Lời nhắn của Thái hậu
Sau mười hai năm quân ngũ, tôi phục viên. Nghĩa là khi ngủ, tiền không tự về theo hơi thở trên nóc màn. Nhưng có ùng oàng, thì bị lôi đi đầu tiên. Còn bây giờ lúc nào cũng trong tư thế chuẩn bị báo động di chuyển, vì tôi đang là sĩ quan dự nhiệm. Mấy đứa bạn cùng đi một đợt, đứa nào cũng nghỉ chế độ, đứa thì có thẻ thương binh, đứa thì có thẻ bệnh binh. Hồi tháng 3 năm 1979, thằng Nhu làm liên lạc tiểu đoàn, đi hái rau húng chó trượt chân ngã gãy tay, là thương binh chiến đấu. Thằng Thi vác súng chạy về quê, xe chật, ngã vỡ xương hông, khéo chạy thành bị thương trong lúc làm nhiệm vụ bắt đào ngũ, là thương binh chiến đấu. Thằng Sĩ nhận ở lại phục vụ quân đội lâu dài, được phong thiếu úy tại chức. Hồi có binh đoàn 47, Sĩ biết không thể tồn tại lâu dài với nghề quan có học nên xin đi lao động hợp tác ở Đức, khám sức khỏe xong về quê lâu quá, lên đơn vị bỏ nhỡ đợt, cũng khéo chạy mà được về bệnh binh. Chúng bạn ngủ bao giờ tiền cũng bò về ngủ cùng trên nóc màn, chỉ có tôi là tiền về trong mơ lúc ngủ. Nhưng mà so bì thì chỉ có vỡ bì. Thành ra tôi mê đi đấu cờ hội làng. Trên sân cờ tôi thấy thanh thản. ở đó không có lừa lọc dối trá. Mà có lừa thì quân cờ vô tri vô giác không bao giờ bị mắc lừa. Bọn chúng cũng không biết chạy chọt. Không như đồng loại suốt đời chạy giữ chỗ, giữ việc, leo chức, lên lương. Ngoài ra, trên sân cờ tôi còn tìm được niềm vui nho nhỏ nữa là lại được cầm quân, điều binh khiển tướng; thắng trận thì như Gia Cát, Chu Du được gió; thua trận thì như Tào Tháo cắt râu quẳng áo. Thú lắm!
Mùa xuân vừa rồi tôi đến hội Sủi, lọt vào tới trận chung kết. Đối thủ của tôi là cụ già người làng, dáng cao, nho nhã, râu ba chòm trắng như cước. Lúc bốc thăm, tôi buột miệng: Kính lão đắc thọ, mời cụ đi trước. Chẳng biết giọng nói của tôi có tỏ vẻ kẻ cả hay không mà cụ già đáp lại: Ta cứ chấp hành theo quy định, đi trước hay sau là may rủi thôi mà. Tôi bắt được quân đỏ, đi trước. Nghĩ bụng, được quân đỏ tức là gặp may, tôi khởi thế pháo đầu mã đội tấn công như chẻ tre. Cụ già xuất thế đơn đề mã, một thế theo cánh cờ giang hồ đánh giá là rất yếu, lối đánh cổ lỗ sĩ. Tôi càng chắc mẩm ván này sẽ giải quyết dễ dàng, chóng vánh. Lại nghĩ, nhưng mà thắng cụ già thì chẳng vẻ vang gì. Tôi đi quân nhanh như gió, đánh như sách đã dẫn. Nhưng đến nước thứ chín, tôi mắc thế mất đôi mã đổi lấy một pháo... Rồi giữ hòa không xong, đành chịu nhì. Lúc trao giải, tôi biết cụ đối thủ tên là Phối, Lê Văn Phối, đã 74 tuổi. Cụ bảo tôi:
- Anh thấy trận nhu khắc cương của tôi thế nào?
- Cụ đánh chặt chẽ quá, một cây tốt không bỏ làm cháu không sao cậy nổi thế cục.
- Thế anh quê ở đâu mà đến làng tôi dự hội?
