Nhổ đinh
Làng Hương mấy năm nay thành một công trường xây dựng bề bộn, ứ thừa cát sỏi sắt thép. Đường bê tông cốt thép. Đình chùa bê tông cốt thép. Nhà bê tông cốt thép đội nóc đỏ chót đua nhau nhô lên trời. Màu xanh cây trở nên quý hiếm vì những chấm xanh ti tí ở các chậu cảnh chưa kịp phát tán. Màu xanh trời cũng quý hiếm, chỉ còn những lát cắt dài dọc các con đường dành cho người đi ở mặt đất. Cả làng Hương chỉ còn hơn hai sào đất nhà thờ họ Bùi là còn mướt mát màu xanh của những cây cổ thụ trên trăm tuổi. Họ Bùi to nhất làng với trên sáu trăm suất đinh. Ngôi nhà thờ có từ thời Cảnh Hưng, đã trên hai trăm năm, mới được công nhận di tích lịch sử văn hoá. Lẽ tất nhiên họ Bùi rất tự hào về ngôi nhà thờ bởi nó được dựng lên bằng ân điển của vua Lê, nay lại được nhà nước ghi nhận, khẳng định một dòng họ nền nếp, gia phong mẫu mực. Sự tích ân điển vua Lê được ghi chép cẩn thận trong gia phả, cứ đến ngày giỗ họ ôn lại cho mọi người đều biết, đều nhớ. Sự tích ấy tóm tắt thế này: Thời ấy loạn quân Nguyễn Cừ - Nguyễn Tuyển từ miền Đông vượt Lục Đầu Giang tràn sang chiếm cứ vùng Nam Đuống, chuẩn bị tiến đánh kinh thành Thăng Long, thế mạnh ngất trời. Dân nghèo nô nức đi theo, hy vọng một cuộc đổi đời nay mai. Làm dân mãi cũng chán. Chán làm dân thì hoặc làm vua, hoặc làm giặc. Làm gì cũng đổi đời. Họ Bùi tuy không đỗ cao, không làm quan lớn, nhưng là dòng họ có thi thư lễ nghĩa nên vẫn một mực trung quân, không có ai theo quân loạn. Dẹp xong Nguyễn Cừ - Nguyễn Tuyển, triều đình ban khen họ Bùi làng Hương bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” và trăm lạng bạc. Họ Bùi dựng nên ngôi nhà thờ năm gian gỗ lim bề thế nhất vùng để treo bức hoành phi ngự tứ ấy. Đến thời Tự Đức họ Bùi lại được nhà vua ban cho bức đại tự “Ngũ đại đồng đường”. ấy là cái gốc thi thư lễ nghĩa đã được cụ Bùi Ngân khéo áp dụng vào đời sống dạy bảo con cháu năm đời ở chung một nhà cùng ăn cùng làm. Tính từ cụ Bùi Ngân, nhà này có một cặp vợ chồng bố, ba cặp vợ chồng con, năm cặp vợ chồng cháu, tám cặp vợ chồng chắt, một cặp vợ chồng chút. Năm tám mươi sáu tuổi cụ Bùi Ngân được nhà vua triệu kiến hỏi về bí quyết dạy con cháu. Cụ dâng cho vua xem chiếc nhẫn sừng trâu đen bóng, món quà của sư cụ chùa Vân Yên cùng với những lời niệm tuệ nhãn “Nhẫn”. Nhẫn giúp cho vua sáng tôi hiền, phụ từ tử hiếu, huynh hoà đệ thuận, chồng nhịn vợ nhường. Mỗi khi trong nhà có chuyện bất hoà, thảo dân gọi từng người đến trước bàn thờ tổ tiên hỏi rõ nguồn cơn, rồi đọc bài niệm tuệ nhãn, thế là chị em dâu cũng phải ôm nhau khóc, chín bỏ làm mười. Nhà vua gật gù hài lòng. Vậy nhà ngươi sao không đọc trẫm nghe bài niệm tuệ nhãn nhỉ. Bẩm, thảo dân tuân chỉ.
Nhẫn được cái tức một lúc tránh được
mối lo trăm ngày.
