Tử Cống chán việc học tập bèn thưa với Khổng Tử: “Con muốn nghỉ ngơi”.
“Sống thì không có nghỉ ngơi.”
“Thế thì con sẽ không bao giờ biết đến nghỉ ngơi sao?” “Anh sẽ có. Hãy trông mong vào gò đất vồng cao trên nấm mồ của anh, rồi anh sẽ biết chốn nghỉ ngơi.”
“Vĩ đại thay cái chết! Bậc quân tử tìm sự nghỉ ngơi trong đó, còn kẻ tiểu nhân thì cam chịu nó!”
“Tử Cống, anh đã hiểu rồi đấy. Mọi người đều hiểu sống là vui mà không hiểu sống là khổ; hiểu già là mệt mỏi mà không hiểu già là an nhàn, hiểu chết là đau buồn mà không hiểu chết là yên nghỉ.”
Triết lí là kẻ thù của chân lí. Và khi nói đến triết lí, tôi ngụ ý tất cả mọi triết lí, kể cả của tôi nữa, bởi lẽ triết lí tạo ra màn chắn ngôn từ và bạn không thể thấy được thực tại như nó vốn thế. Nó bóp méo thực tại, nó diễn giải thực tại, nó bao trùm thực tại, nó giấu giếm thực tại, nó che phủ thực tại.
Chân lí thì trần trụi, chân lí thì khắp cả, chân lí ở cả trong lẫn ngoài; và những rào cản duy nhất là ngôn từ, là lí thuyết, là thần học, những thứ bạn đã học. Chúng không cho bạn thấy sự vật như nó vốn thế, chúng ngáng đường, chúng mang định kiến. Mọi triết lí đều mang định kiến, và mọi khái niệm đều không phải là cầu nối. Không một khái niệm nào là cầu nối cả - chúng là rào cản.
Mọi triết lí đều mang định kiến, và mọi khái niệm đều không phải là cầu nối.
Ngày này hay ngày khác, người dò hỏi đích thực tiến tới một khoảnh khắc lớn lao của nhận biết khi anh ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi - mệt mỏi vì tất cả những điều vô nghĩa mà vẫn cứ mang danh tư duy. Chữ thượng đế thì không phải là Thượng đế. Liệu bạn có thể tiếp tục chơi chữ được bao lâu nữa? Chữ thức ăn không phải là thức ăn. Liệu bạn có thể tiếp tục mang theo chữ thức ăn mà vẫn thấy đói được bao lâu nữa? Ngày này hay ngày khác bạn sẽ nhận thức được rằng điều bạn đang mang theo chỉ là ngôn từ - nó không thể nuôi dưỡng bạn, nó không thể cho bạn cuộc sống, nó không thể cho bạn bình an. Nó không thể cho bạn bất cứ cái gì. Tất nhiên nó hứa hẹn mọi thứ, đó là cách mà triết lí trở nên quan trọng như vậy - bởi những hứa hẹn của nó. Song tất cả những lời hứa đó đều rỗng tuếch; chúng chẳng bao giờ được thực hiện. Triết lí chẳng bao giờ giúp người ta nhận ra chân lí.
Khoảnh khắc lớn lao của việc nhận thức ấy đã đến với Tử Cống, người đại đệ tử của Khổng Tử.
Tử Cống chán việc học tập... Nhìn là một điều, học tập lại là điều hoàn toàn trái ngược. Nếu tôi bảo bạn: “Hãy đi xem những đóa hồng trong vườn”, rồi thay vì ra vườn, bạn vào thư viện và khảo cứu về hoa hồng - đó là học tập. Lòng vòng và lòng vòng, loanh quanh và loanh quanh, nó cứ di chuyển; nó chẳng bao giờ chạm vào điểm thực.
Tử Cống chán việc học tập... Ngôn từ đủ rồi. Lí thuyết, giáo điều đủ rồi. Học thuyết cũng đủ rồi. Và tôi gọi điều này là khoảnh khắc lớn trong đời người dò hỏi. Mọi người đều phải trải qua ngôn từ bởi lẽ chúng ta đã được đào tạo về ngôn từ. Mọi người đều phải trải qua lí thuyết; chúng ta đã được ban cho những lí thuyết ngay từ thời thơ ấu. Chúng ta đã được nuôi lớn theo những định kiến, những học thuyết, giáo hội, trường học. Ai đó là giáo hữu Kitô và ai đó là tín đồ Hồi giáo và ai đó là tín đồ Ấn giáo, và chúng ta đã được nuôi lớn, được ước định. Thế nên vào cái khoảnh khắc mà bạn bắt đầu hỏi: “Chân lí là gì?” tâm trí bạn bắt đầu cung cấp ngôn từ; nó biết câu trả lời. Những câu trả lời đó toàn là giả tạo, những câu trả lời đó toàn là vay mượn, nhưng nó lại cho bạn câu trả lời hay. Chúng thỏa mãn bạn trong một chốc, và nếu việc dò hỏi của bạn không lớn lao, chúng có thể thỏa mãn bạn mãi mãi. Chỉ người dò hỏi vĩ đại mới nhận ra: vấn đề ngôn từ là vô nghĩa.
Chỉ người dò hỏi vĩ đại mới nhận ra: vấn đề ngôn từ là vô nghĩa.
Ngôn ngữ không phải là cánh cửa dẫn tới thực tại, im lặng mới là lối dẫn.
Ngôn ngữ không phải là cánh cửa dẫn tới thực tại, im lặng mới là lối dẫn. Lời nói nội tâm phải ngưng lại, chỉ có thế thì bạn mới sáng tỏ. Chỉ có thế thì tự thân thực tại mới hiển lộ cho bạn. Bạn cứ huyên thuyên ở bên trong, và tâm trí bạn cứ vận hành, liên miên, đầy ám ảnh, như kẻ điên. Và tâm trí là một kẻ điên. Nó cứ tạo ra những ngôn từ mới, những tổ hợp mới, những lí thuyết mới; nó cứ suy đoán. Nó là kẻ bịa đặt vĩ đại trong chừng mực liên quan đến lí thuyết và nó thậm chí không cho phép bạn có một khoảng hở, một lỗ hổng nào để nhìn vào những gì hiện hữu. Lời nói nội tâm phải ngưng lại... thế thì đột nhiên không có rào cản; không bao giờ có cả.
Thiền sư nói rằng từ khởi thủy chân lí không bị che giấu, chân lí ở trước mắt bạn. Bạn đang tìm cái gì? Bạn đang chạy đi đâu? Chẳng qua mắt bạn bị những định kiến che lại.
Tử Cống chán việc học tập... Ông ta đã học quá nhiều và bấy giờ ông nhận ra rằng việc học không còn bổ ích cho ông nữa. Nó không còn củng cố ông nữa, nó không còn chuyển giao điều gì nữa, nó không còn khiến ông cảm thấy chân chính hơn ông trước đây. Ông ta chưa ở bất kì đâu, ông ta trống rỗng. Không có tích hợp. Ông không biết thật ra mình là ai. Ông trở nên mòn mỏi. Đáng lí ra ông phải là người dò hỏi vĩ đại - ngay cả Khổng Tử cũng không thể đánh lừa được ông.
Khổng Tử là một học giả lớn: ông có thể cung cấp câu trả lời cho mọi câu hỏi khả dĩ, và ông có thể bịa ra những câu trả lời hay. Tất cả những câu trả lời ấy đều được bịa ra, tự chế ra, và chúng có thể đánh lừa được những kẻ ngốc. Chúng có thể khiến người ta có cảm giác là họ biết. Chúng có thể trở thành sự an ủi. Và tri thức của ông ấy, sự đáng kính của ông ấy, tính cách hoàn hảo của ông ấy... Ông là con người đức hạnh, nên nhớ, một người rất đạo đức... con người của tính cách, của lối cư xử tuyệt vời, xã giao... một bậc quân tử. “Quân tử” là mục đích của toàn bộ triết lí Khổng môn; con người phải trở thành quân tử. Ông ấy hoàn hảo, bạn không thể tìm được lỗ hổng nào trong tính cách của ông ấy; mọi đức hạnh đã trở nên thật trong ông ấy. Con người đạo đức với tri thức lớn lao, được truyền thống, tục lệ, kinh sách hỗ trợ - được những ông vua và những bà hoàng kính trọng, được khắp cả nước kính trọng - song thậm chí ông ấy cũng không thể đánh lừa được Tử Cống.
Tử Cống chán việc học tập... Khi bạn trở nên chán học, khoảnh khắc lớn lao đã tới khi học trò trở thành đệ tử. Khi bạn chán học, thế thì bạn quay ngoắt một trăm tám mươi độ. Thế thì bạn không còn quan tâm tới lí thuyết nữa, bạn muốn điều có thật; bạn muốn thức ăn để ăn sao cho bạn có thể được nuôi dưỡng. Và bạn không muốn công thức làm món ăn nữa, bạn không muốn sách dạy nấu ăn thêm nữa; bạn muốn thức ăn thật.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bất ổn, điều đó có nghĩa là bạn đã xa rời thực tại. Bất cứ khi nào bạn ở gần thực tại - thì vô cùng yên ổn, bình thản, yên tĩnh, ân huệ, im lặng, bình an.
... bèn thưa với Khổng Tử: “Con muốn nghỉ ngơi”. Ngôn từ tạo ra sự không ngơi nghỉ. Học thuyết, giáo điều khiến bạn căng thẳng hơn bởi lẽ chúng đưa bạn đi lạc lối; chúng dẫn bạn ra xa khỏi thực tại. Bạn càng xa rời thực tại bao nhiêu thì bạn sẽ càng không ngơi nghỉ bấy nhiêu. Hãy để điều đó là tiêu chí. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bất ổn, điều đó có nghĩa là bạn đã xa rời thực tại. Bất cứ khi nào bạn ở gần thực tại - thì vô cùng yên ổn, bình thản, yên tĩnh, ân huệ, im lặng, bình an. Bạn đang ở nhà bởi lẽ thực tại là ngôi nhà của bạn. Bất ổn đơn giản nghĩa là bạn đi xa và toàn bộ bản thể bạn bị bật rễ khỏi ngôi nhà của mình, vì thế có bất ổn.
