LÒNG TỰ TÔN
LÒNG TỰ TÔN
Người ta có thể chịu được cảnh không có tình, không mấy ai yêu quý. Người ta cũng có thể chịu được tình trạng nghèo đói, không tài sản trong tay. Nhưng nếu tự cảm thấy mình không còn là ai giữa cuộc đời này, thì toàn bộ giá trị của họ bị phủ nhận. Lúc ấy họ thật sự trắng tay.
Vì thế chúng ta luôn có một tâm trạng âm thầm, đó là sợ mất danh dự. Cho nên ta thường yêu quý và cần có người tôn trọng mình bên cạnh. Họ cho chúng ta cảm giác được là ai đấy giữa đời này, được có ý nghĩa.
Minh mới xem phim Tế Công của Châu Tinh Trì. Có một nhân vật làm Minh rất lưu tâm, đó là anh chàng ăn mày, đệ tử của Tế Công tại thế gian. Câu chuyện ngắn gọn thế này, Tế Công là một nhân vật đã tu đến tầng La Hán. Vì sự thách đố của các vị trên Trời, Tế Công chấp nhận giáng xuống nhân gian để độ ba người, đại diện cho ba loại người khó thay đổi nhất.
Người thứ nhất là người đã nhiều đời làm điếm. Đây là loại người đã quen ở dưới đáy xã hội, không còn chút danh dự, tự tôn nào lưu lại cho mình. Người thứ hai là người nhiều kiếp làm ăn mày. Anh chàng này cũng không khác gì, tượng trưng cho loại người không bao giờ nghĩ đến việc mình là ai, giá trị của mình là gì, chỉ làm sao sống cho qua ngày và có cơm ăn. Người thứ ba là người nhiều đời làm ác nhân. Loại người này đã bán mạng cho cái ác, đời đã hỏng rồi, danh dự cũng không còn. Tế Công phải giáng xuống thân phận con người để độ ba bọn họ.
Lật ngược một chút, bạn có nhận ra điều tinh tế gì ở đây không? Nếu việc độ cho ba người không còn chút danh dự nào khó đến thế, thì chứng tỏ tầm quan trọng của danh dự lớn thế nào. Với một người, danh dự, sự tự tôn chính là tôn nghiêm của người đó. Có nó, khi đối diện với cuộc đời, anh ta biết mình là ai, cần làm gì. Không có nó, anh ta cảm thấy mình là kẻ bỏ đi. Danh dự quan trọng như vậy đấy. Chúng ta đều sống trong đô thị. Bạn đừng tưởng nếu mình sống ở nông thôn thì “thoát khỏi” đô thị nhé. Những giá trị của đô thị sẽ len lỏi đến chỗ bạn thôi.
Một đặc trưng của đô thị là phòng kín. Trong phòng kín, chúng ta có các mối quan hệ cố định trong một thời gian dài. Chúng ta chào sếp, gặp gỡ đồng nghiệp, làm việc với đối tác. Những việc này lặp lại hằng ngày như con lắc thôi miên. Giống như ta bị trói cùng với những con người ấy bằng một sợi dây vô hình trong gian phòng kín. Vì thế mà phát sinh những chứng bệnh tâm lí rất khủng khiếp khi phải đối diện và giao tiếp với nhau ngày qua ngày.
Ta vốn thuộc về những thế giới rộng lớn hơn, nên khi bị khuôn vào những giới hạn thì ta trở nên điên cuồng. Lúc điên cuồng như vậy, ta rất dễ làm hại nhau bằng cách đả kích, coi thường danh dự của nhau. Điều này khiến chúng ta, những con người đô thị vốn đã rất mệt mỏi trước các áp lực, càng điên cuồng hơn để chống trả trước sức ép mới đó.
Đứng trước sự điên cuồng này, nguyên tắc của giao tiếp là phải tôn trọng đối phương. Nếu tỏ ý không tôn trọng, quan hệ giao tiếp chắc chắn sẽ hỏng, cả hai bên không thể lắng nghe nhau dù chỉ một câu. Nắm bắt được mong muốn tôn trọng này của mọi người, kẻ thực hành giao tiếp đã nắm chắc phần thắng.
Có rất nhiều cách để thể hiện sự tôn trọng đối phương: lời cảm ơn, nụ cười, lời quan tâm,... Những cử chỉ đơn giản như vậy chính là các cách hữu hiệu để thể hiện sự tôn trọng, quan tâm.
ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG KẺ CỨNG ĐẦU
Kẻ cứng đầu là kẻ như thế nào? Có rất nhiều tính từ để miêu tả một kẻ cứng đầu: Bảo thủ, ương bướng, khó thay đổi. Nhưng thực ra sự cứng đầu còn thể hiện một bản chất khác: Họ có thể lưu giữ những đặc tính của mình một cách kiên định trước áp lực của người ngoài. Đó là hai mặt tốt xấu của họ, chứ không nói việc cứng đầu là tốt hay xấu.
Lại nói về Minh, cô có một đời sống rất phức tạp với một ông già và cái miệng không thể kiểm soát. Bạn biết rồi đấy, năm nay chương trình học của Minh có môn Đàm phán. Môn này thật sự “rất khoai” với cô.
Ngoài việc phải đàm phán, mọi người còn cần làm việc theo nhóm. Đây có lẽ mới là thử thách lớn nhất cho Minh. Cô giáo muốn cả lớp có cơ hội thực hành, nên chia 60 người trong lớp ra thành 10 nhóm để bốc thăm “thi đấu” giữa các nhóm với nhau. Với khả năng giao tiếp của Minh, làm việc theo nhóm đã là khó lắm rồi. Chưa kể, các bạn trong lớp còn mang theo định kiến về cô. Có rất nhiều bạn không thích Minh, nhất là Phong và nhóm bạn của nó. Oái oăm thay, Phong và cả nhóm lần này lại chung nhóm với Minh.
Giờ học Đàm phán đến, cô giáo yêu cầu cả lớp ngồi theo nhóm. Bình thường tránh nhìn mặt nhau thì không sao, giờ họ bị “buộc” chung một chỗ, phải làm chung một việc, cho nên không khí mỗi buổi học đều rất căng thẳng.
Căng thẳng đến nỗi ông già cũng phải lên tiếng: “Tôi mệt quá, cô làm ơn giải quyết giùm cái.” – “Tôi chịu, chẳng biết giải quyết thế nào. Sắp tới còn phải làm việc nhóm nữa kìa.” – “Chẳng nhẽ cứ để thế này? Hay cô hỏi Trang đi.”
Minh được cô giáo giao làm nhóm trưởng nhóm đàm phán gồm 10 người. Ai từng đi học cũng biết, làm nhóm trưởng rất vất vả. Đủ thứ phải lo, đủ việc phải tính, và đủ chuyện phải gặp! Khi bắt đầu họp nhóm thì lời Minh không xi nhê gì với Phong. Không hiểu sao Phong lại cứng đầu như vậy.
Giờ ra chơi, Minh hỏi Trang xem có cách nào xử lí tên nhóm viên “mất dạy” này. Trang ung dung kể cho Minh:
- Có câu chuyện này chắc giúp được cậu. Cậu biết Gia Cát Lượng không?
- Không?
- Ông ấy là một vị tướng, một vị quân sư tài ba thời Tam Quốc.
- Ừ?
- Ông ấy có biểu tự* là Khổng Minh, cậu cũng tên Minh. Có khi cậu liên quan đến ông ấy đấy.
Chú thích:
* Biểu tự: Tên chữ, được đặt cho người trưởng thành theo quan niệm Nho lâm
- Hahaha. Sao cậu có thể nghĩ ra điều này được nhỉ?
Trang kể tiếp:
- Một lần ông ấy có nhiệm vụ phải thu phục một thủ lĩnh nhóm dân tộc thiểu số tên là Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch là một tay rất cứng đầu. Lần đầu giao chiến, Gia Cát Lượng đã bắt sống hắn, đem về quân trại. Để thu phục Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đưa hắn đi xem quân trại, cho hắn thấy sự uy nghiêm, lớn mạnh của quân đội mình. Mạnh Hoạch trong lòng đã lung lay, nhưng với bản tính cứng đầu, hắn vẫn không chịu khuất phục. Hắn cho rằng mình có thể chiến thắng quân đội của Gia Cát Lượng.
- Xong rồi sao?
- Rồi Gia Cát Lượng thả Mạnh Hoạch về, cho Mạnh Hoạch chỉnh đốn binh lực, chiến đấu tiếp lần thứ hai. Lần hai kết quả vẫn vậy, rồi Gia Cát Lượng lại thả anh ta về tiếp. Bảy lần như thế. Đến lần thứ bảy, Mạnh Hoạch mới chịu phục, không dám làm phản nữa. Sau khi anh ta quy hàng, Gia Cát Lượng còn bày tiệc chiêu đãi anh ta, rồi mới tiễn anh ta quay về.
- Hmm, chuyện hay. Nhưng tớ phải áp dụng thế nào với “thằng kia”?
- Cậu phải hiểu chuyện này trước đã. Với một người cứng đầu, ta không thể lấy đá chọi với đá. Họ cương thì ta phải nhu. Thằng bạn cậu đang cứng đầu, cậu phải nhu bảy lần khiến nó khuất phục.