Muốn hoà thuận trên dưới nhẫn nhịn
đứng hàng đầu
Cái gốc trăm nết, nết nhẫn nhịn là cao
Cha con nhẫn nhịn nhau: vẹn toàn đạo lý
Vợ chồng nhẫn nhịn nhau: con cái khỏi bơ vơ
Anh em nhẫn nhịn nhau: trong nhà
thường yên ấm
Bạn bè nhẫn nhịn nhau: tình nghĩa chẳng
phai mờ
Tự mình nhẫn nhịn được: ai ai cũng mến yêu
Người mà chưa biết nhẫn, chưa phải là
người hay.
Quan lễ bộ đâu, hãy ghi chép lại rồi giáo hoá quan dân làm theo bài niệm tuệ nhãn “Nhẫn” này. Truyền ban cho lão Bùi trăm quan tiền cùng bốn chữ “Ngũ đại đồng đường” đề cao phong hoá.
Cụ Bùi Ngân được bộ Lễ đưa về tận quê. Hàng xã có chỉ nghênh đón cụ như đón quan nghè vinh quy. Cụ Bùi Ngân dùng tiền tậu đất cho nhà thờ. Đất vườn chỉ trồng cây lưu niên, nay đã thành cổ thụ khiến cho ngôi nhà thờ họ càng thâm nghiêm tĩnh mịch hơn.
*
Hôm nào cũng vậy, cứ tiếng kẻng tập Thái cực quyền của các cụ cao tuổi vang lên là Thắm lại sang nhà thờ quét dọn, lau chùi bàn ghế. Xong việc trời còn sớm cô thắp hương khấn tổ rồi bắc ghế trèo lên nhổ đinh. Hai tay nắm chắc vào cây đinh ba cô mắm môi lay, mắm lợi nhổ. Cô đu cả người lên cho cây đinh phải suy chuyển. Nhưng vô ích. Cây đinh ba dài một tấc cắm vào cột lim quá nửa chỉ sáng lên do tay Thắm cọ xát chứ không hề lay động tẹo nào, dù chỉ là cảm giác. Thắm vẫn cứ ra sức lay ra sức nhổ. Cô hy vọng lay mãi, nhổ mãi nó sẽ phải lung lay, phải oằn cong, phải bật ra. Tình yêu của cô, cuộc đời của cô bị cây đinh ba này chốt chặt trong cột rồi. Chỉ có nhổ bật cây đinh ra thì tình yêu của cô, cuộc đời của cô mới tự do cất cánh được. Tại sao lại thế ư? Đơn giản là Thắm họ Bùi lại yêu Vông họ Trần Phụ. Yêu, yêu lắm, không lấy được Vông thì Thắm chỉ còn nước gọt tóc đi tu hoặc quyên sinh mà thôi. Nhưng Thắm đang tuổi mười bảy, sức sống tràn ứa, cô phải giành giật lấy tình yêu của mình chứ. Vậy yêu Vông lấy Vông làm chồng liên quan gì đến cây đinh ba cắm vào cột lim nhà thờ họ Bùi nhỉ? Hỏi lạ, có liên quan thì Thắm mới phải nhổ chứ. Hai bàn tay mịn màng của cô đã sứt sẹo tứa máu rồi đấy. Chuyện dài dài mà.
Thời xưa họ Trần Phụ và họ Bùi làng Hương đều chăm chỉ làm lụng, chăm chỉ sách đèn. Giai họ này lấy gái họ kia càng làm cho quan hệ hai họ thêm gắn bó. Rồi đến ngày họ Trần Phụ phát văn. Thấy bảo mộ tổ táng được thế đất mũ cánh chuồn. Chắc thế nên cậu tú Trần Phụ Tình rể họ Bùi đi thi đã đỗ đệ tam giáp, được vua ban áo mũ, ngựa tốt vinh quy. Theo lệ, chánh tổng phải huy động hương lão, chức dịch cùng dân làng đi đón quan nghè. Lần đầu tiên tổng Hương có người đỗ đại khoa, chánh tổng mát mặt lắm, đưa quan viên lên tận kinh đô đón rước. Nàng Bùi Thị chớp mắt trở thành phu nhân, được trai tráng võng đi đón cùng. Bùi Thị ngượng lắm cứ nhảy khỏi võng đi bộ, lòng chộn rộn niềm vui khó tả. Mỗi lần như vậy, hai lực điền khiêng võng lại phải van vỉ:
- Xin phu nhân lên võng kẻo chúng em bị làng quở phạt ạ.
