“Em đi trẩy hội làng Quan họ
áo the năm cắc nón ba tầm
Khăn xanh thêu dí nghiêng đầu đội
Môi cười cắn chỉ mắt lá dăm”
ông nội mất từ khi bố tôi mới một tuổi. Bà nội mất khi bố tôi vừa đến tuổi trưởng thành. Do vậy từ bé tôi chỉ biết đến ông bà ngoại. Nhà ngoại vườn rất rộng. Những cây cổ thụ quanh năm xanh tốt um tùm. Một ngôi nhà ngói năm gian to rộng, thấp, lại có gian hậu cung để ngai thờ, bia đá, bài vị lúc nào cũng tối om om, tôi chưa hề dám bước vào, vì... sợ ma. ông ngoại là nhà nho, bảo sẽ làm mâm cơm cúng thần để tôi không sợ ma nữa. Nhưng bà ngoại lại bảo:
- Ma cũng như người. Dương sao âm vậy có gì mà cháu phải sợ.
Đang mùa thuỵ chín, bà rủ tôi ra tận cuối vườn, nơi có cây thuỵ chúa để hái quả. Cây thuỵ cao vút, tán che đến nửa sào đất. Thú thực, nếu không có người lớn đi cùng thì tôi chưa bao giờ dám ra đấy một mình. ở đây lúc nào cũng thâm u, tịch mịch. Lại nghe nói cây cổ thụ hay có ma. Đến bên gốc thuỵ, bà cứ mân mê vỗ về gốc cây mãi. Bà ngửa mặt nhìn lên cao, chiếc khăn trùm hờ trên đầu rơi xuống đất. Rồi bà ngồi tựa gốc cây, kể cho tôi nghe câu chuyện đời xưa bên gốc thuỵ già này.
*
Nhà phú ông họ Lưu rất giàu có. Đất ở rộng đến nửa làng. Ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Tuy ăn ở rất phúc hậu mà ông bà vẫn muộn đường con cái. Ngoài bốn mươi tuổi, bà Lưu đến chùa Dâu cầu tự. Quả nhiên năm ấy bà sinh được một cô con gái. ông bà đặt tên con là Ngọc Thuỵ, và để ăn mừng việc này, ông Lưu cho trồng toàn bộ cây thuỵ ở vườn nhà. Ngọc Thuỵ càng lớn càng xinh, khuôn mặt trái xoan, mắt lá răm, mày lá liễu, mũi dọc dừa, đôi môi như cánh nhạn, tóc vấn đuôi gà, trông ra dáng thiếu nữ. Từ nhỏ tới lớn, năm nào Ngọc Thuỵ cũng được mẹ cho đi lễ hội chùa Dâu. Năm ấy, bà Lưu rút một lá thẻ cho cô, để người ta giảng lá thẻ: Ngọc Thuỵ chết sớm năm mười sáu tuổi, nhưng đến năm mười tám tuổi sẽ có con và đến năm hai mốt tuổi được theo hầu nhà Phật. Nội dung lá thẻ thật khó tin, nhưng trong lòng bà Lưu vẫn cứ nơm nớp lo âu.
Thời gian thấm thoát trôi đi kể từ ngày ấy. Ba năm đã qua. Ngọc Thuỵ lớn phổng lên thành một cô gái xinh đẹp rực rỡ. Đã có vài mối, toàn con nhà tử tế đến đánh tiếng xin Lưu Ngọc Thuỵ về làm dâu, nhưng ông bà Lưu đều từ chối. Nhớ đến lá thẻ, ông bà Lưu bảo nhau trông nom con gái cẩn thận. Hội chùa Dâu, ông bà cũng không cho cô đi. Mặc cho con gái khóc lóc, giận hờn, ông bà cũng không đổi ý. Đúng ngày hội, ông Lưu còn nhốt cô vào trong buồng mới yên tâm đi làm. Bà Lưu thì sắm lễ tươm tất đến chùa Dâu cầu phật từ sớm.