- OK.
- Thứ hai, đó là về chuyện danh dự. Để khiến Mạnh Hoạch chịu hàng, Gia Cát Lượng đã thu phục anh ta bằng cách thu phục danh dự của anh ta. Thua đến bảy lần, thua xong còn được thết đãi rồi thả về, nói là cho về chuẩn bị lực lượng tốt hơn rồi đến đánh tiếp. Với một người làm tướng thì như thế là một thất bại thảm hại, và đối thủ của mình là một người cao thượng. Cho nên anh ta quy phục.
Thứ ba, cậu phải hiểu người cứng đầu một chút. Một người cứng đầu là bởi vì anh ta biết mình có giá trị cần lưu giữ, anh ta biết giá trị của bản thân. Danh dự của bản thân với anh ta rất quan trọng. Nếu có thể biến chuyển thông qua cánh cửa danh dự ấy thì cậu sẽ chiến thắng.
- Thật là cái danh của nó lớn hả?
- Cậu thử xem.
- Ừ.
“Hmm, đầu tiên Gia Cát Lượng cho Mạnh Hoạch xem quân trại, cho thấy sự lớn mạnh và uy nghiêm của quân đội mình.”
Minh bắt đầu quan sát “đối tượng” Phong. Cô để ý, hằng ngày Phong hay đi học muộn, tinh thần uể oải, dáng đi lúc nào cũng lững thững, lưng không thẳng, thân xiêu vẹo.
Minh cũng nhận thấy, cậu ta chơi với hai người còn lại vì điều gì. Thực ra chẳng vì gì cả, chỉ do ngồi cùng nhau thôi. Còn lại mỗi người một việc, chẳng ai quan tâm đến ai. Bọn họ chỉ chung nhau mỗi một điểm, đó là đều uể oải, lững thững, xiêu vẹo như nhau. Chứng tỏ mấy cậu con trai này là những người không có ý chí sống, không có kỉ luật và không có mục đích. Điều gì đã khiến họ như thế?
Minh còn để ý thấy, Phong và hai đứa bạn không bao giờ ăn trưa đúng giờ. Chúng thường nhịn đói hoặc ăn rất qua loa. Vậy là mỗi ngày đi học, Minh mang cho ba đứa mỗi đứa một gói bánh quy, để lên bàn. Cả ba đến thì đã có bánh trên bàn rồi, không biết của ai nên cũng bóc ăn. Một tuần trôi qua, Phong quyết định đến sớm một hôm xem ai mang bánh, và tại sao chỉ trên bàn ba đứa tụi nó mới có bánh.
Phong phát hiện ra Minh thì sửng sốt lắm, liền kể cho hai đứa còn lại:
- Bánh là của con Minh cho đấy.
- Của con Minh á? Nó tính làm gì mà lại cho mình bánh chứ?
- Làm sao tao biết.
- Lỡ ăn cả tuần nay rồi, làm thế nào?
- Cứ kệ nó xem nó làm gì.
Một tuần sau vẫn thế. Minh không nói một lời nào, không giải thích, khiến ba đứa càng thêm thắc mắc. Có điều chúng vẫn ăn. Đang tuổi ăn tuổi lớn, lúc nào cũng đói, mà chúng lại bỏ đói bản thân thường xuyên, nên thấy thức ăn trước mặt là ăn liền.
Thêm một tuần nữa, Phong nói với hai đứa kia:
- Tao ăn bánh hai tuần rồi. Tao nhận ra một điều.
- Điều gì cơ?
- Bình thường mình bỏ bê bản thân quá, chẳng cho bụng ăn no, cả ngày cứ vất vơ vất vưởng.
- Ừ nhỉ. Tao cũng chẳng nhớ tao thế từ bao giờ.
- Thế là mình phải cảm ơn con Minh à?
- Nhờ Minh mới được ăn, đương nhiên phải cảm ơn nó.
Đến giờ ra chơi, ba đứa gọi Minh ra rồi cảm ơn. Minh chỉ cười, quyết không mở miệng.
Minh nói với ông già:
- Tuyệt quá, vậy là được một bước rồi.
- Đúng thế, cô rất tuyệt.
- Nhưng Trang nói phải thu phục nó bảy lần cơ.
- Ôi trời, sao tôi chẳng bao giờ được yên thế này! Lúc nào cũng phải động đậy! (Ý là “động-não”)
- Nhưng những gì ông động đậy mà nghĩ được lại rất tốt, tôi thấy ông trẻ hơn hay sao ấy!
- Thật á?
- Chắc vì ông lười nên ông mới già, có phải không? Hahaha.
- Hừ! Nghĩ nhiều thì trẻ ra à?
- Tôi không biết, ông thử mới biết được.
- Tôi cũng thấy mình lanh lợi hơn thật.
- Chúng ta phải tính xem tiếp theo làm thế nào, không là bài tập nhóm không hoàn thành được.
- Tôi đau hết cả người đây. Để xem nào. Mấu chốt là danh dự, phải để người ta thua, rồi vẫn được tôn trọng, lại cho người ta cơ hội để thắng, liên tục bảy lần. Thua cái gì bây giờ?
- Khó quá.
- Ơ, cô ơi!
- Sao ông?
- Hình như tôi nghĩ ra rồi.
- Ông nói đi?
- Cô tổ chức chia nhóm thành hai, nói là để tập đàm phán. Hai nhóm tập đàm phán với nhau, cho Phong làm nhóm trưởng nhóm kia, cô phải làm thế nào cho nó thua liên tục. Như thế cũng làm nó được trọng dụng, làm nhóm trưởng mà, và còn giúp nó chịu học nữa.
Giờ ra chơi, Minh họp nhóm Đàm phán lại và bảo:
- Các cậu, bài tập đàm phán với các nhóm khác sắp đến. Nhóm mình sẽ thực hành trước bằng cách chia nhóm làm hai, mỗi nhóm năm người và đàm phán với nhau. Thực hiện mỗi tuần một lần. Được không?
Mọi người đồng ý, Minh nói tiếp:
- Tớ nghĩ Phong sẽ làm tốt. Hơn nữa, khi đàm phán theo nhóm, ai cũng phải có năng lực đàm phán. Nếu không để bạn ấy chủ động từ bây giờ, đến lúc đấy cả nhóm lớn của mình sẽ ra sao?
- Ừ, cũng đúng. Vậy tớ đồng ý.
- Phong thấy thế nào?
- Cậu đúng là điên.
- Nhưng cậu có làm không?
- Làm thì làm, sợ gì.
- Tốt quá, quyết định vậy nhé. Thứ bảy tuần này hẹn ở canteen trường, tối nay tớ sẽ nhắn chủ đề đàm phán lên group.
Kết thúc buổi họp, Minh thầm nghĩ:
KHIẾN KẺ LƯỜI LÀM VIỆC
Theo kiến thức y học, thì cấu tạo thân thể một người sẽ có tác động đến đặc tính của người đó. Người ta lười, nhiều phần là do kết cấu thân thể như thế.
Cụ thể là thế này: Vì phần Thận của người ta bế tắc, khí huyết không thông, nên chỉ thích ngồi một chỗ nghĩ linh tinh, ưa an dật, không thích động thân.
Một kiểu lười nữa là lưng dài, khí huyết lưu chuyển không đều và không thông suốt, khiến họ cứ động thân là mệt mỏi. Kiểu người này thích ngồi yên định, không muốn làm gì hết (vì làm việc thì họ mệt lắm!).
Đó là hai dạng tiêu biểu. Nói chung, khí huyết bế tắc, không thông khiến người ta lười biếng, vì bế tắc là trì trệ, trì trệ dẫn đến lười. Muốn giúp một người chữa bệnh lười, phải làm sao để họ thoát ra khỏi cái bế tắc đó. Như thế phải thiết lập cho họ một kỉ luật khắt khe và mệt nhọc, họ làm theo được nghĩa là đã vượt qua được cái sự mệt mỏi, trì trệ của mình bằng ý chí. Ý chí của họ sẽ giúp họ thoát ra.
Kỉ luật khắt khe ấy, chính là giao cho họ thật nhiều việc, thậm chí là những việc quan trọng, bắt họ phải hoàn thành. Muốn làm được, họ ắt phải vượt qua cái ngưỡng giải trí nghỉ ngơi của mình.
Hơn nữa, khi làm việc nặng, toàn thân họ phải vận động, trí óc phải vận động, tâm cảm lại phải đặt vào chỗ công việc. Vì thế, những năng lượng trì trệ và bế tắc mà thân thể và tâm ý họ tạo ra sẽ được chuyển sang phục vụ cho điều có ích, giúp nó trở nên hữu dụng. Thân thể và tâm ý không đặt vào chỗ nghỉ ngơi và tiêu cực nữa, dần dần sẽ biến chuyển. Năng lượng được chuyển hóa thì tự nhiên người ta sẽ chăm chỉ hơn.
Vậy cũng nói, Y học là khởi đầu trong chuỗi phát triển nhận thức của con người. Các đặc tính của một người bình thường (phần tâm lí, triết học) là do vấn đề của thân thể (sinh học, hay có thể gọi là y học) mà tạo thành như thế. Nếu thay đổi được vấn đề của thân thể, người ta sẽ tự khắc thay đổi được đặc tính của mình.
