Một trong những câu hỏi nền tảng nhất mà loài người vẫn luôn luôn phải đối diện, và mọi con người từng sinh ra sẽ luôn luôn chạm trán, là bản chất của tri thức. Biết thực sự là gì? Chỉ thông qua biết một người mới đạt tới sự giải thoát, chỉ thông qua biết một người mới biết chính mình, chỉ thông qua biết chân lí mới được bộc lộ.
Con người sinh ra trong vô minh. Bóng tối thật mênh mông. Một cách tự nhiên, câu hỏi đầu tiên của mọi sinh vật có trí tuệ là làm sao tìm ra ánh sáng. Ánh sáng là gì? Chúng ta được sinh ra trong bóng tối không biết mình là ai. Còn bóng tối nào to lớn hơn thế? Chúng ta thậm chí không nhận thức được mình là ai, mình từ đâu đến hay đang đi đâu. Chúng ta dò dẫm bằng cách nào đó, trôi dạt bằng cách nào đó. Chúng ta sống ngẫu nhiên. Chúng ta không có định mệnh. Chúng ta vô thức. Chúng ta chưa đạt tới ánh sáng của bản thể bên trong để có thể khai sáng con đường của mình. Trong bóng tối này, nếu thất bại xảy ra thì cũng là điều tự nhiên. Trong bóng tối này, nếu thất vọng xảy ra thì bạn có thể trông đợi gì hơn? Trong bóng tối này, nếu bạn chỉ chết và chưa bao giờ sống thì cũng có vẻ hợp lý.
Câu hỏi nền tảng là: Bản chất của tri thức là gì? Tri thức thật sự là gì? Chúng ta biết rất nhiều điều nhưng ngu ngốc vẫn hoàn ngu ngốc. Chúng ta biết nhiều điều nhưng lại thiếu cái nền tảng. Cứ như thể chúng ta có một tòa nhà lớn nhưng lại thiếu nền móng.
Loài người biết nhiều thứ – tri thức phình ra mỗi ngày – nhưng sâu bên dưới chúng ta vẫn ngu dốt như thường. Chúng ta hẳn đã hiểu nhầm bản chất của tri thức.
BẮN TRÚNG MỤC TIÊU
Liệt Tử đang học bắn cung và ông bắn trúng đích. Khi ông xin lời khuyên, Quan Âm đã hỏi ông: “Ông có biết tại sao ông bắn trúng mục tiêu không?”
“Không.”
“Thế thì chưa được đâu.”
Liệt Tử ra đi tập luyện và sau ba năm lại báo cáo cho Quan Âm.
“Ông có biết tại sao ông bắn trúng mục tiêu không?” “Tôi biết.”
“Được. Hãy giữ lấy nhận biết này và đừng để mất.”
Điều này không chỉ áp dụng cho bắn cung mà còn cho việc chế ngự chính mình. Cho nên hiền nhân không chiêm nghiệm sự sống sót hay tiêu tan mà chiêm nghiệm lí do của nó.
Trước khi chúng ta đi vào câu chuyện ngụ ngôn mang tính biểu tượng và rất quan trọng này, cần phải hiểu vài điều.
Đầu tiên, trừ khi bạn biết chính mình, còn không thì tất cả việc biết là vô dụng. Trừ khi bạn biết chính mình, còn không thì tất cả việc biết chỉ là biết giả tạo – bạn có vẻ biết nhưng bạn không thực sự biết; nó là sự lừa dối. Bạn biết khoa học, bạn biết mọi thứ, bạn biết thế giới – nhưng bạn không biết chính mình. Nếu chính người biết ở trong bóng tối sâu thẳm thì tất cả tri thức của anh ta là nông cạn. Nó thậm chí còn không thể có bề ngoài sâu sắc. Cào bề mặt của tri thức và bạn sẽ sớm thấy ngu ngốc lòi ra. Chỉ cào một chút và tri thức sẽ chẳng giúp được gì. Bạn sẽ thấy rằng mỗi người đều bình thường và ngu ngốc như những người khác.
Nếu bạn lăng mạ Albert Einstein, ông ta sẽ giận dữ như bất cứ ai khác. Nếu Albert Einstein thất bại, ông ta cảm thấy thất vọng như bất cứ ai khác. Nếu Bertrand Russell1 thành công, ông ta hạnh phúc như bất cứ ai khác. Không có khác biệt căn bản nào, bởi vì cốt lõi sâu nhất vẫn giống nhau. Tất nhiên, Bertrand Russell biết nhiều hơn bạn, nhưng chỉ là số lượng.
1 Triết gia, nhà logic học, nhà toán học vĩ đại người Anh.
Về chất lượng, ông ta không biết nhiều hơn bạn. Ông ta có nhiều thông tin hơn nhưng không biết hơn. Nhiều thông tin hơn không phải là biết hơn – và biết hơn không nhất thiết nghĩa là nhiều thông tin hơn.
Đức Phật có thể không biết nhiều như Bertrand Russell – nhưng Đức Phật là người biết còn Bertrand Russell thì không. Tri thức của Đức Phật không phải về vạn vật, tri thức của ông là về bản thể của chính mình. Tri thức của ông không phải sự tích lũy thông tin; tri thức của ông là sự bùng nổ, một sự bùng nổ ánh sáng ở bên trong. Đó là lí do chúng ta gọi nó là sự khai sáng.
Ông đã trở nên nhận biết hơn – đó là cái biết của ông. Ông không còn bước đi thiếu tỉnh giác và lơ đễnh. Nếu bạn đánh ông, ông sẽ không phản xạ theo cách một người vô thức phản xạ. Ông sẽ phản ứng chứ hoàn toàn không phản xạ. Và phản ứng của ông sẽ không vì bạn đã lăng mạ ông, phản ứng của ông xuất phát từ sự nhận biết của ông. Phản ứng của ông sẽ không máy móc – đó là lí do tôi nói nó sẽ không phải là một phản xạ.
Phản xạ là một thứ máy móc, ai đó nhấn vào nút của bạn và bạn phản xạ một cách máy móc. Bạn không kiểm soát cơ chế của mình. Nếu ai đó sỉ nhục bạn, bạn bị sỉ nhục. Người kia là ông chủ: Anh ta bấm nút và bạn rơi vào tầm kiểm soát của anh ta. Nếu ai đó đánh giá cao bạn, bạn lâng lâng hạnh phúc; nếu anh ta bấm một nút khác, bạn bị anh ta kiểm soát.
