Cách tiếp cận của Liệt Tử là cách tiếp cận của một nghệ sĩ – một nhà thơ, một người kể chuyện – và ông là một người kể chuyện bậc thầy. Kinh nghiệm của ông đã kết tinh thành những câu chuyện ngụ ngôn, đó dường như là cách dễ nhất để gợi ý điều không thể được nói. Ngụ ngôn là một phương tiện vĩ đại, nó không chỉ là một câu chuyện thông thường. Mục đích của nó không phải để giải trí, mục đích của nó là nói điều gì đó mà không có cách nào để nói.
Cuộc sống không thể được đặt trong lí thuyết: Nó quá bao la, vô tận. Lí thuyết về bản chất là đóng. Lí thuyết phải đóng; lí thuyết không thể mở, nếu không, nó sẽ vô nghĩa. Ngụ ngôn có kết mở: Nó nói điều gì đó nhưng vẫn để lại nhiều điều chưa nói – nó chỉ nói bóng gió. Điều không thể được nói có thể được biểu hiện. Ngụ ngôn là ngón tay chỉ trăng. Đừng níu bám vào ngón tay – nó không liên quan đâu – hãy nhìn vào mặt trăng ấy. Bản thân ngụ ngôn rất đẹp đẽ, nhưng mục đích của chúng không phải là để bạn níu bám vào chúng – chúng đi xa hơn; chúng siêu việt. Nếu mổ xẻ ngụ ngôn bạn sẽ không hiểu được nhiều đâu.
Nó giống như cái rốn trong cơ thể – nếu bạn hỏi nhà giải phẫu mục đích của cái rốn là gì và ông ta mổ xẻ cơ thể, ông ta sẽ không tìm thấy mục đích nào cả. Cái rốn dường như vô dụng.
Mục đích của cái rốn là gì? Nó có mục đích khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ, mục đích của nó là kết nối đứa trẻ với người mẹ. Nhưng giờ đây đứa trẻ không còn trong bụng mẹ nữa – người mẹ có khi đã qua đời, đứa trẻ thì già đi – giờ đây mục đích của cái rốn là gì? Cái rốn có một mục đích siêu việt, mục đích không nằm trong bản thân nó. Bạn sẽ phải nhìn khắp mọi nơi mới thấy điều nó ngụ ý. Nó ngụ ý người này từng là một đứa trẻ, đứa trẻ ấy từng ở trong tử cung của một người mẹ, đứa trẻ ấy từng được kết nối với người mẹ. Cái rốn chỉ là một dấu hiệu mà quá khứ để lại trên thân thể.
Giống như cái rốn biểu hiện điều gì đó về quá khứ, ngụ ngôn biểu hiện điều gì đó về tương lai. Nó cho thấy có tồn tại khả năng để trưởng thành, để kết nối với hiện hữu. Ngay bây giờ đó chỉ là một khả năng, nó không có thật. Nếu bạn chỉ mổ xẻ ngụ ngôn, nó sẽ trở thành một câu chuyện bình thường. Nếu bạn không mổ xẻ nó mà uống dòng ý nghĩa của nó, dòng thi ca của nó, dòng âm nhạc của nó – quên câu chuyện đi và chỉ tìm kiếm ý nghĩa của nó – bạn sẽ sớm nhận ra nó ngụ ý tương lai, ngụ ý điều gì đó có thể xảy đến nhưng vẫn chưa xảy đến. Nó siêu việt.
Cho nên điều đầu tiên cần phải hiểu về Liệt Tử là ông không phải một nhà lí thuyết. Ông sẽ không cho bạn lí thuyết nào cả, ông chỉ cho bạn những ngụ ngôn.
Có thể mổ xẻ lí thuyết – ý nghĩa của nó nằm bên trong, nó không có sự siêu việt, ý nghĩa của nó là nội tại. Không thể mổ xẻ ngụ ngôn – mổ xẻ nó thì nó sẽ chết. Ý nghĩa của nó là siêu việt. Bạn phải sống theo ngụ ngôn, thế rồi bạn sẽ đi tới ý nghĩa của nó. Nó phải trở thành trái tim của bạn, hơi thở của bạn; nó phải trở thành nhịp điệu bên trong của bạn.
Để hiểu một người như Liệt Tử, bạn sẽ phải sống một cuộc sống đích thực. Chỉ khi đó, thông qua trải nghiệm của chính mình, bạn mới có thể cảm nhận được điều ông ngụ ý bằng các ngụ ngôn. Nó không phải là thứ bạn có thể học lí thuyết và trở nên am hiểu, thông tin sẽ không giúp được gì. Trừ khi bạn biết, còn không gì giúp được. Nếu những ngụ ngôn này tạo ra trong bạn một cơn khát được biết, một ước ao to lớn được biết, một thèm muốn mạnh mẽ được biết; nếu những ngụ ngôn này dẫn bạn đến một hành trình vô định, đến một cuộc hành hương – thì chỉ khi ấy, bằng cách bước lên con đường, bạn mới trở nên biết về con đường.
Các học giả phương Tây đã lúng túng về Liệt Tử – về việc liệu ông ấy có từng tồn tại hay không. Có những tham luận lớn về ông, họ làm việc miệt mài trong nhiều năm để tìm hiểu xem con người này có thực sự tồn tại hay không. Đối với tâm trí phương Đông, toàn bộ tinh thần học giả này thật ngớ ngẩn bởi vì việc ông ấy có tồn tại hay không chẳng quan trọng. Nếu bạn hỏi tôi liệu ông ấy có tồn tại hay không, tôi cũng nói y như thế. Dù ai đã viết ra những câu chuyện đẹp đẽ này, dù ai là Liệt Tử – dù người đó là ai thì vẫn có một điều chắc chắn: Có người đã viết ra chúng. Điều đó là rõ ràng vì những câu chuyện này đã tồn tại.