Tử Cống nói: “Con muốn nghỉ ngơi”. Lí thuyết đủ rồi, và học tập đủ rồi. Tôi đã học mọi điều có thể học. Tôi đã thành học trò lớn, đại đệ tử của thầy, song điều đó không làm thỏa mãn. Xin giúp tôi tìm được sự nghỉ ngơi.
Bạn có thấy điều đó không? Bạn càng biết nhiều ngôn từ, kinh sách, Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Chí tôn ca, Kinh Koran, Kinh Thánh, Vệ đà, bạn sẽ càng cảm thấy tâm trí bạn ngày càng rối rắm hơn; bạn bị kéo đi khắp mọi hướng. Lí thuyết này nói cái này, lí thuyết khác nói cái khác; chúng mâu thuẫn lẫn nhau, chúng bao giờ cũng ngáng cổ nhau. Lí lẽ lớn lao mà chẳng có kết luận.
Suốt nhiều thế kỉ triết lí đã không đi tới một kết luận nào. Trong năm ngàn năm những triết gia đã từng thảo luận, nhưng chưa bao giờ có bất cứ kết luận nào - bất cứ kết luận nào mà tất cả bọn họ đều có thể đồng ý. Chưa bao giờ có bất cứ sự đồng thuận nào. Điều đó đã không xảy ra và cũng sẽ không xảy ra. Hai triết gia không thể đồng ý với nhau được bởi đồng ý chỉ có thể xảy ra khi bạn biết được thực tại, thế thì mới có sự đồng thuận. Nếu bạn biết thực tại và tôi cũng biết thực tại thì mới có sự đồng thuận, bởi thế thì chẳng còn mâu thuẫn gì. Bạn biết cùng một thực tại, tôi biết cùng một thực tại - làm sao có thể có tranh luận được? Nhưng tranh luận là khả dĩ nếu tôi có lí thuyết của tôi và bạn có lí thuyết của bạn; thế thì không có khả năng nào cho sự đồng thuận. Đồng ý chỉ xảy ra qua trải nghiệm. Trải nghiệm mang tính kết luận. Lí lẽ không có tính kết luận. Mỗi một lí lẽ lại dẫn tới một lí lẽ khác và cứ như thế mãi. Khi hai người tranh cãi, cả hai không thể cùng đúng. Cả hai có thể cùng sai, nhưng cả hai không thể cùng đúng.
Có chuyện này:
Một hôm Mulla Nasruddin và vợ ông cãi nhau - chuyện tranh cãi vợ chồng ấy mà - và câu chuyện đi tới kết luận tự nhiên là dần dần Mulla bắt đầu cảm thấy: “Sao mình lại khơi mào nhỉ?”.
Ông ta thấy đói mà bà vợ thậm chí không nghĩ tới việc nấu ăn. Thế là ông ta tới chỗ vợ và nói: “Xin lỗi, anh nhận là anh đã sai”.
Bà vợ nói: “Thế chưa được. Anh phải nhận là em đúng. Chỉ mỗi chuyện anh sai chẳng có gì khác biệt, anh phải nhận là em đúng. Đưa ra tuyên bố chắc chắn đi! Bởi anh có thể sai và trong thâm tâm có thể anh vẫn nghĩ là em cũng sai, thế nên mới đến đó thì chẳng ích gì cho lắm”.
Cả hai đều có thể sai. Nên nhớ, chân lí là một; phi chân lí có thể có nhiều như bạn muốn. Tôn giáo là một - không thể là hai được vì chân lí là một; nhưng triết lí có thể có nhiều như bạn muốn. Mọi người đều có thể có triết lí riêng của mình. Nó là giấc mơ của bạn về thực tại; bạn có thể chế tạo ra một lí thuyết theo cách riêng của bạn.
Bạn không thể chế tạo được thực tại. Điều đó tạo ra bất ổn. Và khi bạn không có kết luận, bạn cứ lơ lửng trong chốn u minh. Và việc lơ lửng ở giữa, không ở đây mà cũng chẳng ở đó, là thứ mà triết lí tạo ra trong con người. Anh ta bắt đầu cảm thấy là anh ta biết, và sâu bên trong anh ta vẫn cảm thấy là anh ta không biết. Tình hình rất căng thẳng. Bạn biết là bạn không biết vậy mà bạn cứ có cảm giác là bạn biết. Bạn cảm thấy là bạn biết vậy mà bạn lại biết là bạn không biết. Giờ đây bạn lâm vào thế lưỡng nan, bạn trở thành tâm thần phân liệt. Và trong trạng thái không thể kết luận bằng tâm trí ấy, người ta luôn cảm thấy mình chưa hoàn chỉnh, và việc chưa hoàn chỉnh gây tổn thương. Người ta muốn biết thứ chân lí hoàn chỉnh, thứ chân lí vẹn toàn.
Bạn không thể chế tạo được thực tại. Điều đó tạo ra bất ổn. Và khi bạn không có kết luận, bạn cứ lơ lửng trong chốn u minh. Và việc lơ lửng ở giữa, không ở đây mà cũng chẳng ở đó, là thứ mà triết lí tạo ra trong con người.
Chuyện xảy ra tại một khách sạn khi người bán hàng tới ở trọ. Người quản lí nói: “Khó thể tìm được một phòng cho ông, dù vẫn còn một phòng trống nhưng tôi không thể thu xếp phòng đó cho ông được”.
Người bán hàng hỏi: “Vì sao thế? Sao ông không thể thu xếp cho tôi phòng trống đó?”.
Người quản lí khách sạn nói: “Một chính khách quan trọng đang ở ngay dưới phòng đó. Phòng trống thì ở lầu một, nhưng phòng tầng trệt ngay bên dưới là phòng của một chính khách cao cấp. Và ông ta hay nổi khùng với những chuyện lặt vặt. Nếu ông đi lại trong phòng ông hay làm gì đó ồn ào, thế thì ông ta sẽ nhặng xị lên trong khi tôi không muốn có rắc rối nào. Ông vui lòng qua khách sạn khác vậy”.
“Nhưng mà”, - người bán hàng nói, - “tôi đã tìm khắp xung quanh rồi. Mọi khách sạn đều đã kín hết chỗ. Xin ông làm ơn đi, tôi hứa với ông là tôi thậm chí sẽ không di chuyển trong phòng luôn. Cả ngày tôi sẽ đi làm việc trong thị trấn, đến khuya tôi mới về ngủ. Trước khi trời sáng tôi sẽ đi khỏi, đi qua thị trấn khác, hãy thu xếp phòng đó cho tôi”. Thế là phòng đó được thu xếp.
Nửa khuya người bán hàng trở về, mệt mỏi, ngồi xuống giường, tháo một chiếc giày ra và ném phịch nó xuống sàn. Thế rồi anh ta sực nhớ rằng vị chính khách cao cấp có thể bị quấy rầy, nên anh ta nhẹ nhàng tháo chiếc giày thứ hai và đặt nó lên sàn không một tiếng động rồi đi ngủ.
Một giờ sau, vị chính khách cao cấp đến gõ cửa phòng anh ta. Anh ta mở cửa và thấy người kia nổi khùng, mặt đỏ bừng giận dữ, khiến anh ta không tài nào hiểu nổi: “Mình có thể làm gì được chứ? Một tiếng đồng hồ rồi mình chỉ ngủ mà!”. Nghĩ rồi anh ta nói: “Thưa ngài, tôi đã làm gì sai quấy chăng? Có thể trong mơ...? Hoặc có lẽ tôi đã gây ra tiếng động nào hay nói điều gì đó chăng? Nhưng tôi rất xin lỗi, tôi không cố ý”.
Vị chính khách nói: “Đó không phải là vấn đề. Chuyện gì xảy ra với chiếc giày kia vậy? Suốt một giờ ông đã khiến tôi thao thức. Tôi nghe thấy tiếng động - chiếc giày thứ nhất rơi xuống sàn và tôi nhủ: ‘Vậy là người này đã về!’. Thế rồi tôi đã đợi tiếng chiếc giày thứ hai! Và tôi gần như hóa điên. Tôi không thể ngủ được. Chuyện gì đã xảy ra với chiếc giày thứ hai?”.
Điều xảy ra cho tâm trí vẫn còn trong trạng thái không kết luận được: có cái gì đó cứ treo lơ lửng, một thanh gươm chẳng hạn. Bạn có thể hiểu khó khăn của vị chính khách. Ông ta đã phải cố ngủ nhưng lại phải hình dung chiếc giày thứ hai đang lơ lửng trên không trung. “Chuyện gì đã xảy ra?”
Tâm trí được nghỉ ngơi chỉ khi nào có kết luận, bằng không thì chẳng bao giờ. Và triết lí không bao giờ dẫn tới bất cứ kết luận nào. Chỉ thực tại mới mang tính kết luận; chỉ có trải nghiệm, chỉ có hiện hữu mới mang tính kết luận.
Tử Cống chán việc học tập bèn thưa với Khổng Tử: “Con muốn nghỉ ngơi”.
“Sống thì không có nghỉ ngơi” - Khổng Tử nói.
