Chuyện xưa kể rằng vùng đồng bằng nam Bắc Ninh rộng thẳng cánh cò bay, thảm lúa vàng rực màu no ấm. Vào mùa xuân, dân cư mở hội múa hát thâu đêm. Các nàng tiên ở Thiên Thai thường xuống đây vui hội. Có lần, nàng tiên Giáng Hương mải mê hội quá, ngủ thiếp đi không về trời được nữa. Trời giận bắt Giáng Hương ở lại trần gian mãi mãi. Thế là vùng nam Bắc Ninh xuất hiện dãy núi Cô Tiên. Từ trên cao nhìn xuống, người ta dễ dàng nhận ra hình cô tiên nằm ngửa tênh hênh chọc tức mắt trời. Các nhà nho thẹn quá mới mặc cho cô tiên Giáng Hương bộ quần áo thông cổ thụ. Thông quanh năm ca hát và toả hương ru nàng tiên ngủ. Mái tóc dài của cô bồng bềnh theo gió tạo nên dòng sông Đuống lấp lánh ánh bạc. Nơi trán cô tiên là tảng đá lớn phẳng lỳ, vuông vắn trông như bàn cờ khổng lồ. Những người am hiểu thì khẳng định đó chính là bàn cờ tiên. Tiên cờ Đế Thích thỉnh thoảng xuống đây chơi cờ, còn thường chỉ có ông Trịnh, ông Nguyễn, hai kỳ phùng địch thủ đấu với nhau. Bên cạnh có ông Vương ngồi xem. Ván cờ đang đấu ăn mấy thế kỷ mà quân hai bên vẫn còn nguyên, thậm chí chưa bên nào sang sông được quân nào. Ông Trịnh râu tóc trắng cước chợt ngửng lên nói:
- Kỳ lực đệ kém huynh, nhưng ván cờ này đệ hơn tiên, huynh thua cầm chắc.
Ông Nguyễn tóc rễ tre, râu hung hung lưa thưa, vẻ quắc thước vừa nghĩ, vừa đáp:
- Thắng thua còn tuỳ thuộc người cầm quân. Như nước cờ này đệ thí tốt ba để tiến mã bốn thì huynh nghĩ sao? Đây là thế “Thiên mã hành không” sau ba nước cờ nữa huynh sẽ biết ngay sự tinh diệu của nó.
- Vậy huynh còn chần chừ gì nữa?
- Đệ tính đi nước khác bình cờ hơn. Nếu đệ thí tốt lẽ nào huynh lại không đau lòng ư?
- Thực tình đệ cũng đau lòng lắm. Nhưng huynh có thí tốt thì con cháu chúng ta mới bắt tay nhau được. Chứng kiến con cháu chúng ta thù hận mấy trăm năm qua đệ lại không đau lòng được sao?
*
Ông Trịnh, ông Nguyễn là bạn nối khố. Ra đồng thì người mò cá, người đốt lửa nướng ăn. ở nhà thì xay chung cối thóc, giã chung cối gạo. Đi hội thì hợp lực đấu cờ đánh bại các đấu thủ khác làng. Hội xuân trong vùng nếu trai làng Lai giành hết giải vật thì trai làng Khoái giành hết giải cờ. Chả thế mà người ta truyền nhau câu: “Vật võ làng Lai, cờ bài làng Khoái”. Trận cờ chung kết thường là cuộc đấu nội bộ giữa ông Trịnh và ông Nguyễn, mà phần thắng luôn là ông Nguyễn. Để giữ tiếng danh thủ cao cờ, ông Nguyễn phải dành nhiều thời gian trau dồi nước đi thế đánh. Lúc giao đấu nơi xa. Lúc khách cờ tìm đến nhà. Ông chểnh mảng việc đồng áng. Vợ ông cằn nhằn: “Cờ rong bạc góp có làm giàu được đâu mà ham, đừng để tôi phải giở bài giết chó dạy chồng đấy nhá?” Cằn nhằn là một chuyện nhưng khách đến chẳng lẽ lại đuổi đi. Đang tát nước cũng phải cười tươi giục chồng về rồi bơi một mình, lại nghỉ sớm hầu cơm rượu. Bà thừa biết, một khi đã giở