Bạn có thể tán dương hay lên án Đức Phật nhưng nó sẽ chẳng tạo ra khác biệt nào. Bạn có thể cố gắng bấm nút nhưng Đức Phật sẽ không phản xạ. Ông ấy không còn là một cỗ máy nữa.
Một lần nọ Đức Phật bị lăng mạ. Ông đang đi qua một ngôi làng, nhiều người tụ tập lại lăng mạ và lên án ông. Có thể nói sự tức giận của họ là chính đáng, bởi vì Đức Phật đã phá hủy nền tảng nền văn hóa mục ruỗng của họ. Ông phá hủy luật lệ mà Manu1 đã quy định cho người Hindu, phá hủy nền tảng của xã hội phân chia tầng lớp này – một xã hội chia thành các đẳng cấp, varna. Và ông phá hủy nền tảng sannyas2 cổ đại, bởi vì vào những ngày xa xưa, một sannyasin3 nghĩa là một người rất già. Sau 75 năm sống trên đời, bạn phải trở thành một sannyasin – khi cuộc đời đã bên kia triền dốc, bạn sẽ trở thành một sannyasin, từ bỏ mọi thứ và đi theo cuộc sống tâm linh. Nhưng Đức Phật lại đang khai tâm cho những người trẻ, thậm chí cả trẻ nhỏ.
1 Thủy tổ loài người theo Hindu giáo.
2 Sự từ bỏ và đi theo cuộc sống tâm linh.
3 Người thực hành sannyas.
Ông phá hủy hai nền tảng cơ bản của xã hội Hindu. Thứ nhất là ashrama, bốn giai đoạn của cuộc đời – sannyas là giai đoạn thứ tư, giai đoạn cuối cùng. Và thứ hai là hệ thống bốn đẳng cấp, varna. Trong hệ thống này, Brahmin là đẳng cấp cao nhất và Sudra là thấp nhất, ở giữa là Vaishya và Kshatriya. Đức Phật đã phá hủy hệ thống này bởi vì ông nói rằng, bất cứ ai biết đến thần sáng tạo Brahma đều là một người Brahmin – không phải do sinh ra, mà do việc nhận biết, việc tồn tại. Ông nói rằng mọi người sinh ra đều là một Sudra, một tiện dân, đẳng cấp thấp nhất – bao gồm cả người Brahmin. Khi chào đời, không ai cao hơn ai và không ai thấp hơn ai; khi chào đời, mọi người được sinh ra như một con vật. Thế rồi nếu bạn làm việc, trưởng thành, tìm kiếm, tinh luyện ý thức mình, từ từ, bạn di chuyển lên cao – từ Sudra, bạn trở thành một Vaishya.
Một Vaishya là một thương nhân. Anh ta ở cao hơn một chút, có thêm vài giá trị trong cuộc sống, đôi lúc nghĩ về âm nhạc, đôi lúc nghĩ về thi ca. Sudra là người chỉ nghĩ cho thân thể – anh ta ăn, ngủ, và đó là tất cả. Ăn, uống và vui vẻ – đó là toàn thể vòng đời anh ta. Nếu bạn chỉ đang làm như thế thì bạn là một Sudra, hạng thấp nhất của con người.
Mọi người được sinh ra theo cách đó. Bạn không thể trông đợi một đứa trẻ yêu thích âm nhạc, thi ca, triết học và tôn giáo. Khi đứa trẻ ra đời, nó theo chủ nghĩa khoái lạc, thích hưởng lạc. Nó ngủ từ 18 đến 20 giờ – bạn có thể trông đợi gì hơn? Mỗi khi cảm thấy đói, nó thức dậy và gào khóc – tìm thức ăn và sự nuôi dưỡng. Rồi nó lại ngủ. Nó ăn, uống và ngủ. Mọi đứa trẻ đều là một Sudra.
Khi bạn bắt đầu lớn lên, những chiều hướng mới mở ra trong bản thể của bạn. Bạn bắt đầu trở nên quan tâm đến những thứ không chỉ của thân thể. Một chút của tâm trí, một chút của tâm lí bước vào trong bản thể của bạn. Bạn không còn chỉ là vóc dáng bên ngoài nữa. Khi đó bạn là một Vaishya. Khi đó bạn di chuyển vào công việc lớn lao hơn của cuộc sống: Bạn là một thương nhân. Không phải một trạng thái quá cao, nhưng tốt hơn Sudra.
Rồi đến Kshatriya, chiến binh. Anh ta trở nên quan tâm thêm một chút đến những điều cao hơn. Anh ta bắt đầu tìm kiếm chân lí, cái đẹp, tình yêu. Mối bận tâm của anh ta cao hơn của thương nhân. Và anh ta sẵn sàng mạo hiểm mạng sống, sẵn sàng mất đi mạng sống vì những giá trị cao hơn này. Anh ta sẵn sàng đánh cược, anh ta can đảm. Sự can đảm đi vào anh ta. Thương nhân không can đảm; nếu mọi thứ ổn thỏa, anh ta có thể thưởng thức âm nhạc, thi ca, anh ta có thể ngồi ở nhà mình, cảm thấy tập trung và an toàn – anh ta cũng nghĩ về chân lí. Nhưng anh ta sẽ không đặt bản thân vào nhiều hiểm nguy, anh ta sẽ không nhận lấy rủi ro.
Khi bạn bắt đầu lớn lên, những chiều hướng mới mở ra trong bản thể của bạn.
Chiến binh, Kshatriya, chấp nhận rủi ro. Anh ta đặt cược tính mạng. Anh ta trở thành con bạc. Thương nhân không bao giờ là con bạc. Anh ta nghĩ đến lợi nhuận trước tiên và hành động vừa đủ. Anh ta nhận rủi ro, nhưng chỉ rủi ro có giới hạn, và anh ta luôn luôn lo lắng về lợi nhuận cũng như tổn thất. Chiến binh mạo hiểm tất cả. Anh ta đi sâu vào trong cuộc sống. Đó là trạng thái thứ ba.
Brahmin là trạng thái cao nhất, người đi sâu hơn vào trong sự huyền bí của cuộc sống, của thực tại, của hiện hữu. Và anh ta không bao giờ thỏa mãn trừ khi anh ta biết chân lí tối thượng là gì. Đó là ý nghĩa của Brahmin – người tiến tới mặt đối mặt với chân lí tối thượng, chân lí tuyệt đối.