Trở lại quan điểm này - sống thì không có nghỉ ngơi - dựa trên một triết lí nào đó cho rằng sống là tranh đấu, sống là hành động, sống là xung đột, sống là đấu tranh để sinh tồn - thế thì làm sao bạn có thể nghỉ ngơi được? Thứ triết lí hệt như vậy từng chiếm ưu thế ở phương Tây. Darwin với triết lí sinh tồn của loài thích hợp nhất, và Nietzsche với ý chí thống trị. Khổng Tử được hiểu sâu sắc ở phương Tây; ông có tố chất của người phương Tây. Ông sinh ra ở phương Đông, nhưng quan điểm sống của ông là hành động. Đó là quan điểm giương cương - chiến đấu, xung đột, đấu tranh, chinh phục, chứng tỏ ý chí của bản thân. Bạn ở đây để chứng minh ý chí của bạn, bạn phải chứng tỏ cho thế giới biết bạn là ai đó. Bạn phải để lại dấu ấn trong lịch sử, bằng không cuộc đời của bạn là vô nghĩa. Bạn phải cạnh tranh, bạn phải tranh đấu - chỉ thế thì bạn mới có thể để lại dấu ấn của mình trong lịch sử. Nếu bạn vẫn còn im lặng và nghỉ ngơi, làm cách nào bạn để lại dấu ấn của mình trong lịch sử được?
Quan điểm của Đạo là hợp tác, không phải xung đột. Quan điểm của Đạo không phải là chống lại tự nhiên mà là sống cùng với nó, cho phép tự nhiên, để nó theo lối của nó, hợp tác với nó, đi cùng với nó. Quan điểm của Đạo là sự nghỉ ngơi lớn lao.
Quan điểm của Đạo là hợp tác, không phải xung đột. Quan điểm của Đạo không phải là chống lại tự nhiên mà là sống cùng với nó, cho phép tự nhiên, để nó theo lối của nó, hợp tác với nó, đi cùng với nó.
Nên nhớ, nó không phải là trạng thái ỳ. Nó không phải là hoạt động cũng không phải là bất hoạt; nó thật siêu việt. Thuật ngữ Đạo giáo gọi đó là vô vi: nó có nghĩa là làm mà như không làm. Đó là mục đích của Đạo: Làm, nhưng không phải là người làm. Hành động, nhưng hãy để Đạo hành động thông qua bạn - đơn giản là bạn hợp tác. Thế thì qua Đạo, bạn có thể nghỉ ngơi trong cuộc sống.
Thuật ngữ Đạo giáo gọi đó là vô vi: nó có nghĩa là làm mà như không làm. Đó là mục đích của Đạo: Làm, nhưng không phải là người làm. Hành động, nhưng hãy để Đạo hành động thông qua bạn - đơn giản là bạn hợp tác. Thế thì qua Đạo, bạn có thể nghỉ ngơi trong cuộc sống.
Nhưng làm sao bạn có thể nghỉ ngơi được với Khổng Tử? Ông ta đúng: ông ta nói điều có liên quan tới triết lí của ông ta: “Sống thì không có nghỉ ngơi.”
Bạn phải tranh đấu vất vả, bạn phải chứng minh khí chất của bạn, bạn phải chứng minh ý chí của bạn. Sống ở đây là cốt sao bạn có thể nắm lấy cơ hội và chứng minh bản thân mình. Nó là cuộc cạnh tranh, cạnh tranh khốc liệt; mọi người đều chẹn họng nhau; và nếu bạn nghỉ ngơi, bạn đi đời. Chiến đấu nghiệt ngã! Bằng mọi cách phải giữ được tỉnh táo và đừng nghĩ đến nghỉ ngơi. Từ nghỉ ngơi theo suy nghĩ của Khổng Tử là thuộc về kẻ trốn chạy. Đừng đòi hỏi thiền, đó là khuynh hướng thoát li thực tế. Đừng lên đỉnh Himalayas làm gì, và cũng đừng ngồi yên lặng - đó là thoát li thực tế. Phải làm gì đó! Sống là để làm và chết là để không làm gì: đó là logic của họ. Lẽ tự nhiên, một ngày nào đó bạn sẽ chết và rồi bạn sẽ nghỉ ngơi, thế nên sao lại phải lo nghĩ về nó? Phân loại của họ rất rõ ràng, và nó hấp dẫn với những đầu óc logic.
Ông ấy nói: “Sống thì không có nghỉ ngơi”.
“Thế thì con sẽ không bao giờ biết đến nghỉ ngơi sao?”, - người đệ tử hỏi. Lẽ tự nhiên, nếu sống mà không có nghỉ ngơi, thế thì khi nào? Khi nào tôi sẽ được nghỉ ngơi? Tôi sẽ không bao giờ tìm thấy nó ư? Cơn ác mộng này liệu có tiếp tục mãi mãi chăng? Và không có kết thúc ư?
Khổng Tử nói: “Anh sẽ có. Hãy trông mong vào gò đất vồng cao trên nấm mồ của anh, rồi anh sẽ biết chốn nghỉ ngơi.”
“Anh sẽ có”. Lưu ý những từ này. Đây là sự lừa dối vĩ đại nhất mà người ta từng bịa ra: “Anh sẽ có”... không phải bây giờ, mà đâu đó trong tương lai... không phải ở đây, mà là ở đâu đó. Tất cả những thứ gọi là tôn giáo đã dùng phương cách lừa dối này. Họ hứa hẹn. Họ bảo: “Anh sẽ có mọi thứ anh muốn, nhưng không phải bây giờ... ngày mai cơ”.
Và ngày mai chẳng bao giờ tới - nó không thể tới được bởi chính bản chất của nó. Tương lai không bao giờ tới vì bất cứ lúc nào nó tới, nó đều là hiện tại. Nó luôn là bây giờ, bây giờ, và bây giờ. Dù bạn ở bất cứ đâu, nó sẽ là bây- giờ-và-ở-đây.
Và lời hứa là: “Anh sẽ có”. Lời hứa rất ranh mãnh. Đó là điều mọi tôn giáo từng làm. “Trên cõi trời anh sẽ thấy an bình, thanh thản, hạnh phúc. Trong giải thoát, trong niết bàn... ở đâu đó xa xôi tồn tại vùng đất an bình và hạnh phúc”. Một ngày nào đó bạn sẽ tới, nhưng không phải bây giờ. Và nếu bạn muốn tới đó, hi sinh hạnh phúc hiện tại của bạn cho nó đi. “Cái giá phải trả”, - họ bảo. - “Và cái giá là thế này: Hi sinh hiện tại của bạn cho tương lai. Hi sinh cái thực cho cái ảo. Hi sinh cuộc sống cho sau cái chết”.
Họ đã thuyết phục nhân loại và gần như tất cả mọi người đã hi sinh những kiếp sống của mình. Không ai quay lại từ cõi trời để kể lại liệu nó có xảy ra hay không. Không ai quay lại sau cái chết để nói: “Vâng, Khổng Tử đúng”. Thế nên lừa dối vẫn còn vì nó không thể bị phủ nhận. Nó rất láu cá - không thể nào phủ nhận nó được. Bạn không thể bác bỏ nó, mặc dù bạn không thể chứng minh được nó; nhưng bạn cũng không thể bác bỏ được nó.
“Anh sẽ có”. Hãy nghe những lời này: “Anh sẽ có”. Đấy là toàn bộ ước định của bạn. Hồi thơ ấu cha mẹ nói: “Không phải bây giờ. Khi con lớn lên con sẽ có”. Khi bạn lớn hơn, họ lại nói: “Không phải bây giờ. Khi con già, về hưu, với số dư nhiều trong tài khoản ngân hàng; mọi điều được thực hiện và thời gian để nghỉ ngơi và thảnh thơi đã tới - thế thì”. Rồi khi bạn già, họ nói: “Sau khi chết”. Họ cứ trì hoãn. Củ cà rốt của tương lai cứ treo lủng lẳng trước mũi bạn và bạn càng đến gần, nó càng lùi xa thêm. Trong khi đó bạn cứ bỏ lỡ mọi thứ có thể có.
Và đó là cuộc sống duy nhất. Bây giờ hãy nhìn câu trả lời của Khổng Tử. Đệ tử muốn nghỉ ngơi; ông bảo:
“Sống thì không có nghỉ ngơi”. Cuộc sống là tranh đấu, thế nên đừng đòi nghỉ ngơi. Chắc chắn sẽ có nghỉ ngơi, nhưng không phải bây giờ, không bao giờ là bây giờ cả. “Anh sẽ có”. Hãy trông mong... Luôn trông mong, đừng nhìn ở-đây-và-bây giờ. Đừng nhìn vào đúng khoảnh khắc này; hãy sống cho tương lai và hi sinh hiện tại đi.
Cuộc sống là tranh đấu, thế nên đừng đòi nghỉ ngơi. Chắc chắn sẽ có nghỉ ngơi, nhưng không phải bây giờ, không bao giờ là bây giờ cả.
Nếu con người được phép ở-đây-và-bây-giờ, anh ta sẽ an bình và thanh thản tới mức sẽ không còn bận tâm đến bất cứ cõi trời nào. Anh ta đã đạt tới nó - ai còn bận tâm đến thiên đàng của bạn nữa? Thiên đàng của bạn dường như có ý nghĩa bởi con người còn đau khổ. Để thiên đàng vẫn còn ý nghĩa thì con người vẫn còn phải khổ. Và vì cái thiên đàng ấy mà tu sĩ tồn tại, bởi ông ta sẽ chỉ đường cho bạn, ông ta nắm giữ chìa khóa, ông ta có đường dây liên hệ trực tiếp tới Thượng đế. Bạn không có, cho nên bạn phải thuyết phục và mua chuộc tu sĩ để ông ta chăm lo cho quyền lợi của bạn và thuyết phục Thượng đế là bạn nên được ban cho hạnh phúc. Bạn đã chịu đựng đủ rồi và bạn đã chịu đựng rất chính đáng; bạn đã hi sinh tất cả - vì tôn giáo, vì đất nước, vì nhân loại. “Hi sinh vì bất cứ điều gì, miễn là hi sinh!” - đó là khẩu hiệu của họ. Bất cứ điều gì cũng có tác dụng, bất cứ lí tưởng vô nghĩa nào cũng có tác dụng... miễn là cứ hi sinh.
