Khi Lâm Loại gần trăm tuổi, ông mặc áo lông vào giữa mùa xuân và đi mót lúa mà thợ gặt làm rơi trên đồng, vừa đi vừa hát.
Khổng Tử trên đường đến nước Vệ thấy ông lão từ xa. Quay sang môn đệ của mình ông bảo: “Ông lão kia đáng nói chuyện đấy. Ai đó nên đi xem ông ấy nói gì”.
Tử Cống xin đi. Ông ta gặp Lâm Loại ở cuối con đê, nhìn mặt ông lão rồi thở dài: “Tiên sinh không cảm thấy hối tiếc gì ư? Mà hãy còn mót lúa, lại vừa đi vừa hát”.
Lâm Loại không dừng bước mà cũng chẳng ngừng hát. Tử Cống tiếp tục nài ép ông lão cho tới khi ông nhìn lên và đáp: “Ta có gì mà phải hối tiếc?”.
“Hồi bé tiên sinh chưa bao giờ học phép cư xử; là người tiên sinh chưa bao giờ cố gắng tạo dấu ấn của mình. Về già thì không vợ không con, rồi cái chết sắp cận kề. Thưa thầy, có gì vui sướng mà thầy lại vừa hát vừa đi mót lúa?”
“Lí do cho cái vui sướng của ta, mọi người cùng chia sẻ”, Lâm Loại vừa nói vừa mỉm cười, “nhưng thay vì thế họ lại quá lo cho mình. Là vì ta không bị đòn đau khi học phép cư xử hồi còn trẻ, và không bao giờ cố gắng tạo dấu ấn của mình khi trưởng thành nên ta có thể sống lâu thế. Là vì về già ta không vợ không con và cái chết sắp cận kề nên ta có thể vui sướng như vậy.”
“Phàm con người ai cũng muốn sống lâu và ghét chết - sao tiên sinh lại vui chết như vậy?”
“Chết là trở về nơi chúng ta đã bắt đầu khi mới sinh ra. Thế nên làm sao ta biết được khi chết ở đây ta sẽ lại chẳng được sinh ra ở nơi nào khác? Làm sao ta biết được cái sống và cái chết lại chẳng là tốt cho nhau? Làm sao ta biết được lo âu cầu sống lại chẳng là mê muội? Làm sao ta biết được cái chết hiện tại lại chẳng tốt hơn kiếp sống quá khứ của ta?”
Tử Cống nghe xong nhưng không hiểu ngụ ý của ông lão. Ông quay về và thưa với Khổng Tử.
“Ta biết ông ấy đáng để nói chuyện”, Khổng Tử nói, “ông ấy là như vậy, nhưng ông ấy là người đã thấy lẽ, mà vẫn còn chưa thấy hết lẽ.”
Đạo không duy lí. Nó cũng không phản duy lí. Nó siêu lí. Cuộc sống thì nhiều hơn lí trí. Cuộc sống thì nhiều hơn những gì có thể hiểu được bằng tâm trí. Cuộc sống phải cho bạn nhiều hơn những gì bạn có thể học được; nó lớn hơn năng lực học của bạn. Nó lớn hơn những gì bạn có thể biết, nhưng nó có thể cảm nhận được. Đạo là trực giác. Đạo trọn vẹn hơn. Khi bạn tiếp cận cuộc sống qua đầu óc và chỉ qua đầu óc, nó là tiếp cận một phần; hiểu lầm nhất định là có đó. Một người cố “mường tượng nó ra” nhất định sẽ rơi vào cái bẫy kinh khủng và sẽ khó lòng thoát ra dễ dàng. Một khi bạn bắt đầu trí tuệ hóa cuộc sống, bạn bắt đầu lạc lối. Phải sống cuộc sống. Phải sống cuộc sống bằng trải nghiệm chứ không phải bằng trí tuệ. Trí tuệ không phải là cầu nối mà là rào cản.
Khi bạn tiếp cận cuộc sống qua đầu óc và chỉ qua đầu óc, nó là tiếp cận một phần; hiểu lầm nhất định là có đó.
Phải hiểu rõ điều này - thế thì chuyện ngụ ngôn có tầm quan trọng lớn lao. Và chúng ta sẽ bước vào nó thật chậm, cố gắng hiểu từng câu, từng chữ trong đó một cách thật sự.
Cách tiếp cận của Khổng môn là cách tiếp cận bằng tâm trí. Cách tiếp cận của Đạo gia là cách tiếp cận vô trí. Khổng Tử nghĩ về cuộc sống. Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, không nghĩ về cuộc sống bởi vì họ nói rằng bạn có thể cứ nghĩ và nghĩ mãi, rồi bạn sẽ đi lòng vòng loanh quanh và bạn sẽ không bao giờ đến được trung tâm. Loanh quanh và loanh quanh không phải là cách thức. Đi trực tiếp, ngay lập tức - hãy nhìn cuộc sống, đừng nghĩ về nó.
Luôn nhớ rằng thực đơn không phải là bữa ăn. Bạn có thể cứ nghiên cứu thực đơn - điều đó sẽ chẳng ích gì. Bạn sẽ phải ăn, bạn sẽ phải nuốt, bạn sẽ phải tiêu hóa. Bạn sẽ phải được kết nối một cách trải nghiệm với thức ăn, bạn sẽ phải hấp thu nó vào trong người bạn, và bạn sẽ phải biến nó thành một phần của con người bạn. Chỉ nghiên cứu thực đơn hay sách dạy nấu ăn sẽ chẳng ích gì cả. Học giả cứ nghiên cứu thực đơn: càng đói thì ông ta càng nghiên cứu thực đơn nhiều hơn; và lẽ tự nhiên, học giả vẫn còn là một trong những người đói nhất trên đời. Ông ta chưa bao giờ sống, ông ta chưa bao giờ yêu, ông ta chưa bao giờ chấp nhận bất cứ mạo hiểm nào. Ông ta chưa bao giờ di chuyển, chưa bao giờ nhảy múa, chưa bao giờ mở hội; ông ta chỉ ngồi đó và nghĩ về nó. Học giả quyết định trước tiên ông ta phải thông suốt về mặt trí tuệ, rồi ông ta sẽ đi. Đến lúc đó chẳng còn cách nào mà đi nữa. Trước tiên bạn phải đi đã và rồi mới tới hiểu.
Cứ như thể ai đó nói: “Trước tiên tôi sẽ phải biết về tình yêu và thế rồi tôi sẽ yêu”. Làm cách nào bạn biết về tình yêu? Cách duy nhất để biết về tình yêu là phải yêu - không có cách nào khác. Bạn có thể đến thư viện, bạn có thể hỏi nhiều người, bạn có thể tra cứu sách vở và bách khoa toàn thư, rồi bạn sẽ thấy cả ngàn lẻ một điều về tình yêu, nhưng đó chẳng phải là tình yêu. Bạn có thể trở thành học giả, tâm trí bạn có thể được nhồi nhét đầy thông tin; nhưng thông tin không phải là biết.
Tri thức không phải là biết. Nó có thể đánh lừa bạn, nhưng nó không thể đánh lừa được cuộc sống. Trong chừng mực liên quan đến cuộc sống bạn sẽ vẫn còn là sa mạc - đóa tình yêu sẽ không bao giờ nở hoa trong bản thể bạn. Điều đó cũng vậy với mọi thứ có ý nghĩa. Điều đó cũng vậy với mọi thứ đang sống. Đấy là điểm cơ bản của Đạo. Bây giờ trở lại chuyện ngụ ngôn này:
Khi Lâm Loại gần trăm tuổi, ông mặc áo lông vào giữa mùa xuân và đi mót lúa mà thợ gặt làm rơi trên đồng, vừa đi vừa hát.
Lâm Loại là một đạo sư, nhưng như những đạo sư - họ sống cuộc sống rất bình thường. Họ không sống theo cách phi thường, họ không nhận họ là những người đặc biệt, thiên tài, hiền nhân, thánh nhân, thánh sống (mahatma); họ không khẳng định gì cả. Đơn giản là họ sống cuộc sống rất bình thường bởi vì họ là những bản thể tự nhiên, tự nhiên như cây cỏ, tự nhiên như chim muông, tự nhiên như chính tự nhiên vậy. Họ không theo bất cứ con đường bản ngã nào. Chẳng hạn, nếu ở Ấn Độ bạn muốn tìm chỗ của mahatma bạn có thể dễ dàng tìm thấy họ. Nhưng nếu bạn đến Trung Hoa cổ đại và muốn biết một đạo sư, không ai có thể nói cho bạn biết tìm người đó ở đâu. Bạn phải nhìn, phải đi, phải lang thang khắp nơi... và đôi khi bạn có thể bắt gặp một người. Nhưng không có cách nào trừ phi bạn đã trải nghiệm điều gì đó về nó trong bản thể chính bạn. Trừ phi bạn có hương vị, hương thơm, còn thì bạn sẽ không thể nhận ra một đạo sư.
Lâm Loại là một đạo sư - rất đơn giản, rất già, rất cổ; một trăm tuổi rồi và ông vẫn đi mót lúa mà thợ gặt làm rơi. Bấy giờ đấy là việc làm thấp kém nhất có thể thấy, ăn mày ăn nhặt nhất, thế mà vẫn... vừa đi vừa hát trên cánh đồng.
Đạo nhân luôn hạnh phúc bởi ông ấy không trông chờ bất cứ nguyên nhân nào […]. Hạnh phúc giống như hơi thở, hạnh phúc giống như nhịp tim - hạnh phúc là bản thể của ông ấy, nó không là điều gì đó xảy đến với ông ấy.
Đạo nhân luôn hạnh phúc bởi ông ấy không trông chờ bất cứ nguyên nhân nào; ông ấy không chờ bất cứ tình huống đặc biệt nào để trong đó ông có được hạnh phúc. Hạnh phúc giống như hơi thở, hạnh phúc giống như nhịp tim - hạnh phúc là bản thể của ông ấy, nó không là điều gì đó xảy đến với ông ấy. Hạnh phúc không là thứ xảy ra hay không xảy ra, hạnh phúc là điều gì đó luôn có ở đó rồi. Ông ấy tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc là chất liệu tạo nên hiện hữu, và đạo nhân đã ở trong sự hài hòa với hiện hữu - lẽ tự nhiên ông ấy hạnh phúc. Bất cứ điều gì ông ấy làm, ông ấy đều làm nó một cách vui sướng. Hạnh phúc của ông ấy đi trước hành động của ông ấy.
