Trời mới tờ mờ sáng, mẹ con nàng Vọng Phu còn ngủ vùi trên đỉnh núi đầy sương, viên cai đã giục ngựa lên đường. Chiếc xe tù lắc lư như say rượu trên con đường đá lổn nhổn. Trong màn sương, đám lính áp tải lúc ẩn, lúc hiện như quân tướng nhà trời. Từ dưới dốc nhìn lên, chiếc cũi tù lừng lững khác nào toà nhà cao tầng đổ chụp lên số phận con người. Thái uý Tô Hiến Thành, vì bảo vệ người trong cũi mà bị điều lên trấn Lạng Sơn, nay lại từ nhiệm sở phải dằn lòng bắt người đó giải về kinh cho triều đình xét xử. Ông đứng đợi ở dốc tỉnh, có chén rượu li biệt. Viên cai nhận ra Thái uý, vội ghìm cương ngựa lại, rồi chạy đến bẩm báo. Thái uý tiến lại, thân rót rượu bưng đến mời:
- Thần xin thân vương đại xá.
Người tù tóc tai rũ rượi, cứ ngửa mặt nhìn trời hồi lâu không đáp, dường như đang nghe cao xanh nói chuyện.
- Thần có chén rượu nhạt tiễn thân vương, xin mời!
Thái uý nói ba lần, người tù mới hạ cố cúi xuống, uể oải nhận chén rượu uống để dồn nén nỗi bực dọc:
- Ngài còn biết ta là thân vương ư? Vậy sao còn nộp ta cho kẻ ngoại tộc ở ngoài kia?
- Tâu. Một nước không thể có hai vua. Thần nhận lệnh tiên đế phò giúp Long Trát nên không thể hai lòng được. Thần chỉ có thể giúp ngài an phận cương vị thân vương cai quản xứ Quảng Nguyên thôi. Thế mà ngài lại dấy can qua làm suy kiệt đất nước, tổn hại sinh linh, đạo trời phép nước không thể dung tha. Nay thần giao ngài cho tướng quốc xử trí, là phúc hay họa tuỳ thuộc vào phúc phận của ngài mà thôi.
- Tức là ông mượn dao giết ta để khỏi mang tiếng chứ gì?
- Xin thân vương hiểu cho, thần đâu có quyền định đoạt.
- Nếu ta biết lòng dạ bọn quan lại các ngươi chỉ bo bo giữ cái mũ ô sa của mình như vậy, thà ta cứ là Thân Lợi cho xong. Ha ha ha!
Người tù cười ngạo nghễ. Chiếc xe tù xuôi dốc tỉnh, lắc lư lắc lư tiến về kinh thành. Mặt trời đỏ như máu chậm chạp nhô lên đằng đông khiến đám sương mù hốt hoảng chạy tán loạn. Thái uý Tô Hiến Thành còn nghe mãi những lời trách móc nhức buốt “Thà ta cứ là Thân Lợi cho xong. Ha ha ha...”, kể cả khi chiếc xe tù đã khuất dạng sau khúc quặt phía xa. Ông lẩm bẩm một mình: “Ta cũng chẳng mong có thêm thân vương Lý Lợi thứ hai, kẻo cái thân già này chẳng giữ được lòng trung đến chót”.
*
Người tù - Thân vương Lý Lợi, cách đây hai tháng còn là Thân Lợi làm nghề thầy toán số ở chợ châu Quảng Nguyên, tuổi ngoại tứ tuần. Một hôm, vào trước ngày chợ phiên, Lợi chợt phát hiện ra một bí mật quan trọng: Bà mẹ Nùng A Vân của mình có giữ chiếc khăn vàng thêu rồng lóng lánh. Nghe mẹ bảo, đây là bảo vật của vua Lý Nhân Tông ban cho khi còn hầu trong cung Thuý Hoa ở Thăng Long, thì Lợi như bị chiếc khăn làm cho thôi miên. Lợi cảm thấy con rồng từ chiếc khăn bay tọt vào miệng, truyền cho dòng máu chân long thiên tử. ánh lóng lánh ma quái của chiếc khăn bảo Lợi hãy biết tận dụng cơ hội làm vua Đại Việt chứ dại gì cứ làm thảo dân mãi. Thảng thốt hồi lâu vì chiếc khăn ám, mãi Lợi mới hỏi:
- Hoá ra mẹ từng ở cung Thuý Hoa, sao mẹ chưa từng nói cho con biết, hôm nay mẹ kể chuyện cũ đi.
