Ai đó hỏi Liệt Tử: “Vì sao thầy lại coi trọng trống rỗng? Trong trống rỗng đâu có gì đáng giá?”.
Liệt Tử đáp: “Giá trị không phải là cái tên dành cho nó. Tốt nhất là tĩnh lặng, tốt nhất là trống rỗng. Trong tĩnh lặng và trống rỗng, chúng ta tìm thấy nơi trú ngụ; nhận và cho, chúng ta mất chỗ”.
Chân lí là một, không thể nào khác được, bởi hiện hữu là một vũ trụ, nó không phải là “đa vũ trụ”. Nó là một. Nó gắn chặt với nhau. Nó là một thể thống nhất. Nó là một thể hài hòa.
Chân lí là một, không thể nào khác được, bởi hiện hữu là một vũ trụ, nó không phải là “đa vũ trụ”. Nó là một. Nó gắn chặt với nhau. Nó là một thể thống nhất. Nó là một thể hài hòa. Thứ giữ cho vũ trụ gắn với nhau là thứ mà chúng ta gọi là chân lí, hay là Đạo, hay là Thượng đế. Đạo không phải là người, Thượng đế cũng không phải là người, mà là một thể thống nhất chạy qua mọi thứ, như sợi chỉ xuyên suốt tràng hoa kết. Vũ trụ không phải là một đống những thứ tách rời, riêng rẽ, như những hòn đảo. Không phải, vũ trụ là một, gắn với nhau, và sợi dây nào đó xâu nó lại với nhau... nó không rời ra. Thứ giữ nó với nhau là thứ mà ta gọi là Thượng đế, là Đạo.
Tuy nhiên con người có thể tiếp cận chân lí ấy bằng hai cách. Phải hiểu hai cách đó. Chân lí là một nhưng con đường là hai. Con đường thứ nhất là qua khẳng định (via affirmativa), con đường khẳng định, con đường của “người nói có”, con đường của người mộ đạo. Jesus, Mohammed, Krishna(1) - họ đã theo con đường khẳng định. Con đường khẳng định dường như là con đường của nỗ lực, nỗ lực lớn lao: người ta cố gắng đạt tới Thượng đế, người ta phải thực hiện mọi nỗ lực có thể, người ta phải nỗ lực tột bậc, người ta phải dấn thân vào nguy khốn. Trong thời hiện đại, Gurdjieff, Ramakrishna theo con đường khẳng định, qua khẳng định.
Con đường khác là qua phủ định (via negativa), qua phủ nhận, qua cái “không”. Lão Tử, Phật, Nagarjuna(2) - họ đã theo con đường phủ định. Trong thời hiện đại, Ramana Maharshi(3), J. Krishnamurti(4) - họ theo con đường của cái “không”.
(1) Tuy là những nhân vật khác nhau trong các tôn giáo khác nhau, song Jesus, Mohammed hay Krishna đều được xem là những hình tượng truyền đạt thông điệp của Chúa (hay Thượng đế, hay Đấng Tối cao).
(2) Nagarjuna (hay Na Già Át Thụ Na, sống vào khoảng thế kỉ I – II trước Công nguyên): một trong những luận sư vĩ đại của lịch sử Phật giáo.
(3) Ramana Maharshi (1879 – 1950): một nhà hiền triết Ấn Độ.
(4) Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986): một diễn giả, một triết học gia người Ấn Độ, chuyên về các đề tài triết học và tinh thần.
Hai con đường ấy phải được hiểu càng rõ càng tốt, bởi lẽ nhiều điều sẽ phụ thuộc vào đó; vào ngày này hay ngày khác bạn sẽ phải chọn. Chúng đi theo những chiều kích khác nhau; chúng tới cùng một đích, nhưng chúng đi theo những hướng khác nhau.
Con đường khẳng định là cách tiếp cận khẳng định tới Thượng đế, việc đạt tới Thượng đế, việc tìm kiếm, việc dò hỏi. Con đường phủ định là chờ đợi Thượng đế, không tìm kiếm. Con đường phủ định chỉ để cửa mở, không đi, không tìm - không dò hỏi, chỉ tiếp nhận, như dạ con. Con đường thứ nhất là dương, con đường thứ hai là âm. Con đường thứ nhất là con đường nam tính, con đường thứ hai là con đường nữ tính. Người ta chỉ cần buông trôi ở con đường thứ hai: không ý chí, mà là từ bỏ. Người ta chỉ cần cho Thượng đế hiện hữu; không tới ngài, mà để ngài tới bạn. Đơn giản là im lặng, trống rỗng. Tạo khoảng trống để nếu ngài tới thì bạn đã sẵn sàng; bạn vẫn luôn sẵn sàng.
Trên con đường của ý chí bạn có nhiều điều phải làm; trên con đường của buông trôi bạn chẳng phải làm gì cả, đích xác là chẳng làm gì, chỉ là không làm gì. Những con đường ấy cũng có thể được đặt tên theo cách khác. Con đường thứ nhất có thể nói là con đường khổ hạnh. Từ khổ hạnh (ascetic) bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp ascesis, có nghĩa là “tập luyện”. Nhiều phương pháp, nhiều bài tập, yoga, phương pháp luận, kĩ thuật, đều có thể. Con đường thứ hai có thể gọi là con đường huyền môn: không luyện tập, không phương pháp, không công nghệ.
Theo con đường thứ nhất thì phải có thời gian. Bạn không thể đốn ngộ được - phương pháp cần thời gian, tập luyện cần thời gian, chuẩn bị cần thời gian, và bạn sẽ phải đợi trong nhiều kiếp. Chứng ngộ sẽ là tiệm ngộ, nó không thể bất thình lình được. Theo con đường phủ định nó có thể tuyệt đối bất thần, nó có thể xảy ra ngay khoảnh khắc này. Không cần thời gian bởi không cần tập luyện. Bạn chẳng đi đâu cả; bạn chỉ ngồi im lặng, bạn chỉ buông trôi. Người ta không cần chờ đợi.
Con đường huyền môn thì rất huyền bí, vì thế nó mới được gọi là huyền môn. Không thể có cấp độ, không có những bước nhỏ - mà là cú nhảy lượng tử, bước nhảy vào cái không biết, bất thình lình, như tia chớp.
Con đường huyền môn thì huyền bí - không thể giải thích được. Con đường khổ hạnh có thể giải thích được: nó rất khoa học, rất logic. Từng bước một nó có thể giải thích được; nó có thể phân tích được, phân chia thành những bước dễ dàng. Những bước có thể được chia nhỏ đến mức mọi người đều có thể thực hiện chúng, thậm chí cả đứa trẻ; những cấp độ đều có thể đạt được. Song con đường huyền môn thì rất huyền bí, vì thế nó mới được gọi là huyền môn. Không thể có cấp độ, không có những bước nhỏ - mà là cú nhảy lượng tử, bước nhảy vào cái không biết, bất thình lình, như tia chớp. Lẽ tự nhiên, nó không thể giải thích một cách logic được. Tâm trí logic sẽ bị lúng túng. Nó cần hiểu biết lớn lao, không dựa vào logic mà dựa vào trực giác, không dựa vào trí tuệ mà dựa vào trực giác. Nó cần tâm trí phi logic, tâm trí phiêu lưu: người có thể đi trước mọi bước, người sẵn sàng đi vào cái không biết, người đủ dũng cảm thực hiện cú nhảy.
Theo con đường thứ nhất bạn đi từng bước một, đi dần lên. Theo con đường thứ hai đơn giản là bạn thực hiện cú nhảy vào vực thẳm. Nó là vực thẳm không đáy, nó trống rỗng, nó là tánh không tuyệt đối. Bạn biến mất.
Cả hai là những con đường, và mỗi người đều phải quyết định trong cốt lõi sâu thẳm nhất của bản thể mình xem cái gì hấp dẫn mình. Thật khó quyết định nhưng nó phải được quyết định, bằng không bạn có thể cứ làm những điều mà sẽ chẳng chứng tỏ được ý nghĩa gì cả. Nếu bạn có thể thực hiện cú nhảy, thế thì không có nhu cầu rèn luyện bản thân theo yoga. Nếu bạn không thể thực hiện cú nhảy, thế thì chỉ ngồi và đợi phỏng có ích gì.
Trên con đường thứ nhất, nguy hiểm lớn nhất là bản ngã bởi bạn phải làm nhiều thứ, và nếu quá bản ngã, bạn sẽ trở thành người làm, thế thì bản ngã sẽ trở thành rào cản của bạn. Người ta phải làm, mà lại không được làm cho bản ngã mạnh lên. Trên con đường thứ hai, sự lờ đờ lại là vấn đề. Khi không định làm gì; người ta có thể trở nên lờ đờ, người ta có thể trở nên đờ đẫn và đần độn. Đó là nguy hiểm - rất tự nhiên thôi: ngồi im lặng, không làm gì, dần dần bạn rơi vào trạng thái đờ đẫn, một kiểu tối dạ. Bạn mất sắc bén, bạn mất sống động, bạn trở nên ngu ngốc. Điều đó có thể xảy ra; người ta phải rất tỉnh táo về việc này.