Đức Phật nói rằng đây không phải là sự phân chia từ lúc sinh ra mà là những phẩm chất mà bạn phải tiến đến. Mọi người đều phải tiến hóa từ Sudra và mọi người đều phải đi đến Brahmin. Đức Phật đã phá hủy toàn bộ ý tưởng về cấu trúc đẳng cấp. Ông nói rằng một sannyasin không liên quan gì đến độ tuổi. Tuổi tác không thành vấn đề với sannyas, nó không theo trình tự thời gian. Nếu sannyas không liên quan đến thời gian, sao nó có thể liên quan đến tuổi tác được? Sannyas là sự chuyển dịch vào vô thời gian dành cho bất cứ ai sẵn sàng. Đôi khi một đứa trẻ sẽ bước vào sannyas. Shankara1 bước vào sannyas khi ông chỉ mới chín tuổi. Nếu ông chờ theo quan niệm Hindu cũ thì sẽ không bao giờ trở thành sannyasin, bởi vì ở tuổi 33 ông qua đời. Nhân loại sẽ lỡ mất một điều to lớn.
1 Triết gia vĩ đại của Ấn Độ cổ đại.
Đức Phật nói rằng bất cứ khi nào có ai đó sẵn sàng thì họ có thể tiến vào sannyas. Và mỗi người có những phẩm chất khác nhau, độ tập trung khác nhau, độ mãnh liệt khác nhau. Có người khi chín tuổi đã có thể tỉnh giác hơn đa số mọi người, kể cả người 90 tuổi. Bạn không thể quyết định chỉ dựa vào tuổi tác, bạn phải nhìn vào độ tập trung bên trong của người đó.
Đó là cuộc sống của bạn. Nếu bạn muốn mạo hiểm nó thì đó là tự do của bạn. Bạn phải được cho phép. Đức Phật cho phép những người trẻ được khai tâm để bước vào sannyas.
Hai hệ thống đó là những nền tảng của xã hội Hindu, và cả hai bị phá hủy trong cách tiếp cận của Đức Phật. Một cách hiển nhiên, người ta đã chống lại ông. Ông luôn luôn ở trong nguy hiểm. Nhưng ông đã tạo ra một cuộc cách mạng vĩ đại trong ý thức loài người.
Trong câu chuyện này, Đức Phật đang đi qua một ngôi làng của người Brahmin. Họ tụ tập quanh ông và lăng mạ ông thậm tệ. Ông lắng nghe một cách im lặng. Họ nhấn hết nút này tới nút khác nhưng chẳng có gì xảy ra. Thế là họ trở nên có chút lúng túng – khi bạn sỉ nhục ai đó và anh ta cứ đứng đó bình thản, bạn sẽ cảm thấy bối rối. Anh ta dường như vượt xa khỏi bạn. Trên thực tế, anh ta ở một tầm quá cao nên bạn không thể với tới.
Họ hỏi: “Ông có nghe không? Sao ông lại đứng im lặng? Chúng tôi đang lăng mạ và lên án ông. Ông bị câm rồi à? Hay ông đã hóa điếc? Ông không nói được à? Ông không nghe được điều chúng tôi đang nói hay sao?”
Đức Phật nói: “Ta có thể cảm thấy và nhìn thấy sự lo lắng cũng như lúng túng của các vị, nhưng ta xin lỗi. Các vị nên đến sớm hơn mười năm nếu các vị muốn ta phản xạ lại. Giờ thì quá muộn rồi. Giờ thì những cái nút này không hoạt động. Ta đã vượt xa khỏi chúng.”
Giống như một đứa bé đang chơi đồ chơi và bạn xách mất thứ đồ chơi của nó, nó sẽ gào khóc. Một ngày kia, nó sẽ không còn là đứa trẻ, và khi bạn xách mất đồ chơi của nó, nó sẽ không gào khóc. Trên thực tế, nó sẽ trao đồ chơi cho bạn, nó sẽ tặng bạn và nói: “Bạn lấy đi, bạn có thể có nó. Tôi đã xong với nó rồi.”
Đó là điều Đức Phật nói. Ông nói: “Quá muộn rồi. Ta đã xong với nó. Ta đã vượt xa rồi.”
Đây là biết, biết thực sự. Biết là thay đổi về chất trong bản thể của bạn. Nó là sự chuyển hóa của bản thể bạn, nó là một metanoia1. Khi bạn di chuyển lên cao hơn, độ cao thay đổi. Với tri thức, với cái gọi là tri thức, bạn vẫn ở nguyên chỗ cũ nhưng bạn tiếp tục tích lũy nhiều hơn. Bạn biết nhiều hơn – nhưng bạn vẫn ở nguyên chỗ cũ.
1 Phiên âm từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là sự thay đổi của trái tim, đặc biệt chỉ sự biến cải về tâm linh.
Cái gọi là tri thức giống như tiền. Bạn dành dụm tiền – nhưng như thế không thay đổi bạn. Làm sao nó có thể thay đổi bạn được? Số dư trong tài khoản ngân hàng của bạn lớn lên nhưng không có nghĩa là bạn lớn lên cùng nó. Bạn có thể dành dụm hàng triệu đô-la, nhưng làm sao điều đó giúp cho sự trưởng thành của bạn được? Bạn vẫn như cũ. Đó là lí do bạn sẽ thấy rằng ngay cả những người giàu cũng vẫn là những kẻ ăn mày. Tiền có đó nhưng sự khốn khổ bên trong vẫn như cũ.
Đôi khi họ thậm chí trở nên keo kiệt hơn, bởi vì khi bạn không có nhiều thì bạn không lo mất. Khi bạn có, bạn mới trở nên lo lắng về việc mất nó. Người giàu trở nên nghèo hơn, họ trở nên bần cùng. Họ không thể chia sẻ. Họ luôn luôn sợ hãi. Cảnh bần cùng bên trong họ không thay đổi chút nào, nó vẫn nguyên như cũ. Chắc chắn là như thế. Nếu bạn hung hăng, việc thay đổi trang phục sẽ không khiến bạn hết hung hăng. Nếu bạn hung dữ, việc thay đổi kiểu tóc sẽ không làm bạn thành hiền hòa. Cho nên số tiền bạn có không tạo ra khác biệt gì cho bản thể bên trong của bạn.
Cũng giống như vậy, lượng tri thức bạn có không tạo ra khác biệt gì. Bạn có thể đi học đại học, giành tất cả các bằng cấp, đến các thư viện, đọc và nghiên cứu, thu thập nhiều tri thức – nhưng nó chỉ ở bên ngoài, ở ngoại vi của tâm trí bạn. Nó sẽ chỉ ở trong trí nhớ của bạn, nó sẽ không thay đổi phẩm chất ý thức của bạn. Và trừ khi ý thức của bạn thay đổi, nếu không sẽ chẳng đạt tới được cái gì.
