Người tình 142
Đang sức dài vai rộng Hướng lại tự trói mình trong căn nhà hai chục mét vuông này giữ chân nhân viên bưu điện văn hoá thôn. Cái sự tự trói mình đã bao hàm suy nghĩ dẫn đến sự tình nguyện cao lắm rồi. Đấy là nói về bản thân. Còn ông trưởng thôn có cách nghĩ khác. Ưu tiên quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Địa phương có trách nhiệm bố trí công việc để xây dựng thành cán bộ kế cận. Mấy nhà có con gái không được bố trí vào vị trí ấy lại nói: Họ co kéo nhau, con vua lại làm vua, con dân cứ làm dân cổ cày vai bừa truyền kiếp. Nay mai được vào đảng, làm ông thôn ông xã liệu có ngồi mãi ở bưu điện thôn được không. Cả huyện cả tỉnh này có đâu để đàn ông con trai làm bưu điện như ở đây không. Thế mới biết bách nhân bách khẩu. Cùng một sự việc mỗi người nói một phách, ông nói gà, bà nói vịt. Còn Hướng bây giờ phải nhìn đời trôi qua cửa. Sáng dậy sớm xách nước để vệ sinh cá nhân, rồi vệ sinh phòng ngủ, phòng làm việc. Quét nhà sạch như lau. Lau chùi bàn, ghế, tủ sáng như mới. Thay dấu ngày. Và hồi hộp mở thùng thư. Không biết hôm nay đã có thư chưa. Có dễ cả tuần rồi chưa có lá thư nào. Thời buổi văn minh điện thoại, internet, chả mấy ai nhớ đến phương thức gửi thư. Chẳng còn đâu cảnh cắn bút rặn ra chữ “Hôm nay trời đẹp mây cao. Buồn không tả xiết anh ngồi vào viết thư” nữa. Sau đó cộng sổ. Tiền lương phụ thuộc vào số cuộc gọi điện thoại, nghĩa là bát cơm đầy hay vơi của Hướng hoàn toàn do khách đơm. Khách còn trên cả thượng đế. Vậy mà lâu nay, người năng xới cơm cho Hướng lại là một cô gái. Tại sao không phải là mình xới cơm cho em, lại cứ phải để em xới cơm cho mình? Hướng lẩn thẩn nghĩ để tự cười nhạo mình. Và một ngày mới chờ em đến xới cơm bắt đầu. Hướng mở cuốn “101 bức thư tình” ra đọc.
- Chú, cho cháu gọi điện.
Lại chú rồi. Nhưng thôi, em thích gọi tôi là gì cũng mặc, với tôi, em cứ là em kia mà. Cũng như tụi trẻ lớp mẫu giáo kia, nhiều đứa phải gọi mình là ông theo vai vế họ hàng, vậy mà chúng đua nhau gọi mình là chú theo bố cũng đã sao. Hướng gạt cuốn sách đang đọc ra, cầm sổ TH2 ra hỏi:
- Số nào?
- Vẫn số ấy ạ.
Dù Hướng đã biết rõ số em cần gọi nhưng vẫn cứ hỏi lại:
- Một bốn hai hả?
- Vâng. Cháu chỉ gọi số này cả đời thôi, chú không sợ nhầm đâu, lần sau đừng hỏi nữa nhé.
Hướng cẩn thận bấm số. Số di động mạng Vinaphone dài mười ký tự của khách mà anh thuộc làu. Các ngón tay tự chạy trên mặt bàn phím.
- A, có chuông rồi. Lại bận. Chờ một lát vậy.
Em ngồi chưa chạm ghế đã giục:
- Chú bấm đi. Cứ bấm liên tục vào. Nó chơi điện tử đấy.