Trên con đường thứ nhất, người ta phải quan sát sao cho bản ngã không được trỗi dậy. Trên con đường thứ hai, người ta phải quan sát sao cho tình trạng lờ đờ không được khu trú. Nếu tránh được hai cạm bẫy ấy, thế thì bạn có thể đạt tới hoặc qua khẳng định hoặc qua phủ định. Người ta đã đạt tới qua cả hai con đường, thế nên không có vấn đề gì về việc đạt tới; vấn đề là con đường nào sẽ dễ dàng hơn, hòa điệu hơn với bản chất bên trong của bạn - hãy chọn cái đó.
Người ta đã đạt tới qua cả hai con đường, thế nên không có vấn đề gì về việc đạt tới; vấn đề là con đường nào sẽ dễ dàng hơn, hòa điệu hơn với bản chất bên trong của bạn - hãy chọn cái đó.
Phải hiểu đôi điều về con đường của tánh không, bởi Liệt Tử là người theo con đường đó - con đường của phủ định, con đường huyền môn. Trên con đường huyền môn bạn phải một mình - không có khả năng “ở cùng nhau”. Nó là bất hoạt sâu sắc, sâu tới mức chính ý tưởng về hành động phải bị vứt bỏ và từ bỏ. Không ham muốn, không hành động; người ta chỉ phải có ở đó. Sự một mình phải được trải nghiệm. Việc đơn độc phải được trải nghiệm.
Trên con đường khẳng định, Thượng đế luôn cùng bạn, bạn không bao giờ một mình. Bạn lúc nào cũng có thể nói với Thượng đế, lúc nào cũng cầu nguyện Thượng đế, bạn lúc nào cũng có thể hi vọng rằng ngài đang cùng bạn. Ngài ở quanh bạn, ngài nắm tay bạn. Và ngài hiện hữu rất nhiều trên con đường khẳng định. Tay ngài gần như trong tay bạn. Điều đó không chỉ là tưởng tượng - hãy nhớ, nó không phải là ảo giác; nó là như vậy. Khi bạn đã làm mọi điều bạn có thể làm đột nhiên ngài trở nên sẵn có. Bạn không thể làm được nhiều hơn: bạn đã không từ chối, bạn đã làm mọi điều bạn có thể làm, bạn đã đặt toàn bộ bản thân bạn vào công việc, bạn đã đi tới ngưỡng tối đa của bạn - từ khoảnh khắc đó Thượng đế đón nhận. Nhưng người ta phải làm đến ngưỡng tối đa, kém hơn sẽ không có tác dụng. Người ta phải sôi lên đến một trăm độ, thế rồi đột nhiên - sự bốc hơi xảy ra.
Trên con đường khổ hạnh Thượng đế cùng với bạn; bạn không bao giờ một mình, bạn luôn có thể cầu nguyện. Nhưng trên con đường phủ định cầu nguyện là không thể, cầu nguyện không được phép. Cầu nguyện là trở ngại. Nên nhớ điều này nữa: một điều có thể giúp ích cho con đường này lại có thể trở thành trở ngại cho con đường khác. Cầu nguyện là trở ngại. Nếu bạn hỏi người theo con đường phủ định anh ta sẽ nói: “Cầu nguyện nghĩa là bạn còn chưa có khả năng ở một mình; bạn vẫn còn gắn bó với người khác”. Bạn có thể đã vứt bỏ sự gắn bó của mình với vợ, với chồng, với con cái, với bạn bè, với xã hội, nhưng giờ đây bạn đã phóng chiếu một Thượng đế và giờ đây bạn bầu bạn với ngài; mà bạn không thể một mình được. Cầu nguyện nghĩa là bạn vẫn sợ một mình, thế nên bạn tạo ra cầu nối với người khác. Bạn tìm kiếm người khác. Cầu nguyện đơn giản nghĩa là bất cứ lúc nào bạn một mình, bạn không phải một mình mà là bạn cô đơn: bạn thiếu người khác. Trên con đường phủ định, một mình đơn giản là sự chói lọi tuyệt vời nhất trần gian.
Nếu bạn hỏi nhà huyền môn ông ấy sẽ nói cô đơn chỉ là một thời kì. Ở một mình là điều kiện tối thượng. Cô đơn hay cùng nhau là ngẫu nhiên, một mình là cốt yếu. Cô đơn ngụ ý sự tiến hóa hay sự liên tục của trải nghiệm, trong khi một mình nghĩa là thay đổi triệt để, toàn bộ, một trăm tám mươi độ, sự chuyển hóa, một metanoia - thay đổi căn bản. Cô đơn là cách hướng về người khác: bất cứ lúc nào bạn cảm thấy cô đơn bạn đều tìm kiếm người khác dưới dạng này hay dạng khác. Cô đơn là cách hướng về người khác. Một mình là cách hướng về bản thân.
Phải nhớ điều này. Đó là lí do vì sao trên con đường phủ định, thiền có ý nghĩa hơn là cầu nguyện. Thiền là trợ giúp, cầu nguyện là cản trở. Trên con đường khẳng định, cầu nguyện là trợ giúp, thiền không được nói tới chút nào. Đó là lí do vì sao trong Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn giáo, thiền không được phát triển. Thiền hoàn toàn được phát triển nhờ các Phật tử và Đạo nhân - đó là chìa khóa bí mật của họ.
Bạn có thể chia mọi tôn giáo thành hai loại: Ấn giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo - tất cả đều theo con đường qua khẳng định. Phật giáo và Đạo - về cơ bản là phủ định, theo con đường qua phủ định. Ấn giáo và Hồi giáo đã nở hoa tối thượng trong Sufi giáo(5). Đó là sự gặp gỡ của Ấn giáo và Hồi giáo và đóa hoa đẹp thật sự đã nở ra từ sự gặp gỡ này - nó là phối phẩm - Sufi giáo. Nó cao hơn bất cứ điều gì trong Ấn giáo và cao hơn bất cứ điều gì trong Hồi giáo; nó cao hơn cả hai, nó siêu việt hơn cả cha lẫn mẹ. Đứa con đẹp hơn bà mẹ và ông bố - ắt phải thế, bởi lẽ cả mẹ lẫn bố đều hòa tan vào trong nó. Thế nên Sufi giáo là đỉnh cao của khẳng định. Phật giáo và Đạo giáo gặp gỡ và sinh ra Zen (Thiền): đó là điều tốt nhất trên con đường của thiền. Lại đẹp hơn Phật giáo và Đạo giáo, tốt hơn cả cha lẫn mẹ, lại là phối phẩm.
(5) Sufi giáo (Hồi giáo Sufi, hay Hồi giáo Mật tông): tôn giáo có cơ sở là khổ hạnh, mong đạt được nhận thức chân lí tuyệt đối thông qua Tình yêu và sự hòa nhập với Thượng đế.
Sự gặp gỡ của Hồi giáo và Ấn giáo đã diễn ra tại Ấn Độ. Hồi giáo tới Ấn Độ, gặp Ấn giáo và đứa con đẹp đẽ được sinh ra. Sự gặp gỡ của Đạo giáo và Phật giáo đã diễn ra tại Trung Hoa. Phật giáo tới Trung Hoa, gặp Đạo giáo và Zen, đứa con đẹp đẽ được sinh ra. Nếu mọi thứ biến mất khỏi thế gian và chỉ hai thứ còn có thể giữ lại, thì đó là Sufi giáo và Zen, chúng sẽ không mất đi. Chúng là những đỉnh cao nhất, nhưng lại thuộc về hai con đường khác nhau. Sufi giáo không là gì ngoài cầu nguyện thuần túy, zikr, việc nhớ tới Thượng đế, còn Zen không là gì ngoài thiền.
Từ Zen có gốc từ tiếng Bắc Phạn (Sanskrit) dhyana. Đầu tiên từ dhyana trở thành jhana, bởi Phật thường nói tiếng Nam Phạn (Pali) - dhyana là jhana trong tiếng Nam Phạn. Thế rồi từ jhana nó trở thành thiền ở Trung Hoa. Thế rồi nó trở thành Zen khi tới Nhật Bản. Nhưng nó là dhyana, thực chất là dhyana: chỉ là một mình, tuyệt đối một mình, thậm chí không một ý nghĩ nào về bầu bạn. Trong sự một mình đó mọi thứ biến mất. Người ta chỉ là mênh mông, người ta chỉ là không gian - thuần khiết, trong suốt. Trong sự thuần khiết đó người ta đắc ngộ, Thượng đế tới. Khi bạn sẵn sàng để trống rỗng, Thượng đế bước vào. Tín đồ Sufi tìm kiếm Thượng đế. Thiền giả chờ Thượng đế tới.
Trong sự một mình đó mọi thứ biến mất. Người ta chỉ là mênh mông, người ta chỉ là không gian - thuần khiết, trong suốt. Trong sự thuần khiết đó người ta đắc ngộ, Thượng đế tới. Khi bạn sẵn sàng để trống rỗng, Thượng đế bước vào.
Bây giờ là chuyện ngụ ngôn hay này:
Ai đó hỏi Liệt Tử: “Vì sao thầy lại coi trọng trống rỗng? Trong trống rỗng đâu có gì đáng giá”.
