Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp Vinh Khải Kì ngao du trên cánh đồng Choang, mình khoác áo lông thô, lưng quấn dây gai, tay ôm đàn vừa đi vừa hát.
“Thưa tiên sinh, điều gì khiến thầy vui thế?” - Khổng Tử hỏi. “Ta có nhiều cái vui. Trời sinh ra muôn loài, người là cao quý nhất - mà ta có cái may được làm người. Đấy là cái vui thứ nhất. Có những kẻ được sinh ra, chưa sống đủ một ngày hay một tháng, hãy còn bọc trong tã, mà ta đã sống tới chín mươi. Đấy là cái vui nữa của ta. Với mọi người, nghèo là cảnh thường và chết là hết. Ở theo cảnh, đợi đến hết thời, có gì mà phải bận tâm?”
“Phải lắm!” - Khổng Tử nói. “Đây là người biết tự an ủi mình.”
Đây là một chuyện ngụ ngôn hay, không chỉ hay thôi mà còn rất thâm thúy. Nếu bạn chỉ nhìn bề ngoài, bạn sẽ bỏ lỡ ý nghĩa. Ngụ ngôn Đạo gia không phải ở bề ngoài. Chúng rất sâu sắc, phải nhìn thật xuyên thấu và suy gẫm về chúng - chỉ có thế thì bạn mới biết được ý nghĩa thật sự. Bề ngoài, chuyện ngụ ngôn ấy dường như thiên về Khổng Tử; bề ngoài, dường như nó muốn nói Khổng Tử thật khôn ngoan. Thực chất là ngược lại.
Có sự đối lập hoàn toàn giữa quan điểm của Đạo giáo và quan điểm của Khổng giáo; cách nhìn của Khổng Tử rất xa với cách nhìn của Đạo gia. Khổng Tử tin vào phép tắc, Khổng Tử tin vào truyền thống, Khổng Tử tin vào cương thường. Khổng Tử tin vào tính cách, đạo đức, văn hóa, xã hội, giáo dục. Đạo tin vào tính tự phát, cá nhân, tự do. Đạo là nổi loạn; Khổng giáo là tuân thủ nghiêm ngặt.
Thế nên đã từng có sự nổi loạn và những nhà huyền môn Đạo gia như Lão Tử, Trang Tử và Liệt Tử vẫn cứ giễu cợt quan điểm của Khổng giáo. Đây là chuyện ngụ ngôn có tính giễu cợt. Bạn sẽ hiểu khi nghe tôi giải thích cho bạn. Cách giễu cợt của họ cũng rất tinh tế, không thô thiển. Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa bề ngoài.
Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp Vinh Khải Kì ngao du trên cánh đồng Choang, mình khoác áo lông thô, lưng quấn dây gai, tay ôm đàn vừa đi vừa hát.
Ca hát, âm nhạc, nhảy múa là ngôn ngữ của niềm vui, của hạnh phúc. Chúng thể hiện là người ta không phiền não. Nhưng có thể đó chỉ là vẻ bề ngoài, có thể chỉ là sự trù tính, có thể chỉ là diễn xuất; còn sâu bên trong, tình huống có thể hoàn toàn ngược lại. Đôi khi có chuyện là bạn cười bởi vì bạn không muốn khóc. Đôi khi có chuyện là bạn mỉm cười bởi vì nước mắt chực tuôn rơi, và nếu bạn không nhoẻn miệng cười thì lệ sẽ lăn dài trên má. Đôi khi bạn tỏ vẻ, một bộ mặt đóng kịch, chiếc mặt nạ, là bạn đang hạnh phúc, bởi vì hay ho gì mà phô bày cái bất hạnh của bản thân ra trước thế gian? Đó là lí do vì sao trông người ta có vẻ hạnh phúc thế. Mọi người đều nghĩ mình là người bất hạnh nhất trên đời, bởi vì người ta chỉ biết thực tại của mình và chỉ biết bộ mặt của người khác, những bộ mặt diễn kịch. Thế nên trong sâu thẳm ai nấy đều nghĩ: “Mình là kẻ đau khổ nhất, và sao mình lại đau khổ nhất trong khi mọi người đều hạnh phúc thế chứ?”.
Ca hát và nhảy múa ắt phải là ngôn ngữ của niềm vui, nhưng bạn có thể học thứ ngôn ngữ này mà chẳng cần biết vui là gì. Đó là điều nhân loại vẫn làm: người ta học những điệu bộ, những điệu bộ rỗng tuếch.
Nhưng Khổng Tử bị đánh lừa. Ông nói: “Thưa tiên sinh, điều gì khiến thầy vui thế?”. Chiếc mặt nạ đã đánh lừa Khổng Tử; người ấy có thể vui, có thể không vui. Người ấy phải được nhìn trực tiếp - qua bản chất, chứ không phải qua cách thể hiện. Cách thể hiện có thể là giả tạo: người ta học được cách thể hiện. Thỉnh thoảng... bạn có quan sát không? Ai đó mỉm cười - trên môi có nụ cười tươi - rồi nhìn vào đôi mắt, và ánh mắt nói lên điều gì đó ngược lại. Ai đó nói điều gì với bạn: “Tôi yêu bạn” chẳng hạn.
Rồi nhìn vào khuôn mặt và đôi mắt, và vào sự rung động thật sự của người ấy, dường như hóa ra người ấy ghét bạn! Nhưng vì lịch sự nên người ấy nói “Tôi yêu bạn”.
Khổng Tử chỉ nhìn vẻ ngoài: đó là điều đầu tiên cần phải nhớ; và ngay lập tức bị đánh lừa - đến nỗi ông gọi người ấy là “Thầy”. Ông nói: “Thưa tiên sinh, điều gì khiến thầy vui thế?”.
Niềm vui không có lí do, niềm vui không thể có lí do nào cho nó cả. Nếu niềm vui có bất kì lí do nào thì nó không còn là niềm vui nữa: niềm vui chỉ có thể không có lí do nào hết, vô nguyên cớ.
Bây giờ quay lại, niềm vui không có lí do, niềm vui không thể có lí do nào cho nó cả. Nếu niềm vui có bất kì lí do nào thì nó không còn là niềm vui nữa: niềm vui chỉ có thể không có lí do nào hết, vô nguyên cớ. Bệnh tật có lí do, nhưng còn mạnh khỏe? Mạnh khỏe là lẽ tự nhiên. Nếu bạn đến hỏi bác sĩ “Vì sao tôi mạnh khỏe?”, ông ấy không thể trả lời bạn được.
Nếu bạn đến bác sĩ và hỏi “Vì sao tôi đau ốm?”, ông ấy có thể trả lời bạn, bởi vì đau ốm có nguyên nhân. Ông ấy có thể chẩn đoán ca của bạn, và ông ấy có thể tìm ra lí do vì sao bạn bệnh; nhưng chẳng ai có khả năng tìm được lí do vì sao người ta mạnh khỏe. Mạnh khỏe là lẽ tự nhiên, mạnh khỏe là vì nó phải thế. Đáng ra là không có ốm đau, ốm đau nghĩa là có gì đó không ổn. Khi mọi thứ suôn sẻ, người ta mạnh khỏe. Khi mọi thứ hòa điệu, người ta mạnh khỏe. Khi người ta hài hòa với cái toàn thể, người ta mạnh khỏe. Chẳng có lí do gì hết.
Tuy nhiên Khổng Tử lại hỏi: “Thưa tiên sinh, điều gì khiến thầy vui thế?”.
Liệt Tử bỡn cợt Khổng Tử; đó là cách của những con người vô cùng thâm thúy. Ông nói toàn bộ quan điểm sai lệch của Khổng môn là ở chỗ đó, ngay trong câu hỏi: Khổng Tử nghĩ niềm vui phải có lí do. Không thể có lí do nào cho niềm vui hết. Đơn giản là niềm vui thì không giải thích được, không thể giải thích được. Khi nào vui là vui; còn khi nào không vui là không vui. Khi không vui, bạn có thể tìm ra lí do vì sao không vui; nhưng khi vui, bạn không thể tìm được lí do vì sao mình vui. Và nếu bạn có thể chỉ ra lí do vì sao vui, thế thì niềm vui của bạn là đóng kịch, là không thực, là không đúng, là không đích thực. Nó không tuôn trào từ cốt lõi sâu thẳm nhất trong bạn; chẳng qua là bạn chế ngự nó, điều khiển nó, bạn giả vờ mà thôi. Khi là niềm vui giả vờ, bạn có thể tìm ra lí do. Nhưng khi niềm vui thực sự hiện hữu, nó huyền bí, nó nguyên sơ đến mức bạn không thể tìm ra bất cứ lí do nào.
Nếu bạn hỏi Đức Phật: “Vì sao ngài hạnh phúc?” ngài sẽ nhún vai. Nếu bạn hỏi Lão Tử: “Vì sao ngài sung sướng?” ông sẽ bảo: “Chớ hỏi điều đó. Thay vì hỏi tại sao ta sung sướng thì ông nên hỏi tại sao ông không sung sướng”.