Cũng may bưu điện tỉnh cấp cho loại máy Panasonic hiện đại, có bộ nhớ, chỉ việc ấn nút Redial số đang gọi chưa bấm sang số khác lại hiện lên và giục chuông đầu bên kia. Vẫn bận. Hướng rất ngại gọi số 142 này. Có lần em phải chờ đến nửa giờ mới được người ta hạ cố nghe. Biết là em chờ nhưng chưa bao giờ hắn gọi lại. Hướng đã quen, cứ một phút bấm REDIAL một lần. Đôi khi có chuông đổ, em chạy vội vào buồng đàm thoại, nhưng lại có tín hiệu máy bận liền. Em luôn tin hắn buồn chán nên chơi điện tử. Chơi ham lắm, dở ván không dừng được. Em cứ sốt ruột chờ mà cổ động từ xa vậy.
- Hay chú nghe nhầm, để cháu nghe xem nào.
- Đây, xin mời.
- ừ, tút tút, bận thật, chơi mãi.
- Chuông máy bận tín hiệu nhanh, chuông máy chờ nghe đằm, sâu và tín hiệu dài cơ.
Em lại ngồi chờ. Nhấp nhổm ếch bày sàng. Mắt dán vào miệng Hướng, chờ nghe câu “A, có chuông rồi”. Hướng liếc vào sổ đăng ký, đã 42 phút trôi qua.
- Có chuông rồi đấy.
Em lao vào buồng đàm thoại. Giả sử hắn đứng đó, cam đoan em sẽ vồ lấy vít cổ hắn mà hôn hít tới tấp. Cái buồng đàm thoại nhỏ nhoi cắt rời hai khối không khí thành buồng hạnh phúc của em kìa. Lạ thế, chỉ cần được nghe tiếng của hắn, em lập tức thành người khác hẳn. Vẻ mặt em rạng rỡ. Ngực em dướn lên. Người em ưỡn căng về phía trước. Nhìn miệng em, Hướng như nghe được từng lời: “Anh à, em đây, em đây. Vừa mới sáng ra đã chơi điện tử rồi. Bấm chuông liên tục gần một giờ lúc nào máy cũng bận. Thử thách. Em nhớ muốn chết rồi đây này. Còn anh chỉ mải chơi thôi còn nói là thử thách. Chán thì nói là chán. Thôi nhé. A lô! A lô! Buồn vì không có việc á? Sao không đi tìm việc đi. Kêu buồn mà lại không nghe em gọi ngay. Còn chơi nốt ván cơ. Thôi nhé. Bỏ nhé. Bỏ cũng được. Em sẽ đong nước mắt gửi cho anh. Em đã xác định chỉ lấy anh nên em phải quan tâm. Em đặt mua báo Lao Động để tìm việc cho anh đây. Anh càng sớm có việc thì mình càng sớm được ở bên nhau. Không được. Không có việc thì nuôi vợ nuôi con làm sao được. Không sợ hết tiền gọi điện. Em sắp đi làm công ty rồi. Tiền lương em chỉ dành để nghe anh nói thôi. Mỗi ngày không nghe anh vài lần nhớ không chịu nổi. Anh nhúc nhích đi tìm việc đi. Chơi nhiều nó ươn người ra đấy. Ngày nào em cũng kiểm tra xem anh đã đi làm chưa. Vâng, em sốt ruột. Thế mà không biết, sốt ruột vì lâu được ở bên anh đó. Lần sau để em chờ là em phạt đấy”.
Em bước vội ra khỏi buồng đàm thoại, mặt đẫm mồ hôi như vừa vã nước.
- Của cháu nhiều không? Không đủ tiền là gay đấy.
- ít hơn hôm qua. Hình như chuyện mỗi ngày một vãn rồi.
- Không đâu. Tiết kiệm dành tiền lo việc làm đấy. ở đây chú chả có báo gì hay cả.
- Báo nào chả hay. Thế cô cần loại báo nào?
- Báo có mục tìm việc làm ấy.
- Báo tỉnh có thông báo tuyển người đấy.
- Đâu cho cháu xem nhờ với.
Em giở báo ra tìm mục thông báo tuyển người, rồi lắc đầu: Không hợp với anh ấy nhà cháu.