Năm ấy hội chùa Dâu mở rất to vì có cả đức vua trẻ tuổi ở kinh thành về lễ phật. Gái làng nườm nượp đi hội. Lưu Ngọc Thuỵ ở nhà mà gan ruột như lửa đốt. Thế rồi cô dùng kéo cậy được cửa nhà ra, trốn đi hội. Đến nơi, đám rước cũng chỉ vừa mới bắt đầu. Lưu Ngọc Thuỵ hoà vào đoàn người đi khắp các làng trong tổng Dâu. Đông quá. Vui quá. Đi không biết mỏi, không biết chán. Mãi đến quá chiều, Ngọc Thuỵ mới chợt nhớ là mình trốn nhà nên vội vàng trở về ngay. Bỗng đâu cơn mưa đầu hạ ập đến bất ngờ. Giữa đường không chỗ tránh mưa, nên Ngọc Thuỵ cứ phải đội mưa mà đi. Đang nắng nực mồ hôi ướt người lại đột ngột gặp nước mưa, tấm thân ngọc ngà của Lưu Ngọc Thụy làm sao chịu nổi. Lưu Ngọc Thuỵ cảm thấy rùng mình khó chịu, mặt mày sa sẩm. Cô cố đi nhanh về đến nhà, ngã vật ra giường không biết gì nữa, quần áo cũng không kịp thay. Lúc ông Lưu về nhà, thấy cửa trong cửa ngoài đều mở thì đã chột dạ. Nhìn thấy con gái nằm sấp trên giường, đầu tóc xổ tung bết nước, chân còn lấm đất thì ông chợt hiểu tất cả: Số trời đã định thật khó cưỡng. ông Lưu sờ vào người con thì đã lạnh cứng, không thể cứu được nữa. Vợ chồng họ Lưu thương tiếc vô cùng, bèn mai táng con ngay tại vườn nhà. Lại nhớ lời lá thẻ, ông bà thuê thợ dựng ba gian nhà ngói ngay trên phần mộ như cho con ở riêng, đủ cả giường, chiếu, thóc, gạo, xoong nồi. Nhà cũng có sân, có tường, có cổng. Dân làng quen gọi đó là “nhà cô Thuỵ”, cứ như một ngôi nhà bình thường khác.
Hai năm sau đó đến kỳ thi hội. Học trò cả nước trẩy về kinh đô dự thi rất đông. Có một anh học trò nghèo họ Vương ở xa đi thi, đến làng Ngọc Thụy đã quá muộn đành tìm nhà nhủ nhờ. Gõ cửa mấy nhà, họ đều bảo:
- Nhà chúng tôi chật lắm, anh hãy đến nhà cô Thuỵ mà nghỉ nhờ, ở đó rộng rãi, yên tĩnh lắm.
Rồi họ còn nhiệt tình chỉ ngôi nhà nơi vườn thuỵ. Cánh cổng khép hờ, chàng Vương khẽ mở cửa bước vào. Cửa nhà cũng khép hờ, nhưng yên tĩnh dường như cả nhà đã ngủ. Chàng Vương rụt rè gõ cửa và hỏi:
- Có ai ở nhà không?
Chàng hỏi mấy lần đều không có tiếng trả lời nên cứ đẩy cửa bước vào. Mùi ẩm mốc xộc lên. Sẵn giường chiếu, lại quá mệt mỏi, chàng Vương hạ hành lý rồi nằm lăn ra ngủ. Chàng ngủ say sưa. Bỗng chàng chợt tỉnh vì nghe có tiếng hỏi:
- Chàng là học trò đi thi phải không?
Chàng định thần nhớ lại việc ngủ nhờ mà chưa gặp chủ nhà, thì lại nghe tiếng hỏi se sẽ:
- Chàng là học trò đi thi phải không?
- Vâng. Hồi tối tôi được người ta chỉ đến đây, nhưng mệt quá thiếp đi lúc nào không biết.
Rồi chàng nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp, ngồi bên giường hỏi chuyện thì hoảng hốt ngồi dậy giữ lễ. Cô gái giơ tay bảo chàng cứ nằm yên.
- Vậy cô là chủ nhà này?
- Vâng. Em là Lưu Ngọc Thuỵ. Em ở đây một mình, chàng đừng ngại.
- Xin lỗi cô vì tôi đã đường đột vào nhà.
- Vâng. Đã lâu lắm mới có người đến nhà em vì nhà em ở lảnh quá. Nay chàng lại đang ngủ trong buồng của em, âu cũng là duyên số trời định. Nếu chàng không chê, đêm nay em xin hầu hạ chàng.
