Bước vào năm 2000, làng Vũ Đại thay đổi chóng mặt. Cái gọi là làng chẳng qua là quen mồm thôi chứ Vũ Đại bây giờ chẳng còn vẻ mặt làng chút nào. Nhà tầng cao thấp đủ kiểu đủ dạng đua nhau ngoi lên trời cứ như bị ngộp thở. Đường ngang ngõ tắt san sát cửa hàng cửa hiệu, cũng bê tông, cũng hệ thống chiếu sáng. Có sự đổi thay này dân Vũ Đại luôn ghi nhớ công đầu của trưởng thôn Lý Công Quyền, người có tầm nhìn xa “trên 10 km”. Vừa bước chân vào thời đổi mới, Lý Công Quyền đã hình dung ra bước đi đến xã hội công nghiệp, từ đó đề ra những bước đi táo bạo, đi tắt đón đầu cho Vũ Đại phát triển. Đầu tiên là nghị quyết có tính đột phá là phá bỏ toàn bộ tre để cải tạo bộ mặt làng. Những bụi tre rậm rạp đầy ma tịt ma tít hết tác dụng ở thời đại bê tông cốt thép bị chặt hạ thẳng cánh. Chà, sống chui sống lủi mấy nghìn năm dưới bóng tre bấy cả người, bấy cả đầu óc nay phá bỏ hết tre mới thấy ánh mặt trời rực rỡ, hả quá. Bước tiếp theo, trưởng thôn ra nghị quyết đổi đất lấy công trình, hoàn thành mục tiêu điện đường trường trạm. Dân Vũ Đại ra khỏi nhà chẳng lo “ông phọt” lại bẩn quần bẩn dép nữa. Ban đầu dân Vũ Đại cứ lo bán đất xây dựng thì vào túi ông Lý hết, đến lúc xong công trình mới biết ông Lý đáng mặt đầy tớ dân, cái tính đa nghi Tào Tháo bị gột rửa sạch. Lo xong công trình tập thể, ông Lý lo đến công trình của từng hộ, vẫn bằng cách đổi đất lấy công trình. Dân Vũ Đại tâm phục khẩu phục ông Lý rồi, nên ông Lý bảo gì cũng gật. Thế là Vũ Đại bán sạch ruộng, lấy tiền đền bù xây sắm để có bộ mặt thị phố như bây giờ. Cá nhân Lý Công Quyền cũng được trên biết đến, được cử đi dự điển hình toàn quốc, và suýt được phong anh hùng, nếu không còn sót lại hai hộ nghèo còn ở nhà tranh, nghèo tiêu chí nội. Đó là nhà anh Pha, bố cô Kếu và nhà anh Dậu, bố cái Tý. Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh. Anh Pha quyết làm giàu bằng tri thức, dốc hết tiền của cho Kếu đi học, học xong lại không có việc. Nhà anh Dậu gay hơn. Anh bị tai nạn xe máy, tiền mất tật mang, có đồng nào thuốc thang hết cả. Trưởng thôn Lý Công Quyền sau khi đi hội nghị toàn quốc về quyết tâm xoá nghèo bằng được. Anh đã có cách. Khó trăm lần dân liệu cũng xong, phải dựa vào dân, biến sự nghiệp xoá nghèo thành phong trào cách mạng của dân, anh tin tưởng chỉ một hai năm nữa Vũ Đại sẽ không còn hộ nghèo nữa. Nhưng cái số Lý Công Quyền là số anh hùng trời định, vừa mới nghĩ ra kế hay chưa kịp làm thì đã có quý nhân phù trợ. Số là có Tổng giám đốc Choi người Hàn Quốc đến Vũ Đại mở công ty Choi chuyên sản xuất