Trên đường đến nước Vệ, Liệt Tử dừng chân dùng bữa ven đường thì thấy một chiếc sọ người độ trăm tuổi. Bẻ một nhánh cây chỉ vào chiếc sọ, quay sang môn đệ là Bách Phong ông bảo: “Chỉ ông ấy và ta biết rằng anh bất sinh bất diệt. Phải chăng ông ấy thật sự đau khổ, phải chăng chúng ta thật sự hạnh phúc?”.
Tôi rất hoan hỉ về Liệt Tử - ông là một trong những hình tượng hoàn hảo nhất để diễn giải cho những điều không thể diễn giải được. Chân lí thì không thể diễn giải được; tính không diễn giải được ấy là bản chất của chân lí. Hàng nhiều ngàn người đã thử diễn giải - song rất ít người thành công, thậm chí trong việc nêu ra được một phóng chiếu của nó mà thôi. Liệt Tử là một trong số rất ít những người đó; ông quả là người hiếm có.
Trước khi chúng ta bắt đầu bước vào thế giới của ông, cần phải hiểu đôi điều về ông và về cách tiếp cận vấn đề của ông. Cách tiếp cận của ông là cách của một nghệ sĩ - nhà thơ, người kể chuyện - và ông là người kể chuyện bậc thầy.
Một khi ai đó có cuộc đời từng trải thì kinh nghiệm sống của người đó đơm hoa thành những chuyện ngụ ngôn - dường như đó là cách dễ nhất để ám chỉ điều không thể nói ra. Ngụ ngôn là phương cách, một phương cách tuyệt vời; nó chẳng phải chuyện thường. Mục đích của nó không phải để giải trí, mục đích của nó là để nói điều mà không có cách nào khác để nói ra. Không thể đưa cuộc sống vào lí thuyết được - nó quá bao la, nó quá vô cùng.
Lí thuyết về mặt bản chất là khép kín. Lí thuyết phải khép kín nếu nó đúng là lí thuyết; nó không thể được bỏ ngỏ, bằng không nó sẽ vô nghĩa. Chuyện ngụ ngôn thì còn bỏ ngỏ; nó nói và để lại nhiều điều cần phải nói, nó ám chỉ. Và điều không thể nói được thì có thể được chỉ ra. Nó là ngón tay chỉ trăng. Đừng bám vào ngón tay - chẳng liên quan gì - mà hãy nhìn trăng. Những chuyện ngụ ngôn ấy tự thân chúng rất hay, rất đẹp song đó không phải là mục đích của chúng... chúng vượt ra ngoài, chúng thật huyền ảo. Nếu bạn mổ xẻ chuyện ngụ ngôn thì bạn sẽ chẳng hiểu được gì mấy.
Nó giống như cái rốn trên cơ thể người ta. Nếu bạn đến gặp nhà phẫu thuật và hỏi ông ta công dụng của cái rốn trên cơ thể là gì, và nếu mổ xẻ cơ thể thì ông ta sẽ chẳng thấy được công dụng nào hết. Cái rốn dường như vô dụng. Công dụng của cái rốn là gì? Nó từng có công dụng khi đứa bé còn trong bụng mẹ: công dụng của nó là liên kết đứa bé với người mẹ, nó nối đứa bé với người mẹ.
Nhưng giờ đây đứa bé không còn trong bụng mẹ nữa - người mẹ có thể đã chết, đứa con đã già đi - thế thì giờ đây công dụng của cái rốn là gì? Nó có công dụng siêu việt; công dụng không phải ở trong bản thân nó. Bạn sẽ phải nhìn khắp xung quanh để tìm ra dấu hiệu - nơi nó chỉ ra. Nó chỉ ra rằng người ta có thời từng là một đứa bé, rằng đứa bé có thời từng nằm trong bụng mẹ, rằng đứa bé được nối với người mẹ. Đấy chỉ là dấu hiệu mà quá khứ để lại.
Nếu như cái rốn chỉ ra điều gì đó về quá khứ, chuyện ngụ ngôn lại chỉ ra điều gì đó về tương lai. Nó chỉ ra rằng có khả năng nảy nở, có khả năng kết nối với hiện hữu. Ngay bây giờ mới chỉ là khả năng, còn chưa là hiện thực. Nếu bạn mổ xẻ chuyện ngụ ngôn thì nó trở thành chuyện thường. Nếu bạn không mổ xẻ mà chỉ uống cạn ý nghĩa của nó, chất thơ của nó, chất nhạc của nó - quên đi câu chuyện và chỉ mang theo ý nghĩa của nó - chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy rằng nó chỉ dẫn tới tương lai, hướng tới điều gì đó có thể xảy ra nhưng còn chưa hiện hữu. Nó thật siêu việt.
Ở phương Tây, ngoại trừ ngụ ngôn của Jesus, chẳng có gì giống như của Liệt Tử, Trang Tử, Phật... chẳng có gì giống ngụ ngôn của những vị này - chỉ mỗi của Jesus. Mà thậm chí ngụ ngôn của Jesus dường như cũng là thứ ngài phải đem chúng về từ phương Đông. Có ngụ ngôn của Aesop, nhưng chúng cũng chỉ là những phóng chiếu của cuốn sách lớn về ngụ ngôn phương Đông, Panchatantra(1). Ngụ ngôn là phát minh của phương Đông và vô cùng ý nghĩa.
(1) Một tuyển tập cổ đại các truyện ngụ ngôn Ấn Độ (Mọi chú thích trong bản dịch đều của First News).
Thế nên điều đầu tiên cần hiểu về Liệt Tử: ông không phải là nhà lí thuyết, ông sẽ không đem đến cho bạn bất kì lí thuyết nào; đơn giản ông sẽ cho bạn chuyện ngụ ngôn.
Lí thuyết có thể được mổ xẻ – ý nghĩa của nó ở trong nó; nó không siêu việt, ý nghĩa là nội tại. Chuyện ngụ ngôn không thể mổ xẻ; mổ xẻ ra nó sẽ chết. Ý nghĩa của nó siêu việt, không ở bên trong nó.
Lí thuyết có thể được mổ xẻ - ý nghĩa của nó ở trong nó; nó không siêu việt, ý nghĩa là nội tại. Chuyện ngụ ngôn không thể mổ xẻ; mổ xẻ ra nó sẽ chết. Ý nghĩa của nó siêu việt, không ở bên trong nó. Mà ở một chỗ nào khác - nó phải ở đâu đó. Bạn phải sống trong ngụ ngôn thì bạn mới thấu được ý nghĩa của nó. Nó phải trở thành nhịp tim của bạn, hơi thở của bạn; nó phải trở thành nhịp điệu bên trong bạn. Thế nên những chuyện ngụ ngôn ấy đầy tính nghệ thuật song không phải thứ nghệ thuật đơn thuần; tôn giáo lớn hàm chứa trong chúng.
Có hai loại người: người nói về Thượng đế, đó là nhà thần học; người nói chuyện Thượng đế, đó là nhà huyền môn.
Liệt Tử cũng không phải nhà thần học; ông không nói về Thượng đế. Ông nói chuyện Thượng đế, nhưng không nói về Thượng đế. Bất cứ điều gì ông nói đều xuất phát từ nguồn cội, nhưng ông không nói về nguồn cội; bạn phải thật rõ điều này. Có hai loại người: người nói về Thượng đế, đó là nhà thần học; người nói chuyện Thượng đế, đó là nhà huyền môn. Liệt Tử là nhà huyền môn. Người nói về Thượng đế thì không biết Thượng đế, bằng không sao lại phải “nói về”? Chữ “về” chỉ ra chỗ vô minh của người đó rồi. Khi một người nói chuyện Thượng đế, người đó đã trải nghiệm. Thế thì Thượng đế chẳng phải là lí thuyết để chứng minh, để bác bỏ, không hề; thế thì Thượng đế chính là cuộc sống của anh ta - để anh ta sống cuộc sống đó.
Để hiểu một người như Liệt Tử bạn sẽ phải sống một cuộc sống đích thực. Chỉ có thế, qua trải nghiệm của chính mình, bạn mới có thể cảm thấy điều ông ngụ ý qua những chuyện ngụ ngôn. Không phải là bạn có thể học được những lí thuyết và nắm được thông tin; thông tin chẳng giúp ích gì. Trừ phi bạn biết, chẳng có gì giúp ích được. Thế nên nếu những chuyện ngụ ngôn ấy tạo ra trong bạn cơn khát phải biết, ham muốn lớn lao phải biết, cái đói dữ dội phải biết; nếu những chuyện ngụ ngôn ấy dẫn bạn vào hành trình vô định, vào cuộc hành hương - thế thì chỉ mỗi việc bước trên con đường, bạn sẽ trở nên quen thuộc với con đường.