- Cháu ở Thuận Thành gần đây. Cùng là đất Thổ Lỗi - Siêu Loại cả nhà. Cháu muốn thăm quê ỷ Lan, xem nơi đây còn dấu vết di tích gì không. à, mà trong lễ rước cháu thấy có hai người khiêng võng đỏ đi trước kiệu là thế nào đấy ạ?
- Đấy là võng thầy dạy ỷ Lan. Cụ chính là tiên tổ nhà tôi đấy. Hiện nhà tôi còn cuốn sách gia bảo, nhưng viết bằng chữ Hán nên chả ai đọc được, chỉ biết rằng sách có nói về sự tích ỷ Lan.
- Cháu có biết chữ Hán, hay là cho cháu xem qua được không?
- Vậy mời anh về nhà tôi.
Nhà cụ Phối ở giữa làng. Ngôi nhà gỗ lim năm gian to rộng lại có hậu cung làm nơi thờ gia tiên, hoành phi, câu đối mấy tầng uy nghi, vào nhà cứ ngỡ vào đình. Cụ Phối thắp hương thỉnh chuông, khấn vái, rồi mở tráp sơn mài đỏ lấy ra quyển sách. Bìa sách phết cánh kiến màu nâu cánh gián, nay đã ngả màu nâu đen. Giấy còn tốt. Chữ chân, sắc nét, dễ đọc. Sách đề Lê phả bản ký do Hương cống Lê Văn Điển soạn thời Lê Chân Tông. Sách vừa là gia phả, vừa là những ghi chép về các nhân vật đời trước. Trình độ Hán ngữ của tôi dịch phải tra cứu từ điển, nên cụ Phối đã đồng ý cùng tôi đi phô-tô bản mới để tôi mang về. Dịch xong, tôi đến gặp cụ Phối ngay. Dưới đây là nội dung cuốn Lê phả bản ký đó.
*
Tiên tổ Lê công, húy Do, là người có học, lại có chí khai sáng, mở trường dạy học tại nhà, kết hợp xem bệnh bốc thuốc. Học trò đông hàng nghìn người. Trong làng có người góa vợ khi vừa sinh con, bèn lấy em làm vợ kế. Dì cũng như mẹ, nên bé gái sống rất thoải mái. ít lâu sau dì cũng sinh một bé gái. Đứa lớn tên là Tấm. Đứa bé tên là Cám. Rồi người bố bị cảm chết. Mẹ ở vậy nuôi hai con nhỏ rất vất vả. Tấm năm tuổi đã phải đi cấy. Qua vụ cấy thì mò cua bắt ốc. Lên mười tuổi Tấm đã là lao động giỏi. Gánh mạ ra ruộng, Tấm nhắm mắt nói Sô sô sốc sốc, một chốc cho xong rồi cắm cúi cấy chẳng kể mưa nắng. Vừa cấy, Tấm vừa hát:
“Tôi đi cấy thấy vết tay năm trước
Thấy cả vết tay của người nghìn năm trước
Tôi cấy bằng nỗi lòng của mẹ
Tôi cấy bằng ước nguyện của cha
Tôi chia nhọc nhằn thành muôn nhánh nhỏ
Tích giông gió đời nuôi sống nhân gian
Nếu tôi thôi cấy
Thì đất này chỉ còn là bãi cỏ hoang.”
Một lần Tấm vấp cỏ ngã trẹo ngón chân cái. Phải đến nhờ tổ chữa trị. Nhìn hai ngón chân cái của người đi chân đất, do phải bám chắc vào đường trơn mà đã sớm qoèo lại, tổ thương lắm. Người dùng thủ thuật nắn lại ngay ngắn cả bàn chân, rồi dùng vải bó lại. Tấm đau chân phải nghỉ làm mấy tháng. Nhân đó Tấm xin tổ cho học chữ. Tổ khuyến khích:
- Ta cần người ham học. Con cố học lấy dăm chữ làm người. Thánh nhân dạy Người không học không phân biệt được đúng sai đâu con ạ.
Tấm thông minh, học một biết mười. Nhưng mẹ ghẻ lại đay nghiến:
- Định làm bà hoàng hay sao mà học đòi. Tôi hỏi cô, chữ có ăn no bụng được không?