Lí tưởng cũ kĩ bị vứt bỏ bởi chúng trở nên mục rữa và con người chán ngấy chúng. Thế thì lí tưởng mới được bịa ra, thế thì hi sinh vì chúng đi - đó là điều xảy ra qua nhiều thời đại. Chỉ có lí tưởng thay đổi, còn hi sinh thì vẫn tiếp tục. Đôi khi đó là vì Thượng đế mà bạn phải hi sinh. Tu sĩ Hồi giáo vẫn cứ nói nếu bạn tử vì đạo, thiên đàng của bạn tuyệt đối chắc chắn. Thế nên hãy chết dũng cảm, biết rằng bạn sẽ được nhiệt liệt đón chào trên cõi trời.
Một tình huống rất ngớ ngẩn. Những bậc cha mẹ cứ hi sinh vì bạn; ông bố, bà mẹ hi sinh vì bạn. Họ nói: “Tôi hi sinh vì con cái”. Lẽ tự nhiên họ trả thù, vì khi người mẹ hi sinh cho đứa con, bà ấy đang phá hủy cuộc sống riêng của bà. Bà sẽ trả thù. Bà sẽ nhắc đi nhắc lại, bà sẽ làm cho bạn phải hiểu rõ điều đó bằng cách lặp đi lặp lại “Mẹ đã hi sinh cho con. Thấy cho rõ vào, nhớ cho rõ vào là mẹ đã hi sinh cả đời mẹ, tuổi xuân của mẹ - mọi thứ đều vì con”. Và bà sẽ cố thuyết phục bạn: “Rồi con cũng sẽ làm điều đó cho con của con thôi”. Thế nên bạn cũng sẽ hi sinh cho con cái bạn, và thế rồi bạn sẽ thuyết phục chúng cũng làm điều đó cho con cái chúng... thế nên chẳng ai sống cả. Thế hệ này hi sinh cho thế hệ khác, và nếu bạn không hi sinh, thì bạn không đáng kính. Chẳng ai kính trọng bạn, thế thì bạn là tội đồ. Nếu bạn không hi sinh cho người khác, họ nói: “Bạn đang làm gì vậy? Bạn không phải người tốt, bạn vô đạo đức. Hi sinh là tốt. Sống vì bản thân là vị kỉ”. Cứ nhìn vào những gì người ta thường nói: hạnh phúc là vị kỉ, hi sinh là tốt. Và bằng cách hi sinh bạn trở nên bất hạnh và người bất hạnh thì tạo ra sự bất hạnh quanh mình. Và người bất hạnh sẽ trả thù - anh ta không bao giờ có thể tha thứ cho người khác được; cuộc đời anh ta đã bị phá hủy. Họ bảo vợ phải hi sinh cho chồng và chồng phải hi sinh cho vợ. Để làm gì? Cả hai đều hi sinh, thế nên cả hai đều bỏ lỡ cuộc sống.
Tôi dạy các bạn sự vị kỉ thuần khiết. Chỉ sống cuộc sống của bạn một cách đích thực và thế thì bạn sẽ không bao giờ trả thù bất cứ ai và bạn sẽ không bao giờ ôm mối hận với bất cứ ai. Và người không mang hận với bất cứ ai mới là người biết yêu thương - từ bi, tốt bụng, chia sẻ. Và người không mang hận với bất cứ ai - con cái, chồng, vợ, thì vô cùng tốt đẹp. Anh ta tạo ra môi trường hạnh phúc quanh mình. Bất cứ ai bước vào môi trường của anh ta đều chia sẻ niềm hạnh phúc của anh ta.
Chỉ sống cuộc sống của bạn một cách đích thực và thế thì bạn sẽ không bao giờ trả thù bất cứ ai và bạn sẽ không bao giờ ôm mối hận với bất cứ ai.
Hãy vị kỉ.
Hãy nhìn những cây này. Không cây nào cố gắng hi sinh vì cây khác, vì thế chúng xanh tươi. Nếu chúng bắt đầu hi sinh, chẳng cây nào xanh tươi nổi và chẳng cây nào trổ hoa được. Hãy nhìn những vì sao. Chúng rất vị kỉ - chúng chiếu sáng cho chính chúng; chúng không hi sinh. Bằng không, toàn thể hiện hữu sẽ trở nên xấu xí và tối tăm. Vị kỉ là tự nhiên. Và cái ta mà tôi dạy bạn chính là Đạo - bản chất của bạn. Hãy lắng nghe nó, hãy đi theo nó. Bản chất của bạn đang nói với bạn: “Hãy hạnh phúc”.
Nếu Tử Cống hỏi Lão Tử, chắc ông đã nói: “Hoan hỉ chúc mừng. Ông mệt mỏi vì học tập rồi ư? Rất tốt. Thế thì vứt bỏ mọi suy nghĩ đi, bây giờ hãy thiền hành. Ông muốn nghỉ ngơi ư? Có thể làm thế ngay bây giờ”. Lão Tử sẽ không nói: “Ông sẽ có”. Tương lai là vô nghĩa, nó là trò xỏ lá - trò chơi khăm để an ủi bạn, là mặc dù bạn chưa có ngay bây giờ, nhưng bạn sẽ có. Bạn có thể hi vọng, và qua hi vọng bạn có thể đầu độc toàn bộ bản thể bạn.
Hãy sống vì bản thân bạn đã rồi bạn sẽ sống vì mọi người, nhưng nó không phải là hi sinh. Hãy sống vì bản thân bạn đi. Vị kỉ một cách đích thực đi - đó là cách thức của tự nhiên. Bạn chăm lo cho hạnh phúc của bạn, sự nghỉ ngơi của bạn, rồi đơn giản bạn sẽ ngạc nhiên là khi bạn hạnh phúc, bạn giúp người khác cũng hạnh phúc bởi dần dà bạn hiểu rằng nếu người khác hạnh phúc thì bạn sẽ hạnh phúc hơn. Hạnh phúc chỉ có thể tồn tại trong một đại dương hạnh phúc. Nó không thể tồn tại một mình được.
Nên nhớ logic này, logic sâu sắc của vị kỉ. Hạnh phúc không thể tồn tại như một ốc đảo, không hề. Nếu mọi người quanh bạn bất hạnh, thế thì sẽ rất khó để bạn cảm thấy hạnh phúc được - hầu như không thể được, bởi đại dương bất hạnh khắp xung quanh ấy sẽ phá tan tành bến bờ của bạn. Đau khổ khắp xung quanh sẽ ảnh hưởng tới bạn; nó sẽ xuyên thấu vào bản thể bạn. Thế nên người hạnh phúc dần dà tiến tới lĩnh hội được quy luật cơ bản, nền tảng là: “Nếu ta muốn hạnh phúc, tốt nhất là làm cho mọi người quanh ta hạnh phúc”. Nhưng nên nhớ anh ta không phục vụ người khác. Anh ta không hi sinh. Đơn giản là anh ta vị kỉ. Anh ta muốn mỉm cười, anh ta cũng giúp bạn mỉm cười, bởi chỉ một nụ cười thì không thể tồn tại được; nó trông rất ngớ ngẩn. Nghĩ mà xem: bạn đang ngồi trong căn phòng đầy người, chỉ một người mỉm cười còn tất cả đều nghiêm trang. Anh ta sẽ có vẻ hơi bối rối, anh ta sẽ bắt đầu cảm thấy có lỗi: Sao anh ta mỉm cười khi chẳng ai cười cả? Có gì đó không ổn. Lần sau anh ta phải cẩn thận hơn; anh ta sẽ nghĩ hai lần trước khi mỉm cười.
Không đâu, khi mọi người đều cười thế thì cười là chuyện rất đơn giản; cái toàn thể làm cho tiếng cười khả dĩ. Chúng ta phụ thuộc vào cái toàn thể, chúng ta là một phần của cái toàn thể.
Bằng cách hạnh phúc bạn tạo khả năng cho người khác hạnh phúc. Và đấy đích thực là phụng sự - đấy không phải là hi sinh chút nào; bạn không trở thành kẻ tử vì đạo. Bà mẹ hạnh phúc, đó là lí do vì sao bà yêu đứa trẻ. Bà hạnh phúc tới mức mà bà muốn chia sẻ hạnh phúc của mình với đứa trẻ. Bà sẽ không bao giờ ôm hận. Thật ra, bà sẽ cảm thấy biết ơn đứa trẻ vì nhờ đứa trẻ mà bà có nhiều khoảnh khắc đẹp. Bà sẽ luôn cảm thấy biết ơn đứa trẻ. “Bởi con đến với mẹ, bởi con chọn mẹ là mẹ của con, con chọn bụng mẹ, con đã khiến mẹ hạnh phúc, con đã cho mẹ những khoảnh khắc đẹp như thế mà nếu không có con thì chẳng thể nào có được. Mẹ rất biết ơn”. Và đứa trẻ sẽ cảm thấy biết ơn người mẹ, người đã biết ơn nó, và nó sẽ không bao giờ chống lại người mẹ - bởi điều đó sẽ rất khó khăn. Thông thường, tôi chưa bao giờ gặp người nào chưa từng có trải nghiệm chống lại mẹ hay cha mình. Điều đó rất hiếm hoi.
Bằng cách hạnh phúc bạn tạo khả năng cho người khác hạnh phúc. Và đấy đích thực là phụng sự - đấy không phải là hi sinh chút nào; bạn không trở thành kẻ tử vì đạo.
