lắng nghe, không chỉ ý nghĩa của những lời lẽ, không chỉ sự mô tả, bởi vì sự mô tả không bao giờ là thứ được mô tả – như khi bạn mô tả đồi núi, cây cối, những con sông và bóng tối, nếu bạn không tự mình nhìn thấy chúng, với cả trái tim và trí não của bạn, thì sự mô tả chẳng có ý nghĩa gì cả. Giống như mô tả thức ăn cho một người đói; người đang đói phải có thức ăn, chứ không chỉ những lời lẽ mô tả và mùi thức ăn.
Tôi hoàn toàn không biết diễn đạt thế nào cho khác biệt, nhưng tôi muốn khám phá. Nếu bạn cũng muốn khám phá điều đó với tôi – một cách nhìn khác về tất cả những điều này, nhìn từ một chiều không gian hoàn toàn khác. Không phải cái chiều thông thường của “tôi và bạn”, “chúng ta và họ”, “vấn đề của tôi”, “vấn đề của họ”, “làm sao kết thúc điều này và làm sao có được điều kia”, làm sao để trở nên thông minh, cao quý hơn, mà là cùng nhau thấy được rằng liệu ta có thể quan sát tất cả những hiện tượng này từ một chiều khác hay không. Có lẽ một số người trong chúng ta không quen với chiều đó, ta không biết là thật sự có một chiều khác hay không; ta có thể suy đoán về nó, ta có thể tưởng tượng về nó, nhưng suy đoán và tưởng tượng không phải là thực tế. Vậy, vì ta chỉ đối phó với những thực tế, chứ không phải với những suy đoán, nên tôi nghĩ chúng ta không chỉ cần nghe diễn giả nói, mà còn phải cố gắng vượt qua những lời lẽ và sự lý giải. Có nghĩa là bạn cũng phải có đủ sự chú tâm và quan tâm, nhận thức đủ về ý nghĩa của chiều không gian mà hẳn ta chưa hề chạm đến được, để hỏi rằng: Tôi có thể nhìn vào chiều không gian đó sáng nay không, không phải bằng đôi mắt của tôi, mà bằng đôi mắt của trí thông minh khách quan, cái đẹp và sự quan tâm hay không?
Tôi không biết bạn đã bao giờ nghĩ về không gian chưa. Ở đâu có không gian, ở đó có sự tĩnh lặng. Không phải thứ không gian do tư tưởng tạo ra, mà là một không gian không biên giới, một không gian không thể đo lường, không thể thấy được bằng tư tưởng, một không gian thật sự hoàn toàn không thể tưởng tượng. Bởi vì khi con người có không gian, không gian thật sự, rộng và sâu và một cảm giác mở ra vô hạn, không thuộc về ý thức của con người – vốn chỉ đơn thuần là một hình thức khác của tư tưởng tự mở rộng chính nó bằng sự đo lường của nó từ một cái trung tâm – mà không gian đó theo nghĩa không nhận thức được bằng tư tưởng, khi có loại không gian đó thì có sự tĩnh lặng tuyệt đối.
Cùng với sự đông đúc quá mức của các thành phố, sự bùng nổ dân số, tiếng ồn, có sự hạn chế ngày càng tăng ở bên ngoài, không gian sống càng lúc càng ít đi. Tôi không biết các bạn có để ý những tòa nhà mới được xây lên trong thung lũng này không, con người càng ngày càng đông thêm, xe hơi càng lúc càng nhiều, gây ô nhiễm không khí. Bên ngoài ngày càng ít không gian sống; nếu bạn đến bất cứ con phố nào ở một thành phố đông người, bạn sẽ để ý thấy điều này, đặc biệt là phương Đông. Ở Ấn Độ, bạn thấy hàng ngàn người sống trên vỉa hè đông nghịt. Và nhìn qua bất kỳ thành phố lớn nào, London, New York, hay bất cứ nơi nào, hầu như không còn chút không gian nào cả; nhà cửa nhỏ hẹp, con người sống như bị đóng hộp, bị nhốt, không thể thoát ra, mà ở đâu không có không gian, ở đó có bạo lực. Chúng ta không có không gian về mặt sinh thái, xã hội, hoặc trong chính trí não ta; việc ta không có không gian sống chịu trách nhiệm phần nào cho tình trạng bạo lực.
