Bách quả hữu long nhãn
Như nhân kiến Tử Đô
Bất ưng duyên hậu thục
Hoán tác “lệ chi nô”.
Suốt mấy năm học giáo sư Trần chưa một lần nói chuyện riêng với Trần Lịch, hôm ấy ông đột nhiên hỏi:
- Cậu biết gì về thành Luy Lâu ở quê cậu?
Lịch đỏ mặt ấp úng:
- Dạ thưa, em chưa đến đó lần nào nên chưa biết cụ thể thành ở đâu, hình thù thế nào ạ.
- ở quê mình mà cậu lơ tơ mơ thế thì người khác còn tơ lơ mơ đến mức nào hả. Cậu sẽ làm luận văn về thành Luy Lâu, liệu thần hồn trước đi là vừa.
Giáo sư Trần là người có uy tín cả trong nước và quốc tế, nhưng ông có cách nói dấm dẳng chứ không phải là “giọng giáo sư” thông thường. Với kiến thức sâu rộng của mình, ông chỉ đâu là “chết” đấy. Trần Lịch được giáo sư nhìn đến thì mừng lắm và anh mường tượng ra bao nhiêu công việc phía trước. Phải làm việc, làm việc cật lực mới có thể đáp ứng được yêu cầu của vị giáo sư khắt khe. Giáo sư hạ giọng thân tình:
- Tớ với cậu cùng họ Trần nên mới tặng cho cậu cái Luy Lâu, cậu tìm hiểu sẽ thấy thú lắm đó. Nếu luận văn tốt nghiệp mà đáng đồng tiền bát gạo thì có thể đào bới sâu thêm để làm cái luận án tiến sỹ, nhớ chưa?
- Dạ, em xin cảm ơn, em sẽ cố gắng, mong giáo sư chỉ bảo thêm ạ.
- Tớ mà giúp thì cậu phải đền em gái đấy. Họ Trần nhà mình có lời nguyền chỉ gả con gái cho người trong họ mà, cậu có biết chuyện đó chứ hả.
- Thưa giáo sư, Luy Lâu đại lược ở đâu ạ?
Vẻ độ lượng, giáo sư lẩm bẩm:
- Chả trách được, chả trách được. Ngày hai buổi đến trường, tối vùi đầu ôn bài, hở tí nào thì ra đồng be bờ tát nước, thi đỗ đại học thì ra thành phố học, thi trượt thì ở nhà cày cuốc, làm sao biết được mặt mũi cái thành Luy Lâu thế nào. Chả trách được, chả trách được. Lịch sử thuộc về những người muôn năm cũ mà. Này, nghe đây, Luy Lâu là tên chữ của Dâu. Dâu thì cậu biết chứ. Cứ đến Dâu mà đào bới dân là ra hết. Nhớ hỏi người già ấy nhé.
Mặc dù còn một năm nữa mới tốt nghiệp, Trần Lịch “liệu thần hồn trước” dự định sẽ dành cả thời gian nghỉ hè để điền dã Luy Lâu một mình.
*
Đạp xe gần hai chục cây số dưới trời nắng lóa mắt, đến Dâu thì đầu váng vất khó chịu, Trần Lịch vào quán nước dưới gốc cây đa cổ thụ nghỉ chân. Bà lão bán hàng tóc trắng như cước, vẻ mặt đôn hậu đưa cho anh chiếc quạt giấy phết nhựa cậy, tay cầm đã lên nước đen bóng.
- Cậu nghỉ ngơi rồi uống bát nước vối cho lại sức.
Bát nước nụ vối sóng sánh ánh nâu sậm, ở giữa bát quẩn lại làn khói mỏng, từ đó thoang thoảng hương thơm ngan ngát quyến rũ, nhất là với người vã mồ hôi háo nước. Trần Lịch đón bát nước nhấp một ngụm cho đỡ khô cổ. Vị gừng râm ran khắp cơ thể làm anh thấy khoan khoái dễ chịu. Anh liền vừa thổi vừa uống một mạch hết bát nước. Nước vối ấm chân răng tu hàng tích không biết chán, dù mồ hôi túa ra như gội mưa. Anh quạt lấy quạt để cho đỡ nực. Bà lão cũng phẩy quạt giúp.
- Hình như cụ cho cả gừng vào nước phải không ạ?
- Phải đấy. Cái tang nụ vối này mà thiếu ba lát gừng thì kém ngon cậu ạ.