“Anh ấy nhà cháu”, nghe tự nhiên như vợ chồng rồi ấy. Hướng tự cảm thấy mình già như vai ông chú của em vậy. Thực ra Hướng chỉ hơn em chừng gần chục tuổi chứ mấy. Mà vẫn lính phòng không chứ nào đã từng trải gì đâu. Thực ra Hướng từng rung động trước một người con gái, từa tựa như là yêu, nhưng chỉ là rung động một chiều thôi. Đó là hồi mới nhập ngũ, mãn khoá huấn luyện tân binh, Hướng được điều về Ban chính trị trung đoàn. Căn phòng Hướng ở có cửa sổ mở ra đúng hướng nhà văn thư bảo mật. ở đó có chị thiếu uý ngày ngày cặm cụi làm việc. Việc ai nấy làm, Hướng và chị chưa một lần gật đầu chào nhau từ sau cửa sổ. Rồi bên đó xuất hiện Hằng, một binh nhì trẻ măng. Khuôn trăng đầy đặn rạng rỡ. Mắt lá răm. Miệng cười tươi. Hướng trở nên lơ đễnh, không tập trung làm việc được, số liệu nhảy tăng gô trong đầu. Những lúc ấy Hướng đành khép cửa sổ lại cho khuất tầm nhìn. Nhưng mắt cứ đòi ngắm. Mà khép cửa lại càng tha hồ ngắm mà không lo đối tác phát hiện. Rồi tưởng tượng ra bao điều kỳ thú. Ngôn ngữ không thổ lộ ra được nên cứ quần tụ lại, Hướng cố nắm bắt và viết ra giấy:
Em vung tay
Những con chữ bay ra khỏi tổ
Theo đội hình đội ngũ
Đậu neo vào trí nhớ mọi người
Em đã mỏi rồi
Chỉ thị, công văn còn dài dằng dặc
Những con chữ rời rạc
Cố xốc lại đội hình chập chững tiến lên
Ôi nàng tiên
Phép màu em biến tôi thành con chữ
Lòng tôi khiêu vũ
Theo nhịp bước quân hành.
Đã mấy lần Hướng chép lại sạch sẽ bài thơ định gửi cho Hằng, nhưng lại thấy ngài ngại thế nào ấy, bàn chân không đủ dũng khí đi qua đoạn đường hơn chục mét. Cũng mấy lần giáp mặt nhau, thậm chí có lần gặp riêng hai người với nhau, Hướng nghe Hằng chào khe khẽ, lại không đủ can đảm trao giấy. Điều cần viết thì đã được cô đọng trong bài thơ rồi, thế nhưng cứ mỗi lần khép cửa, ngắm Hằng thì Hướng vẫn muốn cầm bút. Hướng vẽ. Vẽ xong lại vo viên vứt đi. Không biết đến lần thứ bao nhiêu thì dung nhan Hằng hiện lên đã giông giống chín mười phần. Đúng hôm đó anh Muôn, phó ban chính trị, đã đứng sau lưng tự bao giờ lên tiếng:
- Vẽ giống lắm.
Hướng giật bắn người, ngượng đỏ mặt tía tai. Anh Muôn thông cảm tâm trạng cậu lính trẻ, nói:
- Khát vọng tình yêu đánh thức tài năng tiềm ẩn của con người, đúng thật. Nếu cậu thích, sao không tiếp cận chiếm lĩnh mục tiêu?
- Dạ, em chỉ thử một tý thôi, chứ đâu dám ạ.
- Mục tiêu khá vững chắc đấy. Con gái lớn của đoàn trưởng an dưỡng quân khu, cậu còn phải phấn đấu nhiều để được gắn bó lâu dài với quân đội mới có hy vọng chiếm được mục tiêu. Thôi được, sắp có đợt tuyển sinh, tôi cho cậu đi ôn thi nhé.
Hướng đi thi, nhưng không đủ sức vượt vũ môn, đành nhận quyết định ra quân. Anh Muôn động viên:
- Biết đâu cậu lại trở thành nhà văn ấy chứ. Đúng thuyết Phờ-rớt đấy. Chúc cậu thành công.