Lẽ tự nhiên, trống rỗng thì có thể có giá trị gì? Nó bị buộc tội trên toàn thế giới. Ngoại trừ Đạo nhân và Phật tử, không ai hiểu trống rỗng là gì - nó bị kết tội. Ở phương Tây bạn nói: “Tâm trí trống rỗng là sào huyệt của quỷ dữ”. Còn có sự buộc tội nào kinh khủng hơn thế nữa không? Sào huyệt của quỷ dữ ư? Tâm trí trống rỗng ư? Đạo nhân và Phật tử nói rằng tâm trí trống rỗng mới là mục tiêu.
Khi bạn hoàn toàn trống rỗng, Thượng đế tới. Quỷ dữ chỉ có thể tồn tại với tâm trí hoạt động, không bao giờ với tâm trí bất hoạt. Quỷ dữ chỉ có thể tồn tại với tâm trí bận rộn, không khi nào với tâm trí thảnh thơi. Quỷ dữ chỉ có thể cưỡi trên những ý nghĩ, nó có thể sử dụng ý nghĩ và dục vọng. Làm sao nó có thể sử dụng sự trống rỗng được? Và dường như họ đúng. Hitler không trống rỗng, Thành
Cát Tư Hãn không trống rỗng, Tamerlane cũng không; họ là những người rất hoạt động. Quỷ dữ đã thông qua họ để đi vào thế giới. Bồ Đề Đạt Ma trống rỗng, Liệt Tử trống rỗng, Nagarjuna trống rỗng - quỷ dữ thậm chí không thèm tới gần họ. Chẳng có gì sai lầm từng phát xuất từ những người trống rỗng này, chỉ có cái tốt mà thôi; và chỉ cái tốt nở hoa. Tuyệt vời thay hương thơm của họ. Hàng thế kỉ đã trôi qua mà hương thơm của họ vẫn còn tươi mới như hôm nào.
Thường thì trống rỗng chưa bao giờ được coi là có giá trị, thế nên người hỏi ấy dường như đúng. Ông ta nói: “Vì sao thầy lại coi trọng trống rỗng? Trong trống rỗng đâu có gì đáng giá”.
Loại giá trị gì? Bạn có thể làm gì với cái trống rỗng? Giá trị đi đôi với việc sử dụng. Cố hiểu điều đó: giá trị có được khi cái gì đó là hữu dụng. Làm sao bạn có thể đánh giá thứ không có? Không những nó không hữu dụng, mà nó còn không có - làm sao bạn có thể đánh giá nó được? Song đó lại là cách tiếp cận của phủ định.
Trống rỗng là vĩnh hằng, nó là của tự nhiên, của hiện hữu; nó không phải nhân tạo.
Lão Tử nói: “Căn phòng có giá trị không phải vì những bức tường, mà vì cái trống rỗng bên trong”. Bạn dùng phòng chứ không dùng tường. Tất nhiên, khi xây nhà thì bạn xây tường chứ không phải cái trống rỗng; không ai có thể làm ra cái trống rỗng được. Trống rỗng là vĩnh hằng, nó là của tự nhiên, của hiện hữu; nó không phải nhân tạo. Nhà do người làm ra, không phải cái trống rỗng. Nhưng bạn dùng cái gì? Bạn dùng tường hay bạn dùng không gian bên trong? Từ “phòng” thì tốt: “phòng” nghĩa là không gian. Bạn dùng phòng (room), không gian, “chỗ chứa” (roominess). Bạn đi qua cái gì trong bức tường, đi vào và đi ra? Khung cửa. Cửa thì trống rỗng. “Cửa” nghĩa là trống rỗng, là cái không có - vì thế bạn có thể đi vào đi ra. Bạn dùng cửa, bạn không dùng tường. Và bạn dùng phòng, bạn không dùng tường. Bạn dùng gì khi bạn dùng bình đất nung? Vỏ đất nung hay cái trống rỗng bên trong? Khi bạn tới giếng để lấy nước rồi bạn đem nước về nhà, bạn dùng gì? Cái trống rỗng của bình đất. Cái trống rỗng đó có giá trị và cái trống rỗng đó không do bạn tạo ra.
Đạo nhân nói: “Cái mà không do con người tạo ra là cái có giá trị”. Cái được tạo ra có thể có giá trị tương đối, giá trị thị trường, nhưng thật sự nó không có giá trị - nó không có chút giá trị nào. Thứ con người làm ra là hàng hóa. Tất nhiên, nếu bạn vào chợ và bạn đem bán cái trống rỗng, sẽ chẳng ai mua nó. Không có giá trị gì trong đó và người ta sẽ cười ồ.
Lão Tử đi qua một khu rừng, và khu rừng đang bị đốn. Hàng ngàn thợ mộc đang chặt cây. Thế rồi ông tới gần một cây lớn - một cái cây rất lớn, cả ngàn xe bò kéo có thể nghỉ ngơi dưới bóng mát của nó - nó xanh tốt và đẹp thế. Ông phái môn đệ tới hỏi những thợ mộc vì sao cây này không bị đốn.
Và họ nói: “Nó vô dụng. Ông không thể làm được gì từ nó: không thể làm đồ gỗ, không thể dùng làm chất đốt - nó quá nhiều khói. Nó vô dụng, đó là lí do vì sao chúng tôi đã không đốn nó”.
Rồi Lão Tử nói với môn đệ của ông: “Hãy học cái cây này đi. Trở thành vô dụng như cây này thế thì sẽ chẳng ai đốn các anh”.
Tính vô dụng có giá trị lớn.
Ông nói: “Hãy nhìn và quan sát cây này. Hãy học điều gì đó từ cây này. Cây này thật tuyệt. Hãy nhìn, mọi cây khác đều bị đốn hết. Chúng hữu dụng, vì thế chúng bị đốn. Cây nọ rất thẳng, đó là lí do vì sao nó bị đốn. Nó phải rất bản ngã, rất thẳng, tự hào là ai đó - nó tiêu rồi. Cây này không thẳng, không một nhánh nào thẳng hết. Nó chẳng tự hào chút nào; vì thế nó tồn tại”.
Lão Tử nói với môn đệ của ông: “Nếu các ông muốn sống lâu, hãy trở nên vô dụng”. Nhưng nên nhớ, ngụ ý của ông ấy về từ vô dụng là: đừng trở thành hàng hóa, đừng trở thành đồ vật. Nếu bạn trở thành đồ vật bạn sẽ bị bán và mua ở chợ, và bạn sẽ trở thành nô lệ. Nếu bạn không phải là đồ vật, ai có thể mua bạn và ai có thể bán bạn?
Hãy cứ là tạo vật của hiện hữu, của tự nhiên.
Hãy cứ là tạo vật của hiện hữu, của tự nhiên. Đừng trở thành hàng hóa của con người thế thì không ai có thể dùng bạn được. Và nếu không ai có thể dùng bạn, bạn sẽ có cuộc sống tươi đẹp của riêng bạn - độc lập, tự do, vui vẻ. Nếu chẳng ai có thể dùng bạn, chẳng ai có thể quy giản bạn thành phương tiện. Bạn sẽ không bao giờ bị xúc phạm, bởi trong cuộc sống này không có sự xúc phạm nào lớn hơn là trở thành phương tiện: ai khác sẽ dùng bạn - thể xác bạn, tâm trí bạn, bản thể bạn.
Lão Tử nói: “Trở thành vô thực thể để cho không ai nhìn vào anh và anh có thể sống cuộc sống đúng như anh muốn sống nó. Không ai tới để can thiệp vào anh”.
Có chuyện là đệ tử của Lão Tử, Trang Tử, trở nên rất nổi tiếng và hoàng đế phái quan thượng thư đến mời ông ra làm thừa tướng. Lão Tử giận lắm. Ông nói: “Anh đã phải làm gì đó sai rồi, bằng không sao hoàng đế lại quan tâm tới anh? Anh đã phải chứng tỏ bản thân anh là có chỗ dụng. Anh đã phải bỏ lỡ lời giáo huấn của ta, bằng không làm sao có chuyện hoàng đế lại quan tâm tới anh? Từ nay anh sẽ không bao giờ được thanh thản nữa”.
Hãy là vô thực thể để thậm chí chẳng ai nghĩ rằng bạn có chỗ để lợi dụng. Có cái vô dụng mà cực kì hữu dụng. Lão Tử gọi nó là chỗ dụng của vô dụng. Nhưng chắc chắn là không có giá trị trong đó - ít nhất không phải là giá trị thị trường. Thường thì ai cũng muốn trở thành người có giá trị nào đó - bác sĩ, kĩ sư, họa sĩ, thi sĩ, mahatma - bạn mong muốn trở thành ai đó có giá trị, người không thể thiếu được cho thế gian. Bạn cảm thấy rất hạnh phúc nếu có người tới và nói: “Khi ông ra đi không bao giờ chúng tôi có thể thay thế được ông”. Bạn cảm thấy vô cùng hạnh phúc, nhưng thật ra họ đang nói gì? Họ nói rằng: “Ông là thứ mà chúng tôi đang dùng”.