đồ lót phụ nữ xin được làm từ thiện. Tiếp xúc với trưởng thôn, biết Vũ Đại còn duy nhất hai hộ nghèo mức ở nhà tranh tre nứa lá, tổng Choi sẽ cấp tiền đủ để cấp bốn hoá hai nhà tranh đó. Trưởng thôn đứng ra nhận tài trợ và làm chủ đầu tư. Để đảm bảo dân chủ, trưởng thôn cho họp ban ngành, có Choi cùng dự. Quá cảm động với tấm lòng vì quê hương mới của tổng Choi, ban ngành Vũ Đại liền biểu quyết 100% công nhận Choi là công dân danh dự, sau này Choi về cõi sẽ được dựng bia thờ ở chùa theo phong tục bầu hậu cổ xưa truyền lại. Choi không hiểu gì về tục bầu hậu này nhưng thấy dân yêu dân quý thì luôn mồm khen “Tốt lắm! Tốt lắm”. Sau đó ban ngành dẫn Choi đi thăm mục sở thị nhà anh Pha và nhà anh Dậu. Đúng là duyên trời định, Choi mất cái nọ được cái kia, ở nhà anh Pha, Choi đã được tiếp xúc cô Kếu, “cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời tôi” như lời tâm sự chân thành Choi nói với cô Kếu sau này. Còn bấy giờ, cô Kếu đã tốt nghiệp sư phạm, đủ tiêu chuẩn làm cô giáo nên cô hội đủ các yếu tố “nhất dáng, nhì da, thứ ba là mốt”, cùng vẻ đoan trang ngây thơ gái quan họ và phong cách ứng xử văn minh lịch sự của người có học khiến tổng Choi thoạt gặp đã trồng cây si ngay tắp lự. Qua vài câu trao đổi Choi tiếp tục phát hiện thấy vốn tiếng Anh của cô còn sõi hơn cả Choi. Khi biết nhà cô nghèo mà ham học thì Choi phục lăn cô là một cô gái Việt Nam mẫu mực. Lại nghe cô chưa thể xin được việc làm vì không có dăm chục vé lo việc sau đào tạo thì Choi vừa cảm thông hoàn cảnh, vừa căm giận cái tệ phí xin việc quá bức xúc ở địa phương này. Từ mối đồng cảm “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” ấy, Choi quyết định xin nhận phần lo việc cho cô. Choi nói:
- Do you want to work? I ok.(1)
- I am a teacher. I teach you? - Kếu đáp.(2)
(1) Cô muốn làm việc à? Tôi nhận.
(2) Tôi là giáo viên. Tôi dạy anh à?
Nghĩ rằng cô Kếu nói đùa, câu đùa cực kỳ hóm hỉnh, Choi cười vang, đáp lại:
- Yes! Yes!(3)
(3) Đồng ý. Đồng ý.
Anh Pha thấy con gái đủ tài giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài lấy làm tự hào lắm. Đến lúc thấy ân nhân cất tiếng cười sảng khoái thì anh Pha cũng nhăn nhở cười theo lấy lòng, làm như anh cũng sõi tiếng Anh lắm.
*
Ai đã ở ngã ba đường đời hẳn sẽ hiểu tâm trạng rối như canh hẹ trong lòng Kếu lúc này. Cô đang phải lựa chọn một trong ba ngả đường: hoặc đi thẳng theo con đường bố đã chọn, hoặc rẽ trái theo con đường cái Tý mách, hoặc rẽ phải theo con đường Choi vừa khai mở. Ba con đường ấy như thế nào, cứ theo suy nghĩ của Kếu là rõ.