Điều này giống như dòng suối nhỏ trong khe núi: khi không có gì cản trở thì suối chảy; khi đá chặn trên đường, nó không thể chảy. Khi đá được nhấc ra... Bạn không tạo ra suối - bạn chỉ loại bỏ cái tiêu cực, bạn chỉ loại bỏ chướng ngại. Dòng suối luôn ở đó, nhưng vì bị đá chặn nên nó không thể chảy. Khi bạn nhấc đá ra bạn không tạo ra suối - suối đã có ở đó rồi. Bằng cách nhấc đá ra bạn đã loại bỏ cái tiêu cực, chướng ngại, và suối chảy. Bây giờ nếu ai đó hỏi: “Vì sao suối chảy?” - bởi vì dòng suối luôn ở đó, đó là lí do vì sao nó chảy. Nếu nó không chảy, thế thì có nguyên nhân cho việc đó. Bạn hãy nhập tâm điều này vì nó còn là vấn đề của bạn nữa.
Đừng bao giờ hỏi vì sao mình hạnh phúc, đừng bao giờ hỏi vì sao người khác sung sướng, bằng không bạn đã đặt vấn đề sai.
Khổng Tử hỏi điều gì đó, và bằng việc hỏi đó, ông cho thấy giả định của ông: Khổng Tử tin rằng mọi sự đều có nguyên nhân. Nếu mọi sự đều có nguyên nhân, thế thì chỉ có khoa học mới có thể tồn tại được. Thế thì không có khả năng nào cho tôn giáo, bởi vì khoa học là dò tìm trong mối quan hệ nhân quả, dò tìm trong thuyết nhân quả, dò tìm trong tính nhân quả. Đó là toàn bộ quan điểm khoa học: họ bảo nếu có cái gì đó thì phải có nguyên nhân cho nó - bạn có thể biết, bạn có thể không biết nhưng nguyên nhân thì nhất định phải có. Nếu hôm nay chúng ta không biết thì ngày mai hay ngày mốt chúng ta sẽ biết, nhưng nguyên nhân thì nhất định phải được biết, bởi vì nguyên nhân phải có đó. Đấy là quan điểm khoa học: mọi thứ đều có thể quy về nguyên nhân của nó.
Còn quan điểm của tôn giáo là gì? Quan điểm tôn giáo cho rằng thực sự chẳng gì có thể được quy về nguyên nhân của nó cả. Thứ mà có thể được quy về thì không phải là bản chất. Đơn giản bản chất là - nó hiện hữu chẳng cần bất cứ nguyên nhân nào; nó huyền bí. Đấy là ý nghĩa của huyền môn: không có nguyên nhân cho nó.
Quan điểm tôn giáo cho rằng thực sự chẳng gì có thể được quy về nguyên nhân của nó cả. Thứ mà có thể được quy về thì không phải là bản chất. Đơn giản bản chất là - nó hiện hữu chẳng cần bất cứ nguyên nhân nào.
Khổng Tử hỏi một câu hỏi phù hợp với giả định của ông, phù hợp với triết lí của ông, “Thưa tiên sinh, điều gì khiến thầy vui thế?”.
Tại sao ông hỏi? Để nếu mà biết được lí do, thì người khác cũng có thể học theo. Nếu như ai đó nói: “Bằng cách đứng trồng chuối ngược tôi sẽ trở nên rất an lạc”, bạn cũng trồng chuối ngược và bạn trở nên an lạc. Ai đó nói: “Tôi hạnh phúc vì tôi đã xuất gia”, thế nên bạn cũng xuất gia và bạn trở nên hạnh phúc. Thế thì hạnh phúc trở thành thứ gì đó có thể điều khiển được.
Đấy là cách người ta bắt chước lẫn nhau. Và thực ra chẳng có nguyên nhân nào cho hạnh phúc. Ngày bạn thấu hiểu điều này, bạn có thể hạnh phúc vào bất kì khoảnh khắc nào. Nếu có nguyên nhân, thế thì nguyên nhân sẽ đòi hỏi phải có thời gian. Bạn sẽ phải thực hành nó, bạn sẽ phải thực hành lâu dài. Và toàn bộ quan điểm căn bản của Đạo là ở chỗ bạn có thể hạnh phúc ngay trong khoảnh khắc này.
Điều này có nghĩa là gì? Điều này nghĩa là không có nguyên nhân, thế nên không cần thực hành. Đấy chỉ là vấn đề có cho phép nó hay không - nó đã có sẵn đó rồi nếu bạn cho phép. Nếu bạn không cho phép, bạn có chức năng như tảng đá; nếu bạn cho phép, tảng đá được nhấc ra. Vấn đề chỉ là cho phép nó mà thôi. Thượng đế có sẵn đó, bạn cho phép - thế thôi. Nếu bạn không cho phép, ngài sẽ không vào bởi vì ngài không thể phá hủy tự do của bạn được, ngài bảo vệ tự do của bạn. Nếu bạn nói không, ngài sẽ không vào trong bản thể bạn. Nếu trên cửa nhà bạn ghi rằng không phận sự miễn vào - ngài sẽ đợi. Thậm chí ngài sẽ không hỏi để xin phép bạn đâu - đơn giản là ngài sẽ đợi, bởi vì ngay cả hỏi xin phép bạn cũng là can thiệp vào tự do của bạn. Ngài sẽ đợi. Ngài sẽ không rung chuông, đơn giản là ngài sẽ đợi. Thượng đế ở khắp mọi nơi, chờ đợi, và ngài im lặng chờ đợi... đó là lí do tại sao ta không cảm thấy sự hiện diện của ngài, có vẻ như ngài vắng mặt. Bạn không thấy điều đó sao? Thượng đế dường như là điều vắng bóng nhất trên thế gian. Đó là lí do tại sao những người vô thần có thể nói: “Thượng đế của các người đâu? Chúng tôi nào thấy gì”. Ngài không can thiệp; ngài cho phép bạn tự do trọn vẹn. Và tự do trọn vẹn bao hàm trong nó cả việc tự do chống lại Thượng đế.
Bản chất của bạn là của phúc lành. Bạn được làm ra từ chất liệu có tên gọi là phúc lành.
Bản chất của bạn là của phúc lành. Bạn được làm ra từ chất liệu có tên gọi là phúc lành. Nhưng bạn phải cho phép nó, bạn phải thả lỏng, bạn phải vô vi; chẳng có nguyên nhân nào cả - chỉ cần vô vi thôi. Vì thế, về mặt lí thuyết, nó có thể xảy ra ngay chính khoảnh khắc này - thậm chí không phải phí hoài đến một phần giây. Nếu có nguyên nhân, thế thì... thế thì sẽ phải cần một thời gian dài, mà cho dù có thế thì người ta cũng chẳng đời nào biết được - bạn có thể thành công, bạn có thể không thành công.
Hãy xem sự khác biệt giữa quan điểm Ấn giáo và quan điểm Đạo giáo. Tín đồ Ấn giáo, tín đồ Jaina giáo, Phật tử - tất cả đều nói: nghiệp chướng của kiếp trước phải được hóa giải. Nhiều điều phải thực hiện, cần phải giữ giới luật - chỉ thế thì bạn mới có khả năng thành chánh quả.
Ashtavakra(1), Lão Tử, Bồ Đề Đạt Ma, Lâm Tế(2) nói chẳng cần gì hết, chỉ cần cho phép nó. Thả lỏng, cho phép nó, và chính khoảnh khắc ấy nó sẽ bắt đầu ngập tràn trong bạn.
(1) Ashtavakra: một nhà huyền môn trẻ tuổi trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ.
(2) Lâm Tế (hay Lâm Tế Nghĩa Huyền): một thiền sư sống vào cuối thời nhà Đường ở Trung Quốc.
Khổng Tử hỏi: “Thưa tiên sinh, điều gì khiến thầy vui thế?”. Hãy nói tôi nghe cách thầy đắc ngộ. Nói tôi nghe quá trình của thầy là gì - thầy theo phương pháp luận nào; nguyên lí nào, phép tắc nào, kinh sách nào. Làm cách nào thầy đạt tới nó? Giờ đây Khổng Tử trở nên tham lam. Ông muốn đạt tới trạng thái giống như vậy, trạng thái mà ca hát là lẽ tự nhiên, rồi âm nhạc tuôn chảy, rồi người ta mở hội. Ông bị mê hoặc vô cùng bởi lẽ ông lão “mình khoác áo lông thô, lưng quấn dây gai, tay ôm đàn vừa đi vừa hát”.
Người nghèo thì có gì để mà hạnh phúc vì cái nghèo của mình, có gì để mà thỏa mãn về cái nghèo của mình. Nếu người đó đau khổ, điều đó ắt là dễ hiểu; nếu người đó tuyệt vọng, điều đó ắt là dễ hiểu - Khổng Tử ắt sẽ đi qua, thậm chí không để ý tới sự tồn tại của người đó. Nhưng người nghèo này chẳng có gì, lưng quấn dây gai... thế mà còn ca hát? Lại còn hát điệu nhạc vui? Còn gảy đàn nữa chứ? Khổng Tử bị mê hoặc, bị cuốn hút, có điều ông ấy đã đặt câu hỏi sai.