bàn cờ ra là quên luôn trưa tối, cơm canh soạn xong mời mỏi mồm chưa ai chịu rời bàn cờ. Nhiều lần bà Nguyễn phải hất đổ bàn cờ, bê mâm đè lên ngay, miệng giục: “Thôi, hoà ván này để ăn cơm đã kẻo xuống hơi rồi”. Thế mà có bên còn chưa chịu: “Nếu tôi đi mã bốn tiến hai chứ không tiến sáu thì sao?” “Vẫn thua, cờ ấy đỡ làm sao được, không tin ông bày lại mà xem”. Rượu đã rót ra chén họ không uống, bày lại quân theo trí nhớ khảo nước. Bà Nguyễn quen cảnh ấy, lẳng lặng xuống bếp ăn cơm trước. Ông Nguyễn ham chơi vẫn biết thương vợ vất vả, thường ao ước: “Giá như trời ban phước cho mình không làm cũng đủ ăn thì tốt biết mấy”. Không biết ông nói câu này bao nhiêu lần, cuối cùng cũng thấu đến trời, rồi trời để thầy Tả Ao lạc bước đến làng Khoái thật. Thầy Tả Ao chăm chú ngắm nhìn địa thế hồi lâu rồi lẩm bẩm: “Mạch đất tốt quá. Linh Quy đội Hoàng Bảng thế này nhà nào tốt phúc đặt mộ đúng thì con cháu đỗ đạt phải biết”. Bấy giờ ông Trịnh, ông Nguyễn đang ngồi giải lao ở gần đấy cùng nghe tiếng, nhưng chỉ có ông Trịnh sốt sắng hỏi:
- Cụ biết xem đất ư? Xin cụ chỉ bảo cho con được như ý ạ.
Thầy Tả Ao nhìn ngắm hai người một lát rồi giảng giải:
- Vùng này thế đất chằm trũng đột khởi hai gò đất, chỗ ta đang đứng đây như hình con rùa, bên kia có gò đất rộng hơn, hình thế vuông vức như cái bảng vàng vua ban, các bác có thấy đó là thế đất Linh Quy đội Hoàng Bảng không? Nếu đặt mộ bố đúng huyệt đất tốt thì sẽ được nối đời vinh thân phì gia. Chẳng hay hai bác có muốn điều đó không?
Ông Trịnh nhanh nhảu đáp:
- Thưa cụ, con cháu quý hiển thì ai chả mong, xin cụ chỉ tường tận ạ.
Thấy ông Nguyễn lặng thinh, thầy Tả Ao hỏi:
- Bác kia không muốn quý hiển à?
- Ôi dào, quý hiển như cái phù vân, làm người cốt ăn no mặc ấm là đủ. Như tôi đây, chỉ mong không làm mà có ăn là sướng nhất.
Nghe vậy thầy Tả Ao cười khà khà, bảo:
- Mỗi người mỗi sở cầu, đúng là số trời đã định. Tôi có thể giúp hai bác toại nguyện.
Thầy Tả Ao đo đạc, tính toán, nghe đất, ngửi đất, rồi cắm chỗ, căn dặn độ sâu huyệt, ngày giờ đặt cốt, và điều cốt yếu là tiểu bố ông Trịnh phải chồng ngay trên tiểu bố ông Nguyễn thì sẽ đắc ý. Ông Trịnh, ông Nguyễn y lời thực hiện. Mấy năm sau ông Trịnh thi đỗ hương cống, được bổ làm tri huyện làm quan nhiều bổng lộc, nhà cửa ông Trịnh xây cất mỗi năm mỗi khác. Ông Nguyễn vẫn ham chơi cờ, cảnh nhà chẳng đổi thay gì. Có lần ông Nguyễn nói với ông Trịnh:
- Kể ra ông thầy địa lý cũng tài thật, nhưng chỉ đúng một nửa, vì nhà bác thì quý hiển, còn nhà tôi vẫn đầu tắt mặt tối như cũ. Phen này tôi quyết chuyển mộ bố tôi đi nơi khác thôi.
Ông Trịnh đánh rơi chén nước, hốt hoảng can:
- ấy, ấy, bác chớ có hại tôi. Bác mà chuyển mộ thì tôi đâu còn được quý hiển nữa. Từ nay cần gì cứ đến tôi, tôi chu cấp chu toàn, bác khỏi lo chuyện cơm áo nữa.