Lạ chưa, vừa nãy còn là chị là em, thế mà bây giờ đã ở ngôi cao, người làng phải hạ xuống là con là cháu rồi. Đến cụ chánh cũng phải cung kính một điều con, hai điều phu nhân. Cụ quát rinh cả lên:
- Hai anh kia, định để bụi bặm bám vào bà làm mất mặt hàng tổng với quan nghè à.
Bùi Thị phu nhân đành phải yên vị trên võng, lòng dậy sóng những nỗi niềm mới đầy quyền uy, đầy quý phái. Đoàn rước tổng Hương đến cầu Bây thì gặp đoàn người ngựa vinh quy của quan nghè. Chánh Hương sai lý Hương đốt bánh pháo mừng. Rồi chánh Hương dẫn đầu đoàn quan viên đến bái tạ và đọc bài văn chúc mừng. Quan nghè uý lạo vỗ về, sau đó hai đoàn hợp một về quê. Trong khi xếp đặt thứ tự xảy ra trục trặc nhỏ. Số là quan nghè Trần Phụ Tình được tiểu thư con quan Lễ bộ tả thị lang, vị chủ khảo đáng kính của khoa thi vừa rồi để mắt tới từ trước lúc thi. Quan tả thị lang xét tử vi biết chàng nho sinh nghèo sẽ vinh hiển nên đã thu xếp cho tiểu thư kết duyên trăm năm, hẹn vinh quy - vu quy một ngày. Khi vinh quy, suốt từ kinh thành về đây võng điều tiểu thư luôn đi liền sau ngựa quan nghè. Ai ngờ xuất hiện thêm cái võng đay của Bùi Thị. Chánh Hương căn cứ theo “Thọ Mai gia lễ” để võng đay đi trước võng điều, nhưng tiểu thư không chịu, bảo như thế là làm mất danh giá quan cha Tả thị lang. Quan nghè tất nhiên là người thấu hiểu đạo lý thánh hiền không dám theo lời tiểu thư cũng không dám nói ra vì sợ oai danh bố vợ, cứ loay hoay như gà mắc tóc giữa nắng hè. Thấy vậy Bùi Thị gỡ bí cho:
- Đám rước này là rước quan nghè vinh quy chứ có phải rước tôi hay tiểu thư đâu, cứ để võng tôi đi sau cũng được, đừng làm khó cho quan nghè nữa.
Đám rước rộn ràng về đến nhà nhưng người họ Bùi thì hậm hực chuyện quan nghè có học mà xử thế trái đạo bắt chẹt người vợ xe tơ kết tóc làm lụng vất vả nuôi chồng ăn học.
Mấy chục năm sau đến thời cháu nội quan nghè Trần Phụ Tình lại có chuyện với họ Bùi, lần này còn tệ bạc hơn nhiều. Vốn con dòng cháu giống, Trần Phụ Bạch được học hành chu đáo chờ ngày đứng tên bảng vàng. Nhưng ngày đó xa vời vợi nên đến tuổi trưởng thành cha mẹ thu xếp cho Phụ Bạch kết duyên cùng một cô gái họ Bùi nết na, đảm việc. Cô Bùi làm ấm lòng Phụ Bạch những ngày đợi chờ tê tái. Qua mấy khoa thi Phụ Bạch vẫn chưa đứng số. Cô Bùi bàn:
- Tôi nghe nói làng Giữa có quan Thám trí sĩ mở trường, nhà nên đến đó mài giũa mới có hy vọng nối chí cha ông được.
Phụ Bạch ngần ngại:
- Tôi đã phụ công mình mười mấy năm, hay là tôi thi khoa Sĩ vọng, làm chức quan nhỏ cho mình đỡ tủi.