Đạo nhân sẽ không bao giờ hỏi câu hỏi như vậy. Niềm vui có, thì đơn giản là nó có; chẳng có nguyên nhân nào cho nó, vì thế không có phương pháp nào khả dĩ, chỉ là thấu hiểu mà thôi.
Ông lão nói: “Ta có nhiều cái vui”.
Nếu bạn có nhiều cái vui, bạn đã chẳng hiểu vui là gì, bởi niềm vui chỉ có một mà thôi. Không thể có nhiều cái vui được. Có thể có nhiều căn bệnh, nhưng không thể có nhiều sự mạnh khỏe được. Bạn có thể có bệnh của bạn, tôi có bệnh của tôi, người khác có bệnh của người đó; nhưng khi tôi mạnh khỏe, bạn mạnh khỏe, người khác mạnh khỏe - có gì khác biệt? Bạn có thể phân biệt giữa mạnh khỏe của tôi và mạnh khỏe của bạn không? Không thể được: mạnh khỏe là của chung, bệnh tật là của từng cá nhân. Bệnh tật là của bản ngã, mạnh khỏe không phải của bản ngã. Bệnh tật là của thể xác, của tâm trí; mạnh khỏe là của cõi khác, và cõi khác là một, là cái toàn thể. Thân thể tôi khác với thân thể bạn - lẽ tự nhiên là tôi sẽ có bệnh khác, bạn sẽ có bệnh khác, nhưng còn mạnh khỏe thì sao? Đơn giản mạnh khỏe là một. Nó có hương vị, bao giờ cũng là hương vị y hệt nhau, vĩnh viễn hệt nhau.
Ai đó hỏi Phật: “Hương vị phật tính của người là gì?”. Ngài đáp: “Hãy đi và nếm thử nước biển, nếm nó từ bất cứ nơi nào - từ bờ này, từ bất cứ bờ nào của bất cứ bãi biển nào. Hoặc ra giữa đại dương và nếm nó ở đó, hoặc qua bờ bên kia - rồi ông sẽ thấy vị bao giờ cũng y hệt: cùng một vị mặn ấy. Phật tính có một hương vị mà thôi”. Bất cứ ai đã thành Phật đều đi tới cùng hương vị đó. Mạnh khỏe có cùng hương vị. Khi đứa bé mạnh khỏe, thanh niên mạnh khỏe, ông già mạnh khỏe, mạnh khỏe đều có cùng hương vị. Khi đàn bà mạnh khỏe, đàn ông mạnh khỏe - cũng đều cùng hương vị.
Nhưng bệnh tật thì khác. Ngày nay, y học cho rằng kể cả khi hai người có cùng một căn bệnh, thì hai bệnh đó cũng không hệt như nhau. Vì thế đôi khi có chuyện là bạn bị bệnh nào đó - có thể là bệnh lao - rồi vợ bạn cũng bị cùng loại bệnh đó, bệnh lao, nhưng dùng thuốc giống hệt lại không có tác dụng. Bạn cần thuốc này, vợ bạn lại cần thuốc khác. Đó là lí do vì sao cần phải có bác sĩ; bằng không chỉ cần dược sĩ là đủ. Nếu một khi xác định được bị bệnh lao thì cần loại thuốc này, thế thì phỏng có ích gì mà đi khám bác sĩ? Dược sĩ cũng có thể cấp thuốc.
Ngày nay, càng ngày giới nghiên cứu y học càng đi sâu hơn vào hiện tượng mạnh khỏe và bệnh tật, họ nhận thức được rằng mỗi loại bệnh đều có cá tính trong đó: nó thuộc về từng người. Thế nên giờ đây họ nói: đừng trị bệnh, hãy trị người. Đừng quá bận tâm tới bệnh tật. Hãy nhìn vào con người, cá tính của người đó, cách sống của người đó, thái độ của người đó, hình mẫu thói quen của người đó. Nhìn vào đó, rồi bạn sẽ thấy rằng cái tên bệnh lao có thể như nhau - vì sẽ rất khó để đặt tên bệnh riêng cho từng người - song mỗi bệnh nhân lao đều mắc bệnh một cách khác nhau, và cần cách điều trị khác nhau.
Bệnh tật có cá tính, còn mạnh khỏe thì sao? Mạnh khỏe không có cá tính, mà mang tính phổ quát. Niềm vui cũng vậy. Đau khổ là căn bệnh; niềm vui là mạnh khỏe, lành mạnh. Bấy giờ Khổng Tử đã đặt câu hỏi sai, và gợi ra câu trả lời sai. Và tất nhiên, ông lão không biết gì về niềm vui cả.
Ông lão nói: “Ta có nhiều cái vui”.
Nhiều ư? Thế thì có cái gì đó sai rồi. Niềm vui là một. Khi bạn nói bạn có nhiều niềm vui, bạn không biết niềm vui là gì. Bạn có thể nói về hoan lạc, bạn có thể nói về cái gọi là khoảnh khắc hạnh phúc của bạn, điều không thực sự là khoảnh khắc hạnh phúc mà chỉ là ít đau khổ hơn thôi. Một người rất đau khổ, thế rồi một ngày nọ anh ta cảm thấy bớt khổ hơn và nói: “Tôi rất hạnh phúc”. Điều đó chỉ tương đối; anh ta không biết hạnh phúc là gì.
Khi bạn nói bạn có nhiều niềm vui, bạn không biết niềm vui là gì. Bạn có thể nói về hoan lạc, bạn có thể nói về cái gọi là khoảnh khắc hạnh phúc của bạn, điều không thực sự là khoảnh khắc hạnh phúc mà chỉ là ít đau khổ hơn thôi.
Anh ta chỉ biết đôi khi mình đau khổ dữ dội, đôi khi không dữ dội đến thế. Khi không quá dữ dội, anh ta nói: “Tôi hạnh phúc”. Bạn có thể quan sát điều đó trong bản thân bạn. Bạn đã bao giờ biết hạnh phúc là gì chưa? Bạn có biết hương vị của nó không? Bạn chỉ biết những giai đoạn khác nhau của đau khổ thôi.
Đôi khi đau khổ nhiều tới mức không thể chịu đựng nổi. Đôi khi lại chịu đựng nổi, trong tầm kiểm soát - bạn có thể chịu được. Bạn đi từ khổ ít sang khổ nhiều, từ khổ nhiều sang khổ ít. Nhưng bạn không biết hạnh phúc là gì, bởi một khi bạn đã biết hạnh phúc là gì, thế thì chẳng cần phải đau khổ chút nào - bởi thế thì bạn có chìa khóa rồi. Bạn có thể mở cánh cửa đó bất cứ lúc nào bạn quyết định mở nó. Nhưng khi bạn không thể mở cánh cửa của hạnh phúc - đơn giản điều đó cho thấy bạn không có chìa khóa. Bạn chỉ biết trạng thái tương đối của cùng một hiện tượng: đôi khi trời rất tối và bạn không thể thấy gì, và đôi khi trời không tối lắm, nó mờ mờ; nhưng bạn không biết ánh sáng là gì. Ánh sáng không phải là trạng thái tương đối của bóng tối - ánh sáng không phải là ít tối. Nên nhớ ánh sáng là một dạng năng lượng hoàn toàn khác; nó chẳng liên quan gì đến bóng tối cả. Tối và sáng không thể cùng tồn tại trong cùng một căn phòng. Ánh sáng là tích cực, bóng tối là tiêu cực - đau khổ cũng vậy.
Ông lão nói: “Ta có nhiều cái vui. Trời sinh ra muôn loài, người là cao quý nhất - mà ta có cái may được làm người. Đấy là cái vui thứ nhất”.
Bề ngoài, nghe có vẻ đầy ý nghĩa, lôi cuốn, bởi vì nó thỏa mãn cho bản ngã con người. Con người bao giờ cũng nghĩ bản thân mình là tạo vật cao siêu nhất của hiện hữu. Con người bao giờ cũng nghĩ bản thân mình chỉ đứng sau Thượng đế mà thôi và cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng làm sao hạnh phúc thông qua bản ngã lại khả dĩ được? Bất hạnh đến qua bản ngã. Và đấy là một trong những quan điểm đáng chú ý nhất của con người bản ngã là con người chỉ đứng sau Thượng đế. Còn nữa, nói thế cốt cho lịch sự mà thôi; chứ sâu bên trong bạn biết rằng Thượng đế còn đứng sau bạn.