Trong chính trí não ta, không gian mà ta tạo là sự cô lập, một thế giới được xây dựng bao bọc quanh ta. Làm ơn quan sát điều này trong chính bạn chứ không phải chỉ vì diễn giả đang nói về nó. Không gian của ta là không gian của sự cô lập và thu mình. Ta không muốn bị tổn thương thêm nữa, ta đã bị tổn thương khi còn nhỏ và những dấu vết tổn thương còn lưu lại mãi; thế là ta thu mình lại, ta kháng cự, ta xây lên một bức tường quanh mình và quanh những người ta nghĩ là mình thích hay yêu, điều đó tạo ra một không gian hết sức hạn chế. Việc này giống như nhìn vào khu vườn của người khác qua một bức tường, hay nhìn vào trí não người khác, nhưng bức tường vẫn ở đó và thế giới ấy có rất ít không gian. Từ cái không gian nhỏ bé, chật hẹp, tệ hại này, ta hành động, ta suy nghĩ, ta yêu thương, ta hoạt động. Và từ cái trung tâm đó, ta cố gắng cải tạo thế giới, tham gia đảng này đảng nọ. Từ cái nơi bám víu chật hẹp ấy, ta nỗ lực tìm kiếm một vị đạo sư mới sẽ dạy cho ta con đường mới nhất để đạt được giác ngộ. Và trong những trí não huyên thiên không ngừng của ta, vốn đầy nghẹt kiến thức, những đồn đoán và ý kiến, khó mà có chút không gian nào.
Tôi không biết các bạn có để ý điều này không, nhưng nếu ta thường quan sát, nhận thức về những thứ quanh ta và ngay trong ta, không chỉ sống để kiếm tiền và có một tài khoản ngân hàng, có thứ này thứ nọ, thì ta hẳn phải thấy ta có ít không gian đến thế nào, rằng bên trong chúng ta chất chứa đầy nghẹt đến thế nào. Xin hãy quan sát điều đó trong chính bạn. Khi bị cô lập trong cái không gian nhỏ hẹp đó, với những bức tường to dày của sự kháng cự, của những ý tưởng và sự hung hăng gây chiến, làm sao ta có được không gian thật sự vô lượng? Như hôm trước ta đã nói, tư tưởng có thể đo lường được, tư tưởng là sự đo lường. Và bất kỳ hình thức tự cải thiện nào cũng đều có thể đo lường được; rõ ràng sự tự cải thiện là hình thức tàn nhẫn bậc nhất của sự cô lập. Ta thấy rằng tư tưởng không thể tạo ra một không gian mênh mông mà trong đó có sự tĩnh lặng hoàn toàn và trọn vẹn. Tư tưởng không thể mang lại sự tĩnh lặng đó, tư tưởng chỉ có thể tiến bộ, phát triển theo tỷ lệ với kết quả mà nó phóng chiếu ra, vốn có thể đo lường. Không gian mà tư tưởng tạo nên, do tưởng tượng hay vì sự thiết yếu, không bao giờ có thể bước vào một chiều không gian mà trong đó có thứ không gian không thuộc về tư tưởng. Qua nhiều thế kỷ, tư tưởng đã xây dựng nên một không gian hết sức hạn hẹp, giới hạn, cô lập, và do chính sự cô lập này mà nó gây ra chia rẽ; ở đâu có sự chia rẽ, ở đó có xung đột, về mặt quốc gia, dân tộc, tôn giáo, chính trị, trong các mối quan hệ, theo mọi cách. Xung đột vốn có thể đo lường – ít xung đột hơn hay nhiều xung đột hơn, vân vân.
Bây giờ, vấn đề là: Làm sao tư tưởng có thể thâm nhập vào không gian ấy? Hay tư tưởng không bao giờ bước vào đó được? Tôi là kết quả của tư tưởng. Tất cả hành vi của tôi, dù hợp logic hay phi logic và điên loạn, hoặc có tính giáo dục và khoa học cao, thì cũng đều dựa trên tư tưởng. Cái “tôi” là kết quả của mọi thứ đó, và nó có không gian bên trong những bức tường của sự kháng cự. Làm thế nào trí não có thể thay đổi điều đó và khám phá một điều vốn thuộc về một chiều nhận thức hoàn toàn khác? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ? Hai điều đó có thể cùng xuất hiện không? – sự tự do mà trong đó có sự tĩnh lặng hoàn toàn, nhờ đó có không gian mênh mông, và những bức tường của sự kháng cự mà tư tưởng đã tạo ra cùng với cái không gian nhỏ bé hạn hẹp của nó? Hai điều đó có thể cùng xuất hiện không? Đây đã là vấn đề của con người khi họ tìm hiểu thật sâu trong tôn giáo. Tôi có thể vẫn bám lấy cái tôi nhỏ bé của mình, cái không gian nhỏ bé của mình, bám lấy những thứ tôi đã thu gom được, bám lấy kiến thức, những kinh nghiệm, hy vọng và niềm vui của tôi, đồng thời đi vào một chiều không gian khác, nơi cả hai đều có thể hoạt động không? Tôi muốn ngồi bên phải Thượng đế, nhưng tôi cũng muốn thoát khỏi Thượng đế! Tôi muốn sống một đời cực kỳ vui vẻ, sung sướng, xinh đẹp và tôi cũng muốn có niềm vui không đo đếm được, vốn không thể bị mắc kẹt trong tư tưởng. Tôi muốn cả hoan lạc và niềm vui. Tôi biết sự chuyển động, đòi hỏi, theo đuổi hoan lạc cùng với tất cả nỗi sợ hãi, khó nhọc, phiền não, thống khổ và âu lo. Và tôi cũng biết niềm vui đó, vốn hoàn toàn không do mời gọi, vốn tư tưởng không bao giờ có thể nắm bắt; nếu tư tưởng thật sự nắm bắt được nó, thì nó một lần nữa trở thành hoan lạc, rồi nếp cũ nhàm chán lại bắt đầu. Vậy, tôi muốn có cả hai – những thứ của thế giới này và thế giới kia.