Từ đấy Tấm chỉ dám học vào lúc rỗi việc. Năm Tấm mười sáu tuổi, làng bên mở hội to lắm. Tổ cho học trò nghỉ học đi chơi hội. Tổ đến nhà Tấm thấy Tấm đang cắm cúi nhặt đỗ ra khỏi gạo, mới hỏi:
- Con có đi hội với ta không?
- Thưa, con còn phải nhặt hết chỗ đỗ lẫn này đã.
Tổ lấy giần hướng dẫn cách làm. Tấm sàng sảy một chốc đã xong, nhưng lại còn phải đi cắt cỏ. Tổ không chờ được mới nói:
- Ta xem thiên tướng, thấy con đến lúc phát sang quý, sao không đi hội để gặp quý nhân?
Tấm xấu hổ đáp:
- Con nghèo hèn thế này ai người ta thèm để ý ạ.
- Ta nói thật, con cứ tin ở ta.
Tấm đi cắt cỏ mà lòng cứ vấn vương lời thầy nói.
Thời ấy, vua Lý Thánh Tông ngoài bốn mươi tuổi vẫn chưa sinh hoàng nam. Trong triều ngoài trấn người ta xì xầm: Làm vua mà vẫn dốt... đ...ẻ... Nghe tin chùa Dâu linh hiển, vua xa giá cầu tự. Qua làng Nghĩa Trụ, thấy dân được mùa mở hội to, vua cũng vui lây. Lúc qua sông, vua nhìn thấy một vật lóng lánh dưới nước, sai người vớt lên được đôi hài mầu hồng, thêu chỉ ngũ sắc, một bên thêu loan, một bên thêu phượng rất đẹp. Vua nghĩ: hẳn đây là điềm trời, chắc lòng thành của vua đã được thần phật biết đến. Bèn tuyên:
- Ai đi vừa hài này ta sẽ kén làm phi.
Hội làng Nghĩa Trụ trở thành hội thử hài. Đàn bà con gái cả vùng nô nức đi hội thử hài. Người thử thì hồi hộp ước được làm phi. Vua cũng hồi hộp không biết người mà thần phật đưa đến thế nào. Nhưng đến quá trưa vẫn không có ai đi vừa. Vua sốt ruột cầm hài ra bến sông khấn: Xin trời phật đừng bắt trẫm phải chờ người lâu nữa. Vừa lúc đó có một cụ già dáng nho nhã bước đến bảo:
- Tâu Hoàng thượng, phía trước có ngôi chùa nhỏ, hay Hoàng thượng đến đó cầu phật xem sao.
Nhà vua một mình băng băng đi về phía ngôi chùa nhỏ. Đến gần, vua nghe thấy tiếng hát trong trẻo cất lên:
“Tay cầm lưỡi hái xênh xang
Muôn vàn cây cỏ lai hàng tay ta”
Tiếng hát đầy khẩu khí của người biết làm chủ đời mình, khiến vua lạ lắm. Đi tiếp, vua thấy một cô gái trẻ đẹp đang ngồi nghỉ mát bên gốc cây ngọc lan ở cổng chùa, bên cạnh là gánh cỏ nặng. Cô gái đang hát say sưa. Chờ cô dứt tiếng hát, vua lên tiếng:
- Này cô em, làng bên mở hội to, sao cô còn ngồi đây?
- Thưa ông, mẹ tôi chỉ bảo tôi đi cắt cỏ chứ không bảo tôi đi xem hội. Tôi phải vâng lời mẹ tôi chứ.
Thấy cô gái trẻ đối đáp tự nhiên, thoải mái, vua thích lắm. Vua chợt nhớ đến đôi hài, liền đưa ra và nói:
- Ta có đôi hài đẹp, nếu cô đi vừa thì ta tặng, coi như món quà hội ngộ... Nhưng ta e chân cô to thế kia thì đi vừa làm sao được.
- Tôi cũng không muốn đi hài đẹp của ông đâu, vì tôi suốt ngày lội đồng ra bãi thì cần gì đến hài. Nhưng tôi cũng cứ thử xem, vừa hay không thì cũng chẳng hại gì.