Họ Tiết nhà anh Pha đầy rẫy quận công, tiến sĩ. Cụ Tiết Tháo là ngôi sao sáng nhất của dòng họ. Về lực học cụ từng đỗ “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Về tài kinh bang tế thế cụ từng làm tể tướng ba triều, lúc chết được phong vương. Đền thờ cụ Tiết Tháo còn đôi câu đối: “Lưỡng quốc trạng nguyên thiên hạ hiếm “Tam triều tể tướng thế gian vô”. Đền thờ cụ chưa được công nhận di tích lịch sử văn hoá vì theo lời trưởng thôn, gia đình anh Pha mới đưa được 8 vé, trong khi đồng chí giám đốc bảo tàng đòi 10 vé thì hồ sơ di tích mới được duyệt. Anh Pha muốn rút tiền về cũng không được vì theo lời đồng chí giám đốc bảo tàng thì số tiền kia đồng chí ấy đã làm thủ tục hết rồi. Anh Pha cho rằng gia đình bị lừa đã làm đơn kiến nghị. Nếu có tiền, thế nào anh cũng theo kiện vụ này đến cùng cho ra nhẽ. Với truyền thống khoa bảng như thế, anh Pha quyết chí cho con theo học tới cùng. Được cái con bé Kếu thông minh, ngoan ngoãn, suốt 12 năm học đều là học sinh giỏi. Vì cô thi đại học khối C, mấy năm cuối chỉ học ba môn văn, sử, địa, nên mù tịt về toán, lý, hoá, đến nỗi suýt trượt tốt nghiệp phổ thông trung học. Bù lại, cô làm bài thi đại học rất tốt, được 29 điểm. Bố con anh Pha đi đâu cũng khoe gần đỗ thủ khoa đại học. Thế nhưng điều mấu chốt là tờ giấy báo nhập học lại không đến tay cô Kếu. Có ai ngờ điểm thi 29, cộng 1 điểm khu vực là 30, điểm tuyệt đối, thế mà cô Kếu vẫn cứ trượt vỏ chuối mới uất chớ. Người ta giải thích rằng, người đạt 30 điểm đầy rẫy, phạt 30,5 điểm mới đỗ. Theo lời khuyên của trường, cô Kếu mang phiếu điểm nộp vào trường cao đẳng sư phạm thì lại chậm chân, nếu không lót đường 15 vé thì cô Kếu về đi cấy lâu rồi. Tiền đền bù đất anh Pha tiêu vào việc xin phong tặng di tích và xin học cho con gần hết. Nuôi con ba năm học lại lo xin việc, làm gì nhà anh Pha chẳng nghèo rớt. Kiếm đâu ra 50 vé nữa để xin việc đây. Mua vé từng chặng ngắn biết bao giờ mới đến đích. Đường đời thì thẳng, chỉ tội khó đi, thật là vô vọng.
Rẽ trái là đi làm ở khách sạn cùng cái Tý. Cái Tý con anh Dậu là bạn thân con chấy cắn đôi, chả giấu nhau điều gì của Kếu. Tý học khá siêu, mỗi năm một lớp, không biết đúp với lưu ban là gì. Đùng một cái anh Dậu bị tai nạn xe máy. Hôm ấy đi làm đồng về muộn, anh Dậu vác cày vừa nhô vào đường cái quan thì bị xe máy đụng phải. Thợ lái đập đầu vào cột cây số chết liền. Chiếc xe dream Tàu không người lái kéo lê anh Dậu đi một đoạn, lưỡi cày cắm vào sườn làm gãy mấy cái xương, ngoài ra còn bị chấn thương sọ não và nhiều vết thương khác. Thợ lái chết là hết đền bù, chị Dậu phải dùng tiền đền bù đất kéo anh từ chỗ chết trở về, thân tàn ma dại. Chị Dậu đi làm ô sin cho một cụ Thượng, được cụ quý mến lắm. Bấy giờ cụ Thượng đang nổi như cồn vì có công biến khu đầm lầy Đồ Da thành khu du lịch sầm uất. Tất nhiên cụ Thượng cũng thu xếp được cho con trai một mảnh đất đẹp, đưa cái thằng chuyên đua xe thành Tổng giám đốc Công ty du lịch khách sạn Mê-li-á. Chị Dậu khôn khéo co chăn về mình, đưa cái Tý vào làm chân lễ tân Mê-li-á, ngay sau khi học xong phổ cập. Nhà quê ra tỉnh, cái Tý vào Mê-li-á lơ ngơ như bò đội nón, gặp cái gì cũng lạ lẫm, cũng phải học tên gọi. Anh tổng bỏ cả ngày ra giúp cái Tý làm quen công việc. Ngay sau khi tắm rửa, thay quần áo đồng phục, anh tổng đã ngơ ngác trước vẻ duyên dáng đáng yêu của cái Tý. Anh cứ mân mê cái mơ mộng của mình, nhìn ngắm cái Tý không cụp mi mắt nổi. Bữa cơm trưa cái Tý luôn mồm xuýt xoa:
- Món gì lạ thế này anh?
- Đây là món sam, yêu nhau như vợ chồng sam đấy.
- Con cua to hiển hách ăn làm sao?
- Đây là ghẹ, có kẹp để ăn đó.
- Toàn đặc sản, chắc đắt tiền lắm nhỉ?