Liệt Tử, Trang Tử, Lão Tử - ba vị Đạo sư - chỉ nói về con đường. Đạo nghĩa là con đường - họ không nói về đích đến chút nào. Họ nói: Đích đến sẽ tự lo cho nó; bạn chẳng cần bận tâm về đích đến làm gì. Nếu bạn biết con đường là bạn biết đích đến, bởi vì đích đến không phải ở tận cùng con đường, đích đến là toàn bộ con đường - nó đều hiện diện trong từng khoảnh khắc và trong từng bước chân. Không phải là khi con đường kết thúc bạn mới đến đích; từng khoảnh khắc, bất kì chỗ nào bạn ở, bạn đều ở đích đến nếu bạn ở trên con đường. Ở trên con đường là ở đích đến. Vì thế, họ không nói về đích đến, họ không nói về Thượng đế, họ không nói về giải thoát, niết bàn, chứng ngộ - không hề, không một chút nào. Thông điệp của họ rất đơn giản: Bạn phải tìm ra con đường.
Sự việc trở nên phức tạp hơn một chút bởi vì họ nói: Con đường không có trên bản đồ, con đường không được vẽ, con đường không phải ở chỗ bạn có thể theo ai đó và tìm ra nó. Con đường không giống như siêu xa lộ; con đường tựa như chim bay trên trời - nó không để lại dấu vết nào đằng sau. Quả là chim đã bay nhưng không dấu vết nào để lại; không ai có thể theo được. Thế nên con đường là con đường không lối. Nó là con đường đấy, nhưng là con đường không lối. Nó không được dọn sẵn, có sẵn; bạn không thể chỉ quyết định đi trên nó mà thôi, bạn còn phải tìm ra nó. Và bạn sẽ phải tìm ra nó theo cách riêng của bạn; chẳng phương cách của ai khác có tác dụng gì.
Phật đã đi, Lão Tử đã đi, Jesus đã đi, nhưng những con đường đó không giúp ích gì cho bạn cả vì bạn không là Jesus, không là Lão Tử, không là Liệt Tử. Bạn là bạn, cá nhân duy nhất. Chỉ bằng cách bước đi, chỉ bằng cách sống cuộc sống của bạn, bạn sẽ tìm ra con đường. Đấy là điều gì đó có giá trị lớn lao.
Đó là lí do vì sao Đạo giáo không phải là tôn giáo có tổ chức, không thể nào. Nó là một tôn giáo có hệ thống nhưng không phải là tôn giáo có tổ chức. Bạn có thể là một đạo nhân nếu đơn giản bạn sống cuộc sống của mình một cách chân thật, tự phát, nếu bạn có dũng cảm để đi vào cái không biết theo cách riêng của bạn, cá nhân bạn, không dựa vào bất kì ai. Không theo bất kì ai, đơn giản là đi vào đêm tối mà không biết liệu bạn sẽ tới bất cứ nơi đâu hay bạn sẽ bị lạc. Nếu bạn có dũng cảm, rủi ro là tất yếu - có mạo hiểm, có phiêu lưu.
Kitô giáo, Ấn giáo, Hồi giáo đều là những siêu xa lộ; bạn chẳng cần mạo hiểm điều gì, đơn giản là bạn đi theo đám đông, bạn đi cùng quần chúng. Với Đạo bạn phải đi một mình, bạn phải ở một mình. Đạo xem trọng cá nhân chứ không phải xã hội. Đạo xem trọng cá thể chứ không phải đám đông.
Đạo xem trọng cá nhân chứ không phải xã hội. Đạo xem trọng cá thể chứ không phải đám đông.
Đó là lí do vì sao tôi gọi Đạo là “con đường không lối”. Nó là đường đấy, nhưng không giống những con đường khác. Nó có phẩm chất khác biệt của riêng nó, phẩm chất của tự do, phẩm chất của hỗn độn, phẩm chất của hỗn mang. Đạo nói rằng nếu bạn áp đặt khuôn phép lên bản thân, bạn sẽ là nô lệ. Kỉ luật phải nảy sinh từ sự giác ngộ của bạn, thế thì bạn sẽ là đạo sư. Nếu bạn áp đặt trật tự lên cuộc sống của bạn, điều này sẽ chỉ là giả vờ; mất trật tự sẽ vẫn còn ẩn sâu trong cốt lõi của bản thể bạn. Trật tự sẽ chỉ có trên bề mặt; còn ở trung tâm vẫn là mất trật tự. Điều này chẳng ích gì.
Trật tự thật sự nảy sinh không phải từ bên ngoài, mà từ cốt lõi sâu thẳm nhất trong bản thể bạn. Cho phép mất trật tự, đừng kìm nén nó. Đối mặt với nó, chấp nhận thử thách của mất trật tự. Bằng việc chấp nhận thử thách của mất trật tự và sống nó, sống đầy rủi ro - trật tự nảy sinh trong bản thể bạn. Trật tự đó bắt nguồn từ hỗn loạn, không từ bất kì hình mẫu nào. Đấy là động thái hoàn toàn khác: nó sinh ra trong bạn và nó tươi mới; nó không mang tính truyền thống, nó nguyên sơ; nó không qua tay ai khác. Đạo không tin vào tôn giáo sang tay và Thượng đế sang tay. Nếu bạn theo Thượng đế của Jesus bạn trở thành giáo hữu Kitô, nếu bạn theo Thượng đế của Krishna bạn trở thành tín đồ Hindu, nếu bạn theo Thượng đế của Mohammed bạn trở thành tín đồ Hồi giáo. Đạo nói: Nhưng chừng nào còn chưa tìm ra Thượng đế của bạn, bạn còn chưa ở trên con đường.
Thế nên tất cả những con đường ấy đơn giản là làm bạn xao nhãng khỏi con đường thực. Theo người khác, bạn sẽ lạc lối. Theo bất kì hình mẫu cuộc sống nào, bạn trở thành nô lệ.
Tất nhiên, tự do là nguy hiểm bởi vì trong đó không có an ninh, trong đó không có an toàn. Vô cùng an toàn khi bạn theo đám đông. Đám đông bảo vệ bạn. Vô cùng an toàn khi bạn theo đám đông vì lẽ chính sự hiện diện của nhiều người khiến bạn cảm thấy bạn không lẻ loi và bạn không thể bị lạc. Vì cái an ninh ấy mà bạn đang bị lạc đấy, vì cái an ninh ấy mà bạn không bao giờ tìm và bạn không bao giờ kiếm và bạn không bao giờ dò hỏi. Và chân lí chẳng thể nào được tìm ra trừ phi bạn phải tự mình dò hỏi. Nếu bạn tiếp nhận thứ chân lí vay mượn, bạn trở nên có kiến thức; song có kiến thức không phải là biết.
Đạo cho rằng dù bạn vô minh và sự vô minh là của bạn, điều đó vẫn tốt - ít nhất nó là của bạn, và nó có sự hồn nhiên của nó. Nhưng nếu bạn bị chất nặng với đống tri thức, kinh sách, truyền thống được tích lũy, thế thì bạn đang sống một cuộc sống rởm, giả tạo. Thế thì bạn không thật sự sống đâu, bạn chỉ đang ra vẻ là bạn sống mà thôi. Bạn đang làm những cử chỉ bất lực, những cử chỉ rỗng tuếch. Cuộc sống của bạn không có cảm xúc mãnh liệt, không có đam mê - chẳng thể nào có đam mê. Đam mê chỉ nảy sinh chừng nào bạn đi theo cách riêng của bạn, một mình, vào khoảng trời bao la của hiện hữu.
Vì sao bạn không thể đi một mình? Vì bạn không tin vào cuộc sống. Để đi một mình người ta cần niềm tin lớn lao vào cuộc sống... cây cỏ, sông suối, trời đất, sự vĩnh hằng của vạn vật - người ta tin vào điều này. Bạn tin vào những quan niệm nhân tạo, bạn tin vào những hệ thống nhân tạo, bạn tin vào những ý thức hệ nhân tạo. Làm sao những ý thức hệ nhân tạo lại có thể đúng được?
Con người đã tạo ra những ý thức hệ này cốt để che giấu sự việc là con người không biết, để che giấu sự việc là con người vô minh. Con người láu cá, ranh mãnh và con người có thể tạo ra cách hợp lí hóa, nhưng những phương cách hợp lí hóa này đều huyễn ảo - bạn không thể đi cùng chúng vào chân lí được. Bạn sẽ phải rũ bỏ chúng.
Để tôi kể bạn nghe vài chuyện vui.
Trong tác phẩm lớn của Samuel Beckett, Trong khi chờ Godot, diễn ra tình tiết nhỏ này. Hãy suy gẫm về nó.
Hai kẻ lang thang, Vladimir và Estragon, trên sân khấu. Họ ở đó để đợi - cũng như mọi người khác trên thế gian này đều đợi; chẳng ai biết đích xác đợi cái gì. Mọi người đều đợi, hi vọng là điều gì đó sẽ xảy ra. Hôm nay chưa xảy ra thì ngày mai sẽ xảy ra. Đó là tâm trí con người: hôm nay đang bị phí hoài, song vẫn cứ hi vọng ngày mai điều gì đó sẽ xảy ra. Và hai kẻ lang thang ấy đang ngồi dưới gốc cây và chờ đợi... chờ đợi Godot.
