- Dậy thôi Tý ơi!
Tôi bị đánh thức sớm hơn mọi ngày. Ngái ngủ, mắt cay xè, tôi ngồi dậy nhưng thấy u sang giường bên đánh thức đĩ Bé, nên lại lăn ra giường ngủ tiếp. U nựng đĩ Bé: “Ông mặt trời lên cao bằng cái sào rồi còn ngủ, lêu lêu. Dậy u cho lên phố chụp ảnh, không thì nghỉ khỏe nhé!”
Đang mè nheo, thấy được đi chụp ảnh, đĩ Bé tỉnh như sáo ngay. Tôi cũng vùng dậy chạy ra bể đòi rửa mặt.
- á à, hôm nay cu Tý lại tự giác gớm nhẩy. Chắc cứt chó đầy mắt chứ gì. Cứ để nguyên đấy còn báo cáo thành tích với thầy, rửa làm gì.
- ứ ừ, con thích rửa mặt cơ.
Rửa ráy mặt mũi xong, u dọn cơm sáng. Quá háo hức được đi chụp ảnh, tôi và đĩ Bé ăn vèo cái đã xong bữa. U bắt tôi mặc bộ quần áo mới mượn của anh Đô con bác phó may. Anh Đô hơn tôi một tuổi nhưng cùng học lớp vỡ lòng. Anh lúc nào cũng ăn mặc sạch sẽ vì còn phải thùa khuyết đơm khuy giúp bố. Chẳng bù cho tôi, cái quần nào cũng thủng đũng, u vá không xuể. Tôi lúng túng trong cái quần si-mi-li màu rêu đá, cái áo pô-pơ-luyn trắng. Lần đầu tiên tôi được mặc quần si áo trắng, lạ lẫm lắm. Hơi rộng, nhưng không sao, đẹp chán. Chớ dựa dẫm làm bẩn áo của anh đấy nhé. U dặn. Ra khỏi nhà thì đã thấy nắng trải vàng cây lá. U lẩm bẩm: chúng ta đi muộn mất rồi, tầm này máy bay Mĩ hay hoạt động lắm đấy. Đoạn u bắt anh em tôi đội mũ rơm.
- Ê, trông bé như cây nấm rơm khổng lồ ấy!
- Em trông anh cũng giống như cây nấm rơm khổng lồ ấy!
Hai đứa cười vang và ton ton chạy trước.
- A, u cũng là cây nấm rơm mẹ khổng lồ anh ạ.
Qua cổng nhà bác Phấn, u rẽ vào hỏi thăm. Bác Phấn trai đi B từ năm ngoái, mãi chưa có tin tức gì. Bác Phấn bây giờ đang kỳ ở cữ. Nhà vắng ngắt, chỉ có chị Hoa đang lui cui vo gạo ở vại nước.
- U cháu đi đẻ chưa Hoa ơi!
- Dạ, u cháu đi lúc sáng sớm. Cháu vừa ở trạm y tế về, u cháu đẻ em trai thím ạ. U cháu bảo chiều tối nhờ thím lên đón u cháu về.
- ừ, thím đưa hai em lên phố chụp ảnh gửi cho chú sắp đi B. Thím sẽ về sớm rồi sang giúp. Cháu nấu cơm chín ngon vào đấy nhé.
- Vâng ạ.
Qua trạm y tế xã, u lại rẽ vào thăm bác Phấn. Anh cu đang ngủ. Mắt nhắm nghiền như một vệt đen, toàn thân quấn tã kín như cái kén. U bế nựng anh cu một lát rồi đi tiếp. Tôi láu táu hỏi:
- Tối nay được ăn bánh đúc hả u?
- ừ, đi chụp ảnh nhanh để u còn chuẩn bị.