- Đây là món thường ngày ở huyện thôi. Với cánh có tiền, đặc sản phải là thịt người kia.
- Thịt người! Ai ăn thịt người? Kiếm đâu được thịt người?
- Cứ tiền nhiều là có tất. Em muốn thử, tối nay anh chiêu đãi, ok?
- Thịt người ăn được thật hỉ?
- Cứ thử xem, ok?
- ừ thì ok.
Hết giờ làm việc chiều, cái Tý đến văn phòng Tổng giám đốc. Cái Tý mặc quần gin, áo thun làm nổi bật bộ ngực và cặp mông căng mẩy, hấp dẫn. Anh tổng đang bận việc, dừng tay rót cốc nước lọc đưa cho cái Tý:
- Em ngồi uống nước đợi anh một lát.
- ở đây mà phải uống nước lã à. Quê em có nước mưa ngọt lắm, em mà uống thì có mà hàng gáo.
Quen kiểu uống nước ở nhà, cái Tý tu ực một hơi hết cốc nước.
- Có mùi gì là lạ, lại không ngọt bằng nước mưa.
- Nước lọc xuất khẩu đấy. Nước này phải pha chất Ki-du-cư-ma mới đủ tiêu chuẩn ISO9009, uống quen có mà nghiện, tốt hơn bia đấy.
Cái Tý ngồi ngắm văn phòng, toàn đồ sang trọng, nhưng chưa kịp ngắm hết lượt nó đã thấy người rạo rực, má nóng bừng, đôi mắt cứ dính vào bộ ngực vạm vỡ của anh tổng. Anh tổng biết chắc cái gọi là chất Ki-du-cư-ma đang phát huy tác dụng, nên tung ra những lời mơn trớn:
- Em có eo ngực chuẩn, đến ong bò vẽ cũng phải ghen, thời xưa thì xắt ra miếng, những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.
Được lời khen, cái Tý bạo dạn hẳn lên:
- Em xấu ma lem, có ma nào thèm.
- Thật mà. Em cứ thử đo xem, số đo chuẩn đấy.
- Em không biết đo. Anh đo cho em nhớ.
Cái Tý tiến đến sát bàn làm việc, dướn người lên chờ đo. Anh tổng vuốt ve bờ vai tròn lẳn của nó. Nó rủn người, càng dướn cao hơn, phô bộ ngực tấn công về phía trước, mặt hơi ngửa lên, mắt lim dim đờ đẫn. Anh tổng dùng tay đo vòng ngực, hai tay nắm chắc hai gò bồng đảo. Cái Tý không kiềm chế thêm được nữa, quàng tay vít đầu anh tổng vào ngực, miệng rên khe khẽ:
- Anh hôn em đi, ôm thật chặt vào.
Anh tổng biết chắc thuốc Ki-du-cư-ma đã phát huy cực độ, lập tức bế bổng cái Tý đặt lên bàn làm việc, rồi cúi đầu hôn khắp người nó từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu. Cái Tý nằm căng cứng, miệng rên sung sướng. Anh tổng khoan khoái thưởng thức cái Tý. Xong, anh mở ngăn kéo lấy sợi chuyền vàng SJC đeo vào cổ cái Tý:
- Anh buộc đời em bên đời anh đó.
Sau giây phút cực khoái, cái Tý vùng dậy mặc quần áo, chợt nhớ tới bữa tối, nó nũng nịu hỏi:
- Sao bảo chiêu đãi thịt người?
- Thì anh vừa chiêu đãi đấy, anh ăn em, em ăn anh, em có thấy món nào ngon hơn không?
Cái Tý cúi mặt không đáp. Nó vẫn còn rạo rực vì thuốc Ki-du-cư-ma chưa tiêu tán hết. Nó thầm nghĩ: Nếu thịt người mà ăn như thế thì đúng là chả có món gì ngon hơn thật.
Thời gian sau tháng nào cái Tý cũng phải đi nạo hút thai. Nó nghĩ đến chuyện cưới xin. Không ngờ anh tổng vằn mắt gắt:
- Cô định phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi hử. Tôi ăn cô đã trả tiền sòng phẳng, biết điều thì tôi còn cưu mang.