Đấy cũng là lí do khi Minh đặt Phong vào công việc, chắc chắn Phong sẽ thay đổi. Khi cậu ta làm nhóm trưởng, phải chịu trách nhiệm cho cả nhóm, và với tính cách hiếu thắng, cậu ta sẽ phải vận dụng kiến thức, trí óc của mình, phải dụng tâm để phân chia công việc cho các nhóm viên. Cậu ta không thể lười nữa, dù rất mệt nhọc nhưng cậu ta cũng có thể dần bứt khỏi nhịp sống lười biếng và buông thả của mình.
Chủ đề đàm phán đầu tiên của cả nhóm đã được chọn.
Minh muốn việc đàm phán nhóm ban đầu vui vẻ một chút, vì còn rất nhiều lần khác nữa. Nếu để một chủ đề nặng về học thuật thì mọi người sẽ mất năng lượng để thực hiện tiếp. Vì thế, Minh chọn một chủ đề có vẻ thỏa mãn được nhiều người:
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CA NGỢI AI ĐÓ?
Hai nhóm làm việc cật lực trong một tuần, để thứ Bảy tới họ có thể “ca ngợi lẫn nhau”. Tất cả thành viên phải tìm đọc, tổng hợp các thông tin về ca ngợi, rồi phân chia nó ra các phần.
Buổi đàm phán đã đến, hai bên ngồi đối diện nhau, mỗi nhóm năm người. Minh đưa ra luật chơi:
- Luật chơi như thế này: Chúng ta sẽ chơi theo lượt, mỗi lượt chỉ có một người trong nhóm được nói, đánh số mỗi thành viên từ một đến năm, cứ một đấu với một, cho đến năm, rồi quay trở về một.
Con người đúng là quen với việc không tôn trọng ai, chỉ thích chỉ trích mà không thích đóng góp. Minh nhẫn nại giải thích:
- Mấu chốt là chúng ta học và rèn luyện tư duy. Các cậu phải rèn luyện được ngay trên chiến trường này, để trí tuệ sắc sảo một chút. Sau này gặp đối thủ thực sự, ta có thể nhanh chóng đối đáp. Mỗi người đều phải nói vì chúng ta cần bổ sung cho nhau. Các cậu tưởng tượng xem, lúc mình bí thì còn người khác nghĩ ra để hỗ trợ, đúng không?
- Thế là không phân được thắng thua à, chán chết.
- Lúc đó sẽ biết.
Cuộc chiến “ca ngợi” bắt đầu.
Tình cờ bốc thăm thế nào, Phong và Minh đều ở đúng số một. Người khởi đầu câu chuyện bao giờ cũng là người quyết định tính chất câu chuyện đi về đâu. Hai người oẳn tù tì để xem ai nói trước. Kết quả là Minh.
Khoan đã, chúng ta trước tiên hãy cùng hiểu một chút về ca ngợi. Ca ngợi tức là dùng những lời lẽ đẹp nhất để nói về người khác. Chúng ta ca ngợi khi nào? Khi chúng ta sùng kính ai, chúng ta sẽ ca ngợi người đấy. Và như thế thì, vì sao chúng ta cần ca ngợi?
Hình thức ca ngợi đẹp đẽ nhất từ xưa đến nay chúng ta có thể được biết tới, đó là khi người học trò dùng những lời cao đẹp nhất để ca ngợi công lao, uy đức của Thầy mình. Như thế, thông qua ca ngợi, người học trò đó gần với Thầy của mình hơn, gần với những điều Thầy muốn anh ta trở thành hơn. Ca ngợi khiến tâm trí anh ta được thay đổi theo điều tốt đẹp hơn. Lại nói, ở thời hiện đại, ta vẫn thường ca ngợi những gì ta cho là tốt. Chuyện đấy rất bình thường. Có điều, đôi khi chúng ta không cho rằng một điều gì đó là tốt đẹp lắm, nhưng vì một mục đích mà ta vẫn phải ca ngợi điều ấy. Chuyện đó nên hay không?
Có chứ, đúng không? Trong cuộc sống, nhất là khi ta tham gia vào văn phòng kín, sự ca ngợi này không hiếm gặp, không hiếm thấy. Chúng ta vẫn bắt gặp những người đứng dưới sếp và ca ngợi việc làm của sếp, chúng ta vẫn bắt gặp những điều ấy và chúng ta vẫn (sâu thẳm trong lòng) khinh thường những điều ấy.
Vậy, nếu bạn là người khảng khái, thì khoan hãy trả lời rằng: “Tôi không thèm đâu! Tôi không thích mấy trò xu nịnh giả dối!” Bởi vì ca ngợi có những mục đích tốt đẹp khác, điều bạn đang nghĩ chỉ là một trạng thái cực đoan của nó mà thôi. Người Việt có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Nếu bạn thấy việc ca ngợi là vớ vẩn chỉ bởi vì bạn vốn là người có con mắt tiêu cực và có nỗi tổn thương về cái-tôi.
Tất nhiên chúng ta phải hết sức tỉnh táo ở đây. Chúng ta đều biết là, sự ca ngợi là để dành cho những điều tốt đẹp. Nhưng nếu một người hạ mình và vì động lực đen tối mà ca ngợi, thì tâm ý của người đấy quả thực là “tối đen”, và sự hạ thấp danh dự để ca ngợi ấy là đáng khinh. Người dùng những lời lẽ ca ngợi đó là “ngu-si”, sự ca ngợi khi ấy chỉ là hình thức của một điều khác mang tên: Nịnh bợ.
Nghe đến đây, tâm trí bạn có bật thốt: “Ôi thôi thôi, chúng ta có đang cực đoan quá không?” – Đúng là thế, thực ra những lời ca ngợi nếu được dùng đúng chỗ sẽ khởi tác dụng rất tốt đẹp.
Bạn biết không, ai cũng thích được ca tụng. Nó như một nút bấm cho sự thôi miên tâm trí. Nếu có ai đó khen ngợi, ca tụng chúng ta, thì cái nút đó được ấn. “Cách”, cánh cửa tâm trí mở ra, lúc ấy chúng ta không thể kiểm soát tâm cảm của mình nữa. Cái nút này chính là điểm yếu của lí trí. Lí trí thường ngày có thể rất hùng mạnh, có thể rất kín kẽ, nhưng đứng trước lời khen, lời ca tụng, nó lại hết sức yếu mềm. Một người được tâng bốc nhất định không thể cảm thấy chán ghét người tâng bốc mình. Họ có thể khó chịu, có thể bài trừ, nhưng thực tâm họ không bài trừ, 10 phần khó chịu vẫn có 1 phần ưa thích. Đảm bảo là thế. Vậy cho nên, phương pháp ca ngợi này hiệu quả với bất kì ai.
Đây cũng là lí do Minh lựa chọn chủ đề ca ngợi.
CA NGỢI THẾ NÀO CHO PHẢI?
Bạn đã từng nghe thấy một nghịch lí của tâm ý thế này chưa: Nếu một người tự quảng cáo về bản thân thì không bao giờ hiệu quả bằng một người khác ca ngợi anh ta. Nghịch lí này đặc biệt đúng trong Marketing và Sales. Cùng là lời khen, mỗi người nói mang tới hiệu quả khác nhau.
Lời ca ngợi mang nguyên lí y hệt:
Người được ca ngợi này sẽ vô cùng tin tưởng người ca ngợi. Đây cũng là cái nút thôi miên của tâm trí, vì thế vô cùng hiệu quả. Nếu bạn biết được một người khen ngợi sau lưng mình, tâm trí bạn sẽ bật thốt một câu: “Hẳn điều khen ngợi này là thật lòng.” Vì sao chúng ta cho rằng nó là thật lòng, trong khi khen ngợi trực tiếp thì không đáng tin bằng? Hãy nghĩ thêm nhé, bạn sẽ ngạc nhiên về chính mình đấy.
Tạm gạt việc chúng ta dễ bị đánh lừa sang một bên. Giờ thì, Minh đã có phương án khởi động cuộc chiến khen ngợi này. Minh chỉ mong sau cuộc chiến này, cái miệng không bị như cũ, và ông trí tuệ có thể động đậy càng nhiều càng tốt. Nhớ lại về nguyên lí ca ngợi sau lưng, trước đây Minh đã từng áp dụng nó để tiếp cận em trai – Tuấn – một thằng nhỏ không thích giao tiếp với ai, chỉ thích ở nhà chơi điện tử.
Chuyện là thế này. Minh cân nhắc rất kĩ. Ca ngợi sau lưng, vậy cần chọn người cho phải. Nếu chọn ai chỉ nghe mà không nói thì không được. Phải chọn ai cởi mở, thích “buôn chuyện”. Vì người đó một khi đã nghe sẽ tìm cách kể lại cho người khác, thế thì chiến thuật mới thành công. Một người đáp ứng được điều kiện đó chắc chắn phải là người có tính nữ mạnh. Vì sao ư? Các chị em phụ nữ thích “buôn dưa lê, bán dưa chuột”. Nên Minh quyết định chọn trong số anh chị em họ, xem ai có tính nữ mạnh để tiếp cận Tuấn. Minh chọn cậu em họ. Bất ngờ ư? Cậu bé này không phải con gái, nhưng có tính cách “rất nữ”, thích kể chuyện, thích thủ thỉ tâm sự. Có lẽ vì còn bé có gì nói nấy và thừa hưởng tính cách này từ bố mẹ nên cô có tính cách như vậy. Hơn nữa, đứa em này hay chơi điện tử cùng Tuấn. Rất phù hợp để khuyên Tuấn “cai” trò chơi không lành mạnh này.
