Thảm đạm thu phong cổ dốc bi
Khả liên kim dạ biệt nga mi
Bạt sơn lực tận “thiên phong ngã”
Bách chiến quan hà phó dữ thùy?
Đầm sen làng Gạch ven đê sông cái rộng hơn trăm mẫu nổi bật giữa nền trời bởi màu xanh của lá, màu hồng của hoa. Hương sen ngan ngát tỏa lan xa vài dặm theo chiều gió thổi. Đầm sen làm dịu mát cả một vùng nắng lóa. Đến bên đầm sen cái nóng cái nực không dám bám theo người nữa. Nguyễn Cao rất thích đến gốc đa cổ thụ cạnh đầm ngồi học. Nguyễn thông minh, nổi tiếng thần đồng, học đến lóc xương, lòi da, nay đã ngót bốn mươi tuổi mà vẫn chưa đi thi vì tự cho mình sở học còn nông cạn. Quan phủ Phạm Thận Duật trọng tài ẩn sĩ thường đến bàn về văn chương, thế sự. Lời lẽ của Nguyễn tỏ rõ khí tiết cương cường của người quân tử, rất hợp với Phạm công.
Hôm nay trời nắng oi ả khác thường, dường như trời đang tích gió để chuẩn bị nổi dông nổi bão, Nguyễn lại đến bên gốc đa đọc sách. Nguyễn đang đọc thiên Hạng Tịch của sách “Sử ký”. Thỉnh thoảng Nguyễn lại thốt lên: “Sở Vương đáng mặt anh hùng, chính nhân quân tử, tiếc rằng trời không thương! Tiếc thay! Tiếc thay!” Đọc xong thiên truyện người Nguyễn run lên bần bật. Chính trị là thủ đoạn, là tàn độc, kẻ chính nhân quân tử không hợp, bị hại là tất nhiên thôi. Nguyễn gấp sách, nhìn ra đầm sen tìm chút thư thái. Nước trong leo lẻo, có thể nhìn thấu cả những con cá rô, cá chuối lượn lờ trong đám đuôi muông sâm sẫm. Dường như cá cũng thư thái trong đầm sen thơm dịu. Nguyễn chú mục nhìn một nụ sen như búp lửa vừa nhô khỏi mặt nước. Nguyễn cảm tưởng nhìn thấy được sức vươn của búp hoa. Mỗi khắc búp hoa mỗi cao. Đến khi búp hoa cao ngang tán lá thì Nguyễn thấy nó giống cây trường thương thẳng băng, mũi thương ngập trong quả tim chưa kịp tứa máu. Nguyễn bất giác rùng mình. Nơi bình yên u nhã thế này mà vẫn cần đến thương đao ư? Phải chăng tạo hóa luôn tạo ra sự thăng bằng trong mọi trường hợp, có sinh có diệt, có tĩnh có động, có hòa bình có chiến tranh? Nguyễn chìm trong tư duy thế cuộc. Không biết Nguyễn sẽ ngồi bao lâu nữa nếu không có tiếng động từ đầm sen vẳng đến. Nguyễn đưa mắt nhìn về phía có tiếng động. Một con chuột đang ngồi trên bát sen to mẩy căng phô phê những hạt như thiếu nữ khoe ngực. Chuột khoan khoái thưởng thức món hạt sen, chòm râu rung rung đắc chí. Nó không biết sợ người thì chớ lại còn giương to đôi mắt thao láo nhìn lại Nguyễn vẻ thách thức. Bỗng nó nhảy ào xuống nước. Liền đó một con thuyền nan xuất hiện đột ngột như từ trên trời rơi xuống. Thiếu nữ đẹp như Hằng Nga, mặc áo cánh màu xanh lục, áo dài và khăn vấn màu hồng sẫm chống con thuyền trờ tới gốc đa. Nguyễn chưa hết ngỡ ngàng đã nghe thiếu nữ mở miệng hoa:
- Thưa văn nhân, cha tôi mời đến uống trà.