Cho nên điều đầu tiên cần thấu hiểu là, tri thức và việc biết khác nhau. Tri thức là thông tin, biết là thấu hiểu. Tri thức là thu thập từ bên ngoài, biết là sự trưởng thành bên trong. Tri thức được vay mượn, biết là của bạn, đích thực của bạn. Tri thức thì được học, biết thì không được học từ bất cứ ai.
Bạn phải trở nên tỉnh giác hơn để có thể nhìn thấy nhiều hơn, cảm thấy nhiều hơn, hiện hữu nhiều hơn. Biết là hiện sinh, tri thức chỉ là sự tích lũy bên ngoài.
Một điều nữa: Khi bạn tràn đầy tri thức, khi bạn đã tích trữ nhiều tri thức, bản ngã của bạn được tăng cường. Bạn sẽ nghĩ: “Tôi biết rất nhiều.” Và bản ngã là một trong những rào cản để tới được với thực tại. Nó không phải cây cầu: Nó tháo rời chứ không kết nối. Khi bạn là một người biết, bản ngã biến mất – vì người biết biết rằng bạn chẳng thể biết được gì. Làm sao bạn biết được? Cuộc sống quá huyền bí, huyền bí vô cùng, không có cách nào để thực sự biết nó.
Nếu bạn có thể biết chính mình thì thế là quá đủ rồi, thế là vượt ngoài mong đợi của bất cứ ai rồi. Nếu một ánh sáng nhỏ bé bắt đầu bùng cháy trong trái tim bạn và bản thể bên trong bạn được thắp sáng thì thế là quá đủ rồi. Và chỉ cần vậy thôi. Trong ánh sáng đó, bạn nhận thức được thực tại là một điều huyền bí tối thượng – đó là cái chúng ta ngụ ý khi sử dụng từ Thượng Đế. Ý nghĩa của từ Thượng Đế giống y như ý nghĩa của từ tự nhiên, chỉ khác một điều. Khái niệm tự nhiên hàm ý rằng điều bây giờ chưa biết thì sau này sẽ biết – nhưng có thể biết. Có thể biết được nó. Đó là ý nghĩa nội tại của tự nhiên.
Về mặt lí thuyết, có thể biết được tự nhiên. Các nhà khoa học nói về tự nhiên bởi vì chúng ta đã biết vài thứ của nó, và một ngày kia sẽ biết hết. Bằng cách sử dụng từ Thượng Đế hay tính thần thánh, chúng ta đem một chiều hướng khác vào trong nó. Chúng ta nói rằng đã biết điều gì đó và sẽ biết nhiều điều nữa – sẽ luôn luôn biết thêm nhiều điều nữa – tuy nhiên, sẽ vẫn luôn luôn có điều không thể biết, điều vĩnh viễn không nắm bắt được.
Sự huyền bí là mênh mông, sự huyền bí là vô cùng. Và chúng ta là một phần của nó – sao cái bộ phận có thể biết được toàn bộ cái toàn thể? Điều này là bất khả thi. Cái bộ phận không thể biết toàn bộ cái toàn thể, cái bộ phận chỉ có thể biết tới một mức độ nhất định.
Một người biết thấu hiểu sự huyền bí của cuộc sống. Đó là lí do tại sao Đức Phật không nói gì về cuộc sống. Ông không thốt ra dù chỉ một lời về nó.
Lão Tử giữ im lặng cả đời cho đến khi bị ép buộc phải viết ra kinh nghiệm của mình. Nhưng câu đầu tiên ông viết trong Đạo Đức Kinh là Đạo, chân lí mà có thể được nói ra, thì không phải Đạo thực sự. Đạo mà có thể được phát biểu hay diễn đạt thì là giả rồi.
Đạo nói rằng bất cứ hoạt động nào cũng có thể được chuyển thành hoạt động thiêng liêng – bất kể hoạt động nào, thậm chí cả bắn cung, đấu kiếm.
Chân lí không thể được nói ra bởi vì bạn chỉ có thể nói ra những thứ đã được biết toàn bộ, được biết trọn vẹn. Không bao giờ biết được toàn bộ chân lý. Bạn cảm nhận nó, bạn sống theo nó, bạn có những trải nghiệm lớn lao về nó – những tầm nhìn lớn lao, những điều huyền bí lớn lao mở ra – nhưng mỗi điều huyền bí lại mang bạn tới điều huyền bí khác. Khi mỗi cánh cửa mở ra, bạn sẽ thấy một ngàn lẻ một cánh cửa vẫn đang chờ, chưa được mở. Mỗi cánh cửa lại mang bạn đến những cánh cửa mới. Cho nên làm sao bạn có thể diễn đạt nó được?
Một người biết sẽ nói: “Tôi không biết”, hoặc, “Tôi không biết tất cả, tôi chỉ biết một chút ít. Tôi chỉ biết chính mình.” Nhưng thế là đủ – thế là quá đủ. Đó là điểm cao nhất một người có thể mong mỏi.
Người có tri thức tuyên bố biết mọi thứ và do đó thể hiện sự ngu ngốc của mình. Chỉ người ngu ngốc mới tuyên bố là biết, người biết luôn luôn thừa nhận là không biết. Đó là dấu hiệu, biểu hiện của biết thực sự.
Thêm một điều nữa: Khi bạn biết điều gì đó, bạn phân chia thực tại thành người biết, cái được biết và tri thức. Thực tại ngay lập tức bị phân chia thành ba thứ. Đó là ý nghĩa của biểu tượng bộ ba1 trong Thiên Chúa giáo. Nếu bạn biết, Thượng Đế trở thành ba. Khoảnh khắc bạn biết, Thượng Đế trở thành ba; cái một không còn là một. Tri thức phân chia. Đó là ý nghĩa của khái niệm tam thần nhất thể (trimurti2) trong Hindu giáo – Thượng Đế có ba khuôn mặt. Khoảnh khắc bạn biết, ông ấy sẽ có ba khuôn mặt. Tri thức phân chia.
1 Theo Thiên Chúa giáo, Thiên Chúa là duy nhất nhưng hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
2 Ba vị thần tối cao trong Hindu giáo gồm Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, và Shiva là đấng hủy diệt. Họ là những dạng khác nhau của một đấng tối cao.
Dường như bộ ba đó là căn bản. Nếu bạn hòa mình vào thực tại thì có một nhưng khoảnh khắc bạn xoay nó lại và nhìn vào nó, nó chuyển thành ba. Chắc chắn, bởi khi đó bạn là một thứ, cái bạn biết là một thứ khác, và ở giữa hai thứ là tri thức – người biết, cái được biết và tri thức.