Đôi khi bạn thấy hạnh phúc và đôi khi thấy bất hạnh - bởi hạnh phúc của bạn có điều kiện. Khi bạn thành công bạn hạnh phúc, khi bạn thất bại bạn bất hạnh; hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào nguyên nhân bên ngoài. Bạn không thể luôn ca hát được; cho dù bạn hát, bài hát của bạn sẽ không phải bao giờ cũng thuần túy là ca hát. Đôi khi nó sẽ là vui mừng thực sự và đôi khi chỉ là sự lặp lại, đùng đục và đờ đẫn. Đôi lúc, khi người bạn tới chơi, khi bạn tìm thấy người yêu, bạn hạnh phúc. Đôi lúc, khi người bạn ra về, người yêu không còn nữa, bạn bất hạnh. Hạnh phúc và bất hạnh của bạn đều có nguyên nhân từ bên ngoài - nó không phải là dòng chảy bên trong, nó không phải là điều gì đó bạn sở hữu. Nó được người khác trao cho bạn và lấy đi khỏi bạn, được hoàn cảnh trao cho bạn và lấy đi khỏi bạn. Điều ấy không có giá trị bởi bạn vẫn còn là nô lệ, bạn không là người chủ.
Đạo nhân gọi một người là người chủ khi hạnh phúc của người đó là tuyệt đối của riêng người đó. Người đó có thể hạnh phúc bất chấp tình huống: trẻ cũng hạnh phúc, già cũng hạnh phúc; là bậc quân vương cũng hạnh phúc, là kẻ hành khất cũng hạnh phúc. Bài ca của ông ấy không bị vấy bẩn bởi hoàn cảnh; bài ca của ông ấy là của riêng ông ấy, bài ca của ông ấy là nhịp điệu tự nhiên của ông ấy.
Ông lão ấy, một trăm tuổi rồi... Thường thì một cụ già trăm tuổi sẽ không thể ca hát nữa - có gì ở tuổi đó để mà hát? Cuộc sống đã biến mất, cuộc sống đã tan dần, ông lão hầu như chỉ còn là bộ xương khô và còn gì để mà hi vọng nữa; chỉ chờ thần chết đến. Ca hát, lễ hội - để làm gì? Người trăm tuổi không có tương lai; cuộc sống của người đó đã tàn, người đó đã cạn kiệt, bất kì khoảnh khắc nào cái chết sẽ hạ gục người đó. Vì ai? Vì cái gì? Vì lí do gì một người còn có thể ca hát như thế? Và vào cái tuổi một trăm người đó còn phải đi và làm cái việc ăn mày ăn nhặt... phải đi mót lúa mà thợ gặt làm rơi. Điều đó nghĩa là không có ai chăm sóc cụ già. Cụ già bị bỏ lại một mình - dường như không gia đình, không con trai, không con gái, không vợ, không anh em; không ai chăm sóc ông ấy cả. Còn gì để mà ca hát?
Nhưng nếu bạn có bài ca - bài ca thật sự, bài ca nảy sinh từ cốt lõi bản chất của bạn, trung tâm sâu thẳm nhất trong bạn - thế thì không thành vấn đề. Bạn có thể cứ ca hát thậm chí ngay khi cái chết giáng xuống. Bạn có thể cứ ca hát cho dù ai đó giết bạn. Thể xác bạn có thể bị giết, nhưng bài ca của bạn thì không. Thể xác bạn có thể bị cầm tù, nhưng bài ca của bạn thì không. Bài ca của bạn là vĩnh hằng vì nó vô nguyên cớ.
Hãy nhớ quy luật nền tảng ấy của cuộc sống: Thứ mà có nguyên nhân thì không bao giờ vĩnh hằng, thứ mà có nguyên nhân thì trần tục. Khi nguyên nhân biến mất, nó sẽ biến mất; nó là sản phẩm phụ. Thứ vô nguyên cớ sẽ là mãi mãi, bởi không gì có thể phá hủy nó được. Thể xác bạn sẽ chết - nó có nguyên nhân; việc gặp gỡ của cha mẹ bạn đã là nguyên nhân của nó. Thể xác bạn sẽ chết: nguyên nhân xuất hiện vào một ngày nào đó. Nó có năng lượng nào đó, một quãng đời nào đó, thế thì nó sẽ kết thúc. Bạn đang chết hằng ngày, một ngày nào đó đơn giản là bạn sẽ biến mất trong nấm mồ.
Hãy nhớ quy luật nền tảng ấy của cuộc sống: Thứ mà có nguyên nhân thì không bao giờ vĩnh hằng, thứ mà có nguyên nhân thì trần tục. Khi nguyên nhân biến mất, nó sẽ biến mất; nó là sản phẩm phụ. Thứ vô nguyên cớ sẽ là mãi mãi, bởi không gì có thể phá hủy nó được.
Nhưng đó có phải là mọi thứ bạn có không? Có phải tất cả những thứ đó là bản thể của bạn không? Không có gì hơn nữa sao? Điều gì đó trong bạn đã có từ trước khi bạn sinh ra, và sẽ còn tồn tại ngay cả sau khi bạn ra đi mãi mãi. Sau khi bạn chết, cái đã có trước khi bạn sinh ra sẽ còn lại - cái đó vô nguyên cớ.
Đó là lí do vì sao Đạo giáo không tin rằng Thượng đế tạo ra thế giới, rằng Thượng đế tạo ra con người, rằng Thượng đế tạo ra linh hồn. Nếu Thượng đế tạo ra linh hồn thế thì chúng có nguyên nhân và một ngày nào đó chúng sẽ biến mất - dù ngày đó có thể xa xôi thế nào thì cũng không quan trọng. Nếu thế giới mà có nguyên nhân và con người đã từng được tạo ra, thế thì một ngày nào đó thế giới sẽ không được tạo ra và con người sẽ không được tạo ra. Đạo giáo nói về cái là vĩnh hằng, là vô nguyên cớ, là không được tạo ra - chúng không có đấng sáng tạo. Thực ra, chưa ai từng đạt tới đỉnh đó, đỉnh siêu phàm của hiểu biết như Đạo giáo đã từng. Mọi tôn giáo khác đều có vẻ chưa trưởng thành. Sự trưởng thành của Đạo giáo thật vô cùng, thật huy hoàng, có chiều sâu và chiều cao tới mức không tôn giáo nào có thể so sánh được với nó; tất cả chúng tựa như vườn trẻ - đặc biệt được dành cho trẻ con. Đặc biệt được dành cho trẻ con - đó là lí do vì sao Thượng đế là “Cha”; trẻ con thì không thể độc lập được, chúng cần người cha. Nếu người cha thực sự của bạn biến mất thế thì bạn cần một người cha tưởng tượng ở cõi trời để kiểm soát bạn; bạn còn chưa đủ trưởng thành, bạn chưa thể theo cách riêng của bạn được, bạn phải dựa vào ai đó hay người khác.
Đạo gia không có khái niệm về Thượng đế. Không phải là họ vô thần, mà họ còn là những người sùng đạo nhất - nhưng họ không có khái niệm về Thượng đế. Hiện hữu là đủ rồi. Không có đấng sáng tạo, không có sự sáng tạo, mà là vĩnh hằng.
Đạo gia không có khái niệm về Thượng đế. Không phải là họ vô thần, mà họ còn là những người sùng đạo nhất - nhưng họ không có khái niệm về Thượng đế. Hiện hữu là đủ rồi. Không có đấng sáng tạo, không có sự sáng tạo, mà là vĩnh hằng. Luôn như thế, và sẽ luôn như thế. Một khi bạn đã đạt tới sự tiếp xúc với cái liên tục vĩnh hằng ấy bên trong bản thể bạn, thể nền, thế thì không có gì đau khổ hết. Bạn vĩnh hằng, bạn bất tử; không có tử đối với bạn bởi lẽ không hề có sinh. Bạn không được tạo ra, bạn không thể bị phá hủy. Dù hoàn cảnh bên ngoài có là gì chăng nữa, thì ánh sáng bên trong bạn vẫn cứ cháy sáng và bài ca vẫn vang lên.
Khổng Tử trên đường đến nước Vệ thấy ông lão từ xa. Quay sang môn đệ của mình ông bảo: “Ông lão kia đáng nói chuyện đấy. Ai đó nên đi xem ông ấy nói gì”.
Khổng Tử luôn tìm kiếm tri thức. Ông luôn tìm kiếm người nào đó có thể nói điều gì đó với ông, ông luôn sẵn sàng vay mượn tri thức. Đó là cách người trí thức hành xử. Mọi thứ anh ta có đều là vay mượn; anh ta không bao giờ nhìn vào bên trong, anh ta vẫn cứ nhìn ra ngoài - “Nếu ai đó có nó, thế thì mình phải đi và hỏi”. Người trí thức hay bắt chước, máy móc, như con vẹt; với người trí thức tri thức là cái gì đó phải được học. Anh ta không bao giờ nhìn vào bên trong bản thể của mình, anh ta không bao giờ nhìn vào tâm thức bên trong của mình; anh ta không bao giờ hiểu được người biết. Anh ta theo sau tri thức - và có khoảng cách. Đạo nhân không theo sau tri thức, nhưng ông ấy muốn biết: Người biết này là ai? Sự biết này là gì? Ông ấy muốn biết cội nguồn của sự biết này, nơi tâm thức đang nảy sinh từ đó.
Bạn ở đây, bạn đang nghe tôi. Bây giờ, bạn có thể hoặc là một Nho sĩ hoặc là một Đạo nhân bởi vì chỉ có hai quan điểm là khả dĩ. Nếu bạn nghe tôi và bạn càng lúc càng quan tâm hơn đến điều tôi đang nói và bắt đầu thu thập nó, thế thì bạn là một Nho sĩ. Nhưng nếu trong khi bạn ở đây nghe tôi, bạn nhận biết tâm thức bên trong bạn, tập trung chú ý bên trong bạn và bạn trở nên mê mải bởi những gì trong đó và câu hỏi sâu sắc nảy sinh: “Tôi là ai...?”. Không nhất thiết là bạn phải lặp lại lời “Tôi là ai?” nhưng việc dò hỏi sâu sắc, việc truy tìm nảy sinh, niềm đam mê để biết: “Ai là tâm thức ấy trong tôi? Tâm thức ấy trong tôi là gì? Bản chất của nó là gì? Phẩm chất của nó là gì? Nó từ đâu tới? Nó sẽ đi đâu...?”. Nếu đam mê ấy để biết tâm thức bạn nảy sinh, bạn là Đạo nhân. Và chỉ có Đạo nhân mới là con người tín ngưỡng.