Tôi nghĩ đây là vấn đề của phần lớn chúng ta – phải không? Có một thời gian tuyệt vời trong thế giới này – tại sao không? – và tránh được mọi đau đớn, mọi phiền não, bởi vì tôi cũng biết những khoảnh khắc khác, khi có thứ niềm vui tột cùng không thể chạm đến, không bị hư hoại. Tôi muốn cả hai, và đó là điều mà ta đang tìm kiếm: mang tất cả gánh nặng của mình mà vẫn tìm kiếm tự do. Liệu tôi có thể làm việc này bằng ý chí? Chắc bạn nhớ điều ta đã nói hôm trước về ý chí? Ý chí không có liên hệ gì với thực tại, với “cái đang là”, mà ý chí là biểu hiện của dục vọng với tư cách là cái “tôi”. Ta nghĩ vì lý do nào đó, thông qua ý chí ta sẽ đạt đến cái kia, vì thế ta tự nhủ: “Tôi phải kiểm soát tư tưởng, tôi phải khép tư tưởng vào kỷ luật”. Khi cái “tôi” nói: “Tôi phải kiểm soát và đưa tư tưởng vào kỷ luật”, thì chính tư tưởng đã tự chia tách chính nó với tư cách cái “tôi” và kiểm soát tư tưởng như một thứ tách biệt. Đó vẫn là tư tưởng: cái “tôi” và cái “không phải tôi”. Ta hiểu ra – tư tưởng vốn đo lường được, ồn ào, huyên thiên, chạy lung tung khắp nơi – rằng chính tư tưởng đã tạo không gian của một chú chuột nhắt, một con khỉ tự cắn đuôi mình. Thế nên ta hỏi: Làm sao để tư tưởng trở nên tịch lặng? Tư tưởng đã tạo ra một thế giới công nghệ hỗn loạn, chiến tranh, chia rẽ các quốc gia, chia cắt các tôn giáo; tư tưởng đã mang lại khổ đau, hỗn loạn và phiền não. Tư tưởng là thời gian, do đó, thời gian là đau khổ, phiền não. Và bạn thấy tất cả những điều ấy nếu bạn đào sâu, không phải bằng sự chỉ dạy của ai khác, mà đơn thuần bằng cách quan sát điều ấy trong thế giới và trong chính bạn.
Bây giờ một câu hỏi nữa khởi lên: Tư tưởng có thể nào hoàn toàn tĩnh lặng và chỉ vận hành khi nào cần thiết không – khi ta phải sử dụng kiến thức công nghệ ở chỗ làm, khi ta nói chuyện, vân vân – và thời gian còn lại thì tuyệt đối tĩnh lặng? Càng có nhiều không gian và sự tịch lặng, nó càng có thể vận hành một cách hợp lý, lành mạnh, ôn hòa với kiến thức. Nếu không, kiến thức sẽ trở thành mục tiêu cho chính nó và gây ra hỗn loạn. Đừng đồng ý với tôi, bạn hãy tự mình thấy. Tư tưởng, vốn là phản ứng của ký ức, của kiến thức, kinh nghiệm và thời gian, là nội dung của ý thức; tư tưởng phải vận hành với kiến thức, nhưng nó chỉ có thể vận hành với trí thông minh tối thượng khi có không gian và sự tịch lặng – khi nó vận hành từ đó.
Phải có không gian mênh mông và sự tịch lặng, bởi vì khi có không gian và sự tịch lặng đó, cái đẹp sẽ xuất hiện, có tình yêu. Không phải cái đẹp được kết tập thành bởi con người, bởi nghệ thuật kiến trúc, trang trí thảm, gốm sứ, hội họa hay thơ ca, mà cái đẹp theo nghĩa của không gian mênh mông và sự tịch lặng. Tuy nhiên, tư tưởng phải hành động, phải vận hành. Đó là vấn đề của ta – tôi biến nó thành vấn đề để ta có thể cùng nhau tìm hiểu, sao cho cả bạn và tôi đều khám phá được điều gì đó hoàn toàn mới. Bởi vì mỗi lần ta tìm hiểu mà không biết, ta mới khám phá ra điều gì đó. Còn nếu bạn tìm hiểu với cái biết, bạn sẽ không bao giờ khám phá được điều gì cả. Vậy, đó chính là điều mà ta đang làm. Tư tưởng có thể trở nên tịch lặng không? Liệu tư tưởng vốn phải vận hành trong phạm vi kiến thức một cách hoàn toàn, trọn vẹn, khách quan và ôn hòa đó có thể tự chấm dứt nó không? Tức là, liệu tư tưởng, vốn là quá khứ, là ký ức, là một ngàn ngày hôm qua, liệu có thể nào tất cả quá khứ đó, tất cả sự quy định đó đi đến chỗ chấm dứt hoàn toàn không? – sao cho có sự tịch lặng, có không gian, có ý thức về một chiều nhận thức phi thường.