Minh thấy em họ đến chơi, bèn rủ cậu bé ra gọt hoa quả cùng. Rồi cô thủ thỉ:
- Chị thấy hai đứa chơi điện tử hay đấy.
- Chị thấy hay thật á?
- Ừ. Hai đứa ăn nhiều hoa quả vào, chơi với nhau cho vui nhé.
- Vâng.
Thằng bé ngây thơ, thể nào cũng mang đĩa hoa quả lên phòng anh Tuấn và hào hứng kể:
- Chị Minh bảo em mang nhiều hoa quả lên cho hai anh em mình ăn no rồi chơi. Chị ấy bảo anh em mình chơi rất hay. Chị ấy dễ tính ghê. Em chưa thấy ai khen chơi điện tử là hay cả.
• Chúng ta không nên lạm dụng sự ca ngợi. Bởi vì nó là con dao hai lưỡi. Giống như sự thôi miên, càng ca ngợi càng dễ dẫn đến “bốc phét” và ngày càng ham. Cố gắng sử dụng nó với một tần suất vừa phải, vào lúc cần thiết, chẳng hạn khi phải khuất phục những kẻ cứng đầu và chống đối chúng ta.
• Nên lựa chọn đúng điều cần khen. Đôi khi lời khen không phải khen cái thật có, mà đó là sự khích lệ, giống như Minh khen việc chơi điện tử của hai đứa em. Chơi điện tử không tốt, nhưng chỉ bằng cách khen ngợi thì mới có thể đi sâu vào tâm hồn người ta được. Nhưng cũng không nên tâng bốc quá đà, vì cực đoan sẽ mang đến kết quả tiêu cực.
Quay trở lại cuộc chiến, Minh bắt đầu bằng cách không ca ngợi đối thủ trực tiếp. Vậy là Minh nói:
- Chào Phong, hôm nay nhóm cậu trông rất phong độ, chứng tỏ các cậu đã chuẩn bị rất tốt phải không?
Phong lần đầu phải tìm cách khen một ai đó. Bình thường cậu ta vẫn sống theo ý mình, thích thế nào thì làm thế ấy, không cần quan tâm ai. Vậy mà giờ lại phải tìm cách khen một đứa con gái cậu ta từng rất ghét. Trong khoảnh khắc tìm lời khen, lòng Phong bỗng dưng thay đổi.
Phong nói xong cũng thấy cái miệng mình hơi “kinh”, vì lần đầu khen con gái. Không biết Phong gặp chuyện gì mà suốt tuổi dậy thì chưa khen đứa con gái nào. Nhưng chẳng hiểu sao, Phong vừa thốt ra câu đấy, thì thấy Minh có nét xinh thật, còn âm thầm chờ đợi phản hồi của Minh.
CA NGỢI BẰNG CÁCH TỰ TRÀO
Minh nghe Phong nói, trái tim cũng “trật” mất một nhịp. Phong chưa khen bạn gái xinh bao giờ, còn Minh thì chưa được nghe ai nói mình xinh bao giờ. Bỗng chốc một lời khen thay đổi hoàn toàn thế giới.
Ông già trong Minh cười lăn lộn. Có lẽ ông ta chưa bao giờ nghe chuyện nực cười đến thế. Ông ta vốn biết, lời khen chỉ là cái vỏ, một cách để giao tiếp vòng vèo. Đối với ông, lời khen không thật. Thế nhưng, lời đã nói ra quả là có tác động lớn đến thế. Ông ta chứng kiến cảnh Minh sững sờ, và nhắc ngay: “Cô ơi! Đừng tin cô ơi!” – “Ông nói phải. Tôi không biết mình bị làm sao nữa…”
Minh trấn tĩnh lại rồi tập trung vào vòng thứ hai. Vòng thứ hai cũng là một cặp nam nữ, bạn nữ ở bên Minh nói trước. Cả nhóm cùng thảo luận xem ca ngợi bên kia thế nào. Minh nói:
- Chúng ta còn một phương pháp ca ngợi nữa cũng vô cùng hiệu quả, đó là tự trào.
Tự trào nghĩa là bạn tự nói ra khuyết điểm của mình, rồi cười cợt điểm này. Bằng cách đó, ta hạ thấp bản thân xuống, tiện thể nâng đối phương lên.
Tự trào là cách thể hiện sự khiêm tốn với đối phương. Không khó thấy các tình huống tự trào trong giao tiếp. Bạn xem phim thì biết, có chi tiết về một vị sư đưa bàn tay ra trước ngực, cúi chào một người thường rồi nói: “Chào thí chủ, xin hỏi thí chủ hôm nay đến chùa có việc gì?” Cách vị ấy tự xưng là “bần tăng” cũng thể hiện sự tôn trọng người đối diện. (Việc xưng là “bần tăng” và “thí chủ” còn có nhiều ý nghĩa khác lắm nhé! Chúng ta tạm biết in ít thế này thôi kẻo rối.) Hay trong phim thường có câu: “Không biết hôm nay các hạ đến hàn xá là có việc gì?” (Hàn xá có nghĩa là nơi chốn lạnh lẽo, chẳng mấy khi có khách đến chơi). Trong văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt Nam xưa, ta cũng hay gọi người đối diện là “tiên sinh”, “tiểu thư”. Đây là cách thể hiện sự tôn trọng, cũng mang một phần nghĩa ca ngợi.
Ngày nay chúng ta rất khi ít tự trào. Tại sao như thế? Tại sao xã hội ngày càng văn minh hơn, ngày càng tiến bộ hơn, thì chúng ta càng ít thể hiện sự tôn trọng người khác hơn? Ngược lại, ta cứ cố gắng để tôn cao bản thân, xét nét người khác: “Anh sai rồi, điều tôi nghĩ mới là đúng.” Cuộc đời thật lắm nghịch lí, phải không?
Vậy thì, thay bằng lời khen trực tiếp: “Tớ thấy cậu nói rất hay”, đôi lúc làm nảy sinh sự nghi ngờ (dù rất có tác dụng đấy), chúng ta hãy học cách tự trào.
Minh từng hỏi Trang:
- Muốn tự trào thì phải làm thế nào?
- Không khó lắm. Cậu chỉ cần tìm ra khuyết điểm của mình, rồi nói về khuyết điểm đấy như một sự ca ngợi, hay như một câu chuyện cười.
- Haiz, phải tự trào cả khuyết điểm bản thân ư!? Thôi được, vì “tương lai tốt đẹp” của khả năng giao tiếp, tớ sẽ hi sinh thân mình không hối tiếc.
- Ờ, công nhận lời khen trực tiếp nghe hơi ớn. Nhưng đúng là cũng sướng tai thật.
- Chuyện!
Lúc ấy Minh đã về thử với cậu bạn ngồi cùng bàn (đấy là người đã làm rơi cái bút, bạn còn nhớ chứ? Từ ngày đó, cậu ta toàn lên ngồi cạnh Minh), Minh thở dài một cái rồi tự trào:
- Tớ thấy tớ làm lớp trưởng rất kém. Chắc chẳng ai làm tệ như tớ.
- Sao cậu nói thế? Tớ thấy cậu làm tốt mà.
Minh nhăn mặt nghĩ: “Cái quái gì thế này? Mình đang tự trào để ca ngợi người ta, sao lại thành người ta ca ngợi mình?” Rồi Minh nói tiếp:
- Không, tớ thấy tớ kém thật, chả làm được cái gì.
- Ơ không, cậu bị làm sao thế. Cậu đang làm tốt thật đấy.
Minh ôm trán: “Không được rồi, cách này không được.” Đến giờ ra chơi, Minh chạy ra hỏi Trang:
- Này, tớ tự trào xong lại thành người ta khen tớ, thế là thế nào?
- À, quên mất không dặn. Cậu phải tìm điểm cậu kém. Nhưng người đối diện làm rất giỏi, rồi bắt đầu tự trào.
- Ui giời. OK để tớ thử lại.
Minh lại quay sang cậu bạn ngồi cạnh, thở dài, tự trào:
- Tớ học Toán cao cấp kém thật đấy. Nếu học giỏi được như cậu thì tốt quá.
- Vậy à, có gì không hiểu cậu cứ hỏi tớ.
- Thật hả? Giúp tớ thật hả?
- Ừ.
Về mặt tâm lí học, chúng ta luôn có nhu cầu so sánh bản thân với người khác, hoặc so sánh các sự vật đồng đẳng với nhau. Việc so sánh này khiến chúng ta thấy mình cao hơn, đấy là đặc tính tự tôn của con người. Nếu bạn tự trào một điểm mà người ta làm tốt, điều đó sẽ kích động tâm lí so sánh của họ. Lí trí sẽ thấy rất thỏa mãn, nó có tác dụng không khác gì một lời khen. Và thực ra, nó chính là lời khen.