Chẳng ai biết đích xác ông Godot này là ai. Từ này nghe giống God (Thượng đế) nhưng chỉ nghe giống thôi, chứ thực tế thì những vị thượng đế mà bạn đang chờ đợi là tất cả những ông Godot. Bạn đã tạo ra họ bởi vì người ta phải chờ đợi một điều gì đó, bằng không làm sao bạn chịu đựng nổi hiện hữu? Để làm gì? Làm cách nào bạn trì hoãn cuộc sống được? Làm cách nào bạn hi vọng được? Cuộc sống sẽ trở nên không thể chịu đựng nổi, bất khả, nếu như không có gì để chờ đợi. Ai đó chờ đợi tiền tài, và ai đó chờ đợi quyền lực, và ai đó chờ đợi chứng ngộ, và ai đó chờ đợi điều gì khác nữa; nhưng mọi người đều chờ đợi. Rồi những kẻ chờ đợi là những kẻ bỏ lỡ.
Hai kẻ lang thang ấy ở đó chỉ để chờ. Điều họ đang chờ là một người sẽ đến, ông Godot, người được mong đợi cấp cho họ chỗ trú và thức ăn. Trong khi chờ, họ giết thời gian bằng chuyện phiếm, chuyện đùa, trò chơi và cãi vặt...
Đó là thực chất cuộc sống của chúng ta: trong khi chờ đợi người ta loay hoay với những điều nhỏ nhặt. Điều lớn lao sẽ xảy ra ngày mai. Ngày mai Godot sẽ tới. Hôm nay người ta còn đang cãi vã - vợ cãi chồng, chồng cãi vợ. Những điều nhỏ nhặt: chuyện phiếm, chuyện đùa, trò chơi... nhạt nhẽo và rỗng tuếch. Hôm nay, đó là những gì mọi người cảm thấy: nhạt nhẽo, rỗng tuếch... “Chẳng được tích sự gì” là điệp khúc ngân đi ngân lại... Họ lặp đi lặp lại “Chẳng được tích sự gì”, thế rồi họ tự an ủi mình “Nhưng ngày mai ông ta sẽ tới”. Mà thật ra ông ta chưa bao giờ hứa với họ, họ chưa bao giờ gặp ông ta - đó là chuyện bịa. Người ta phải bịa đặt, do đau khổ mà người ta phải bịa ra cái ngày mai và cái gì đó để bám víu. Thượng đế của bạn, cõi trời của bạn, thiên đàng của bạn, giải thoát của bạn, toàn là chuyện bịa. Đạo không nói về chúng.
Vở kịch của Samuel Beckett, Trong khi chờ Godot, thấm đẫm tinh thần Đạo giáo.
Giữa màn một, hai kẻ lạ, Pozzo và Lucky, om sòm trên sân khấu. Pozzo dường như là một phú gia; còn Lucky, người hầu, bị dẫn tới khu chợ gần đó để bán đi.
Pozzo kể cho những kẻ lang thang nghe về những đức tính của Lucky mà điểm nổi bật nhất là hắn có thể nghĩ. Để cho họ thấy, Pozzo quất roi và ra lệnh: “Nghĩ đi!” rồi tiếp đó là “màn độc thoại lảm nhảm cuồng si mà trong đó những mảnh vụn thần học, khoa học, thể thao và lời giảng hỗn hợp chen chúc lộn xộn với nhau cho đến khi ba người kia lao vào hắn và làm hắn im miệng”.
Bạn đang nghĩ gì? Bạn định nói gì khi bạn nói “Tôi đang nghĩ”? Đó là “màn độc thoại lảm nhảm cuồng si mà trong đó những mảnh vụn thần học, khoa học, thể thao và lời giảng hỗn hợp chen chúc lộn xộn”... cho tới khi cái chết đến và khiến bạn im miệng. Toàn bộ suy nghĩ của bạn là gì? Bạn có thể nghĩ gì? Có gì ở đó mà nghĩ? Và qua suy nghĩ làm cách nào người ta có thể đến được chân lí? Suy nghĩ không thể nặn ra chân lí. Chân lí là trải nghiệm, và trải nghiệm chỉ xảy ra khi suy nghĩ không còn nữa.
Thế nên Đạo nói rằng thần học sẽ chẳng ích gì, triết học sẽ chẳng ích gì, logic học sẽ chẳng ích gì, lí trí sẽ chẳng ích gì. Bạn có thể vẫn cứ nghĩ hoài nghĩ mãi, rồi nó sẽ chẳng là gì ngoài bịa đặt - bịa đặt thuần túy của tâm trí con người để che giấu cái ngu xuẩn của riêng nó. Và thế rồi bạn có thể cứ tiếp tục mãi, giấc mơ này có thể dẫn tới giấc mơ khác, rồi giấc mơ khác lại có thể dẫn bạn tới giấc mơ khác nữa... mơ ở trong mơ ở trong mơ - toàn bộ triết học, thần học là như thế đó.
Mơ ở trong mơ ở trong mơ... đấy là cách tâm trí cứ tiếp diễn mãi. Một khi bạn bắt đầu mơ, không có kết thúc nào cho nó; và thứ mà bạn gọi là nghĩ thì tốt hơn nên gọi là mơ - nó không phải là nghĩ.
Bạn có thể vẫn cứ nghĩ hoài nghĩ mãi, rồi nó sẽ chẳng là gì ngoài bịa đặt – bịa đặt thuần túy của tâm trí con người để che giấu cái ngu xuẩn của riêng nó.
Nên nhớ là chân lí không cần suy nghĩ, nó cần trải nghiệm. Khi bạn thấy mặt trời và ánh sáng bạn không nghĩ về nó, bạn thấy nó. Khi bạn bắt gặp một đóa hồng bạn không nghĩ về nó, bạn thấy nó. Khi hương thơm lan tỏa tới mũi bạn, bạn ngửi nó, bạn không nghĩ về nó. Bất cứ khi nào bạn ở gần thực tại, chẳng cần phải nghĩ - thế thì thực tại là đủ rồi, thế thì trải nghiệm là đủ rồi. Khi bạn ở xa thực tại, bạn nghĩ; bạn thay thế thực tại bằng suy nghĩ. Một người đã ăn no, đêm ngủ sẽ không mơ mình được mời ăn tiệc. Một người nhịn đói cả ngày nhất định đêm ngủ sẽ mơ mình được mời ăn tiệc. Một người thỏa mãn tình dục sẽ không mơ về những đối tượng tình dục. Đó là toàn bộ phân tâm học của Freud; bạn mơ về những thứ bị bỏ lỡ trong cuộc sống của bạn, bạn mơ để đền bù lại. Đó cũng là toàn bộ cách tiếp cận của Đạo nữa. Điều Freud nói về nghĩ, về mơ, cách tiếp cận của Đạo cũng nói về nghĩ y hệt vậy. Và mơ chỉ là một phần của nghĩ chứ chẳng phải gì khác.
Nghĩ là mơ bằng lời, mơ là nghĩ bằng hình ảnh - đó là khác biệt duy nhất. Mơ là cách nghĩ nguyên thủy và nghĩ là cách mơ tiến hóa hơn - văn minh hơn, văn hóa hơn, trí tuệ hơn, nhưng giống hệt - chỉ là hình ảnh được thay thế bằng lời. Và theo một cách nào đó, vì hình ảnh được thay thế bằng lời, nó thậm chí đi xa khỏi thực tại hơn, vì thực tại gần với hình ảnh hơn với lời.
Liệt Tử không phải là nhà tư tưởng. Hãy nhập tâm điều đó; nó sẽ giúp bạn hiểu được ngụ ngôn của ông. Liệt Tử là nhà thơ, không phải nhà tư tưởng. Và khi tôi nói “nhà thơ”, tôi ngụ ý người tin vào trải nghiệm, chứ không phải vào suy đoán.
Nhà thơ luôn tìm kiếm. Ông ta tìm cái đẹp, nhưng cái đẹp không là gì ngoài chân lí thoáng hiện. Chân lí chừng như là cái đẹp khi bạn mới thoáng nhìn thấy nó trong khoảnh khắc. Khi chân lí được nhận diện toàn bộ, thế thì bạn đạt tới sự biết rằng cái đẹp chỉ là một chức năng của chân lí. Bất cứ khi nào chân lí tồn tại, cái đẹp đều tồn tại - nó là cái bóng của chân lí. Khi chân lí được thấy qua màn chắn, nó là cái đẹp; khi cái đẹp lộ trần, nó là chân lí.
Cho nên sự khác biệt giữa nhà thơ và nhà huyền môn là không nhiều. Nhà thơ tiến tới gần, còn nhà huyền môn đã tới. Với nhà thơ, chỉ có những thoáng hiện của chân lí; với nhà huyền môn, chân lí đã trở thành chính cuộc sống của ông ta. Nhà thơ chỉ đôi lúc mới được đưa tới thế giới của chân lí và rồi rơi ngược trở lại. Với nhà huyền môn, chân lí đã trở thành nơi trú ngụ của ông ta: ông sống ở đó; sống như chân lí.
Nhà thơ tới gần với tôn giáo nhất. Nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà logic học, nhà thần học, nhà khoa học thì còn rất xa. Toàn bộ cách tiếp cận của họ là bằng lời. Cách tiếp cận của nhà thơ hiện hữu hơn, còn cách tiếp cận của nhà huyền môn là hiện hữu tối cao; nó hiện hữu một cách tuyệt đối.