Tri thức phân chia – và cái phân chia thì không thể dẫn bạn tới chân lí tối thượng. Việc biết hợp nhất. Trong nhận biết, một người không biết ai là người biết, ai là cái được biết và cái gì là tri thức. Đó là lí do tại sao trong nhận biết, bạn trở thành nhà huyền môn. Trong nhận biết, bạn trở thành một với thực tại; trong nhận biết, bạn mất tất cả những phân biệt, khác biệt, ranh giới, phân định. Trong nhận biết, bạn trở thành không xác định – không xác định như chính bản thân thực tại.
Giờ thì đến ngụ ngôn.
Liệt Tử đang học bắn cung và ông bắn trúng đích. Khi được xin lời khuyên, Quan Âm đã hỏi ông: “Ông có biết tại sao ông bắn trúng mục tiêu không?”
Phải thấu hiểu từng từ một. Hãy nếm từng từ một – bởi vì mỗi từ đều đầy ý nghĩa. Những ngụ ngôn này không chỉ để đọc nhất thời và quên đi, những ngụ ngôn này được viết ra để thiền. Đây là những công cụ thiền.
Liệt Tử đang học bắn cung.
Đạo không phân biệt điều thiêng liêng và điều trần tục. Tất cả các tôn giáo có tổ chức đều phân biệt điều thiêng liêng và điều trần tục. Bắn cung là nghệ thuật trần tục – cũng như đấu kiếm, nấu ăn, nghề mộc, hội họa hay thi ca. Bạn không thể tưởng tượng Đức Phật đang vẽ tranh hay Đức Phật là một cung thủ. Bạn thậm chí không thể tưởng tượng Đức Phật đang sáng tác thơ. Đây là những hoạt động thế tục, Đức Phật thì siêu việt.
Bạn có thể hình dung Đức Phật làm bất cứ hoạt động thường nhật nào không? Không, ông ấy chỉ thiền. Ông ấy luôn ở trong bầu trời trong vắt. Ông bước trên mặt đất nhưng không thuộc về mặt đất. Ông bước trên mặt đất nhưng không bao giờ chạm đất. Ông không phải là một sinh vật Trái Đất.
Nhưng Đạo là điều hiếm có và phi thường. Đạo nói rằng bất cứ hoạt động nào cũng có thể được chuyển thành hoạt động thiêng liêng – bất kể hoạt động nào, thậm chí cả bắn cung, đấu kiếm. Ở Trung Quốc và Nhật Bản có những trường dạy bắn cung và đấu kiếm nhưng trong đại sảnh nơi cung thủ học bắn cung bạn sẽ thấy một tấm biển ghi: Thiền đường. Người ta học bắn cung và đôi khi cả đấu vật – nhưng đại sảnh lại là thiền đường. Đây là kiểu thiền gì? Người ta chiến đấu, vật lộn, bắn cung – tất cả đều là những nghệ thuật sát nhân. Thế thì đây là kiểu thiền gì? Tại sao họ gọi những nơi đó là thiền đường?
Đạo nói rằng bất cứ hoạt động nào được thực hiện với đầy đủ nhận biết đều trở thành thiền. Hoạt động không phải điều thực – bạn làm nó ra sao, bạn mang tới nó ý thức gì mới là điều thực. Bạn có thể cầu nguyện theo cách trần thế và nó sẽ trở thành trần tục – bạn biết điều đó. Nếu bạn đi tới đền chùa và nghe những lời cầu nguyện của mọi người thì bạn sẽ biết. Lời cầu nguyện của họ không phải cầu nguyện thực sự. Ai đó đang xin trúng sổ xố, ai đó đang xin cho người vợ bị ốm được khỏe lại, ai đó nói rằng con trai mình đã thi trượt, lần sau Thượng Đế làm ơn chăm lo cho nó vượt qua kì thi. Ai đó đang nói rằng con gái cô ta đã trưởng thành và thật khó để tìm một chàng trai cho nó – xin hãy giúp đỡ. Đây là những gì họ cầu nguyện. Chúng là những hoạt động trần tục, rất đỗi tầm thường. Sao bạn lại gọi chúng là cầu nguyện? Chúng có gì thiêng liêng? Dường như chúng chẳng có gì thiêng liêng. Bạn có thể đang đứng ở đền chùa nhưng nó chẳng tạo ra khác biệt gì.
Nếu cầu nguyện có thể trần tục thì chắc chắn những hoạt động bình thường có thể thiêng liêng. Đó là đóng góp của Đạo cho thế giới. Hoạt động không phải điều thực mà ý thức bạn mang vào nó mới là điều thực.
Chẳng hạn như đấu vật. Đô vật Đạo nhân trước tiên phải cúi chào đối thủ của mình và thiền về đối thủ như điều thiêng liêng, một biểu hiện của thần thánh – chứ không như kẻ thù. Nếu anh ta không thể thiền về kẻ thù như là biểu hiện của thiêng liêng, như một người bạn, thì anh ta không phải là Đạo nhân. Thế thì nó là đấu vật thông thường. Nhưng nếu anh ta có thể thấy tính thần thánh trong đối thủ của mình như trong chính mình thì đấu vật chỉ là bề mặt, sâu bên dưới nó trở thành cầu nguyện.
Nếu bạn quan sát từ bên ngoài, bạn sẽ bối rối. Hai kiếm sĩ chiến đấu đầu tiên phải nhìn vào mắt nhau, nhìn qua cửa sổ của mắt nhau để nhận được cảm giác về bản thể của nhau. Nó hoàn toàn giống như bản thể của chính anh ta. Thế rồi khi họ chiến đấu, cuộc đấu hoàn toàn khác. Cuộc đấu không hung hăng hay vị kỉ, cuộc đấu là một cuộc chơi. Đô vật hay kiếm sĩ không quan tâm đến việc giết lẫn nhau. Họ thậm chí chẳng quan tâm đến việc bảo vệ chính mình. Họ chỉ thư giãn và buông lỏng. Thế rồi hai năng lượng ở đó, nhảy múa. Nếu bạn nhìn từ bên ngoài, nó là đấu vật nhưng từ bên trong, nó chỉ là một vũ điệu của hai năng lượng. Nó gần như một chuyện tình, cuộc gặp gỡ của hai năng lượng.
Và bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nếu ai đó bị đánh bại, người đó sẽ được xem là người chưa buông bỏ. Anh ta vẫn là người vị kỉ, đó là lí do tại sao anh ta thua.