- Chuyện của mẹ cứ để mẹ mang đi, con biết làm gì.
- Con phải đòi lại công bằng cho mẹ. Người ở cung Thuý Hoa sao lại phải ở túp lều tranh mấy chục năm thế này.
- Con ơi, mẹ muốn được thế mà.
... Hồi trẻ Nùng A Vân đẹp lắm, đến hoa rừng Trà Lĩnh cũng phải ghen tị. Quan châu nghe tiếng liền sai lính rước về phủ làm thiếp. Được ít lâu vua Lý Nhân Tông đi kinh lý Quảng Nguyên, quan châu đã dâng A Vân cho vua. ở giữa núi rừng A Vân là hoa tươi buổi sớm, đến kinh thành với bao lễ nghi phức tạp, A Vân hoá ra bông hoa héo buổi chiều. Đức vua có tam cung lục viện chứa đầy người đẹp nên ngài chẳng còn ngó ngàng gì đến A Vân nữa. ở trong cung một thân một mình, A Vân không sẵn vàng bạc, cũng không sẵn lời nói đường mật cầu cạnh đám quan thái giám để được họ giúp “lập lờ đánh lận con đen” đưa nàng tấn vua. Năm tháng trôi qua, A Vân bị đánh cắp tuổi xuân nơi cung cấm rực rỡ. A Vân buồn nhớ núi rừng lắm nhưng không dám bỏ trốn. Nàng khắc khoải ngồi đếm thời gian bị đáng cắp của mình. Mãi đến khi vua gả công chúa Trường Bình cho chúa đất Phú Lương, A Vân đã được gặp phò mã Dương Tự Minh, cầu xin giúp đỡ. Cảm thông người con gái đẹp của núi rừng quê hương, phò mã xin cho A Vân làm thị tỳ của công chúa. Vua y lời. Đến Phú Lương, công chúa Trường Bình cho A Vân về quê, lại trao tặng hoàng khăn làm kỷ niệm những năm A Vân sống ở cấm thành.
Chuyện là như vậy, nhưng cầm chiếc khăn trong tay, Thân Lợi lại tưởng tượng nên một viễn cảnh khác lạ. Cầm khăn trên tay ta còn là thảo dân ngả theo gió thổi, đội khăn lên đầu ta đã là hoàng đế có cả giang sơn xã tắc. Vậy còn chần chừ chi nữa mà không đội khăn lên đầu đi, hỡi kẻ nghèo nàn Thân Lợi ơi. Là người có học dăm chữ thánh hiền, lại mấy chục năm kiếm ăn ở chợ châu, Lợi quen biết nhiều người, chuyện trong cung cũng khá tận tường. Vua Nhân Tông không có con trai, phải ban chiếu nhận con các công hầu làm con để chọn làm thái tử cả nước đều hay. Có điều không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà vua lại chọn đúng con lớn của Sùng Hiền hầu làm thái tử mới là kỳ lạ. Đứa con này do đạo sỹ Từ Lộ “thác sinh” sau một lần xem phu nhân hầu tắm. Hẳn thời đó đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong hoàng tộc nên vua Nhân Tông đã viết di chiếu, lại căn dặn tổng quản Lê Bá Ngọc điều quân nghiêm cẩn phò thái tử lên ngôi, tránh một cuộc đổ máu kiểu “loạn tam vương” tái diễn. Bây giờ Thần Tông, người lên ngôi theo di chiếu đã chết, nếu Lợi tự khẳng định mình là con đẻ của Nhân Tông để đòi lại ngai vàng về dòng đích thì sao đây? Chắc chắn sẽ được hoàng tộc ủng hộ trước tiên. Về các đại thần, đáng kể chỉ có phụ chính Tô Hiến Thành và tướng quốc Đỗ Anh Vũ, nếu lôi kéo được một trong hai người thì việc lên ngôi chẳng mấy khó khăn. Với bà mẹ từng ở cung Thúy Hoa, với tín vật hoàng khăn, lại có năm sinh gần ngày mẹ xuất cung, cơ hội thoát khỏi kiếp con ong cái kiến của Lợi đúng là ngàn năm có một. Kế hoạch đổi kiếp của Lợi nói lại được mẹ nuốt ngay vào bụng, tuy thích lắm nhưng A Vân vẫn thận trọng can ngăn:
- Lợi à, ngày trước vua Trí Cao có tài thăng thiên độn thổ, với chục vạn quân trong tay đánh chiếm gần nửa nước Tống, thế mà đối với quân nhà Lý không qua nổi một trận đã bị bắt sống đấy, con cứ biết phận thảo dân thôi, đừng trèo cao nguy hiểm lắm.