Quê tôi có lệ gái đẻ là quấy bánh đúc mời cả làng. Đi ăn bánh đúc nghĩa là đi mừng gái đẻ. Người làng nghe tin, chẳng cần mời cũng tự đến mừng. Người có thì cho chục trứng gà, cái chân giò, hoặc nửa cân đường. Có người cho bánh xà phòng, hoặc chỉ vài cái tã cũ, (thấy bảo trẻ sơ sinh quấn tã cũ đỡ hại da). Nếu không có gì thì cứ đến mừng không cũng được, không bắt buộc phải quà cáp. Hoàn toàn tự nguyện tự giác. Đứa trẻ ra đời là niềm vui, là sự kiện trọng đại của cả cộng đồng mà. Bác Phấn giờ nằm một chỗ, thì u tôi phải đóng vai trò chính là cái chắc rồi. Cũng như khi u đẻ đĩ bé, bác Phấn phải lo quán xuyến mọi việc. Tôi nhớ nhất là được ăn cơm với thịt gà rim mắm, rất ngon. Thịt gà rim mắm là món ăn riêng của gái đẻ, rất lành và bổ. Tuy tôi không đòi nhưng bữa nào cũng được u gắp thịt cho.
Đến trung tâm xã chúng tôi gặp một trạm gác dân quân. Bên cạnh đó là khẩu pháo phòng không đang ngẩng cao đầu ngắm bầu trời. Hai cô dân quân đang thao tác, nòng pháo quay theo hiệu cờ phất của một cô dân quân khác. Tất cả đều đội mũ sắt, áo nâu non, thắt dây lưng to bản, quần đen Nam Định, vai khoác vải dù phòng không. Mải ngắm, tôi bỗng giật mình vì tiếng quát:
- Nhà chị kia! Chị không biết mặc áo trắng lộ mục tiêu quân thù à. Hay định chỉ điểm cho máy bay địch hả?
Một cô dân quân trẻ măng, tay đeo băng đỏ chặn đường ba mẹ con tôi lại và quát lên giọng gay gắt. U tôi nhẹ nhàng đáp:
- Tôi đem các cháu đi chụp ảnh gấp để ngày kia thầy các cháu đi B cho kịp, vội quá quên khuấy đi mất, cô thông cảm.
Cô dân quân nghe vậy, đã dịu giọng nhưng vẫn còn kiên quyết:
- ý thức cảnh giác của chị kém quá. Vội mấy chị cũng phải quay lại thay cho cháu cái áo khác!
Hóa ra tại cái áo trắng tôi mặc mà sinh ra rắc rối. Tôi ngượng ngập nhìn lại, đã thấy cổ áo hoen vết bẩn, hai ống tay áo cũng bẩn. Tôi mè nheo:
- U ơi, con cũng ứ mặc cái áo trắng này nữa đâu, nhanh bẩn lắm.
Vừa nói tôi vừa cởi áo ra đưa cho u. Hóa ra đây là biện pháp hay, vừa không sợ lộ mục tiêu, vừa đỡ bẩn áo. Tôi cởi trần bêu nắng nghịch đất là chuyện vặt. Cô dân quân không còn cách gì cản được, đành phải cho đi. Nhưng mới được một đoạn, đã nghe cô gọi với:
- Chị ơi, chị đi bao giờ quay lại?
- Thì chụp ảnh xong tôi về ngay thôi, nhà cũng đang có việc.
- Thế thì chị choàng cho cháu cái khăn dù này kẻo nắng, chốc nữa quay về trả lại cho em cũng được.
Cô dân quân cởi ngay chiếc khăn dù phòng không trên người quàng cho tôi. Ngay lúc ấy tôi chưa kịp nhận thấy lòng tốt của cô, mà chỉ thấy cô có khuôn mặt trái xoan trắng hồng, bộ ngực căng đầy sức trẻ dưới làn áo bà ba nâu non.
Ra khỏi làng là cánh đồng mênh mông lúa đang thì con gái. Ruộng hợp tác bờ vùng bờ thửa thẳng tắp. Từng vạc ruộng 24 mét đều nhau, khác hẳn cánh đồng thời riêng lẻ. Ruộng hợp tác thế này làm đất dễ, săn nước dễ, mà đo đạc nghiệm thu công điểm theo đầu sào cũng dễ. Cứ 15 mét bờ vạc là một sào (360m2). Phía đồng trũng xa xa đàn cò trắng nhẩn nha kiếm mồi. Đi tắt đường thì chỉ 3 cây số là đến phố Hồ. Đi chừng quá nửa đường thì chân tôi bắt đầu nằng nặng, chiếc mũ rơm trên đầu cũng thấy vướng víu khó chịu.