Đạo nghĩa là hiện hữu trên con đường, và hiện hữu theo cách mà con đường và bạn không phải là hai thể. Sự hiện hữu này là một - chúng ta không tách rời nó. Tách rời, ý niệm về tách rời, đích thực là ảo tưởng. Chúng ta nối với nhau, chúng ta là một toàn thể. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta là một lục địa. Bạn ở trong tôi, tôi ở trong bạn. Cây cỏ ở trong bạn, bạn ở trong cây cỏ. Nó là một toàn thể nối liền với nhau.
Basho(2) đã nói nó như thể là một mạng nhện bao la. Bạn đã từng thử chưa? Chạm vào mạng nhện ở chỗ bất kì và toàn thể mạng bắt đầu lắc lư, rung rinh; toàn thể rung động. Chạm vào một chiếc lá trên cây và bạn đã làm cho mọi vì sao rung động cùng với nó. Bạn có thể không đủ khả năng thấy điều đó ngay bây giờ, nhưng sự vật có liên hệ sâu sắc tới mức không thể nào không chạm tới những vì sao bằng việc chạm vào một chiếc lá, chiếc lá nhỏ bé trên cây.
(2) Tức Basho Matsuo (1644 – 1694): một nhà thơ nổi tiếng của Nhật thời Edo.
Toàn thể là một - tách rời là bất khả. Ngay chính ý tưởng tách rời là rào cản. Ý tưởng tách rời là thứ chúng ta gọi là bản ngã. Nếu bạn còn với bản ngã, bạn không ở trên con đường, bạn không trong Đạo. Khi bản ngã được rũ bỏ, bạn ở trong Đạo. Đạo nghĩa là sự hiện hữu vô ngã, sống như một bộ phận của cái toàn thể vô hạn này, không sống như một thực thể tách biệt.
Đạo nghĩa là sự hiện hữu vô ngã, sống như một bộ phận của cáitoàn thể vô hạn này, không sống như một thực thể tách biệt.
Hiện nay, thường là chúng ta được dạy phải sống như những thực thể tách biệt, chúng ta được dạy phải có ý chí riêng của mình. Người ta đến chỗ tôi và họ hỏi tôi: “Làm cách nào chúng tôi phát triển được sức mạnh ý chí của mình?” Đạo chống lại ý chí, Đạo chống lại sức mạnh ý chí, bởi Đạo là vì toàn thể chứ không vì bộ phận. Khi bộ phận hiện hữu trong toàn thể, mọi thứ đều hài hòa. Khi bộ phận bắt đầu hiện hữu theo ý riêng của nó, mọi thứ trở nên phi hài hòa - có bất hòa, xung đột, lộn xộn. Khi bạn không được hợp nhất với toàn thể, sẽ có lộn xộn. Nếu sự hợp nhất với toàn thể không xảy ra, nhất định có lộn xộn. Bất cứ khi nào bạn không cùng cái toàn thể bạn đều bất hạnh.
Hãy để điều này là định nghĩa của hạnh phúc: Cùng cái toàn thể là hạnh phúc; cùng cái toàn thể là mạnh khỏe; cùng cái toàn thể là linh thiêng. Tách rời là không mạnh khỏe; tách rời là loạn thần kinh; tách rời là rơi khỏi ân huệ.
Sự sa ngã của con người không phải bởi vì con người không vâng lời Thượng đế. Sa ngã bởi vì con người nghĩ rằng mình là gì đó. Sa ngã bởi vì con người nghĩ rằng mình là một thực thể tách rời. Điều này thật xuẩn ngốc: bạn không thể tồn tại nếu cha mẹ bạn không có đó, và cha mẹ của cha mẹ bạn, và cha mẹ của cha mẹ của họ nữa, cứ ngược trở lại mãi... đến tận Adam và Eva. Nếu Adam và Eva không tồn tại bạn sẽ chẳng ở đây. Thế nên bạn được nối với toàn thể quá khứ.
Sự sa ngã của con người không phải bởi vì con người không vâng lời Thượng đế. Sa ngã bởi vì con người nghĩ rằng mình là gì đó. Sa ngã bởi vì con người nghĩ rằng mình là một thực thể tách rời.
Mà Adam và Eva chỉ là huyền thoại. Quá khứ không có bắt đầu - không thể có bắt đầu nào hết; ngay chính cái ý tưởng về bắt đầu là ngớ ngẩn rồi. Làm sao mọi thứ có thể đột nhiên bắt đầu được? Nó là cuộc diễu hành vô thỉ(3) những sự kiện. Bạn được nối với toàn thể quá khứ; và bạn cũng được nối với toàn thể tương lai, bởi vì thiếu bạn thì tương lai sẽ không còn là như thế nữa. Bạn có thể chẳng là ai cả, nhưng bạn sẽ để lại dấu vết của bạn. Toàn thể tương lai, toàn thể tương lai vĩnh hằng, sẽ có phẩm chất nào đó bởi vì bạn hiện hữu. Có thể bạn chỉ hiện hữu trong vòng bảy mươi năm, và trong bảy mươi năm ấy có thể bạn chỉ hiện hữu một cách có ý thức chỉ trong vòng bảy giây, nhưng bạn sẽ vẫn để lại dấu vết; cái toàn thể sẽ không còn như trước nữa. Nếu như bạn đã không có đó, sự việc hoàn toàn khác đi; nhiều thứ bây giờ sẽ khác hoàn toàn bởi vì bạn đã hiện hữu. Bạn sẽ tiếp tục. Bạn có thể không làm điều gì đặc biệt, điều gì lớn lao và vĩ đại - chỉ là một cuộc đời bình thường - nhưng bạn sẽ vẫn ảnh hưởng tới toàn thể định mệnh của hiện hữu.
(3) Tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung: một triết lí trong giáo lí nhà Phật, có nghĩa trước không có căn rễ, sau không có chung cuộc – quá trình luân hồi cứ thế không có điểm kết, phát xuất từ sự vô minh chưa giác ngộ được.
Quá khứ, tương lai - mà bạn được nối liền - ấy là chiều của thời gian. Và thế rồi trong không gian bạn được nối với mọi thứ. Cây cỏ, mặt trời, mặt trăng, những vì sao... bạn được nối với mọi thứ. Nếu mặt trời không còn hiện hữu hay đơn giản trở nên lạnh đi, vì một ngày nào đó điều này nhất định trở thành hiện thực bởi năng lượng đang bị hao mòn hằng ngày... khoảnh khắc mặt trời lạnh đi, tất cả chúng ta cũng lạnh đi. Chúng ta sẽ mất đi cuộc sống bởi cuộc sống cần hơi ấm; thế nên mặt trời đang liên tục ban cho bạn cuộc sống. Và hãy nhớ trong cuộc sống không có quá trình nào một chiều - không thể có được. Có cho và có nhận - mọi con đường đều có hai chiều. Nếu mặt trời cho bạn cuộc sống, bạn cũng phải cho mặt trời cuộc sống theo cách này cách khác.
Đó là ý nghĩa khi George Gurdjieff(4) từng nói với môn đệ của ông rằng trăng dùng người làm nguồn nuôi. Có khả năng ấy. Bạn dùng động vật làm nguồn nuôi, bạn dùng cây trái làm nguồn nuôi - mọi thứ đều là thức ăn cho thứ khác - thế nên sao con người là ngoại lệ được? Gurdjieff có quan điểm ở chỗ đó. Mọi thứ đều là thức ăn cho thứ khác, thế nên sao con người lại là ngoại lệ duy nhất không phải là thức ăn cho cái gì? Con người là kẻ ăn của toàn thể hiện hữu và không phải là thức ăn cho cái gì sao? Điều đó là không thể; mọi thứ đều ràng buộc. Thế nên ông ấy đã phát minh ra một lí thuyết thú vị rằng con người là thức ăn cho mặt trăng; mặt trăng ăn con người, ăn tâm thức của con người.
(4) George Gurdjieff (sinh vào khoảng 1866 – 1877, mất tháng 10/1949): một nhà bí truyền học nổi tiếng người Armenia.
Và có sự thật trong đó, bởi vì đêm trăng tròn khiến người ta phát cuồng. Đó là lí do tại sao người điên được gọi là lunatic (người mất trí - luna nghĩa là mặt trăng), là moonstruck (người gàn dở). Người mất trí là người gàn dở. Đại dương phát rồ. Có khả năng là con người cũng phát rồ vào đêm trăng tròn, bởi vì chín mươi phần trăm của con người là đại dương và chẳng phải gì khác. Chín mươi phần trăm của bạn là đại dương; bạn được làm thành từ đại dương. Chín mươi phần trăm cơ thể bạn là nước, thứ nước có cùng vị mặn như đại dương, chính xác cùng tỉ lệ. Thế nên khi đại dương phát rồ, điều gì đó cũng phải xảy ra trong cơ thể bạn.
