Thế là nàng đã mãi mãi ra đi không bao giờ trở về nữa. Ngôi nhà nhỏ ngợp bóng bưởi bóng mít mãi mãi không bao giờ ngẩng mặt lên như dự định của nàng. Thím Nhu, mẹ nàng, lại một thân một mình lụi cụi làm, lụi cụi ăn như cái số trời định vậy. Còn tôi, tôi vẫn thấy cái dáng thanh thoát cùng khuôn mặt xinh tươi của đóa hồng nhung hàm tiếu vẫn ngày ngày đi ra hàng rào râm bụt cắt tỉa. Nàng - đóa hồng nhung đã đóng đinh trong lòng tôi.
Nhà tôi và nhà nàng chung hàng rào râm bụt ấy. Vì bên nhà tôi là vườn rau, còn bên nhà nàng là lối đi ra ngõ nên chỉ có nàng năng cắt tỉa. Hai ông bố chúng tôi cùng ra trận một ngày, cùng hy sinh trong một trận đánh. Tôi hơn nàng ba tuổi. Tuổi ấu thơ hai đứa tôi cùng chơi với nhau bên hàng rào râm bụt già lụ khụ ấy. Hai bà mẹ thường gán ghép hai đứa với nhau. Chúng tôi lớn lên gần gụi và thân thiết như anh em ruột thịt một nhà. Rồi tôi bị cảm một trận thập tử nhất sinh, khi qua khỏi đã để lại di chứng méo mồm, thọt chân. Nàng thương tôi như anh trai. Càng lớn Hồng Nhung càng xinh đẹp. Dường như mọi đường nét đều được ông trời chau chuốt đến hoàn mĩ trên cơ thể và khuôn mặt nàng. Nàng càng xinh đẹp thì tôi lại càng buồn vì tôi biết nàng sẽ thuộc về một chàng trai hoàn chỉnh nào đó. Quả nhiên học hết cấp ba nàng liền trở thành nàng dâu một quan thương nghiệp, công tác ở Hà Nội. Chồng nàng vẫn còn đang học cao đẳng. Anh ta cưới nàng ngay khi đoá hoa đang hé nở vừa đẹp, vừa ngây thơ, vừa tinh khiết bằng thế mạnh con một, đẹp trai, nhà giàu. Lấy được anh ta nàng cũng hài lòng lắm, được nhàn nhã, ăn trắng mặc trơn, mãn nguyện là phải. Hôm nàng cưới tôi khóc sưng mắt. Mẹ bảo con nên mừng cho em nó mới phải. Giá như... Mẹ không dám nói hết câu, nhưng tôi nghĩ nốt hộ mẹ, giá như con không bị cảm, không bị di chứng thì em nó sẽ mãi thuộc về con chứ gì. Chả biết có ai mách mà nàng sang nhà, cầm tay tôi thì thầm:
- Em tệ lắm hả anh. Thôi, duyên trời, xin anh đừng khóc nữa kẻo ngày vui của em bị xúi anh trai ạ.
Nàng đã gọi tôi bằng anh trai thì tôi còn lý do gì để khóc nữa. Tôi đành cố ngoác miệng ra cười cho nàng vui.
- Vậy là anh thông cảm cho em rồi hả. Em mãi là em gái của anh mà.