Hướng không dám nói mình đã từng làm thơ. Và bài thơ “Tặng cô văn thư” thế là không có dịp chia sẻ với người khác, đành nằm yên trong ký ức của riêng Hướng.
*
Lần đầu tiên nghe từ “phó thường dân” Hướng thấy ngồ ngộ. Thường dân đã là hạng bét của thứ bậc người rồi, đằng này lại còn là “phó thường dân”. Nhưng có là phó của phó thường dân, thực ra cũng không thể thấp hơn thường dân được. Lời ăn tiếng nói của dân ta đầy tính trào lộng nội tại. Với Hướng bây giờ chức vị cũng “to đùng”, tịt đường phấn đấu, vì vừa được phong chức đã ngồi ở ngai đỉnh rồi: nhân viên bưu điện văn hoá cơ sở. Làm cái anh công chức quèn đã có cái hèn cơm áo, giờ thì Hướng còn là “phó công chức” thật sự kia. Việc làm y như công chức, do ngành Bưu điện quản lý, trả công, nhưng lại không phải là công chức của ngành. Phấn đấu tốt thì mới được thăng từ chức nhân viên bưu điện văn hoá cơ sở lên đến chức nhân viên bưu điện văn hoá cơ sở có thâm niên, nghĩa là được kéo dài hợp đồng lao động. Chí tang bồng của Hướng thế là đã bị cắt cụt hai lần: một lần thi trượt đại học và bây giờ làm chân “phó công chức”. Trách ai được khi chính Hướng tự ra tay cắt cụt chí trai của mình.
Đã một tuần nay em không đến. Doanh thu tụt thảm hại. Có thể em đã đi làm ở công ty. Thế thì nên mừng cho người khách quen. Bây giờ con gái muốn thoát khỏi chân tre chả khó gì. Đi làm may. Đi bán hàng. Kể cả đi làm ô sin. Em đi làm thì đường đến với 142 sẽ ngắn được một nửa rồi. Chỉ khi ván đã đóng thuyền thì đời người con gái mới thôi bập bềnh trôi nổi, vì khi ấy thuyền đã có neo, có bến đậu. Hướng thấy nhơ nhớ những câu nói vương vãi trước quầy của em “chú cho cháu điện”, “anh à, em đây”. Hướng thấy nhơ nhớ cái dáng dâng hiến khi em đàm thoại, cái dáng đặc biệt như đã găm chặt vào buồng đàm thoại. Không biết khi em về với 142 liệu em có ra đây chia tay mình không nhỉ. Hay em sẽ dẫn cả 142 ra đây đồng thanh nói: cảm ơn chú bưu điện, nhờ chú “kết nối” mà chúng cháu đã nên vợ nên chồng. Hay em chỉ đưa thiếp, rồi mình sẽ mang hoa đến mừng và nói: “Cảm ơn cháu, người khách thường xuyên nhất, người đã ghi thành tích công việc cho tôi, người đã xới đầy bát cơm cho tôi”.
Vắng khách, Hướng tha thẩn ra cửa làm mấy động tác thể dục cho đỡ mỏi. Hôm nay trời không đẹp, mây cao, lặng gió. Nắng thu rót lửa xuống đất. Trời mỗi lúc một oi ả ngột ngạt. Đồng làng đang hạn nhưng thủy nông không dám bơm nước vì còn chờ mưa nước trở mã. Nắng gắt gao vậy đấy, nhưng chỉ cần trở gió là mưa như trút nước ngay được. Đấy, đài đang đưa tin: áp thấp nhiệt đới đã chuyển thành cơn bão số 3, di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, trưa nay sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Công văn chỉ đạo phòng chống lụt bão các cấp tới tấp bay đi các ngả như lá cây đụng của bão. Thần bão thu gió về túi càn khôn chả trách trời oi ả thế. Làng quê bây giờ không còn tre chắn gió, động có gió to là lo đổ đình, đổ chùa, bão thì tốc cả gan ruột lên.