Nguyễn không thể từ chối lời mời của thiếu nữ, hấp tấp bước xuống thuyền làm con thuyền chòng chành, suýt hất ngã Nguyễn xuống nước. Thiếu nữ nhắc:
- Xin văn nhân ngồi xuống cho vững.
Nguyễn nghe theo ngồi xuống thanh tre cố định ngang cạp thuyền. Thiếu nữ dướn người chống sào đẩy thuyền đi. Dáng thiếu nữ thật đẹp và quyến rũ khi đẩy thuyền vì cặp vú cứ nhô lên như muốn vượt ra khỏi làn áo mỏng. Con thuyền từ từ tiến sâu vào đầm. Rừng sen cao vổng lên che kín cả thuyền cả người. Nguyễn dè dặt hỏi:
- Cô nương, thân phụ có biết tôi chăng?
- Hữu duyên năng tương ngộ thôi mà.
Bỗng rừng sen mở ra, con thuyền trờ tới bến nước, Nguyễn nhìn lên theo con đường mòn thấy một nếp nhà tranh xinh xắn. Thiếu nữ ghìm thuyền cho Nguyễn bước lên bờ. Ngôi nhà trên gò đất giữa đầm sen thật huyền ảo. Quanh nhà trồng toàn hoa mẫu đơn đỏ thắm. Mỗi bông hoa như một ngụm máu long lanh trong nắng. Nguyễn vén rèm bước vào nhà. Một người đàn ông cao lớn ngồi xếp bằng trên chiếc sập gụ chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng chờ sẵn. Nguyễn thi lễ. Lão Hạng, tên người đàn ông, gật đầu mời Nguyễn ngồi đối ẩm. Thiếu nữ từ buồng trong bưng ra hai tách trà có nắp đậy. Chiếc khay trong tay thiếu nữ cũng sơn son thếp vàng rực rỡ. Nguyễn đỡ tách trà nóng không khỏi khen thầm chiếc tách sứ cổ men xanh quý hiếm. Nguyễn càng phân vân không biết lão Hạng là người thế nào mà đồ gia dụng sang trọng thế. Chờ Nguyễn chiêu một ngụm trà, lão Hạng hỏi:
- Có hợp khẩu vị văn nhân chăng?
Nguyễn không dám đường đột trả lời ngay mà chiêu thêm một ngụm nữa để cảm hết hương vị rồi mới nhẩn nha đáp:
- Trà ngon, hương vị lạ lắm. Hương phảng phất mùi sen, mùi trà, mùi lửa và một mùi ngầy ngậy. Vị thì có độ ngọt của trà, của nước, của sen hòa quyện, vị ngọt ngân mãi trong họng. Hương vị làm cho người khoan khoái dễ chịu.
- Văn nhân quả là tao nhã. Đây là trà Long Tỉnh lứa đầu mùa xuân, mang đậm vị của mùa đông lại có hương thơm của bách hoa mùa xuân. Trà lại được ướp trong nụ sen còn phong nhị. Nước pha trà là sương đọng trên lá sen buổi sớm, đun trong ấm bạc bằng củi quế. Thưởng trà cần phong cảnh u tịch, tâm thế thảnh thơi thì hương vị mới đượm. Cũng là trà này, nếu văn nhân thưởng ở nơi khác sẽ giảm hương vị vài phần đó.
Trong lúc lão Hạng nói, Nguyễn để ý thấy nơi cổ lão có vết sẹo dài như con rắn quấn quanh. Vóc người to lớn, vẻ mặt quắc thước, phong thái đường bệ của lão Hạng khiến Nguyễn cứ phải lục tìm trong trí nhớ xem đã gặp ở đâu, tại sao lão lại biết mà mời đến thưởng trà. Nhưng Nguyễn chịu không nhớ nổi. Lão Hạng giống như tướng võ trong tranh Tam Quốc mà Nguyễn đã từng xem. Lão Hạng vỗ tay. Thiếu nữ thướt tha ôm cây đàn tranh đi ra, tự ngồi vào bàn kê bên cửa sổ hướng ra đầm sen, rồi vừa đàn vừa hát:
Thảm đạm thu phong cổ dốc bi
Khả liên kim dạ biệt nga mi
Bạt sơn lực tận “thiên phong ngã”
Bách chiến quan hà phó dữ thùy?