Gurdjieff thường hay nói với môn đệ của ông: “Trừ phi các anh tha thứ cho cha mẹ các anh, bằng không các anh không thể trưởng thành được”. Bạn sẽ nói: “Vô nghĩa quá chừng! Ông ấy nói gì vậy? Trừ phi tha thứ ấy à...”. Ông ấy đã viết lên cửa nhà mình: “Trừ phi các anh tha thứ cho cha mẹ các anh, bằng không đừng vào đây”. Nhưng không ai có thể tha thứ cho cha mẹ họ được bởi vì cha mẹ họ đã hi sinh quá nhiều.
Cha mẹ đã từng khổ vì con cái. Và họ luôn nói họ đã khổ biết bao nhiêu. Không bà mẹ nào nói: “Mẹ đã tận hưởng việc con là con của mẹ biết bao”. Không ông bố nào nói: “Bằng việc chọn nhà chúng ta con đã đem ánh sáng tới cho chúng ta, đem tình yêu tới cho chúng ta”. Thế thì con cái mới có thể không những chỉ tha thứ, mà còn có thể yêu, còn có thể biết ơn cha mẹ.
Một khi hiểu được Đạo, toàn bộ công việc của phân tâm học sẽ biến mất, bởi toàn bộ công việc của phân tâm học phụ thuộc vào vấn đề bạn không thể tha thứ cho cha mẹ mình. Khi nằm trên băng ghế trị liệu của nhà phân tâm học, bạn làm gì? Bạn nổi cơn thịnh nộ với mẹ bạn và cha bạn. Bạn định làm gì trong trị liệu chấn thương tâm lí? Liệu pháp Janov(1) sẽ trở nên vô nghĩa nếu hiểu được Đạo. Bạn làm gì khi bạn đấm đá và gào thét trong trị liệu chấn thương tâm lí? Bạn đấm đá ai? Cha mẹ bạn. Bạn la hét ai? Cha mẹ bạn.
(1) Arthur Janov (sinh năm 1924 ở Mỹ): nhà tâm lí học đã sáng tạo cho liệu pháp tâm lí nguyên thủy, tập trung vào điều trị chấn thương tâm lí có liên quan đến các tổn thương gây ấn tượng mạnh và kéo dài từ thời thơ ấu của bệnh nhân.
Nếu bạn nghe bệnh nhân nói trên băng ghế trị liệu của bác sĩ tâm lí thì có tới chín mươi phần trăm mọi điều anh ta nói đều liên quan đến mẹ anh ta. “Người mẹ” dường như là vấn đề. Nó là thế đấy, nhưng lí do là ở chỗ chính khách và tu sĩ đã làm ô nhiễm tâm trí nhân loại. Họ luôn nói: “Bạn sẽ có. Cứ trông mong đi. Bạn sẽ hạnh phúc trong tương lai”.
Chỉ khoảnh khắc hiện tại là tất cả những thứ bạn có. Hãy dùng nó một cách thông minh, đừng để bất cứ ai đánh lừa.
Khổng Tử nói: “Anh sẽ có. Hãy trông mong vào gò đất vồng cao trên nấm mồ của anh...”.
Nấm mồ của bạn? Nấm mồ là nấm mồ, một thứ xấu xí bất kể bạn đắp nó lên thế nào. Bạn có thể biến nó thành mộ đá cẩm thạch và bạn có thể khắc tên bằng chữ nạm vàng, nhưng nó không lừa được ai đâu, nó thật vô nghĩa. Bên trong chỉ là cái chết, một cái chết xấu xí vì một cuộc sống đã không được sống. Cuộc sống chưa bao giờ được sống thì xấu xí. Cuộc sống bị trì hoãn thì xấu xí; cuộc sống được sống mới là đẹp. Và có rất ít người đã sống cuộc sống của họ - chỉ họ mới có cái chết mĩ mãn. Thế thì cái chết cũng mĩ mãn bởi lẽ người ta có được khả năng sống cuộc sống của họ, tới mức một ngày nào đó họ lại bắt đầu sống cái chết của họ nữa. Họ đã sống cuộc sống của họ, thế thì họ cũng sẽ sống cái chết của họ.
Cuộc sống chưa từng được sống không thể dẫn bạn tới cái chết mĩ mãn được. Phải, bạn có thể xây một ngôi mộ cẩm thạch và bạn có thể khắc tên bằng chữ nạm vàng cùng bài thơ tuyệt mĩ lên đó. Rồi bạn có thể thắp nến và bạn có thể cắm hoa, nhưng tất cả những thứ ấy đều là đồ giả. Bạn đang cố phỉnh phờ ai vậy? Với tất cả đá cẩm thạch rồi chữ nạm vàng rồi nến và hoa ấy, người ta không thể sống; người ta chết rồi. Và người ta chưa bao giờ được phép sống - vì bạn đấy. Hãy xem câu nói này của Khổng Tử: “Hãy trông mong vào gò đất vồng cao trên nấm mồ của anh, rồi anh sẽ biết chốn nghỉ ngơi”.
Trừ phi đạt được sự nghỉ ngơi trong cuộc sống, bằng không cũng không thể đạt được trong cái chết. Hãy để điều này là quy tắc tuyệt đối: bất cứ điều gì bạn đạt được trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ có khả năng giữ được trong cái chết của bạn, không có ngược lại. Nếu bạn đạt tới thiền, cái chết của bạn sẽ có thiền tính. Nếu bạn đạt được tình yêu, cái chết của bạn sẽ đầy năng lượng tình yêu. Nếu bạn đạt được sự sùng đạo, cái chết của bạn sẽ thiêng liêng.
Trừ phi đạt được sự nghỉ ngơi trong cuộc sống, bằng không cũng không thể đạt được trong cái chết.
Nhưng nên nhớ, cái chết không thể đạt được bất cứ điều gì; thành tựu tới qua cuộc sống. Cái chết chỉ là thanh toán cuối cùng, phán xử cuối cùng. Đơn giản cái chết khép cuộc sống của bạn lại và sự phán xét trở thành chung cuộc. Nếu là một người yêu thương lớn lao và người đó đã yêu, yêu vô điều kiện, và cuộc sống của người đó là ngọn lửa của tình yêu, là ánh sáng của tình yêu, thế thì cái chết sẽ đóng chương đó lại bằng ngọn lửa cháy sáng ấy. Nhưng nếu cái chết khép cuộc sống của bạn lại mà cuộc sống đó chỉ toàn là đau khổ, không là gì khác - chỉ là hi vọng về tương lai, chưa bao giờ là trải nghiệm đích thực - thế thì bạn sẽ chết một cách vô tích sự. Đó là điều mà Gurdjieff gọi là “cái chết của chó”. Thế thì đơn giản là bạn chết đi mà chẳng đạt được gì; chẳng có gì hết.
Không ai đạt được điều gì qua cái chết trừ phi đạt được nó qua cuộc sống. Chết là một khoảnh khắc. Bạn có thể đạt được gì trong một khoảnh khắc? Bạn bỏ lỡ bảy mươi tám năm sống và bạn hi vọng rằng bạn sẽ đạt tới điều gì đó chỉ trong một khoảnh khắc sao? Suốt tám mươi năm bạn đã sống vô ý thức, trong rối loạn, trong điên khùng, trong ác mộng, và thế rồi đột nhiên trong cái chết bạn sẽ trở nên thanh thản sao? Không, thưa quý ngài, quý vị sẽ trằn trọc trở mình trong nấm mồ của chính mình; quý vị sẽ không tìm thấy an nghỉ đâu.
Không ai đạt được điều gì qua cái chết trừ phi đạt được nó qua cuộc sống. Chết là một khoảnh khắc.
“Vĩ đại thay cái chết! Bậc quân tử tìm sự nghỉ ngơi trong đó, còn kẻ tiểu nhân thì cam chịu nó!” - người đệ tử này nói.
Khổng Tử đã thành công trong việc làm Tử Cống xao nhãng. Khoảnh khắc lớn lao bị phá hủy. Tử Cống đã tới rất gần cánh cửa mà ông ấy đã có thể thoát ra được, nhưng Khổng Tử kéo ông lại. Và người đệ tử lại bắt đầu nói những thuật ngữ triết lí, giáo điều, học thuật. Đó là những gì ông ấy đã học qua kinh sách: “Vĩ đại thay cái chết!”. Ông ấy không biết. Ông ấy còn không biết đến nghỉ ngơi - làm cách nào ông ấy có thể biết được cái chết? Chết là yên nghỉ tối thượng, yên nghỉ tuyệt đối... Ông ấy thậm chí còn không biết đến nghỉ ngơi tương đối. Ông ấy không biết sống là gì, ông ấy hãy còn trong rối loạn, chia tách. Rồi ông ấy bắt đầu nói “Vĩ đại thay cái chết!”. Nghe theo thầy, ông ấy lại bị đám mây mù ngôn từ che phủ.
“Vĩ đại thay cái chết!”.
Nghe theo sư phụ, nghe theo thầy mình, người đệ tử lại bị phủ mờ đi; uy tín có tác dụng - ông ấy bị đánh lừa. Ông ấy quên mất rằng ông ấy đã nói: “Tôi muốn nghỉ ngơi”, ông ấy đã chán mọi chuyện học tập rồi. Ông ấy vừa mới ở điểm rẽ nơi học trò có thể trở thành đệ tử. Ông ấy lại bỏ lỡ. Ông ấy lại rơi ngược lại cái bẫy cũ, thứ mà luôn dễ bị rơi vào vì người ta biết nó rất rõ, nó rất quen thuộc. Không biết gì về sống, không biết gì về nghỉ ngơi, thế mà ông ấy lại khẳng định một chân lí sâu sắc như vậy: “Vĩ đại thay cái chết”. Hẳn ông ấy đã phải đọc nó. Đúng, trong kinh sách nó được viết ra: “Vĩ đại thay cái chết”. Nhưng cái chết là vĩ đại chỉ khi nào cuộc sống là vĩ đại.