- Vâng. Vừa tăng hương thơm vừa tăng vị đượm, uống khoái khẩu lắm cụ ạ. Cụ ơi, cho cháu hỏi thăm thành Luy Lâu ở khu vực nào ạ?
- ở đây làm gì có thành quách, chỉ có chùa Dâu và đền Lũng thôi. Cậu đi hỏi chỗ khác xem.
- Cụ à, thành Luy Lâu còn gọi là thành Dâu, nó phải ở đâu đây chứ. Thế đền Lũng ở đâu ạ?
- ở trong vườn vải. Cậu đến bờ sông, rẽ phải, cứ đi sâu vào là đến.
Theo sự chỉ dẫn, Trần Lịch đi vào vườn vải cổ thụ rộng mênh mông. Tán vải đan thành mái lều khổng lồ che kín bầu trời. Không khí tịch mịch, vắng vẻ. Càng vào sâu Trần Lịch càng bợn lên cảm giác lạc vào mê cung rờn rợn. Đi mãi chưa thấy nhà cửa, đền đài nào. Muốn hỏi thăm cũng không có người để hỏi. Đành cứ đi. Đến được đền Lũng là rõ hết. Bà lão phúc hậu như thế chẳng dối mình đâu. Đi, đi mãi, chừng mỏi chân, Trần Lịch tìm một cành cây đâm ngang gần mặt đất để nghỉ. Vải đã thu hết quả, đây đó vẫn nhận ra những mảnh vỏ quả khô quắt lại đỏ như cục máu đông, mùi hăng hắc ngòn ngọt. Nhìn lên tán cây Trần Lịch thấy còn sót một vài quả vải kẹ. Anh hái vài quả ăn cho đỡ khát. Có quả đã khô. Có quả chuột gặm nham nhở, phần cùi còn lại ngả màu trắng đục bốc mùi chua chua. Quả nào ăn được thì ngọt lừ, hạt quắt lại bằng hạt đỗ đen, mùi hương sực nức. Cái giống quả này quý giá thật. Chả thế mà thời xưa dân ta phải gồng gánh cung phụng tận Trường An, kinh đô nhà Đường xa xôi. Không biết thái thú Lý Nguyên Gia có mang vải vùng Dâu này về dâng vua Đường hay không. Quả quý thế mà vua Đường đặt cho cái tên “Lệ chi nô“ đầy tính miệt thị. Có một thi sĩ vùng Dâu đã làm thơ “cãi lại” thì phải. Bài thơ thế nào nhỉ? à, nhớ rồi:
Bách quả hữu long nhãn
Như nhân kiến Tử Đô
Bất ưng duyên hậu thục
Hoán tác “lệ chi nô”.
(Trăm quả có long nhãn, như người có Tử Đô, đừng vì quả chín muộn, mà gọi “lệ chi nô”).
Có điều quả mới chín ai cũng sợ bị người hái trộm, chim chuột phá mà thu sớm khi quả hãy còn vị chua nên giảm đi nhiều cái thơm ngọt đích thực của nó. Chợt Trần Lịch nhìn thấy một cành quả khá sai ở ngọn một cây cao, được một tán lá rậm che kín. Có lẽ Trần Lịch chăm chú tìm, lại có góc nhìn thích hợp mà thấy. Anh định vị gốc cây cho kỹ rồi đi đến và trèo lên hái. Đang níu cành bẻ quả anh lại nhận thấy thấp thoáng bóng áo trắng mảnh mai lướt qua. Anh vội bỏ cành quả đuổi theo người để hỏi thăm. Nhưng áo trắng cứ đi vùn vụt không ngoái đầu lại, vẻ như chạy trốn. Trần Lịch đành cứ rảo bước theo sau. Đột ngột hiện ra tòa tháp ba tầng, mái kiểu chồng diêm tám góc. Trên cửa ra vào có tấm biển đề ba chữ Hán: “Vọng Giang Lâu”. Quái, tháp cao thế này sao mình không nhìn thấy nhỉ? Hẳn vườn vải này phải rộng lắm mới che khuất tầm nhìn như vậy. áo trắng chạy một mạch lên tầng ba. Trần Lịch nhẹ nhàng theo sau. Căn gác trống trơn. Trần Lịch lên tiếng:
- Chào cô, xin cho hỏi thăm ạ.
Cô gái giật mình quay lại, vẻ mặt vô cùng kinh sợ, và kêu lên thảng thốt:
- Hứ hứ hứ! Đừng lại gần đây!