Nho sĩ là học giả, anh ta là bác học, anh ta là giáo sư. Nếu bạn nói với anh ta, anh ta sẽ nói về những điều lớn lao; nhưng nếu bạn nhìn vào bản thể anh ta, chẳng có gì hết. Tất cả mọi thứ anh ta thu thập đều vay mượn. Không biết bao lần Đạo gia viết truyện kể rằng Khổng Tử đi từ một nơi nào đó đến một nơi nào đó, lúc nào cũng du hành, tích lũy, và lúc nào cũng tìm kiếm nơi ông ấy có thể nhận được tri thức - cứ như thể tri thức là hàng hóa, cứ như thể tri thức là thứ mà bạn có thể kiếm được ở đâu đó, từ ai đó vậy.
Không ai có thể cho bạn tri thức. Nó không phải là thứ được truyền cho. Bạn phải trở thành nó, bạn phải trưởng thành trong sự biết; nó là biến đổi bên trong.
Không ai có thể cho bạn tri thức. Nó không phải là thứ được truyền cho. Bạn phải trở thành nó, bạn phải trưởng thành trong sự biết; nó là biến đổi bên trong. Không trường đại học nào có thể cho bạn thứ mà những người có tín ngưỡng gọi là biết thực. Bất cứ thứ gì bạn có thể nhận được từ những trường đại học đều là thông tin - cũ rích, vay mượn, bẩn thỉu, bởi nó đã qua hàng ngàn bàn tay rồi; nó giống như tiền giấy. Đó là lí do vì sao tiền giấy được gọi là “tiền lưu hành”, bởi vì nó cứ luân chuyển như dòng chảy từ tay này sang tay khác, từ túi người này sang túi người kia. Vì vậy mà nó ngày càng bẩn hơn. Tri thức cũng vậy: trong nhiều thế kỉ, nó đi từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thế hệ giáo sư này sang thế hệ giáo sư khác.
Sự biết là tươi mới, sự biết là từ nguồn cội. Và nguồn cội đó sống trong bạn, chờ đợi bạn quay vào. Đừng tìm nó ở bên ngoài - hãy nhìn vào bên trong. Đó là điều Jesus hằng nói: “Nước Chúa ở bên trong các bạn”.
Khổng Tử trên đường đến nước Vệ... Ông ấy luôn luôn di chuyển, đi tìm, đi kiếm tri thức. Ông ấy đến chỗ mọi người. Bất cứ chỗ nào có người nói rằng ai đó đã đạt tới tri thức, ông ấy đều tới đó. Điều này thật ngớ ngẩn, điều này thật ngu ngốc, nhưng là sự ngu xuẩn mà mọi học giả đều có. Về cơ bản họ đều mang tâm trí là tri thức có thể mua được. Về cơ bản họ đều mang tâm trí rằng tri thức là một vật, không phải là trải nghiệm; là lí thuyết, không phải là trải nghiệm. Thế nên người ta có thể học nó từ ai khác.
Nên nhớ một điều, và đó là sự khác biệt giữa tri thức khoa học và tri thức tôn giáo. Một khi ai đó đã khám phá ra luật hấp dẫn, mọi người không phải khám phá nó lại một lần nữa - điều đó là xuẩn ngốc. Bạn không thể ra thế giới và tuyên bố “Điều Newton khám phá ra, tôi đã khám phá lại nó. Phải, luật hấp dẫn... Tôi thấy quả táo rơi, và tôi lại phát hiện ra luật hấp dẫn”. Mọi người sẽ bật cười. Họ sẽ bảo: “Bây giờ chẳng còn gì để mà khám phá nữa. Khám phá điều gì đó chưa từng được khám phá trước đây đi”.
Khoa học là thông tin. Nếu một người đã khám phá ra rồi, thế thì nó có thể được truyền cho mọi người. Thứ tri thức mà khoa học tìm kiếm là về bên ngoài, thế nên nó có thể được học từ bên ngoài. Nhưng tôn giáo phải được khám phá lặp đi lặp lại. Nó tựa như yêu: hàng triệu người đã yêu trước bạn, nhưng trừ phi bạn yêu, còn thì bạn sẽ không bao giờ biết yêu là gì. Bạn không thể nói: “Hàng triệu người đã yêu, thế nên phỏng có ích gì mà tôi lại yêu nữa? Sao lại rúc vào cùng một vết mòn? Quá nhiều người đã yêu và họ đã viết nhật kí của họ, và thư tình của họ sẵn đấy - chúng ta có thể nhìn vào sách và có tri thức”. Nhưng không, bạn sẽ phải yêu, bạn sẽ phải khám phá lại nó. Trừ phi bạn khám phá nó, nó sẽ không bao giờ được biết. Tôn giáo cũng giống như tình yêu; nó không như khoa học. Einstein đã phát hiện ra thuyết tương đối, thế là kết thúc - chẳng ai khác phải khám phá lại nó lần nữa. Điều có thể khiến nhà khoa học mất năm mươi năm để khám phá, một học sinh phổ thông có thể học trong vòng năm phút. Nhưng đó không phải là phương cách của tôn giáo. Điều Phật đã khám phá ra, điều Lão Tử đã khám phá ra, Liệt Tử đã khám phá ra, bạn sẽ phải khám phá lại. Khổng Tử đang sai đường.
Khổng Tử được dùng trong chuyện của Đạo gia như đề tài tiếu lâm.
Khổng Tử trên đường đến nước Vệ thấy ông lão từ xa. Quay sang môn đệ của mình ông bảo: “Ông lão kia đáng nói chuyện đấy”.
Tại sao? Bởi vì một trăm tuổi, làm việc thấp kém nhất - mà vẫn ca hát ư? Đi và hỏi xem lí do ông ta hạnh phúc là gì - vì sao ông ta hạnh phúc, vì sao ông ta ca hát, để chúng ta có thể suy ra quy luật; có thể khám phá được kĩ thuật nào đó chăng.
“Ai đó nên đi hỏi xem ông ấy nói gì.”
Tử Cống [một trong những đại đệ tử của Khổng Tử] xin đi. Ông ta gặp Lâm Loại ở cuối con đê, nhìn mặt ông lão rồi thở dài: “Tiên sinh không cảm thấy hối tiếc gì ư? Mà hãy còn mót lúa, lại vừa đi vừa hát”.
“Tiên sinh không cảm thấy hối tiếc gì ư?” - bởi lẽ với đệ tử của Khổng Tử thì ông lão này dường như chẳng có gì để mà hạnh phúc. Đáng ra ông ta phải khóc, vậy mới hợp logic. Đáng ra ông ta phải khóc, vậy mới hợp lí. Song ông ta lại ca hát? Mót lúa, một trăm tuổi rồi, đang chờ chết - còn cần gì thêm nữa để mà buồn thảm không? Đáng ra ông ta phải vô cùng đau khổ, vậy mới hợp logic.
Điều ấy phi logic, nhưng Đạo nhân lại là những người phi logic. Và tôi muốn bạn trở nên phi logic bởi vì chỉ những người phi logic mới đủ may mắn để hạnh phúc. Những nhà logic không bao giờ hạnh phúc, họ không thể hạnh phúc; họ chọn sai đường từ khởi đầu rồi. Họ nghĩ rằng vì mọi thứ khác đều có nguyên nhân, nên hạnh phúc cũng phải có nguyên nhân - đó là quan điểm sai của họ. Hạnh phúc chỉ cần hiểu biết, không có nguyên nhân nào khác. Và hiểu biết cũng không phải là nguyên nhân của hạnh phúc, đơn giản là hiểu biết làm hiển lộ nó; nó ở bên trong bạn. Đơn giản là hiểu biết kéo tấm màn ra và đột nhiên nó ở sẵn đó - người yêu dấu của bạn bên trong bạn; tất cả chỉ là phải làm hiển lộ, thế thôi. Làm hiển lộ không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân nghĩa là nó phải được tạo ra; làm lộ ra đơn giản là nó đã có sẵn đó, nhưng bạn còn vô minh nên không làm hiển lộ nó được.
Phải hiểu được cách tiếp cận cuộc sống ấy của Khổng môn, bởi vì nhiều người trong các bạn nhất định đang cùng hội với Khổng môn. Toàn bộ phương Tây là Khổng môn - logic, trí tuệ. Cách tiếp cận của Khổng môn dựa trên ý tưởng là chân lí phải được học, rằng vấn đề chỉ là học mà thôi: nếu bạn học tốt bạn sẽ biết chân lí là gì. Không, Đạo gia nói chân lí phải được sống, không phải được học. Chân lí phải được trải nghiệm; chỉ bằng việc trở thành thông thái hơn bạn sẽ không biết nó. Thực ra, để có chân lí bạn sẽ phải trải qua việc gạt bỏ, bạn sẽ phải xóa sạch tâm trí của mình đi. Bất cứ những gì bạn học đều vận hành như chướng ngại vật. Bạn sẽ lại phải trở nên vô minh, bạn sẽ phải trở nên hồn nhiên, bạn sẽ phải vứt bỏ mọi thứ vô nghĩa mà bạn đang mang theo dưới cái tên tri thức. Bạn chẳng biết gì, nhưng bạn nghĩ cứ như thể bạn biết; cái “cứ như thể” ấy là vấn đề. Ai đó hỏi bạn: “Bạn biết Thượng đế không?” và bạn nói “Có”. Bạn đã bao giờ nghĩ bạn đang nói gì không? Bạn có thực sự biết không? Nhưng bạn giả vờ. Bạn định lừa ai?
Tôi có nghe một chuyện hay:
Một gã du côn thơ thẩn bước vào phòng khách mờ mờ sáng. “Ở đây có ai tên Donovan không?”, gã ta sừng sộ. Không ai trả lời. Gã lại sừng sộ: “Ở đây có ai tên Donovan không?”.
Im lặng một lúc, thế rồi một anh chàng nhỏ bé bước ra. “Tôi là Donovan”, anh ta nói.