(Gió thu thảm đạm, tiếng trống, tiếng tù và buồn thương. Đáng thương thay đêm nay từ biệt khách mày ngài. Sức nhổ núi đã hết: “Trời diệt ta!” Quan hà trăm trận đánh giành được nay lọt vào tay ai?)
Tiếng hát thổn thức cùng tiếng đàn não ruột vang lên. Lão Hạng mặt rắn đanh lại, toàn thân lặng phắc tượng đồng, mắt ngấn lệ. Thiếu nữ dừng lời, chờ cho cảm xúc của cha nguôi ngoai đôi phần mới lại hát tiếp. Giọng hát lần này thanh hơn, nghe như có vẻ tự trách mình trong đó:
Quan hà tứ tái nguyệt như sương
Chiến mã vô thanh dạ vị ương
Đãn hận quân vương thời bất lợi
Hồng nhan bạc phận thiếp hà thương.
(Quan hà bốn cửa ải ánh trăng như sương
Ngựa chiến lặng lẽ đêm chửa tàn
Chỉ hận cho đấng quân vương thời không thuận
Phận hồng nhan mỏng manh có gì đáng thương đâu.)
Vẻ mặt lão Hạng trở nên xót xa luyến tiếc. Thiếu nữ hát xong thì gục xuống nức nở làm cho cây đàn rung lên những hoà âm lộn xộn. Chứng kiến cảnh cha con lão Hạng xúc động cực điểm, Nguyễn không khỏi rung động trong lòng. Hồi lâu Nguyễn mới đứng dậy bái biệt. Lão Hạng trầm trầm nói:
- Hạng Tịch cũng đáng mặt anh hùng thời loạn đấy chứ. Sống an phận thủ thường thì khi từ bỏ cuộc đời khác chi triệu triệu cuộc đời khác phỏng có đáng gì.
Nguyễn gật đầu tán đồng. Gương mặt lão Hạng ngời sáng lên, vết sẹo dài ở cổ càng nổi to hơn, và hình như máu đỏ vẫn đang túa ra từ đó. Lão Hạng lười nhác phẩy tay chào lại Nguyễn.
Thiếu nữ lại chống thuyền đưa Nguyễn vào bờ. Thuyền vừa lao vào rừng sen thì gò đất và ngôi nhà đã tan biến đi trong màn sương khói mịt mù. Con thuyền nước mã hồi chẳng mấy chốc đã đưa Nguyễn về gốc đa cổ thụ. Thiếu nữ một tay chống sào, một tay đỡ Nguyễn lên bờ, rồi quay ngay thuyền vào đầm sen, phút chốc đã mất dạng. Nguyễn thấy trong tay có chiếc khăn hồng mỏng tang, mở ra xem thấy góc khăn thêu hai chữ màu xanh lục: Liên Hương. Từ chiếc khăn toả ra hương sen dìu dịu. Lại có tiếng loạt xoạt từ đầm sen khiến Nguyễn giật mình, thẹn đỏ mặt tưởng thiếu nữ quay lại, nhưng chỉ có con chuột đáng ghét vừa ăn sen vừa giương mắt nhìn chiếc khăn. Nguyễn gấp khăn cất vào túi thì con chuột lại chú mục vào việc gặm bát sen như không có việc gì trên đời này quan trọng hơn việc ấy.
*
Một năm sau.