- Tôi chỉ muốn hỏi thăm thôi mà.
Cô gái vùng chạy ra ban công chực nhảy xuống dưới.
- Bay đến gần là tao nhảy đấy. Đừng hòng bắt được tao!
Cô gái còn trẻ, trạc mười sáu mười bảy tuổi, mặt hoa da phấn, hệt nàng Kiều trong tranh vẽ mà sao có thái độ quyết liệt thế. Trần Lịch van vỉ:
- Cô ơi đừng nhảy, tôi chỉ muốn hỏi thăm thôi mà, cô đừng nghĩ xấu cho tôi.
Cô gái quắc mắt lên:
- Quân Ngô giết người không tanh chúng bay thì có gì là tốt hử? Đừng có vờ vịt ngọt nhạt để bắt tao nhé.
- Ô hay, quân Ngô quân Tào nào, tôi là sinh viên, tôi đến thăm thành Luy Lâu để chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp, nhưng vào đến vườn vải này thì bị lạc nên chỉ muốn hỏi thăm đường thôi mà.
- Thật thế chứ? Không lừa để bắt ta chứ?
Trần Lịch đứng nghiêm, tay trái ấp vào ngực, tay phải chỉ lên trời đáp:
- Thật, tôi xin thề!
Cô gái có vẻ tin, bước xuống nền nhà, thì thào:
- Anh nói khẽ thôi, quanh đây toàn quân Ngô đấy, chúng phát hiện ra mình thì không tha đâu. Thế anh tên là gì?
- Tôi là Trần Lịch.
- Còn em là Sĩ Văn Tiên. Anh đến thăm thành thật à?
- Thật. Giáo sư Trần chỉ cho tôi đấy.
Văn Tiên nghe tiếng “giáo sư” thì thở dài:
- Cha em cũng là giáo sư đấy.
- Thầy dạy ở trường nào?
- Trường Bình, ngay gần đây thôi. Người học đông lắm, vui lắm. Nhất là những hôm có buổi bình văn. Nhưng mà cha mất rồi. Cha vừa nằm xuống thì quân Ngô sang. Cả nhà em chết hết rồi, hu hu...!
Văn Tiên bật khóc, vẻ đau xót uất hận. Tiếng khóc đòi trả thù. Nhưng bất lực, Trần Lịch chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, đành an ủi mấy lời chung chung. Văn Tiên cứ khóc tấm tức mãi, vai rung lên từng chặp.
- Đây đã là thành Luy Lâu rồi. Nơi ta đang đứng là lầu Vọng Giang. Trước đây chỗ này tráng lệ lắm. Cha thường đưa em lên đây hóng mát ngắm cảnh. Anh ra đây nhìn. Sông Dâu xanh mướt đôi bờ lững lờ chảy sát chân lầu. Chỗ chợ Dâu kia là bến sông. Thuyền bè đậu ngàn ngạt kìa. Ngày mai là phiên chợ mà. Còn ở phía bắc kia là nhà em. Trước nhà có hai gò đất nhỏ do học trò đắp sau ngày cha mất, gọi là gò nghiên gò bút. Thành trước đây to lớn vững chãi lắm, thế mà quân Ngô sang san thành bình địa hết. Anh đến hơi muộn không được ngắm tòa thành, thật tiếc.
Theo chỉ dẫn của Vân Tiên, Trần Lịch đưa mắt nhìn ra sông Dâu. Anh ngạc nhiên thấy con sông Dâu bỗng nở phình ra mênh mông nước, bờ bên kia mờ mờ vệt xanh. Vài con thuyền lững lờ xuôi dòng đè sóng vỗ lớp lớp. Văn Tiên thủ thỉ:
- Anh nhìn rõ rồi chứ? Cảnh phồn thịnh kém gì Dương Châu, Trường An. Dâu luôn là nơi hội tụ bốn phương. Người Tây Trúc đến buôn bán, rồi các nhà sư Tây Trúc theo thương thuyền đến đây. Chính cha em cho xây chùa Dâu để sư thầy Khâu Đà La giảng Phật pháp đấy. Cha thường đến nghe và đàm đạo. Rồi cha bỏ dự định làm tòa Chính Văn Các để chuyển gỗ dựng thêm ba ngôi chùa, lại sai thợ cả Đào Hoàng tạc bốn pho tượng đặt ở bốn chùa, đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, dân mình gọi nôm là bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn đó. Xây chùa, tạc tượng thì còn, chứ xây Chính Văn Các thì cũng bị quân Ngô phá đốt tan tành như nhà em rồi. Em không dám đưa anh về nhà đâu, quân Ngô săn lùng em riết róng lắm. Nhất là tên tổng binh Lữ Đại mắt trâu mặt lợn, lật mặt như trở bàn tay ấy.