Quay trở lại với “cuộc chiến” quanh chiếc bàn trong canteen, bạn nữ phải nhanh chóng nghĩ ra một câu khen ngợi, cô dùng cách tự trào:
Bên Minh có người trót bật cười, vì hiếm khi có người khen kiểu khiêm tốn thế, giống hệt trong phim Trung Quốc.
Còn bên kia có tiếng hét lên:
- Đấy cũng là ca ngợi á?
- Đúng rồi, chơi “bẩn”, đấy mà là ca ngợi.
Phong lên tiếng:
- Khoan! Bạn ấy đang tôn nhóm mình lên còn gì. Đấy là bản chất của ca ngợi.
Cả nhóm đang nhao nhao, bỗng im phăng phắc. Một bạn nam của nhóm Phong đứng lên trước để đối đãi câu tiếp theo. Cậu ta nháy nháy Phong và cả nhóm, xem có chiến thuật gì không, cả nhóm lắc đầu. Phong bảo:
- Ông cứ khen bừa đi!
CA NGỢI HÀNH ĐỘNG
Bạn nam số hai hít một hơi thật sâu (có vẻ cả nhóm này chưa bao giờ khen con gái, mấy đứa dậy thì lỡ dở này biết cách tìm nhau mà chơi thật!). Rồi bạn nói:
- Các cậu làm rất tốt!
Anh em trong nhóm Phong vỗ tay cổ vũ. Trong lúc bí, bạn nam này đã phát hiện ra một cách ca ngợi rất phổ biến. Đó là ca ngợi hành động. Có một cổ nhân dạy rằng, với con người bình thường, ca ngợi thì không nên ca ngợi nhân phẩm, mà trước hết nên ca ngợi những hành động họ vừa làm được. Đó là chiến thuật đặc biệt hiệu quả, người nghe rất khó giữ vững tinh thần trước nó.
Tất nhiên việc ca ngợi các giá trị vô hình “đánh gục” người ta rất dễ, nhưng đó là sự đánh gục từ bên trong, còn ở bề mặt lại khác. Chẳng hạn, bạn ca ngợi một người: “Anh là một người tốt” thì dù trong sâu thẳm họ rất vui, họ vẫn có thể nảy sinh tâm lí đề phòng: “Sao anh biết tôi tốt hay không tốt?” Lí trí của chúng ta thường đa nghi như vậy đấy. Nhưng nếu không trực tiếp ca ngợi họ, mà ca ngợi sự việc có liên quan đến họ: “Anh làm được việc này quả là siêu!” thì họ lại lập tức tiếp nhận.
Tại sao như thế?
Về mặt tâm lí học, con người có xu hướng tin vào những gì mắt nhìn thấy, tai nghe ra, sờ vào cảm nhận được (còn những gì vô hình như Phẩm giá thì sẽ tác động vào họ từ sâu thẳm, như vừa nói). Vì thế, khen ngợi một cách cụ thể, rõ ràng làm người ta cảm thấy đáng tin hơn. Bạn khen thứ hữu hình – đó là thứ rõ ràng thuộc về họ, họ biết chắc nó thuộc về mình. Còn một thứ vô hình – bạn giúp họ nhìn ra, nhưng vì họ không cảm nhận được rõ, họ sẽ bán tín bán nghi lúc ban đầu, và họ sẽ đặt tất cả sự nghi ngờ ấy vào bạn. Đó là điều một người muốn giúp người khác phải bỏ qua lúc ban đầu: Sự hoài nghi của người họ đang giúp.
Dù nhận được những điều tốt đẹp, nhưng tâm trí đã bị ảnh hưởng bởi những định kiến xã hội sẽ luôn phát ra những tiếng nói nghi ngờ.
Bạn hãy nhớ, điều ấy không có nghĩa là việc tin vào điều hữu hình thì đúng hơn tin vào điều vô hình. Chỉ là khi giao tiếp, ta chọn điều nào hiệu quả với đối tượng giao tiếp hơn mà thôi.
Thêm nữa, ca ngợi hành động chính là chúng ta thay họ nói lên tiếng lòng. Bạn thử nghĩ lại xem, khi bạn làm được việc gì tốt hơn người khác, bạn có muốn người khác trông thấy và khen ngợi không? Có chứ, đúng không? Nếu bạn khen được họ, bạn là người nghe thấy tiếng lòng đấy và đáp ứng nó. Giống như có một tín hiệu phát ra và có người đáp lại tín hiệu này, điều ấy làm họ hết sức mừng rỡ. Đây còn được gọi là “tri âm” – tức là người nghe được tiếng lòng mình.
Nhóm của Minh nghe xong, ban đầu hơi chưng hửng, có bạn còn nghĩ: “Bạn này khen hơi ‘ngu’”, nhưng nghĩ thế xong lại cảm thấy hài lòng với lời khen đấy, rồi vênh mặt nghĩ thầm: “Đương nhiên là tốt rồi!”
CA NGỢI - CHÌA KHOÁ VẠN NĂNG TRONG GIAO TIẾP
CÁC ỨNG DỤNG VỀ CA NGỢI KHI GIAO TIẾP
Đến đây, các bạn ở hai nhóm đã xì xào:
- Khen qua khen lại thế này chán chết!
- Ừ, tao khen được một câu đã thấy mệt muốn lả.
- Mà á, cứ phải động não là tao phát điên.
- Phong ơi, tôi thèm chơi điện tử quá! Hai tiếng không chơi rồi!
- Ông ơi... đói quá! Hay đi ăn cái đã.
Phong thấy đội mình tinh thần quá kém, yếu nhược thế này thì thắng làm sao.
À chưa nói bạn nghe, Phong rất yêu thích Tam Quốc Diễn Nghĩa, còn “thần tượng” Khổng Minh Gia Cát Lượng và các chiến thuật tài tình của ông nữa. Nên khi được Minh trao cơ hội “thống lĩnh” một đội quân như thế này, Phong rất muốn dành chiến thắng.
Thế là Phong nháy với Minh:
- Cho bọn nó giải lao tí nhé. Bọn này mải chơi quen rồi, học lâu là không chịu nổi.
- OK.
Vậy là cả nhóm đi mua đồ ăn. Ăn xong, Phong đứng lên bảo mọi người:
KHÉO LÉO TỪ CHỐI
Đợi các bạn ổn định chỗ ngồi xong, Phong tiếp tục lên tiếng:
- Tớ đồng ý là cứ qua lại mỗi người một câu thế này không ổn. Không được động não liên tục khiến chúng ta dễ mệt mỏi, đang nghĩ hăng say thì phải dừng, đợi đến lượt mình thì não đã ngủ.
Bạn biết không? Thực ra Phong đang ngầm khen rất khéo đó. Rằng cậu ấy rất hăng hái tham gia, đầu tư sức lực và trí tuệ vào đây, tức là trò chơi này rất thú vị. Cách nói này khiến người nghe vừa lí giải được chính mình, vừa chấp nhận trò chơi.
Rồi có người lên tiếng:
- Thế theo ông phải làm sao?
Phong trả lời:
- Giờ mỗi người trong đội tham gia một tiểu cảnh, đối đáp với nhau theo một chủ đề. Yêu cầu là phải sử dụng lời khen để giải quyết chủ đề đấy.
Lại có người nhao nhao lên:
- Thế chủ đề gì? Khổ quá!
Phong trả lời:
- Cậu bình tĩnh. Bây giờ chúng ta cùng nghĩ một số chủ đề, chỉ cần năm chủ đề thôi. Bên nào nói được câu khen “hợp” thì bên đấy thắng. Tớ nghĩ ra một số chủ đề rồi. Chúng ta sẽ bốc thăm!
Nói rồi Phong lấy ra năm mẩu giấy, viết tên năm chủ đề vào. Minh xem qua rồi gật đầu đồng ý. Họ gập năm tờ giấy lại rồi cùng bốc thăm.
Phong bốc thăm chủ đề đầu tiên:
Khéo léo từ chối một lời tỏ tình
Vì là tỏ tình, nên phải có một đôi nam nữ. Nhóm Minh chọn ra một bạn nữ, còn nhóm Phong chọn ra một bạn nam. Bạn nam tên là Dũng, bạn nữ là Linh.
Khổ nỗi, nhóm Phong toàn các bạn nam ham chơi, chỉ thích thú với điện tử, chưa tỏ tình với con gái bao giờ. Dũng quay ra hội ý với nhóm Phong một hồi, còn mặt Linh nghe đến chuyện này thì hơi thẹn thùng.
Còn Linh thì sao nhỉ? Linh rất lạnh lùng và tự tin. Nhưng nhiệm vụ của Linh là phải khéo léo từ chối. Linh cũng đang hội ý với nhóm Minh. Minh nhớ đến chuyện mình từng được tỏ tình, kể lại cho các bạn:
Từ ngày Minh hay lau bảng, đột nhiên có mấy bạn trai thích Minh. Chuyện này lần đầu xảy ra trong đời. Hồi cấp Hai, Minh đã từng thích hai bạn nam cùng lớp, còn chuyện ngược lại thì chưa. Lần này vận đào hoa đến, Minh bối rối lắm, bèn ra hỏi Trang:
- Này, làm thế nào để từ chối chuyện đấy? Chẳng nhẽ lại ca ngợi họ?