Nguyễn Cao trở lại đầm sen làng Gạch mong gặp lại Liên Hương sau một thời gian dài xa cách. Nguyễn đã đến Tam Đăng theo học thầy Hoàng giáp Phạm Quang Nghị rồi dự thi, đỗ thủ khoa cử nhân. Nay Nguyễn đang phân vân có nên nhận quan không. Trong lòng Nguyễn thực ra đã lạnh nhạt với quan trường từ lâu. Với Nguyễn, quan trường là miếng phù hoa cám dỗ người ta. Bước vào chốn ấy mới thấy đó là cái gông đời cột chặt chí tang bồng. Đã thế, mỗi bước đi là một bước cám dỗ và cạm bẫy. Khi xưa thân phụ Nguyễn làm quan nghiêm cẩn nhưng chỉ vì có vợ trẻ đẹp lọt vào mắt của quan tổng trấn mà bị vu oan hãm hại. Mẹ Nguyễn không chịu nhục đã tuẫn tiết theo chồng. Nguyễn mang nặng thù nhà, quyết chí học hành đỗ đạt mong nhờ quốc pháp trị tội lũ quan tham dâm đãng kia. Nhưng nay tên quan tổng trấn đã chết, bọn ô quan thì đầy rẫy liệu có trị được không hay bản thân cũng thành một tên ô quan mới, hoặc bị bọn ô quan đông đúc ấy hãm hại. Nguyễn muốn gặp lão Hạng ẩn sĩ để thăm dò ý tứ và để cám ơn nàng Liên Hương, nhờ chiếc khăn hồng mà Nguyễn mới làm được bài tốt. Hôm ấy, gặp đề thi “Hạng vương đầu”, Nguyễn đang phân vân chưa biết khởi bút thế nào, mồ hôi rịn khó chịu, mới lấy khăn ra lau. Mùi hương ngào ngạt làm Nguyễn thấy bảng lảng rồi thiếp đi lúc nào không biết. Nguyễn mơ màng cùng Liên Hương dạo chơi trên đầm sen. Rồi nàng cất tiếng hát thổn thức, hết bài “Hạng Vũ biệt Ngu Cơ” lại đến bài “Ngu Cơ biệt Hạng Vũ” hai bài hát Nguyễn đã được nghe năm trước. Tiếng hát dừng thì Nguyễn trông thấy Hạng Vũ tả xung hữu đột trong vòng vây quân Hán trùng điệp. ánh hoàng hôn hắt tới càng làm tăng vẻ bi tráng của người anh hùng thất thế. Hạng Vũ không chút run sợ vung gươm như tia sáng phạt quang từng đám quân Hán. Đầu lâu lăn lông lốc dưới chân, Hạng Vũ đạp lên thây quân Hán chất thành gò mải miết chiến đấu. Gò thây cứ cao mãi, cao mãi. Hạng Vũ là cái đỉnh của gò ấy. Đỉnh gò đã chạm mây trắng. Bất thần Hán Vương từ trong đám mây trắng bay tới vung tia chớp xoẹt đứt đầu Sở Vương. Hạng Vũ buông gươm, hai tay đỡ đầu thét to: “Trời diệt ta”. Máu túa ra như mạch ngầm phun nước. Hạng Vũ cứ đứng trời trồng chứ không chịu ngã xuống cái gò thây quân Hán. Đến lúc ấy thì Nguyễn nghe Liên Hương nhắc: “Văn nhân, ngài đi chơi thế thôi còn phải làm bài thi nữa chứ!” Nói xong Liên Hương tan biến đi ngay. Nguyễn tỉnh giấc, biết là mình vừa mơ màng. Chiếc khăn hồng vẫn toả hương trên bàn viết, cứ như Liên Hương vừa từ đây đi ra vậy. Nguyễn lấy cảm hứng từ trong giấc mơ cắm cúi viết, trong đó có câu: “thần”, nhờ đó mà được xếp trên các bài thi khác là: Đường đường bát xích thân hà tại. Lẫm lẫm trùng đông thế nhược không.