Tôi tự hỏi chính tôi và bạn đang đặt ra câu hỏi đó cùng với tôi: Làm sao tư tưởng chấm dứt và không phải trong chính sự chấm dứt đó, tư tưởng trở nên hư hỏng, biệt tăm vào một trạng thái tưởng tượng nào đó và trở nên lệch lạc, điên loạn và mơ hồ? Làm thế nào tư tưởng đó vừa phải vận hành với một năng lượng to lớn và với một sức sống mãnh liệt, đồng thời lại hoàn toàn bất động? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ? Đây là vấn đề của những người theo tôn giáo nghiêm túc – không phải người thuộc về một giáo phái nào đó dựa trên niềm tin có tổ chức và tuyên truyền, do đó, không phải là tôn giáo gì cả. Liệu hai phương thức đó có thể cùng vận hành, cùng chuyển động – không phải liên kết hay tham gia cùng nhau – mà là cùng chuyển động? Chúng chỉ có thể cùng chuyển dịch nếu tư tưởng không tự phân chia thành người quan sát và thứ được quan sát.
Bạn thấy đó, cuộc sống là một sự chuyển động trong mối quan hệ, không ngừng chuyển động và đổi thay. Sự chuyển động này có thể tự duy trì, chuyển động một cách tự do, khi không có sự chia tách nào giữa người tư duy và tư tưởng. Tức là, khi tư tưởng tự phân chia thành cái “tôi” và cái “không phải tôi”, thành người quan sát, người trải nghiệm và thứ được quan sát, thứ được trải nghiệm; bởi vì trong đó có sự chia tách, dẫn đến xung đột. Khi tư tưởng nhìn thấy sự thật của điều đó, nó không còn tìm kiếm kinh nghiệm, lúc đó nó chuyển động trong sự đang trải nghiệm. Chẳng phải bây giờ bạn đang làm việc đó sao?
Tôi vừa mới nói, tư tưởng với tất cả kiến thức của nó, vốn luôn luôn tích lũy, là thứ đang sống động; nó không phải là thứ đã chết, cho nên cái không gian mênh mông có thể chuyển động cùng với tư tưởng. Khi tư tưởng tự chia tách nó thành người tư duy, người trải nghiệm, gây chia rẽ và xung đột, thì người trải nghiệm đó, người quan sát đó, người tư duy đó trở thành quá khứ đứng yên một chỗ, và do đó không chuyển động nữa. Trí não nhìn thấy trong sự xem xét này rằng ở đâu có sự chia tách trong tư tưởng, thì ở đó không thể có sự chuyển động. Ở đâu có sự chia tách, ở đó quá khứ xen vào và quá khứ trở nên bất động, thành cái trung tâm bất di bất dịch. Cái trung tâm bất di bất dịch có thể được sửa đổi và thêm này bớt kia, nhưng nó vẫn là một trạng thái bất động, và do đó không còn chuyển động tự do nữa.
Vậy, câu hỏi tiếp theo của tôi cho chính tôi và cho các bạn là: Tư tưởng có thấy được điều này không, hay tri giác là điều gì đó hoàn toàn khác với tư tưởng? Ta thấy sự chia tách trong thế giới, về quốc gia, tôn giáo, kinh tế, xã hội, vân vân; trong sự chia tách này có xung đột, điều đó thì rõ rồi. Và khi có sự chia tách, phân chia manh mún trong chính tôi, thì tất phải có xung đột. Lúc đó tôi bị phân chia trong chính mình thành người quan sát và thứ được quan sát, người tư duy và tư duy, người trải nghiệm và trải nghiệm. Chính sự chia rẽ đó được gây ra bởi tư tưởng, tức là kết quả của quá khứ – tôi thấy được sự thật của điều này. Bây giờ, câu hỏi của tôi là: Liệu tư tưởng có thấy điều này không, hay một nhân tố nào khác thấy điều này? Hay nhân tố mới đó là trí thông minh chứ không phải tư tưởng? Bây giờ, mối quan hệ giữa tư tưởng và trí thông minh là gì? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ? Cá nhân tôi cực kỳ quan tâm đến điều này, bạn có thể tham gia với tôi hoặc không. Thật phi thường khi đi sâu vào điều này.