Quá nửa buổi thì ông đạo cụ hạ phông trời, hết màn mây cao nắng mật, chuyển sang màn mưa gió. Thần bão hả hê dốc tuột túi càn khôn. Đợt gió to đầu tiên trập đến, Hướng vội ra đóng cửa, đề phòng gió đập cửa vào nhau vỡ kính. Vỡ kính thì vừa phải đền tiền làm lại, vừa phải đội mũ “thiếu tinh thần trách nhiệm”. Gió nổi mỗi lúc một mạnh, cát bụi mù trời, Hướng phải đóng cả cửa chính lại. Gió kéo theo xe chở nước từ biển lại dội ào ào vào đất liền. Vừa đấy còn mưa như bước chân chạy vội, giờ đã như chậu nước dội oà. Ngồi trong nhà lợp mái tôn, mưa nhỏ cũng ra mưa to, còn mưa to thì như tiếng trống trận dội vào màng nhĩ. Sự phát triển của công nghệ là một bước lùi nghiêm trọng về môi trường sống ở riêng cái phần nóc này. Mưa to thế kia thì có ai đến nữa. Thôi, đi ngủ. Hướng lên giường nằm nghe mưa. Mưa như bước khiêu vũ loạn nhịp. Mưa cho hết hạn đồng, cho nước trở mã lồng bất kham, cho thuỷ điện sông Đà không lo thiếu nước, mưa cho mát lòng người. Một mình nghe mưa càng buồn lay lắt. Sắp “băm” đến nơi rồi. Bạn gái cùng lứa đã có con vào lớp một cả. Lứa con gái chưa chồng có bạn cùng lứa của riêng mình, Hướng thấy khó gần quá. Đi đám xá Hướng lại không có tài lẻ để phô diễn. Chẳng lẽ đám choai choai đang gào ông ổng mình lại ra giành micrô đọc thơ “Tặng cô văn thư”. Không biết nửa kia của mình còn ở nơi đâu trong trời đất này. Sao em không phát tín hiệu đi. Hay em đang ở ngoài vùng phủ sóng. Hay ông tơ bà nguyệt còn đang bối rối trước những cuộc tình vội vã của lớp trẻ, lớp rửng mỡ mà quên mất người giữ nghiêm phép tắc của ông bà như Hướng đây. Thấy bảo trai “băm” chưa vợ thể nào cũng đá chập, đá hâm. Ngẫm cũng thấy đúng. Tuổi đôi mươi đầy tràn tinh lực mà để hao phí thì đúng là người không bình thường. Theo lẽ tự nhiên, con đực phải nhảy bổ vào nhau giành con cái động dục chứ. Còn Hướng thì chỉ ngồi sau cánh cửa mà tự bằng lòng với tưởng tượng của mình, để bây giờ chưa qua đầu hai đã tự lui binh khỏi tình trường. Hướng mơ hồ cảm thấy lo lo. Bị gắn cái biệt hiệu “hâm”, “chập” thì còn vui vẻ gì. Hướng điểm qua một lượt các bạn gái xem ai có thể là nửa của mình. Rồi điểm tiếp tới các cô gái trẻ có thể tiếp cận, có thể hy vọng. Rồi lại lắc đầu vô vọng. Tiếng mưa vẫn thúc vào lòng làm Hướng thêm cô đơn se sắt.
Có tiếng gõ cửa. Có người muốn tránh mưa à. Phải dậy mở cửa thôi. Hình như có tiếng nói the thoảng: “Cho cháu gọi điện”. Hướng uể oải bước ra mở cửa, bụng vẫn hồ nghi tiếng nói kia là trong tiềm thức. Cửa vừa hé em đã nhào vào rối rít: để cháu chờ đến lạnh cóng rồi đây này. Cái áo cộc tay mỏng ngấm mưa phơi bày hết da thịt em ra. Hướng ngỡ ngàng. Vẻ đẹp nguyên sơ con gái kỳ ảo quá.
- Mưa thế cũng điện à?
- Cháu cần mà.
- Vẫn 142 chứ?
- Vâng. Có chuông không?
- Có đây. Hôm nay gặp may.