Nguyễn ngồi ở gốc đa chờ đợi. Một đàn chuột béo núc thi nhau gặm sen dưới đầm. Nguyễn là học trò, hay Nguyễn là cử nhân lũ chuột cũng mặc, chúng cứ tự do thưởng thức món hạt sen vừa ngọt vừa bùi. Mỗi bát sen chúng chỉ gặm một vài hạt mẩy nhất, thành thử bát sen nào cũng bị gặm nham nhở. Cái lũ ăn vụng cứ ngây thơ tưởng ăn một vài hạt như thế thì chủ không biết. Nguyễn khó chịu, lấy đất ném, lũ chuột nhảy ào xuống nước líu ríu chạy. Lát sau đã thấy một vài con thập thò leo lên bát sen mới. Thật là khó trị lũ ăn bám ăn trộm công khai.
Chờ mãi không thấy Liên Hương xuất hiện, Nguyễn đứng dậy toan đi vòng quanh đầm tìm. Đầm rộng nhường kia, sen thì tốt như rừng, biết tìm ở đâu. Nhớ câu “Hữu duyên năng tương ngộ” Nguyễn nản, đành cứ đứng tại gốc đa gọi to “Liên Hương” mấy lần. Chỉ có gió xô lá sen đáp lại. Nguyễn tần ngần ra về.
Tuần phủ Phạm Thận Duật đã đợi sẵn ở nhà.
- Nguyễn huynh có chịu giúp tôi không?
- Thưa, đệ sẽ mở trường tại nhà. Chí của đệ là bồi dưỡng tài năng tương lai đất nước đặng nhân thành nhiều đệ nay mai.
- Nguyễn huynh, quân Pháp chắc sẽ không từ bỏ dã tâm chiếm nốt Bắc Thành, vì thế đệ rất cần có huynh trợ giúp.
- Nếu cơ sự xảy ra, đệ sẽ giúp huynh một tay, nhưng nhận quan thì xin kiếu. Giúp nước giúp dân đâu cứ phải làm quan mới được.
Nguyễn không muốn làm quan còn bởi một lẽ khó nói ra nữa là Nguyễn muốn được ở gần đầm sen chờ dịp gặp lại cha con lão Hạng. Nguyễn rắp tâm nếu gặp lại sẽ thổ lộ lòng mình xin lão Hạng cho đón Liên Hương vu quy, hoặc nếu cần, Nguyễn sẵn sàng ở lại đầm sen suốt đời.
*
Nghe tiếng ông cử Gạch mở trường dạy học, học trò các nơi theo về ngày một đông. Chưa đầy một năm mà học trò đã lên tới gần hai nghìn người. Nguyễn vừa dạy chữ vừa dạy bày trận đánh võ. Nguyễn thường bảo học trò: “Giữ nước là chính đạo, cướp nước là tà đạo. Chính tà không thể cùng đứng. Gió chính đạo dấy mạnh tất thổi bạt gió tà đạo”.
Một hôm quan tuần Phạm vội vã đến gặp Nguyễn báo việc quân Pháp đã chiếm Hà Nội và chuẩn bị điều quân vượt sông Hồng. Tỉnh Bắc Ninh sắp thành chiến địa. Quân triều đình trong tay Phạm vừa ít lại được trang bị lạc hậu, lòng quân thì phân tán vì trong triều có phe chủ hoà, phe chủ chiến. Phạm lo lắm muốn chia sẻ mưu kế với Nguyễn. Nguyễn hăng hái:
- Giặc đến thì đánh còn hoà với chiến gì nữa, xin quan anh trang bị vũ khí, đệ sẽ tổ chức quân Nghĩa Dũng chiến đấu giữ đất cùng quân triều đình.
Phạm phân vân:
- Lập quân Nghĩa Dũng phải được phép của triều đình, kẻo bị kết tội phản nghịch, chẳng phải giúp nhau lại bằng hại nhau ư?