Chín mươi phần trăm là đại dương bên trong bạn - cái gì đó phải phát rồ. Những thi nhân nói rằng họ sáng tác những vần thơ đẹp vào đêm trăng tròn; những tình nhân nói rằng điều gì đó trở nên vô cùng lãng mạn. Và giờ đây sự kiện được xác lập rõ ràng rằng người ta phát điên vào đêm trăng tròn nhiều hơn vào bất cứ đêm nào khác. Số người phát điên ít nhất vào đêm không trăng, và số người phát điên nhiều nhất là vào đêm trăng tròn.
Có thể Gurdjieff có quan điểm nào đó khi nói rằng mặt trăng được nuôi dưỡng bằng tâm thức của bạn. Điều đó có thể chỉ là hư cấu, nhưng ngay cả hư cấu cũng có một phần chân lí nào đó bên trong. Và khi một người như Gurdjieff tạo ra hư cấu, ắt phải có một phần chân lí trong đó.
Cái toàn thể được kết nối. Chúng ta đang ăn, chúng ta đang bị ăn - từ một phía chúng ta nhận, từ phía khác chúng ta cho. Bạn ăn táo. Một ngày nào đó, cây táo sẽ ăn thân thể bạn, thân thể bạn sẽ trở thành phân bón. Khi bạn ăn táo, có lẽ bạn không bao giờ nghĩ rằng cha bạn hay ông bạn có thể ở trong quả táo và bạn có thể đang ăn bà của bạn hay ông của bạn. Rồi một ngày nào đó, con cái bạn sẽ ăn bạn.
Mọi thứ đều được kết nối. Tính được kết nối này được ngụ ý bằng từ Đạo: tính được kết nối, tính được tương kết, tính tương thuộc của tất cả. Không một ai tách rời, vì thế bản ngã là ngớ ngẩn. Chỉ cái toàn thể mới có thể xưng “tôi”; từng bộ phận thì không nên xưng “tôi”.
Nếu phải xưng, chúng chỉ nên xưng nó như một hình thức ngôn ngữ, chứ không phải để khẳng định cái “tôi”.
Mọi thứ đều được kết nối. Tính được kết nối này được ngụ ý trong từ Đạo: tính được kết nối, tính được tương kết, tính tương thuộc của tất cả. Không một ai tách rời, vì thế bản ngã là ngớ ngẩn.
Khi bạn tồn tại tách rời khỏi hiện hữu thì bạn tồn tại trong đau khổ, bởi vì bạn bị ngắt ra; và chẳng ai khác chịu trách nhiệm cho điều đó - duy chỉ bạn mà thôi. Khi bạn hạnh phúc, hãy quan sát điều gì xảy ra. Bất cứ khi nào bạn hạnh phúc, bạn không có bản ngã. Vào những khoảnh khắc hạnh phúc, hân hoan, vui sướng, đột nhiên bản ngã biến mất - bạn tan chảy nhiều hơn vào cái toàn thể; những ranh giới bớt rõ ràng hơn, những ranh giới mờ hơn. Khi những ranh giới hoàn toàn mờ đi thì dường như sông đã tan biến vào lòng đại dương, khi mọi biên giới mờ đi và bạn là một, hòa nhịp đập rộn ràng cùng cái toàn thể, đó là hạnh phúc.
Chuyện kể ở một nơi nào đó, vào một lúc nào đó, có một vị vua. Vua có mọi thứ mà ai cũng phải thèm muốn: của cải, quyền lực, kể cả sức khỏe. Ông có vợ con, những người mà ông rất yêu thương, nhưng ông không có hạnh phúc. Buồn bã và mòn mỏi ông ngồi trên ngai vàng của mình...
Điều đó tự nhiên thôi. Bạn càng có nhiều thứ thuộc thế gian này, bạn càng có ít hạnh phúc, bởi vì bạn càng có nhiều thứ thuộc về thế gian này, bản ngã của bạn càng trở nên mạnh hơn, bản ngã của bạn mạnh mẽ hơn, kết tinh hơn – vì thế mà bất hạnh.
Điều đó tự nhiên thôi. Bạn càng có nhiều thứ thuộc thế gian này, bạn càng có ít hạnh phúc, bởi vì bạn càng có nhiều thứ thuộc về thế gian này, bản ngã của bạn càng trở nên mạnh hơn, bản ngã của bạn mạnh mẽ hơn, kết tinh hơn - vì thế mà bất hạnh. Thế nên chẳng bao giờ nghe nói ông vua nào đã từng hạnh phúc, rất hiếm khi. Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Phật và Mahavir(5) rời bỏ vương quốc của họ và thành kẻ hành khất, và bằng việc trở thành hành khất họ đã tuyên bố: “Bây giờ chúng ta trở thành hoàng đế”, bởi họ đã trở nên hạnh phúc.
(5) Mahavir (hay Mahavira, sinh năm 599 TCN – mất 527 TCN): ông tên thật là Vardhamana, là người đã sáng lập ra Kì Na giáo (đạo Jaina), một tôn giáo cùng thời với Phật giáo.
Khất sĩ (sannyasin) là người đã lĩnh hội được con đường của Đạo, và ông nói: “Tôi không còn nữa. Chỉ cái toàn thể là có mà thôi”. Đó là ngụ ý của Jesus khi ngài nói: “Phúc thay người nghèo trong tâm linh, vì sự nghèo khó của họ là Nước Chúa”. “Người nghèo trong tâm linh” nghĩa là người không có bản ngã, nghèo đến mức thậm chí không có ý tưởng về cái “tôi”. Tuy nhiên, về mặt khác, người đó lại là người giàu nhất. Đó là lí do tại sao Jesus nói: “Những ai đứng sau rốt ở đây sẽ là người đầu tiên trong Nước Chúa của ta”. Người nghèo nhất sẽ trở thành giàu nhất. Nên nhớ là “nghèo” không ám chỉ khái niệm tài chính, “nghèo” được ngụ ý là người không là gì cả. Bằng việc trở thành cái không bạn trở thành một phần của cái toàn thể.
Vua ắt phải rất bất hạnh. “Ta phải có hạnh phúc”, nhà vua bảo. Ngự y được triệu tới. “Trẫm muốn hạnh phúc. Hãy làm cho trẫm hạnh phúc và trẫm sẽ khiến ngươi giàu có. Nếu ngươi không làm cho trẫm hạnh phúc, trẫm sẽ lấy đầu ngươi”, nhà vua phán.
Quan ngự y bối rối. Phải làm gì đây? Làm cách nào khiến một người hạnh phúc? Không ai biết cách nào, chưa từng ai có thể làm cho người khác hạnh phúc. Nhưng nhà vua đã hóa điên và người có thể xử trảm. Ngự y đáp: “Tâu bệ hạ, thần phải ngẫm nghĩ và tra cứu kinh sách. Sáng mai thần sẽ đến chầu”. Và ông ta ngẫm nghĩ cả đêm rồi đến sáng đi tới kết luận: “Điều đó rất đơn giản”.
Ông ta tra cứu sách, nhưng hạnh phúc không được nói đến trong sách thuốc. Vấn đề thật nan giải, nhưng rồi ông ta cũng bịa chuyện, ông kê ra phương thuốc. Ông ta nói: “Tâu bệ hạ, bệ hạ phải tìm được chiếc áo của một người hạnh phúc và lấy nó. Rồi bệ hạ sẽ có hạnh phúc và sẽ biết hạnh phúc là gì”. Một liệu pháp đơn giản: tìm chiếc áo của người hạnh phúc và mặc nó vào.
Nhà vua rất hài lòng khi nghe điều này. Vua bảo: “Đơn giản thế thôi ư?”. Vua truyền cho tể tướng: “Đi và tìm một người hạnh phúc rồi đem chiếc áo của hắn về cho trẫm ngay tức khắc”.
Tể tướng ra đi. Ông ta đến chỗ một người giàu nhất và đòi chiếc áo của ông này, song ông này nói: “Ngài có thể lấy bao nhiêu áo tùy thích, nhưng tôi không phải là người hạnh phúc. Áo thì ngài có thể lấy bao nhiêu cũng được, nhưng bản thân tôi không có hạnh phúc, và tôi cũng sẽ phái người hầu của tôi đi tìm người hạnh phúc và chiếc áo của người đó. Xin đa tạ liệu pháp của ngài”.
Rồi tể tướng đến chỗ rất nhiều người song chẳng ai hạnh phúc cả. Tất cả bọn họ đều sẵn lòng, họ nói: “Chúng tôi sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình miễn là đức vua có thể hạnh phúc. Áo thì nghĩa lí gì chứ? Chúng tôi có thể dâng cả mạng sống của chúng tôi, nhưng chúng tôi không hạnh phúc - áo của chúng tôi thì ích gì đâu”.
Thế là tể tướng rất khổ sở. Phải làm gì đây? Bây giờ ông ta là người có lỗi - quan ngự y đã chơi khăm, thế nên ông ta vô cùng lo lắng. Rồi ai đó nói: “Đừng lo lắng thế, tôi biết một người hạnh phúc đấy. Và ngài ắt phải nghe nói về người ấy ở đâu đó, vào lúc nào đó rồi - anh ta thổi sáo ban đêm, ngay bên bờ sông thôi. Ngài ắt phải nghe nói rồi”.
