Yêu nhau chẳng quản chiếu giường
Đống rơm đủ ấm đủ thương đủ tình
Tôi là con bé hư. Rất hư. Điều này tôi mới biết gần đây qua hàng ngàn hàng vạn cái lỗ phóng thanh người lặp đi lặp lại nhiều lần đủ để tôi nhận ra mình là con bé hư, hư đến mức thời nay người ta phải dùng cái từ “hơi bị hư đấy” dành cho tôi. Tôi bị cấm vận chặt chẽ. Người lớn không cho tôi bén mảng gần hàng rào. Trẻ con không thèm chơi cùng. Đã mấy lần bàn chân tự dẫn tôi vào sân nhà trẻ chỉ định để chơi bập bênh và chơi cầu trượt, bác bảo vệ dù đang làm việc gì cũng chạy đến xoắn tai tôi quát: “Con bé hư đốn này vào đây làm gì? Định ăn cắp hả? Mắt gian như cú ấy. Khôn hồn thì bước, bước, bước!” Tai tôi nóng rát như phải bỏng giục bàn chân chạy mau khỏi chốn toàn bé ngoan này. Lại có hôm tôi mon men đến lớp 1B của mình. Những đứa bạn cảnh giác bảo nhau: “Con bé Lương hư đốn đến lớp đấy, chúng mày đi đâu nhớ khoác cặp theo kẻo nó thó hết sách vở bút viết đấy”. Không đứa nào chịu cho tôi ngồi cùng bàn. Cô giáo đến hỏi: “Em lại đi học à? Thế có bảo bố mẹ đóng tiền học không? Định để cô nhịn đói à? Thế sách vở đâu? Về nhà lấy sách vở đi.” Tôi bị cô “đuổi khéo” ra khỏi lớp như thế. Nhà tôi làm gì có tiền đóng học. Cũng chẳng có đủ sách vở. Ra khỏi lớp thì tôi sẽ chẳng bao giờ đủ tiêu chuẩn vào lại nữa. Tôi toan đánh bài lì, thì bọn bạn đồng thanh ê ê. Âm thanh ấy chọc vào tim tôi đau nhói, đẩy bạt tôi ra khỏi trường. Tôi về bên gốc sung khóc tức tưởi. Qua làn nước mắt tôi như nhìn thấy chị Hiền từ gốc sung bước ra và bảo: “Chị chơi với em, nín đi”. Chúng tôi chơi trốn tìm, thế là chị nấp vào gốc sung và biến mất. Tôi tha thẩn trẩy sung non ăn. Dòng nhựa sung trắng đục ứa ra. Tôi mút thứ sữa cây, đến khi cảm thấy tắc cổ mới thôi. Có lúc tôi tưởng cây sung chính là người mẹ lớn che chở tôi trụ lại ở đời này. Tôi cũng như cây, mọc ở đất tốt thì lớn phổng lên, mọc ở đất cằn thì cũng cứ cỗi cằn mà sống, mà lớn lên, dù chỉ lớn ít một.
Tôi là con bé hư. Tôi cứ thẩn thơ ngẫm nghĩ về cái sự hư đốn của mình dưới tán lá sung um tùm không một sợi nắng lọt tới. Có khi tôi hư từ trong bụng mẹ. Cái hình hài đang hình thành ra tôi lúc ấy đã chứa sẵn cái hư rồi. Nếu như lão bố đắp vụng thiếu vài chi tiết nào đó của cơ thể tôi, có thể tôi không bị loài người khinh rẻ như bây giờ, đổi lại sẽ là sự cảm thông thương hại. Trong ước mong thiêu thiếu ấy, tôi chọn mong thiếu cái khôn ngoan, biết toan tính là tốt nhất. Như con bé ái Thừa kia, nhà nó giàu nhất làng vì bố nó biết cách cướp cạn của giời về làm của nhà, từ lúc đẻ ra đến giờ đã mười mấy năm vẫn cứ nằm ngửa trên giường, suốt ngày toe toét cười. Có lẽ sau này nó sẽ thành tiên. Mẹ kể chuyện ông Gióng chỉ nằm một chỗ có ba năm đã tài giỏi thế, đủ trở thành thánh, đằng này con bé ái Thừa nằm một chỗ lâu gấp mấy lần, sau này có khi nó đủ tài cứu rỗi cả thế giới ấy chứ. Còn bây giờ nó khác gì vị Di Lặc Bồ Tát. Tôi nghĩ chán ra rồi, tốt nhất là thiếu cái làm ra ý nghĩ để chí ít tôi đủ khả năng cứu rỗi cả nhà tôi. Thế mà khốn nạn, lão bố lại cứ lấy cắp mọi thứ của thiên hạ đắp điếm cho tôi đủ thành một hình người như bình thường chứ lị. Nên tôi thành con bé hư. Vừa đẻ ra tôi đã nghe lão bố thét lên bất bình:
- Lại vịt giời, vịt giời, vịt giời. Vứt mẹ nó xuống hố phân cơ. Tao không thèm đón mẹ con mày về nhà đâu mà chờ nhé.