Con nghỉ một lúc đây, mỏi lắm rồi.
- Chân đàn ông gì mà yếu thế, cố lên, sắp tới phố rồi.
Bỗng bầu trời sôi réo như có cuồng phong. Mấy tốp máy bay vỉ ruồi, cổ ngỗng vun vút bay tới, tiếng gầm lộng óc. Pháo phòng không bắn lên. Một tốp máy bay vòng lại cắt bom về phía trận địa pháo phòng không ở phía xã tôi. U kéo hai đứa nằm xuống. Những tiếng nổ dậy đất, khói bụi mù mịt. Tôi ngửi thấy mùi thuốc nổ khen khét. Tôi nghe tiếng mảnh bom chém vù vù vun vút trong không khí. Nằm ở bờ ruộng ngoài đồng mà ngực tôi nảy lên sau mỗi lần bom nổ. Phía Dâu có ba vệt khói trắng lao lên. Tôi biết ngay đó là tên lửa. Một máy bay bốc cháy, theo đà lao cắt bom đâm sầm xuống mặt đất, tiếp theo là tiếng nổ dữ dội, khói lửa bốc cao khác thường từ phía trung tâm xã. Bọn máy bay khác tháo chạy mất hút. Bọn không quân Mĩ chỉ tài bắt nạt mấy trận địa pháo cao xạ dân quân, cứ thấy có tên lửa của bộ đội là y như rằng ôm đầu máu chạy trốn. Lần này cũng vậy. Chừng yên tĩnh trở lại, u kéo chúng tôi đi tiếp. Ba mẹ con lấm lem bụi đất, quần áo nhàu nhĩ. Sự kiện vừa rồi làm tôi phấn chấn, đi không thấy mỏi nữa.
Đến hiệu ảnh Minh Quang, u gột rửa mặt mũi, chân tay, quần áo cho chúng tôi. Rồi chải đầu cẩn thận. Tôi lại mặc áo trắng, và còn khoác ngoài cái khăn dù phòng không trông như một chiến sĩ thực thụ. Ông thợ ảnh thọt chân, tóc trùm gáy xoăn tít rất nghệ sĩ sắp xếp ba mẹ con tôi đứng ở gốc cây hoa leo, cảnh thật rất tự nhiên.
- Cô chụp mấy kiểu?
- Em chụp một kiểu sáu chín thôi.
- Có tô màu không?
- Không ạ, cứ để đen trắng cho thật mặt.
- Hai cháu nhỏ chụp riêng một kiểu chứ? Thằng cháu trai kháu khỉnh này cũng phải chụp riêng một kiểu cô ạ. Lớn mau mà đi đánh Mĩ nhé.
Ông thợ ảnh nháy mắt với tôi vẻ thân thiện.
- Thôi em chỉ chụp một kiểu chung thôi.
Ông thợ ảnh điều chỉnh lại cách đứng, cách để tay của từng người rồi giương máy ảnh lên ngắm.
- Nào, nhìn thẳng vào máy nhé, thế, thế, không chớp mắt nhé, chớp mắt là xấu lắm đấy, thế thế, một hai... ba, được rồi, xong rồi.
- Rửa ngay cho em nhé.
- ấy, phải một tuần mới có ảnh.
- Nhà em ba hôm nữa là đi B rồi, bác làm sơm sớm hơn có được không?
- Gay nhỉ, thôi, tôi ưu tiên cho cô vậy. Sáng ngày kia cô đến lấy ảnh nhé.
Thấy có bộ quân phục, mũ kê-pi sao vàng tôi đòi chụp riêng kiểu bộ đội.
- Đấy, cô chiều cháu chứ.