Lấy chồng năm trước thì năm sau nàng sinh con. Anh chồng bận học không về. Sau mới biết anh chồng sẵn tiền bố xả láng ăn chơi, lúc có tin mừng được làm bố vẫn còn đang mải sát phạt đỏ đen ở một sới bạc tận Sơn La. Mẹ con nàng được đón anh ta cùng với một thông báo khủng khiếp: bố chồng bị bắt vì tội chứa chấp hàng rút ruột nhà nước số lượng lớn, chồng bị đuổi học vì tội cờ bạc và bỏ học nhiều. Liền đó là cuộc sống đạm bạc, túng thiếu. Một nhà quen sống trên nhung lụa trước sự thực này quá ngỡ ngàng không biết xoay xở ra sao. Dễ nhất mà cũng khó nhất khi đứng trên đôi chân của mình. Nàng quen đứng dựa, lại bấy bớt sau sinh nở thì đứng trên đôi chân của mình hẳn chẳng dễ dàng gì. Anh chồng thất học, thất nghiệp lại là một gánh nặng mới nữa. Anh ta dắt nàng lên sông Đà bán hàng. Công việc bận rộn lâu chả thấy nàng về thăm thím Nhu. Ngày giỗ chú Phục cũng chẳng thấy nàng về. Tôi biết cuộc sống của nàng chẳng dễ chịu gì. Rồi tết nọ nàng về. Sau buổi đến trình mẹ để gửi con nhỏ lại là nàng cùng chồng đi mất hút tối ngày. Nghe nói bên nhà chồng nàng có sới bạc to lắm. Người vào chơi phải nộp cửa cả trăm ngàn đồng. Đêm ba mươi tết công an huyện về bắt cả đám mấy chục người. Chả biết nàng lo lót thế nào, cả bọn chỉ bị phạt hành chính chứ không bị truy tố. Chuyện nàng đánh bạc lừng tiếng cả xã. Xưa nay quê tôi chưa hề thấy đàn bà con gái đánh bạc bao giờ. Lại đánh bạc to đến mức bị công an bắt. Và nhất lại là một phụ nữ trẻ đẹp như nàng. Ngày đầu năm mới thím Nhu giận quá đã chửi toáng lên:
- Chị làm ô uế danh dự gia đình rồi đấy.
- Mẹ làm gì mà nâng quan điểm lên thế. Thú vui của loài người thôi mà.
- Chị còn bài bạc nữa thì tôi cấm cửa, cờ bạc là bác thằng bần đấy.
- Thì con cũng bần cùng rồi còn sợ gì là bác thằng bần nữa.
Qua tết nàng gửi con cho thím Nhu để vợ chồng dắt nhau theo công nhân Sông Đà vào Yaly. ít lâu sau nghe tin họ bỏ nhau. Nàng thua bạc đi “giải đen” bị chồng bắt quả tang. Nàng bỏ đi Vũng Tàu. ở đây nàng cặp bồ với một thuỷ thủ da đen. Mỗi tháng nàng được cấp hai ngàn đô để tiêu xài. Khi anh này lên tàu thì bàn giao nàng cho người bạn khác được lên bờ. Có tháng nàng được sáu ngàn đô vì qua ba lần bàn giao. Tiền nhiều, nàng mang về quê định nâng cấp nhà cho mẹ. Thím Nhu bảo là tiền con buôn bán được thì mẹ giữ, nếu là tiền cờ bạc thì con cứ giữ lấy, nó ở trong người chưa ấm chỗ lại ra đi ngay thôi mà. Nàng hớn hở, thế thì mẹ phải giữ rồi, đây là tiền con kiếm được bằng nghề kinh doanh khách sạn chứ không phải cờ bạc đâu. Từ ngày bỏ chồng con bận làm ăn tối mày tối mặt lấy đâu thì giờ mà cờ bạc nữa. Lần này nàng nói thật, có điều là sự thật được nói khéo, dễ lọt tai mọi người. Nàng tính làm nhà sáu tầng cao nhất huyện cho thằng chồng vũ phu sáng mắt ra. Nhưng chưa kịp khởi công nàng đã có phôn gọi vào Nam gấp. Nàng vội vã đi ngay. Công việc kinh doanh thời buổi công nghiệp đòi hỏi người ta phải vắt chân lên cổ mà chạy thế đấy.
Nhưng mãi không thấy thím Nhu làm nhà. Hàng rào râm bụt được nàng cắt tỉa gọn gàng hôm nào nay đã phá thế lôm nhôm cả rồi mà chưa thấy nàng về. Mặc dù nàng đã đượm vẻ phong trần nhưng tôi vẫn thích ngắm nàng và dệt nên bao điều mộng tưởng. Biết đâu nàng lại chiếu cố đến tôi thì sao. Tôi xấu mã nhưng vẫn là một chàng trai kia mà.
Rồi nàng cũng về vào một ngày cuối năm lạnh lẽo, rét dưới mười độ. Xe tắc xi đi vào tận sân. Có vệ sĩ đưa nàng vào nhà. Tôi nhìn và thầm khen nàng giỏi giang, chắc làm ăn to lắm mới có vệ sĩ riêng như thế. Nhưng mấy hôm rồi không thấy nàng ra cắt tỉa hàng rào râm bụt. Tôi đánh bạo gọi:
- Hồng Nhung về đấy à. Râm bụt đòi tỉa đấy.