Cái Tý rụng rời chân tay thét lên:
- Thế ra anh phá hoại đời tôi chứ yêu đương gì. Tôi kiện anh nghe chửa.
- Hừ, kiện à. Tôi cho cô thôi việc để có thời gian đi kiện, lập tức rời khỏi đây ngay.
Không ngờ sự việc xoay chuyển 180o như vậy, cái Tý vô hồn bước khỏi Mê-li-á, lủi thủi đi ra bãi xe Đồ Da. Đi đâu bây giờ? Cái Tý lê chân vào nhà hàng bên đường gọi cốc nước mía. Nhà hàng vắng teo, mấy cô gái trẻ đang chơi bài, bỗng một cô kêu lên:
- Nhân viên Mê-li-á mà bị sa thải à? Vào đây làm với tụi tôi, dễ kiếm lắm, chẳng phụ thuộc thằng chó nào cả.
Người chủ nhà hàng nghe vậy hỏi:
- Các cô biết nhau à? Vậy mời cô đến chỗ tôi. Chỗ này đảm bảo an toàn tuyệt đối, khách đông lắm.
Cái Tý ở lại làm nhân viên phục vụ phòng, thực chất là “đặc sản thịt người”. Má mì điều phối đặc sản cho các khách sạn khác hoặc đi khách tại chỗ. Mỗi lần má mì thu nửa tiền để trả tiền phòng và tiền làm luật. Giá cả có qui định thống nhất, bất kể đông khách hay ế khách. Tuy cùng là đặc sản thịt người như nhau, nhưng ai có duyên ngầm vẫn đông khách hơn, thu nhập cao hơn. Khách đến Đồ Da toàn loại lõi đời. Họ phát hiện ngay cái Tý là đồ xịn tươi sốt và xô đến nườm nượp, bất kể phải chờ đợi. Cái Tý thu tiền như hái lá. Sau một thời gian đi khách, cái Tý nhận thấy khách quê đông hơn khách phố. Khách quê làm hùng hục như trâu húc mả, cái Tý chỉ giở vài ngón nghề là các bố toại nguyện ngay. Cả đời các bố chỉ tắm ở độc một cái giếng cổ, nay được tắm ở giếng khoan, nước máy các bố say liền. Nửa tạ thóc, chứ cả tạ thóc cũng quyết. Đấy là chưa kể các bố phất lên nhờ đất tăng giá hoặc được tiêu tiền chùa, đừng coi thường dân quê nữa nhé. Mấy bố tuổi rung rúc, chắc chán vợ già, tháng đôi lần kiếm cớ mò đến Đồ Da để “đóng gạch”, “xách vữa”.
Làm ăn được, cái Tý nhớ ngay đến đứa bạn thân thất nghiệp ở quê, liền có thư về. “Kếu ơi, ra đây làm với tao, một ngày tiền triệu dễ như bỡn”. Làm nhân viên khách sạn mà lương tháng ba mươi triệu, làm sao cô Kếu không đắn đo cơ chứ.
Rẽ phải là con đường Kếu có chiều hướng ngả theo. Kếu đã đến công ty Choi vài lần, được Choi tiếp đón như thượng khách. Lần gần đây nhất Choi đề nghị Kếu ngồi ghế Phó tổng giám đốc. Choi nói sau vài năm Kếu vững tay sẽ chuyển dần công ty cho Kếu. Tất nhiên, Kếu hiểu rằng chẳng có gì được mà không mất, nhất là khi được nhiều như thế thì sự mất hẳn là lớn lắm. Nhưng Kếu thì có gì mà mất nhỉ? Làm nhân tình của Choi là cùng chứ gì. Năm nay Choi ngoài năm mươi ngang tuổi bố Pha, thế thì sao nhỉ? Người ta to khỏe, đẹp trai, giàu có, chuyện ấy kém gì cánh trai tơ đói ăn nhỉ, tiền lương làm với Choi một năm bằng lương cô giáo cả đời, chẳng lẽ vẫn cần tính toán ư? Kếu chưa nhận lời ngồi vào ghế Phó tổng chẳng qua còn lựa ý bố mà thôi. Bố cô thuộc dòng dõi Tiết Tháo phong kiến lắm. Phải đến hôm giỗ cụ Tiết Tháo, anh Pha nổi điên như bị cụ nhập, dọa đưa bọn giám đốc bảo tàng ra tòa nếu không công nhận đền thờ là di tích, thì Kếu mới thầm hạ quyết tâm. Phải có tiền, nhiều tiền cho bố cô theo kiện, đưa bọn sâu mọt ra ánh sáng công lý thì cô mới hả.