Bây giờ, dù những câu chuyện này thực sự do một người tên là Liệt Tử viết ra hay do người có tên khác viết ra thì cũng có gì khác nhau không? Nó sẽ chẳng thêm gì vào những câu chuyện ấy, chúng vốn đã hoàn hảo rồi. Nó sẽ không lấy gì khỏi những câu chuyện, chẳng có gì có thể bị lấy đi. Liệt Tử có thật trong lịch sử hay không thì có ảnh hưởng gì tới những câu chuyện? Những câu chuyện thật đẹp đẽ, chúng có giá trị ở bên trong. Một điều chắc chắn là, ai đó đã viết ra chúng – sao phải bận tâm đến tên tác giả, cho dù là Liệt Tử hay là gì đó khác?
Có thể nhiều người đã viết chúng – thế thì cũng chẳng vấn đề gì. Người đã viết ra bất kì câu chuyện nào trong số này hẳn đã chạm vào ý thức của Đạo, nếu không thì đã không thể viết như vậy. Có thể một người hay nhiều người đã viết ra chúng, nhưng mỗi khi những câu chuyện này được viết ra thì tức là đã có ai đó thâm nhập vào ý thức của Đạo, có ai đó đã thấu hiểu bản chất cuộc sống, có ai đó đã có được linh ảnh.
Ở phương Tây, câu hỏi về tác giả luôn được cho là quan trọng. Người ta đã viết hết sách nọ đến sách kia để bàn xem liệu Shakespeare1 có từng tồn tại hay không – cứ như thể chuyện ấy sẽ tạo ra khác biệt nào đó! Những vở kịch Shakespeare viết ra thật đẹp đẽ – tại sao không nhìn vào những vở kịch, yêu thích và thưởng thức chúng? Dường như họ đã lạc lối khi hỏi Shakespeare có tồn tại hay không. Và vấn đề nảy sinh bởi vì người ta nghĩ rằng Shakespeare là một người không có học thức cho nên làm sao ông ấy viết được những thứ đẹp đẽ như vậy?
1 Nhà văn, nhà viết kịch vĩ đại người Anh.
Bạn đã bao giờ biết người nào rất có học thức mà lại viết ra được những thứ đẹp đẽ chưa? Một số người nghĩ rằng không phải Shakespeare mà Bacon1 mới là tác giả thực sự. Nhưng tôi không thể tin điều này bởi vì tôi đã đọc những cuốn sách khác của Bacon – chúng chẳng là gì so với Shakespeare. Bacon chỉ là người bình thường. Ông ta có thể là một người rất có học vấn, ông ta có thể là một học giả vĩ đại, nhưng những cuốn sách của ông ta chỉ là thứ rác rưởi bình thường. Chỉ bởi vì ông ta là Bacon và có một cái tên nổi tiếng thì ai sẽ bị đánh lừa đây? Bạn đã bao giờ nghe nói đến tên cuốn sách nào của Bacon chưa? Làm sao Bacon có thể viết những vở kịch của Shakespeare được? Dưới tên thật của mình, ông ta còn chẳng viết nổi một kiệt tác nào thì làm sao ông ta có thể làm được dưới một bút danh? Và nếu ông ta có thể viết những vở kịch đẹp đẽ như những vở kịch của Shakespeare dưới một bút danh thì ông ta đã làm gì khi viết dưới tên thật của mình? Có vẻ không hợp lý.
1 Triết gia, chính khách nổi tiếng người Anh.
Cho nên Shakespeare có phải là Shakespeare hay không cũng không thành vấn đề. Chắc chắn đã tồn tại ý thức nào đó cho ra đời những vở kịch đẹp đẽ này. Gọi ý thức đó là Shakespeare thì có gì sai?
Ở phương Đông, chúng ta chưa bao giờ bận tâm về những điều này. Chúng ta nói: “Ai viết chẳng được?” Nếu những cuốn sách đẹp đẽ, rất đẹp đẽ, có ý nghĩa lớn lao, và nếu chúng ta thưởng thức chúng trong hàng thế kỉ, chúng ta yêu thích chúng và suy ngẫm về chúng, thì nguồn gốc tác giả chẳng liên quan gì.
Liệt Tử có thực sự tồn tại hay không là không chắc chắn. Ông ấy dường như hoàn toàn không phải một nhân vật lịch sử bởi vì ông ấy không để lại dấu vết nào. Hoặc ông không phải một nhân vật lịch sử hoặc ông là một con ngựa vĩ đại. Tôi thích ý thứ hai hơn – ông là con ngựa tuyệt vời không bao giờ làm tung bụi và để lại dấu vết phía sau. Ông ẩn mình hoàn toàn. Chỉ một cuốn sách nhỏ tồn tại – Sách Liệt Tử – chứa đựng một số ngụ ngôn nhỏ.
Cuốn sách này chẳng kể gì về Liệt Tử. Nhưng sao chúng ta nên bận tâm? Liệt Tử biết đâu lại là một phụ nữ, ông ấy có khi không phải đàn ông. Ai mà biết được? Ông ấy có thể hoàn toàn không hiện hữu. Chẳng thành vấn đề gì. Những ngụ ngôn này mới là quan trọng. Chúng là những cánh cửa. Do đó, xin đừng đuổi theo những thứ không trọng yếu. Hãy nhìn vào linh hồn của cái trọng yếu. Đừng bận tâm đến cái thô, đi vào trong cái tinh đi.