Nói về chàng Vương, vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên phải đi ở cho nhà giàu trong làng. Nhà giàu này nuôi thầy dạy trong nhà, Vương được ông chủ phái giúp thầy việc vặt. Vì thế Vương cũng học được ít chữ, biết làm văn bài như các học trò trong lớp. Thấy Vương hiếu học, thầy còn tận tình chỉ bảo thêm. Năm nay, nhân có kỳ thi, Vương dự cầu may để xem sức học ra sao. Từ lúc trưởng thành tới nay, Vương chưa dám tỏ tình với ai, hơn nữa, lấy tiền đâu mà cưới vợ. Nay bỗng dưng có cô gái trẻ kề bên, Vương vừa hồi hộp lo sợ, lại vừa tò mò thích thú. Nghĩ mình đã nằm trong buồng nhà người ta rồi, đằng nào cũng khó tránh khỏi điều thị phi, giờ được cô gái ngỏ lời, chàng Vương như cất được gánh nặng. Chàng nói:
- âu cũng là duyên kỳ ngộ. Nếu cô không chê học trò nghèo này thì tôi xin kết làm phu phụ cho tròn đạo lý.
Thế rồi hai người sóng đôi, cùng chắp tay thề thốt với trời đất, nguyện kết làm chồng vợ trăm năm. Chàng Vương quờ tay ôm chặt tấm thân cô gái. Trong bóng tối, chàng vẫn còn nhìn thấy gương mặt cô sáng như mặt trăng ngời hạnh phúc. Đêm ấy họ thành thân với nhau. Chỉ có đất, trời chứng kiến họ nên vợ chồng. Sau phút giây hạnh phúc, chàng Vương lại ngủ thiếp đi. Khi trời đã rạng, chàng Vương được cô gái, nhưng bây giờ đã coi là vợ gọi dậy bảo:
- Em phải đi làm xa, tối mới về. Chàng dậy cứ nấu cơm ăn rồi đi thi, đừng bớt phần em. Chàng nhớ về với em nhé.
Chàng Vương đáp:
- Nay chúng ta đã nên vợ nên chồng, tôi không quên em đâu.
Kỳ thi năm đó, chàng Vương học vấn không sâu nên không đỗ. Những tưởng vinh quy với vu quy một ngày. Nhưng thôi, có cô vợ trẻ đẹp, lại có nhà cửa, vườn tược rộng rãi, không phải đi ở để dành thời gian học tập là tốt rồi. Chàng Vương vội vã gánh hành lý trở về. Người vợ trẻ vẫn còn đi làm. Chàng Vương tự nấu cơm ăn rồi đi nghỉ trước. Đến lúc cảm thấy có người, chàng Vương mới tỉnh giấc hỏi:
- Em về bao giờ thế?
- Em về lâu rồi. Thế chàng thi không đỗ ư?
- ừ, lại chờ khoa thi sau thôi.
- Chàng về ở hẳn đây mà ôn luyện. Nhà mình tĩnh lắm. Em làm lụng nuôi chàng ăn học.
- Anh hứa sẽ không lơ là học tập, quyết chí khổ công để giật lấy bảng vàng.
Thế rồi cứ ngày nối ngày. Ban ngày chàng Vương ở nhà mài kinh nấu sử, cô vợ thì đi làm đến tối mịt mới về. Ngôi nhà dưới tán thuỵ tuy có người ở mà chẳng khác trước là bao. Đến cuối năm, thấy vợ bụng mang dạ chửa mà vẫn đi làm từ sớm đến tối mịt mới về, chàng Vương thương vợ mới hỏi:
- Sắp đến ngày đẻ, em nghỉ ở nhà nhé?
- ông chủ không cho nghỉ đâu. Mới lại có đi làm mới dễ sinh nở, anh cứ yên chí học tập đi, đừng lo cho em.
Một đêm tối trời tháng Chạp, Lưu Ngọc Thuỵ sinh hạ một bé gái. Chàng Vương đặt tên con là Vương Lưu Hương. Gần sáng, cô vợ lại bảo:
- Anh ở nhà chịu khó vất vả chăm con, em đi làm đây.
Chàng Vương cầm tay vợ, giận dữ nói:
- ông chủ nào mà độc ác thế. Người ta vừa sinh con đã bắt đi làm tối ngày ngay. Thôi em cứ ở nhà cho khoẻ, anh đi làm thay.
Biết không thể giấu được mãi, Lưu Ngọc Thuỵ ôm mặt khóc tức tưởi một lúc, rồi thú thật:
- Anh phải bình tĩnh nghe em nói nhé. Em vốn là con cầu duy nhất trong nhà, bị cảm chết từ hai năm trước lúc mới mười sáu tuổi. Nhưng Phật Pháp Vân ở chùa Dâu thương em còn trẻ nên cho tụ khí thành hình thêm năm năm nữa. Em chỉ có thể về với anh vào ban đêm thôi, còn ban ngày không về được, nên em phải nói dối là đi làm đó. Nay chúng ta đã có con nhỏ, em xin anh lúc ban ngày chăm con chu đáo, đến đêm em mới về cho con bú được.