Đôi khi hai đô vật Đạo nhân cứ vật nhau đi vật nhau lại trong nhiều năm mà không ai bị đánh bại – bởi vì cả hai đều không vị kỉ. Làm sao bạn có thể đánh bại một người không vị kỉ? Cả hai đều không hung hăng. Cả hai đều ở trong tình yêu thương lớn lao nên không ai có thể đánh bại người kia. Hai kiếm sĩ có thể chiến đấu hàng giờ và chẳng ai bị thương. Đây là nghệ thuật. Toàn bộ nghệ thuật là trở nên trống rỗng đến nỗi thanh kiếm không thể cắt vào thứ gì.
Bây giờ, nếu ai đó đánh bạn, bạn thu lại; nếu ai đó đánh bạn, bạn kháng cự. Nghệ thuật của Đạo là: Khi ai đó đánh bạn, bạn mở rộng ra. Bạn nhận đòn tấn công vào bản thân mình và hấp thụ nó.
Nếu ai đó ném năng lượng vào bạn, đừng chiến đấu với năng lượng đó mà hãy hấp thụ nó. Anh ta cho bạn năng lượng và bạn lại đi chiến đấu với nó ư? Thay vì thế thì hãy hấp thụ nó!
Thỉnh thoảng hãy thử xem. Nếu một ngày kia ai đó đánh bạn hoặc đấm bạn, hãy thử hấp thụ nó. Thuận theo nó. Đừng gồng lên, đừng cứng rắn, hãy để nó được hấp thụ. Bạn sẽ ngạc nhiên. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi vì nó sẽ là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Nếu một đấu sĩ hấp thụ năng lượng của người kia – bất kể anh ta ném ra cái gì – người ném năng lượng ra sẽ bị đánh bại. Không phải người kia đánh bại anh ta mà là anh ta tự đánh bại chính mình. Anh ta sẽ trở nên ngày một yếu đi, và anh ta sẽ bị đánh bại. Đấu sĩ còn lại sẽ bước ra chói lọi.
Mọi hoạt động có thể được chuyển thành thiền. Ngay cả nghệ thuật sát nhân của bắn cung và chiến đấu cũng có thể được chuyển thành nghệ thuật phi bạo lực. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại.
Bản ngã thì cứng rắn và nam tính. Đạo tin vào sự nữ tính. Bản ngã thì hung hăng, sự nữ tính thì tiếp thu. Đạo tin vào sự tiếp thu. Đạo tin vào việc trở thành bụng mẹ. Bản ngã, bản ngã nam tính, thích thâm nhập hơn là bị thâm nhập. Bản ngã nam tính luôn luôn cố gắng thâm nhập vào người khác – giống như trong tình dục.
Trong mọi thứ bản ngã nam tính thực hiện, đều có một nỗ lực để thâm nhập, một nỗ lực để bạo hành người khác. Và sự nữ tính thì hấp thụ – giống như trong tình dục. Mọi thứ đều như vậy, như trong tình dục.
Bạn chưa bao giờ quan sát nó diễn ra hằng ngày ư? Bạn có thể đã không nghĩ về nó theo cách đó. Đàn bà luôn luôn là người chiến thắng. Napoleon có thể là người đàn ông vĩ đại ở bên ngoài, nhưng khi trở về nhà ông ta chẳng là gì cả. Người đàn bà có thể nhỏ bé, nhưng cô ấy thống trị. Mọi đàn ông đều sợ vợ. Nếu bạn có thể tìm thấy một người đàn ông không sợ vợ, thế thì chắc chắn anh ta là một Đạo nhân. Anh ta không nam tính, đó là lí do anh ta không sợ vợ. Anh ta đã nữ tính rồi. Mọi người chồng đều phải sợ vợ bởi vì năng lượng vị kỉ không thể thắng năng lượng không vị kỉ.
Bạn đã bao giờ quan sát chưa? Một người phụ nữ khóc có uy quyền rất lớn. Bạn có thể có tất cả cơ bắp trên thế giới, bạn có thể là Muhammad Ali1 vĩ đại, nhưng ngay cả Muhammad Ali thì khi bạn gái anh ta khóc, anh ta cũng chẳng biết phải làm gì. Nước mắt dường như còn mạnh hơn.
1 Vận động viên đấm bốc vĩ đại người Mỹ.
Sức mạnh của nước mắt đàn bà là gì? Cô ấy mong manh thế, dễ tổn thương thế, mềm yếu thế – sức mạnh của đàn bà đến từ đâu? Tại sao cô ấy thống trị, làm sao cô ấy kiểm soát? Cô ấy kiểm soát mà không cần kiểm soát. Cô ấy chăm lo cho bạn, cô ấy phục vụ bạn theo một ngàn lẻ một cách. Và đó là cách cô ấy trở thành kẻ chinh phục. Cô ấy không bao giờ cố gắng thâm nhập vào bạn, cô ấy không bao giờ cố gắng chinh phục bạn – đó là thắng lợi của cô ấy. Cô ấy không phòng bị, nhưng vẫn có những sức mạnh lớn lao tới từ cội nguồn bí ẩn nào đó.
Những Đạo nhân nói rằng đây là sức mạnh của yếu tố nước. Đàn ông giống như đá và đàn bà giống như nước. Khi nước chảy lên đá, đá tan biến và trở thành cát – chẳng sớm thì muộn. Vấn đề chỉ là thời gian. Trong lần tiếp xúc đầu tiên của nước với đá, tảng đá quá vững chắc còn nước thì mềm mỏng tới mức bạn không thể hình dung một cách logic rằng một ngày kia nước sẽ phá hủy đá, đá sẽ biến thành cát còn nước sẽ vẫn ở đấy.
Lão Tử gọi đây là “con đường nước chảy” – sức mạnh của tính nữ.
Năng lượng của sự nam tính là năng lượng của tiều phu. Bạn đã bao giờ quan sát một tiều phu đốn củi? Đó là năng lượng nam tính – phá hủy, hung hăng, bạo hành. Năng lượng nữ tính là năng lượng của người lướt sóng. Tính nam vật lộn với cuộc sống thay vì bơi cùng với nó; tính nữ thì đi cùng nó, bơi cùng nó, không vật lộn với nó. Sự nữ tính mềm dẻo và dễ uốn, giống chất lỏng.
Nếu ai đó đang học bắn cung thì anh ta có thể học nó như một năng lượng nam tính. Thế thì anh ta sẽ trở thành chuyên gia về kĩ thuật nhưng sẽ bỏ lỡ nghệ thuật sâu hơn của nó.
Khi nước chảy lên đá, đá tan biến và trở thành cát – chẳng sớm thì muộn. Vấn đề chỉ là thời gian.
Liệt Tử đang học bắn cung và ông bắn trúng đích.