Tôi khóc toáng lên ngằn ngặt vì tủi thân, và coi đó là sự phản kháng mạnh mẽ nhất mà tôi có thể làm lúc ấy. Và như thế thì tôi hư quá vì đã dám phản kháng lại lão bố. Chả biết “lão bố” có cảm nhận được điều đó không mà chẳng thèm đoái hoài đến mẹ con tôi thật. Không có tiền thanh toán viện phí, trạm y tế không cho chúng tôi về. “Ai cũng như nhà chị thì chúng tôi treo niêu à? Hình như đẻ đứa trước mới thanh toán một nửa thôi đấy. Đã thế còn mắn như gà ấy”. “Thôi cho em ký nợ, bao giờ khỏe, em đi làm rồi thanh toán một thể vậy”. “Lần sau lên quận mà đẻ nhé”.
Sang ngày thứ ba mẹ bế tôi từ trạm y tế về nhà. Bước đi run run chực ngã. Thỉnh thoảng mẹ lại rít lên thở vì cơn suyễn thừa cơ tấn công. Tôi biết thân biết phận nằm im trong cái áo cũ bọc kín. Tôi hư quá rồi, vì tôi mà mẹ phải ra nắng ra gió non, sau này còn khổ vì sự non gió non nắng này. Đêm đầu tiên ở nhà mình, tôi được ngửi thấy mùi rượu từ cái chai bố phả ra kinh sợ. Lại phải khóc để phản kháng thôi. Lão bố ngái ngủ mắng mẹ:
- Mẹ mày chứ, bảo nó im mồm để bố mày ngủ.
Mẹ nhét vú vào mồm tôi. Tôi vừa thổn thức vừa tóp má rút máu thịt mẹ. Mẹ bật ho rũ rượi. Lần này lão bố vùng dậy, vớ lấy cái liềm chấu, một tay túm tóc mẹ kéo giật ngửa mặt ra, một tay kề liềm vào cổ mẹ, gằn giọng:
- Mẹ mày chứ, tao tưởng rước mày về lấy chút vốn liếng làm ăn, hóa ra vốn thì không, chợ búa thì kém, đã ăn hại lại đẻ toàn vịt giời, bố thì cắt tiết, cắt tiết, nghe chưa?
Mẹ nén ho van vỉ:
- Em xin anh, chờ con lớn rồi em lại đẻ nữa mà.
Chẳng lẽ một mình mẹ đẻ ra được tôi chắc mà lão bố tha hồ trút giận lên người mẹ thế nhỉ. Lúc ấy tôi không biết sợ là gì, liền buông vú mẹ ra để ngoác mồm khóc ré lên. Lão bố một tay túm cả tã lót nhấc tôi lên đe:
- Bênh mẹ mày hả, tao quật độc phát chết tươi này.
Mẹ nhào đến ôm tôi rên rỉ:
- Xin anh, xin anh, nó còn đỏ hỏn đã biết gì đâu.
Chị Hiền lúc ấy lên hai tuổi sợ quá khóc thét lên gọi mẹ. Lão bố điên tiết túm gáy chị ra gốc sung ném tùm xuống ao. Chị là thợ lặn tồi, tay chân quờ quạng giãy đạp một hồi rồi chìm nghỉm xuống bùn. Trong lúc nguy cấp mẹ lại ngất xỉu. Tôi chê nước ao bẩn nên cũng im re. Lão bố ngất ngưởng ra quán đầu làng uống rượu. Chả biết uống hết mấy chai, chỉ biết khi về lão bố đi lảo đảo chực ngã, mặt tím đen như cục cứt trâu, lè nhè:
- Đĩ Thu đâu, mày vớt con Hiền lên chưa hả? Hay mày là con quỷ cái để mặc con chết đuối đấy?
Mẹ nghe vậy thì gào lên thảm thiết:
- ối giời ơi, mày dìm chết con tao rồi à?