Chính ý tưởng về cái “tôi” đã chứa đựng hàm ý: nó là nhân vật số một, còn mọi thứ khác là số hai. Friedrich Nietzsche thành thật hơn nhiều người ở chỗ ông nói: “Tôi không thể cho phép Thượng đế tồn tại bởi vì nếu thế thì tôi thành số hai, mà tôi không thể là số hai được; tôi không thể chấp nhận tình trạng tôi là số hai. Nếu có Thượng đế, thế thì tôi sẽ luôn là số hai. Dù tôi trưởng thành thế nào, dù tôi đạt tới vị trí nào, tôi sẽ chỉ là số hai thôi - tôi sẽ không bao giờ là nguyên thủy, là số một”. Điều ấy không thể chấp nhận được, thế nên ông ấy nói: “Thượng đế chết và con người tự do”. Thượng đế là tù túng. Ông ấy đúng - theo một cách nào đó. “Theo một cách nào đó” tôi nói thế vì đó là cách mọi người nghĩ thầm bên trong: mọi bản ngã đều muốn mình là số một.
Kể cả khi bạn là người rất sùng đạo, một người được gọi là tín đồ, thì mọi khoảnh khắc bạn đều cố điều khiển Thượng đế theo ý bạn. “Xin người thực hiện ý chí của con!”. Đó là tất cả những gì mà lời cầu nguyện của bạn muốn nói: “Làm theo ý con. Nghe lời con đi”. Toàn bộ nỗ lực của bạn là để biến Thượng đế thành người hầu của bạn. Bạn gọi người là “Đức Ngài”, là “Thầy”, nhưng đấy chỉ là sự mua chuộc; bạn đang cố điều khiển ngài. Bạn nói: “Con chẳng là ai, người là tất cả” - nhưng sâu bên trong bạn biết ai là ai. Thực ra, kể cả khi bạn chiến đấu vì Thượng đế của bạn, đó là Thượng đế của bạn. Kể cả khi bạn hi sinh bản thân mình trên bệ thờ nào đó, trên bàn thờ nào đó, đó là bạn hi sinh vì Thượng đế của bạn mà thôi. Khi bạn cúi lạy hình ảnh của Thượng đế trong đền chùa, trong đền thờ Hồi giáo, trong nhà thờ, đó là hình ảnh do bạn tạo ra, đó là Thượng đế của bạn. Bạn cúi lạy trước sáng tạo của riêng bạn. Bạn cúi lạy cứ như thể trước một tấm gương. Bạn phản chiếu trong đó và bạn nói: “Đẹp làm sao!”.
Chúng ta làm thỏa mãn bản ngã của chúng ta theo đủ mọi cách có thể - thô thiển hay tinh tế, trực tiếp hay gián tiếp. Và nhà tu hành chân chính là người biết điều này, trở nên giác ngộ về điều này, rồi trong sự giác ngộ đó bản ngã biến mất.
Nên nhớ: chúng ta làm thỏa mãn bản ngã của chúng ta theo đủ mọi cách có thể - thô thiển hay tinh tế, trực tiếp hay gián tiếp. Và nhà tu hành chân chính là người biết điều này, trở nên giác ngộ về điều này, rồi trong sự giác ngộ đó bản ngã biến mất.
Nhà tu hành chân chính không có ý niệm ai là cao siêu. Nhà tu hành không thể nói: “Tôi cao siêu hơn cây cỏ, tôi cao siêu hơn muông thú, tôi cao siêu hơn chim chóc”. Nhà tu hành không thể nói: “Tôi cao siêu”. Nhà tu hành đã đạt đến sự biết “Tôi không là gì”, và trong sự trải nghiệm về cái “Tôi không là gì”, niềm vui tuôn trào; tảng đá đã được nhấc ra.
Bấy giờ ông lão nói: “Ta có nhiều cái vui. Trời sinh ra muôn loài, người là cao quý nhất...”.
Tại sao? Tại sao loài người là cao quý nhất? Nếu nhìn vào lịch sử nhân loại, ta thấy dường như loài người là đê tiện nhất. Hãy nhìn loài vật: chúng không hung bạo đến thế, không hiếu sát đến thế; chúng không điên cuồng đến thế. Bạn đã bao giờ thấy con vật nào biến thành chính khách chưa, cố trở thành tổng thống một nước chưa? Chúng không điên cuồng: chúng sống tự nhiên, chúng chết tự nhiên. Động vật hoang dã chẳng bao giờ hóa điên. Đôi khi chúng phát điên khi bị buộc sống trong vườn thú - vườn thú là sáng tạo của con người. Con vật chẳng bao giờ tự tử, nhưng đôi khi trong vườn thú chúng tự tử. Trong vườn thú đôi khi chúng trở nên hiếu sát, nguy hiểm. Phải, chúng có giết hại, nhưng chúng chỉ giết khi nào chúng muốn ăn. Con người sát hại chẳng vì lí do gì. Con người vào rừng hoang giết hổ rồi bảo: “Đấy là trò tiêu khiển. Đấy là trò chơi. Tôi đi săn”. Bạn đã bao giờ nghe con sư tử đi săn không? Sư tử chẳng bao giờ đi săn. Khi sư tử đói, tất nhiên nó giết, và đó là lối sống tự nhiên của nó.
Tôi có nghe...
Một lần sư tử và cáo vào nhà hàng. Chúng ngồi vào bàn rồi cáo đặt món ăn, nhưng nó chỉ đặt cho một mình nó. Thế nên người hầu bàn hỏi: “Còn anh bạn của anh thì sao?”.
Cáo trả lời: “Ông nghĩ gì thế? Nếu hắn đói, liệu tôi còn ngồi đây được không?”.
Sư tử không đói - điều đó chắc chắn. Khi con vật đói, chúng giết, nhưng chúng không giết như trò chơi, chúng không giết cho vui; chúng không quan tâm tới tự thân việc giết hại. Tất nhiên chúng quan tâm tới thức ăn - không có gì sai trong đó; con người giết hại chẳng vì lí do gì.
Con người giết hại vì bất cứ lí do nào, vì bất cứ duyên cớ nào. Vì điều gì? Vì những học thuyết, những nguyên lí trừu tượng - và chẳng ai sẵn sàng sống vì những học thuyết đó trong khi mọi người đều sẵn sàng giết người khác vì chính những học thuyết đó. Nếu ai đó xúc phạm Kinh Thánh, giáo hữu Kitô có thể giết họ, nhưng nếu bạn hỏi “Anh có sống theo Kinh Thánh không?” anh ta sẽ đáp “Điều đó rất khó”. Anh ta không quan tâm tới việc sống theo nó, không ai quan tâm tới việc sống theo nó; nhưng nếu nó dẫn đến việc giết hại, thì mọi người sẽ quan tâm rất nhiều.
Suốt nhiều thế kỉ, trong ba ngàn năm, đã có năm ngàn cuộc chiến tranh. Không, không con vật nào đê tiện thế - con vật có tính cao quý tự nhiên. Con người rất ranh mãnh.
Nhưng ông lão nói: “người là cao quý nhất - và ta có cái may được làm người. Đấy là cái vui thứ nhất”. Đấy không phải là niềm vui. Đấy là sự hài lòng từ cảm giác của con người bản ngã, rằng “Ta là ai đó”. Nên nhớ, điều này không thể dẫn bạn đến hạnh phúc thật sự, bởi vì sâu bên trong có sự so sánh. Nếu bạn cảm thấy mình cao siêu, thì rồi bất cứ lúc nào bạn cũng có thể cảm thấy mình thấp hèn.
Có lần tôi nghe nói một nhà tu hành, một thánh nhân, một thánh nhân rất nổi tiếng ở Ấn Độ, dạy đệ tử của ông ấy: “Luôn nhìn vào những người không có nhiều bằng các anh, và các anh sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Nếu các anh có một ngôi nhà, luôn nhìn vào những người không có nhà. Lẽ tự nhiên, các anh sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nếu các anh có một mắt, hãy nhìn vào người mù... các anh sẽ cảm thấy hạnh phúc”. Nhưng đấy là kiểu hạnh phúc gì? Và đấy là kiểu tôn giáo gì? Lẽ tự nhiên bạn không thể ném mặt kia của đồng tiền đi được. Bạn có một mắt - khi bạn nhìn vào người mù bạn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng khi bạn đi qua một người có đôi mắt đẹp, thế thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ cảm thấy bất hạnh.
Trong cái gọi là hạnh phúc của bạn đã hàm chứa bất hạnh rồi.
Niềm vui là trạng thái không thể so sánh. Đừng so sánh.
Không, thông qua so sánh không ai đạt được niềm vui cả. Niềm vui là trạng thái không thể so sánh. Đừng so sánh.
Tôi có nghe...
Ông bố đưa Sonny đến xem buổi diễn của năm mươi diễn viên khỏa thân nổi tiếng nhất trong nước. “Gớm! Gớm! Gớm!”, ông bố cứ làu bàu suốt buổi diễn.
“Gì thế bố, bố không thích buổi diễn à?” Sonny hỏi.
“Thích hẳn đi chứ lại”, - ông bố đáp. - “Có điều bố đang nghĩ đến mẹ con”.
Nếu bạn so sánh, so sánh của bạn sẽ sinh phiền toái. Nên nhớ, niềm vui không xuất phát từ so sánh - không bao giờ. Nhưng ông lão nói: “Ta có nhiều cái vui. Trời sinh ra muôn loài, người là cao quý nhất - và ta có cái may được làm người. Đấy là cái vui thứ nhất.”