Nên nhớ, cái chết của bạn là cái chết của bạn, cái chết của tôi là cái chết của tôi. Cái chết của tôi sẽ phụ thuộc vào cuộc sống của tôi, cái chết của bạn sẽ phụ thuộc vào cuộc sống của bạn. Nếu cuộc sống của bạn là vĩ đại, cái chết của bạn sẽ là vĩ đại bởi cái chết là cao trào của cuộc sống. Nếu bạn đã sống tốt, trọn vẹn, bạn sẽ đạt tới đỉnh cao vĩ đại, đỉnh Himalayas. Nhưng nếu mới chỉ bò trên mặt đất, thì bạn chưa hề sống chút nào, bạn chỉ mới mơ mộng, hi vọng, ham muốn, và chưa hề có một khoảnh khắc sống nào đến với bạn, chưa hề có một khoảnh khắc đích thực nào và bạn bao giờ cũng sắm những vai tuồng và che giấu bản thân sau lớp mặt nạ; bạn chưa bao giờ là người thực sự, bạn luôn giả vờ - cái chết của bạn sẽ giả tạo, nó không thể vĩ đại được. Kết thúc có thể là vĩ đại chỉ khi toàn bộ hành trình là vĩ đại. Từng bước hành trình góp phần tạo nên kết thúc. Thật đơn giản, hiển nhiên. Nếu bạn đã từng nhảy múa cuộc sống của bạn, cái chết của bạn sẽ là điệu vũ lớn. Nếu bạn chỉ kêu khóc, cái chết của bạn sẽ chỉ là kêu khóc - nó không thể khác được; nó kết thúc cuộc sống của bạn.
Thế nên hãy nhớ: Mọi người sống cuộc sống của mình và mọi người chết cái chết của mình. Chết là duy nhất và khác nhau cũng như sống là duy nhất và khác nhau. Khi Phật chết, tất nhiên là Phật chết. Khi Liệt Tử chết, tất nhiên là Liệt Tử chết. Cái chết của họ có vinh quang, có tiếng thơm - nó là sự nở hoa. Trong một khoảnh khắc toàn bộ cuộc sống trở thành ngọn lửa tối thượng. Họ đã đạt tới, họ đã về tới nhà. Cái chết của bạn chẳng là gì ngoài việc bắt đầu một cuộc sống mòn mỏi khác. Ở đây bạn chết, ở đó bạn được sinh ra. Từ cửa này bạn đi vào, từ cửa khác bạn trở lại cuộc sống lần nữa - và tất nhiên cùng một vết mòn, cùng một bánh xe lăn.
Mọi người sống cuộc sống của mình và mọi người chết cái chết của mình. Chết là duy nhất và khác nhau cũng như sống là duy nhất và khác nhau.
“Vĩ đại thay cái chết!” - song những lời ấy không ở trên môi Tử Cống. Phải, nếu Lão Tử mà nói điều đó, sẽ rất ổn. Kể cả có thốt ra trên môi Khổng Tử thì cái chết vẫn chẳng có gì vĩ đại, bởi toàn bộ cách tiếp cận là sai.
“Bậc quân tử tìm sự nghỉ ngơi trong đó...”
Nên nhớ từ quân tử này. Đó là giá trị cao nhất trong đạo đức Khổng môn, bậc quân tử. Mà ai là quân tử? - người giả dối. Ai là quân tử? - kẻ đạo đức giả. Ai là quân tử? - người được khoác chiếc mặt nạ mang tên tập quán, nghi thức, tính cách, một con người tuân thủ tập quán, truyền thống. Quân tử không phải là một cá nhân, anh ta chỉ là thành viên của xã hội. Anh ta không tồn tại theo cách riêng của mình; anh ta không có cuộc sống riêng của mình. Anh ta chỉ tồn tại như một phần của xã hội, thế nên bất cứ điều gì xã hội cho phép đều là cuộc sống của anh ta, và bất cứ điều gì xã hội không cho phép thì anh ta tự chối bỏ bản thân. Anh ta chọn xã hội thay vì tự nhiên. Đó là những gì người quân tử làm: anh ta chọn quy luật nhân tạo chống lại quy luật tự nhiên.
Xã hội thì bất thường - một đám đông khổng lồ điên loạn. Quân tử là người đi theo đám đông này. Quân tử không có linh hồn. Tất nhiên, xã hội vô cùng kính trọng anh ta. Xã hội phải kính trọng người này, xã hội gọi anh ta là thánh sống (mahatma), thánh nhân, hiền nhân. Xã hội kính trọng anh ta bởi anh ta đã hi sinh đời mình cho xã hội.
Con người chân chính không bận tâm về sự kính trọng, con người chân chính sống cuộc sống của mình theo lẽ tự nhiên.
Con người chân chính không bận tâm về sự kính trọng, con người chân chính sống cuộc sống của mình theo lẽ tự nhiên. Anh ta không bận tâm về những gì xã hội nói đến hay không nói đến. Xã hội không phải là vấn đề cân nhắc của con người chân chính. Nếu bạn muốn giả dối thì xã hội phải được cân nhắc từng bước: nói gì, nói thế nào, nói khi nào, không nói khi nào; sống thế nào, không sống thế nào. Xã hội đã xác định mọi thứ. Bạn chỉ phải làm sao cho phù hợp, bạn chỉ phải làm một bánh răng trong bánh xe.
Thế nên nếu bạn thực sự muốn là người đích thực, đừng bao giờ bận tâm quá nhiều về dư luận xã hội. Tôi không nói phải dứt khoát đi ngược lại xã hội, không - đó không phải là nổi loạn, là phản động. Hãy đi theo bản chất của bạn. Nếu nó phù hợp với xã hội, hoàn toàn tốt, không cần đi ngược lại. Nếu nó không phù hợp với xã hội, hoàn toàn tốt, không cần đi theo xã hội.
Có sự khác biệt giữa người nổi loạn và người phản động. Người phản động là người sẽ luôn chống lại xã hội cho dù bất cứ hoàn cảnh nào. Anh ta quyết định đi ngược lại xã hội kể cả trong trường hợp xã hội đúng. Đôi khi xã hội đúng, bởi xã hội không thể tuyệt đối sai được... ngay cả người điên đôi khi cũng đúng. Thậm chí xã hội điên loạn này đôi khi cũng đúng, bằng không chắc chắn nó không tồn tại được. Để tồn tại được thì ít ra có gì đó phải đúng, bằng không cuộc sống sẽ trở nên bất khả.
Người phản động thì giống hệt người theo truyền thống nhưng lại sang một thái cực khác. Người truyền thống tuân theo xã hội bất kể đúng hay sai. “Đúng hay sai thì cũng là nước tôi. Đúng hay sai thì cũng là tôn giáo của tôi. Đúng hay sai thì cũng là tu sĩ của tôi. Đúng hay sai thì cũng là kinh sách của tôi”. Đó là người theo truyền thống. Thế rồi một hôm người đó chuyển sang thái cực khác. Anh ta nói: “Đúng hay sai tôi cũng chẳng theo xã hội đâu”. Đấy là người phản động. Cả hai đều là cùng một loại người, không có gì khác.
Ai là người nổi loạn? Người nổi loạn là người không bận tâm về xã hội chút nào. Đơn giản là anh ta sống qua cốt lõi sâu thẳm nhất bên trong bản thân; anh ta là người theo Đạo của mình. Nếu xã hội phù hợp với Đạo của anh ta, thế thì tốt; anh ta đi cùng xã hội; anh ta không phải là người phản động. Nếu xã hội không phù hợp với Đạo bên trong của anh ta, anh ta đi một mình. Anh ta không phải là người theo truyền thống, theo tục lệ, theo khuôn phép. Tiêu chí của anh ta là nội tâm của anh ta.
Người nổi loạn là người không bận tâm về xã hội chút nào. Đơn giản là anh ta sống qua cốt lõi sâu thẳm nhất bên trong bản thân; anh ta là người theo Đạo của mình.
“Quân tử” là người đã được xã hội thuyết phục để bán đi bản thể đích thực của anh ta rồi vay mượn bộ mặt nạ giả trá từ xã hội.
“Vĩ đại thay cái chết! Bậc quân tử tìm sự nghỉ ngơi trong đó...”. Ở đây quân tử thì liên quan gì đến nghỉ ngơi và cái chết? Thậm chí quân tử còn không thể tìm thấy nghỉ ngơi trong cuộc sống! Quân tử bị kìm nén quá nhiều; quân tử đã không cho phép toàn bộ con người mình tự do chơi đùa. Anh ta đã chối bỏ cả ngàn lẻ một điều, và những điều đó đang sôi sục bên trong anh ta - làm sao anh ta có thể tìm được sự nghỉ ngơi? Và nếu bạn không thể tìm được sự nghỉ ngơi trong cuộc sống, làm sao bạn sẽ tìm được nó trong cái chết? Thế thì đừng tự lừa mình, đấy là thuốc phiện. Bạn hi vọng điều gì đó sẽ xảy ra trong cái chết khi nó còn chưa bao giờ xảy ra trong cuộc sống - bạn đang phê thuốc đấy.
Quân tử chưa bao giờ yêu như anh ta muốn yêu, quân tử chưa bao giờ giận, quân tử chưa bao giờ ghét bất cứ ai - không phải là anh ta không ghét đâu, anh ta không biểu lộ ra thôi. Mọi điều mà quân tử có thể làm là thay đổi cách biểu đạt của mình; còn thì bản thể bên trong không bao giờ thay đổi. Giận dữ nảy sinh bên trong nhưng anh ta không biểu lộ ra, mà anh ta kìm nén. Thế nên anh ta cứ tiếp tục tích lũy cả ngàn lẻ một thứ bên trong mình, thứ tạo ra hỗn độn, thứ đang sôi sục bên trong. Anh ta có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào - thật nguy hiểm khi sống cùng quân tử. Đừng bao giờ sống cùng quân tử, hay với thục nữ. Phụ nữ thì đẹp, thục nữ là xấu. Phụ nữ thì tự nhiên, thục nữ thì giả tạo. Quân tử, thục nữ toàn là người giả tạo, chẳng qua chỉ được trau dồi, sơn phết, chứ không thật, không chân thật. Khi cảm thấy giận dữ họ mỉm cười, khi căm ghét bạn họ ôm choàng lấy bạn. Không bao giờ bạn có thể trông cậy vào họ được, không bao giờ bạn có thể cả quyết được khi nào họ thật tâm mỉm cười còn khi nào họ giả vờ. Thật ra, sau quá trình khổ luyện, ngay cả họ cũng không thể quyết được liệu họ có cười thật hay chỉ giả vờ thôi, liệu họ có thật lòng yêu một người phụ nữ hay chỉ giả vờ thôi.