Thím Nhu bước lại gần, vẻ mặt buồn như tranh Môna Lida bảo:
- Anh Tắng đấy à. Em còn mệt chưa làm được.
Tôi thờ thẫn quay vào nhà, buồn tan tác vì chưa được ngắm nàng, dù nàng đang ở rất gần. Tôi ước ao cả hai được sống lùi lại mười mấy năm, để chúng tôi lại chơi trò vợ chồng, lấy hoa râm bụt làm lễ vái cụ là mấy gốc râm bụt già. Rồi nàng hái hoa thật nhiều để tôi tết thành vòng đội lên đầu làm cô dâu mới. Hồi ấy nàng ngoan ngoãn nghe lời tôi lắm. Chẳng là tôi luôn bênh vực không cho đứa nào bắt nạt nàng mà.
Tôi luôn để mắt ngóng chờ nàng. Nhưng chỉ thấy người làng vào nhà thím Nhu chơi chứ không thấy nàng ra ngoài bao giờ. Mẹ tôi cũng sang chơi liền ngày liền đêm bên đó. Không nhịn được nữa tôi hỏi:
- Nhà thím Nhu sắp làm nhà hay sao mà đông người đến chơi thế?
- Ai bảo thím làm nhà?
- Thì con nghe Hồng Nhung bảo làm nhà sáu tầng từ lần về trước đấy thôi.
- Tiền kiếm được lại đắp cho em nó cả rồi, nhưng chắc gì đã cứu được. Em nó chỉ còn da bọc xương, mấy hôm nay chỉ uống nước thôi.
- Hồng Nhung bị bệnh gì lạ vậy hả mẹ?
- Bệnh nguy kịch chứ còn bệnh gì nữa.
Chọn thời điểm vắng khách, tôi sang thăm nàng. Trong tay tôi chỉ có chuỗi vòng hoa râm bụt đỏ rực rỡ. Tôi muốn ngày nào cũng được trao cho nàng vòng hoa cô dâu này. Thím Nhu nói khẽ:
- Nhung ơi, anh Tắng sang thăm này.
Nàng mỏng dính dán vào giường, mắt nhắm nghiền, nghe vậy thì mở mắt đòi mẹ nâng dậy. Nàng muốn giữ thể diện với tôi đấy mà. Tôi không biết nói gì, chỉ lẳng lặng đặt vòng hoa lên đầu nàng. Nàng he hé cười, mặt tươi tỉnh hẳn lên. Tiếng nàng mảnh như gió thoảng:
- Anh tốt quá. Đáng lẽ em nên nhận vòng hoa này khi em mười tám tuổi thì cuộc đời sẽ tươi sáng biết bao.
- Kể cả bây giờ Nhung nhận vẫn chưa muộn mà.
- Còn ích gì nữa đâu. Em đã phụ anh rồi.
Từ hôm đó ngày nào tôi cũng tặng em một chuỗi hoa. Đến chuỗi hoa thứ tư thì nàng không thể nhận được nữa. Tôi bứt từng cánh hoa đỏ như máu rắc xuống đất, lòng trôi theo câu hát: “Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/Ta chưa đi hết những ngày đắm say”.
Trong đám tang, tôi được nghe người ta xì xầm nàng bị căn bệnh kì lạ. Khắp người nàng đầy những nốt lở loét kinh tởm. (Sao tôi không thấy kinh tởm mỗi khi đến tặng hoa nhỉ). Hồng nhan bạc phận thế đấy. (Tại sao lại thế nhỉ). Nàng như nàng tiên đến làm đẹp cho làng tôi thoáng chốc rồi lại bay ngay về nơi ở vĩnh hằng. (Điều này thì tôi tin). Tôi kêu lên trong tiềm thức: Hồng Nhung ơi, giá em đừng là đóa hồng nhung rực rỡ ai thấy cũng muốn hái, mà cứ là bông râm bụt lấp ló bờ rào thì tốt đẹp biết bao!