Đấy chẳng phải niềm vui là mấy. Nó chỉ là sự mơn trớn bản ngã: bạn cảm thấy thoải mái, bạn cảm thấy cao siêu. Nhưng một người cần phải cao siêu để cảm thấy thoải mái lại là người mang trong mình ngọn núi lửa. Một người cần phải cao siêu mới cảm thấy hạnh phúc thì sâu bên trong đang mang cái phức cảm tự ti. Chỉ có người hèn kém mới nghĩ về tính cao siêu. Một người chân chính, một người đích thực thì không cao siêu mà cũng không hèn kém. Đơn giản anh ta là duy nhất; không ai thấp kém hơn mà cũng không ai cao quý hơn anh ta.
Toàn thể hiện hữu là bình đẳng. Cây cỏ và đất đá, rồi muông thú và chim chóc, rồi đàn ông và đàn bà, và Thượng đế - tất cả cùng chia sẻ toàn thể hiện hữu trong điều kiện bình đẳng. Khoảnh khắc mà bạn thấy sự bình đẳng vô cùng ấy, sự duy nhất ấy, bạn có niềm vui. Và thế thì niềm vui của bạn không có nguyên nhân. Nó vô nguyên cớ.
Một người cần phải cao siêu để cảm thấy thoải mái lại là người mang trong mình ngọn núi lửa. Một người cần phải cao siêu mới cảm thấy hạnh phúc thì sâu bên trong đang mang cái phức cảm tự ti.
“Có những kẻ được sinh ra, chưa sống đủ một ngày hay một tháng, hãy còn bọc trong tã, mà ta đã sống tới chín mươi. Đấy là cái vui nữa của ta”. So sánh... ai đó sinh ra và chết đi, ai đó còn trẻ và chết đi, ông lão này đang so sánh: “Ta đã sống đến chín mươi, ta đã sống cuộc sống của ta, thế nên có gì mà phải khổ? Ta hạnh phúc, ta sống lâu hơn người khác”.
Nhưng ví thử những người khác không chết đi, thì...? Ví thử ông ta còn một mình trên thế gian, thế thì ông ấy có hạnh phúc không? Hãy nghĩ xem. Cả thế gian biến mất, chỉ người này còn lại. Không muông thú, không chim chóc, không đất đá - thì ông ta không thể so sánh với bản thân mình được, và ông ta không thể tự gọi mình là “người cao siêu”. Không có người chết trẻ, không có trẻ con chết - ông ta không thể so sánh với bản thân mình rằng ông ta đã sống đến chín mươi tuổi. Ví thử còn mỗi một mình, liệu ông ta có hạnh phúc không? Mọi hạnh phúc của ông ta sẽ biến mất bởi vì nó có được từ việc so sánh.
Đạo nói: Nếu bạn một mình, tuyệt đối một mình, mà hạnh phúc của bạn vẫn còn y nguyên, thế thì bạn đã đắc ngộ - bằng không bạn chưa đắc ngộ.
Hạnh phúc có được từ so sánh là thứ hạnh phúc giả tạo. “Tôi có chiếc xe lớn còn anh không có. Bởi anh không có nên tôi hạnh phúc”. Đấy là điều xuẩn ngốc. Làm sao tôi có thể hạnh phúc vì anh không có xe? Hạnh phúc của tôi liên quan gì đến việc anh không có xe? “Tôi có nhà lớn và anh không có nhà lớn, thế nên tôi hạnh phúc”. Thứ hạnh phúc ấy dường như chú trọng nhiều tới việc làm cho người khác bất hạnh hơn là tự mình hạnh phúc. “Anh không có xe, anh không có nhà đẹp - tôi hạnh phúc vì anh đau khổ”. Hãy nhìn vào logic ấy, bài toán thật đơn giản: “Tôi hạnh phúc khi người ta đau khổ, thế nên nếu người ta càng đau khổ, tôi lại càng hạnh phúc; nếu cả thế gian hóa thành địa ngục, tôi sẽ hạnh phúc tột bậc”. Đấy là logic, và đấy là điều con người vẫn thường làm.
Ở Calcutta, lúc trước tôi hay ngụ lại một ngôi nhà, ngôi nhà đẹp nhất Calcutta. Và người chủ thực sự say mê đến phát cuồng với ngôi nhà của mình. Đó là một lâu đài bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp, được xây dựng rất thẩm mĩ, rất quý phái, và ở Calcutta nếu có mười mẫu vườn giữa thành phố là điều không tưởng - thế mà ông ấy có nó. Ông ấy thực sự say đắm ngôi nhà, bất cứ khi nào tôi ngụ lại, ông ấy đều đưa tôi đến bể bơi, ra vườn, ra bãi cỏ; ông ấy chỉ cho tôi cái này và cái nọ - những thứ ông ấy sửa sang hoàn thiện so với lần trước tôi ở đó. Nhưng lần vừa rồi tôi đến, ông ấy rất khổ sở. Tôi nói: “Có chuyện gì thế? Ông không đưa tôi đi xem gì à. Không có gì mới ư?”.
Ông ấy nói: “Tôi thấy chán rồi. Thầy không thấy ở sát bên ông hàng xóm của tôi đã cất ngôi nhà còn đẹp hơn sao? Trừ phi tôi có thể cất ngôi nhà lớn hơn ngôi nhà ấy, bằng không tôi vẫn thấy bất hạnh”.
Giờ đây ông ấy vẫn có ngôi nhà đó, nhưng hạnh phúc của ông đã tan biến.
Hạnh phúc của bạn thì liên quan gì đến người hàng xóm? Nếu ông ta cất ngôi nhà lớn hơn, làm sao điều này lại khiến bạn băn khoăn? Nhà của bạn vẫn còn như cũ! Và bạn không còn hạnh phúc nữa. Tôi bảo ông ấy: “Thế thì chắc chắn một điều là không phải ông hạnh phúc vì ngôi nhà của ông đâu. Ông hạnh phúc vì ngôi nhà tồi tàn của người hàng xóm”.
Hãy quan sát. Luôn quan sát. Đấy là loại hạnh phúc bạo hành, có được khi ai đó đau khổ. Đấy là cách người ta bắt đầu đi sai hướng - trở thành kẻ áp bức, trở thành kẻ bóc lột, trở nên nguy hiểm. Họ là tai họa của thế gian. Mà toàn bộ logic của họ đều như nhau.
Ông lão nói: “Ta hạnh phúc hơn người khác. Hãy trông: nhiều người chết trẻ, mà ta còn sống, còn mạnh khỏe, và ta đã chín mươi tuổi. Đấy là cái vui của ta“.
“Với mọi người, nghèo là cảnh thường và chết là hết. Ở theo cảnh, đợi đến hết đời, có gì mà phải bận tâm?”. Điều ông lão nói là: “Hầu hết mọi người đều nghèo, thế nên điều đó là cảnh thường - cảnh nghèo khổ; và lẽ tự nhiên mọi người rồi sẽ chết, thế nên ta cũng sẽ chết. Ta nghèo, ta sẽ chết, mọi người cũng sẽ chết, mọi người đều nghèo, thế nên sao lại phải đau khổ? Đó là lí do vì sao ta hạnh phúc”.
Đấy không phải là hạnh phúc. “Phải lắm!” Khổng Tử nói... Khổng Tử bị ấn tượng rất mạnh, ông nói: “Phải lắm!... Đây là người biết tự an ủi mình”.
Nhưng trong câu này, Liệt Tử đã chơi khăm. Ông nói rằng Khổng Tử bị ấn tượng rất mạnh. Khổng Tử bảo “Phải lắm!... Đây là người biết tự an ủi mình”... bởi lẽ với Khổng Tử, được thỏa mãn trong cuộc sống là mục đích, có sự an ủi là mục đích. Đòi hỏi nhiều hơn nữa, Khổng Tử nói, là đòi hỏi điều bất khả. Đấy là tất cả những gì con người có thể có, và ông lão biết cách tự an ủi, và ông ta hạnh phúc, ông ta ca hát.
Nhưng với Đạo nhân, an ủi là tiêu cực - nó không phải là mãn nguyện. Mãn nguyện chẳng liên quan gì đến an ủi; an ủi là chiều khác hẳn. Hãy cố thấu hiểu điều đó: an ủi nghĩa là bằng cách nào đó hợp lí hóa tình huống của con người - cố không lo lắng, cố không quá bận tâm - tạo bộ đệm xung quanh người. Đó là thứ Gurdjieff thường gọi là bộ đệm; mọi người đều tạo ra bộ đệm quanh mình để cho cuộc sống bớt bị xóc.
Với Đạo nhân, an ủi là tiêu cực - nó không phải là mãn nguyện. Mãn nguyện chẳng liên quan gì đến an ủi; an ủi là chiều khác hẳn. Hãy cố thấu hiểu điều đó: an ủi nghĩa là bằng cách nào đó hợp lí hóa tình huống của con người - cố không lo lắng, cố không quá bận tâm - tạo bộ đệm xung quanh người.