Đây là cách hiểu của đàn ông. Nếu bạn bắn trúng đích, bạn đã học được nghệ thuật. Còn cần thêm gì nữa? Nếu bạn có thể bắn trăm phát trăm trúng thì còn cần thêm gì nữa?
Ở Nhật Bản, Herrigel1, một giáo sư người Đức, đã học bắn cung với một Thiền sư. Ông ấy bắn đến mức hoàn hảo, hoàn hảo một trăm phần trăm – không bao giờ bắn trượt. Hiển nhiên ông nói với thầy: “Bây giờ có gì hơn không ạ? Bây giờ tôi phải học thêm gì đây? Tôi có thể đi chưa ạ?”
1 Eugen Herrigel là một triết gia người Đức. Ông từng sống ở Nhật và học Thiền thông qua nghệ thuật bắn cung dưới sự chỉ dạy của bậc thầy về Thiền và bắn cung Awa Kenzo. Ông là tác giả cuốn Thiền trong nghệ thuật bắn cung.
Thiền sư đáp: “Ông có thể đi nhưng ông vẫn chưa học được gì về nghệ thuật của ta cả, dù là những điều cơ bản nhất.”
Herrigel nói: “Những điều cơ bản trong nghệ thuật của thầy sao? Bây giờ tôi đã bắn trăm phát trăm trúng rồi mà.”
Thiền sư nói: “Ai nói về mục tiêu? Bất cứ kẻ ngốc nào cũng có thể làm được điều đó, cứ luyện tập là xong. Chẳng có gì đáng nói. Bây giờ điều thực sự mới bắt đầu.
Khi cung thủ lấy cung tên và ngắm vào mục tiêu, có ba nhân tố. Một là cung thủ: yếu tố nền tảng và căn bản nhất, cội nguồn, cốt lõi nhất. Rồi đến mũi tên sẽ chuyển từ cung thủ tới mục tiêu. Rồi đến hồng tâm, mục tiêu, cái xa nhất – cái bên ngoài. Nếu ông bắn trúng mục tiêu tức là ông đã chạm đến cái xa nhất, ông đã chạm đến ngoại vi. Nhưng ông phải chạm đến cội nguồn. Ông có thể trở thành chuyên gia về kĩ thuật bắn trúng mục tiêu, nhưng như thế chẳng có gì đáng nói – chẳng có gì đáng nói nếu ông đang cố gắng đi vào vùng nước sâu hơn. Ông là một chuyên gia, là một người có tri thức, nhưng không phải người có hiểu biết.
Mũi tên xuất phát từ ông – nhưng ông không biết mũi tên chuyển động bằng năng lượng nào. Nó chuyển động như thế nào? Ai đang dịch chuyển nó? Ông không biết điều đó. Ông không biết cung thủ. Ông đã nghiên cứu về bắn cung, ông đã đạt được mục tiêu, ngắm bắn một trăm phần trăm hoàn hảo, ông đã trở nên thiện nghệ một trăm phần trăm – nhưng đây là về mục tiêu. Về ông thì sao? Về cung thủ thì sao? Có điều gì đã xảy đến cho cung thủ? Ý thức của ông đã thay đổi chút nào chưa? Không, chẳng có gì thay đổi cả. Ông là một kĩ thuật gia chứ không phải nghệ sĩ thực thụ.”
Những Đạo nhân nói rằng điều thực sự là nhìn thấy cội nguồn của mục tiêu, nơi mà mũi tên này lấy năng lượng. Ai là người đã thành công? Năng lượng đó là gì? Bản thể nào đang ẩn nấp phía sau bạn? Đây là mục tiêu thực sự. Nếu đó mới là mục tiêu và đôi khi bạn trượt mục tiêu bên ngoài thì cũng không sao cả.
Một cung thủ vĩ đại ở Nhật Bản đã từng luôn luôn bắn trượt mục tiêu. Ông là bậc thầy vĩ đại, nhưng ông không bao giờ có thể ngắm bắn chính xác. Kiểu bậc thầy gì thế này? Ông ấy là một loại bậc thầy hoàn toàn khác. Ông đã thâm nhập vào trong cội nguồn, ông đã biến trung tâm của mình thành mục tiêu.
Ngoại vi không phải là mấu chốt. Bạn có thể thành công hay thất bại, nhưng nó hoàn toàn không phải mấu chốt. Điều thực sự là: Bạn đã thành công trong việc định tâm ở bản thể của mình chưa? Bạn đạt được mục tiêu đó chưa?
Thành công với mục tiêu bên ngoài là năng lượng nam tính, thành công với cội nguồn bên trong là năng lượng nữ tính. Để thành công với cội nguồn bên ngoài, bạn phải hung hăng, tham vọng, tập trung, chú tâm, đi ra ngoài, hướng ngoại – mũi tên sẽ đi ra ngoài, sẽ đi xa khỏi bạn. Mũi tên sẽ đi vào thế giới.
Để di chuyển vào trung tâm của mình, bạn cần phải nữ tính, thụ động, không hoạt động, không làm, không can thiệp, trầm mặc. Cần thiền và thư giãn, không tập trung. Bạn phải thư giãn bản thân hoàn toàn và tuyệt đối. Khi bạn không làm gì cả thì bạn ở trung tâm của mình, khi bạn đang làm gì đó thì bạn đã đi khỏi. Khi bạn làm quá nhiều thì bạn ở rất xa. Lại gần hơn nghĩa là vứt bỏ hoạt động của bạn, học cách không hoạt động, học cách là một “người không làm”.
Thầy của Herrigel nói với ông: “Ông đã trở thành một ‘người làm’, một ‘người làm’ hoàn hảo, nhưng mấu chốt không nằm ở đó. Nếu chỉ thế thì ông có thể học ở Đức, việc gì phải tới Nhật Bản. Nghệ thuật nam tính sẵn có ở phương Tây. Nhưng nếu ông đã tới phương Đông thì xin hãy học cái thực chất. Bây giờ ông phải cầm cung lên mà không phải là một người làm, ông phải kéo mũi tên mà không phải là một người kéo, ông phải ngắm mục tiêu mà không có việc ngắm. Phải không có căng thẳng, không có nỗ lực, không làm gì ở phần mình. Hãy thụ động. Để nó tự diễn ra thay vì thực hiện nó. Thế thì ông sẽ được định tâm.”
Bạn có biết sự khác biệt giữa thực hiện một việc và để nó tự xảy ra không? Nếu bạn biết sự khác biệt thì bạn có thể hiểu ngụ ngôn này, bằng không thì sẽ khó.