- Đúng rồi.
- Thật á??
- Ừ. Trong lời ca ngợi, cậu hãy cố gắng gửi gắm thông điệp: Cậu tốt mà, nhưng đừng thích tôi. Đấy là lời từ chối khéo mà lại không làm tổn thương đối phương.
- Ờ ha. Để về thử.
Con người phát ra một loại sóng khi giao tiếp (cho nên mới nói, giao tiếp chính là năng lượng, chính là đầu tư). Việc một người có đáp lại sóng giao tiếp này hay không và như thế nào, sẽ phát ra thông tin tương ứng với người đối diện. Con người khi giao tiếp rất nhạy cảm như vậy. Nếu bạn muốn từ chối bằng một lời khen khéo léo, thì lời khen “lệch sóng” sẽ khiến đối phương cảm nhận được bạn đang muốn phát ra thông điệp gì. Cho nên những lời khen lệch rất có ích trong trường hợp này. Nhất là khi đối phương có tình cảm, khả năng “dò sóng” càng nhạy bén hơn.
Tất nhiên với lứa tuổi trẻ trung sung sức như Minh, những phản hồi như vậy có thể không có tác dụng mạnh mẽ như với người lớn tuổi. Người lớn tuổi chững chạc ở một mức, nhiều trải nghiệm về tổn thương hơn. Thế nên họ cảm nhận sóng giao tiếp “nhạy” hơn. Với độ tuổi đương trẻ khỏe như Minh và mấy cô cậu bạn mình, theo một nghĩa nào đó là dục tính và ham muốn chiếm hữu mạnh, nên khả năng này sẽ bị át đi.
Vậy là nhóm của Minh đã có phương án cho mình. Sau năm phút chuẩn bị, hai bên bắt đầu.
Dũng chưa bao giờ phải động não nhiều thế này, nên bắt đầu cáu. Những người chơi điện tử nhiều thường như vậy, cảm giác giống như người nghiện hút phải cai thuốc, bứt rứt không yên. Đã thế, cậu ta phải tỏ tình với một đứa không chút hứng thú với mình. Nhờ anh em cổ vũ, Dũng mới lấy hết dũng khí và kiên nhẫn của mình để nói:
- Tớ thích cậu!
Mặt Dũng đỏ lựng lên, cáu với chính những gì mình phải nói ra. Cậu ta như một cái ấm đun nước, đang rú còi sôi lên rồi mà bị bịt cái đầu lại. Áp lực lên Dũng lúc này rất lớn.
Cô nàng Linh thì khác. Linh quen giấu giếm bản thân bằng cái vỏ ngoài kiêu kì, tự tin. Cô cảm thấy mình sống rất tốt với cái vỏ này, luôn yêu quý nó. Bạn đoán được rồi đấy, người như thế rất ích kỷ. Khi Linh nghe thấy câu này từ Dũng, cô bé vênh cái mặt lên, hỏi:
- Thì ông cứ trả lời đi!
- Tôi trả lời kiểu gì?
- Ông động não đi!
Não Dũng lúc này còn nghĩ được gì nữa (đóng băng rồi!). Trong lúc bí bách, cậu ta chọn cách khen. Cậu ta khen tự trào thế này:
- So với cậu, tớ đúng là không thể bì được. Vì thế nên tớ chỉ muốn nói là tớ thích cậu thôi. Còn quyết định thế nào là ở cậu.
Linh đứng im. Nhóm Minh thấy vậy, đánh động:
- Cậu làm gì đấy? Mau trả lời đi!
- Nhưng tớ chẳng thấy cậu ta tốt ở điểm nào để mà khen cả!
- Sao lại không tốt? Cậu ta tốt đấy chứ.
- Tốt cái gì?
Linh quay sang nói với Dũng:
- Tôi chịu thua!
Bạn đã biết, kẻ cao ngạo cứng đầu thì ắt phải có lời khen mở đường. Nhưng có một tác dụng khác của lời khen, đó là đối phó với kẻ cao ngạo trong chính bạn.
Tại sao như thế?
Đơn giản lắm, muốn khen người khác cho đúng, bạn phải tìm ra điểm đáng khen của người ta. Nếu bạn cố gắng hướng đến những điều tích cực của mọi người, bạn dần dần có thể chấp nhận họ. Vì thế, một lời khen không chỉ làm dịu mối quan hệ, nó còn làm dịu chính bạn. Đó là liều thuốc cho cái-tôi cứng đầu đang chi phối và ngáng đường bạn!
HOÁ GIẢI TRANH CÃI
Thế là nhóm Minh thua một ván đau. Hai nhóm đến với chủ đề tiếp theo. Chủ đề thứ hai là:
Hai vợ chồng cãi nhau rồi hòa giải.
“Kì quặc thật, thằng bé này đầu óc có gì mà toàn nghĩ ra mấy chuyện tỏ tình với cả vợ chồng cãi nhau?” Ông già thắc mắc.
Lần này hai nhóm tiếp tục cử ra một nam, một nữ. Nhóm Minh cử bạn Ánh, một bạn nữ to béo, nét mặt tròn tròn dễ thương. Nhóm Phong cử bạn Mạnh, một bạn nam cao gầy, trông ốm yếu. Ông già cười ha hả rồi cất tiếng: “Chả hiểu bọn nó nghĩ gì mà chọn ra đôi số 1-0 này!” (Ý chỉ, một gầy, một béo!)
Sau năm phút hội ý, cuộc hội thoại bắt đầu.
Cãi nhau rất… sôi nổi. Hai nhóm thấy hoạt động tốt, phấn khởi vỗ tay.
Chị vợ Ánh không chịu nhận sai, còn đem so sánh hành động của chồng mình với người khác.
- Ông nhìn mấy bà bạn tôi kia kìa, thích cái gì là chồng người ta mua cho cái đấy. Chả như tôi.
Lúc này, Mạnh mới sử dụng một lời khen. (À, chính xác là ba lời khen):
- Bà nhầm rồi, bởi vì mấy bà kia không xinh đẹp bằng bà nên mới cần mua đồ để đẹp hơn. Lúc nào bà cũng đẹp. Bà cứ để tự nhiên là tôi thấy bà tuyệt vời nhất. Đòi mua cái này cái kia tôi thấy thương bà lắm.
Nói đến đây, Ánh không biết trả lời thế nào nữa, đành chịu thua. Cả nhóm Phong vỗ tay rất to, nhóm đã chiến thắng lần thứ hai. Chỉ cần một lần chiến thắng nữa thôi là thắng rồi!
Có một điểm thế này, Mạnh đã bắt đầu bằng câu nói “Bà nhầm rồi”. Bởi vì Mạnh phát hiện ra một điểm trong tâm lí Ánh: Thực ra không phải Ánh muốn mua mũ đắt tiền. Vì Ánh so sánh mình với người khác, tự ti với người khác, nên cô cần cái mũ để bù đắp cho điều ấy. Cô cho rằng như vậy mới thấy bằng với người ta. Cho nên mấu chốt của chuyện này là, không phải cãi nhau ai đúng ai sai, Ánh cần mũ hay không. Quan trọng là giải quyết tâm lí cảm thấy thua thiệt của Ánh.
Bình thường, câu “nhầm rồi” có thể biến thành hành động chỉ trích và đẩy sự gay gắt lên đỉnh điểm. Nhưng Mạnh lại có thể nói “Bà nhầm rồi” đi kèm một lời khen. Nó làm Ánh chấp nhận cả lời khen lẫn “bà nhầm rồi”, và cả những ý kiến tiếp theo của Mạnh. Tự Ánh cũng hiểu ra “mình nhầm rồi” ngay khi cô chấp nhận nó.
Trong khi tranh cãi, cái-tôi của con người thường nổi lên rất mạnh. Khi nó đã nổi lên thì... bạn biết đấy, rất khó để xuyên phá. Đặc tính của cái-tôi là vô cùng bảo thủ, nên lời khen như một bước lùi trong giao tiếp, làm cái-tôi của đối phương hạ xuống. Đó là lúc chiếc chìa khóa “Lời khen” đã mở được cánh cửa “tiếp thu” của cái-tôi.
NHẮC KHÉO
Nhóm Minh lúc này chỉ còn một cơ hội duy nhất để giành chiến thắng.
Họ bốc chủ đề thứ ba:
Nhắc nhở khéo léo một nhân viên
Tiếp tục bắt đầu bằng một câu chuyện.
Bạn biết không, trong các lối hành văn, có một cách truyền đạt tri thức vô cùng hiệu quả. Đây là một trong những cách thôi miên được các nhà tâm lí học, tư tưởng học, triết học sử dụng rộng rãi, đó chính là câu chuyện Minh triết.
Câu chuyện Minh triết có nghĩa là bạn đưa ra một câu chuyện, qua việc kể câu chuyện đấy mà người ta hiểu được ý bạn muốn nói. Vì ai cũng muốn nghe chuyện hơn là học kiến thức. Trong quá trình tâm ý họ tập trung để hiểu câu chuyện, họ sẽ bị thôi miên.