Họ dùng bộ giảm xóc cho tàu hỏa hay nhíp cho xe hơi để bạn không bị nảy người lên khi đi trên con đường gập ghềnh - mà cuộc sống là con đường gập ghềnh. Những chiếc lò xo đó có tác dụng như bộ đệm. Nếu con đường gập ghềnh, sự gập ghềnh được hấp thu bởi những lò xo, bởi bộ đệm - nó không tác động tới bạn.
Những thứ được mệnh danh triết lí an ủi là những bộ đệm. Bạn thấy bạn nghèo; bất hạnh khủng khiếp nảy sinh trong bạn - hãy tạo ra bộ đệm: Biết bao người cũng nghèo, hàng triệu người nghèo, thế nên sao lại phải lo lắng về nó? Sự việc là như thế đấy. Bạn đã tạo ra bộ đệm. Bạn ốm đau, đau khổ nảy sinh - hãy đến bệnh viện, đến đó và nhìn mọi người, rồi bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Bạn đã tạo ra bộ đệm: ít nhất bạn chưa đến mức ốm đau như những người khác. Bạn mất một chân - cứ ra phố và nhìn kẻ ăn xin mất cả hai chân; sẽ cảm thấy được an ủi ngay. Đấy là những bộ đệm. Luôn nhìn vào những người không có nhiều như bạn có. Bằng cách đó cuộc sống trở nên bớt xóc hơn, bạn sống thuận lợi hơn, thoải mái hơn và bạn không bị bối rối. Dần dà, giữa bạn và cuộc sống có một khoảng cách được tạo ra bởi những bộ đệm để không gì chạm được tới bạn. Bạn sống, được bao bọc trong những bộ đệm, trong triết lí, trong sự an ủi của bạn. Cuộc sống chấm dứt một ngày nào đó - bạn có thể tự an ủi bản thân mình: mọi người đều phải chết, chẳng có gì đặc biệt xảy ra với mình, hiện hữu không đặc biệt tàn nhẫn với mình, điều đó xảy ra với mọi người. Hay bạn có thể bắt đầu tin vào lí thuyết đầu thai: bạn sẽ được tái sinh và linh hồn là vĩnh hằng - lại một bộ đệm nữa. Hay bạn có thể nghĩ là chỉ có thân xác chết. Mà thân xác là gì? Chẳng là gì ngoài xương, tủy, máu, thịt; chẳng có gì đáng giá, nó vô dụng, một cái túi bẩn thỉu - thế nên mặc cho nó chết đi. Nhưng linh hồn trong sạch của bạn sẽ còn mãi mãi - bộ đệm được tạo ra rồi đấy.
Những bộ đệm ấy không cho phép bạn thấy thực tại ra sao; chúng là cách để an ủi bản thân bạn. Nhưng Khổng Tử tin rằng sự an ủi đó là kết cục: Nếu một người có thể tự an ủi mình, anh ta đã biết nghệ thuật sống. Đó là điều Khổng Tử nghĩ, rằng toàn bộ nghệ thuật sống là: làm sao sống ở bể khổ này trong sự thoải mái có tính so sánh, so sánh với cái không quá chồng chất. Phải, có đau khổ, nhưng người ta có thể bảo vệ bản thân khỏi đau khổ bằng cách tạo ra những quan niệm, cách hợp lí hóa. Và nhân loại đã đi từ cách hợp lí hóa này sang cách hợp lí hóa khác, song bao giờ cũng tìm ra cách hợp lí hóa mới.
Chẳng hạn, ở phương Đông việc hợp lí hóa này có từ thời rất cổ xưa: Nếu bạn đau khổ, họ nói, bạn hẳn đã làm điều gì đó sai trong kiếp trước. Điều gì đó sai trong quá khứ của bạn, bạn đã khởi một nghiệp xấu nào đó, vì thế bạn đau khổ. Bây giờ mọi sự được lí giải, thế nên người ta phải chịu đựng. Bạn đã gieo và bây giờ bạn gặt.
Tôi có nghe chuyện về một người thợ may rất giỏi.
Ông ta bị bắt vì tội ăn trộm và bị xử hai năm tù. Thị trưởng đến trại giam thăm vì ông ta là thợ may giỏi nhất của thị trấn và cả thị trấn bị tổn thất vì sự vắng mặt của ông ta; và thị trưởng cũng rất hâm mộ ông thợ may này. Khi thị trưởng đến thăm trại giam, ông ta đang làm công việc may vá, khâu cái gì đó, thói quen cũ - vả lại còn biết làm gì khác? Thế là thị trưởng hỏi: “Tôi thấy ông đang khâu gì đó sao?”.
Người thợ may đáp: “Không, thưa ngài, đang gặt đấy”.
Toàn bộ triết lí về nghiệp là ở chỗ bạn đã gieo và bây giờ bạn gặt; bạn đã làm, thế nên nó là hậu quả tự nhiên. Điều đó an ủi bạn. Thế nên không ai làm điều gì bất công với bạn. Thượng đế không phải không công bằng đâu, thế gian này không phải không công bằng đâu, xã hội không phải không công bằng đâu, nó chỉ là nghiệp của bạn thôi, thế nên làm gì được? Người ta phải trải qua nó và người ta phải giữ thái độ bình thản, giữ cân bằng. Và đừng lặp lại điều như thế nữa, bằng không trong kiếp tới bạn lại chịu đau khổ. Thế nên đó là điều duy nhất có thể làm: bạn không thể đổi quá khứ, nhưng bạn vẫn có thể thay đổi tương lai... một cách an ủi thật hay.
Bạn không thể làm gì được - bạn phải chịu đựng thôi. Những gì cần thiết là hãy coi chừng tương lai. Thế nên phải chấp nhận quá khứ và phải biết lo sợ tương lai, chỉ có thế. Nhưng ngay cả trong nghèo nàn, trong đau khổ, phương Đông dường như còn hạnh phúc hơn phương Tây. Vì sao? Phương Đông có bộ đệm tuyệt vời, bộ đệm mạnh, để tự bảo vệ mình.
Bây giờ mỗi xã hội đều phải tạo ra sự an ủi ấy bằng những cách khác nhau. Bây giờ, ở phương Tây phân tâm học là một trong những biện pháp an ủi nhất. Bạn đến gặp nhà phân tâm học và ông ta ném toàn bộ trách nhiệm lên mẹ bạn; bạn cảm thấy nhẹ gánh, bạn nói: “Vậy tôi có thể làm gì?”. Bạn không thể thay đổi được mẹ bạn cũng như bạn không thể thay đổi được quá khứ của bạn. Mẹ bạn là quá khứ của bạn - bạn có thể làm gì? Lần sau, tỉnh táo hơn chút xíu! Đừng lọt vào tử cung của bất kì ai, thế thôi. Điều ấy đã xảy ra rồi: bạn được sinh ra như thế cho một người mẹ như thế và bà ấy đã làm hỏng đời bạn, thế nên bạn không có trách nhiệm; bạn cảm thấy thoải mái. Chẳng qua là tai họa đã xảy ra, và bất cứ điều gì đã xảy ra thì đã xảy ra rồi; chấp nhận nó đi. Suốt nhiều năm dài của phân tâm học, và đơn giản là người ta chuẩn bị cho bạn chấp nhận, đơn giản người ta làm cho bạn tỉnh táo rằng mọi sự đã từng theo cách này và không thể làm gì hơn. Mọi giải thích của họ đều là hợp lí hóa. Và họ tìm ra mọi thứ: bất cứ điều gì bạn hỏi, họ đều có câu trả lời cho nó.
Nếu bạn hút thuốc, họ có câu trả lời cho câu hỏi vì sao bạn hút thuốc. Mẹ bạn ắt phải cho bạn cai sữa mẹ sớm, vì thế bạn hút thuốc. Thế nên bạn không có trách nhiệm, còn biết làm gì hơn? Mẹ bạn đã lấy đi bầu vú, bây giờ xì gà là bầu vú thay thế - vậy đấy, khác chút xíu thôi. Họ tìm ra những cách lí giải rất láu cá! Dường như chỉ một chút thôi, bởi vì từ bầu vú chảy ra sữa ấm và từ điếu thuốc tỏa ra khói ấm. Và có sự tương đồng nào đó, và bạn ngậm điếu thuốc y hệt cách bạn ngậm bầu vú trong miệng.
Nhưng khi sự việc liên quan tới bản thân họ, thế thì lại rất phiền hà. Người ta nói rằng Freud thường giải thích mọi thứ qua tình dục - bất cứ điều gì bạn làm, ông ấy cũng tìm ra lời giải thích liên quan đến tình dục. Nếu trong mơ bạn trèo núi, nó là tình dục đấy: bạn trèo lên một phụ nữ. Nếu trong mơ bạn lái xe nhanh, nó là tình dục chứ chẳng phải gì khác: bạn muốn xuyên vào người đàn bà thật nhanh. Ông ấy tìm ra mọi giải thích qua tình dục. Như ở phương Đông mọi giải thích đều được tìm thấy qua linh hồn và trở thành quá trình an ủi, cũng vậy Freud nghĩ mọi thứ qua tình dục.