Gã du côn tóm lấy anh ta và ném anh ta qua quầy. Thế rồi gã đấm vào quai hàm anh ta, đá anh ta, nện anh ta, tát anh ta chừng một lúc rồi bước ra. Khoảng mười lăm phút sau anh chàng nhỏ bé tỉnh dậy. “Các bạn, tớ đã lừa được nó”, - anh ta nói. “Tớ không phải Donovan”.
Bạn lừa ai? Bạn sẽ chỉ lừa bản thân mình thôi, không ai khác. Nên nhớ kĩ những gì bạn biết và những gì bạn không biết. P.D. Ouspensky(1), trong cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Tertium organum, nói rằng đối với người tìm kiếm thì điều trước tiên phải quyết định là cái gì anh ta biết và cái gì anh ta không biết - điều trước tiên phải quyết định đấy. Một khi quyết định đó được đưa ra mọi sự trở nên rất rõ ràng. Bạn có biết bản thân mình không? Bạn có biết yêu là gì không? Bạn có biết sống là gì không? Nhưng con người cứ giả vờ rằng anh ta biết, bởi vì sẽ rất tổn thương khi biết là bạn không biết, nó làm tan nát bản ngã khi biết là bạn không biết: Bản ngã giả vờ, bản ngã là kẻ giả vờ vĩ đại nhất trần đời; nó giả vờ, nó nói: “Có, tôi biết”. Có những “người biết” nói không có Thượng đế, lại có những “người biết” nói có Thượng đế, nhưng cả hai đều là “người biết”. Trong chừng mực liên quan đến tri thức, chẳng có người hữu thần nào cũng như người vô thần nào là khác nhau cả. Nếu bạn đến Ấn Độ và bạn hỏi người ta - bất cứ ai - họ sẽ nói: “Có, có Thượng đế”. Nếu bạn đến Nga và hỏi bất cứ ai, họ sẽ nói rằng họ biết là không có Thượng đế. Song một điều chắc chắn là cả hai đều “biết” - và đó là vấn đề.
(1) P.D. Ouspensky (1878 – 1947): một nhà bí truyền người Nga. Ông từng được nhà bí truyền George Gurdjieff nhận là học trò.
Bắt đầu với vô minh, và một ngày nào đó bạn có thể đủ may mắn để biết. Bắt đầu với tri thức, và điều chắc chắn là: bạn sẽ không bao giờ có khả năng biết gì.
Người hữu thần và người vô thần không đối lập nhau. Họ không phải là kẻ thù, họ là đối tác trong cùng trò chơi, bởi vì cả hai đều giả vờ rằng họ biết. Con người thật sự hiểu biết sẽ không giả vờ rằng anh ta biết, thế thì có khả năng một ngày nào đó anh ta sẽ biết. Bắt đầu với vô minh, và một ngày nào đó bạn có thể đủ may mắn để biết. Bắt đầu với tri thức, và điều chắc chắn là: bạn sẽ không bao giờ có khả năng biết gì.
Nho gia cứ cố học. Đạo gia cứ cố gạt bỏ.
Lâm Loại không dừng bước mà cũng chẳng ngừng hát. Tử Cống tiếp tục nài ép ông lão cho tới khi ông nhìn lên và đáp: “Ta có gì mà phải hối tiếc?”.
Thoạt tiên ông lão thậm chí không ngừng hát để nghe điều người này hỏi, bởi vì Đạo nhân không quan tâm đến người tò mò. Họ nói rằng tò mò chẳng dẫn tới đâu cả, tò mò là căn bệnh; tò mò là không đủ - tò mò không phải là dò hỏi. Dò hỏi nghĩa là bạn sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống của mình. Dò hỏi có nghĩa bạn không chỉ là học sinh mà còn là môn đệ. Dò hỏi có nghĩa không phải do ngẫu hứng mà bạn hỏi; bạn sẵn sàng đi vào nó bằng bất cứ giá nào. Bạn sẵn sàng trả giá cho nó; nó không phải chỉ là trò giải trí.
Dò hỏi có nghĩa bạn không chỉ là học sinh mà còn là môn đệ. Dò hỏi có nghĩa không phải do ngẫu hứng mà bạn hỏi; bạn sẵn sàng đi vào nó bằng bất cứ giá nào.
Lâm Loại không dừng bước mà cũng chẳng ngừng hát. Ông lão đã không để ý gì tới người tò mò ấy, người đang hỏi: “Sao ông lại hát? Ông có gì mà hạnh phúc?” bởi vì nếu người ấy thật sự là người dò hỏi, anh ta sẽ không nhảy xổ vào ông lão đột ngột như thế. Anh ta sẽ đợi, anh ta sẽ tới và ngồi bên cạnh, anh ta sẽ đợi.
Trong giới Đạo nhân đấy là chuẩn được chấp nhận, khi môn đệ đến chỗ thầy, anh ta phải đợi, trừ phi thầy hỏi anh ta: “Anh tới để làm gì?”. Và thầy sẽ chỉ hỏi khi thầy đã kiểm tra rằng không phải bạn tò mò, mà là bạn dò hỏi; rằng bạn chẳng phải nhân tiện mà tới, rằng việc tìm kiếm của bạn không hờ hững, mà mãnh liệt - rằng bạn đang cháy, rằng bạn sẵn sàng bùng nổ. Chỉ thế thì thầy mới hỏi: “Vì sao anh tới? Câu hỏi của anh là gì?”.
Đấy không phải là cách tiếp cận với thầy - và hỏi một câu xuẩn ngốc như vậy! Câu hỏi thật xuẩn ngốc, hỏi: “Vì sao ông hạnh phúc?”. Câu hỏi thật xuẩn ngốc; “vì sao” là vô nghĩa. Nếu ai đó đau khổ, bạn có thể hỏi: “Vì sao bạn khổ?”. Nhưng nếu ai đó hạnh phúc thì bạn không thể hỏi “Vì sao bạn hạnh phúc?”. Ai đó ốm đau, nếu hỏi “Vì sao bạn ốm?” - câu hỏi thích hợp. Nhưng nếu ai đó mạnh khỏe thì bạn không thể hỏi: Vì sao bạn mạnh khỏe?” - câu hỏi không thích hợp. Mạnh khỏe là nó đáng phải thế, hạnh phúc là nó đáng phải thế. Nếu ai đó đã phát điên, bạn có thể hỏi tại sao anh ta phát điên, còn nếu anh ta tỉnh táo thì đừng hỏi: “Vì sao bạn tỉnh táo? Bạn có gì để tỉnh táo vậy?” - đó là vô nghĩa. Khi bạn tiếp cận một người hạnh phúc, người thật sự hạnh phúc, bạn phải nhìn thẳng thay vì tạo ra tấm màn sương khói của những câu hỏi. Bạn phải chờ, bạn phải mời thầy, bạn phải uống dòng năng lượng đang tuôn chảy quanh thầy; bạn phải thưởng thức lễ hội đang diễn ra ở đó. Bạn phải cho phép sự hiện diện của thầy xuyên thấu vào bản thể bạn, bạn phải vận hành như miếng bọt biển thấm đẫm sự hiện diện của thầy - đó sẽ là câu trả lời.
Bây giờ đấy là xuẩn ngốc, nhưng tôi đã bắt gặp hàng triệu người như thế.
Tôi thường đi khắp đất nước... Tôi đang đón chuyến tàu thì có ai đó đuổi theo sau tôi và hỏi: “Thật sự có Thượng đế không? Thượng đế có tồn tại không?”.
Tôi đáp: “Bạn tới lúc khác nhé”.
Anh ta nói: “Nhưng xin một câu trả lời thôi. Một câu cũng được”. Cứ như thể việc tôi nói có hay không sẽ tạo ra khác biệt gì vậy. Những người xuẩn ngốc, những người đần độn: họ nghĩ họ có tín ngưỡng, họ đang làm việc dò hỏi lớn lao.
Đó là lí do vì sao Lâm Loại không dừng bước mà cũng chẳng ngừng hát. Tử Cống tiếp tục nài ép ông lão cho tới khi ông nhìn lên và đáp: “Ta có gì mà phải hối tiếc?”.
Giờ hãy nhìn vào sự thay đổi. Tử Cống hỏi: “Ông có gì mà hạnh phúc thế?”, và đạo sư đáp: “Ta có gì để mà bất hạnh?”. Thay đổi toàn bộ - quay ngoắt một trăm tám mươi độ.
“Hồi bé tiên sinh chưa bao giờ học phép cư xử; là người tiên sinh chưa bao giờ cố gắng tạo dấu ấn của mình. Về già thì không vợ không con, rồi cái chết sắp cận kề.”
Hãy cố hiểu từng câu. Mỗi câu đều hàm chứa ý nghĩa lớn lao.
“Hồi bé tiên sinh chưa bao giờ học phép cư xử...”
Thường thì nếu bạn chưa bao giờ học phép cư xử khi còn bé, bạn sẽ đau khổ cả đời. Bạn sẽ ân hận là bạn chưa bao giờ tới trường, bạn chưa bao giờ học cách xử sự, phép xã giao, nghi thức xã hội - những nghi lễ; bạn sẽ hối tiếc cả đời. Nhưng ông lão nói: “Chẳng có gì mà phải hối tiếc cả vì khi ta còn bé, ta chưa bao giờ học phép cư xử. Ta chưa bao giờ là nô lệ. Ta tự do ngay từ thời thơ ấu. Ta chưa bao giờ cho phép bất cứ ai áp đặt khuôn phép lên ta. Ta chưa bao giờ là kẻ bắt chước. Ta đã sống cuộc sống của ta như ta muốn. Ta chưa bao giờ cho phép bất cứ ai làm ta xao nhãng, vậy sao ta phải hối tiếc? Vì sao? Không có lí do nào để hối tiếc. Nếu ta cho phép người khác - gia đình, bạn bè, xã hội, tu sĩ, chính khách, nhà nước - nếu như ta cho phép họ áp đặt khuôn phép lên ta, thế thì ắt đã có nhiều điều để đau khổ rồi. Nhưng ta đã sống cuộc sống tự do ngay từ thời thơ ấu. Ta vẫn tự do, ta đã sống trong tự do, thế nên có gì mà phải hối tiếc?”.