Tâm ý khi đó bứt ra khỏi trạng thái của lí trí hiện tại, cởi bỏ những vướng mắc trong mình. Khi hòa mình vào tình tiết, hiểu ra câu chuyện rồi, thì bỗng nhiên nó cũng hiểu ra cái lí đằng sau đấy. Đây là phép dẫn dắt tâm trí. Bạn không khó trông thấy phép “dẫn dắt” này trong văn học, nhất là văn học cổ, họ đều sử dụng những câu chuyện Minh triết để dẫn nhập vấn đề. Hiện nay có một hình thức gần giống, bạn vẫn vô tình sử dụng nó hằng ngày, đó là lấy ví dụ.
Vì thế, khi bạn muốn truyền đạt một điều gì, nhất là với những điều hơi khó hiểu hoặc rất khó hiểu, hãy cố gắng sử dụng câu chuyện Minh triết để dẫn dắt tâm trí người nghe.
Với chủ đề thứ ba, nhóm Minh chọn My, đóng vai một nữ nhân viên, còn nhóm Phong chọn Nam, đóng vai một nhà quản lí. Chuyện thế này:
Có một nhà quản lí nọ, tên là Nam. Anh ta là người quản lí đội bán hàng của một cửa hàng. Nhân viên của anh ta – cô My bị khách hàng phàn nàn về thái độ phục vụ kém. Nhiệm vụ của anh ta là truyền đạt lại và nhắc nhở nhân viên này.
Nhưng phải truyền đạt với My ra sao bây giờ? Điều này người quản lí phải tính. Tại sao cần tính? Bởi vì điều anh ta muốn làm là để họ thay đổi thái độ cho tốt lên, chứ không phải chỉ trích họ. Nếu anh ta nói những sự thực ấy ra, “Cô bị phàn nàn do thái độ phục vụ kém” thì nhân viên sẽ tổn thương. Sự tổn thương này đa phần không giúp họ làm việc tốt hơn. Nó khiến họ ám ảnh, sợ hãi hơn, hoặc có thể biến thành tâm lí chống đối.
Sau năm phút thảo luận với nhóm, My và Nam bắt đầu “lên sàn”.
Người quản lí Nam nghĩ ra một kế dùng lời khen: Nam lấy chính khiếm khuyết của My để khen cô. Lời khen lúc này trở thành lời nhắc nhở, sự động viên, định hướng công việc cho My.
Bạn nghĩ sao nếu chuyện này diễn ra trong thực tế? Trong lòng các nhân viên vốn phục vụ chưa tốt này không khỏi chột dạ. Họ cảm thấy mình chưa xứng đáng với lời khen ngợi đó. Một mặt họ rất trân trọng lời khen ngợi ấy, vì biết người quản lí đang tôn trọng mình và muốn nhắc nhở mình. Mặt khác, họ có phần lo lắng rằng thái độ phục vụ chưa tốt của họ bị quản lí nhìn ra. Họ vừa sợ lại vừa nể người quản lí nên thay đổi cách làm việc. Từ đó, họ thay đổi thái độ, vui vẻ đón tiếp khách hàng. Những người này sẽ có thái độ cống hiến, gắn bó với công ty hơn.
Vậy là My chưa kịp nói gì, thì sau câu khen “hợp tình hợp lí” của Nam, nhóm Phong đã toàn thắng!
NGHỊCH LÍ TRONG LỜI KHEN NỮ GIỚI
Hôm nay là ngày lập Đông. Mỗi khi trời chuyển sang mùa lạnh, là ông trí não lại “tăng động” phi thường.
Nếu chưa, thì bạn nên tìm hiểu về tiết khí và các nhịp vận chuyển của Mặt trời một chút (bạn search Wikipedia là thấy!). Ngày lập Đông diễn ra vào đầu tháng 11, là ngày bắt đầu của mùa đông.
Vào mùa đông, trí não của chúng ta thường hoạt động mạnh hơn các mùa khác. Vì sao ư? Đơn giản là bởi vì mùa đông là mùa của trí. Bạn còn nhớ việc ông trí não thích Phong và khiến cho Minh dao động không? Khi trí não hoạt động mạnh, cả thân thể và tâm cảm cũng ảnh hưởng theo. Trí làm việc tốt, thì tâm cảm lại yếu đuối phi thường. Bạn nhớ cảm giác đó chứ? Khi bạn khám phá ra một điều gì đó qua thời gian đằng đẵng tìm hiểu, bạn vừa thấy mình “cao” hơn một mức, nhưng cùng lúc bạn bỗng cảm thấy cô đơn khủng khiếp và cần ai đó bên cạnh. Trái tim của chúng ta chật hẹp thế đấy. Tâm cảm và Lí trí cứ o ép nhau mãi không thôi.
Chuyện ông trí não tăng động thì buồn cười lắm! Việc ông ấy cần làm thì ông lười, nhưng vẫn có thời gian rảnh để đi nhận xét người khác. Cứ nhìn người qua lại, rồi lại bật cười sự đời. Đời sống của trí đôi lúc cũng nhỏ hẹp và nhạt nhẽo như vậy đấy. (Nhưng ấy là khi bạn để ông ta rảnh rỗi, bạn bắt ông ta làm việc thì lại là một chuyện khác!)
Ông ta ngắm mấy bạn nữ xung quanh Minh (không phải ngắm vì thích thân thể người ta đâu nhé), ông nhẩm đi nhẩm lại bài: “Con gái nói có là không, con gái nói không là có, con gái nói một là hai, con gái nói hai là một” làm Minh phát điên.
Nhân tiện, bài hát này rất nổi tiếng. Xem ra, ai cũng biết tâm lí con gái thật phức tạp!
Ông ta đang muốn ám chỉ rằng con gái đối với việc được khen ngợi có rất nhiều nghịch lí.
Bởi vì tâm lí thì luôn trái khoáy. Và sự trái khoáy này cũng là điều tổn thương sâu thẳm trong tâm lí con gái. Một khi nó đã chi phối, họ khó có cách để tỏ rõ lòng mình. Sâu thẳm trong họ là sự bất lực và tuyệt vọng về chính mình chứ không phải những người xung quanh. Và vì thế người nữ luôn nhạy cảm, con gái luôn khó hiểu (thế nên cũng khó chiều!).
Đang là mùa đông, trí não hoạt động mạnh, nên ông già trí tuệ rất rảnh và thừa năng lượng, ông ấy ngồi nói chuyện với cái miệng.
Chuyện kể là, một anh sếp thấy cô nhân viên nữ của mình hay làm việc quá giờ, vất vả. Đến lúc tan làm, anh ta nói với cô ấy: “Cô đi về đi. Về nghỉ ngơi đi.” Sếp nói như thế thì trong lòng cô này cảm thấy ấm ức, khó chịu. Cô ta cảm giác thất thế và bị sai bảo, liền đáp lại: “Tôi không thích bị coi là kẻ yếu đuối, các anh tưởng chỉ đàn ông các anh làm việc được quá giờ à?” Kể ra thì cũng “lếu láo” thật, nghĩ tích cực thì đó là sự thẳng thắn.
Cũng là cô nhân viên đấy, một thời gian sau ai ai cũng cho là cô ấy thẳng thắn, mạnh mẽ, làm việc được xuyên ngày đêm. (Nhưng không ai nói gì với cô về việc đó!) Cô ấy lại bắt đầu khó chịu: “Sao chẳng ai quan tâm đến mình!” (Ô hay thật! Hay thật! Nhưng đúng thế, chúng ta vẫn trải qua cảm giác đấy còn gì!)
Hãy đến với một sự thực đằng sau nghịch lí này: Cô ta chẳng qua là muốn người khác tôn trọng mình, để ý tới mình. Thế cho nên, sẽ là một ngày đẹp tuyệt vời với cô ấy nếu sếp hay nam nhân nào cùng phòng nói với cô ấy: “Hôm nay cô làm việc vất vả rồi, mệt rồi, về sớm nghỉ ngơi một chút, có thời gian chăm sóc bản thân.”
Vậy đấy, với nữ giới, “cách” thể hiện sự quan tâm quan trọng hơn bản thân sự quan tâm, và cách để nói lời khen quan trọng hơn nhiều nội dung lời khen ngợi.
Cậu biết tại sao không? Phụ nữ dễ sa vào tâm lí đố kị. Vì thế nên luôn chạnh lòng trước mọi lời khen hướng đến người khác. Nếu khen một người nam trước mặt người nữ, thì người nữ chỉ tỏ ra khinh thường một chút thôi, kiểu như: “Không chấp đàn ông.” Nhưng nếu khen một người nữ trước mặt người nữ, kể cả có là bạn bè thân thiết, chị em thiết thân, người trong gia đình (trừ mẹ ruột cô ta ra) thì đều sinh chuyện. Họ sẽ nổi tâm lí đố kị, so sánh, và sẽ cảm thấy tổn thương. Người hướng nội một chút sẽ nghĩ: “Mình chẳng bằng ai”, còn người hướng ngoại thì nghĩ: “Khen vớ vẩn, ‘con đấy’ vớ vẩn.”
Tại sao như thế?