Bạn càng trở nên không thể thiếu được, bạn càng dễ bị quy giản thành đồ vật, bạn càng mất đi tự do. Nếu bạn có thể chết cứ như thể chẳng có gì xảy ra, nếu bạn biến mất khỏi thế gian và thậm chí không một dấu vết nào lưu lại, thế thì...
Có chuyện một Đạo nhân chết đi và Liệt Tử đến để bày tỏ lòng kính trọng. Song đã có hàng ngàn người tụ tập ở đó rồi. Ông phân vân, rồi quay về mà không bày tỏ lòng kính trọng với người chết lẫn thi hài của người này nữa. Vài người theo ông và họ nói: “Sao thế? Chẳng phải ông đã tới để bày tỏ lòng kính trọng ư - sao ông lại quay về?”.
Ông đáp: “Người này không thể là người của Đạo được. Quá nhiều người đến than khóc, bằng cách nào đó ông ta phải trở thành không thể thiếu được cho cuộc sống của họ. Ông ta đã phải chứng tỏ là mình hữu dụng, bằng không sao những người ấy than khóc cứ như cha họ chết hay mẹ họ chết hay con họ chết? Sao những người ấy lại than khóc vậy? Ông ta hẳn đã không hoàn toàn vô dụng. Phải có chỗ đắc dụng nào đấy - đó là lí do vì sao ta quay về. Ông ta đã không theo lời thầy một cách đúng đắn”.
Cách tiếp cận của họ là nằm chỗ giá trị, giá trị tối thượng, trong việc không là ai hết, trong việc trống rỗng, trong việc không hữu dụng. Khi bạn không hữu dụng cho nhân loại, bạn trở nên vô cùng hữu dụng cho hiện hữu. Thế thì hiện hữu bắt đầu tuôn chảy qua bạn, thế thì bạn trở thành phương tiện - bởi lẽ bạn trống rỗng và nó có thể chảy qua bạn. Bạn trở thành ống trúc rỗng, hiện hữu có thể cất tiếng hát của nó qua bạn. Khi bạn cho phép đôi môi người cất lời ca qua bạn, hiện hữu bị từ chối.
“Trong trống rỗng đâu có gì đáng giá”, người ấy nói, “vì sao thầy lại coi trọng trống rỗng?”.
Liệt Tử đáp: “Giá trị không phải là cái tên dành cho nó”.
Nó giá trị tới mức bạn chỉ có thể gọi nó là vô giá. Giá trị không phải là cái tên dành cho nó. Giá trị nghĩa là hàng hóa, giá trị nghĩa là thứ có thể xác định trong điều kiện sử dụng của con người, thứ có thể trở thành phương tiện mà không phải là mục đích. Mục đích không thể có giá trị theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này. Chẳng hạn, nếu ai đó hỏi bạn “Bạn yêu, nhưng giá trị của tình yêu là gì?”, thì bạn sẽ nói sao?. Bạn sẽ nói “Giá trị không phải là cái tên dành cho nó”. Tình yêu không phải là giá trị theo cùng nghĩa mà chiếc xe có giá trị, ngôi nhà có giá trị. Tiền có giá trị, sức khỏe có giá trị, nhưng còn tình yêu? Tình yêu là tối thượng, là mục đích. Bạn yêu chỉ vì yêu mà thôi. Nó không phải là phương tiện cho bất cứ điều gì khác, nó là mục đích riêng của nó. Giá trị của nó là bản chất, giá trị của nó nằm trong bản thân nó; nó không hướng ngoại.
Nếu ai đó hỏi: “Giá trị của cuộc sống là gì?”. Chắc chắn bạn sẽ nói: “Giá trị không phải là cái tên dành cho nó”.
“Vì sao bạn sống?”. Bạn sẽ nói: “Vì tôi tận hưởng việc sống”. Nhưng giá trị của nó là gì? “Giá trị...” làm gì có. Tất cả những thứ đó là tối thượng, là vô giá trị theo nghĩa bình thường của từ này. Song bởi điều tối thượng ấy, mọi thứ khác đều có giá trị. Thế nên giá trị không phải là cái tên dành cho nó, mặc dầu mọi giá trị đều tồn tại bởi vì nó.
Bạn tới văn phòng, bạn làm việc - điều đó có giá trị. Bạn sẽ nhận một ngàn đô la mỗi tháng. Và thế rồi bạn về và đưa một ngàn đô la cho vợ bạn vì bạn yêu người phụ nữ ấy. Bạn làm việc vì cô ấy, bạn làm việc vì con cái bạn - bạn yêu họ. Tình yêu không có giá trị. Công việc của bạn có giá trị, nhưng cuối cùng mọi thứ có giá trị đều tới dưới chân của cái vô giá trị, hay là vô giá.
Nên nhớ, mục tiêu không thể có giá trị nào. Đó là lí do vì sao Đạo nhân nói rằng cuộc sống không có mục đích. Điều đó làm người ta choáng.
Một hôm một người tới chỗ tôi và hỏi: “Mục đích của cuộc sống là gì?”.
Rồi tôi đáp: “Không có mục đích. Đơn giản cuộc sống là như nó vốn thế”.
Ông ta không thỏa mãn. Ông ta nói: “Tôi từ rất xa tới đây”. Ông ta tới từ Nepal, và ông ta nói: “Tôi đã già rồi, một giáo sư về hưu. Đừng để tôi tay không ra về. Tôi tới chỉ để hỏi một điều: Mục đích của cuộc sống là gì?”.
Rồi tôi nói: “Nếu tôi có thể để ông đi với hai bàn tay trắng thế thì cuộc hành trình của ông đã đạt được mục đích rồi, bởi tay không chính là mục tiêu”.
Ông ta nói: “Đừng nói kiểu câu đố. Cứ bảo tôi, bằng ngôn ngữ rõ ràng, mục đích của cuộc sống là gì?”.
Bấy giờ ông ta không thể hiểu được rằng ông ta đang hỏi một câu hỏi ngớ ngẩn. Cuộc sống không thể có bất cứ mục đích nào, bởi lẽ nếu cuộc sống có bất cứ mục đích gì thì thế nào cũng có thứ giá trị hơn cuộc sống, rồi lại nảy sinh câu hỏi: Mục đích của thứ đó là gì? Nếu ta nói: “Cuộc sống là để đạt tới chân lí”, thế thì chân lí trở thành mục đích thật sự. Nhưng thế thì mục đích của chân lí là gì? Nếu ta nói: “Cuộc sống là để tìm kiếm Thượng đế”, thế thì nảy sinh câu hỏi: “Mục đích của Thượng đế là gì, hay là của việc đạt tới Thượng đế là gì, hay là của việc nhận ra Thượng đế là gì?” Cuối cùng bạn phải vứt bỏ từ mục đích, rốt cuộc bạn phải vứt bỏ nó.
Cuộc sống không thể có bất cứ mục đích nào, bởi lẽ nếu cuộc sống có bất cứ mục đích gì thì thế nào cũng có thứ giá trị hơn cuộc sống.
Phải, giá trị không phải là cái tên dành cho nó, mục đích không phải là cái tên dành cho nó; và nếu bạn hiểu điều sáng suốt này, ánh sáng lớn lao sẽ nảy sinh trong bạn. Cuộc sống không có mục đích và không có giá trị. Tình yêu không có mục đích và không có giá trị. Thượng đế không có mục đích và không có giá trị. Chân lí không có mục đích và không có giá trị. Điều đó nghĩa là Thượng đế, cuộc sống, chân lí, tình yêu, đều chỉ là bốn cái tên cho cùng một thứ. Chúng không khác nhau, bởi lẽ chỉ có thể có một thứ mà không có mục đích nào - mọi thứ khác đều có mục đích bởi vì nó. Nó là cao nhất, đỉnh cao nhất.
Mới tối nọ, một phụ nữ đã nói: “Rất khó cho tôi khi phải cố hiểu điều thầy ngụ ý khi thầy nói ‘Thượng đế’ bởi lẽ tôi không tin vào Thượng đế. Tôi chưa bao giờ tin vào Thượng đế. Tôi muốn hiểu, nhưng khoảnh khắc thầy dùng từ ‘Thượng đế’ có điều gì đó không ổn trong đầu óc tôi - tôi trở nên khép kín”.
Tôi nói với cô ấy: “Bạn hãy làm một điều đơn giản: bất cứ lúc nào tôi nói ‘Thượng đế’, hãy đọc nó là ‘cuộc sống’ - điều đó sẽ có tác dụng. Bất cứ lúc nào tôi nói ‘Thượng đế’, hãy nghe nó thành ‘cuộc sống’ - dịch nó ngay ra thành ‘cuộc sống’.” Cô ấy rất vui lòng.
Chúng ta bị đóng đinh vào ngôn từ quá thể! Nếu tôi nói “Thượng đế” nó khiến ai đó phản đối, nếu tôi nói “cuộc sống” nó sẽ khiến ai khác nữa phản đối. Mà tôi chỉ đổi tên... và, hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng(6), bằng bất cứ cái tên nào nó được gọi. Bạn có thể gọi nó là “hoa nhài” thì hoa hồng cũng vẫn là hoa hồng mà thôi.
(6) Đây là câu nói của nhà văn nổi tiếng Gertrude Stein. Nguyên văn là A rose is a rose is a rose.