Tư tưởng đã gây ra sự chia tách này: quá khứ, hiện tại, tương lai. Tư tưởng là thời gian. Và tư tưởng tự nói với chính nó: Tôi thấy sự chia tách này ở bên ngoài và bên trong, tôi thấy sự chia tách này là yếu tố gây xung đột. Không thể vượt qua được điều này, do đó nó nói: Tôi vẫn giậm chân tại chỗ, tôi vẫn đang ở lại với những xung đột của tôi, bởi vì tư tưởng nói: “Tôi thấy sự thật của sự chia tách và xung đột”. Vậy, tư tưởng thấy được điều đó, hay một nhân tố mới là trí thông minh thấy được điều đó? Nếu là trí thông minh thấy thì mối quan hệ giữa tư tưởng và trí thông minh là gì? Trí thông minh có mang tính cá nhân không? Phải chăng trí thông minh là kết quả của kiến thức, lý luận, kinh nghiệm trong sách vở? Hay trí thông minh là tự do khỏi sự chia tách tư tưởng – sự chia tách mà tư tưởng đã tạo ra? Vì thấy điều đó theo logic và vì không thể vượt qua nó, tư tưởng ở lại với nó; không cố gắng đấu tranh với nó hay khuất phục nó. Từ đó, trí thông minh xuất hiện.
Bạn thấy đó, ta đang hỏi: Trí thông minh là gì? Có thể trau dồi trí thông minh được không? Hay trí thông minh vốn bẩm sinh? Tư tưởng có thấy được sự thật của xung đột, của sự chia tách và những điều kiểu vậy không, hay tính chất của trí não là nhìn thấy thực tế và hoàn toàn tịch lặng với thực tế? – hoàn toàn tịch lặng, không tìm cách vượt qua nó, khuất phục nó, thay đổi nó, mà hoàn toàn tĩnh lặng trước thực tế. Chính sự tĩnh lặng đó là trí thông minh. Trí thông minh không phải là tư tưởng. Trí thông minh là sự tịch lặng này và do đó hoàn toàn không mang tính cá nhân. Nó không thuộc về bất cứ đoàn thể nào, bất cứ người nào, bất cứ chủng tộc nào, bất cứ nền văn hóa nào.
Vậy, trí não tôi đã thấy rằng có sự tịch lặng, không phải cái gì đó được kết tập hình thành bởi tư tưởng, kỷ luật, tu tập và tất cả những thứ hãi hùng kiểu đó, mà là cái thấy được tư tưởng không thể vượt qua chính nó, bởi vì tư tưởng là kết quả của quá khứ; và ở đâu quá khứ vận hành, thì nó tất phải gây ra sự chia tách và dẫn đến xung đột. Ta có thể thấy được điều đó và vẫn tĩnh lặng với nó chứ? Nó giống như hoàn toàn tĩnh lặng với sự đau khổ. Khi ai đó qua đời, một người mà bạn đã quan tâm, đã chăm sóc, trìu mến, thương yêu, sẽ có một sự chấn động do cô độc, tuyệt vọng, một cảm giác cô lập, mọi thứ sụp đổ quanh bạn; liệu ta có thể ở lại cùng nỗi đau khổ đó, không tìm cách giải thích và tìm nguyên nhân, không nghĩ rằng: “Tại sao người ấy ra đi mà không phải là tôi?”? Hoàn toàn tĩnh lặng với nỗi đau chính là trí thông minh. Trí thông minh đó bấy giờ có thể vận hành trong tư tưởng, sử dụng kiến thức; kiến thức và tư tưởng đó sẽ không gây chia rẽ.
Vậy, câu hỏi nảy sinh là: Làm thế nào trí não của bạn, trí não cứ huyên thiên không ngừng, tầm thường bất tận – bị vướng mắc trong một cái bẫy, đấu tranh, tìm kiếm, chạy theo một đạo sư và vận dụng kỷ luật – làm sao để trí não đó hoàn toàn tịch lặng?
Hòa hợp là tịch lặng. Có sự hòa hợp giữa thân, tâm và trí, hoàn toàn hòa hợp, không bất hòa. Nghĩa là thân thể không bị trí não áp bức và áp đặt kỷ luật. Khi thân thể thích một loại thức ăn nào đó, hay thuốc lá, thuốc phiện, nếu trí não kiểm soát sự phấn khích vì những thứ đó thì đó là một sự trấn áp. Trong khi đó, thân thể có trí thông minh riêng khi nó nhạy cảm, sinh động và không bị làm hỏng. Ta phải có một thân thể như thế, sống động, tích cực, không nghiện ngập. Và ta cũng phải có một trái tim – không bị kích động, không đa cảm, không cảm xúc, không nồng nhiệt, mà mang một cảm thức về sự đầy đủ, về chiều sâu, phẩm chất, sức mạnh, vốn chỉ có thể có được khi có tình yêu. Và ta phải có một trí não có không gian mênh mông. Chỉ lúc đó mới có sự hòa hợp.
Làm thế nào trí não đạt được điều này? Tôi tin chắc tất cả các bạn đều thắc mắc như vậy, có thể không phải trong lúc bạn đang ngồi đây, mà khi bạn trở về nhà, khi bạn đi dạo, bạn sẽ hỏi: Làm thế nào ta có được cảm giác hoàn toàn hợp nhất này, cảm giác thống nhất giữa cơ thể, con tim và trí não mà không có ý bóp méo, chia rẽ hay phân chia manh mún? Bạn nghĩ bạn sẽ có được điều đó bằng cách nào? Bạn thấy được thực tế của điều này, đúng không? Bạn thấy được sự thật về điều đó, rằng bạn phải có sự hòa hợp hoàn toàn trong chính mình, trong trí, tâm và thân. Tựa như có một ô cửa sổ trong suốt, không vết trầy xước, không dơ bẩn mờ đục; khi nhìn ra ngoài qua ô cửa đó, bạn có thể thấy mọi thứ không bị xuyên tạc, bóp méo chút nào. Làm sao bạn có được điều đó?