- Thôi bác ạ. Con còn bé đội mũ, mặc áo vừa làm sao được mà đòi. Lớn thêm một tí nữa u sẽ cho chụp.
- Này cô ơi, hình như máy bay rơi về phía xã cô đó. Có tiếng nổ và khói bụi ghê lắm, về nhanh mà xem bắt giặc lái Mĩ.
- Vâng, em nghe thấy cả tiếng kêu khóc, không biết có ai việc gì không. Thôi chào bác. Nhớ sáng ngày kia phải xong ảnh cho em đấy.
Đường về u đi nhanh như chạy. Nhiều lúc tôi phải co giò chạy mới kịp. Đến trạm gác dân quân tôi không tin vào mắt mình nữa. Những hố bom miệng tròn xoe như cái ao nhỏ nối nhau. Một cái ao như thế ở đúng chỗ trạm gác. Phía khẩu pháo cao xạ cũng là những hố bom. Khẩu pháo đổ nghiêng ngả chưa được dựng lại ngay ngắn. Không thấy các cô dân quân áo nâu quần lụa mũ sắt khoác vải dù phòng không đâu nữa. Có một bác khoác súng trường, đang dùng xẻng san lấp lại hố pháo. Hỏi thăm các cô dân quân, bác bảo: cả khẩu đội đều bị thương, đã đưa đi tuyến trên rồi.
- Em muốn trả cô dân quân tấm vải dù ngụy trang bác ạ.
- Cô hãy cứ cầm về, trả sau cũng được.
- Vâng, thế em chào bác ạ.
Đến trung tâm xã lại một phen hãi hùng. Nhà y tế xã bị máy bay Mĩ rơi trúng nay chỉ còn là đống gạch vụn. Mảnh máy bay, mảnh gỗ gạch văng xa hàng trăm mét, tanh bành. Đây đó trong làng râm ran tiếng khóc. Tôi nhặt được tờ tranh điệp cháy quăn lại. Đó là bức tranh vẽ mẹ con đàn lợn tôi thấy treo ở nhà bác Phấn. Tranh Đông Hồ làm thủ công, màu tự nhiên rất bền đẹp. Nội dung tranh rất ý nghĩa. Ngày tết quê tôi nhà nào cũng mua tranh Đông Hồ về treo. Bức tranh mẹ con đàn lợn này chắc cán bộ y tế xã mua treo ở trạm. U bần thần nhìn trạm y tế một hồi rồi kéo chúng tôi đi nhanh về nhà. Không biết bác Phấn và anh cu có làm sao không? Cả chị Hoa nữa? Lúc đi tôi nghe loáng thoáng thấy bác Phấn và u nói với nhau, lúc về u sẽ đón mẹ con bác Phấn cùng về để chiều còn quấy bánh đúc. Chúng tôi mới đi ra đến ngoài đồng máy bay Mĩ đã rơi trúng trạm y tế thì mẹ con bác Phấn khó mà được an toàn. Nếu chị Hoa kịp nấu cơm xong thì cũng dễ bị nạn lắm. Chưa đến cổng nhà bác Phấn, tôi đã nghe thấy tiếng khóc râm ran. U chạy vội vào và cũng khóc rền rĩ ngay từ cửa.
“ới chị ơi, em vừa đi lên phố một lát chị đã vội bỏ em đi rồi, chị đi mang theo cả cháu em nữa ư. Cái thằng giặc Mĩ sao nó ác độc thế. Cháu tôi vừa mới kịp làm người thì có tội tình gì mà chúng nó đã cướp mạng sống của cháu tôi. Hu! Hu!”
Tôi đi tìm chị Hoa. Chị cũng đang khóc vật vã. Chị trên đường mang cơm cho mẹ thì máy bay Mĩ đã rơi nên thoát nạn. Tôi sấn vào chỗ chị Hoa rồi cũng òa khóc nức nở.