Điều này vô cùng ý nghĩa. Và khi tôi nói điều đó với bạn, đấy cũng là cảm giác riêng của tôi nữa. Tôi cũng đã sống theo cách tôi muốn sống. Tôi chưa bao giờ cho phép bất cứ ai làm tôi xao nhãng. Đúng hay sai, tốt hay xấu, ngu hay khôn, tôi đã sống theo cách tôi muốn sống. Tôi không có gì hối tiếc. Không thể có niềm hối tiếc nào hết. Đấy là cách tôi muốn sống, đấy là cách tôi đã sống. Và cuộc sống đã cho phép tôi sống theo cách tôi muốn sống - tôi cám ơn, tôi biết ơn. Giờ đây tôi biết rằng nếu như tôi đã cho phép những nhà cải cách hăng hái, thế thì tôi ắt đã đau khổ rồi. Không phải là họ đã thực sự muốn làm tổn thương tôi, họ có thể đã thực sự muốn giúp tôi - đó không phải là vấn đề chút nào. Họ có thể đã là những người thiện chí, nhưng một điều chắc chắn là - họ làm tôi xao nhãng, họ cố ép tôi theo chiều hướng nào đó mà không tới một cách tự phát với tôi. Điều đó tôi chưa bao giờ nghe theo. Tôi đã nói với những người có thiện chí với tôi: “Cám ơn các ông vì những phiền toái do tôi mà các ông phải chịu, nhưng tôi vẫn đi theo cách riêng của mình. Nếu tôi thất bại sẽ có an ủi - là do tôi đã đi theo cách riêng của tôi và thất bại. Nhưng nếu làm theo các ông, cho dù có thành công, tôi sẽ luôn hối tiếc: ai biết được kết quả ra sao, hậu quả ra sao nếu tôi đi theo cách riêng của mình?”.
Tôi có nghe nói về một bác sĩ tài ba, một nhà phẫu thuật lừng danh. Ông ấy nổi tiếng khắp thế giới, và khi đã già ông ấy về hưu, mọi đệ tử của ông, từ khắp thế giới, tụ tập lại để ăn mừng. Ngày họ mở hội, họ thấy ông có vẻ hơi buồn, ông ở đó nhưng không thật sự ở đó. Thế nên một đệ tử hỏi: “Có việc gì vậy, thưa thầy? Sao trông thầy buồn thế? Sao vậy? Thầy đã sống cuộc sống thành đạt - không ai có thể cạnh tranh được với thầy, thầy là người có một không hai trong lĩnh vực của thầy; thầy là đỉnh cao và sẽ không ai có khả năng thay thế được thầy trong nhiều thế kỉ. Thầy có mọi thứ để hạnh phúc, và hãy nhìn những đệ tử của thầy, học trò của thầy - họ ở khắp nơi trên thế giới. Cớ sao thầy lại buồn?”.
Và ông nói: “Nhìn tất cả những thành công này, tôi cảm thấy rất buồn bởi vì tôi chưa bao giờ muốn trở thành bác sĩ. Tôi muốn là một vũ công. Bây giờ trọn cuộc đời tôi đã qua rồi, đã phí hoài rồi, bởi vì sâu thẳm bên trong tôi vẫn hối tiếc vì nghe lời người khác. Phải, tôi đã thành công, nhưng thành công đó không thỏa mãn tôi vì nó xa lạ. Cứ như thể bạn không đói mà ai đó cứ ép bạn ăn - có thể thức ăn rất bổ dưỡng đấy, nhưng bạn sẽ cảm thấy buồn nôn. Bạn muốn uống nước mà ai đó đã ép bạn uống sữa - chắc chắn là sữa tốt hơn nước, nhưng bạn muốn uống nước cơ. Bạn cảm thấy khát và sữa đã không thỏa mãn bạn, nó đã làm bạn chán ngán”.
Và tôi có thể hiểu người này. Ông ấy buồn, nỗi buồn của ông có ý nghĩa; ông buồn vì bây giờ toàn bộ thành công ấy không là gì ngoài thất bại. Sâu bên trong ông ấy đã thất bại - ông ấy đã tự làm mình thất bại; ông ấy đã không tin vào trực giác của mình và đã cho phép người khác điều khiển mình.
Hãy xem Tử Cống nói gì về ông lão Lâm Loại này:
“Hồi bé tiên sinh chưa bao giờ học phép cư xử...”
Vậy thì có gì mà phải hối tiếc? Ông lão đã sống đời ông ấy, ông lão đã sống đời ông ấy theo cách riêng của mình.
“Là người tiên sinh chưa bao giờ cố gắng tạo dấu ấn của mình.”
Và ông lão chưa bao giờ cố tạo ra dấu ấn của mình. Ông ấy không tham vọng - thế nên có gì mà phải hối tiếc? Người tham vọng sẽ luôn hối tiếc. Alexander đại đế chết vì buồn, trong nỗi thất vọng lớn lao, vì tham vọng, bởi bản chất của tham vọng là không thể nào thỏa mãn được. Tương truyền, khi Alexander ở Ấn Độ ông ấy đến gặp một nhà chiêm tinh và hỏi người này về tương lai của ông.
Nhà chiêm tinh nhìn bàn tay ông ấy rồi nói: “Có một điều tôi phải nói với ngài: ngài có thể lấy được thế giới này, nhưng xin nhớ cho không có thế giới khác đâu. Rồi ngài sẽ bị kẹt cứng. Thế thì ngài sẽ làm gì?”. Nhà chiêm tinh ấy ắt phải là người có trí huệ lớn lao và tương truyền rằng khi nghe thấy câu “không có thế giới khác” - Alexander trở nên buồn bã. Bây giờ ngay cả ý tưởng “Một khi ngài đã chinh phục được thế giới này, tiếp đến ngài định làm gì? Không có thế giới khác đâu...” đơn giản là tâm trí tham vọng sẽ cảm thấy bị kẹt cứng - thế thì sẽ phải làm gì tiếp?
Chỉ người không tham vọng mới có thể hạnh phúc. Người tham vọng nhất định thể nào cũng bị thất vọng.
Và dù bạn đạt được bất cứ điều gì, chẳng có gì đạt được bởi tham vọng cứ lan rộng ra mãi. Chỉ người không tham vọng mới có thể hạnh phúc. Người tham vọng nhất định thể nào cũng bị thất vọng. Tham vọng đến từ thất vọng, từ tham vọng nhiều thất vọng nữa lại đến, và nó là cái vòng luẩn quẩn.
Lão đạo sư ấy không bận tâm đến thành công trên thế gian, đến việc chứng tỏ mình là ai đó. Ông không quan tâm tới việc trở thành một phần của lịch sử. Ông không quan tâm tới việc để lại dấu ấn của mình, bởi điều đó là xuẩn ngốc - cho dù bạn có chỗ nào đó trong lịch sử, phỏng có ích gì?
Tôi có nghe một chuyện vui:
Moses đưa dân tộc của ông ấy rời khỏi Ai Cập thế rồi họ đi tới biển, và không thể nào đi qua được. Ông ấy nhìn tùy viên báo chí của mình và nói: “Ông nói sao nào? Ta có một ý tưởng. Ý kiến của ông là gì? Ta có thể yêu cầu đại dương hay Thượng đế làm đường cho chúng ta và đại dương sẽ rẽ nước ra”.
Rồi tùy viên báo chí nói: “Nếu ngài có thể làm được điều đó, thế thì tôi hứa một điều. Trong Cựu Ước ngài sẽ có hai trang”.
Nhưng cho dù trong Cựu Ước bạn có hai trang, hay hai mươi trang, hay hai trăm trang, ý nghĩa của nó là gì? Và vì lịch sử ngày càng phát triển hơn, hai trang đó sẽ trở nên ngày càng teo dần và teo dần rồi một ngày nào đó chỉ còn là cước chú. Và thế rồi khi lịch sử sẽ trở nên dài hơn - và nó đang trở nên dài hơn hằng ngày - cước chú cũng sẽ nằm ở đâu đó trong phụ lục, và dần dần bạn có cảm tưởng nó biến mất. Khi bạn qua đời, liệu dấu vết của đời bạn còn lại được là bao? Và tất cả những điều đó phỏng có ích gì? Vĩ đại thay sự sáng suốt của lão đạo sư.
“Là người tiên sinh chưa bao giờ cố gắng tạo dấu ấn của mình”. Vậy có gì để mà hối tiếc? Nếu bạn tham vọng bạn sẽ hối tiếc, bởi lẽ tham vọng là thứ không bao giờ thỏa mãn được. Nếu bạn không tham vọng thì bạn hạnh phúc, bởi lẽ nỗi thất vọng sẽ không có lối vào trong bạn. Rồi ông lão không vợ và không con, vậy thì có gì mà đau khổ? Hãy cố hiểu ngụ ý của ông lão. Ông ấy tuyệt đối một mình - không ai quấy rầy sự một mình của ông. Sự đơn độc của ông không bị xáo trộn. Ta một mình, tự do, tuyệt đối là người chủ của riêng ta. Không ai lôi kéo ta đi đây đó, không gia đình, không họ hàng - có gì để mà đau khổ?
Một mình là tích cực, sự hiện diện của bản thể bạn. […] Một mình có sự rực rỡ trong nó.
Nên nhớ, khi bạn một mình, bạn không một mình đâu; bạn cô đơn, bạn bỏ lỡ tụ tập hội hè với người khác. Bạn bỏ lỡ tụ tập hội hè với người khác vì bạn đã không học cách bầu bạn với chính mình. Bạn bỏ lỡ tụ tập hội hè với người khác vì bạn không biết cách ở với bản thân. Cô đơn là tiêu cực, thiếu vắng người khác. Một mình là tích cực, sự hiện diện của bản thể bạn. Cô đơn là hiu quạnh, một mình là đơn độc. Cô đơn là xấu, một mình là đẹp. Một mình có sự rực rỡ trong nó.
Phật một mình, tôi một mình, Liệt Tử một mình, ông lão Lâm Loại ấy một mình. Khi bạn ngồi một mình bạn cô đơn, đơn giản là bạn trống vắng. Từ sâu bên trong bạn đang tìm bầu bạn - phải đi đâu, phải làm gì, làm cách nào để bận rộn, để bạn có thể quên bản thân mình. Bạn còn chưa học cách ở cùng bản thân mình. Bạn còn chưa tạo được mối quan hệ với bản thân mình. Bạn còn chưa yêu bản thân mình.