Vậy, ai là người nhìn thấy sự thật? Ai thấy được sự thật rằng phải có sự hòa hợp hoàn toàn này? Như ta đã nói, khi có sự hòa hợp thì mới có sự tịch lặng. Khi trí, tâm và thân hoàn toàn hòa hợp, liền có sự tịch lặng; nhưng khi một trong ba bị bóp méo, thì sẽ có sự ồn ào. Ai là người thấy được thực tế này? Bạn có thấy nó như một ý tưởng, như một lý thuyết, như một điều bạn “nên có” không? Nếu bạn thấy như thế, thì nó hoàn toàn là sự vận hành của tư tưởng. Bạn sẽ nói rằng: Hãy nói cho tôi biết tôi phải tu tập theo phương pháp nào để đạt được điều đó, tôi sẽ từ bỏ, tôi sẽ thực hành kỷ luật – tất cả những điều đó đều là hoạt động của tư tưởng. Nhưng khi bạn thấy được sự thật của điều này – sự thật, chứ không phải cái “nên là” – khi bạn thấy rằng đó là thực tế thì chính là trí thông minh thấy điều đó. Cho nên, chính trí thông minh sẽ vận hành và tạo ra trạng thái này.
Tư tưởng thuộc về thời gian, trí thông minh không thuộc về thời gian. Trí thông minh vốn không thể đo lường – không phải trí thông minh khoa học, không phải trí thông minh của một kỹ thuật viên, của một người nội trợ, hay của một người biết rất nhiều. Tất cả những điều đó đều nằm trong phạm vi của tư tưởng và kiến thức. Chỉ khi nào trí não hoàn toàn tịch lặng – và nó có thể tịch lặng, bạn không cần phải tu tập hay kiểm soát, nó có thể hoàn toàn tịch lặng – khi đó sẽ có sự hòa hợp, có không gian mênh mông và sự tịch lặng. Và chỉ lúc đó mới có cái vô lượng.
Người hỏi: Tôi đã nghe ngài nói suốt năm mươi năm. Ngài đã nói rằng ta phải chết đi từng khoảnh khắc. Điều này bây giờ thật với tôi hơn bao giờ hết.
Krishnamurti: Tôi hiểu, thưa ngài. Bạn phải nghe diễn giả nói suốt năm mươi năm rồi cuối cùng mới hiểu điều diễn giả nói? Điều đó mất thời gian vậy sao? Hay bạn có thấy được vẻ đẹp của điều gì đó ngay lập tức và do đó nó hiện diện không? Tại sao bạn và nhiều người khác cần thời gian để đến với mọi điều này? Tại sao bạn phải mất nhiều năm để hiểu điều vô cùng đơn giản này? Quả thật nó hết sức đơn giản, tôi đảm bảo với bạn. Nó chỉ trở nên phức tạp khi giải thích, còn thực tế thì đơn giản một cách lạ lùng. Tại sao ta không thấy được tính đơn giản, sự thật và cái đẹp của điều đó ngay lập tức, và bấy giờ toàn bộ hiện tượng của đời sống thay đổi? Tại sao? Phải chăng bởi vì ta bị quy định quá nặng nề? Và nếu bạn bị quy định quá nặng nề, phải chăng bạn không thể thấy sự quy định đó ngay lập tức, hay bạn phải lột nó như lột một củ hành, hết lớp này tới lớp khác? Hay vì ta lười biếng, uể oải, thờ ơ, bị mắc kẹt trong chính vấn đề của ta? Nếu bạn bị mắc kẹt trong một vấn đề, vấn đề đó không tách biệt với tất cả số vấn đề còn lại, chúng hoàn toàn liên quan đến nhau. Nếu bạn đối mặt với một vấn đề, dù đó là tình dục, mối quan hệ hay sự cô độc, bất cứ điều gì đi nữa, hãy đi đến cùng. Nhưng bởi vì bạn không thể làm việc đó, nên bạn phải nghe một người nói suốt năm mươi năm! Bạn sẽ nói phải mất năm mươi năm để nhìn vào những ngọn núi kia chứ?
Người hỏi: Tôi muốn biết về Hatha Yoga. Tôi biết nhiều người tập yoga nhưng họ tự phản bội chính mình; rõ ràng họ sống trong tưởng tượng.