Lão bố vớ cái điếu cày nện mẹ một chặp, nước điếu hôi xì dội ướt cả hai mẹ con tôi. Lão bố cứ lẳng lặng đánh đến lúc mẹ ngất đi mới thôi. Rồi lão bố xuống ao mò tìm chị. Lúc này chị chơi trò trốn tìm. Lúc chị quẩn vào chân. Lúc chị lại lảng ra xa. Ao bèo cái chỉ rộng độ nửa sào nước nông choèn, bùn ngầu lên mà lão bố chưa tóm được chị. Mò đến lúc tỉnh rượu chị mới chịu cho lão bố “bắt được”. Mẹ lại ngất đi. Lão bố phá ban thờ đóng thành cái hòm xộc xệch, đặt chị nằm vào rồi một mình vác đi chôn. Mẹ ôm tôi chặt hơn, chỉ sợ lão bố lại đem tôi cúng cho hà bá. Lão bố dỗ khéo mẹ:
- ở Trung Quốc người ta bóp chết con gái từ lúc vừa đẻ ra cơ. Mình mà nghe tôi đẻ ở nhà thì đâu đến nỗi con Hiền phải chết. Bao giờ mình khô lò ta lại đẻ tiếp mà, cũng đỡ bị phạt. Đẻ đứa thứ ba bị uỷ ban phạt mấy tạ thóc đấy.
- Đẻ với đái gì nữa. Cái giống nhà anh mặt sứa gan lim, ra tù vào tội, đẻ con trai để loạn xã hội à.
- Gớm, hơi tý thì bù lu bù loa lên. Cái giống nhà này hư hỏng coi như vứt đi rồi, thế mới cần đẻ đứa con ngoan ngoãn tài đảm để rửa nhục cha ông nó chứ.
- Giỏ nhà ai quai nhà nấy, nó rửa được nhục hay lại làm dầy thêm cái nhục.
Lão bố lật mặt chế áp mẹ ngay:
- Có muốn ăn điếu nữa không thì bảo? Cứ cái kiểu được đằng chân lân đằng đầu có ngày ra ngủ Bàn Chim với con Hiền, nghe chưa?
Cứ theo lời mẹ, nhà tôi là giống “mặt sứa gan lim, ra tù vào tội” thì tôi làm sao có thể là con bé ngoan ngoãn tử tế được. Đâu đó sâu thẳm trong từng tế bào tôi đã đầy chất “mặt sứa gan lim” sẵn rồi. Nhưng tôi đâu có được chọn cha chọn mẹ, chọn giống chọn dòng.
Lão Phô - ông nội tôi, từng tham gia du kích. Có lần du kích bắt được tên phó xếp bốt Hồ. Bốt Hồ đang là cái ung nhọt tội ác của cả vùng. Để trả thù cho đồng chí đồng bào bị lính bốt Hồ càn quét sát hại, du kích quyết định xử tử tên phó xếp bốt ấy. Lão Phô xung phong đi chấp án. Hẳn lão có lòng yêu đồng bào, căm thù giặc sâu sắc. Lão dẫn tên tử tội ra Đường Sứ, đào một cái hố sâu, rồi đẩy hắn xuống, lấp đất chôn sống. Hắn sợ vãi cứt ra quần thối khẳn mà vẫn luôn mồm xin ông rủ lòng thương tha mạng, vì hắn là con một, chưa kịp lấy vợ, tuy là phó xếp bốt nhưng chưa từng gây tội ác. Hắn hứa sẽ làm tay trong giúp đỡ kháng chiến. Lão Phô bảo hắn: “Mày chết đến cổ mới chịu hứa hão, thả mày ra để mày dắt lính tìm tao trả thù đầu tiên chứ gì. Thôi, yên tâm mà sang Tây Trúc, có oán thì oán chiến tranh ấy”. Lão Phô xỉa cho hắn mấy nhát mai nát bét mặt, rồi đắp đất phủ lên thành cái mả. Chuyện này đáng lẽ chỉ có trời biết đất biết, đằng này lão Phô lại lấy đó làm hãnh diện vì đã lập công lớn, đi đâu cũng khoe bô bô việc kiên quyết xử trí quân địch nên mấy đời sau người ta còn nhắc chuyện. Ai cũng lè lưỡi: “Cái lão Phô đúng là con người gang thép”.