“Về già thì không vợ không con...”
Có gì mà phải hối tiếc? Ta một mình, như đỉnh cao vĩ đại của dãy Himalayas... một mình. Mọi thứ đều đẹp và im lặng và cực lạc.
“Rồi cái chết sắp cận kề.”
Với đạo nhân, chết chẳng qua là trở về nhà, hành trình chấm dứt. Chết là trở về nhà, trở về nguồn gốc, trở lại cội nguồn, trở về nơi chúng ta đã xuất phát.
“... rồi cái chết sắp cận kề.”
Thế nên có gì mà phải hối tiếc? Đơn giản là ta hạnh phúc, chỉ mỗi hạnh phúc. Đơn giản mọi thứ đều tốt - người ta không thể mong đợi nhiều hơn nữa.
“Hồi bé tiên sinh chưa bao giờ học phép cư xử; là người tiên sinh chưa bao giờ cố gắng tạo dấu ấn của mình. Về già thì không vợ không con, rồi cái chết sắp cận kề. Thưa thầy, có gì vui sướng mà thầy lại vừa ca hát vừa đi mót lúa?”
Nhưng môn đệ của Khổng Tử không thể hiểu được. Ông ta lặp lại câu hỏi lần nữa. Ông ta đã bỏ lỡ. Ông ta nghe nhưng đã không lắng nghe - nó đi lướt qua đầu ông ta. “Ta có gì mà phải hối tiếc?”. Những lời tuyệt vời như vậy, đầy kinh nghiệm như vậy, đầy tính cách mạng như vậy, mà người của Khổng môn đã bỏ lỡ.
Chết là trở về nhà, trở về nguồn gốc, trở lại cội nguồn, trở về nơi chúng ta đã xuất phát.
Học giả luôn bỏ lỡ chân lí. Bác học là người thiếu khả năng lắng nghe nhất, tâm trí ông ta đầy ắp những ý tưởng của ông ta. Tử Cống phải nghĩ cả ngàn lẻ một ý nghĩ trong tâm trí ông ấy, phải chuẩn bị nhiều câu hỏi nữa - những gì để hỏi tiếp. Ông ta có vẻ như lắng nghe, nhưng ông ta lại chẳng lắng nghe.
“Thưa thầy, có gì vui sướng mà thầy lại vừa hát vừa đi mót lúa?”
Câu hỏi lại có nghĩa là: “Thầy có hạnh phúc gì...?”. Nên nhớ, nếu như có nguyên nhân cho hạnh phúc, thế thì nguyên nhân nhất định gắn liền với quá khứ. Nguyên nhân luôn thuộc về quá khứ. Nếu bạn hạnh phúc, mà câu hỏi lại là: “Cái gì đã làm bạn hạnh phúc?” và cái đã làm bạn hạnh phúc đã đi vào quá khứ. Thế nên hạnh phúc có nguyên nhân là hướng về quá khứ. Hướng về quá khứ nghĩa là cái không còn nữa; nó là hư cấu, nó là tưởng tượng, nó là ảo tưởng.
Hạnh phúc thật sự là hướng về hiện tại, không bao giờ hướng về quá khứ. Hạnh phúc thật sự nảy sinh ở-đây-và- bây-giờ, chính khoảnh khắc này, không có thời gian cho nó để có nguyên nhân. Nó là nhân quả đồng thời. Hãy cố hiểu nó. Nếu bạn nói: “Tôi hạnh phúc vì tôi được người cha giàu có sinh ra” - bây giờ điều ấy là bảy mươi năm, một trăm năm trước. Hạnh phúc của bạn về điều gì đó đã trôi qua một trăm năm trước chỉ là điều tưởng tượng trong kí ức của bạn. Bạn nói: “Tôi hạnh phúc vì mười năm trước tôi đã được trao giải Nobel”. Mười năm trước bạn đã được trao giải Nobel ư? - hạnh phúc của bạn đầy bụi bặm. Mười năm... quá nhiều bụi đã tích lũy; nó không tươi mới, nó cũ rích. Bạn là người rất đáng thương: bạn ăn thức ăn đã được chuẩn bị từ mười năm về trước.
Hạnh phúc thật sự là hướng về hiện tại, không bao giờ hướng về quá khứ. Hạnh phúc thật sự nảy sinh ở-đây-và- bây-giờ.
Hạnh phúc thật sự là ở-đây- và-bây-giờ. Nó không liên quan gì tới quá khứ, nó chẳng liên quan gì tới tương lai. Đôi khi bạn thấy hạnh phúc về tương lai: bạn đang hi vọng bạn sẽ trúng số, hoặc bạn đang hi vọng điều ấy sẽ xảy ra ngày mai - bạn gái của bạn sẽ tới vào ngày mai và bạn thấy hào hứng. Vì cái gì? Vì cái ngày mai hãy còn chưa tới ư? Bạn điên rồi. Hạnh phúc của bạn hoặc hướng về quá khứ, hoặc hướng về tương lai; cả hai đều giả tạo vì quá khứ thì không còn nữa, mà tương lai thì vẫn chưa tới. Quá khứ đã ra khỏi hiện hữu mất rồi, còn tương lai lại chưa thành hiện hữu. Hạnh phúc thật sự, đích thực là ở-đây-và-bây-giờ. Nó nảy sinh, ngay khoảnh khắc này, không từ đâu cả. Không tồn tại hai khoảnh khắc cùng một lúc - đó là lí do vì sao nó vô nguyên cớ. Bởi vì để nhân quả tồn tại, cần ít nhất hai khoảnh khắc: một cho nguyên nhân và một cho hậu quả. Nhưng duy chỉ khoảnh khắc này - trọn vẹn, một mình, đơn độc là sẵn có mà thôi.
Người dò hỏi lại đặt câu hỏi sai: “Có gì vui sướng mà thầy lại vừa hát vừa đi mót lúa?”.
“Lí do cho hạnh phúc của ta là mọi người cùng chia sẻ...”. Ông lão lại nói điều gì đó rất thú vị: “Lí do cho hạnh phúc của ta là mọi người cùng chia sẻ”. Nó chẳng liên quan gì tới mỗi mình ta cả; mọi người đều có nó, nhưng họ không nhận ra nó. Không chỉ không nhận ra nó, mà họ tìm kiếm cái đã có sẵn rồi. Không chỉ lo tìm kiếm nó mà... “thay vì thế, họ lại quá lo cho bản thân mình”.
Bạn lo nghĩ về thời thơ ấu của mình... rằng bạn đã không được giáo dục tốt, không được cho học ở Harvard hay Oxford hay Cambridge, rằng cha mẹ mình nghèo, rằng mình không được nuôi nấng tốt như mong muốn, rằng bạn đã không được huấn luyện tốt, rằng bạn đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Bạn tiếc về nó, lo nghĩ về nó. Điều này đáng lí phải là nguyên nhân để hạnh phúc - mọi thứ đáng lí phải là nguyên nhân để hạnh phúc, chỉ có thế thì người ta mới có thể hạnh phúc. Bằng không người nghèo cứ than khóc vì mình nghèo, rồi người giàu cũng cứ than khóc vì mình giàu. Tôi có biết những người giàu - họ nói cha mẹ họ đã hủy hoại họ vì họ được phép có quá nhiều tiện nghi hồi còn thơ, tới mức họ chẳng bao giờ học được cái gì. Hẳn là bạn từng thấy, bạn hẳn từng quan sát là rất hiếm khi con cái nhà giàu trở nên thông minh, hiếm lắm. Tất cả bọn họ đều ngu xuẩn, họ nhất định phải thế, bởi vì phỏng có ích gì mà thành người thông minh? Sao lại phải bận tâm? Họ có sẵn mọi thứ họ cần; mọi thứ họ có thể đạt được bằng trí thông minh đều có sẵn hết rồi, thế nên sao lại phải thông minh? Đi học đại học họ thất bại, ở mọi nơi họ đều thất bại; họ cũng chẳng bận tâm chút nào.
Hồi còn dạy đại học, tôi có một sinh viên đã thi rớt năm năm. Tôi hỏi anh ta - tôi đã đợi năm năm rồi mới hỏi - qua năm thứ sáu, lại tới kì thi, tôi nói: “Kế hoạch của em là gì? Em có định thi rớt lần nữa không?”.
Anh ta nói, “Ai bận tâm nào? Bố em giàu. Chỉ người nghèo mới phải bận tâm về chuyện đó”. Nếu bạn sinh ra trong gia đình giàu có, thế thì bạn cũng không hạnh phúc. Nếu bạn sinh ra trong gia đình nghèo khó, tất nhiên làm sao bạn có thể hạnh phúc được? Nếu bạn mạnh khỏe thì bạn không hạnh phúc, bởi nếu bạn mạnh khỏe bạn chẳng bao giờ nghĩ đến sức khỏe như là thứ gì đó khiến bạn hạnh phúc. Một người mạnh khỏe không bao giờ nghĩ về sức khỏe. Nếu bạn không mạnh khỏe, bạn bất hạnh. Nhìn vào logic của tâm trí bạn xem. Bất cứ thứ gì bạn cảm thấy là đau khổ, đơn giản là vì bạn nhảy vào, còn bất cứ thứ gì bạn cảm thấy là hạnh phúc, đơn giản là vì bạn quên đi, bạn không để ý gì tới nó.
“Nhưng thay vì thế, họ lại quá lo cho mình. Là vì ta không bị đòn đau khi học phép cư xử hồi còn trẻ, và không bao giờ cố gắng tạo dấu ấn của mình khi trưởng thành nên ta có thể sống lâu thế. Là vì về già ta không vợ không con và cái chết sắp cận kề nên ta có thể vui sướng như vậy.”
Điều này bạn sẽ thấy lặp đi lặp lại trong mọi kinh sách phương Đông: một sự lặp lại tuyệt vời. Lí do gì chân lí là thứ mà những bậc tôn sư phải lặp đi lặp lại như vậy, bởi nếu nói một lần người nghe không hiểu nổi. Phật thường lặp lại mọi điều ba lần - kể cả những điều nhỏ nhặt. Ngài hỏi đệ tử: “Ông có nghe ta không? Ông có nghe ta không? Ông có nghe ta không?” Ba lần! Vì lòng từ bi vĩ đại. Khi kinh sách Phật giáo được dịch sang ngôn ngữ phương Tây người ta rất đỗi phân vân: Vì sao? Phật nói với những người ngốc nghếch đến thế ư? Sao ngài lặp đi lặp lại nhiều thế? Không phải, họ đều là những người thông minh như bạn, như mọi người ở bất cứ nơi nào. Vấn đề không phải ở trí thông minh, vấn đề là giác ngộ. Họ còn chưa giác ngộ, họ còn chưa, chưa giác ngộ như bạn vậy.