Đời ông Trịnh, ông Nguyễn cứ thế suôn sẻ qua đi. Về sau chuyện bắt đầu phức tạp dần. Con ông Trịnh đỗ tiến sĩ, làm quan to tại triều, tuy có nhớ lời ông Trịnh dặn phải chu cấp tiền bạc cho gia đình ông Nguyễn, nhưng do ở xa nên không gửi đều được. Đến đời cháu ông Trịnh lại làm quan tận Hưng Hoá nên việc chu cấp bị sao nhãng dần. Mấy đời sau con cháu ông Trịnh, ông Nguyễn đã phát chi mọc nhánh thành hai họ lớn ở làng Khoái thì họ Trịnh chẳng còn ai nhớ trách nhiệm chu cấp tiền của cho họ Nguyễn nữa. Sẵn nếp thi thư, họ Trịnh vẫn cứ học hành tấn tới, quan lộc dồi dào. Còn họ Nguyễn dường như di truyền cái thói quen chơi nhởi ăn sẵn chẳng có ai thành đạt, chỉ có tài nhớ dai lời cụ tổ dặn, hễ thiếu ăn thì gõ cửa họ Trịnh, gõ không được thì chuyển mộ tổ ở đường Con Rùa đi nơi khác. Thế là họ Nguyễn bàn việc cải mả. Họ Trịnh nghe tin sợ động liền cậy quyền cậy thế kiện họ Nguyễn lên quan. Họ Nguyễn thua kiện, đã cùng quẫn lại càng cùng quẫn hơn, lại còn mất cả quyền nhận phần mộ tổ. Họ Trịnh thừa thế xây mộ tổ bằng đá xanh, vữa mật mía rất kiên cố. Họ Nguyễn không vừa, đang đêm bí mật đào địa đạo xuyên qua phần xây để xếp lại tiểu mà họ Trịnh không hay biết gì. Xong việc, họ Nguyễn trồng cây ngâu, đặt chiếc bàn đá lên cửa địa đạo, lấy đó làm nơi thờ cúng tổ. Họ Trịnh thấy họ Nguyễn lép vế như vậy thì cũng yên lòng.
*
Nơi vầng trán vĩ đại của Cô Tiên, ba ông già vẫn trầm tư suy tính nước cờ của riêng mình. Chừng thấy quá lâu, ông Trịnh giục:
- Kìa Nguyễn huynh đi quân đi chứ!
- Đệ còn phân vân lắm.
- Nước thí tốt ba được đấy. Ông Vương ngồi nhấp nhổm trên cái cán rìu đẵn củi tỏ vẻ tán thành.
- ừ, đệ đi tốt ba vậy. Trịnh huynh hãy xem cháu huynh cư xử với cháu đệ thế nào nhé.
- Nguyễn huynh cũng chẳng nên buồn làm gì. Thiên cơ khó đổi mà.
*
Để đập tan chiến lược “Hành lang Đông Tây” xây bốt lập tề ở nông thôn của Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi, trung đoàn 98 được điều về hoạt động ở nam phần Bắc Ninh, vực dậy phong trào kháng chiến địa phương. Sau một thời gian hoạt động, hàng loạt bốt nhỏ của giặc bị phá, giặc phải co cụm về một số cứ điểm lớn. Để giữ tuyến đường giao thông huyết mạch, quân Pháp tổ chức một đội quân cơ động mạnh thường xuyên đi tuần đường và càn quét các làng xóm nghi ngờ có bộ đội, du kích trú chân. Chỉ huy trung đoàn quyết định đánh phục kích tiêu diệt lực lượng cơ động của địch. Con đường 182 chạy suốt nam phần Bắc Ninh qua sát làng Khoái, cắt đôi bình độ Hoàng Bảng, nổi bật giữa vùng chiêm trũng. Trung đoàn chọn Hoàng Bảng là nơi bố trí trận đánh để tận dụng địa thế chiến thuật có lợi, lại hơi xa làng, tránh được thương vong cho nhân dân khi nổ súng. Đại đội Trịnh Trọng Quân được giao nhiệm vụ chiến đấu quan trọng này, vì làng Khoái là quê hương anh, tất có nhiều thuận lợi hơn các đơn vị khác. Đại đội trưởng Quân lập tức dẫn hai chiến sĩ trinh sát đi nghiên cứu thực địa. Mải nhiệm vụ, Quân ít có điều kiện về thăm nhà. Lần này đánh địch ngay tại quê hương anh phấn khởi lắm. Vừa về đến nhà, ông bố trưởng họ đã vội vã kéo tuột anh vào nhà thờ nhắc nhở:
- Anh đã làm quan to, hãy cẩn thận kẻo họ Nguyễn chỉ điểm quân Pháp ở bốt Đoàn về vây bắt thì khốn.