Tể tướng đáp: “Phải, đôi khi vào nửa đêm ta bị mê hoặc - những nốt nhạc du dương. Người đó là ai? Người đó ở đâu?”.
Người kia thưa: “Đến đêm chúng ta sẽ đi tìm người đó. Ông ta luôn xuất hiện, đêm nào cũng thế”.
Thế là họ đi trong đêm và người đó đang thổi sáo, điệu sáo du dương vô cùng. Những nốt nhạc ngập tràn vui sướng tới mức tể tướng cũng thấy hạnh phúc. Ông ta nói: “Giờ ta đã tìm được người ấy rồi!”.
Khi họ đến nơi, người ấy ngừng thổi sáo. Người ấy hỏi: “Các ngài muốn gì?”.
Tể tướng hỏi: “Ông có hạnh phúc không?”.
Người ấy đáp: “Tôi hạnh phúc, tôi là hạnh phúc. Các ngài muốn gì?”.
Tể tướng nhảy lên vì vui sướng. Ông ta bảo: “Bây giờ ông hãy đưa ta chiếc áo của ông đi!” song người ấy vẫn im lặng. Rồi tể tướng nói: “Sao ông im lặng? Đưa áo ông đây! Đức vua cần nó”.
Người ấy đáp: “Không thể được, bởi vì tôi không có áo. Các ngài không thấy được bởi trời tối quá, song tôi đang ngồi trần trụi ở đây. Tôi sẽ cho áo - tôi có thể cho luôn mạng sống của tôi - nhưng tôi làm gì có áo”.
“Thế sao ông lại hạnh phúc được?” - Tể tướng hỏi. “Làm cách nào mà ông hạnh phúc được?”
Và người này đáp: “Cái ngày mà tôi mất tất cả - áo và mọi thứ - tôi trở nên hạnh phúc... vào cái ngày mà tôi mất tất cả ấy. Thực ra thì tôi chẳng có gì cả, thậm chí không có cả bản thân mình. Tôi không thổi cây sáo này, cái toàn thể đang thổi nó thông qua tôi. Tôi là vô thực thể, là cái không, là không ai cả...”.
Đấy là ý nghĩa của “người nghèo trong tâm linh” - là người không sở hữu cái gì, người không có cái gì, người không biết cái gì, người không là cái gì. Đạo nói: Khi bạn không là gì bạn sẽ trở thành tất cả. Tan biến đi và bạn sẽ trở thành cái toàn thể. Cứ nằng nặc rằng bạn là gì và bạn sẽ đau khổ.
Đạo ấy, sự hợp nhất vào cái toàn thể ấy, sự tan biến vào vũ trụ ấy không thể dạy được. Bạn có thể học nó, nhưng nó không thể dạy được. Thế nên Liệt Tử và những Đạo sư khác không thuyết giáo điều gì cả; họ không có gì để thuyết giáo. Họ kể chuyện ngụ ngôn. Bạn có thể lắng nghe câu chuyện, và nếu bạn thật sự lắng nghe, điều gì đó sẽ bùng mở trong bạn. Thế nên toàn bộ sự việc tùy thuộc vào cách bạn lắng nghe.
Bản thân Liệt Tử đã ở bên thầy ông nhiều năm ròng, chỉ ngồi im lặng, không làm gì, chỉ học im lặng, học thụ động, học tiếp nhận, học âm nhu - đó là cách người ta trở thành môn đệ. Để tôi kể bạn nghe: không có sư phụ, chỉ có môn đệ - bởi điều đó không thể dạy được. Thế nên làm sao nói có thầy được? Phật không thể dạy bạn, Liệt Tử không thể dạy bạn, thế nên sao gọi họ là thầy? Nhưng lại có môn đệ, người đó học.
Thế nên thầy không phải là người dạy bạn, thầy là người mà với sự hiện diện của người đó bạn có thể học. Để biết được sự khác biệt: thầy không phải là người dạy bạn - bởi không có gì để dạy cả. Thầy là người mà với sự hiện diện của người đó có thể học được.
Một người tìm tới Jalaluddin Rumi, nhà huyền môn Sufi, và nói: “Thầy sẽ dạy con chứ? Thầy sẽ dạy con chứ, thưa thầy?”.
Jalaluddin nhìn người ấy và nói: “Anh sẽ cho phép ta dạy chăng?”.
Để biết được sự khác biệt: thầy không phải là người dạy bạn – bởi không có gì để dạy cả. Thầy là người mà với sự hiện diện của người đó có thể học được.
Người ấy nói: “Sao con lại không cho phép thầy dạy chứ? Con đến để học mà”.
Jalaluddin đáp: “Vì đó là điều chính yếu - anh có cho phép ta dạy không? Bằng không ta không thể dạy được, bởi thật ra dạy là không thể được, chỉ học là có thể thôi. Nếu anh cho phép, thế thì việc học sẽ đơm bông”.
Liệt Tử ở bên thầy ông nhiều năm ròng, chỉ ngồi im lặng, không làm gì, chỉ ngày một trở nên thụ động hơn. Tới một ngày khi ông tuyệt đối im lặng - không một gợn ý nghĩ trong bản thể mình, không một gợn sóng. Năng lượng của ông toàn bộ ở đó, một bể chứa, mặt hồ phẳng lặng không sóng, không gió - và ông ngộ ra.
Trong một khoảnh khắc điều đó xảy ra. Chân lí không phải là quá trình, nó là điều xảy ra. Nó không dần dần, nó không cần thời gian để xảy ra. Nếu thời gian là cần thiết, thời gian chỉ cần thiết cho riêng bạn bởi vì bạn chưa thể im lặng ngay bây giờ. Nếu bạn có thể im lặng, nó có thể xảy ra ngay bây giờ. Nó luôn xảy ra trong im lặng.
Cái gì xảy ra trong im lặng? Khi bạn im lặng, bạn không có, ranh giới tan biến, bạn là một với cái toàn thể.
Để tôi kể bạn nghe câu chuyện về Đạo.
Một môn đệ của Lão Tử nói: “Thưa thầy, con đã đạt tới rồi”.
Lão Tử bảo: “Nếu anh nói anh đã đạt tới, thế thì chắc chắn là anh chưa tới đâu”.
Đệ tử chờ đợi trong vài tháng, thế rồi một hôm anh ta nói: “Thầy đã đúng, thưa thầy. Bây giờ, nó đã đạt tới”.
Đầu tiên anh ta bảo: “Tôi đã đạt tới” và người thầy phủ nhận. Thế rồi sau vài tháng, một hôm đột nhiên anh ta bùng mở, và anh ta nói: “Nó đã đạt tới”.
Lão Tử với cái nhìn đầy từ bi và thương yêu vỗ nhẹ lên đầu anh ta. Ông bảo: “Giờ đây điều đó đúng. Bây giờ, nói cho ta hay điều gì đã xảy ra. Giờ ta muốn lắng nghe. Điều gì đã xảy ra?”.
Anh ta thưa: “Cho tới ngày hôm đó khi thầy nói: ‘Nếu anh nói anh đã đạt tới, thế thì chắc chắn là anh chưa tới đâu’. Con đã nỗ lực. Con làm tất cả những gì con có thể làm, con đã cố gắng khó nhọc. Cái ngày thầy nói: ‘Nếu anh nói anh đã đạt tới, thế thì anh chưa tới đâu’ nó đã điểm vào đúng chỗ. Làm sao ‘tôi’ có thể đạt tới được? Bởi vì ‘tôi’ là rào cản, thế nên tôi phải nhường đường”.
Nó có thể đạt tới - và Đạo gia thậm chí gọi nó là “nó”. Họ không gọi nó là “anh ấy”, họ không gọi nó là “chị ấy”, họ không gọi nó bằng bất cứ danh xưng nào, đơn giản họ nói “nó”. “Nó” là vô nhân xưng, là tên của cái toàn thể: “Đạo” nghĩa là “nó”.
“Đạo đã đạt tới”, - anh ta nói, - “và nó chỉ tới khi tôi không có đó”.
Lão Tử bảo: “Kể cho những đệ tử khác về tình huống mà nó đã xảy ra”. Và anh ta nói: “Điều duy nhất mà con có thể nói là tôi không tốt, tôi không xấu, tôi không phải tội nhân, tôi không phải thánh nhân, tôi không là cái này, tôi không là cái nọ, tôi không là bất cứ ai nói riêng, khi nó đạt tới. Tôi chỉ là thụ động, vô cùng thụ động, chỉ là cánh cửa, là lối mở. Tôi thậm chí đã không mời nó. Nghe này! Tôi thậm chí không mời nó, bởi vì ngay cả lời mời cũng đã bỏ đi cùng bản ngã của tôi. Tôi thậm chí đã không mời... Thực ra, tôi đã hoàn toàn quên về nó. Tôi chỉ ngồi. Tôi thậm chí không tìm, không kiếm, không dò hỏi. Tôi đã không có đó, và đột nhiên nó tràn ngập trong tôi”.
Đạo là phương cách của âm nhu. Tất cả những tôn giáo khác đều năng nổ, tất cả những tôn giáo khác đều hướng về tính dương hơn; Đạo nhiều tính âm hơn.