Cô gái xỏ chân vào hài, thì lạ thay, hài ôm vừa khít lấy chân, cứ như thể thợ giỏi làm riêng cho cô vậy. Vừa lúc ấy, đám tùy tùng cũng chạy đến nơi, vội reo vang:
- Chúc mừng Hoàng thượng đã tìm được người ạ.
Cô gái vội sụp xuống lạy lia lịa:
- Xin Hoàng thượng tha tội, dân nữ không biết nên đã mạo phạm ạ.
Nhà vua tươi cười đỡ cô gái dậy, và nói:
- ở làng bên ta nhặt được đôi hài này, cho rằng duyên trời định, đã tuyên ai đi vừa sẽ kén làm phi. Từ sáng đến giờ hàng nghìn người đã thử mà không ai đi vừa, nay nàng chính là người ta cần vậy. Nàng tên họ là gì?
- Dạ, dân nữ họ... họ... họ Lê ạ, Lê Thị Tấm ạ.
- Tên đẹp lắm. Dân là trời của vua. Còn trời của dân lại là hạt gạo, hạt tấm mà. Nhưng để ghi nhớ buổi gặp hôm nay, ta đặt tên mới cho nàng là ỷ Lan, nghĩa là cô gái ngồi bên gốc lan, được không?
- Tạ ơn hoàng thượng ạ.
ỷ Lan gánh cỏ về nhà, rồi vội chạy sang nhà thầy báo tin mừng. Tổ vuốt râu bảo:
- Con phải biết rằng Nhân định thắng thiên đấy. Việc của con ta biết trước cả rồi. Hài là do ta làm. Chân con do ta chữa. Những đàn bà con gái khác đều có ngón chân giao chỉ thì dù cố đến đâu cũng không chịu nổi độ căng của hài. Nhưng cái chính là con có tướng mệnh tốt, lại chăm làm, ham học, thương người. Ta tin con sẽ làm đẹp lòng nhà vua.
- Thầy, thế ra thầy còn là cha của con và người đã sắp đặt trước cho con rồi ạ.
ỷ Lan quỳ lạy thầy đủ ba lễ. Sau đó bái biệt theo vua ra đi. ít lâu sau ỷ Lan sinh hoàng nam, được vua phong làm nguyên phi. Hoàng tử mới năm tuổi thì vua mắc bạo bệnh qua đời. Vua Lý Nhân Tông kế nghiệp. ỷ Lan buông rèm nhiếp chính. Thái hậu về quê hỏi tổ kế sách trị nước, tổ bảo:
- Thần thiêng có bộ hạ, cần phải chọn người tài ra giúp nước. Kẻ sĩ chính là người tài. Dân ta cũng nói: một người lo bằng kho người làm. Để tìm được người tài danh chính ngôn thuận, kế lâu dài là hãy bắt chước nhà Tùy - Đường mở khoa thi Minh kinh bác sỹ.
Thái hậu về triều truyền mở khoa thi. Khóa ấy Lê Văn Thịnh người Thiên Thai đỗ đầu. Tất cả những người thi đỗ đều được cử giữ những chức vụ quan trọng. Trong triều rộ lên làn sóng phản đối ngầm. Những vị từng nam chinh bắc chiến cậy công không chịu cùng bàn việc nước với mấy kẻ măng sữa con nhà khố rách áo ôm một phút lên tiên. Thái hậu thấy triều đình căng thẳng, bối rối quá, lại về quê hỏi tổ. Tổ bảo:
- Nhà Tống còn chiếm giữ châu Quảng Nguyên, con đem việc này ra hỏi sẽ biết công thần với kẻ sĩ ai hơn ai.
Thái hậu về triều đem việc Quảng Nguyên ra bàn. Thái úy Lý Thường Kiệt đòi đánh. Trạng nguyên Lê Văn Thịnh bàn nên dùng lễ trước, dùng binh sau. Thái hậu cử ngay Lê Văn Thịnh dẫn đầu đi thương nghị. Nhà Tống tiếp ở trại Vĩnh Bình, nói:
- Đất đai nào trước đây quân ta đã đánh chiếm thì nên trả lại cho Đại Việt, còn những đất đai mà bọn lại mục của họ tự ý đem dâng nộp để theo ta thì không phải trả lại.