- Đại tướng ở ngoài có quyền tự quyết, nay quan lấy danh nghĩa triều đình lập quân Nghĩa Dũng rồi tấu trình sau, sao coi là phản nghịch được?
- Thôi được, cứu hoả không từ phương tiện, nếu vì thắng giặc mà bị định tội, Phạm này sẽ gánh chịu.
Nguyễn sai trưởng tràng Lam Kiều nổi trống gọi học trò tới bãi luyện võ, Nguyễn nói:
- Quân Pháp sắp đánh tới quê hương ta, triều đình lập quân Nghĩa Dũng, ta đã nhận lời với quan tuần Phạm, trò nào dám liều mình vì nước cùng ta thì ở lại trường, còn ta cho về.
Toàn trường im phăng phắc. Sự việc đến quá đột ngột. Nhiều người đến trường học để mong vinh thân phì gia chứ đâu phải đi học để theo thầy lao vào nơi mũi tên hòn đạn. Một số thì nhút nhát do dự. Trước tình thế ấy, Lam Kiều bước ra khỏi hàng, dõng dạc đáp:
- Thưa thầy, cứu nước là trách nhiệm của mọi người dân đất Việt. Thầy đã nêu tấm gương sáng, học trò xin theo. Nhân đây xin thầy cho phép học trò có vế đối thế này: Tiên thiên hạ chi ưu, báo quốc đan tâm quang nhật nguyệt. (Lo trước mọi người, cứu nước lòng son ngời nhật nguyệt).
Các khối học trò ran tiếng vỗ tay hưởng ứng. Họ bảo nhau nghĩ ra vế đối lại. Sau một hồi bàn qua bàn lại, cả Chì xin thay mặt anh em được đối:
- Vì sinh dân trừ hại, bình Tây tức trí tráng sơn hà. (Vì dân trừ hại, bình Tây chí lớn rạng non sông).
Cả Chì đọc xong, tiếng vỗ tay lại nổi lên như sấm. Lúc ấy lại có một học trò đứng ra xin đối. Đó là thương Phán. Mọi người im lặng háo hức chờ nghe. Phán đọc bằng một giọng run run:
- Phi triều đình chi mệnh, hiếu danh tiểu khí động can qua (Chưa có lệnh vua, hiếu danh cá nhân gây chiến tranh).
Thương Phán đọc xong, một vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt hưởng ứng không át nổi những tiếng xì xào chê bai. Lam Kiều bước thẳng tới, vung tay tát Phán một cái nảy lửa, rồi nói giọng đanh thép:
- Đồ hèn, giặc đến nhà mi tất sớm làm tay sai cho chúng, thật uổng công thầy dạy bảo. Cút!
*
Trước những lời dụ dỗ đường mật của bọn quan Tây quan ta tay sai Tây mời “hợp tác”, Nguyễn Cao đáp lại bằng sự im lặng sắt đá và bỏ cơm tuyệt thực đã mấy ngày. Nhưng sáng hôm nay ông đã giật mình khi người học trò yêu Lam Kiều nhờ người cai ngục đưa cho mảnh giấy viết những dòng run rẩy: “Thầy, sao thầy nhận làm quan cho giặc, con đau lòng lắm, con xin lấy cái chết để thầy nghĩ lại”. Ông chưa kịp viết thư lại bảo Lam Kiều đừng mắc mưu giặc đã thấy người ta khiêng xác Lam Kiều ra, đầu bê bết máu, chắc cậu ta vừa đập đầu vào tường tự sát. Lam Kiều con, thế là con đã làm tròn sự nghiệp vì thầy vì nước, chỉ tiếc rằng con ra đi mà chưa hiểu hết lòng ta. Sự xúc động quá mạnh làm vết thương trên ngực Nguyễn lại rỉ máu, nhức buốt. Khi ông bị thương, chính Lam Kiều đã cõng ông chạy ba ngày liền tránh sự truy đuổi của giặc và đến được chùa Kim Giang chạy chữa. Vết thương tạm ổn, hai thầy trò đóng giả làm sư, vừa dạy học vừa tìm cách bắt liên lạc với các nhân sĩ yêu nước hưởng ứng chiếu Cần Vương ở địa phương. Vết thương ở ngực đã làm lộ thân phận một chiến binh khiến hai thầy trò bị quan ta tay sai Pháp bắt được đưa về nhà giam Hà Nội đây. Qua lời bọn tay sai, Nguyễn đau lòng biết quan tuần Phạm đã bị Pháp bắt đi đày, quan đốc Tít đưa nghĩa quân Bãi Sậy rút được về căn cứ Phao Sơn cũng bị chúng đánh tan, quan tán Thuật cầu viện quân Cờ Đen không được phải lưu lại đất Bắc, quan tán Khải hẹn gặp ở Vụ Bản không biết có bị bắt không. Quân tướng “Tam tỉnh nghĩa đoàn” xiêu dạt các ngả, đang rất cần người làm thủ lĩnh.