Nhiều người tới chỗ tôi và nói rằng: “Chúng tôi không thể quyết được liệu thật sự có tình yêu hay không”. Người ta đã sống trong dối trá quá lâu rồi, có thể trong nhiều kiếp tới mức người ta đã lạc đường. Thậm chí người ta còn không thể cảm nhận đâu là đúng và đâu là sai, đâu là thật và đâu là giả. Chuyện xảy ra hằng ngày. Ai đó tới và nói: “Tôi đang yêu người phụ nữ ấy nhưng tôi không quyết được liệu tôi có thật sự yêu cô ấy hay không”. Điều đó cho thấy gì? Bạn đã đánh mất mọi tiếp xúc với bản thể của bạn, bạn đã trở thành xa lạ với bản thân bạn. Bạn đã trở thành kẻ lạ với chính bản thân mình. Đấy là điều đơn giản. Cứ như thể ai đó nói: “Tôi không thể quyết được liệu bông hồng này là hồng thật hay chỉ là hồng vẽ. Tôi không thể quyết được”. Đó nghĩa là gì? “Tôi không thể quyết được liệu những cây này có màu xanh thật hay là ai đó đã hất sơn xanh lên chúng”. Song những cây ấy thì ở bên ngoài bạn. Đôi khi bạn có thể bị đánh lừa - có thể là cây giả, làm bằng nhựa - nhưng bạn lại không thể quyết được cảm giác bên trong bạn. Điều đó cho thấy gì? Đơn giản là bạn đã quên mất ngôn ngữ của chân lí. Bạn đã giả dối lâu rồi, quá lâu tới mức dối trá hầu như đã trở thành chân lí của bạn.
Quân tử là người không đích thực. Đừng bao giờ là quân tử, đừng bao giờ là thục nữ. Là con người thôi. Đấy là những vai kịch, là diễn xuất. Hãy chân thật - đó mới là cuộc sống của bạn. Hãy đích thực để có thể trưởng thành, bởi mọi sự trưởng thành chỉ đạt được khi bạn chân thực và đích thực. Có thể bạn sẽ phải trả giá nhiều - người ta phải trả giá; có thể sẽ có đau đớn - mọi sự trưởng thành đều trải qua đau đớn; có thể bạn sẽ luôn gặp khó khăn, song chẳng việc gì phải lo lắng cả; điều đó xứng đáng.
Hãy chân thật - đó mới là cuộc sống của bạn.
Socrates chết, bị đầu độc - bạn có bao giờ cảm thấy ganh tị với ông không? Bạn còn sống, bạn sẽ không đổi cuộc sống của bạn lấy cái chết của Socrates chứ? Cái chết của ông còn thật hơn cuộc sống của bạn. Jesus bị đóng đinh. Ngài chỉ mới ba mươi ba, chưa biết mấy gì đời - song bạn có muốn đổi chỗ không? Bạn có muốn ở trên thập giá thay vì sống cuộc sống giả tạo của bạn không? Ít ra ngài là thật - trên thập giá nhưng mà thật. Còn bạn thì không thật.
Cuộc sống không thật còn tệ hại hơn cái chết thật; cái chết thật vẫn tốt hơn nhiều. Hạnh phúc không thật còn tệ hại hơn bất hạnh thật - hãy luôn nhớ điều này. Nước mắt thật còn tốt hơn nụ cười giả bởi sự trưởng thành tới qua cái thật. Trưởng thành không bao giờ tới qua cái giả, và lí tưởng của người quân tử chỉ là lí tưởng của người giả dối.
“Vĩ đại thay cái chết! Bậc quân tử tìm sự nghỉ ngơi trong đó, còn kẻ tiểu nhân thì cam chịu nó!”
Nên nhớ điều này nữa: Khổng Tử luôn luôn so sánh. Ông luôn tạo sự cách biệt giữa quân tử và tiểu nhân, giữa chính nhân và tiện nhân, giữa người phi thường và người bình thường.
Đạo nói không ai cao quý và không ai hèn kém; không ai vĩ đại và không ai tầm thường, bởi chúng ta thuộc về một thực tại, thuộc về một Đạo. Làm sao chúng ta có thể là tầm thường hay cao quý hay hèn kém? Điều đó là không thể - chúng ta được làm từ cùng một chất liệu. Chính hiện hữu đập rộn ràng trong bạn, chính hiện hữu đập rộn ràng trong tôi, chính hiện hữu đập rộn ràng trong cỏ cây và trong đất đá. Không ai cao quý mà cũng không ai hèn kém. Ý tưởng ấy là từ bản ngã mà ra, mà triết lí của Khổng Tử lại tập trung vào bản ngã.
Bấy giờ ông Tử Cống ấy nói: “Vĩ đại thay cái chết! Bậc quân tử tìm sự nghỉ ngơi trong đó, còn kẻ tiểu nhân thì cam chịu nó!”. Bấy giờ ông ấy đang tận hưởng ý tưởng ông ấy là chính nhân, quân tử, thế nên ông ấy bị Khổng Tử thuyết phục qua bản ngã của ông ấy: “Anh là chính nhân, quân tử, là bậc cao nhân. Anh sẽ tìm sự nghỉ ngơi trong cái chết. Anh không phải kẻ tiểu nhân, thế nên đừng lo nghĩ - chỉ kẻ tiểu nhân mới không tìm sự nghỉ ngơi trong cái chết”. Và đừng khao khát nghỉ ngơi trong cuộc sống vì điều đó, theo Khổng Tử, cũng tầm thường. Không thể có nghỉ ngơi, nghỉ ngơi là khuynh hướng thoát li thực tế.
Khổng Tử luôn lo ngại Lão Tử và giáo huấn của ông ấy. Tương truyền có lần ông đến gặp Lão Tử. Tất nhiên, ông lớn tuổi hơn Lão Tử nên ông muốn Lão Tử cư xử cho đúng lễ nghi, như một người lớn tuổi mong đợi. Nhưng Lão Tử đang ngồi và ông ấy thậm chí không đứng lên để chào ông. Ông ấy thậm chí không nói: “Mời tiên sinh ngồi” mà còn chẳng chú ý tới ông là mấy. Khổng Tử rất giận. Bậc thầy kiểu gì mà thế này? Rồi ông nói “Ông không theo lễ nghi gì sao?”.
Lão Tử nói: “Nếu ông cảm thấy thích ngồi thì ông ngồi; nếu ông cảm thấy thích đứng thì ông đứng. Ta là ai mà lại nói gì về chuyện đó chứ? Đó là cuộc sống của ông. Ta không can thiệp”.
Khổng Tử bị choáng. Thế rồi ông hỏi gì đó về chính nhân quân tử, Lão Tử cười đáp: “Ta chưa bao giờ gặp ‘chính nhân’ hay ‘tiện nhân’. Người là người cũng như cây cỏ là cây cỏ và mọi thứ đều tham gia vào cùng một sự tồn tại này. Không ai cao quý mà cũng không ai hèn kém và tất cả điều đó là vô nghĩa và là đồ bỏ!”. Khổng Tử rất e sợ. Và Lão Tử có sự thinh lặng mênh mông quanh ông; ông ấy là bể lặng.
Khổng Tử trở về. Môn đệ của ông hỏi: “Lão Tử là người thế nào?”.
Ông nói: “Đừng bao giờ đến gần người này, ông ấy rất nguy hiểm. Nếu các anh gặp hổ, bằng cách nào đó các anh còn có thể giữ được mạng. Nếu các anh gặp sư tử, các anh còn có thể tự cứu được bản thân. Nhưng người này rất nguy hiểm. Ông ấy như rồng, rồng bay! Ông ấy sẽ giết các anh! Đừng bao giờ đến gần! Bất cứ lúc nào các anh nghe nói Lão Tử ở quanh đây, hãy trốn ngay!”.
Khổng Tử rất lo ngại về giáo huấn của Lão Tử. Lời dạy của Đạo gia thì hoàn toàn khác biệt, hoàn toàn xác thực, hoàn toàn khác thường, hoàn toàn nổi loạn và hoàn toàn mang tính cá nhân. Nó không tin vào những quy luật nhân tạo mà chỉ tin vào tự nhiên. Niềm tin vào tự nhiên là Đạo.
Lão Tử nói bạn có thể nghỉ ngơi trong cuộc sống, bởi thậm chí trong khi bạn đang bước bạn có thể vẫn còn bất động. Trung tâm cốt lõi bên trong bạn có thể còn bất động; bạn có thể trở thành tâm điểm của lốc xoáy. Bánh xe quay nhưng trục xe vẫn đứng yên. Bánh xe vẫn cứ chuyển động, nhưng nó chuyển động trên cái không chuyển động. Hành động, làm, nhưng vẫn vô vi sâu bên trong. Nói chuyện, nói, nhưng vẫn còn im lặng sâu bên trong.