Nó xảy ra theo cách đó. Nó có thể xảy đến với bạn nếu bạn ngày càng trở nên thụ động hơn. Đạo là phương cách của âm nhu. Tất cả những tôn giáo khác đều năng nổ, tất cả những tôn giáo khác đều hướng về tính dương hơn; Đạo nhiều tính âm hơn. Hãy nhớ là chân lí tới chỉ khi bạn ở trong trạng thái âm nhu của tâm thức, không bao giờ khác được. Bạn không thể chinh phục chân lí. Thật xuẩn ngốc, thật ngớ ngẩn kể cả việc nghĩ rằng bạn có thể chinh phục chân lí. Bộ phận chinh phục cái toàn thể! Bộ phận chỉ có thể cho phép, bộ phận chỉ có thể trong sự buông trôi.
Buông trôi sẽ xảy ra nếu bạn có thể làm một thứ: ngừng bám vào tri thức, ngừng bám vào triết lí, ngừng bám vào học thuyết, giáo điều. Ngừng bám vào giáo hội và tôn giáo có tổ chức, bằng không bạn sẽ có những quan niệm giả tạo, và những quan niệm giả tạo ấy sẽ không cho chân lí đi vào bạn.
Có một chuyện ngụ ngôn rất đẹp:
Lũ én đậu thành hàng suốt dọc đầu hồi sân trại, lo lắng líu ríu với nhau, kể lể nhiều điều, nhưng chỉ nghĩ về mùa hè và phương nam, vì mùa thu đang sang và gió bấc đang chờ để nổi lên.
Đột nhiên, một hôm tất cả bọn chúng bỏ đi hết. Rồi mọi con vật đều nói về chim én và phương nam.
“Tôi nghĩ sang năm đích thân tôi sẽ đi phương nam”, - chị gà mái nói.
Rồi năm cũng qua và én lại về; năm hết và chúng lại đậu trên đầu hồi, rồi mọi gia cầm lại bàn về chuyến ra đi của chị gà mái.
Vào một sớm tinh mơ, gió bắt đầu thổi từ phương bắc, đột nhiên tất cả lũ én đều bay vút lên và cảm thấy gió nâng cánh chúng; rồi sức mạnh đến với chúng, như tri thức cổ xưa kì lạ còn hơn niềm tin của con người; chúng bay cao, bỏ lại khói bụi của thành phố chúng ta.
“Tôi nghĩ gió thế này chắc là đúng lúc rồi”, - chị gà mái nói, rồi chị giang cánh và chạy ra khỏi sân gia cầm. Rồi chị vừa chạy vừa vỗ cánh trên đường và bằng cách nào đó lao xuống đường cho tới khi chị đến một khu vườn.
Đến tối chị quay về thở hổn hển. Và trong sân gia cầm chị kể cho đám gia cầm nghe chuyện chị đã đi phương nam xa mãi tận đường cái ra sao và thấy cảnh giao thông của thế giới to lớn diễn ra. Rồi chị tới những miền đất nơi khoai tây mọc lên và thấy những gốc rạ nơi con người sống. Ở cuối con đường chị phát hiện một khu vườn trong đó trồng hoa hồng, những bông hồng tuyệt đẹp và người làm vườn cũng ở đó.
“Vô cùng thú vị làm sao”, - lũ gia cầm nói, - “và mô tả mới thật mĩ miều làm sao!”
Rồi mùa đông cũng qua đi, những tháng ngày cay đắng cũng qua đi, rồi mùa xuân lại về, bầy én lại đến.
Nhưng lũ gia cầm không đồng ý là ở phương nam có biển, “Các bạn nên nghe chị gà mái của chúng tôi!”, - chúng bảo.
Giờ đây chị gà mái đã trở thành thông thái. Chị biết có gì ở phương nam, mà thậm chí chị còn chưa ra khỏi thị trấn - chỉ mới xuôi xuống con đường một chút mà thôi. Trí tuệ là một con gà mái. Nó không thể đi xa. Và một khi con gà mái biết điều gì đó, nó ngăn cản bạn; nó trở thành chướng ngại.
Quẳng trí tuệ của bạn đi và bạn sẽ chỉ mất sự giam hãm của bạn, sự giả tạo của bạn.
Quẳng trí tuệ của bạn đi và bạn sẽ chẳng mất gì hết. Quẳng trí tuệ của bạn đi và bạn sẽ chỉ mất sự giam hãm của bạn, sự giả tạo của bạn. Quẳng trí tuệ của bạn đi và đột nhiên tâm thức của bạn sẽ bay vút lên cao trên đôi cánh của nó... và bạn có thể đi đến tận phương nam, đến biển khơi nơi bạn thuộc về.
Điều cuối cùng trước khi chúng ta bước vào chuyện ngụ ngôn tiếp sau: Đạo bắt đầu với cái chết. Tại sao? Có điều gì đó đáng kể ở sự bắt đầu. Đạo nói rằng nếu bạn ngộ được cái chết bạn sẽ ngộ ra mọi thứ, bởi vì trong cái chết những ranh giới của bạn sẽ mờ đi. Trong cái chết, bạn sẽ biến mất. Trong cái chết, bản ngã sẽ bị vứt bỏ. Trong cái chết, tâm trí sẽ không còn đó nữa. Trong cái chết, mọi thứ không thiết yếu sẽ bị vứt bỏ và chỉ thứ cốt yếu còn lại.
Nếu bạn có thể ngộ được cái chết bạn sẽ có khả năng ngộ ra Đạo là gì, con đường không lối là gì - bởi tôn giáo cũng là cách chết, yêu cũng là cách chết, cầu nguyện cũng là cách chết. Thiền là cái chết tự nguyện. Cái chết là hiện tượng phi thường vĩ đại nhất. Nó là cực điểm của cuộc sống, là cao trào, là đỉnh cao nhất. Bạn chỉ biết một đỉnh, và đỉnh đó là tình dục, đó là đỉnh thấp nhất của dãy Himalayas. Phải, nó là đỉnh, nhưng là đỉnh thấp nhất; cái chết mới là đỉnh cao nhất.
Tình dục là sự sinh: nó là bắt đầu của dãy Himalayas, đỉnh thấp nhất. Ở lúc bắt đầu thì đỉnh cao nhất không thể có được. Từ từ, chầm chậm, những đỉnh ngày một vươn cao hơn, cuối cùng là vươn tới thượng đỉnh. Cái chết là thượng đỉnh, tình dục là bắt đầu. Giữa tình dục và cái chết là toàn bộ câu chuyện cuộc sống.
Và bằng việc ngộ được cái chết bạn có thể chết một cách có ý thức. Nếu bạn chết một cách có ý thức bạn sẽ không tái sinh - sẽ không còn cần thiết nữa. Bạn đã học bài xong, bạn sẽ không bị ném ngược lại mãi vào bánh xe sinh tử. Bạn đã biết, bạn đã học xong - không cần đưa bạn trở lại trường nữa; bạn đã vượt qua. Nếu bạn không học được ý nghĩa của cái chết bạn sẽ bị ném trở lại. Cuộc sống là tình huống để học hỏi xem cái chết là gì.
Câu chuyện ngụ ngôn:
Trên đường đến nước Vệ, Liệt Tử dừng chân dùng bữa bên vệ đường thì thấy một chiếc sọ người độ trăm tuổi. Bẻ một nhánh cây chỉ vào chiếc sọ, quay sang môn đệ là Bách Phong ông bảo: “Chỉ ông ấy và ta biết rằng anh bất sinh bất diệt. Phải chăng ông ấy thật sự đau khổ, phải chăng chúng ta thật sự hạnh phúc?”.
Một câu nói rất bí ẩn - một mật mã phải được giải mã. “Chỉ ông ấy và ta biết” - Liệt Tử nói, chỉ vào chiếc sọ người độ trăm tuổi - “rằng anh bất sinh bất diệt”. Vì sao ông bảo “Chỉ ông ấy và ta biết”? Chiếc sọ đã chết một cái chết không tự nguyện, và Liệt Tử đã chết một cái chết tự nguyện - cả hai đều chết theo một cách nào đó. Liệt Tử đã chết qua thiền. Liệt Tử đã chết vì ông không còn bản ngã nữa, vì ông không còn tách rời khỏi cái toàn thể, vì ông không còn nữa. Đấy là cái chết thực, thật ra còn sâu hơn cái chết của chiếc sọ. Không thật chắc chắn là liệu người chết, người có chiếc sọ nằm đó một trăm năm, có biết không. Điều đó không chắc - người đó có thể không biết, người đó có thể biết. Nhưng điều chắc chắn là Liệt Tử biết: cái chết của ông là có ý thức.
Nhưng ông sử dụng tình huống. Chuyện ngụ ngôn sử dụng tình huống. Đệ tử Bách Phong của ông ngồi bên cạnh, chiếc sọ nằm đó, và ông chỉ vào chiếc sọ: “Chỉ ông ấy và ta biết rằng anh bất sinh bất diệt”.