Toàn bộ cách tiếp cận của Đạo là ở chỗ chỉ trải nghiệm mới có thể cho bạn manh mối. Câu hỏi có thể được hỏi, câu hỏi có thể được trả lời, nhưng chúng không có giá trị tối thượng.
Chỉ có một thứ là tối thượng. Những người khác nhau có những cái tên khác nhau cho nó. Thứ đó vô giá trị bởi lẽ nó là giá trị tối thượng. Ngoài nó thì chẳng có gì hiện hữu, thế nên nó không thể có giá trị cho thứ gì khác. Bạn không thể dùng được nó như bàn đạp bởi lẽ không có gì ngoài nó; nó là cõi bên kia.
Liệt Tử nói “Giá trị không phải là cái tên dành cho nó. Tốt nhất là tĩnh lặng, tốt nhất là trống rỗng. Trong tĩnh lặng và trống rỗng, chúng ta tìm thấy nơi trú ngụ; Nhận và cho, chúng ta mất chỗ”.
“Tốt nhất là tĩnh lặng”. Giờ đây, thay vì trả lời giá trị là gì hay vì sao trống rỗng có giá trị, Liệt Tử nhấn mạnh vào trải nghiệm. Cách tiếp cận của Đạo nhân về cơ bản mang tính hiện hữu. Họ không tin vào suy đoán và khái niệm trừu tượng. Họ nói: Bạn có thể trải nghiệm nó, thế nên sao lại vay mượn tri thức sang tay? Thật ra Thượng đế không bao giờ có thể sang tay; ngài phải đến trực tiếp. Bạn không thể vay mượn Thượng đế của tôi - Thượng đế của tôi là Thượng đế của tôi. Bạn sẽ phải đến với Thượng đế của riêng bạn. Tất nhiên khi bạn đến được rồi, bạn sẽ thấy rằng Thượng đế của tôi và Thượng đế của bạn là như nhau, nhưng bạn sẽ phải đến theo cách riêng của bạn; nó phải nở hoa trong bản thể của riêng bạn.
Có câu chuyện Đạo:
Tề Hoàn Công ngồi đọc sách trên thư phòng, người thợ đóng xe tên Biển đang đẽo bánh xe dưới sân. Để búa và đục sang một bên, Biển lên gác thưa rằng: “Thần đánh bạo dám hỏi chúa công, ngài đang đọc những lời gì vậy?”.
Công đáp: “Lời của thánh nhân”.
“Những vị thánh nhân đó còn tại thế không?” - Biển tiếp tục.
“Họ chết cả rồi”, - câu trả lời.
“Thế thì,” Biển nói, “những gì chúa công đang đọc chỉ là cặn bã của người xưa mà thôi”.
Công quát: “Sao ngươi, tên thợ đóng xe, dám cả gan bàn về sách ta đọc? Nếu ngươi giải thích xuôi thì tha; bằng không sẽ phải chết. Ta sẽ lấy mạng ngươi”.
Công rất tức giận. Thật quá thể! Một tên thợ đẽo bánh xe dám đến chỗ bậc quân vương mà nói: “Những gì chúa công đang đọc chẳng qua chỉ là cặn bã của người xưa!”.
Người thợ đẽo bánh xe thưa: “Kẻ bề tôi của chúa công nhìn sự việc từ quan điểm nghề nghiệp mà thôi. Khi đẽo bánh xe, nếu thần xuống tay chậm thì động tác nhẹ nhàng nhưng tay nghề không cứng; nếu thần xuống tay mạnh thì cực nhọc mà chỗ nối không khớp. Không quá nhẹ mà cũng không quá mạnh thì tay làm ứng với lòng mong muốn. Nhưng thần không sao nói được cách làm ấy thành lời”.
Không quá mạnh, cũng không quá nhẹ - chỉ vừa đủ, cân bằng...
Rồi người thợ đóng xe nói: “Nhưng thần không thể nói được thành lời bí quyết này, làm sao đạt tới điểm giữa tuyệt đối ấy, giữa nỗ lực và không nỗ lực, giữa làm và không làm. Thần không thể nói được thành lời bí quyết này; có mẹo cho nó, ấy thế mà thần không thể nói ra được. Thần biết nó, ấy thế mà thần không thể nói ra được. Thần có thể truyền mẹo này lại cho con trai - ngay cả với con thần - song con thần cũng không học được. Chẳng có cách nào để dạy mà cũng chẳng có cách nào để học. Học và dạy, dạy và học, chỉ có thể qua sự vật bên ngoài - mà đây lại là cảm giác bên trong. Do đó vấn đề là thần bảy mươi tuổi rồi, mà vẫn phải đẽo bánh xe ở tuổi già. Còn những người xưa ấy đã chết lâu rồi, và những điều họ không thể truyền đạt lại được cũng đã qua lâu rồi. Thế nên, thưa chúa công, những gì ngài đang đọc chỉ là cặn bã của họ mà thôi!”.
Ông ấy nói: “Tôi còn sống, tôi biết mẹo về nó, ấy thế mà tôi không thể truyền đạt nó, tôi không thể chuyển giao tri thức của tôi. Mà tôi còn đang sống và tôi biết, rồi tôi yêu con tôi và tôi muốn có thể dạy cho nó. Tôi đã quá già, bảy mươi tuổi rồi ấy thế mà vẫn phải làm việc. Nếu tôi có thể dạy cho con tôi, tôi sẽ nghỉ hưu. Nhưng nếu trong khi còn sống mà tôi không thể truyền đạt nó, làm sao những vị thánh hiền già nua ấy, những người đã chết lại truyền đạt được điều mà chỉ có thể trải nghiệm? Nó không thể truyền đạt khi thánh nhân còn sống, vậy làm cách nào nó có thể truyền đạt được khi thánh nhân đã qua đời từ nhiều thế kỉ rồi? Chúa công chỉ phí thời gian của mình mà thôi”, ông ấy nói. “Đấy toàn là rác rưởi.”
Ông lão ấy là con người của Đạo. Đạo nhân có những chuyện ngụ ngôn hay như thế: một người thường, một người nghèo, thợ làm bánh xe - không ai biết gì về ông ta - song ông ta thật sáng suốt. Toàn bộ cách tiếp cận của Đạo là ở chỗ chỉ trải nghiệm mới có thể cho bạn manh mối. Câu hỏi có thể được hỏi, câu hỏi có thể được trả lời, nhưng chúng không có giá trị tối thượng. Bạn phải ăn để biết hương vị, bạn phải yêu để biết tình yêu là gì. Không có cách nào truyền đạt nó; đó là lí do tại sao thay vì trả lời Liệt Tử lại nói: “Tốt nhất là tĩnh lặng...”.
Phải, giá trị không phải là cái tên dành cho nó. Hãy tĩnh lặng. Và ông muốn ngụ ý điều gì qua “Hãy tĩnh lặng”? Bạn liên tục dao động, bạn không bao giờ tĩnh lặng. Ngay cả khi bạn ngồi như tượng bạn vẫn đang dao động. Tâm trí bạn liên tục chạy theo mọi hướng, ngọn lửa bên trong bạn không ngớt chập chờn. Nó liên tục đi sang phía này, phía nọ; từ ham muốn này đến ham muốn khác, bạn đang bị kéo và bị đẩy. Khi không có ham muốn - kể cả không ham muốn đạt tới tối thượng - thế thì người ta tĩnh lặng.
Khi không có ham muốn - kể cả không ham muốn đạt tới tối thượng - thế thì người ta tĩnh lặng.
Khi mọi dục vọng bị phủ định, đó là ý nghĩa của qua phủ định. Khi mọi dục vọng bị phủ định, đột nhiên bạn tĩnh lặng. Chẳng có nơi để đi, chẳng có nơi để chuyển. Không gió thổi. Dục vọng là ngọn gió cứ nổi lên trong bạn và khiến ngọn lửa bên trong bạn bị chập chờn, đó là lí do vì sao bạn không tĩnh lặng nổi. Ngay cả trong giấc ngủ bạn cũng không tĩnh lặng. Ngay cả khi bạn ngồi thiền, im lặng đấy, song bạn cũng không tĩnh lặng.
Dục vọng là ngọn gió cứ nổi lên trong bạn và khiến ngọn lửa bên trong bạn bị chập chờn, đó là lí do vì sao bạn không tĩnh lặng nổi.
Mới hôm trước ai đó nói: “Trong thiền ý nghĩ không dừng lại, chúng tiếp tục - thật ra, chúng còn tới nhiều hơn”. Khi bạn bận bịu với đời thường, với cuộc sống hàng ngày, chúng không tới nhiều như thế - bạn bận bịu, bị cuốn hút. Nhưng khi bạn ngồi, không làm gì, thế thì toàn bộ năng lượng của bạn dồn vào ý nghĩ. Thế thì cơn bão lớn trỗi dậy trong bản thể bạn: ý nghĩ rồi ý nghĩ, và đôi khi bạn thậm chí còn không thể tin nổi là có cái loại ý nghĩ như vậy! Kí ức của quá khứ - ba mươi năm trước chuyện gì đó đã xảy ra, đột nhiên nó sủi bọt trở lại. Hoặc là những ý nghĩ về tương lai - vợ bạn có thể còn chưa mang thai thế mà bạn bắt đầu nghĩ “Khi con mình chào đời, mình sẽ cho nó vào học trường nào?”. Những điều không tưởng ấy cứ kéo bạn, đẩy bạn và bạn biết điều ấy là vô nghĩa. Nhiều lần bạn nhận ra và muốn vứt bỏ nó, nhưng đơn giản bạn cảm thấy bất lực.