- Không được, không cần, nhà phải đỗ đại khoa mới vẻ vang, chẳng qua nhà chưa gặp thầy giỏi đấy thôi. Nhà cứ theo học quan Thám vài năm chờ khoa thi sau sẽ tỏ.
Được cô Bùi cổ vũ, Trần Phụ Bạch khăn gói tìm đến làng Giữa. Hỏi thăm mãi mới đến nhà quan Thám, Phụ Bạch chạm mặt một thiếu nữ mặt hoa da phấn, mắt liễu mày ngài đang mải mê dệt vải ngay cổng ra vào. Thấy có khách lạ, cô gái dừng tay đưa thoi hỏi:
- Khách xưng là nho sinh đến học quan Thám à. Nho thật hay nho giả hãy thử đối xem đã: Vốn dòng thi lễ, đôi tám xuân thu, gặp khách thư sinh đem lòng dục dịch.
Trần Phụ Bạch biết chắc đây là trường quan Thám rồi, đến cô gái dệt vải còn hay chữ vậy. Phụ Bạch vốn là tay cự phách về câu đối, nhưng chàng lại giả vờ gãi đầu gãi tai đáp:
- Thưa cô, tôi mới được học bập bõm dăm ba chữ thánh hiền đủ để làm người chứ chưa đủ để thi đối nên phải tìm thầy học cho đến đầu đến đũa. Nay cô cho đề hóc quá xin khất một năm sau sẽ trả lời ạ.
Cô thợ dệt nói lời mềm mỏng nhưng ý tứ khá kiên quyết:
- Trường quan Thám có lệ ai không qua ải đối thì không được qua cổng trường, thưa thư sinh.
- Khó quá! Khó cho tôi quá! Vậy tôi xin mạo muội được đối lại, có gì chưa chỉnh xin cô lượng thứ cho: Đệ tử Tương Chu, mười năm Khổng Mạnh, thấy nàng nhan sắc nên phải thưa trình.
Cô gái giật mình kinh ngạc, biết chàng thư sinh cứng tuổi này là người tài chưa gặp vận, vội vàng đứng dậy thi lễ mời vào.
Bấy giờ phủ chúa xảy ra nhiều biến cố, quân Tây Sơn thừa cơ ra chiếm lấy nước. Tình thế rối ren. Nhà chúa lui về Kinh Bắc dựa vào thế lực họ Nguyễn ở Trúc ổ mười tám quận công xây dựng lực lượng. Quân Tây Sơn tiến đến đánh tan. Kinh Bắc chìm trong máu lửa loạn lạc. Phụ Bạch không nhận được tiếp tế của vợ phải vừa làm vừa học, trong lòng dội lên bao phần bực dọc. Tiểu thư con quan Thám lại hết sức chu cấp Trần sinh qua đận khó khăn. Đến kỳ thi hội, tiểu thư bán đồ nữ trang cấp tiền cho Phụ Bạch về kinh. Trần sinh cảm động:
- Tình nghĩa này tôi xin ghi xương khắc cốt. Chuyến này đi thi nếu nên danh phận xin được đón nàng vinh quy - vu quy một ngày.
Vốn hay chữ, lại được thầy giỏi rèn dũa mấy năm liền, kỳ thi ấy Trần sinh đỗ Nhị giáp tiến sĩ. Ngày vinh quy, Trần hoàng giáp không đi đường cái quan mà vòng về làng Giữa bái thầy và rước tiểu thư vu quy. Về đến đầu làng, đoàn vinh quy gặp đoàn rước, cô Bùi chưa kịp mừng đã nhận được tờ giấy từ hôn của quan hoàng giáp. Cô Bùi choáng váng dắt con về nhà đẻ. Họ Bùi thấp cổ bé họng không làm gì nổi quan hoàng giáp, nhưng vẫn gióng trống họp họ, lập lời nguyền, từ rày trở đi họ Bùi không được gả con, cưới vợ là người họ Trần, nếu ai trái lời chết một đời cha, ba đời con. Cụ trưởng họ sai đóng cây đinh ba ngập quá nửa vào cột cái làm bằng. Lời nguyền chỉ được hoá giải nếu có ai tay không nhổ được cây đinh ba này ra.