Lê Văn Thịnh lớn tiếng tranh biện:
- Đất thì có chủ, bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất ấy cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được; mà ăn hối lộ và tàng trữ của ăn trộm thì vương pháp cũng không dung. Lẽ nào các ông không biết điều đó mà cố tình phạm vương pháp để tiếng xấu muôn đời sao?
Nhà Tống cứng họng buộc phải trả Đại Việt toàn bộ 3 động 6 huyện đã chiếm từ trước. Quân đội Lý Thường Kiệt chưa cần xuất binh đã được việc, khiến thái úy tâu:
- Thời xưa dũng tướng Liêm Pha còn thua kẻ trói gà không chặt Lạn Tương Như kia mà. Xin Thái hậu phong chức thái sư cho quan trạng là ổn đấy ạ.
Lê Văn Thịnh nhận chức thái sư, lại kiêm luôn chức thái phó dạy vua kinh nghĩa. Vua đương tuổi trẻ, ham chơi, cho lập hành cung Dâm Đàm hưởng lạc tối ngày. Thái hậu nhiều lần quở trách thái phó dạy vua không chu đáo. Một lần thái phó đến tận hành cung Dâm Đàm phạt vua. Đang dở cuộc vui, vua ngần ngừ chưa chấp phạt, thì có kẻ cận thần mớm lời:
- Hoàng thượng nay đã phương trưởng mà hắn cứ coi như con trẻ vậy. Nếu hoàng thượng còn nghe hắn thì hắn còn đè đầu cưỡi cổ. Chi bằng nhân cơ hội này trị hắn tội khi quân phạm thượng giết đi là yên.
Nhà vua xuôi tai liền thét lôi Lên Văn Thịnh ra chém.
Thái hậu khi đó đang thiết triều, chờ mãi không thấy hoàng thượng và thái sư đến, sai người ra hành cung Dâm Đàm tìm mới biết sự tình, vội thân chinh đến cứu. Nhà vua ấp úng:
- Có Mục Thận bảo ông ấy hóa hổ định giết vua đoạt ngôi nên trẫm phải gia hình ngay.
Thái hậu mắng:
- Muốn làm minh quân mà lại giết người không cần xét xử à?
Thái hậu cũng thấy khó xử. Lệnh vua đã ban không thể thu lại. Mà giết thái sư vô tội thì cũng không thể. Thái hậu lại về quê hỏi tổ. Tổ bảo:
- Sát hại kẻ sĩ là điềm báo tiêu vong của một vương triều.
Tuy nhiên trong việc này, nếu thái sư chịu nhận tội để giữ thể diện cho vua thì lại khác. Vấn đề là tội của thái sư phải đổi lấy việc sửa mình của vua thì cũng đáng.
Thái hậu cho gọi thái sư đến và trách:
- Hoàng thượng đã gần ba mươi tuổi, ông là kẻ nho học xuất sắc, lẽ nào quên phận vua - tôi, nay lạm dụng chức thái phó làm tổn hại danh phận nhà vua, mà lại là không có tội ư? Nếu ông chịu nhận tội để vua có uy cầm cương đất nước thì ông lại là người có công đấy.
- Tâu Thái hậu, người dạy như thế thì hạ thần đã rõ. Chỉ mong Thái hậu sau này giải oan một phần cho.
Thái hậu lại cho gọi nhà vua, nói:
- Nhà vua không chịu sửa mình cho xứng với cơ nghiệp tổ tiên, nay lại làm hại đến thầy học thì tội của nhà vua thế nào?
- Thưa, trẫm tuổi trẻ trót ham vui, do đó mà nghe phải lời xiểm nịnh, nay cho rút lại lời tuyên cũng được mà.
- Vua đâu nói chơi. Nay thái phó chịu nhận tội, nhưng ông ấy ra điều kiện cho nhà vua phải sửa mình đó.
- Trẫm xin nghe theo.