Ý nghĩ không thể bị dừng lại một cách trực tiếp - hãy hiểu điều đó thật sâu sắc. Để nó chìm sâu vào bản thể bạn: Ý nghĩ không thể bị dừng lại một cách trực tiếp bởi lẽ ý nghĩ không là gì ngoài kẻ hầu của ham muốn. Khi ham muốn còn đó, bạn không thể dừng ý nghĩ lại được. Ông chủ còn đó, kẻ hầu nhất định phải đi theo.
Bạn muốn dừng ý nghĩ ấy lại. Điều ấy thật xuẩn ngốc, đần độn: vợ bạn thậm chí còn chưa mang thai, thế mà bạn lại nghĩ về lúc đứa con lớn lên và sắp vào đại học. Gửi nó tới đại học nào, Cambridge hay Oxford? Rồi bạn phân vân - gửi nó đi đâu? Trường nào là tốt nhất? Rồi đột nhiên bạn nhận ra - vô nghĩa làm sao! Thật là đần độn. Thế thì vì sao nó nảy sinh?
Vấn đề không phải ở bản thân ý nghĩ. Bạn có dục vọng, bạn có tham vọng; trong bạn nhiều điều vẫn còn chưa hoàn thành - bạn muốn hoàn thành chúng thông qua con cái bạn. Đứa con không là gì ngoài việc nhân cách hóa cái tham vọng của bạn. Bạn từng muốn đi học ở Oxford và bạn đã không thể; bạn muốn đi trong hình dạng con mình. Đó là lí do vì sao ý tưởng nảy sinh, ý nghĩ nảy sinh. Ba mươi năm đã trôi qua và cái gì đó đột nhiên trồi lên bề mặt. Chẳng có gì đột nhiên cả, chẳng cái gì là vô nguyên cớ trong tâm trí. Nếu nó nảy sinh, điều đó nghĩa là có gì đó trong nó; bạn không thể đơn giản gọi nó là ngu xuẩn và vứt nó đi được. Ba mươi năm trước ai đó đã xúc phạm bạn và nó vẫn chưa lành; vết thương vẫn còn đau. Ngồi im lặng, cơn đau trỗi lên bề mặt. Bận bịu với cả ngàn lẻ một việc của thế gian và bạn quên mất nó, nhưng khi bạn không bận, vết thương lại toác ra. Vết thương bắt đầu gửi thông điệp cho bạn: “Làm gì đó cho tôi đi chứ. Tôi vẫn còn đau. Tôi hãy còn chưa lành. Làm gì đó cho tôi đi!”. Bao nhiêu lần vết thương tự nó đã lộ ra cho bạn, rồi bao nhiêu lần bạn đã quyết định báo thù hay làm gì đó? Và nó cứ lặp đi lặp lại, và bạn vẫn còn ham muốn trả đũa kẻ thù đã xúc phạm bạn.
Vấn đề không phải ở ý nghĩ, vấn đề là dục vọng. Cứ phân tích ý nghĩ của bạn và bạn bao giờ cũng thấy rằng ý nghĩ là kẻ hầu, và ẩn nấp đâu đó là ông chủ, được kẻ hầu bảo vệ. Giết ông chủ và kẻ hầu biến mất. Cứ giết kẻ hầu rồi chẳng có gì xảy ra - ông chủ sẽ vẫn mang theo kẻ hầu mới. Chừng nào còn sống, ông chủ vẫn tiếp tục mang theo kẻ hầu mới; bạn có thể cứ giết hết những người cũ, ông ta sẽ cung cấp những kẻ mới.
Tự thân ý nghĩ không bao giờ dừng lại được. Chúng chỉ dừng lại khi tâm trí ham muốn biến mất. Đó là ý nghĩa của “Tốt nhất là tĩnh lặng”. Đó là cách Đạo nhân nói về việc đừng ham muốn. Vì thế họ nói rằng thậm chí ham muốn biết Thượng đế, đạt tới Thượng đế, là rào cản. Chỉ tĩnh lặng, không dục vọng, cứ như thể không phải làm gì, cứ như thể chẳng có gì xảy ra. Tuyệt đối không hi vọng, bởi lẽ hi vọng không là gì ngoài tên gọi mới của dục vọng. Hi vọng là cái tên gọi mĩ miều của dục vọng. Dục vọng là cái tên hơi xấu xa, dục vọng thì hơi trần trụi, lõa lồ. Hi vọng là dục vọng được khoác lớp áo. Đừng hi vọng nữa. Chẳng có gì xảy ra đâu. Chưa từng bao giờ có gì xảy ra. Không có tương lai, thế nên hãy vứt bỏ mọi tham vọng. Chỉ khoảnh khắc này tồn tại, cho nên đừng đổ xô đi đây đó; nó vô nghĩa, loạn thần kinh, điên khùng. Chỉ thanh thản trong khoảnh khắc này, chỉ hiện hữu mà thôi. Đó là ý nghĩa của “Tốt nhất là tĩnh lặng”.
Chỉ khoảnh khắc này tồn tại, cho nên đừng đổ xô đi đây đó; nó vô nghĩa, loạn thần kinh, điên khùng. Chỉ thanh thản trong khoảnh khắc này, chỉ hiện hữu mà thôi. Đó là ý nghĩa của “Tốt nhất là tĩnh lặng”.
Và khác biệt này phải được hiểu. Nếu bạn tới gặp một yogi, ông ấy sẽ bảo bạn cách tĩnh lặng. Ông ấy sẽ bảo bạn tư thế nào sẽ giúp bạn tĩnh lặng, cách thở, theo nhịp điệu nào tĩnh lặng sẽ dễ dàng hơn, liệu nhắm mắt hoàn toàn hay chỉ nhìn vào chỏm mũi bạn. Ông ấy sẽ cho bạn chỉ dẫn, hướng dẫn, ông ấy sẽ cung cấp cho bạn đồ hình.
Đạo nhân không có đồ hình nào hết. Họ nói nếu bạn thử tư thế đặc thù rồi bạn nhìn vào mũi mình rồi bạn thở theo cách nào đó, bạn sẽ áp đặt một thứ tĩnh lặng nào đó nhưng nó sẽ không thực. Nó được trau dồi, nó là thứ được thực hành, nó là giả. Tĩnh lặng thật sự chẳng liên quan gì tới bất cứ thực hành nào. Tĩnh lặng thật sự không tới từ bài tập. Tĩnh lặng thật sự tới từ hiểu biết rằng ham muốn là vô tích sự.
Cố hiểu điều này. Trong Đạo giáo không có bài tập. Họ không có gì giống như Yoga sutras của Patanjali(7). Họ không có “tám nhánh của Yoga”. Họ không bảo bạn tư thế nào, kỉ luật nào, kiểu đạo đức nào... ăn gì, không ăn gì, khi nào đi ngủ và khi nào thức dậy buổi sáng. Họ không bảo bạn gì hết, bởi lẽ họ nói tất cả những chỉ dẫn ấy có thể cho bạn trải nghiệm sai về tĩnh lặng; chúng có thể áp đặt sự tĩnh lặng.
(7) Patanjali là tác giả của cuốn Yoga sutras – cuốn sách chỉ ra cách tiếp cận hiện đại về Yoga. Do đó, ông cũng được xem là cha đẻ của yoga hiện đại.
Và phải hiểu điều này. Khi bạn ngồi theo tư thế nào đó bạn có thể giúp tâm trí trở nên tĩnh lặng thêm chút ít. Nếu thân hoàn toàn tĩnh lặng, tâm trở nên tĩnh lặng chút ít bởi tâm và thân không phải là hai thứ; sự phân chia là không rõ ràng. Tâm và thân được nối với nhau. Thay vì nói bạn là tâm trí và thân thể, bạn là tâm-thân - một từ thôi. Chữ “và” không đúng - bỏ nó đi. “Tâm-thân”... “tinh thần thể xác”. Tâm trí là thân thể trong tận cùng và thân thể là tâm trí ngoài cùng nhất của bạn. Thế nên khi thân thể tĩnh lặng, lẽ tự nhiên rung động nào đó của tĩnh lặng cũng tới tâm trí tận trong cùng; nó tạo ra cơ sở vật lí và bạn cảm thấy tĩnh lặng chút ít.