Trần Lịch vốn là một võ sỹ Teakwondo đai đen, chưa mấy khi được thử sức, liền vỗ ngực đáp:
- Em yên tâm đi, có anh đây đứa nào dám động đến em?
Văn Tiên nhìn Trần Lịch sững sờ. Quân dân cả nước còn tan tác dưới tay Lữ Đại, thế mà chàng sinh viên không tấc sắt trong tay mà không sợ thì anh là hạng người nào? Chẳng lẽ là Hạng Vũ tái thế? Văn Tiên cảnh báo:
- Chúng có sức mạnh?
- Anh mạnh hơn.
- Chúng có giáo mác, cung tên?
- Anh có võ và lòng can đảm.
- Nhưng em lo cho anh lắm.
- Yên tâm đi. Nào, dẫn anh về nhà.
- Nhưng em vẫn phải dặn trước, nếu có bề gì ta cứ lui về đây nhé. Lên đến đỉnh lầu Vọng Giang này thì chẳng còn sợ gì nữa. Chỉ cần một bước chân ra ngoài thôi anh ạ, kẻ địch mạnh mấy cũng không làm gì được ta nữa.
Hai người xuống lầu đi về phía bắc. Văn Tiên đi như lướt trên mặt đất. Tà áo dài trắng bay lất phất về phía sau. Đến đầu cây cầu đá bắc qua cái hồ nhỏ, Văn Tiên giữ Trần Lịch lại bảo:
- Nhà em đó. Quân Ngô đốt phá tanh bành rồi. Nước hồ này đã được nhuộm đỏ máu người nhà em. Anh vào đi.
Trần Lịch thận trọng bước lên cầu. Anh có cảm giác những cặp mắt, những ngọn giáo, mũi tên đang rình nấp đâu đó. Văn Tiên cũng rón rén đi sau. Mảnh sân nhỏ đầy gạch ngói vỡ. Qua cánh cửa xộc xệch anh nhìn thấy quang cảnh hoang tàn khủng khiếp. Chỗ thì kèo cột cháy đen. Chỗ thì cánh cửa vỡ toang toác. Chỗ thì bàn ghế gãy lổng chổng. Đồ đạc sứt vỡ vương vãi khắp nơi. Những tảng đá kê chân cột đội tro nhô lên như những nấm mồ xếp hàng ngay ngắn. Vừa thận trọng tiến vào Trần Lịch vừa thì thầm:
- Làm gì có bóng ma nào đâu mà em sợ.
- Có thể chúng rình nấp đâu đó, cứ cẩn thận là hơn.
Hai người đi sát bên nhau vòng quanh khu dinh thự đổ nát mênh mông. Rồi Văn Tiên chỉ tay bảo:
- Đây là phòng em. Ta vào nghỉ một lát đã.
Căn phòng khá nguyên vẹn so với quang cảnh chung. Tuy nhiên, cánh cửa cũng đã bị xộc xệch, mái bị sập mấy chỗ. Đồ đạc thì không còn gì ngoài cái bàn trang điểm xiêu vẹo. Trần Lịch nhặt nắm giẻ lau qua mặt bàn lấy chỗ ngồi. Văn Tiên kể:
- Đừng bao giờ tin vào miệng lưỡi quân giặc. Quân Ngô vây đánh thành mấy ngày mà không suy chuyển gì. Thế rồi trong nhà xảy ra tranh cãi. Anh cả muốn hàng để được toàn tính mạng. Anh hai thì quyết đánh. Thành bị hạ. Cả nhà em bị chúng giết hết. Tên tổng binh Lữ Đại giong ngựa đến tòa đại sảnh, ngồi lên xác anh hai Sĩ Huy máu còn đang xối, cho gọi anh cả đến hỏi: “Hạ thành mày có công đầu, mày muốn thưởng gì?” Anh cả nhìn cảnh người thân chết ngổn ngang như chuối gãy sau bão, mặt cắt không còn giọt máu nhưng vẫn đáp: “Tôi muốn được kế ngôi thái thú”. Tên tổng binh cười nhếch miệng, bộ râu quai nón tua tủa chỉ hơi rung rung: “Tổng binh như tao còn chưa dám ngó đến cái chức thái thú, đâu đến phần mày”. Anh cả vẫn nài nỉ: “Ngài cứ bẩm lên Tôn chủ giúp tôi”. “Hừ, bẩm giúp à? Được, tao sẽ bẩm giúp, tên Sĩ Hoảng đã bán rẻ ba họ tông tộc cầu vinh, thì không thể tin cậy được, đến Tôn chủ nó cũng dám bán nếu gặp quân Hán quân Tào, nên bề tôi đã trị tội làm gương cho thiên hạ rồi”. Đoạn tên tổng binh sai chém anh cả ngay tại chỗ. Anh chỉ kịp kêu lên: “Đồ lừa đảo, rồi mày chết không yên đâu!” Lúc ấy em đang ở lầu Vọng Giang. Những người lính cuối cùng dũng cảm xả thân cản giặc để bõ Triệu đưa em lên thuyền chạy trốn. Từ ngày về đây lúc nào em cũng có cảm giác quân giặc còn rình rập đâu đây, em sợ lắm. Chỉ từ lúc gặp anh, em mới đỡ sợ. Thôi, em đi thắp hương cho cha và các anh đây.