Em lướt vào buồng đàm thoại. Vẫn cái dáng dâng hiến khi nói chuyện. Mấy giọt nước mưa còn vương trên mặt làm bết mấy sợi tóc mai. Mới mấy câu Hướng đã thấy vẻ mặt em thảng thốt chứ không rạng rỡ như mọi khi, liền đó là cái dáng cui cúi trên máy điện thoại. Tiếng em tắc nghẹn lại. Những giọt nước mắt ứa ra. Ngoài trời mưa như dội nước không làm ướt lòng Hướng, thế mà chỉ nhìn mấy giọt nước mắt của em mà lòng Hướng đã sũng nước lên rồi. Em bỗng đột ngột quăng máy lao ra ngoài. Rút vội tờ bạc 50.000 nghìn đồng đưa cho Hướng rồi lao luôn ra trời mưa. Hệ làm mát tự động của đất trời giúp em nguội đi ít nhiều. Nước mưa rửa sạch nước mắt, rửa sạch luôn cả những ấm ức trong lòng, em quay lại ngồi xuống ghế. Chắc va chạm như bát đũa xô nhau thôi mà. Hướng muốn an ủi đôi câu, mới hỏi thăm:
- Anh ấy ở xa không?
- ở vùng chè móc câu Tân Cương chú ạ. Uống lắm chè móc để bây giờ chuyên đi móc ngược trái tim người khác ra đấy chú ạ.
- Làm sao mà biết nhau được?
- Cháu bán hàng, anh ấy giao hàng. Chăm chỉ chịu khó lắm. Chúng cháu quyết định lấy nhau nên ra lập cửa hàng riêng. Vẫn cháu bán, vẫn anh ấy giao hàng cho các mối cũ, thế mà cụt vốn. Chúng cháu đành tạm chia tay nhau, tìm việc mới, có thu nhập ổn định mới tính chuyện cưới xin.
- Cự ly xa thế lấy gì đảm bảo đây?
- Cháu đã trao trọn niềm tin, trao trọn tình yêu cho anh ấy rồi, vì thế ngày nào cháu cũng phải gặp anh ấy một vài lần, vừa cho đỡ nhớ, vừa nhắc anh ấy nhớ đến cháu đấy.
- Sao không tính cưới nhau trước, an cư đã rồi lập nghiệp sau mới phải chứ.
- Nhưng anh ấy tính thế. Cháu thì tin anh ấy.
Rõ khổ thân cho em tôi. Chưa kết hôn đã cho người ta ăn quả ngọt tình yêu thì lấy gì ràng buộc đây. Nếu yêu thực bụng đời nào người ta cho em rời xa dễ dàng thế. Và lẽ nào chàng lại không gọi cho nàng mà cứ bắt nàng phải gọi cho một cách khó khăn mới được gặp. Hướng động viên:
- Đường đến hôn nhân không bao giờ bằng phẳng, do đó luôn phải sẵn sàng “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” đó.
- Chú điện lại cho cháu đi.
Hướng bấm nút Redial. Máy khoá mất rồi.
- Đồ đểu. Cháu thề không bao giờ gọi cho thằng đểu ấy nữa.
Em chạy ra trời mưa như bỏ trốn. Mà đúng là em đang chạy trốn niềm tin đang đổ vỡ ở trong lòng. Nhưng chạy đi đâu cho thoát được nếu như trước sau không phải một lần đối mặt với nó cơ chứ.
Một ngày, hai ngày, rồi nhiều ngày không thấy em đến gọi điện nữa. Em còn để lại một cái ô, mấy chục nghìn tiền thừa ở chỗ Hướng. Hướng mong em đến và tin em sẽ đến. Bởi chính Hướng luôn cảm thấy em còn bỏ quên cả cuộc đời của mình nơi Hướng nữa kia. Những ngày qua em đã “xới cơm” cho tôi, tôi sẽ trả công bằng cách nguyện “xới cơm” cả đời cho em đây. Nhưng tên em là gì, quê em ở đâu nhỉ? Hướng tự cười mình, đến tên người ta còn chưa biết mà đã mơ tưởng. Thôi, cứ gọi em là “người tình 142” cũng được chứ sao.