Nhiều năm sau có một chàng trai họ Trần yêu cô gái họ Bùi. Nhà gái không đồng ý gả. Đôi trai gái bỏ làng lên Tây Bắc sinh sống. Họ đã dám giẫm lên lời nguyền. Chả biết lời nguyền có thiêng không, chứ con cái của họ sinh ra chẳng được nguyên lành khiến cho họ khốn quẫn không ngóc đầu lên được. Từ đó không có ai dám bước qua lời nguyền nữa.
Đến bây giờ mới lại có Thắm dám yêu trai họ Trần. Có thể chết vì yêu nhưng Thắm không dám bước qua lời nguyền nên chỉ còn cách duy nhất là nhổ đinh. Thắm càng nôn nóng nhổ đinh hơn vì Trần Phụ Vông sắp xuất ngũ. Vông hẹn xuất ngũ sẽ tổ chức cưới ngay để còn làm thủ tục đi Hàn Quốc theo đường quân đội. Hai bàn tay toác thịt tứa máu Thắm không thấy đau nhưng Thắm vẫn phát khóc lên vì cây đinh chỉ sáng bóng chứ không hề lay chuyển tẹo nào.
*
Hôm Trần Phụ Vông hớn hở khoác ba lô về làng, cây đinh ba vẫn vững chắc và sáng bóng trên cây cột gỗ lim cũng đã đen bóng lên. Thắm rụng rời tay chân. Đinh ơi, tao xin tao lạy mày đấy, mày lung lay đi, mày tuột ra đi, anh Vông về rồi đấy. Mày cứ ở lỳ đấy thì tao chết mất, cha mẹ tao, họ hàng tao không cho tao lấy anh Vông đâu, mà tao lại không có gan bỏ cha mẹ, bỏ họ hàng theo giai đâu.
Buổi tối bên bờ sông Lai lồng lộng gió, ngờm ngợp trăng, Thắm thổn thức khóc. Khóc mãi. Vông lạ lắm. Được gặp người yêu mà khóc thê thảm thế ư. Không dằn lòng nổi, Vông khe khẽ vuốt tóc Thắm hỏi:
- Anh về phải mừng chứ? Anh sốt ruột tính từng ngày một để được về bên em đấy.
Vông càng âu yếm Thắm càng nức nở. Vông chẳng hiểu chuyện gì, định bụng cứ ôm hôn thắm thiết là giận hờn khắc tan chảy hết, nhưng Thắm gạt tay ra không chịu, lại còn rên rẩm:
- Em đến chết mất anh ơi!
- Yêu nhau chết làm sao được. Rồi nay mai ta cưới nhau mà.
- Chết thật đấy, anh không hiểu được đâu.
- Chẳng lẽ có chuyện gì trục trặc à.
- Em - chưa - nhổ - được - đinh.
- Đinh nào? Đinh thì liên quan gì đến chuyện chúng mình yêu nhau, cưới nhau?
- Đúng là anh Bờm, chẳng hiểu gì cả. Thời xưa cụ nghè nhà anh khinh vợ họ Bùi, rồi đến cụ hoàng nhà anh lại phụ bạc vợ họ Bùi nên họ Bùi lập lời nguyền, đóng đinh ba vào cột thề không gả con gái cho họ Trần nhà anh. Muốn em thoát khỏi lời nguyền để lấy anh thì phải nhổ đinh ra. Nhưng anh ơi, hai tay em rách nát rồi mà nào có nhổ nổi. Em ra sức nhổ liền mấy tháng nay rồi đấy. Hu hu!