Con người gang thép sản ra thần kinh gang thép rồi di truyền cho con cháu những thứ gang thép ấy. Bác cả mới mười sáu tuổi rưỡi đã ra Cầu Đỏ trấn xe cưỡng hiếp con gái đi đường. Sau bữa thịt người ấy, bác ăn cơm tù mọt gông. Bác hai có cái thú trộm vợ người ta. Đàn bà có chút đầu mày cuối mắt trước sau gì bác cũng chim được. Chiến công chim bác Lãng gái hàng xóm là nổi tiếng nhất. Nhân lúc bác Lãng trai đi cày, bác hai thả lời:
Hôm nay nó đã đi cày
Tôi sang một cái ban ngày được chăng?
Bác Lãng gái đáp:
Yêu nhau chẳng quản chiếu giường
Đống rơm đủ ấm đủ thương đủ tình
Thế là hai người ra đống rơm hú hí. Không may bác Lãng trai bị vỡ bắp cày phải về thay bắt sống trai trên gái dưới. Bác hai đi trại Kế nửa năm cho chừa cái thói chim chuột.
Bác ba đi làm cửu vạn ở Lạng Sơn chán, mang về quê món tá lả. Làng tôi Hán học uyên thâm, đến trẻ em cũng biết các mặt chữ “vạn sách văn”, nay có môn chơi của người Hán đưa về, người ta khoái khẩu ngay. Bác ba lại đưa thêm món ghi số đề. Đầu tiên bác chỉ là chân thư ký còi, vài tháng sau đã trở thành tổng thư ký, thổi bùng lên cơn bão số đề. Công an tỉnh về giả làm người máu mê, bắt quả tang bác đang thu cáp, thế là bác được đi trại Kế nghỉ mát ba năm.
Lão bố là con út. Được cả nhà chiều chuộng nên lúc nào cũng phổng phao bóng mượt. Lão bố là cánh tay của bác ba trong vai trò cò gỗ. Có người chân tình góp ý: “Thanh niên trai tráng không chịu làm ăn, chỉ lo chơi bời bài bạc thì chó nó lấy à”. Lão bố đáp nhơn nhơn: “Cụ khốt cả đời đóng gạch xệ cả dái, gạch cụ đóng ra xếp kiêu dài vài cây số mà có xây nổi nhà đâu. Thằng này đành phải làm cái bài dỡ nhà người về làm chuồng xí nhà mình vậy”. Rồi lão bố phải đi nghĩa vụ quân sự. Quen thói ăn ngon chơi dài, lại không có hậu phương tiếp tế, lão bố giở chiêu đạo chích, bị anh em tặng cho bữa đòn hội chợ và đơn vị tước quân tịch. Thoát án cải tạo của quân đội, nhưng chắc là duyên trời định, về quê ít lâu lão bố lại được đi trại Kế nửa năm vì tổng hợp rất nhiều thứ tội. Mãn hạn, lão bố về làng tuyên bố xanh rờn: “Thằng Bô này đã được vương pháp giáo dục đến nơi đến chốn, từ nay sẽ thành con người mới xã hội chủ nghĩa, chí thú làm ăn, mong có được vợ đẹp con khôn, gia đình yên ấm”. Lão bố theo phó cả Nguyễn Tiến Tùng hành nghề gia truyền bắt đất nước vào khuôn khổ. Đấy là cái đoạn thực sự nên người để lão bố chài được mẹ.
Ơ hay, sao tôi lại hư quá thế nhỉ. Cứ không khảo mà xưng, cứ vạch áo cho người xem lưng thế nhỉ. Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại chứ. Nhưng tôi không nói ra thì không chịu được. Dòng giống gang thép bị nhiễm từ mất rồi. Thôi đã trót thì phải trét, kể nốt đoạn mẹ đi lấy chồng vậy.