Krishnamurti: Tôi nghe nói rằng Hatha Yoga và tất cả điều phức tạp của nó đã được tạo ra ba ngàn năm trước. Tôi được nghe điều này từ một người đã nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng toàn bộ vấn đề này. Vào thời gian đó, các vị chúa đất phải giữ gìn não bộ và tư tưởng của họ cho thật sáng suốt bằng cách nhai một loại lá hái từ dãy Himalaya. Theo thời gian, loại cây đó tuyệt chủng, nên người ta phải phát minh ra một phương pháp để nhờ đó các tuyến trong cơ thể con người được giữ gìn khỏe khoắn và đầy khí lực. Vậy là họ sáng tạo ra các bài tập yoga để giữ cho thân thể khỏe mạnh và nhờ đó có một trí não sáng suốt, năng động. Việc thực hành các bài tập nhất định – các asana hay gì đó – thật sự giữ cho các tuyến trong cơ thể khỏe mạnh và năng động. Họ cũng nhận thấy rằng hít thở đúng cách không giúp ta đạt được giác ngộ, mà giữ cho trí não, các tế bào não, được cung cấp đủ dưỡng khí, để chúng vận hành hiệu quả. Rồi tất cả những người lợi dụng yoga xuất hiện và nói: Nếu bạn làm những điều này, bạn sẽ có được một trí não tĩnh tại, tịch lặng. Sự tịch lặng của họ là sự tịch lặng của tư tưởng, tức là sự hư hoại và dẫn đến cái chết. Họ nói: Đây là cách để bạn đánh thức các trung tâm khác nhau và bạn sẽ trải nghiệm sự giác ngộ. Tất nhiên trí não quá háo hức, quá tham lam, muốn có nhiều kinh nghiệm hơn, muốn hơn người khác, nhìn rõ hơn, có một thân thể tốt đẹp hơn, thế là ta rơi vào cái bẫy. Diễn giả đã tập nhiều động tác khác nhau, hai tiếng mỗi ngày; nhưng đừng bắt chước ông ta, bạn không biết gì về nó! Chừng nào ta còn sống trong tưởng tượng, tức là sự vận hành của tư tưởng, thì dù bạn làm gì đi nữa, trí não cũng không bao giờ có thể tịch lặng, bình an, với một cảm giác về cái đẹp và sự đầy đủ to lớn bên trong.
Người hỏi: Trong trạng thái hài hòa, hợp nhất này, trí não vận hành hoàn toàn theo hướng công nghệ, kỹ thuật, thì có sự phân chia giữa người quan sát và điều được quan sát không?
Krishnamurti: Tôi hiểu câu hỏi. Bạn nghĩ gì? Khi có sự hòa hợp hoàn toàn – hòa hợp thật sự chứ không phải tưởng tượng – khi thân, tâm và trí hoàn toàn hòa hợp và hợp nhất, khi có cảm thức về trí thông minh hòa hợp và trí thông minh đó đang sử dụng tư tưởng, thì lúc đó có chăng sự chia tách giữa người quan sát và vật được quan sát? Rõ ràng là không. Khi không có sự hòa hợp thì có sự phân chia manh mún, lúc ấy tư tưởng gây ra sự chia tách thành cái “tôi” và cái “không phải tôi”, người quan sát và thứ được quan sát. Điều này hết sức đơn giản.
Người hỏi: Trong buổi nói chuyện thứ hai, ngài bảo rằng ta phải nhận thức không chỉ khi đang thức mà cả khi đang ngủ nữa.
Krishnamurti: Có thể nhận thức khi bạn đang ngủ giống như khi bạn thức không? Bạn hiểu câu hỏi chứ? Tức là, thời gian thức trong ngày, ta nhận thức một cách nông cạn hay sâu sắc mọi thứ đang diễn ra bên trong; ta nhận thức được tất cả các chuyển động của tư tưởng, sự chia rẽ, xung đột, nỗi thống khổ, cô độc, đòi hỏi niềm vui thú, theo đuổi những tham vọng, sự tham lam, âu lo, ta nhận thức được tất cả những điều đó. Khi bạn nhận thức như thế suốt cả ngày, thì sự nhận thức đó có tiếp tục diễn ra suốt đêm dưới dạng những giấc mơ không? Hay không có mộng mị gì cả mà chỉ có một sự nhận thức thôi?
Xin hãy lắng nghe điều này: Liệu tôi, liệu bạn có nhận thức từng chuyển động của tư tưởng trong suốt cả ngày không? Hãy trung thực, hãy đơn giản: Bạn không làm thế. Bạn nhận thức một cách chắp vá. Tôi nhận thức trong hai phút, rồi có một khoảng trống lớn, lại nhận thức sau vài phút hay nửa giờ, tôi nhận ra mình đã bỏ quên chính mình và nhặt lên lại. Có nhiều khoảng trống trong sự nhận thức của ta – ta không bao giờ nhận thức một cách liên tục và ta nghĩ ta phải nhận thức không ngừng. Bây giờ, trước hết, có những khoảng trống lớn trong sự nhận thức, đúng không? Có nhận thức, rồi không nhận thức, rồi lại nhận thức, cứ thế trong suốt cả ngày. Cái nào là quan trọng? Nhận thức liên tục hay nhận thức theo từng đoạn ngắn? Ta làm gì với những giai đoạn dài mà trong đó ta không nhận thức? Giữa ba loại này, bạn nghĩ cái nào là quan trọng? Tôi biết cái nào quan trọng đối với tôi. Tôi không bận tâm về việc nhận thức trong một giai đoạn ngắn, hay muốn có sự nhận thức liên tục; tôi chỉ quan tâm đến thời gian tôi không nhận thức, khi tôi không chú tâm. Tôi nói rằng tôi rất quan tâm đến lý do tại sao tôi không chú tâm, và tôi phải làm gì với sự không chú tâm đó, sự không nhận thức đó? Đó mới là vấn đề của tôi – chứ không phải sự nhận thức liên tục. Bạn sẽ phát điên, trừ khi bạn đã thật sự thâm nhập vào điều này cực sâu. Vì thế, mối quan tâm của tôi là: Tại sao tôi không chú tâm và điều gì xảy ra trong giai đoạn tôi không chú tâm đó?