Bất cứ thứ gì bạn cảm thấy là đau khổ, đơn giản là vì bạn nhảy vào, còn bất cứ thứ gì bạn cảm thấy là hạnh phúc, đơn giản là vì bạn quên đi, bạn không để ý gì tới nó.
Tôi phải lặp đi lặp lại liên tục. Những biên tập viên của tôi đâm phân vân. Họ phân vân vì sao tôi cứ lặp lại. Họ muốn lược bỏ nó. Tôi không cho phép. Tôi nói: “Cứ để nguyên như nó vốn thế, bởi chân lí là như vậy đó, một lần - bạn có thể bỏ lỡ, hai lần - tôi hi vọng bạn có thể lưu tâm hơn một chút, ba lần...”. Tôi vẫn phải lặp lại - điều đó giống như gõ búa vào đầu bạn. Liệu bạn có thể bỏ lỡ mãi được bao lâu? Nó là cuộc chiến giữa tôi và bạn.
Ông lão nhắc lại, nhưng Tử Cống lại vẫn không hiểu. Tử Cống nói: “Phàm con người ai cũng muốn sống lâu và ghét chết - sao tiên sinh lại vui chết như vậy?”.
Những điều cơ bản đã bị bỏ lỡ. Duy chỉ một điều Tử Cống rút ra được từ bốn điều - đó là điều cuối cùng. Song điều cuối cùng chỉ có thể hiểu được nếu ba điều trước đó được hiểu, không thì cũng bằng thừa. Nếu như ba điều trước được hiểu... “Hồi bé tiên sinh chưa bao giờ học phép cư xử; là người tiên sinh chưa bao giờ cố gắng tạo dấu ấn của mình. Về già thì không vợ không con, rồi cái chết sắp cận kề”. Hãy nhìn: điều thứ nhất thuộc về thời thơ ấu, điều thứ hai thuộc về thời thanh niên, điều thứ ba thuộc về tuổi già, rồi đến cái chết. Nó là hệ quả rất tự nhiên, nó tuyệt đối logic - bạn phải bắt đầu ngay từ lúc bắt đầu. Nhưng ông ta đã quên mất ba điều trước. Ông ta không liệt kê ba điều đó ra, ông ta nhảy ngay vào điều thứ tư. Ông ta phải sợ, phàm là người ắt sợ chết. Điều đó đánh vào sự chú ý của ông ta.
Song trừ phi ba điều trên được hiểu, điều thứ tư sẽ bị bỏ lỡ.
“Phàm con người ai cũng muốn sống lâu và ghét chết - sao tiên sinh lại vui chết như vậy?”
Đó không phải là con người - có thể có chất người, nhưng không phải con người. Bạn phải hiểu rõ hai từ này. Trong từ điển chúng đồng nghĩa, nhưng chúng không đồng nghĩa trong thực tại. Cũng như tôi đã nói với bạn là cô đơn và một mình đồng nghĩa trong từ điển nhưng không đồng nghĩa trong thực tại, thế nên người và con người là hai điều khác nhau. Người là khái niệm tĩnh như “chó”, như “trâu”, như “lừa”. “Người” là khái niệm tĩnh, như tên của một loài nào đó, một trong các loài. Loài này là khỉ, loài khác là trâu, loài nữa là người. Bạn có thấy thế không? Với người chúng ta có hai thuật ngữ: người (man) và con người (human). Với chó bạn chỉ có một thuật ngữ: chó, với trâu bạn chỉ có một thuật ngữ: trâu, với lừa - lừa. Vì sao? Vì sao lại là con người? Có ý nghĩa cả: đơn giản người là tên chỉ loài sinh học; con người thì chẳng liên quan gì tới sinh học cả. Con người là một khái niệm phát triển, khái niệm mở; người là khái niệm khép kín, người có nghĩa chúng ta là sinh vật. Con người có nghĩa chúng ta là một quá trình, chúng ta đang đi, chúng ta là hành trình, chúng ta là hành hương, chúng ta đang đi tới, bạn “đi sang cõi bên kia”.
Người là khái niệm khép kín, người có nghĩa chúng ta là sinh vật. Con người có nghĩa chúng ta là một quá trình, chúng ta đang đi, chúng ta là hành trình, chúng ta là hành hương, chúng ta đang đi tới, bạn “đi sang cõi bên kia”.
Friedrich Nietzsche đã nói: “Điều vĩ đại nhất mà tôi yêu thích ở người là chỗ người không phải là đích đến mà là cầu nối. Điều mà tôi yêu thích nhất ở người là chỗ người là quá trình tiếp diễn; không phải là kết thúc mà là phương tiện, là hành trình”.
Con người nghĩa là cầu nối, cầu nối giữa người và Thượng đế. Người có nghĩa chỉ là người, không có việc mở ra trong nó. Từ con người là mở, nó vượt ra ngoài phạm vi người. Con người là cầu nối, con người là hành trình, hành hương - người ta đang đi đâu đó, người ta đang tìm kiếm gì đó, người ta đang cố trở thành gì đó. Người là tĩnh, con người là động. Người giống như đồ vật. Con người là quá trình, tựa dòng sông, dòng chảy, tới cõi bên kia, dò dẫm trong bóng tối. Người ngồi đó, chẳng đi đâu, què quặt, chết cứng, như nấm mồ. Con người là dòng sông, không biết đại dương ở đâu nhưng vất vả cố gắng để đến nơi.
Nên nhớ điều này, người sợ chết. Còn con người? - Không, con người không sợ chết. Một người đang hành hương - anh ta sẵn sàng chết nếu điều đó cần thiết để đi tiếp; anh ta sẵn sàng đi sang cõi bên kia, anh ta sẵn sàng dùng cửa tử để đi qua cõi bên kia.
Tử Cống nói: “Phàm con người ai cũng muốn sống lâu...”.
Không, không phải con người muốn sống lâu. Ừ thì cũng có trong chừng mực liên quan đến khái niệm người. Chó sợ chết, trâu sợ chết, lừa sợ chết - và người cũng vậy. Nhưng là con người, người ta rất rộn ràng với khả năng này - người ta muốn biết chết là gì. Vì người ta đã sống cuộc sống của mình, người ta bắt đầu cảm thấy: “Giờ đây ta đã biết sống là gì rồi, nên ta muốn biết chết là gì. Sống đã được biết, nó đẹp. Bây giờ chúng ta hãy xem chết là gì, để nó là cuộc phiêu lưu khác.
Socrates là con người khi ông sắp chết, khi ông sắp được cho thuốc độc. Đệ tử của ông kêu khóc còn ông nói: “Thôi đi! Các ông có thể làm điều đó khi ta đi rồi, nhưng đừng làm bây giờ. Thật là phí phạm, vô cùng phí phạm. Điều vĩ đại như thế đang xảy ra, ta sắp chết mà các ông lại khóc!”.
Rồi họ nói: “Thưa thầy, thầy sắp chết, thầy không sợ sao?”.
Ông đáp: “Sợ gì chứ? Ta đã sống cuộc đời ta, ta yêu nó, nó đẹp. Ta đã biết nó, nhưng chẳng cần cứ lặp đi lặp lại mãi thế. Bây giờ cần điều gì đó mới mẻ - cái chết là mới mẻ. Ta vui thích, ta rộn ràng, cuộc phiêu lưu tuyệt vời đến thế”. - Socrates nói. “Bây giờ ta muốn thấy chết là gì”.
Một trong những đệ tử, Crito, nói: “Nhưng thưa thầy, mọi người đều sợ chết”.
Socrates nói: “Ta không biết. Ta không hiểu tại sao người ta sợ chết. Nếu những người vô thần đúng thì người chết hoàn toàn chẳng còn lại gì, thế thì có gì mà sợ. Socrates ta sẽ không có đó thế nên vì sao lại sợ? Ta đã không có đó trước khi ta được sinh ra và ta không cảm thấy sợ chút nào về nó cả”.
Bạn có bao giờ cảm thấy sợ là bạn đã không hề tồn tại trước khi bạn được sinh ra chưa? Nỗi sợ nào nắm chặt lấy bạn? Không gì cả. Bạn sẽ nói: “Vô nghĩa, bởi lẽ thế thì mình không có, nên sợ hãi phỏng có ích gì?”.
Và Socrates nói: “Ta sẽ lại biến mất nếu những người vô thần đúng, thế nên sợ là gì chứ? Sẽ chẳng có ai để sợ cả. Hoặc có thể những người hữu thần đúng, tức là ta sẽ có ở đó. Mà nếu có ở đó, thế thì sao lại phải sợ?”.
Đấy đích thực là người đã sống một cuộc sống năng động, một cuộc sống trưởng thành, tiến hóa. Nếu bạn đã sống cuộc sống tiến hóa, thế thì cái chết đến như một cuộc cách mạng, một thay đổi đột ngột đến thực tại nào đó còn chưa biết. Tại sao người ta phải sợ? Không, con người - đó hẵng còn chưa phải là sinh linh.
Nhưng không phải người nào cũng là sinh linh, nên nhớ điều này. Rất hãn hữu... ở đâu đó có một Socrates, một Liệt Tử, một vị Phật - đấy là những sinh linh. Thường thì có đàn ông và đàn bà, nhưng không phải là những sinh linh. Trở thành một sinh linh nghĩa là trở thành một quá trình, trở thành việc dò hỏi, trở thành đam mê cái bất khả... người tìm kiếm, người tìm kiếm chân lí.
Ông lão đã nói: “Chết là trở về nơi chúng ta đã bắt đầu khi mới sinh ra. Thế nên làm sao ta biết được khi chết ở đây ta sẽ lại chẳng được sinh ra ở nơi nào khác?”.