Mẹ là con gái làng Chằm, nổi tiếng đảm đang tháo vát, giỏi chợ búa nhất vùng. Con gái nứt mắt đã biết làm lãi tích vốn riêng. Tóc chấm đuôi gà đi lấy chồng chí ít cũng giắt vài chỉ làm lưng vốn. Đến tuổi luật định mới đi lấy chồng là hạng ế ẩm. Mẹ định đổi nếp nghĩ cả làng, không chịu làm bãi chỉ lo ăn học. Khốn nỗi thi trượt đại học ba lần. Đành ở nhà làm đồng chờ ngày lấy chồng. Từ ngày bỏ mộng cử nhân, mẹ mua mấy mét vải pô-pơ-lin trắng mải mê thêu thùa làm chiếc gối đôi “hạnh phúc”. Bao tâm tình mộng đẹp gửi vào gối ấy. Mẹ thầm ước: “Chồng ơi đừng đến sớm, để em kịp làm xong quà cưới đã nhé”. Một tháng, hai tháng cái gối định hình. Năm tháng, sáu tháng cái gối làm xong. Nhưng mẹ thấy không ưng nên cắt chỉ thêu làm lại. Làm lại lần một, lần hai, rồi lần ba. Không biết làm lại đến lần thứ mấy thì chiếc gối trở nên toàn bích, như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. ấy vậy mà mẹ vẫn cầm kéo định cắt chỉ làm lại, chỉ vì chữ “hạnh phúc” chưa đúng nghĩa. Tay cầm kéo mà ứa nước mắt. Mình thế này mà sao không có ai đến hỏi han gì cả nhỉ? Khuôn mặt thanh tú, cổ thon, ngực nở đầy đặn, thắt đáy lưng ong hẳn hoi. Bạn bè cùng lứa đã có con biết làm lãi cả rồi. Thế là mẹ âm thầm tự đóng đinh lời thề trong lòng: Có ai đến hỏi, dù đui què mẻ sứt thế nào cũng sẽ nhận lời lấy ngay người đó, khổ mấy cũng cam chịu. Chính cái ngày mẹ cầm kéo định cắt chỉ thêu lại cái gối đôi cho toàn bích hơn thì lão bố lù lù dẫn xác đến. Ôi chao, một chàng trai cao to, trắng trẻo, điển trai khiến mẹ bối rối và e lệ hỏi:
- Anh hỏi ai ạ?
- Tôi hỏi cô Thu xóm Cây Bàng.
- Là em đây ạ. Mời anh vào nhà uống nước. Thế anh muốn mua gì hay có gì bán ạ?
Đỡ cốc nước từ tay mẹ, lão bố đi thẳng vào vấn đề luôn:
- Tôi có mua có bán. Mua là mua người. Bán là bán tình yêu. Thấy có người mách cô đang có nhu cầu đó. Tôi tuổi Mão, cô tuổi Sửu, đúng là đẹp đôi “gái hơn hai, trai hơn một”, cô có bằng lòng thì lấy quách nhau đi.
Mẹ liếc mắt ngắm trộm mẽ lão bố thì nở từng khúc ruột, nhưng chuyện trăm năm khó nói, má đổ bồ quân e thẹn:
- Việc này, việc này... em đâu quyết định được, phải chờ mẹ em đã.
Cũng nói thêm là ông ngoại tôi mất sớm, một tay bà ngoại phải nuôi năm con, lại lo cho con gái rượu ăn học ôm mộng cử nhân nên cảnh nhà neo bấn lắm, đến mái nhà vẫn chưa thoát khỏi cảnh tranh giạ. Lão bố ngửa lên mái nhà sửng sốt khen:
- Khung nhà toàn tre thế này cực hiếm, nếu có mối bán cho bảo tàng dân tộc học thì thừa sức đổi được nhà ba tầng đấy. Bây giờ vãi không có nhà, có nói mãi với cô cũng chả ăn thua gì, tôi về, chiều quay lại vậy. Nhớ dặn vãi ở nhà, tôi đưa chú bác đến nói chuyện đấy.
Lão bố xuất hiện như trời đưa đến. Mẹ vào giường úp mặt lên gối khóc rưng rức vì quá sung sướng. Những giọt nước mắt trinh nữ như những hạt ngọc thấm từng giọt vào gối. Những hạt ngọc ấy cứ long lanh lóng lánh mãi về sau như báo trước số mệnh lao đao của mẹ. Nhưng lúc này thì mẹ chỉ biết thổn thức, đầy cảm giác rạo rực khác lạ. Ôi chao, chàng đẹp trai quá, nam tính quá, bạo liệt quá, em lấy được chàng khác vào vớ được vàng mười, em thề sẽ hết lòng vì chàng, suốt đời vì chàng.
Mấy hôm sau thì cưới. Đêm tân hôn lão bố nói:
- Tôi lấy cô là lấy đĩ về làm vợ, chỉ yêu cầu cô đừng tơ tưởng đến người cũ thôi.
Nàng sửng sốt:
- Anh, anh nói gì lạ vậy. Em chưa từng yêu ai, anh là người đầu tiên, sao lại có “người cũ” nào cơ chứ?