Nhưng đôi khi ông ấy cũng gặp khó khăn. Bản thân ông là một cái tàu nhả khói và có ai đó hỏi ông: “Việc hút xì gà của ông có ý nghĩa gì?”.
Ông ấy đáp: “Đôi khi xì gà có thể chỉ là xì gà, và không là gì khác ngoài xì gà”.
Dĩ nhiên là người học trò này không thỏa mãn, rồi anh ta nói với học trò khác: “Đơn giản đấy là cách hợp lí hóa việc hút xì gà của Sigmund Freud khi đứng trên quan điểm của ông ấy”.
Ông ta muốn tự bảo vệ. Bây giờ e là sẽ quá đáng khi nghĩ rằng ông ta có phức cảm nào đó sau việc hút thuốc ấy. Mọi người đều có phức cảm, thế nên mọi người phải nhượng bộ sự an ủi ấy, vì rằng phức cảm này... Nhưng đáng lí ra Freud không nên có phức cảm này, bằng không nó sẽ trở thành điều phiền nhiễu cho bản thân ông ta, vì rằng ta là nhà phân tâm học vĩ đại nhất, người sáng lập môn phân tâm học, thế mà ta lại hút thuốc và ta biết nó là cái gì. Thế nên ông ta bảo: “Đôi khi xì gà đơn thuần chỉ là xì gà mà thôi”.
Phân tâm học luôn cố giải thích “tại sao” cho mọi thứ, cứ như thể bằng việc biết được “tại sao” thì bất cứ điều gì cũng được giải quyết tuốt.
Cách lí giải mọi sự kiểu này đã trở nên rất thịnh hành ở phương Tây. Nó lan truyền gần như một bệnh dịch. Phân tâm học luôn cố giải thích “tại sao” cho mọi thứ, cứ như thể bằng việc biết được “tại sao” thì bất cứ điều gì cũng được giải quyết tuốt. Tại sao bạn đau khổ? Đến gặp nhà phân tâm học, ông ta sẽ tìm ra câu trả lời “tại sao” cho điều đó. Cha bạn là như vậy, mẹ bạn là như vậy, tuổi thơ của bạn là như vậy - đó là lí do tại sao; rồi bạn trở nên hạnh phúc. Bạn trở nên hạnh phúc bởi vì giờ đây bạn có cách hợp lí hóa.
Tôi có nghe một chuyện cười cực ngắn về bác sĩ tâm lí. Nghe nhé, nó rất ngắn. Hãy chú tâm!
Một người hỏi một người khác: “Ông có phải là bác sĩ tâm lí không?”.
Và người kia đáp: “Tại sao ông hỏi thế?”.
Rồi người này nói: “Vậy ông đúng là bác sĩ tâm lí rồi!”.
“Tại sao” - “tại sao” liên tục, cứ như thể “tại sao” sẽ giải thích mọi thứ. Đơn giản là nó trì hoãn, nó đẩy cùng một vấn đề lui về sau chút ít, nhưng lại vẫn cứ hỏi “tại sao”. Tín đồ Ấn giáo nói rằng bạn đã làm điều gì đó sai trái trong kiếp trước. Nếu hỏi tại sao, thế rồi họ lại chuyển qua kiếp trước nữa. Rồi lại hỏi tại sao, và mahatma sẽ nổi giận mà bảo rằng: “Thôi nào! Anh vượt qua giới hạn rồi đó. Đấy là thứ để trải nghiệm, chứ không phải để hỏi”. Phỏng có ích gì khi nói: “Kiếp trước tôi đã làm điều gì đó sai trái, tại sao? Thế rồi điều gì đó trong kiếp trước nữa, rồi lại tại sao? Tại sao tôi đã làm điều sai trái trong kiếp đầu tiên của tôi?”. Thật vô ích. Nhưng ở phương Đông tôn giáo đã trở thành sự an ủi, ở phương Tây cũng đang diễn ra như vậy - phân tâm học đang trở thành sự an ủi.
Phân tâm học hầu như là một sự cưỡng ép đầy ám ảnh để phân tích mỗi sự việc và mọi sự việc rồi tìm ra nguyên nhân của nó. Đặc biệt ở Mĩ, mọi người - bất cứ ai có đủ điều kiện - đều tìm đến nhà phân tâm học hay bác sĩ tâm lí. Những người không đến gặp bác sĩ tâm lí là những người nghèo, họ không đủ điều kiện. Khi những phụ nữ gặp nhau ở câu lạc bộ, họ nói về bác sĩ tâm lí của họ, về những gì ông ta nói và phân tích của ông ta mới sâu sắc làm sao. Rồi mọi thứ được quy đồng về mẫu số nhỏ nhất.
Nếu bạn hỏi nhà phân tâm học: “Nguồn cội của đóa sen này là gì?” ông ta sẽ đáp: “Bùn”. Nếu bạn có những trải nghiệm tâm linh, vậy thì nguyên nhân là gì? Ông ta sẽ chuyển sang tình dục - đó là bùn, mẫu số nhỏ nhất.
Nhưng mọi sự, theo cách nào đó, là có ích. Nếu bạn thấy rằng tất cả những vị thánh sống ấy, những người thiền hành samadhi không trải nghiệm điều gì khác ngoài tình dục, tình dục thăng hoa, bạn thấy thoải mái. Thế nên bạn chẳng cần bận tâm về nó, bạn không cần tìm kiếm nó - đấy chỉ là tình dục thăng hoa; bạn thấy ổn cho dù ở bất cứ nơi đâu.
Tôi có nghe một chuyện thời thế chiến thứ hai về một mục sư, người đã nhiều lần thuyết giảng cho quân lính về thuyết tiền định.
Mục sư bảo lính tráng đừng bận tâm về tương lai hay số mạng của họ ở chiến trường, bởi nếu tiền định họ bị tử thương, viên đạn sẽ tìm ra đích đến của nó cho dù họ ở đâu; mặt khác, nếu tiền định họ được miễn chết, không viên đạn nào chạm đến họ.
Ít lâu sau, tại chiến trường lửa bỏng, đạn vãi như mưa xung quanh, ông mục sư vội vàng chạy tới gốc cây to nhất ở gần đó nhất. Một anh lính đang nấp sau đó. Anh ta hỏi mục sư về bài giảng thuyết tiền định và vì sao bây giờ ông ấy lại phải tìm chỗ trú ẩn.
“Anh không hiểu thấu đáo những nguyên lí và lí thuyết của tiền định”, mục sư trả lời. “Tôi được tiền định để chạy đến nấp sau cái cây này”.
Giải thích rồi giải thích... an ủi láu cá... chỗ để ẩn nấp.
Phải đối mặt với cuộc sống. Có gay go; có nhiều đau đớn, nhưng cũng phải đối mặt với đau đớn. Có đau khổ; phải đương đầu với nó, phải vượt qua nó mà không cần lời giải thích và không cần sự an ủi nào hết. Nếu bạn có thể sống cuộc sống của bạn mà không cần lí thuyết hóa nó - trực tiếp, lập tức, từng khoảnh khắc - một ngày nào đó, bạn sẽ đến cội nguồn của niềm vui, không phải là an ủi, mà là mãn nguyện. Và có gì khác biệt? Mãn nguyện là trạng thái tích cực của bản thể bạn, an ủi là tiêu cực. Tôi chột mắt, người khác thậm chí còn không có mắt - tôi cảm thấy được an ủi. Tôi đau khổ, người khác thậm chí còn đau khổ hơn - tôi được an ủi. Tôi trẻ, người khác già - tôi được an ủi. Tôi già, người khác chết trẻ - tôi được an ủi. An ủi và an ủi, nhưng tất cả đều rỗng tuếch.
Nếu bạn có thể sống cuộc sống của bạn mà không cần lí thuyết hóa nó - trực tiếp, lập tức, từng khoảnh khắc - một ngày nào đó, bạn sẽ đến cội nguồn của niềm vui, không phải là an ủi, mà là mãn nguyện.
Khổng Tử tin vào an ủi, Liệt Tử tin vào mãn nguyện, và cần phải ghi nhớ sự khác biệt. Mãn nguyện chỉ đến khi bạn không so sánh, đơn giản là khi bạn ở trong chính bản thân mình, trọn vẹn trong bản thân mình - được định tâm, được bén rễ. Và bằng cách hiện hữu trong bản thể của mình, bạn đột nhiên nhận ra rằng cái toàn thể là của bạn, và bạn là cái toàn thể; bạn không tách rời. Bản ngã biến mất, bạn trở thành vũ trụ. Vào khoảnh khắc đó, có sự mãn nguyện lớn lao, ân sủng lớn lao. Nhưng ân sủng đó, mãn nguyện đó, không đến qua sự hợp lí hóa; nó tới qua sự hiện thực hóa - đó là điều khác biệt.