Ai chết? Và ai được sinh? Bản ngã được sinh và bản ngã chết. Sâu bên dưới, nơi bản ngã không còn nữa, bạn bất sinh bất diệt. Bạn vĩnh hằng, bạn là vĩnh hằng, bạn là thể nền, là chính chất liệu mà từ đó hiện hữu được tạo nên - làm thế nào bạn có thể chết được? Chỉ có bản ngã được sinh ra và bản ngã chết đi.
Bạn bất sinh bất diệt, nhưng làm cách nào để biết điều đó? Bạn có muốn đợi cho tới khi cái chết đến không? Điều đó rất rủi ro, bởi vì nếu bạn sống toàn bộ cuộc sống của mình một cách vô ý thức, chẳng có mấy khả năng bạn có thể trở nên có ý thức khi bạn chết đâu. Điều đó bất khả nếu toàn bộ cuộc sống của bạn là chuỗi tiếp nối của việc sống vô ý thức - bạn sẽ chết một cách vô ý thức, bạn sẽ không có khả năng nhận biết được. Bạn sẽ chết trong cơn mê, bạn sẽ không có khả năng quan sát và thấy điều xảy ra. Bạn thậm chí còn không thể thấy được cuộc sống, thế thì làm sao bạn có thể thấy cái chết? Cái chết tinh tế hơn nhiều.
Nếu bạn thực sự muốn biết, thế thì bắt đầu trở nên tỉnh thức đi, nhận thức đi. Sống một cách ý thức, học ý thức, tích lũy ý thức.
Nếu bạn thực sự muốn biết, thế thì bắt đầu trở nên tỉnh thức đi, nhận thức đi. Sống một cách ý thức, học ý thức, tích lũy ý thức. Trở thành ngọn lửa lớn của ý thức; thế thì khi cái chết đến, bạn sẽ có khả năng chứng kiến nó, bạn sẽ có khả năng thấy nó và bạn sẽ biết: “Thân xác đang chết, bản ngã đang chết, nhưng ta không chết vì ta là nhân chứng”. Nhân chứng là cốt lõi nhất của hiện hữu. Nhân chứng là thứ mà những tôn giáo khác gọi là “Thượng đế” và là thứ mà Liệt Tử và Trang Tử gọi là “Đạo” - người biết, yếu tố biết, tâm thức, giác ngộ, tỉnh thức.
Hãy bắt đầu sống cuộc sống có ý thức. Làm bất cứ điều gì bạn đang làm, nhưng hãy làm cứ như thể bạn là nhân chứng của nó - quan sát nó, im lặng theo dõi nó. Đừng bị lạc vào trong sự vật; vẫn tỉnh táo, vẫn ở ngoài. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ: bước trên đường, ăn, tắm, nắm tay người bạn, nói chuyện, lắng nghe - những việc nhỏ, nhưng hãy tỉnh táo. Bạn sẽ quên và lại quên. Nhặt nó lên lần nữa, tìm ra nó lần nữa, nhớ nó lần nữa. Đấy là điều Phật gọi là Chánh niệm, còn Gurdjieff gọi là Tỉnh thức. Cứ nhớ rằng bạn là nhân chứng. Lúc đầu điều đó gian nan, khó nhọc, bởi giấc ngủ của chúng ta dài. Chúng ta đã ngủ trong nhiều kiếp; chúng ta đã trở nên quen với ngủ, chúng ta ngáy, một cách siêu hình. Điều đó khó khăn, nhưng nếu bạn cố gắng, dần dần từng tia sáng tỉnh thức sẽ rọi vào bản thể của bạn. Điều đó khả dĩ - có khó khăn nhưng khả dĩ, không phải là bất khả. Và đấy là thứ giá trị nhất trong cuộc sống.
“Chỉ ông ấy và ta biết rằng anh bất sinh bất diệt”. Tôi biết bạn sẽ không bao giờ chết, vì bạn chưa từng được sinh ra, nhưng bạn không biết điều đó. Sự biết của tôi sẽ không ích gì cho bạn - bạn phải biết nó. Nó phải trở thành sự thấu hiểu của riêng bạn, là ánh sáng soi rọi lên bản thân bạn.
“Phải chăng ông ấy thật sự đau khổ, phải chăng chúng ta thật sự hạnh phúc?”. Thế rồi ông đặt câu hỏi cho môn đệ của mình: Ai hạnh phúc? Những người đang sống hay những người đã chết? Ai thật sự đau khổ - những người đã chết hay những người đang sống? Và ai thật sự hạnh phúc? Rồi ông bỏ lửng câu hỏi. Nó là công án: môn đệ phải thiền tưởng về nó.
Chuyện ngụ ngôn không nói gì cả, nó đột ngột chấm dứt. Giờ đây môn đệ phải kết thúc nó. Giờ đây anh ta phải thiền, anh ta phải giác ngộ về cái chết, về cuộc sống, về tình thương, về điều này điều nọ. Rồi anh ta phải suy gẫm về câu hỏi: Ai thật sự hạnh phúc? Có phải bạn hạnh phúc chỉ là do còn đang sống hay không? Bạn không hạnh phúc, cả thế gian là bể khổ. Thế nên có thể suy ra một điều, và có thể suy ra một cách vô điều kiện, rằng chỉ là do còn đang sống không nhất thiết người ta đã hạnh phúc đâu. Đang còn sống thì không đủ để hạnh phúc - cần thêm điều gì đó mới là hạnh phúc, “cộng với” điều gì đó. Cuộc sống cộng với giác ngộ... thế thì hạnh phúc nảy sinh, bởi vì trong giác ngộ, trong ánh sáng của giác ngộ, bóng đen của bản ngã biến mất.
Giờ đây khi cuộc sống có thêm dấu cộng với giác ngộ, những điều lớn lao xảy ra. Thứ nhất, bản ngã biến mất, rồi cùng với bản ngã cái chết cũng biến mất, vì chỉ bản ngã mới có thể chết - vì bản ngã được sinh ra. Với bản ngã biến mất, sinh cũng biến mất, diệt cũng biến mất. Với bản ngã biến mất, sự tách rời của bạn khỏi hiện hữu cũng biến mất.
Đấy là ý nghĩa của đóng đinh lên thập giá: bản ngã bị đóng đinh. Khi Jesus bị đóng đinh, Chúa Kitô được sinh ra - đó là ý nghĩa của phục sinh. Một mặt là đóng đinh, mặt khác là phục sinh.
Hãy chết nếu bạn thực sự muốn sống - vô cùng nghịch lí, nhưng vô cùng đúng, tuyệt đối đúng. Khi bạn tồn tại, bạn không chết mà cũng không sống. Bạn lơ lửng ở giữa; vì thế mới đau khổ, căng thẳng, phiền não. Bạn bị chia tách: bạn không sống cũng không chết. Hoặc sống trọn vẹn, rồi bạn sẽ biết cuộc sống là gì; hoặc chết trọn vẹn, rồi bạn cũng sẽ biết cuộc sống là gì - bởi vì cánh cửa của Đạo mở toang với tính trọn vẹn.
Hoặc sống trọn vẹn, rồi bạn sẽ biết cuộc sống là gì; hoặc chết trọn vẹn, rồi bạn cũng sẽ biết cuộc sống là gì – bởi vì cánh cửa của Đạo mở toang với tính trọn vẹn.
Hãy trọn vẹn. Một người đang ngủ không thể trọn vẹn trong bất cứ cái gì. Bạn đang ăn, bạn không trọn vẹn ở đó; bạn đang nghĩ cả ngàn lẻ một điều, bạn đang mơ ngàn lẻ một giấc mơ, bạn chỉ đang ngốn như một cái máy. Bạn có thể làm tình với người đàn bà hay với người đàn ông của bạn, làm tình với vợ của bạn và nghĩ về người đàn bà khác. Hoặc bạn có thể nghĩ tới thị trường, hay tới giá cả của những thứ bạn muốn mua, hay về chiếc xe hơi, hay về căn nhà, hay cả ngàn lẻ một thứ - và bạn đang làm tình như một cái máy.
Hãy trọn vẹn trong hành động của bạn, và nếu bạn trọn vẹn bạn phải nhận thức; không ai có thể trọn vẹn mà không nhận thức. Trọn vẹn nghĩa là không có suy nghĩ khác. Nếu bạn đang ăn, đơn giản là bạn đang ăn; bạn trọn vẹn ở-đây-và-bây-giờ. Việc ăn là tất cả: bạn không chỉ ngốn mọi thứ, bạn tận hưởng nó. Tất cả thân, tâm, trí đều hòa nhịp trong khi bạn ăn: có hài hòa, nhịp điệu sâu lắng giữa ba tầng bản thể của bạn. Thế thì ăn trở thành thiền, đi trở thành thiền, chẻ củi trở thành thiền, gánh nước từ giếng về trở thành thiền, nấu ăn trở thành thiền. Những điều nhỏ bé được chuyển hóa, chúng trở thành những hành động chói sáng. Và từng hành động trở nên trọn vẹn đến mức từng hành động đều mang phẩm chất của Đạo.
Thế thì bạn vô vi khi bạn trọn vẹn. Thế thì Thượng đế mới là người làm, hay cái toàn thể là người làm - bạn chỉ là phương tiện, là lối chuyển. Và việc trở thành lối chuyển ấy là phúc lành, là ân sủng.