Vông nắm hai bàn tay Thắm xoa nhẹ. Đúng là nham nháp đầy sẹo thật. Anh đưa hai bàn tay ấy lên hôn âu yếm. Thế này là em yêu anh thật lòng, yêu lắm lắm đây. Anh sẽ giúp em nhổ đinh. Song chưởng âm dương hợp nhất là vô địch thiên hạ đấy. Hồi đóng quân ở Đuổm anh được thầy truyền cho nhưng chưa có dịp thử. Nào, bây giờ làm theo anh nhé. Đừng ngại, đừng ngượng, vì hạnh phúc đôi ta mà, chân trái bước lên, đầu gối vuông góc, chân phải duỗi thẳng, bàn tay trái nắm chặt từ từ co vào thắt lưng, bàn tay phải mở, năm ngón khép chặt đưa từ thắt lưng về phía trước, mắt nhìn thẳng vào một điểm vô định, tập trung quán tưởng nội tâm vào tay phải, phát chưởng lực vào điểm dự định. Thế, thế. Nào chúng ta cùng làm nhé. Phóng chưởng vào bụi cây! Khá rồi đấy. Bụi cây đã ngả rạp. Đó là song chưởng âm dương hợp nhất đã phát huy sức mạnh. Chưởng lực còn yếu vì em chưa hợp nhất với anh. Chỉ cần em cứ quán tưởng rằng chúng mình đã là vợ chồng thì chưởng lực sẽ đạt tối thượng. Thế là ăn cơm trước kẻng à? Không, mình sẽ thắp hương vái trời đất đàng hoàng chứ. Âm dương hợp nhất sẽ thiên hạ vô địch, nhổ đinh khó gì. Nào, nghe anh, chiều anh nhé. Em đành vâng vậy.
Dù đang lộng gió Vông vẫn cảm thấy sức nóng từ cơ thể Thắm toả ra khiến cho toàn thân rạo rực. Vông run run gỡ nốt cúc đầu tiên, nốt nữa, nốt nữa. Thắm cảm thấy các khớp xương tê dại, người nhủn ra trong tay Vông. Vông từ từ đặt Thắm xuống. Cô nằm nghiêng đầu, mái tóc mượt tràn ra như suối trăng. Vông thấy người Thắm dấp dính mồ hôi, cơ thể nở phồng lên. Họ nhanh chóng hoà hợp làm một trong niềm đam mê tột đỉnh.
Luyện đến ngày thứ ba song chưởng của họ phát ra đã đủ làm vỡ đá, gãy cây. Đêm khuya trăng mờ hai người quay về nhà thờ họ Bùi. Thắm châm đèn, thắp hương. Hai người quỳ lạy trước bàn thờ tổ, Thắm lầm rầm khấn. Rồi đứng dậy vào thế. Tiếng chưởng phát ra căng như tiếng đàn. Mồ hôi vã ra lập tức bốc hơi mù mịt. Bỗng chân nhang hoá. Cùng lúc đó một tiếng rít chói tai vang lên, cây đinh ba xé gió lao vào màn đêm. Vông và Thắm kiệt sức gục vào nhau bất tỉnh.
Ông Bùi Hồng, bố Thắm, là người đầu tiên phát hiện cháy trong nhà thờ họ, vội hô hoán lên để mọi người đến cứu. Lửa dập được thì thiệt hại không nhỏ. Bức nghi môn cháy trụi. Đồ thờ bằng gỗ như mâm bồng, bình quả, ngai thờ, hòm sắc... hoặc cháy hết, hoặc cháy dở không dùng được nữa. Ông Bùi Hồng kinh ngạc khi phát hiện Vông và Thắm ôm nhau ngủ mê mệt ở góc nhà, mặc họ hàng xôn xao cứu hoả. Hai người bị trói và bị định tội tại chỗ: làm ô uế nơi thờ tự tôn nghiêm và châm lửa đốt nhà thờ hòng huỷ lời nguyền của dòng họ. Thắm chỉ kịp kêu lên:
- Bố ơi, con chỉ nhổ đinh để hoá giải lời nguyền thôi, xin bố nói với họ hàng xét lại ạ.
Ông Bùi Hồng soi đèn vào chỗ cây đinh ba trên cột. Cây đinh ba không còn, trên cột chỉ là một lỗ vuông bốn cạnh sâu hun hút. Ông hớt hải nói với các cụ, giọng không ra mừng, không ra sợ hãi, không ra hồi hộp:
- Có lẽ tổ tiên chấp nhận huỷ lời nguyền thật rồi.
Cụ trưởng họ lắc đầu:
- Cứ giải chúng lên công an đã!