Hãy thử nó theo một cách khác. Khi bạn giận dữ bạn làm gì? Bạn nghiến răng, bạn siết chặt nắm tay. Vì sao? Bạn không thể chỉ giận mà không nghiến răng và siết nắm tay ư? Một hôm nào đó hãy thử: cứ giận mà không siết nắm tay, không nghiến răng. Vẫn thư giãn cơ thể và thử nổi giận xem, bạn sẽ thấy là không thể được. Làm sao bạn có thể giận mà không có sự trợ giúp của cơ thể? Thế rồi một ngày nào đó bạn hãy thử: không giận gì hết, siết nắm tay và nghiến răng - chỉ biểu lộ cử chỉ của giận dữ, rồi đột nhiên bạn sẽ thấy một thứ giận dữ nào đó nảy sinh trong bạn. Bạn có thể trở nên giận dữ chỉ bởi việc tạo ra những triệu chứng - đó là điều những diễn viên làm. Diễn viên phải hành động trong những khoảnh khắc khi anh ta có thể không cảm thấy giận dữ mà lại phải giận dữ. Anh ta được giả định làm gì? Anh ta sẽ làm gì đó với phần thân thể, và phần tâm trí nấn ná với nó. Anh ta không cảm thấy hạnh phúc, nhưng anh ta phải làm gì đó với phần thân thể; anh ta tỏ vẻ hạnh phúc, và một loại hạnh phúc đi theo sau nó.
Thân và tâm đi cùng nhau. Đạo nhân nói phải hiểu điều này, bằng không bạn sẽ tạo ra tĩnh lặng giả tạo. Tĩnh lặng được tạo ra do tư thế thân thể không phải là tĩnh lặng thực; nó là mẹo. Nó gần tương tự như hóa chất khi bạn uống thuốc an thần; nó là thuốc.
Nếu bạn cứ nhịn ăn bạn sẽ cảm thấy rất yên tĩnh bởi vì hóa chất trong thân thể biến đổi: thân thể có ít việc phải làm, được thảnh thơi hơn; dạ dày không có gì để làm, được thảnh thơi hơn. Và khi dạ dày không có gì để làm, năng lượng được giải tỏa nhiều hơn từ dạ dày hướng lên đầu. Như bạn biết - khi bạn ăn quá nhiều, đột nhiên bạn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ bởi dạ dày lấy mọi năng lượng trong người để tiêu hóa thức ăn. Cái đầu không quá quan trọng - nó là thứ xa xỉ - thế nên khi dạ dày cần năng lượng, năng lượng đi tới dạ dày và phải rời khỏi đầu ngay lập tức. Đó là lí do vì sao bạn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ rồi mắt bắt đầu nhắm lại rồi bạn bắt đầu ngáp. Đơn giản điều đó nói lên rằng năng lượng đã bị lấy khỏi đầu để chuyển tới dạ dày. Bạn rơi vào giấc ngủ.
Bạn có quan sát không? Khi bạn ăn không no, giấc ngủ khó đến, bởi lẽ khi dạ dày không có gì để làm, năng lượng được giải thoát. Lập tức năng lượng đi lên đầu và ở đó nó bắt đầu làm việc rồi tưởng tượng rồi suy nghĩ.
Thế nên khi một người nhịn ăn, sau ba hoặc bốn ngày anh ta cảm thấy rất yên tĩnh. Nhưng đấy là biến đổi hóa học, nó không phải là yên tĩnh thực sự. Cho anh ta thức ăn và nó sẽ biến mất. Đấy là kiểu biến đổi gì chứ? Nếu một người cứ nhịn ăn trong nhiều ngày anh ta sẽ cảm thấy hoàn toàn không ham muốn tình dục trong người, brahmacharya. Đó là giả tạo, bởi lẽ thức ăn phải cung cấp năng lượng dục. Nếu thức ăn không được cấp cho thể xác, năng lượng dục không được tạo ra, năng lượng dục biến mất. Sau ba tuần nhịn ăn, đàn ông sẽ hết quan tâm đến đàn bà và đàn bà sẽ hết quan tâm đến đàn ông. Đó là điều đã đánh lừa nhiều người. Thế thì họ nghĩ họ đã đạt tới brahmacharya(8), không cần lập gia đình. Đấy không phải là brahmacharya - nó là một dạng bất lực. Họ đã mất khí lực, họ đã mất sinh khí. Và khi họ trở nên sợ thức ăn, thế thì họ không thể ăn ngon miệng, bởi vì khoảnh khắc họ ăn ngon miệng, năng lượng lập tức được cung cấp cho cơ quan sinh dục và ham muốn tình dục lại trỗi dậy.
(8) Thường được người phương Tây hiểu là độc thân, không có đời sống tình dục.
Đạo là cách tiếp cận hoàn toàn khác. Nó không nói phải trau dồi, nó nói phải hiểu biết.
“Tốt nhất là tĩnh lặng...” Qua hiểu biết. Qua giác ngộ.
Trống rỗng nghĩa là: Vứt bỏ mọi thứ bạn đã làm, quên đi mọi thứ bạn đã làm. Quên đi quá khứ - chính vì quá khứ mà bạn cảm thấy bạn là ai đó.
“Tốt nhất là trống rỗng. Trong tĩnh lặng và trống rỗng, chúng ta tìm thấy nơi trú ngụ...”
Trong trống rỗng và tĩnh lặng... Trống rỗng là gì? Trống rỗng nghĩa là bạn không có. Thường thì ý tưởng bạn là ai đó chẳng là gì ngoài sự tích lũy mọi hành động của bạn. Bạn đã làm điều này, bạn đã làm điều nọ, bạn đã giành được giải thưởng, bạn đã thành công trong kinh doanh, bạn có số dư ngân hàng lớn, bạn nổi tiếng, bạn là tác giả của nhiều cuốn sách; bạn đã làm nhiều thứ. Những thứ đó cùng làm cho bạn trở thành ai đó. Trống rỗng nghĩa là: Vứt bỏ mọi thứ bạn đã làm, quên đi mọi thứ bạn đã làm. Quên đi quá khứ - chính vì quá khứ mà bạn cảm thấy bạn là ai đó. Nghĩ mà xem: Nếu quá khứ của bạn đơn giản có thể bị gột rửa đi vào chính khoảnh khắc này, bạn sẽ là ai? Nếu chính khoảnh khắc này, bằng phép màu nào đó, quá khứ của bạn có thể bị vứt bỏ, bạn sẽ là ai? Bạn sẽ không biết bạn là ai. Thế nên bất luận bạn là gì, đều là quá khứ của bạn. Và bằng “trống rỗng” Đạo nhân ngụ ý hãy vứt bỏ quá khứ. Một khi bạn được ngắt khỏi quá khứ của bạn, bạn trống rỗng. Thế thì bạn không biết bạn là ai, bởi mọi ý tưởng bạn có về bản thân bạn đều từ quá khứ, do quá khứ tạo ra. Thiền tưởng về sự kiện này đi. Nếu quá khứ không có đó, thế thì bạn là ai?
Raman Maharshi hay bảo môn đệ của ông chỉ thiền tưởng một điều: Tôi là ai? Nếu bạn cứ thiền về câu mật chú đơn giản này: Tôi là ai? sớm hay muộn bạn sẽ hiểu rằng bạn chẳng là ai hết. Bạn không là thân, bạn chẳng là tâm; không là con của ai đó, chẳng là cha của ai đó; không giàu, chẳng nghèo. Bạn không là ai cả.
Song nghĩa thâm sâu của nó là bước đi với Đấng Tối cao.
Ngày bạn trở thành cái không, bạn đã đi tới biết được bạn là ai. Bạn là cái không đó.
Ngày bạn trở thành cái không, bạn đã đi tới biết được bạn là ai. Bạn là cái không đó.
“Tốt nhất là trống rỗng. Trong tĩnh lặng và trống rỗng, chúng ta tìm thấy nơi trú ngụ...”
Trong trống rỗng là nhà bạn. Bạn trở thành ngôi đền, điện thờ. Trong trống rỗng bùng cháy ngọn lửa tâm thức của bạn, và ngọn lửa đó là ngọn lửa của tín ngưỡng, của Đạo. Đấy là qua phủ định.
“Nhận và cho, chúng ta mất chỗ.”
Khoảnh khắc bạn bắt đầu nhận và cho - làm cái này, không làm cái nọ, quan hệ, kết nối với mọi người - bạn đánh mất chỗ của bạn, bạn làm mất ngọn lửa bên trong bạn, bạn làm mất tiếp xúc bên trong bạn. Điều này chỉ như thế lúc đầu. Liệt Tử đang nói với người dò hỏi mới; vì thế ông nói điều này. Ban đầu điều đó sẽ xảy ra. Bất cứ lúc nào bạn một mình, tĩnh lặng, thanh thản, im lặng, đột nhiên bạn sẽ được định tâm, tiếp đất; bạn sẽ cảm nhận được niềm vui vô tận của việc không hiện hữu, của việc không là ai cả. Tánh không của bạn sẽ chói sáng, nó sẽ tràn đầy ánh sáng, hương thơm, ân sủng và cái đẹp.
Bất cứ lúc nào bạn một mình, tĩnh lặng, thanh thản, im lặng, đột nhiên bạn sẽ được định tâm, tiếp đất; bạn sẽ cảm nhận được niềm vui vô tận của việc không hiện hữu, của việc không là ai cả.