Choi là người coi chữ tín quý hơn vàng. Kếu đến công ty nhận việc, được ngồi ghế Phó tổng, nhận lương 30 vé ngay lập tức. Công việc Phó tổng chỉ là cùng Tổng tiếp khách, lúc vắng khách thì dạy hát quan họ giao duyên. Ngay ngày đầu tiên, Choi đã hát được bài “Còn duyên”, lời thuộc, nhạc thuộc, chỉ thiếu độ nảy mà thôi. Kếu thưởng Choi một nụ hôn thắm thiết. Được cô giáo ban khen một cách đặc biệt như thế, Choi liền quỳ xuống nền nhà cầu xin cô cho được kết duyên trăm năm. Kếu bằng lòng bằng cách đổ gục vào lòng Choi. Hôm sau Choi đưa Kếu đến ủy ban đăng ký kết hôn. Dân Vũ Đại bảo nhau: “Hả quá, cô Kếu đã thay mặt dân làng cảm ơn nhà từ thiện Choi rồi, thực là người có học có khác. Từ nay Choi đã chính thức trở thành người Vũ Đại rồi, chắc Choi sẽ còn làm từ thiện nhiều nữa”.
Khỏi nói lại đám cưới của họ được tổ chức hoành tráng đến mức nào. Điều đáng nói là Choi không đồng ý để Kếu sinh con vì... Choi đã bị nhiễm HIV. Choi chỉ cần có người bạn tâm đầu ý hợp lúc cuối đời thôi, bù lại, Choi sẽ đền đáp sự hy sinh to lớn của Kếu một cách xứng đáng. Ngay sau khi ký giấy đăng ký kết hôn, về văn phòng, Choi trao ngay cho Kếu tờ di chúc thừa kế công ty “Choi và Kếu”. Kếu thảng thốt mất mấy ngày, nhưng nghị lực gái quan họ đã vực Kếu dậy ngay, quyết không để Choi một giây phút cuối đời nào phải buồn. Kếu phác ra kế hoạch sẽ lập một “Quỹ văn học” lớn để cổ vũ nền văn học quê hương tiến kịp văn học thế giới. Nếu quỹ này mang tên “Giải thưởng văn học Choi và Kếu” thì tên tuổi nhà từ thiện Choi và cả cô nữa sẽ được nhắc đến nhiều nữa.
Việc Kếu một bước lên tiên làm cả làng Vũ Đại xôn xao. Đấy, anh Pha có chí làm giàu bằng tri thức quả là tư duy đi trước thời đại. Trưởng thôn Lý Công Quyền phấn khởi ra mặt, một tay đã tóm được danh hiệu anh hùng. Họp hành ở đâu trưởng thôn Lý cũng lấy gương hiếu học vượt khó của gia đình anh Pha ra phổ biến và đúc kết chân lý bất di bất dịch: “Không có tri thức thì chỉ làm thuê làm mướn suốt đời. Đồng tiền làm mướn lúc đầu tưởng là to, nhưng đem so với thu nhập tri thức thì quá còi cọc”. Mấy nhà có con cho nghỉ học sớm đi làm mướn nghe phân tích vậy chỉ biết cúi mặt xấu hổ vì tầm nghĩ hạn hẹp như trời mù mây, tham lợi trước mắt, tham bát bỏ mâm, tham cây bỏ rừng.
Còn anh Pha, từ ngày có nhiều tiền thì làm gì? Anh chưa nghĩ đến việc cho nhà chạy thi chiều cao, mà anh đi học vi tính. Anh định sau khi sử dụng máy thông thạo sẽ mua một dàn máy về, tự soạn đơn từ đi kiện bọn sâu mọt, quyết làm trong sạch xã hội, những việc nên làm, mà cụ tổ Tiết Tháo thời xưa đã từng làm được.