Chàng Vương sững sờ khi nghe được những lời ấy. Rồi chàng nghĩ: Con người được trời phật thương đến hẳn phải là con người khác thường, nên cũng yên lòng. Chàng hỏi:
- Thế chúng ta còn được ở với nhau bao lâu nữa?
- Còn ba năm nữa thôi.
Rồi theo lời chỉ dẫn của vợ, chàng Vương biết mộ vợ ở ngay dưới gầm giường mà bấy lâu nay chàng vô tâm không biết. Đến khi đứa bé được hơn một tuổi, chàng Vương bảo vợ:
- Ban ngày con khóc đòi mẹ ghê quá, anh không sao dỗ được, vậy phải làm thế nào?
Lưu Ngọc Thuỵ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Hay anh nặn hình em cho con nhìn.
Chàng Vương cũng nghĩ đến thời hạn người vợ trẻ đẹp ở với mình không còn bao lâu nữa, nên theo gợi ý ấy, chàng quyết tâm nặn tượng. Từ đó, hàng đêm, Lưu Ngọc Thuỵ về cho con bú, thì chàng Vương lại miệt mài nặn tượng. Chàng dồn hết tâm tư vào công việc. Lúc ngắm nhìn vợ, lúc ngắm nhìn tượng, bao giờ cảm thấy thật giống nhau chàng mới yên tâm. Từng đường ngấn đến mỗi nốt ruồi sau gáy, chàng cũng thể hiện bằng đủ. Pho tượng là tình yêu của chàng, hạnh phúc của chàng mà. Những giọt mồ hôi của chàng nhỏ xuống, pho tượng như sống động hơn lên. Đặc biệt, khi giọt mồ hôi của chàng rơi vào đôi mắt pho tượng, chàng liền cảm thấy đôi mắt như long lanh, như biết nói chuyện với chàng. Tấm thân ngọc nữ giấu sau mớ áo năm thân như vẫn uyển chuyển gợi cảm. Một ngày kia, chàng Vương chợt ngừng tay khi nghe đứa bé ôm chặt lấy pho tượng mà gọi:
- Mẹ ơi, bế!
Chàng Vương đề mấy vần thơ vào pho tượng:
“Em đi trẩy hội làng Quan họ
áo the năm cắc nón ba tầm
Khăn xanh thêu dí nghiêng đầu đội
Môi cười cắn chỉ mắt lá dăm”
Từ ngày có tượng, bé Hương suốt ngày “chơi với mẹ”. Chỉ lúc đói mới đòi ăn. Chàng Vương lại có thời gian luyện bài chờ kỳ thi sắp đến gần. Một hôm, chàng nghe vợ nói:
- Con chúng ta đã được ba tuổi, đã đến lúc em phải đi theo hầu Phật Pháp Vân. Mong chàng nuôi con khôn lớn nên người. Em sẽ phù hộ cho chàng và con. Lúc nào nhớ em, hãy đến chùa Dâu mà tìm em nhé.
Kỳ thi năm đó chàng Vương đậu “đồng tiến sĩ xuất thân” được vua tuyển vào làm quan ở Viện Hàn lâm. Nhớ đến vợ đang theo hầu Phật ở chùa Dâu, ông nghè Vương đã tặng nhà chùa pho tượng vợ mình - chính là pho tượng Ngọc Nữ đó.
*
Nghe đến đây, tôi hỏi bà mà như nói với chính mình:
- Ma ở với người, đẻ con với người thì có gì đáng sợ, bà nhỉ.
Rồi tôi nhìn lên vòm cây xanh tốt. Những quả thuỵ xanh, thuỵ vàng sai lúc lỉu. Những quả thuỵ như sáng rực lên, như mắt người đang nhấp nháy nói chuyện cùng tôi. Bỗng một quả thuỵ chín rụng xuống ngay gốc cây, toả hương thơm phức. Tôi nhặt quả thuỵ lên, khẽ gọi:
- Cô Ngọc Thuỵ ơi, hãy ra chơi với cháu như cô Tấm ngày xưa nhé.
Và tôi, suốt đời ao ước được đến với chùa Dâu, đến với cô Ngọc Thuỵ hiện hình trong pho tượng Ngọc Nữ ở đó.