Gần tối mới đón được thợ kèn, ông thợ kèn già phồng mồm thổi cây kèn dài đến nửa mét, loa to như cái bát ô tô. Ông còn dắt lưng cây kèn ngắn hơn, loa nhỏ hơn. Ông đánh trống cũng già hom hem. Bình thường đoàn nhạc hiếu đông năm người. Do xã tôi có đến hơn mười đám ma sau vụ máy bay rơi hồi sáng nên thợ kèn phải chia nhau đi phục vụ. Sống dầu đèn, chết kèn trống. Không có tiếng kèn tủi lắm. Xẩm tối thì đám ma bác Phấn bắt đầu. Thời chiến, đến đám ma cũng không được đàng hoàng.
*
Tấm khăn dù phòng không tôi đã không có cơ hội trả lại chủ của nó. Cô dân quân trẻ tuổi đã hy sinh trong trận chiến đấu ấy. Tôi mạn phép cô được giữ lại làm kỷ niệm. Kỷ niệm ngày thầy tôi đi B và đi mãi không về. Kỷ niệm ngày bác Phấn và anh cu chết vì máy bay Mĩ. Kỷ niệm về cô dân quân hy sinh khi còn rất trẻ, cái sức trẻ đầy quyến rũ tôi đã vô tình nhận thấy khi cô quàng tấm khăn cho tôi, cái vô tình này đã ám ảnh tôi suốt đời. Tôi muốn giữ tấm khăn dù phòng không còn là để lưu giữ một tình cảm sâu kín khó nói ra. Sau này tôi được biết cô dân quân ấy tên là Na. Cô vừa học xong lớp mười. Cô mới tham gia đơn vị dân quân trực chiến bắn máy bay bay thấp. Bây giờ cô an nghỉ ở nghĩa trang liệt sỹ xã. Năm nào tôi cũng đến thắp hương cho cô sau khi đã thắp hương lên phần mộ thầy tôi.
Lớn lên, học xong cấp ba tôi được nhà nước cho đi học ở Liên Xô. Trong gia tài đơn sơ của tôi, đáng kể chỉ có tấm ảnh và chiếc khăn dù kỉ niệm. Mùa đông Nga lạnh mấy mươi độ âm, tôi đem khăn dù ra quàng cổ. Đồ phục trang lạ mắt khiến cô bạn Enmira đặc biệt quan tâm.
- “Này Thuần, không có tiền mua khăn len à. Tôi mua tặng bạn nhé.”
- “Không cần đâu, khăn này đủ ấm rồi.”
- “Nhưng lạ lắm.”
- “Thế chiến tranh có lạ không? Người chết đang tuổi thanh niên, tuổi tráng niên có lạ không? Enmira không nằm dưới tầm bom B52 rải thảm của Mĩ thì không hiểu được đâu, thật đấy.”
Tôi kể cho Enmira nghe về tuổi thơ mũ rơm, về sự thiếu vắng tình cảm người cha, về những cái chết vì máy bay Mĩ, mà chiếc khăn dù bây giờ không chỉ làm ấm người, mà còn làm ấm lòng tôi, thôi thúc tôi học tập giỏi để mai này còn dựng xây đất nước. Enmira thốt lên:
- “ồ, hèn chi bạn học xuất sắc vậy. Tôi cũng sẽ học giỏi để theo bạn về Việt Nam xây dựng đất nước được không?”
- “Nếu vậy Enmira xứng đáng được làm chủ tấm khăn này?”
Tôi cởi chiếc khăn rồi tự tay choàng lên người Enmira. Chiếc khăn bay bay trong gió tuyết.
- “Chiếc khăn còn khét mùi thuốc bom nhắc nhở chúng ta phải đoàn kết bảo vệ hòa bình, phải không?”
Tôi và Enmira nắm chặt tay nhau, nhìn thẳng vào mắt nhau. Tôi thấy cánh đồng quê hương mướt xanh ngô lúa trong đôi mắt long lanh của người bạn gái Nga xinh tươi. Enmira thì nhìn thấy trong mắt tôi chiếc khăn dù Mĩ như nhìn thấy quầng lửa khói bom trên cánh đồng xanh lúa ngô ấy.