Lão Tử nói cứ để những mâu thuẫn gặp nhau. Hãy để những nghịch lí hòa tan. Cứ nghịch lí đi bởi cuộc sống là nghịch lí. Sống, và cứ sống như thể bạn đã chết. Thế thì khi bạn chết, hãy chết cứ như thể bạn bước vào cuộc sống khác - cuộc sống cao hơn, cuộc sống lớn lao hơn. Cứ để những nghịch lí gặp nhau, trộn lẫn, hợp nhất thành một thể thống nhất.
Tư duy của Nho gia là phân chia, phân lớp, phân loại. Sống là sống, sống là tranh đấu. Chết là chết, chết là nghỉ ngơi - phân chia rạch ròi. Lão Tử nói không có sự phân biệt, không có phân biệt rạch ròi. Sống là chết, chết là sống. Người ta có thể sống mãnh liệt, mà sâu bên trong vẫn còn tuyệt đối huyền ảo, xa xôi, xa xăm, xa cách, không hề dính líu chút nào. Bạn có thể bước qua sông và chân bạn có thể vẫn còn chưa dính nước; bạn có thể là đóa sen. Và đó mới là cuộc sống thật. Bạn nói mà vẫn như bạn không nói gì. Có gì đó trong bạn vẫn còn ở xa xăm. Bạn chạm mặt đất mà có gì đó trong bạn còn cao tít trên trời.
Người ta có thể sống mãnh liệt, mà sâu bên trong vẫn còn tuyệt đối huyền ảo, xa xôi, xa xăm, xa cách, không hề dính líu chút nào.
Cuộc sống của Nho gia là cuộc sống rất tầm thường - rất logic, chính xác, được phân loại, nhưng rất tầm thường. Cuộc sống của Đạo gia thì thực sự phi thường, rất phong phú, bởi nó chứa đựng cả tiêu cực lẫn tích cực, cả âm lẫn dương, cả xung đột lẫn hợp tác, cả yêu lẫn ghét, cả sống lẫn chết.
Luôn nhớ, hãy để sự hài hòa trong những mâu thuẫn nội tâm bạn, thế thì bạn sẽ đạt tới điểm cao nhất và đỉnh cao nhất. Đừng chọn một thứ, hãy chọn cả hai cùng nhau. Hãy dũng cảm. Đừng keo kiệt trong việc chọn lựa. Khi cuộc sống cho bạn nghịch lí, hãy chọn toàn bộ nghịch lí ấy; hãy nuốt trọn tất cả, rồi tiêu hóa nó hoàn toàn và bạn sẽ trở thành rồng bay.
“Tử Cống”, Khổng Tử nói “Anh đã hiểu rồi đấy”. Tất nhiên, Khổng Tử ắt phải rất vui mừng. Ông ta đã chuyển hóa cho đệ tử trở về lối mòn xưa. “Tử Cống, anh đã hiểu rồi đấy”. Tử
Cống đã bỏ lỡ cơ hội để hiểu, thế mà Khổng Tử nói: “Anh đã hiểu rồi đấy. Mọi người đều hiểu sống là vui mà không hiểu sống là khổ; hiểu già là mệt mỏi mà không hiểu già là an nhàn; hiểu chết là đau buồn mà không hiểu chết là yên nghỉ”.
Lại cùng cái kiểu phân loại ấy: Có vài người hiểu được cái đẹp của cuộc sống, nhưng không hiểu cái xấu của nó. Thế rồi có một số người hiểu cái xấu của cuộc sống, nhưng không hiểu cái đẹp của nó. Có một số người hiểu cái xấu của chết, nhưng không hiểu sự yên nghỉ của nó. Và thế rồi có một số người hiểu sự yên nghỉ của chết, nhưng không hiểu cái xấu của nó - song cả hai là như nhau. Bạn chọn loại này, người khác chọn loại khác.
Cả hai nên được chọn cùng nhau. Cả hai nên được chọn cùng nhau nhiều tới mức không còn lựa chọn nào hết. Cuộc sống xấu xí và cuộc sống cũng đẹp đẽ, rồi cái chết xấu xí và cái chết cũng đẹp đẽ, bởi vì hiện hữu tồn tại qua những quá trình biện chứng. Chân trái của bạn di chuyển do chân phải của bạn đứng yên: có sự chuyển động là do một chân đứng yên. Thế rồi chân trái của bạn đứng yên và chân phải của bạn chuyển động. Chuyển động có thể xảy ra do có sự bất động.
Tôi có thể nói với bạn bởi lẽ có gì đó sâu thẳm trong tôi luôn tĩnh lặng. Ngôn từ có ý nghĩa, đáng nói, chỉ do có sự tĩnh lặng. Nếu không có tĩnh lặng, thế thì ngôn từ là vô nghĩa, thế thì nó chỉ là lời lắp bắp. Khi lời có ý nghĩa, luôn nhớ rằng ý nghĩa tới qua tĩnh lặng, sự tĩnh lặng tràn vào lời và lời trở nên rực rỡ.
Yêu là đẹp bởi lẽ ghét có khả năng nảy sinh; bằng không yêu sẽ ngọt lịm tới mức gây ra bệnh tiểu đường! Chỉ toàn đường là đường... Không, muối cũng cần; ghét nêm muối cho đời. Hoạt động là tốt, nhưng nếu không có bất hoạt trong nó, nó sẽ gây ra chứng loạn thần kinh - hành động đầy ám ảnh. Bất hoạt là tốt, nhưng nếu không có hoạt động trong nó, nó sẽ là một dạng chết, lịm đi, đờ đẫn. Cả hai đều tốt, cái toàn thể là tốt.
Đạo nói cái toàn thể là tốt. Đừng lựa chọn. Cứ mặc nó như nó vốn thế. Như nó vốn thế, nó là sự sắp xếp khôn ngoan. Không thể có thế giới nào tốt hơn thế giới ấy. Không có khả năng nào cho bất kì cải tiến nào. Bạn chấp nhận cả hai, và qua sự chấp nhận đó, bạn vượt lên trên.
Ông Tử Cống ấy vừa mới đóng sập cánh cửa mà qua đó ông sẽ thoát ra ngoài bầu trời rộng mở. Ông lại bị làm cho lạc lối. Nên nhớ, trong đời bạn cũng có nhiều khoảnh khắc khi bạn có thể thoát ra, nhưng quá khứ của bạn quá nặng nề - nó kéo bạn lại. Khổng Tử có thể thành công bởi toàn bộ quá khứ của Tử Cống không là gì ngoài lí thuyết, ngôn từ, triết lí, học thuyết; và họ hiểu ngôn ngữ của nhau. Ông này kéo ông kia lại. Khoảnh khắc lớn lao đó bị bỏ lỡ. Mà những khoảnh khắc lớn lao như thế rất hiếm khi xảy tới.
Ông Tử Cống ấy biết rằng ông đã trở nên chán học, bấy giờ ông sẽ làm gì với Khổng Tử? Toàn là học, học nữa, học mãi... chẳng có gì khác! Khổng Tử không biết thiền, ông không tin vào cực lạc; ông chỉ là ông thầy đạo đức - rất trần tục. Ông không biết thứ gì vĩ đại hơn xã hội, to lớn hơn xã hội; ông có tầm nhìn rất hạn hẹp. Bấy giờ Tử Cống định làm gì? Ông sẽ lại học, ông sẽ lại nghiền ngẫm kinh sách; mớ kinh sách cũ rích, truyền thống, mục nát mà ông sẽ học... lại lần nữa. Điều mà ông đã từng làm!
Luôn nhớ rằng khi một khoảnh khắc mới, một nhận thức mới lượn quanh bạn, hãy chọn cái mới bởi vì cái cũ đã chẳng làm được gì cho bạn, thế nên phỏng có ích gì mà bám víu vào nó? Cho dù cái mới có vẻ sai, cũng vẫn cứ chọn cái mới. Ít ra nó sẽ là cuộc phiêu lưu mới; bạn sẽ đi tới việc biết được điều gì đó mới mẻ. Cho dù bạn không đạt được mục đích, ít ra bạn sẽ học được sự dũng cảm để đi vào cái chưa biết, để chớp lấy cái chưa biết. Đó sẽ là điều bạn gặt hái được. Nhưng đừng bao giờ chọn cái cũ. Bất cứ lúc nào có khả năng cho cái mới, hãy đi vào cái mới. Và đi thật nhanh bởi vì cái cũ rất nặng - nó sẽ ghì bạn lại.
Luôn nhớ rằng khi một khoảnh khắc mới, một nhận thức mới lượn quanh bạn, hãy chọn cái mới bởi vì cái cũ đã chẳng làm được gì cho bạn, thế nên phỏng có ích gì mà bám víu vào nó?
Rất thường xuyên, tôi thấy một vài người ngồi trước tôi, lơ lửng giữa quá khứ của họ và hiện tại của họ. Nên nhớ, hiện tại thì rất nhỏ bé và quá khứ thì rất dài, thế nên đương nhiên trọng lượng của nó rất lớn. Trừ phi bạn phải rất dũng cảm, bằng không bạn sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nó. Thật là thoải mái và thuận tiện ở lại với quá khứ, song thoải mái và thuận tiện chẳng là gì cả. Trưởng thành mới là tất cả.
Nếu trưởng thành đạt tới qua sự không thoải mái, qua sự bất tiện - tốt thôi. Thế thì bất tiện là tốt, là có ích; thế thì không thoải mái là tốt, là có ích. Nhưng luôn nhớ một điều: Hãy cứ trưởng thành. Đừng trở thành lối mòn. Đừng bắt đầu loanh quanh trong cùng một cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại mãi.
Hãy trưởng thành.
Nếu trưởng thành đạt tới qua sự không thoải mái, qua sự bất tiện - tốt thôi. Thế thì bất tiện là tốt, là có ích; thế thì không thoải mái là tốt, là có ích. Nhưng luôn nhớ một điều: Hãy cứ trưởng thành. Đừng trở thành lối mòn. Đừng bắt đầu loanh quanh trong cùng một cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại mãi.