- Mẹ à, làm dân thường nhục lắm, chẳng thà làm vua một ngày còn hơn. Từ ngày mai mẹ cứ là Cảm Thánh phu nhân gì đó lập tức con sẽ là thân vương Lý Lợi.
Nùng A Vân bồi hồi nhớ về thời ở cung Thúy Hoa, rồi mơ tưởng quyền uy của Linh Nhân Thái hậu, và nghi vệ của hoàng đế Đại Việt. A Vân nào có muốn con trai cứ ở mãi túp lều tranh nghèo kiết xác, bốn mươi tuổi chưa có tiền cưới vợ. Thôi cũng đành liều. Chợt nhớ ra các tiên đế nhà Lý đều có thất tinh ở bàn chân phải, A Vân pha phẩm đỏ, dùng kim châm cho con trai đủ thất tinh hình chiếc gầu sòng. Chẳng biết có giống thất tinh họ Lý không, nhưng để ai có thể đối chứng được.
Hôm sau đúng phiên chơ, Lợi gọi đám bạn đến chiêu đãi từ sớm, rồi ra giọng bề trên hỏi:
- Các ngươi ở đây lâu chắc đã biết rằng đất Quảng Nguyên này có long mạch phát tích đế vương chứ?
Cả bọn thấy Thân Lợi nói bằng giọng kẻ cả nhưng cứ xì xụp ăn, hắn chi tiền thì thích nói gì mặc hắn. Thân Lợi phải nhắc lại câu hỏi lần nữa, chúng mới đáp:
- Đúng rồi. Vua Nùng Trí Cao người Tống còn hãi đến bây giờ. Cha ông chúng ta nhà nào cũng có người theo vua, biết rồi còn hỏi lại.
- Vậy các người có biết ta là ai không?
- Lại hỏi lạ. Là Thân Lợi, là thầy toán chợ Quảng Nguyên chứ ai.
- Láo. Hãy xem cái gì đây.
Mọi người trố mắt nhìn cái mảnh khăn vàng thêu rồng nhấp nhánh. Thân Lợi tiếp tục giơ bàn chân phải có thất tinh đỏ chót cho cả bọn xem rồi giảng giải:
- Đây là khăn vua do tiên đế Nhân Tông trao cho Cảm Thánh phu nhân, tức thân mẫu ta làm tín vật gia bảo. Nghĩa là chính thi con đẻ của tiên đế, tức thân vương Lý Lợi mà thân mẫu vẫn gọi tắt là Thân Lợi, các ngươi hiểu chưa. Sở dĩ thân mẫu ta giấu kín chuyện này đến tận bây giờ mới nói là vì bây giờ mới có thời cơ. Thần Tông không phải là con đẻ nhưng được chính tiên đế truyền ngôi, nay Thần Tông đã chết, thân mẫu ta làm theo lời dặn của tiên đế bảo ta hồi kinh đòi lại ngai vàng. Các ngươi lâu nay là bạn chí cốt của ta, muốn hưởng phú quý, hãy đi cùng ta.
Chuyện con vua cháu chúa về ẩn trong dân gian không hiếm trong lịch sử, nay Thân Lợi là con vua cũng có thể lắm chứ. Hơn nữa, vùng Quảng Nguyên còn lạ gì chuyện một người con gái đẹp được vua Lý kén về kinh năm xưa. Họ đâu ngờ người con gái ấy đã xuất cung, mà lại chính là A Vân, mẹ của Thân Lợi - thầy toán. Trước sự thật hiển nhiên phơi bày, cả bọn chợt nhớ phận con ong cái kiến, vội cùng sụp lạy.