- Thầy đừng nghi ngờ họ Nguyễn mà phải tội. Cô Thủy con bác trưởng họ Nguyễn đang làm xã đội phó đấy thôi.
Ông bố kính cẩn thắp đèn, châm hương, khấn vái một hồi, rồi nghiêm giọng nói:
- Con ơi, lòng người khó đoán. Họ Nguyễn thâm thù họ Trịnh, biết thế nào mà lần.
- Vâng, con nghe lời thầy. Đằng nào việc quân sự cũng cần tuyệt đối giữ bí mật, sơ sảy là thương vong đến hàng trăm người.
Đại đội trưởng Quân và xã đội phó Thuỷ cùng đi xem xét địa hình và xác định quyết tâm chiến đấu. Họ quyết định đào hầm giấu quân ở đường Con Rùa và đường Hoàng Bảng tạo thế bất ngờ, áp sát địch ngay khi nổ súng. Phương án khá mạo hiểm vì buộc phải chiến thắng. Công việc hoàn tất. Quân cử hai chiến sĩ liên lạc về căn cứ đón quân, anh ở lại nghiên cứu thêm quy luật hoạt động của địch và làm công tác phối hợp với du kích xã. Buổi chiều muộn, Quân và Thuỷ ngồi nghỉ bên mộ tổ tâm sự thì bất ngờ xuất hiện một trung đội địch đi ba tui, không kịp ẩn nấp, Quân kéo Thủy nằm lăn xuống sau mộ, ra lệnh:
- Tôi sẽ lợi dụng địa hình có lợi chặn địch, đồng chí theo sườn thấp rút về làng, nếu tôi có mệnh hệ gì, đồng chí truyền đạt với cán bộ đại đội vẫn giữ nguyên phương án tác chiến nhé.
Vẫn nằm gọn lỏn trong tay Quân, Thuỷ cãi:
- Tôi mới là người chịu trách nhiệm chính về tác chiến ở địa phương, đồng chí cần rút lui để bảo đảm trận đánh nay mai thắng lợi.
Quân địch đã đến rất gần, dường như phát hiện có người nấp sau ngôi mộ, chúng đỗ xe lại, kéo vào lùng sục. Chợt Thủy nhớ ra đường hầm bí mật:
- Thầy em bảo có địa đạo, cửa vào ở gốc ngâu, nơi họ em vẫn làm lễ tổ, ta trườn đến xem xao, đừng nổ súng vội.
Hai người đến gốc ngâu, lật chiếc bàn đá lên thấy hở ra cửa hầm thật, liền chui vào. Do không có người ở ngoài giúp nên chiếc bàn đá kê lại không được ngay ngắn như ban đầu. Tiếng một tên lính nói:
- Quái lạ, rõ ràng nhìn thấy có người, hình như là con gái, sao không thấy đâu nhỉ. Chúng mày tản ra tìm xem nó có nấp ở bờ mương không nào.
Tiếng giày bước chộn rộn xa gần. Không thấy đâu. Hay là có hầm bí mật. Kiểm tra kỹ ngôi mộ, có khi mộ rỗng đấy. Mộ xây liền mạch chắc chắn lắm. Gốc ngâu có cái khăn đen kìa, đúng có con gái rồi. ồ cái bàn bị xê dịch, đúng là có hầm thật rồi. Hơ hơ hơ, lập công to rồi chúng mày ơi!
Thời gian nặng nề ngưng lại. Đường địa đạo khá hẹp. Quân và Thuỷ phải ép sát vào người nhau. Lộ mất rồi. Chúng phát hiện phụ nữ, em phải ra thì mới giữ an toàn cho anh được. Không, chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng, anh không thể hèn nhát nhìn em làm vật hy sinh đâu. Đừng, hãy vì trận đánh. Kháng chiến còn dài, hy sinh vô ích là có tội với đất nước đó. Em ra có khi giữ an toàn được cho cả hai. Nếu em hy sinh, anh hãy trả thù cho em. Nào, anh hãy ôm em thật chặt vào, thơm em nữa, thế. Vĩnh biệt anh nhé. Quân như cái máy ngoan ngoãn làm theo lời Thuỷ. Trong giây phút nguy cấp anh dường như chưa cảm thấy sức hấp dẫn của thân thể gái trẻ, mà chỉ cảm thấy sự uất hận cay đắng và sự biết ơn Thuỷ. Anh tự hứa thầm sẽ coi Thuỷ là người con gái duy nhất của đời mình.