- Gái làng Chằm mười lăm đã lấy chồng, còn cô đã gần băm tin làm sao được. Nhưng nếu quả thật cô vẫn còn trinh thì tôi sẽ rước cô để thờ suốt đời.
Mẹ đúng là còn trinh thật. Nhưng lão bố thờ bằng cách nào đây. Ngôi nhà ngói bốn gian lão Phô để lại đã bị lão bố dỡ ba gian bán đi ăn tiêu. Bây giờ chỉ còn gian buồng trơ trọi để ở. Đấy là do lão bố đã có vợ, tức là đã “mãn hạn” làm người ngay ngắn, được phép sử dụng các ngón rượu chè, cờ bạc mà không cần lao động cực nhọc nữa. Không làm tất thiếu ăn. Đường cùng lão bố “đôi khi” phải nhặt nhạnh của nả của hàng xóm để sinh tồn. Mẹ mở mồm khuyên can là bị ăn đòn liền. Lão bố còn nhiếc:
- Mày chê đồ trộm cắp không ăn thì cứ nhịn đi.
Lão bố ăn quỵt tập thể vụ nọ chồng vụ kia nên bị rút ruộng. Mẹ theo chị em làng tập tọe đi chợ, nhưng buôn gì cũng bị cụt vốn. Cuối cùng cả nhà vẫn phải sống dựa vào những thứ lão bố đi ăn trộm được. Có khi nhịn đói cả ngày. Có khi thịt gà thịt lợn ngập răng. Tôi trở thành trợ thủ đắc lực. Khi thì đi trinh sát địa hình. Khi thì làm nhiệm vụ canh chừng cho lão bố hoạt động. Có khi nhận chuyển đồ cứu nguy cho lão bố. Miếng ăn rèn cho tôi tinh nhanh như cú như cắt. Khinh tôi ư, ghét tôi ư? Tôi thây kệ. Chẳng lẽ cứ bắt tôi bú sữa sung chát để sống à. Tôi đói, tôi thèm, tôi không nhịn được. Hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn cái lỗ phóng thanh bảo tôi là con bé hư. Người ta bắt đầu đuổi tôi như đuổi tà. Nhưng tôi cứ đi trên con đường đời bằng bước chân riêng của mình. Lão bố muốn mẹ tôi sinh ra một xê ri con thánh thiện hòng gỡ gạc cho mấy đời mặt sứa gan lim. Chị tôi tên Hiền, và đã thành người hiền mãi mãi ở cái tuổi lẫm chẫm bước đi. Còn tôi tên Lương. Tôi sẽ trở thành người lương nếu như người ta không để lão bố nắm dạ dày tôi, biến tôi thành con bé dám vật lộn để sống. Mẹ tôi thì trở thành kẻ đồng lõa vì buộc phải ăn những thứ lão bố mang về để tồn tại. Mẹ vẫn cố níu kéo tôi về hướng người lương. Có lần mẹ hỏi:
- Con có thích đi học không?
- Thích lắm, nhưng mẹ phải đóng tiền thì cô mới dạy.
Lão bố hằm hằm:
- Học với hành gì. Mày có nhai chữ mà sống được không? Mẹ mày học đến lớp mười lăm rồi mà sao không sàng nổi mấy chữ để ăn cho đỡ đói. Tốt nhất là theo tao “thế thiên hành đạo”, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Chẳng may có phải đi tù thì càng không lo chết đói. Tù cũng có chế độ tiêu chuẩn hẳn hoi đấy.
Mẹ nhìn tôi ứa nước mắt. Lão bố chúa ghét thứ nước ấy liền vung điếu lên. Tôi vùng chạy ra gốc sung gọi chị Hiền về cứu mẹ. Tiếng tôi vọng vào tán lá sung âm u, dội trở lại lương tâm bị che đậy kỹ của lão bố. Lão bố chợt dừng tay giữa chừng. Tuy cái điếu không phang vào người nhưng nước điếu lại xối ướt tóc mẹ. Mẹ là cái cây chắn bão ác thổi từ nơi lão bố. Cái cây ấy ngày một tàn tạ đối nghịch với cái cây tôi mỗi ngày một lớn. Tôi biết, mẹ có thể ra đi khỏi gian buồng chơ vơ này, nhưng mẹ vẫn cứ kiên gan ở lại vì không muốn tôi phải một mình cô đơn trên sa mạc. Phải. Bởi vì cả nhà tôi, dù sao cũng là ba người, sẽ đỡ cô đơn hơn trên sa mạc người này.