Con người ai cũng có nhu cầu được người khác công nhận để thấy mình có giá trị. Sự công nhận thể hiện rõ nhất qua lời khen. Bạn có để ý không? Và như vậy thì họ ghi nhận giá trị của mình thông qua người khác. Chỉ khi người khác công nhận họ, họ mới nghĩ mình có giá trị. Còn khi tự họ nói mình có giá trị, thì đó thường chỉ là tiếng nói tuyệt vọng của tâm hồn thôi. Con người nhiều khi không thật biết về chính-mình, họ cứ mải miết đi tìm sự thừa nhận và an ủi từ bên ngoài.
Một đời sống chật hẹp, mệt mỏi, điên cuồng, phải vậy không?
Đố kị là một tâm lí rất phổ biến, cũng là một trong những tâm lí căn bản của con người, nó chi phối các tâm lí khác.
Vậy đố kị sinh ra từ đâu?
Có rất nhiều điều tạo nên sự đố kị, bạn phải tự kiểm nghiệm trong lòng mình. Nó có thể đến từ nỗi sợ hãi về giá trị, sự tồn tại của bản thân. Nó có thể đến từ sự tham lam điều gì đấy mình không thể có. Nó cũng có thể là sự tổng hợp đến từ rất nhiều diễn biến tâm lí khác. Dù thế nào, ai đã mang tâm lí đố kị đều rất mệt mỏi. Biết vậy nhưng có khác được đâu. Tại sao chúng ta cứ phải sống khổ sở như thế?
Bạn có để ý không? Nói như vậy có nghĩa là, vấn đề là tâm lí đố kị nơi ta, chứ không phải ở đối tượng của đố kị. Từ đố kị cũng đã mang sẵn hàm nghĩa là sẽ có một đối tượng để đố kị, nhưng đấy chỉ là hình thức để tâm lí đố kị được chuyển ra ngoài, để nó không là một vấn đề nội tâm lởn vởn, ám ảnh ta hằng ngày nữa. Chỉ có một điều đang bàn đến ở đây, đó là đối tượng đố kị của một người phụ nữ thường là ai? Cũng là một người phụ nữ! Điều này chứng tỏ một điều ai cũng biết: Cùng giới thì đẩy nhau, khác giới thì hút nhau. Nếu hai người cùng mang âm tính mạnh (người nữ) ở gần nhau thì sẽ đẩy nhau, mà đố kị là một biểu hiện.
Khen người nữ này trước mặt người nữ kia, như là mồi lửa châm vào đám gas đố kị đã tồn tại sẵn. Nó sẽ bùng lên, không phát ra ngoài thì cũng đốt cháy tâm can người ta. Bạn đừng tưởng người được khen, không phát tác đố kị thì không việc gì. Hai người tương tác với nhau là tương ứng. Một người có vấn đề thì người kia cũng có vấn đề, chỉ có điều nó là hai cách phát tác khác nhau. Một người đang đố kị đùng đùng thì người còn lại rất dễ sa vào tâm lí thích thể hiện, muốn phô trương bản thân. Họ không cần phô trương với người khác đâu, họ rất muốn chứng tỏ mình với cái kẻ đang “bốc cháy” trong tâm đố kị kia kìa.
Đó là cuộc sống phòng kín, nó rất phức tạp. Những con người bị “trói” chặt vào nhau, bị “nhốt” vào một căn phòng kín, tâm lí đố kị chắc chắn nảy sinh. Nói theo tâm lí học đô thị, phòng kín chính là thứ kiến tạo nên tâm lí đố kị. Còn người mang lấy nó và vật lộn trong nó chỉ là những nạn nhân.
Vậy thì, hãy tránh cầm đuốc trước mặt họ, tránh khen họ trước mặt nhau.
Ông già trí vuốt râu, không cần biết cái miệng thế nào, ông nói tiếp: Còn có một chuyện này, miệng họ than thở nhưng thực ra đang tự khen mình. Sao đám miệng các cậu lại buồn cười thế nhỉ?
Nhà Minh có một cô hàng xóm. Cô ấy không đi làm, chỉ ở nhà chăm sóc chồng con nên có rất nhiều thời gian rảnh. Thời gian ấy không có việc gì làm, cô lại sang chơi với mẹ Minh. Minh quan sát một hồi thì thấy, cô ấy rất thích kể chuyện mình bằng cách than: “Ôi hôm nay chẳng biết ăn cái gì”, “Ôi thằng con nhà em nó đi suốt”, “Ôi anh nhà em chẳng mấy khi ăn cơm ở nhà”, “Ôi... ôi...”
Hôm nào cũng một cấu trúc giao tiếp như thế, hôm nào cũng làm cái vẻ mặt âu sầu, mệt mỏi.
Hãy xét về khía cạnh tâm lí học. Tại sao một người thích than vãn?
Than vãn thực chất là cách để một người giải tỏa tâm lí. Bạn thử nghĩ lại về mình xem, bạn thường than vãn không? Và bạn thường than vãn khi nào? Chúng ta than vãn khi có một sự thất vọng ở trong lòng mà không có cách nào xử lí. Lời than vãn là cách để năng lượng thất vọng được bộc phát ra. Trong lúc than vãn, chúng ta tránh việc giải quyết vấn đề, chúng ta cứ than vãn thôi, thế nên gọi là giải tỏa. Than vãn đi kèm với thất vọng. Chứng tỏ, sự than vãn là tình trạng chúng ta đầu hàng, bất lực trước vấn đề của mình, không tìm ra cách xử lí (Bởi vì nếu đã có cách xử lí hoặc xử lí được rồi thì người ta còn than vãn làm gì?)
Thêm nữa, than vãn không chỉ đi kèm, mà tạo ra cả thất vọng. Tại sao như thế? Bởi vì người phải nghe lời than vãn đó không hiểu được bản chất của lời người kia nói. Những lời than, bởi thế, được đáp lại “lệch sóng”. Bạn biết bản chất của giao tiếp rồi đấy, giao tiếp lệch sóng luôn tạo ra sự thất vọng.
Vậy thì, thất vọng – than vãn – thất vọng, là một vòng luẩn quẩn mệt mỏi của tâm lí.
Nhưng chúng ta không có cách nào khác ngoài tuân theo nó, vì chúng ta không tránh được sự thất vọng. Chúng ta luôn cần giải tỏa các áp lực.
Quay trở lại câu chuyện cô hàng xóm. Nếu chúng ta giúp cô ấy tìm cách xử lí chuyện không biết nấu gì ngày hôm nay, chuyện chồng bận bịu không về ăn, hay chuyện con cô ấy suốt ngày đi chơi, không ở nhà, thì điều cô hàng xóm ấy nhận lại chính là sự thất vọng. Bởi vì cô ấy không cần giải quyết, cô ấy cần sự thừa nhận. Điều khiến cô ấy thất vọng là vì thiếu sự thừa nhận, và cô ấy than vãn để có được sự thừa nhận ấy. Nếu đáp lại lời cầu xin thừa nhận đó lại là một giải pháp, thì hẳn là cô ấy sẽ chán ghét bạn khủng khiếp. Bạn nghĩ xem, họ đang cầu xin sự thừa nhận. Họ đang muốn được thừa nhận mình ở vị thế cao hơn. Họ muốn được trân trọng, được tôn trọng. Thế mà bạn lại cho người ta một giải pháp. Như thế, ở mối quan hệ này bạn trở thành người ban phát, người kia là người nhận sự giúp đỡ. Bạn ở trên còn người ta ở dưới. Đó là điều ngược hẳn với những gì người ta mong muốn.
Sự than vãn của cô hàng xóm còn thể hiện một điều nữa, ấy là thâm tâm cô ấy đang muốn khoe: “Nhà tôi chăm chút bữa ăn lắm, ngày nào cũng nghĩ xem hôm nay ăn gì cho ngon” (Chỉ gia đình khá giả mới luôn nghĩ đến chuyện ăn cái gì cho ngon, cho mới mẻ thôi!). Rồi gì nữa?
Cách xử lí của chúng ta ở trường hợp này thế nào? Tùy xem bạn muốn cho người ta thấy điều gì. Ví dụ, bạn muốn cho cô hàng xóm thấy là “Không phải như cô nghĩ đâu, cô bớt ảo tưởng đi một chút.” Thế thì đầu tiên vẫn phải khen cho trúng đã, chẳng hạn “Cô chăm chút chuyện ăn uống cho gia đình thật đấy. Chồng con thật may mắn khi có cô.” Nghe vậy là cô ấy “sướng” lắm rồi. Nhưng nên kết hợp lời khen với một lời nhắc nhở (Bạn còn nhớ chứ? Để người ta chấp nhận cả hai), vậy Minh sẽ nói thế này:
- Cô chăm chút chuyện ăn uống cho gia đình thật đấy. Chồng con cô thật may mắn khi có cô. Có điều cô cũng nên nghĩ cho bản thân nữa. Thỉnh thoảng nên đi ra ngoài, làm một số việc khác. Như thế tốt cho thân thể. Ở nhà lâu quá cũng không tốt.
Nói như vậy thì lời khen trở thành điều mồi cho tâm trí thôi, còn lời nói đằng sau kia mới là nội dung chính. Minh đang hướng dẫn tâm trí cô hàng xóm. Vì đã chấp nhận Minh khi nghe lời khen, nhưng đấy lại không phải trọng tâm, nên tâm trí cô ấy sẽ thấy là: “Ờ, phải đi ra ngoài, phải làm cái gì đấy khác cho mình nữa.”