Tôi biết điều gì xảy ra khi tôi nhận thức. Khi tôi nhận thức, không có gì xảy ra cả. Tôi sống, chuyển động, đầy sinh lực; trong đó, không điều gì có thể xảy ra bởi vì không có sự chọn lựa cho điều gì đó xảy ra. Vậy khi tôi không chú tâm, không nhận thức, thì lúc đó nhiều thứ sẽ xảy ra. Thế rồi tôi nói những điều không thật, thế rồi tôi căng thẳng, âu lo, bị mắc kẹt, tôi quay lại với sự tuyệt vọng của mình. Tại sao điều này lại xảy ra? Bạn hiểu ý tôi muốn nói gì chứ? Có phải đó là điều bạn đang làm? Hay bạn quan tâm đến việc hoàn toàn nhận thức và cố gắng, thực hành để luôn luôn nhận thức.
Tôi thấy tôi không nhận thức và tôi sẽ quan sát xem điều gì xảy ra trong trạng thái không nhận thức đó khi tôi không tri giác. Nhận thức rằng tôi không nhận thức chính là nhận thức. Tôi biết khi tôi nhận thức; khi có sự nhận thức, đó là một điều hoàn toàn khác biệt. Và tôi biết khi tôi không nhận thức, tôi lo âu, căng thẳng, tôi vặn xoắn bàn tay, tôi làm đủ thứ việc ngu ngốc. Khi chú tâm vào sự không nhận thức đó, thì toàn bộ điều này chấm dứt. Khi ngay lúc không nhận thức, tôi nhận thức được rằng tôi không nhận thức, thế là điều đó kết thúc; bởi vì lúc ấy tôi không phải đấu tranh hay nói rằng: “Tôi phải luôn luôn nhận thức, xin hãy nói cho tôi biết phương pháp để nhận thức, tôi phải thực hành nó…” rồi trở nên ngày càng ngu muội hơn. Vậy, bạn thấy đó, khi không có sự nhận thức và tôi biết tôi không nhận thức, thì lúc đó toàn bộ chuyển động thay đổi.
Bây giờ, điều gì xảy ra trong lúc ngủ? Bạn có nhận thức khi bạn ngủ không? Nếu bạn nhận thức trong thời gian thức một cách chắp vá, thì điều đó sẽ tiếp tục trong lúc bạn ngủ – rõ ràng là vậy. Nhưng khi bạn nhận thức, đồng thời nhận thức được rằng bạn không chú tâm, thì một chuyển động hoàn toàn khác sẽ diễn ra. Lúc đó, khi bạn ngủ, sẽ có một nhận thức về sự tĩnh lặng hoàn toàn. Trí não tự nhận thức chính nó. Tôi sẽ không đi sâu vào điều này, đó chẳng phải là bí ẩn gì, cũng không phải là điều gì lạ thường. Bạn thấy đấy, khi trí não nhận thức sâu suốt ngày, thì sự nhận thức sâu thẳm ấy tạo ra một phẩm chất cho trí não trong lúc ngủ là tuyệt đối tịch lặng. Suốt cả ngày, bạn đã quan sát, bạn đã nhận thức một cách chắp vá, hoặc bạn nhận thức được sự không chú tâm của mình; bởi vì bạn đã sống một ngày như thế, nên hoạt động của não bộ đã thiết lập trật tự khi bạn ngủ. Não bộ đòi hỏi trật tự, ngay cả khi trật tự đó nằm trong một niềm tin điên loạn nào đó, trong chủ nghĩa quốc gia hay trong cái này, cái nọ – nhưng trong đó, nó tìm thấy một trật tự mà chắc chắn sẽ sinh ra vô trật tự. Nhưng khi bạn nhận thức trong suốt cả ngày và nhận thức về sự không nhận thức của bạn, thì đến cuối ngày sẽ có trật tự; lúc đó, não bộ sẽ không phải đấu tranh suốt đêm để lập lại trật tự nữa. Cho nên não bộ được nghỉ ngơi, tĩnh lặng. Và sáng hôm sau, khi thức dậy, não bộ trở nên sinh động lạ thường, chứ không phải là một thứ bất động, suy tàn, nghiện ngập.
Saanen
1/8/1971