Thái hậu khéo đưa tội tử về tội đày, cuối đời cho phép về quê dưỡng lão. Thái sư Lê Văn Thịnh lập tức sửa soạn đi Thao Giang, chỉ đem theo một người hầu già. Thái hậu than: ông ấy đúng là kẻ sĩ chân chính, dám đem cả cuộc đời đầy tài năng của mình đổi lấy sự thức tỉnh của nhà vua. Sau đấy, Thái hậu nhờ tổ tìm cách minh oan cho thái sư. Tổ thuê người tạc một con rồng đá với thân thể cường tráng, miệng cắn chặt vào thân mình, như muốn nói rằng: ta bị oan mà không nói được. Con rồng này được bí mật chôn ở đất nhà thái sư, hy vọng hậu thế sẽ tìm thấy mà hiểu nỗi oan khó nói của thái sư bên hồ Dâm Đàm.
Một ngày kia, thái sư ở Thao Giang mịt mờ mây khói chợt cảm thấy nhớ nhà. Ông biết đã đến lúc lá rụng về cội, bèn xuôi sông Cái về quê. Nhưng khi đã nhìn thấy ngọn Thiên Thai mờ mờ thì ông không còn đủ sức đi tiếp, và đã ngã xuống bên một hồ sen. Qua một đêm, nơi ông nằm mối đã xông thành gò đất lớn. Tổ nghe tin sai đưa đến câu đối phúng.
Đông nhạc giáng thần, vi lương sứ, vi sư, vi tướng, quán cổ nguy khoa truyền Lý sử.
Nam triều hiển thánh, như tường vân, như tinh, như nhật, ức niên linh tích trấn liên đàm.
*
Đọc xong cuốn Lê phả bản ký, cụ Phối trầm ngâm nói:
- Đạo tam cương của kẻ sĩ là quân - sư - phụ, làm gì có chuyện vị nho học xuất sắc hóa hổ giết vua đoạt ngôi. Mà cũng chẳng có chuyện mắc tội chu di cửu tộc như thế mà lại chỉ bị đi đày. Đọc cuốn phả ký này, mới biết người xưa đã rất chú ý đến vụ án hồ Dâm Đàm ấy rồi.
Một lát cụ Phối lại nói như với chính mình:
- Lối giáo dục thời xưa khiến người học tự giác đưa cuộc đời mình giao cho người khác sử dụng. Điều này thì thời nay “sách dép” cho cổ nhân. Nhà trường cũng hướng học sinh tu dưỡng đạo đức, nhưng người lớn thì làm ngược lại hết, họ chỉ nhăm nhăm tìm mọi cách kiếm lợi cho mình, tìm mọi cách chiếm đoạt cuộc đời của người khác cho mình. Tôi nghe có công ty liên doanh, đưa cái mồi lương cao ra nhử, để chỉ làm độc cái việc tuyển người làm kiếm lời. Phòng nhân sự tuyển, thực ra là bán việc; giám đốc thì tìm lý do sa thải. Lại có cô cậu cử nhân phải trả trước mười năm lương mua được việc làm. Thử hỏi cô cậu cử nhân ấy ăn gì để sống để làm trả nợ? Chỉ có ăn chặn của dân, của nhà nước thôi. Kẻ sĩ thời nay như thế liệu có thể đem đời mình giao cho đất nước như thái sư Lê Văn Thịnh được chăng?
Tôi cũng góp chuyện:
- ở cuối sách có bài thơ tứ tuyệt, đề là Lời bàn. Cháu không rành thơ Đường, nhưng cứ tạm dịch ra đây, cụ nghe và phủ chính nhé:
Thuyền như lá chao nghiêng hồ rộng
Khói sương giăng khi tỏ khi mờ
Nào ai thấy thuyền ai có hổ
Oan thái sư tím tái đến giờ.
Dường như quý mến và tin tưởng tôi, cụ Phối không thêm bớt gì cả. Cụ vẫn chìm sâu vào suy tưởng của riêng mình. Tôi tự nghĩ, mình thua ván cờ xuân, nhưng được đọc cuốn “Phả ký” này, hóa ra lại là thắng lớn. Cái được cái mất ở đời thật khó mà đoán trước, phải không các bạn.