An ủi là hợp lí hóa, mãn nguyện là hiện thực hóa.
Thế nên có ba trạng thái của tâm trí: bất mãn - trạng thái so sánh; so sánh với những ai có nhiều hơn bạn, thế thì có bất mãn. Ai đó có xe đẹp còn bạn đi bộ; bạn là khách bộ hành, thế thì bạn bất mãn. Thứ hai là mãn nguyện - bạn là khách bộ hành và bạn thấy kẻ ăn xin cụt chân: so sánh với ai có ít hơn bạn, nhưng vẫn là so sánh. Bất mãn là một mặt của đồng tiền; mãn nguyện, cái gọi là mãn nguyện - là mặt kia của cùng một đồng tiền. Và đồng tiền ấy mang tên là so sánh. Khi bạn ném đồng tiền đi hoàn toàn - cả mãn nguyện lẫn bất mãn, tất tần tật - thế thì đột nhiên bạn ở trong trạng thái không so sánh: đó là mãn nguyện thật sự - là trạng thái thứ ba. Thế thì bạn đừng so sánh ai có nhiều ai có ít. Thế thì chẳng còn vấn đề gì hết, thế thì vấn đề là hiện hữu. Sở hữu chẳng bao giờ có ích gì. Bạn có thể có nhiều như bạn muốn, nhưng bằng việc sở hữu chẳng ai đắc ngộ được cuộc sống. Cuộc sống chỉ đến qua hiện hữu, không qua sở hữu.
Bây giờ có ba kiểu người: những người sở hữu, người của thế giới này; những người từ bỏ - người của thế giới khác. Kiểu người thứ nhất và thứ hai không đối lập nhau, mặc dù họ có vẻ đối lập thế nào ấy. Người này tin rằng bằng việc có nhiều hơn họ sẽ đạt tới hạnh phúc, người kia tin rằng bằng việc không có nhiều họ sẽ đạt tới hạnh phúc, nhưng cả hai đều tin vào việc có. Kiểu thứ ba - chiều kích khác hoàn toàn - là kiểu người của hiện hữu: không “có” mà cũng không “không có”.
Điều tôi muốn ngụ ý là người thoát tục (sannyas). Đừng của thế giới này, đừng của thế giới khác. Đừng so sánh với người có nhiều, đừng so sánh với người có ít. Không so sánh. Chỉ là chính bạn... cho phép sự hiện hữu của bạn. Hiện hữu, rồi sự hiện hữu đó sẽ mang lại niềm vui tột cùng. Và niềm vui đó là một, không nhiều. Và niềm vui đó sẽ không có bất kì nguyên nhân nào - nó vô nguyên cớ, nó sẽ chỉ giống như dễ chịu, mạnh khỏe.
Tôi có nghe...
Có một người đàn ông, cô đơn và đau khổ. Anh ta cầu Chúa và nói: “Xin Chúa ban cho con một người đàn bà đẹp, con rất cô đơn, con cần bầu bạn”.
Chúa bật cười và bảo “Sao không là cây thập giá?”.
Người này rất bực và nói: “Thập giá! Để làm gì? Con có muốn tự tử đâu? Con chỉ muốn người đàn bà đẹp”.
Thế là anh ta được một người đàn bà đẹp, nhưng chẳng mấy chốc anh ta thậm chí còn đau khổ hơn trước. Người đàn bà là nỗi khổ hình bất tận.
Anh ta lại cầu nguyện và nói: “Xin Chúa ban cho con thanh gươm”. Anh ta định giết người đàn bà rồi được tự do; anh ta khao khát có lại những ngày xưa êm đẹp.
Song Chúa lại cười và bảo: “Thế còn thập giá thì sao? Ta có phải ban nó bây giờ không?”.
Người này nổi xung và nói: “Người không nghĩ rằng người đàn bà ấy là quá đủ rồi, còn thập giá làm gì? Xin ban cho con thanh gươm”.
Thế là có gươm. Anh ta giết người đàn bà rồi bị bắt và bị xử đóng đinh lên thập giá. Anh ta cầu nguyện Chúa đoạn cười to và nói: “Xin Chúa tha thứ cho con, con đã không nghe lời người - người đã hỏi để ban cây thập giá này ngay từ đầu. Giá như con nghe lời người, hẳn là con đã cứu được bản thân mình khỏi nhiều ưu phiền không cần thiết”.
Thế giới này, thế giới khác, cuộc sống của người phàm và cuộc sống của người tu hành... biết bao ưu phiền. Nếu bạn nghe theo Đạo, thế thì thông điệp rất đơn giản. Bén rễ trong bản thể bạn, và bạn được cứu thoát khỏi mọi ưu phiền, mọi ưu phiền do cái có đem tới và ưu phiền do cái không có đem tới. Bạn chỉ hiện hữu. Hiện hữu là đích đến của Đạo.
Một điều nữa cần phải hiểu: Khi hiện hữu, bạn đã là gì rồi. Không cần phải trở thành; bạn không phải trở thành gì cả - nó đã là hoàn cảnh, bạn có nó trong bạn rồi. Nó phải được phép mở ra để hương thơm lan tỏa theo gió; và đó là bài ca thực sự, là niềm vui.
Ông lão ca hát, nhưng bài ca chỉ là giả vờ; nó xuất phát từ sự an ủi - nó không phải là bài ca thật sự. Ông lão chơi đàn, nhưng đó không phải là âm nhạc thật sự; bởi vì âm nhạc thật sự chỉ xuất phát khi bạn bén rễ sâu trong bản thân mình. Thế thì bạn trở thành nhạc cụ và cái toàn thể chơi nhạc cụ ấy.
Bén rễ trong bản thể bạn, và bạn được cứu thoát khỏi mọi ưu phiền, mọi ưu phiền do cái có đem tới và ưu phiền do cái không có đem tới. Bạn chỉ hiện hữu.
Nên nhớ, nếu bạn tìm kiếm an ủi bạn sẽ thấy nó, nhưng nó là đồng tiền giả. Thoải mái, thuận tiện, nó giống như thuốc an thần: bạn bắt đầu uống và bạn vẫn đau khổ. Đau khổ không thay đổi, nhưng qua việc uống thuốc bạn bắt đầu quên về nó. An ủi là loại chất gây nghiện, và chẳng có gì thay đổi bởi vì cánh cửa dẫn tới đau khổ vẫn mở - bạn vẫn cứ so sánh. So sánh là căn nguyên của đau khổ. Không so sánh - không cao hơn mà cũng không thấp hơn, chỉ là chính bạn, đừng nghĩ về mối tương quan với người khác, chỉ nghĩ trong mối tương quan duy nhất với một mình bạn thôi - thế thì bạn hạnh phúc.
Tôi có nghe...
Có cô nàng sở hữu một thân hình cả triệu người mới có một. Khêu gợi, nảy nở, trang nhã với đường nét hoàn hảo. Song bất kể những tặng vật của thiên nhiên ấy, cô ta bị mắc chứng thần kinh ám ảnh về những anh chàng chuyên nhòm trộm.
“Cô có biện pháp gì để tránh chuyện rắc rối ấy?”, bác sĩ tâm lí hỏi cô.
“À, tôi buông rèm, tôi cài then cửa sổ và tôi luôn thay quần áo sau tấm màn che.”
“Làm sao cô ngăn được bọn con trai khỏi nhòm qua lỗ khóa?”
“Tôi để cửa mở.”
Chắc chắn rồi, khi bạn để cửa mở thì không ai có thể nhòm qua lỗ khóa được; nhưng cửa lại mở, thế nên vấn đề là gì? An ủi cũng tựa như thế: cánh cửa còn để mở, bởi an ủi phụ thuộc vào so sánh và đau khổ cũng phụ thuộc vào so sánh. Thế nên cửa để mở, nhưng bạn trở nên ngày càng say sưa với an ủi, ngày càng ngột ngạt hơn bởi việc lí thuyết hóa, hợp lí hóa của chính bạn, ngày càng được cách li hơn. Ẩn nấp sau bộ đệm của bạn, bạn bỏ lỡ cuộc sống. Hãy vứt bỏ so sánh đi.
Bây giờ đọc một cách bình thường, chuyện ngụ ngôn này sẽ cho bạn ấn tượng là Liệt Tử không nói điều gì phản bác Khổng Tử. Đó là cách họ nói lên sự việc; họ là những người rất thâm thúy. Chẳng thốt một lời nào phản bác Khổng Tử mà ông đã đánh đổ toàn bộ triết lí của Khổng Tử. Thế nên khi bạn đọc những chuyện ngụ ngôn ấy, chúng không đơn giản đâu. Đơn giản theo một cách nào đó, nhưng chúng lại rất thâm thúy. Bạn phải chìm sâu, bạn phải đào xới, bạn phải nhập vào chúng và bạn phải phân biệt được sự khác biệt giữa khuôn phép và tự phát.
Đạo là như vậy, Đạo là chấp nhận vô cùng tận bất cứ điều gì. Và trong sự chấp nhận đó, người ta nở hoa.