Hai người đi vào gian thờ. Gian này đã sập hết mái. Pho tượng Sĩ Nhiếp to hơn người thật phơi ra mưa nắng. Văn Tiên phải dùng cái nia sứt cạp che lên như đội ô cho tượng. Thắp hương xong Văn Tiên có vẻ vui hơn:
- Hồi xưa chùa Dâu mở hội cha toàn sai em đi “khai hội” thay cha. Cha bảo việc lên chùa hợp với đàn bà con gái hơn. Thực ra còn một lẽ cha không muốn nói ra, đó là khuôn mặt bốn bà đều tạc theo dung mạo em, nên cha muốn người thật và tượng giao hòa đó thôi. Ngày hôm ấy dân làng bắt em phải ngồi kiệu, mặc dù em thích đi bộ hơn, vì ngày nào em cũng sang chùa mấy lần mà. Vui lắm anh ạ. Thôi, ta ra lầu Vọng Giang cho mát đi, ở đây ngột ngạt lắm.
Hai người rời khu nhà. Trần Lịch đã tự tin trở lại. Riêng Văn Tiên vẫn không sao gạt bỏ được cảm giác sợ hãi vì những gì cô trải qua là quá ghê gớm. Đến chân lầu, Văn Tiên dừng lại và kêu lên thảng thốt:
- Bõ Triệu, chèo thuyền lại đây mau lên, quân Ngô đuổi đến nơi rồi.
Trần Lịch định trấn an, nhưng Văn Tiên gạt đi:
- Người anh hùng hãy cản đường quân giặc cho em nhé.
Một con thuyền nan nhỏ kiểu thuyền đánh cá rẽ màn hơi nước lao đến. Văn Tiên bước vội xuống thuyền. Bõ Triệu với khuôn mặt không có tuổi không nói một lời hấp tấp chèo thuyền đi. Con thuyền lao vút vào mây nước mất dạng.
Trần Lịch định chạy lên tầng ba lầu Vọng Giang xem con thuyền chở Văn Tiên đi xa chưa, nhưng trên đầu anh chỉ là những tán vải xum xuê quệt vào mặt, chẳng thấy tòa lầu đâu nữa. ừ nhỉ, Sĩ Văn Tiên nói nàng là con gái Sĩ Nhiếp, nghĩa là nàng sống cách nay gần hai nghìn năm rồi, làm sao có thể là người trần mắt thịt được. Chắc là mình có duyên trời định nên được nàng hiển linh chỉ dẫn cũng nên. Anh cũng hiểu thêm điều giáo sư Trần chỉ cho mình là rất cần thiết vào lúc này. Mau dựng lại một ngôi thành quan trọng của nước Việt thuở xưa sống động trên trang giấy, trong sự nhận thức của mọi người. Anh khẽ thốt lên: Văn Tiên ơi, tôi nhất định sẽ về đây, nhất định sẽ phủi sạch bụi thời gian trên thành Luy Lâu này để ai cũng nhìn thấy rõ, hệt như khi ta đứng trên lầu Vọng Giang ngắm nhìn ra sông Dâu vậy. Bất giác anh ngâm nga mấy vần thơ cảm tác:
Đi trên thành Luy Lâu
Đạp từng viên gạch vỡ
Thấy quyền uy sụp đổ
Thấy màu xanh sinh sôi.