Đang nghĩ ngợi tìm cách gây dựng lại phong trào thì người cai ngục quay lại, hai tay bưng tách trà, kính cẩn nói:
- Thưa quan Tán, có một cô gái nhờ tôi đưa tách trà cho ngài ạ!
Nguyễn đỡ tách trà, nhận ngay ra chiếc tách cổ quý hiếm nhà lão Hạng. Ông vội hỏi:
- Thế cô gái đâu, cô ấy có nhắn gì không?
- Thưa, cô gái chỉ nhờ tôi đưa tách trà rồi đi ngay ạ.
- Thôi, cảm ơn ông.
- Dạ.
Nguyễn mở nắp tách trà ra. Mùi trà Long Tỉnh bện hương sen lập tức toả ngát căn phòng giam hôi hám. Hương trà sen làm Nguyễn phấn chấn. Ông thận trọng chiêu một ngụm nhỏ để thưởng thức hương vị. Lão Hạng từng bảo, thưởng trà ngon phải có khung cảnh tĩnh lặng và tâm trạng thư thái thì mới thấy hết hương vị của trà. Nguyễn uống trà là nhớ ngay lại cảnh thưởng trà nơi đầm sen, nhớ lão Hạng, nhớ Liên Hương. Càng uống Nguyễn càng phấn chấn. Nguyễn nhớ rõ gương mặt lão Hạng ngời sáng khi chia tay và vết sẹo như con rắn ở cổ lão tứa máu. Anh hùng được hậu thế tri âm thế là hả. Nguyễn ngửa cổ dốc cạn tách trà rồi cười to nói:
- Bọn dị đoan tà đạo muốn ta “hợp tác” ư? Chính đạo làm sao đứng cùng chúng bay được. Ha, ha, ha... Ta không còn sức tiêu diệt chúng bay nhưng tâm ta sẽ cùng nhân dân tiêu diệt hết chúng bay, ha, ha...!
Nguyễn vung tay đập vỡ tách trà, dùng mảnh vỡ rạch bụng phơi lòng trong sạch cho trời đất chứng giám, sau đó cắn lưỡi quyết chết vì nghĩa lớn. Liền đó trời nổi dông gió mù mịt. Người gác ngục trông thấy một thiếu nữ trẻ đẹp, dáng mảnh mai, mặc áo cánh xanh lục, áo dài và khăn màu hồng sẫm đến ôm xác Nguyễn ra đi, hương sen toả theo ngào ngạt. Thấy lạ, người gác ngục mở cửa phòng giam thì thấy Nguyễn đã cắn lưỡi mổ bụng chết rồi, chiếc khăn hồng mỏng đắp trên mặt. Từ chiếc khăn phả ra mùi hương sen dìu dặt. Trên chiếc khăn nổi rõ dòng chữ vàng lấp lánh: “Nhất thế khoa danh bách thế hùng”.