Nhưng lúc đầu nó sẽ xảy ra lặp đi lặp lại, vào khoảnh khắc khi bạn liên hệ với ai đó, nó sẽ bị mất; bạn sẽ mất không gian bên trong của bạn. Nguy hiểm là ở chỗ bạn có thể trở nên sợ quan hệ. Lúc đầu sợ là đúng, nhưng nếu nó trở thành thói quen và nỗi sợ bị ăn sâu, thế thì nó nguy hiểm. Nguy hiểm đó từng xảy ra trong quá khứ ở phương Đông. Nhiều người trở nên sợ quan hệ: Phật tử trốn chạy khỏi cuộc sống, Đạo nhân trốn lên Himalayas hay lên núi để khỏi phải tiếp xúc bởi vì, “Nhận và cho, chúng ta mất chỗ”.
Nhưng đó không phải là ngụ ý của Liệt Tử. Ông nói: “Phải, nhận và cho, khi chúng ta tới chợ, thiền tưởng bị mất. Đầu tiên đạt tới thiền, thế rồi lặp lại nữa và ngày càng trở nên tỉnh thức hơn, để bạn có thể trở nên có khả năng một ngày nào đó vừa vẫn liên hệ với người khác mà vẫn ở một mình; vừa ở giữa chợ mà vẫn như không ở đó; vừa ở giữa đám đông mà vẫn như ở một mình”. Điều đó là cao nhất. Điều đó không thể nói với người mới nhập môn. Điều đó xảy ra chỉ khi người ta đã trở thành bậc thầy.
Với người mới nhập môn Liệt Tử nói: “Thế thì anh sẽ biết anh là ai, và rồi đột nhiên anh sẽ thấy cứ nhận và cho anh lại mất rồi lại mất”. Bạn thu được điều gì đó, thế rồi khoảnh khắc đó bạn kết nối, quan hệ - trong mối quan hệ với vợ, với chồng, với con, với thị trường, với khách hàng, với ông chủ - bạn đánh mất nó. Điều đó lặp đi lặp lại; bất cứ lúc nào bạn thấy có thời gian, lại nối bản thân bạn với bản thân bạn. Dần dần, dần dần... chậm rãi, một ngày nào đó bạn sẽ thấy bạn có thể đứng giữa chợ và bạn vẫn còn một mình và im lặng như ở bất cứ nơi nào khác. Thế thì bạn đã thành hoa sen; bạn ở trong nước mà nước không chạm đến bạn.
Trước tiên hãy phát triển, hãy tiến hóa - thứ mà trong tiếng Phạn gọi là shunya - số không, sự trống rỗng. Thế rồi đem nó vào thế giới. Bạn sẽ mất đi mất lại nó, đúng thế, song vì điều đó đừng cố chạy trốn khỏi thế giới, đừng trở thành kẻ trốn chạy. Đó là thử thách. Và đỉnh cao nhất đạt tới chỉ khi không ai có thể quấy rầy không gian bên trong bạn - không người nào, không tình huống nào có thể quấy rầy nó. Thế thì lần đầu tiên bạn đã trở thành người sở hữu nó. Thế thì bạn là người sở hữu và bạn bị nó sở hữu. Thế thì nó là của bạn, thật sự là của bạn. Nhưng nếu điều gì đó có thể lấy nó đi, thế thì nó vẫn chưa hoàn toàn là của bạn. Bạn đã chạm tới nó, nhưng bạn còn chưa là người sở hữu.
Tôi muốn kể bạn nghe một chuyện vui:
Ở một đất nước xa xôi có một nhà phát minh tài ba, khá gàn dở với những chiếc ti vi. Trong quá trình thí nghiệm ông ta chế tạo ra một loại gương tâm trí, mà ông ta gọi là kính tâm lí, qua đó người ta có thể nhìn thấy cái tôi tâm trí của mình rõ như có thể thấy thân thể vật chất của mình khi nhìn vào gương.
Sau khi công cụ này được hoàn thiện, một công ti đã tổ chức sản xuất nó, và cả nước tràn ngập quảng cáo về nó. Chẳng mấy chốc nhà máy đầy ắp đơn đặt hàng. Những bà vợ mua tặng những ông chồng - lưu ý nhé, vợ mua tặng chồng - rồi chồng mua tặng vợ và cha mẹ vợ. Cha mẹ mua tặng con cái, rồi thậm chí con cái cũng mua tặng cha mẹ. Người chủ đặt hàng với số lượng lớn để tặng nhân viên. Được biết, hay có thể đấy chỉ là tin đồn, chỉ duy nhất một cá nhân rất chu đáo trong cả nước, nghe chuyện thế đã thú nhận là anh ta mua một chiếc cho chính mình dùng. Nhà phát minh tự hào thấy bản thân mình trở nên giàu có; hàng triệu thiết bị đã được bán ra.
Thế rồi, cũng với sự đột ngột tương đương, doanh số bán hàng sụt giảm rồi tụt xuống số không. Những nhà điều tra nghiên cứu được phái đi để sục sạo khắp cả nước và báo cáo rằng trong những hiệu cầm đồ tràn ngập kính tâm lí, trong khi đó hàng ngàn chiếc không hiểu sao bị vỡ, hoặc được tìm thấy trong những thùng rác một cách bí ẩn.
Trong cơn tuyệt vọng nhà phát minh tự đặt cho mình một nhiệm vụ mới. Ông ta đảo ngược nguyên lí của công cụ này theo cách nó sẽ lí tưởng hóa cái tôi được phản chiếu. Trong đó mỗi cá nhân thấy bản thân mình không như nó vốn thế, mà nó hiện ra như anh ta muốn - lỗi lầm của anh ta được mạ vàng và tô hồng, rồi cái xấu được đánh bóng bằng sự hồn nhiên. Nghe đồn, cuối năm công ti công bố chia cổ tức là năm mươi phần trăm.
Hầu hết chúng ta đều không muốn thấy bản thân mình như nó vốn thế, hoặc không muốn nhìn vào tấm gương tâm trí lần thứ hai. Song những ai sẽ xác nhận những ảo tưởng mà chúng ta ấp ủ trong bản thân mình, lại là người có thể có được bất cứ thứ gì đáng có.
Trống rỗng là đi vào không gian nơi bạn sẽ thấy bản thân mình như nó vốn thế.
Nên nhớ, trống rỗng là đi vào không gian nơi bạn sẽ thấy bản thân mình như nó vốn thế. Đó là lí do vì sao người ta sợ: họ không muốn đi vào không gian bên trong đó. Họ có những hình ảnh lí tưởng của họ, những hình ảnh về cái tôi của họ, thật mĩ miều, được tô điểm. Họ sợ là nếu họ đi vào, những hình ảnh đó sẽ sụp đổ - chúng nhất định sẽ sụp đổ và biến mất bởi lẽ chúng giả tạo và chúng không thể là hiện thực. Vì thế không ai đi vào. Tất cả bậc thầy trên thế gian, dù theo con đường khẳng định hay theo con đường phủ định - mọi bậc thầy đều nhấn mạnh một điều là bạn phải tới thực tại của bạn như nó vốn thế. Nhưng không ai nghe theo họ. Kể cả khi người ta muốn biết mình là ai, họ vẫn nuôi hi vọng rằng họ giống như cái tôi mà họ phóng chiếu. Một khi họ bắt đầu việc đó, nó trở nên khó khăn - cái xấu nảy sinh; cảm thấy ô trọc, sân giận khủng khiếp, căm thù, ghen tức. Toàn bộ địa ngục vỡ tung và người ta thấy sợ, rồi người ta đổ xô ra, rồi lại bám víu vào cái tôi lí tưởng.
Điều đó thật rẻ tiền. Nên nhớ, người ta phải biết bản thân mình như nó vốn thế. Vứt bỏ mọi lí tưởng về bản thân bạn đi. Chúng đẹp đẽ nhưng chúng độc hại; chúng là những ảo tưởng. Trừ phi bạn vứt bỏ những lí tưởng về bản thân bạn, những hình ảnh mà bạn đã tạo ra từ sự bất lực của mình để che giấu, để khoác mặt nạ cho thực tại của bạn... Hãy vứt bỏ những mặt nạ đó, hãy tĩnh lặng, hãy trống rỗng, rồi soi vào trong bản thể bạn, dù nó có là gì chăng nữa. Lúc đầu nó sẽ gần như là một trải nghiệm của địa ngục, nhưng đó là cái giá chúng ta phải trả. Nếu bạn đủ dũng cảm và nếu bạn có thể kiên trì, chẳng mấy chốc địa ngục biến mất, mây mù tan đi, và mặt trời chói rọi trên bầu trời không một gợn mây. Thế thì bạn đã tới thiên đàng bên trong bạn rồi đấy.
Cả địa ngục lẫn thiên đàng đều ở trong ta. Địa ngục là chu vi của bạn, thiên đàng là trung tâm của bạn. Bạn là tâm lốc xoáy. Đạo nói rằng thật sự chẳng cần phải làm gì. Người ta chỉ cần xuyên thấu vào bản thể của chính mình.
Cả địa ngục lẫn thiên đàng đều ở trong ta. Địa ngục là chu vi của bạn, thiên đàng là trung tâm của bạn. Bạn là tâm lốc xoáy. Đạo nói rằng thật sự chẳng cần phải làm gì. Người ta chỉ cần xuyên thấu vào bản thể của chính mình.