- Đứa du kích trong hầm ra hàng thì sẽ được toàn tính mạng, bằng không chúng tao cho nổ mìn thì chết hết.
Thủy trao súng cho Quân, cắn chặt vào vai Quân khiến anh lỏng tay ra, rồi nhanh nhẹn toài người ra ngoài. Đầu tóc, quần áo cô lấm đất bê bết. Vừa thò đầu ra cửa hầm, mấy bàn tay lính lực lưỡng đã túm chặt kéo tuột cô ra ngoài làm đứt tung cúc áo ngực. ồ, hoá ra là đứa con gái đẹp. Còn đứa nào ra hết đi. Thủy bình tĩnh đáp:
- Tôi ra thăm mộ tổ, thấy lính đi qua sợ quá chui vào tổ mối này chứ có phải hầm hố gì đâu. Thả tôi ra đi.
Một tên lính bạo dạn chui vào hầm, lát sau quay ra bảo:
- Hang hẹp bẩn lắm, hình như là đường thoát nước của ngôi mộ. Có khi nó là gái làng, thả ra thôi.
- Không phải du kích thì việc gì phải chui vào hầm, cứ đem về đồn xác minh đã. Mới lại, nó đẹp hơ hớ thế kia tội gì mà để tuột khỏi tay.
Bọn lính kéo Thủy xềnh xệch lên xe rồi rầm rầm phóng đi. Quân nằm lại một mình trong lòng mộ tổ bật khóc thổn thức, tự trách mình là kẻ hèn hạ tham sống sợ chết để mặc người con gái yếu ớt sa vào tay quỷ ác, trong khi mình vẫn đầy đủ súng đạn, thừa sức hạ sát hàng chục tên, thừa sức bảo vệ cô ấy. Nhưng Quân ơi, bây giờ mi tự trách thì còn ăn thua gì nữa. Hãy cầu xin tổ tiên hai họ Trịnh - Nguyễn phù hộ cho Thuỷ bình yên thoát khỏi tổ quỷ trở về là may rồi. Lúc ấy dù Thuỷ có thế nào thì mi cũng cứ phải đến cầu xin cô cho thương yêu trọn đời. Còn nếu cô hy sinh thì nhớ truyền đời hương khói.
Trời sập tối, Quân mới thẫng thọt đến nhà ông trưởng họ Nguyễn báo tin Thuỷ bị địch bắt. Anh lúng túng không dám nói nhiều. Bố Thuỷ buông lời nhạt thếch:
- Tôi thừa biết lòng dạ họ hàng nhà anh rồi. Thôi, họ nhà tôi nghèo hèn, nó có chết đi cũng chả đáng kể gì, cứ coi nó như là vật tế cho anh thăng quan tiến chức.
- Bác cứ mắng chửi nữa đi cho cháu bớt xấu hổ. Nhưng bác ơi. Thuỷ chịu bị bắt là vì trận đánh lớn ngày mai, nếu trận đánh không thắng thì cháu xin đền tội với Thủy, với bác.
Mấy hôm sau trận phục kích Khoái Khê vang dội đã diễn ra đúng theo kế hoạch chiến đấu, một đại đội cơ động của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Hàng loạt đồn bốt của địch cũng bị xoá sổ tiếp theo. Nam phần Bắc Ninh trở thành vùng du kích mạnh ngay sát nách Hà Nội đến ngày kháng chiến thắng lợi.
*
- Nước cờ “Thiên mã hành không” của huynh quả tinh diệu. Tuy hy sinh quân tốt mà lại đẩy toàn quân của đệ vào thế bị vây ép như người bị trói chặt, càng giãy giụa thì vòng dây trói càng xiết chặt hơn. Đã bao lần đệ thua huynh rồi sao huynh không nhường đệ lấy một lần nhỉ.
- Thực ra đệ thắng là do huynh không chịu để đệ bắt lại quân tốt sang sông đó thôi. Đơn thương độc mã thì làm nên trò trống gì, đằng này huynh không lo ra quân phòng thủ, cứ đi quân tốt mất bao nhiêu nước đi cần thiết.
- Kể ra cứ tiến xe một nước không cho mã chiếu thì không bị bí thật - Ông Vương bình luận.
- Thôi, ván này đệ xin nhì. Ta bày lại ván khác chứ?
- ừ, ta cũng nên bày lại ván mới thôi.