Quan điểm của Socrates cũng giống hệt: “Cho nên làm sao ta biết được khi chết ở đây ta sẽ lại chẳng được sinh ra ở nơi nào khác? Làm sao ta biết được sống và chết lại chẳng là tốt cho nhau? Làm sao ta biết được âu lo cầu sống lại chẳng là mê muội? Làm sao ta biết được cái chết hiện tại lại chẳng tốt hơn kiếp sống quá khứ của ta?”.
“Làm sao ta biết được...?”. Hãy xem chỗ nhấn mạnh này. Ông lão không nói: “Tôi biết”, ông không khẳng định tri thức nào hết. Không người khôn ngoan nào lại khẳng định tri thức bao giờ. Đó là lí do tại sao Socrates nói: “Có thể những người vô thần đúng, có thể những người hữu thần cũng đúng, nhưng không thành vấn đề. Hễ bất kì người nào trong số họ đúng đi chăng nữa, ta vẫn không xao xuyến”.
Trí huệ, trí huệ thật sự thì luôn luôn bất khả tri. Nên nhớ từ bất khả tri này. Người tìm kiếm thực sự là bất khả tri. Anh ta không bao giờ tuyên bố “Tôi biết”, và anh ta không bao giờ nói “Đây là chân lí”. Anh ta rất cởi mở, anh ta không khép kín. Anh ta không có giáo điều, anh ta không có tín ngưỡng, đơn giản là anh ta ý thức và nhận biết, và sẵn sàng đối mặt với thực tại dù có thế nào đi chăng nữa. Dù thực tại sắp tới hiển lộ thế nào chăng nữa, anh ta sẵn sàng đi vào nó. Anh ta tin tưởng cuộc sống. Những người không tin tưởng vào cuộc sống mới tạo ra niềm tin, giáo điều, lí thuyết để bảo vệ chính họ. Người trí huệ thật sự dễ bị công kích; anh ta không bảo vệ bản thân. Anh ta rộng mở cho mưa, cho gió, cho mặt trời, cho mặt trăng, cho cuộc sống, cho cái chết, cho bóng tối, cho ánh sáng - anh ta rộng mở cho tất cả. Anh ta không có bảo vệ; tính mong manh của anh ta thật trọn vẹn.
Những người không tin tưởng vào cuộc sống mới tạo ra niềm tin, giáo điều, lí thuyết để bảo vệ chính họ.
Nên nhớ thuyết bất khả tri của những người như vậy. Ông lão trăm tuổi bắt đầu cảm thấy sợ chết. Người ta bắt đầu nghĩ: “Linh hồn phải bất tử”. Người ta bắt đầu tưởng tượng: “Bây giờ ta sẽ được đón nhận ở thiên đàng với kèn trống rộn ràng. Thượng đế phải chờ, và một lâu đài cẩm thạch tuyệt vời phải sẵn sàng đón ta”. Người ta bắt đầu tưởng tượng nhiều thứ, người ta bắt đầu mơ. Nhưng ông lão này nói: “Làm sao ta biết được?”. Ông ấy không khẳng định tri thức. Đơn giản ông nói: “Tôi không biết cách này hay cách nọ. Tôi tuyệt đối vô mình, tôi còn chưa nếm mùi cái chết, thế nên làm sao tôi biết được? Hãy để tôi biết đã! Sao tôi lại phải sợ ngay từ đầu? Biết đâu chừng nó có thể còn tốt hơn cuộc sống, ai biết được? Cứ để nó xảy ra”.
Nên nhớ, hiểu biết thật sự thì luôn chờ đợi khoảnh khắc xảy ra. Nó không bao giờ quyết định trước, nó không bao giờ hoạch định trước - nó tự phát.
Nên nhớ, hiểu biết thật sự thì luôn chờ đợi khoảnh khắc xảy ra. Nó không bao giờ quyết định trước, nó không bao giờ hoạch định trước - nó tự phát.
Tử Cống lắng nghe, nhưng đã không hiểu ngụ ý của ông lão. Ông ta quay về thưa với Khổng Tử. Ông ta không thể hiểu được bởi vì ông ta là học giả lớn, đại đệ tử của Khổng Tử. Ông ta đã bị nhồi đầy tri thức, ông ta không thể hiểu nổi. Ông ta thưa lại với Khổng Tử, thầy của ông, và Khổng Tử nói gì? Hãy nghe nhé:
“Ta biết ông ấy đáng để nói chuyện...”
Con người của tri thức vẫn luôn tuyên bố. Bấy giờ ông nói: “Ta biết ông ấy đáng để nói chuyện... ông ấy là như vậy”.
Ông ấy đang cố nói với đệ tử mình: “Chứng tỏ là ta đúng, suy luận của ta có căn cứ: người này đáng để nói chuyện”. Nhưng ông ấy không thể chấp nhận được điều ông lão nói; nó cũng vượt ra ngoài tầm của ông. Nó vượt ra ngoài tầm đệ tử của ông, và nó cũng vượt ra ngoài tầm của ông. Ông nói tiếp: “Nhưng ông ấy là người đã thấy lẽ, mà vẫn còn chưa thấy hết lẽ”.
Giờ đây điều ấy thật ngớ ngẩn. Không thể phân chia chân lí được - hoặc là bạn tìm ra nó, toàn bộ nó, hoặc bạn không có một chút nào. Không thể nào có chút ít chân lí được. Nó không thể bị phân mảnh, nó không thể bị cắt thành từng lát. Chân lí là trọn vẹn, chân lí là toàn thể - hoặc bạn có nó hoặc bạn không có nó. Không thể có chút ít chân lí được. Nhưng khi bạn đến chỗ chuyên gia ông ấy phải nói điều gì đó để chứng minh rằng ông ấy biết gì đó.
Khổng Tử nói rằng ông lão này đã thấy lẽ. Ông nói điều đó bởi ông đã phái đệ tử đến đó, bây giờ ông phải chứng minh rằng ông đúng. Nhưng ông không thể thừa nhận là ông lão này biết, thế nên ông nói: “Ông ấy biết chút ít, nhưng còn chưa biết hết”.
Điều này vẫn xảy ra. Loại người tri thức vẫn luôn bảo vệ bản ngã của mình. Phát biểu này thật ngớ ngẩn đến mức không thể ngớ ngẩn hơn được. Bạn hỏi một vị Phật, bạn hỏi Lão Tử, bạn hỏi Jesus, bạn hỏi Krishna và tất cả họ đều nói không thể nào phân chia chân lí. Nó không phải là thứ bạn có thể phân chia được. Nó là trải nghiệm - khi xảy ra là nó xảy ra. Khi nó xảy ra, nó xảy ra một cách trọn vẹn. Bạn biến mất trong trải nghiệm đó. Nhưng Khổng Tử lại nói: “Ông ấy đã thấy lẽ, mà vẫn còn chưa thấy hết lẽ”. Chính phát biểu này chỉ ra chỗ vô minh, nhưng chuyên gia luôn bảo vệ kiến thức chuyên môn của họ. Họ phải nói điều gì đó cho dù là ngớ ngẩn đến đâu.
Khổng Tử nói: “[Ông ấy] đã thấy lẽ, mà vẫn còn chưa thấy hết lẽ”. Đó là tất cả bình luận ông đưa ra, và ông lão ấy đã phát biểu một triết lí quá uyên thâm và đã đưa ra toàn bộ thông điệp của Đạo: Cứ bất tuân trật tự, cứ thật chân thành với bản thể của chính bạn. Hãy lắng nghe mỗi bản thân bạn. Không cho phép bất kì ai áp đặt khuôn phép lên bạn. Không cho phép bất kì ai biến bạn thành nô lệ, không cho phép bất kì ai ra điều kiện với bạn. Nên nhớ bạn phải là chính mình mà không phải là ai khác; và đừng tham vọng, bởi vì điều đó quá tầm thường. Cứ sống cuộc sống của bạn một cách trọn vẹn nhất có thể. Đừng cố để lại dấu vết trong sử sách - điều đó vô nghĩa. Và đừng bao giờ bận tâm vì người khác. Dần dà bằng việc học cách ở một mình, tận hưởng cảnh một mình - đó là tất cả những gì về thiền.
Bạn phải là chính mình mà không phải là ai khác; và đừng tham vọng, bởi vì điều đó quá tầm thường. Cứ sống cuộc sống của bạn một cách trọn vẹn nhất có thể.
Cuối cùng, nên nhớ rằng cái chết không phải là chấm hết, nó là một khởi đầu mới. Và ai biết được? Có thể nó dẫn bạn vào cuộc sống cao hơn. Nếu vũ trụ có nhịp điệu trong nó, nó phải như thế chứ. Nó phải dẫn bạn vào cuộc sống cao hơn. Bạn đã học nhiều thế, bạn đã trở nên xứng đáng hơn, lẽ tự nhiên cái chết phải dẫn bạn đến tầng cao hơn của bản thể. Điều này cũng dễ hiểu: một người đã sống, đã yêu, đã trải nghiệm, đã thiền, người đã trải qua quá nhiều điều trong cuộc sống, đã trở nên xứng đáng hơn - người đó phải được ban cho cuộc sống cao hơn. Nếu hiện hữu này có bất cứ lòng từ bi nào, thế thì cái chết sẽ là sự viên mãn cao hơn, đỉnh cao hơn.
Chờ đợi với sự rộn ràng, với cảm giác mạnh mẽ của cuộc phiêu lưu. Chờ đợi với niềm vui khôn xiết, sự sung sướng và cảm giác đón lễ hội. Hạnh phúc là tự nhiên; người ta không nên tìm kiếm nó, đơn giản người ta nên tận hưởng nó. Thông điệp lớn là như thế đó, còn Khổng Tử đã nói gì? Rằng người này đã thấy lẽ, mà vẫn còn chưa thấy hết lẽ - cứ như thể Khổng Tử đã thấy hết lẽ rồi!
Hạnh phúc là tự nhiên; người ta không nên tìm kiếm nó, đơn giản người ta nên tận hưởng nó.
Những chuyện ngụ ngôn ấy rất thâm thúy. Chúng là cú đập mạnh vào lí tưởng Khổng môn, nhưng cách thức của chúng rất tao nhã. Nếu bạn không đi sâu vào có thể bạn chẳng bao giờ hiểu nổi.
Hãy suy gẫm về những chuyện ngụ ngôn ấy; chúng mang theo những thông điệp lớn - hãy giải mã chúng. Qua chúng cuộc sống của bạn sẽ vô cùng phong phú.