- Chúng thần có mắt mà không tròng, lâu nay phạm thượng mà không biết, kính xin tha tội.
Thân Lợi ngồi ngay trên ghế, hài lòng đáp:
- Không biết không có tội. Ta cho bình thân. Từ nay trở đi các ngươi sẽ là đại thần tin cẩn của ta và mãi mãi là bạn tốt của ta.
- Chúng thần tạ ơn thiên tuế.
Cả bọn công kênh Thân Lợi đi vòng quanh chợ, vừa đi vừa giơ cao khăn rồng, kêu gọi mọi người phò giúp thiên tử. Dân đi chợ toàn là người nghèo, thấy có tín vật khăn rồng thì tin là thật, ai cũng muốn thăng quan tiến chức đổi đời nên ùn ùn đi theo hưởng ứng. Phiên chợ phút chốc hết sạch người. Tiếng reo hò như suối lũ tràn đến công đường quan tri châu. Quan châu mắt nhắm mắt mở nghênh đón Thân vương quy thuận. Ngay tại công đường, Thân vương thiết triều, định quan tước, ban bố mệnh lệnh, chia lập quân đội. Tất nhiên, nàng Châu A Bảo xinh đẹp, con gái quan tri châu được thân vương phong ngay làm hoàng hậu.
Chỉ căn cứ chiếc khăn rồng tín vật, mấy ngày sau các châu huyện phía bắc đều lần lượt quy thuận Thân Lợi. Đạo quân cần vương lên đến hàng chục vạn người, ầm ầm tiến về phủ Phú Lương. Thân Lợi cử phò mã Dương Tự Minh đến gặp Thái uý Tô Hiến Thành, người đang nhận mệnh phụ chính Long Trát, yêu cầu giúp đỡ. Tô Thái uý đáp:
- Long Trát lên ngôi chính đạo, ta không thể làm chuyện phế lập. Hãy về nói với Thân vương an phận giữ châu Quảng Nguyên thôi, ta sẽ tâu giúp ở triều đình.
Thân Lợi nghe phò mã nói lại thì tức tối quát:
- Chẳng lẽ lão Tô chỉ xem ta như phiên thần Trí Cao xưa kia hay sao?
Liền điểm binh tiến về kinh thành, quyết một trận sống mái.
Tướng quốc Đỗ Anh Vũ, vốn đang thông dâm với Thái hậu, vua thì còn nhỏ, tha hồ tác oai, tác quái trong triều, nghe phụ chính họ Tô xin ban đất Quảng Nguyên cho thân vương, con đẻ của Nhân Tông lưu lạc trong dân gian thì cũng không bằng lòng, liền điều họ Tô đi giữ đất Lạng Sơn, còn bản thân dẫn quân bày trận ở Bình Lỗ. Quân đội Thân Lợi là quân ô hợp, bị quân thiện chiến của Đỗ Anh Vũ tiêu diệt, thây chết đầy đồng, đầy núi. Lần đầu tiên trong đời thấy người chết nhiều vô số như thế, Thân Lợi thương cảm lắm, ngửa mặt nhìn trời than thở, đúng phong cách đế vương thất trận:
- Thật là “nhất lập quân hầu vạn cốt khô“, ta ân hận lắm. Mà sao kẻ quyền cường Anh Vũ kia cũng tàn nhẫn thế, giết người ta như giết kiến mà không sợ tổn thọ ư.
Chợt nhận ra cũng là một con kiến trong đàn kiến đang bị giẫm đạp, Thân Lợi phi ngựa một mình chạy tuốt, mặc kệ đàn kiến chết chìm trong ước mơ giàu sang phú quý.
Thân Lợi chạy một mạch mấy ngày, đến một bản trong vùng núi đá lởm chởm mới dám dừng ngựa đi tìm đồ ăn. Không có bạc, Lợi đem chiếc khăn rồng ra đổi cơm, và chính vì chiếc khăn ấy, Thân Lợi đến được Long Thành mà không bị quan quân ngăn trở, có điều Lợi đến Long Thành với thân phận còn bé hơn cái kiến!