Để tôi nhắc nhở bạn, bởi vì bạn có thể đã không lưu ý. Đôi lúc, khi làm tình, bạn là một “người làm”. Thế thì bạn bỏ lỡ. Đúng, có sự giải tỏa về tình dục, nhưng không phải cực khoái thực sự. Đôi lúc nó không phải việc bạn làm mà bạn để nó tự xảy ra – khi đó nó là một sự giải tỏa, chắc chắn rồi, nhưng còn thêm nữa. Nó là một cực khoái. Bạn có cảm giác mở rộng, bạn trở nên to lớn khổng lồ, bạn chạm vào ranh giới của hiện hữu. Khoảnh khắc đó bản ngã của bạn biến mất, bạn không phải là nó nữa. Bạn rung động từ hạt nhân này tới hạt nhân khác, bạn rung động ở tất cả các tầng, nhưng bạn không phải “người làm”. Mang “người làm” vào, rung động sẽ ngừng lại. Vứt bỏ “người làm” và rung động lại bắt đầu.
Đôi khi, lúc đang bơi trên một dòng sông, bạn bắt đầu trôi nổi. Bơi thật đẹp đẽ, nhưng không thể so sánh với trôi nổi. Đôi khi, chỉ nằm trên dòng sông, không nỗ lực chút nào, bạn bắt đầu trôi nổi cùng dòng sông – thế rồi bạn biết một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Dòng sông đón bạn vào trong vòng tay, dòng sông nâng đỡ bạn, dòng sông và bạn không còn là kẻ thù – có một loại kết nối bên trong. Bạn đã hòa hợp với năng lượng của dòng sông; năng lượng của bạn và năng lượng của dòng sông đang làm tình. Khi đó có cực khoái.
Đôi khi, ngồi im lặng, không làm gì cả, bạn nhận biết về buông bỏ. Và có phúc lành. Đôi khi, ngắm những vì sao hay những rặng cây, đột nhiên nó ở đó. Bạn không làm gì cả.
Những khoảnh khắc đó tới với tất cả mọi người. Chúng tới khi bạn không mong đợi, chỉ khi bạn không mong đợi; chúng lẻn vào khi cửa của bạn mở và bạn đang thư giãn. Đôi khi phúc lành lớn lao tới từ hư vô và trống không. Những khoảnh khắc này tới với tất cả mọi người, nhưng bạn đã không quan sát chúng, bạn đã không lưu ý đến chúng. Chúng là quà tặng của hiện hữu. Chúng là những lời nhắc nhở: “Bạn đang ở một vùng đất xa lạ – về nhà đi.” Hiện hữu gõ cửa trái tim bạn hết lần này đến lần khác – bất cứ khi nào có cơ hội, bất cứ khi nào bạn cho phép.
Vào một ngày Chủ Nhật, bạn có thể nằm trên giường, không phải vội đến văn phòng, lũ trẻ đã thức dậy và nô đùa quanh phòng, vợ bạn đang pha trà và có âm thanh của ấm đun nước, giao thông chậm chạp bên ngoài, bạn trở mình trên giường và đắp chăn lại, chẳng phải đi đâu hết – Chủ Nhật mà. Thiên Chúa giáo đã mang đến một điều đẹp đẽ cho thế giới – ngày Chủ Nhật. Hindu giáo không có Chủ Nhật. Chủ Nhật là đóng góp vĩ đại nhất của Thiên Chúa giáo. Bạn có thể mơ thêm chút nữa, bạn có thể lại trôi vào giấc ngủ. Có những mùi thơm từ căn bếp, ai đó đang nấu bữa sáng, bạn ở trong trạng thái thư giãn, không căng thẳng, và đột nhiên cảm thấy đẹp đẽ phi thường. Cuộc sống có ý nghĩa. Điều gì đó nở hoa trong bạn. Điều gì đó bí ẩn bước vào bạn. Đó là những khoảnh khắc khi bạn nữ tính.
Vội vã đến văn phòng, bạn trở thành đàn ông. Bạn có thể bước đi trên con phố mà bạn đi làm hằng ngày – nhưng khi bạn đang tản bộ, bạn là một phụ nữ. Khi bạn đang tản bộ, bạn không đi đâu cụ thể, chỉ tận hưởng lũ chim trên cây, cơn gió, buổi sớm, mặt trời, và lũ trẻ cười đùa đi đến trường. Bạn đang tận hưởng, không đi đến nơi nào cụ thể và có thể quay về nhà bất cứ lúc nào; không có mục tiêu, không có mục đích, bạn chỉ tận hưởng một cuộc đi dạo buổi sáng – và đột nhiên nó ở đó, khoảnh khắc buông bỏ.
Hãy quan sát những khoảnh khắc buông bỏ ấy bởi vì chúng là thông điệp từ cõi cao xa. Quan sát những khoảnh khắc buông bỏ ấy, thương yêu chúng, nếm trải chúng. Chào đón chúng để bạn ngày càng dễ có chúng hơn. Chào đón vị khách một cách biết ơn để nó tới càng lúc càng thường xuyên hơn.
Đạo nói rằng cái thực xảy ra chỉ khi bạn ở trong trạng thái thư giãn lan rộng đến mức không thể nói “Tôi đang”. “Tôi đang” nghĩa là bạn đang căng thẳng.
Liệt Tử đang học bắn cung và ông bắn trúng đích. Khi được xin lời khuyên, Quan Âm đã hỏi ông: “Ông có biết tại sao ông bắn trúng mục tiêu không?”
Quan Âm là một Đạo sư và là một cung thủ. Liệt Tử nói: “Tôi đã trở thành một chuyên gia. Về mặt kĩ thuật, tôi đã đạt được mục đích. Tôi đã bắn trúng mục tiêu.”
Vị thầy hỏi: “Ông có biết tại sao ông bắn trúng mục tiêu không?” Từ nơi nào? Bạn là ai? Người bắn trúng mục tiêu này là ai? Bạn đã bao giờ nhìn sâu vào cội nguồn năng lượng của bạn chưa? Quên mục tiêu đi và nhìn vào cung thủ. Bạn đã học bắn cung, thế còn cung thủ thì sao? Bây giờ bạn phải học về cung thủ. Và tiến trình thì khác hẳn. Bạn đã học bắn cung, nhưng nếu muốn học về cung thủ, bạn sẽ phải quên đi những gì đã học về bắn cung.
Bằng việc học, bạn biết thế giới; bằng việc quên đi những gì đã học, bạn biết chính mình. Bằng việc học, bạn tích lũy tri thức; bằng việc quên đi những gì đã học, bạn trở thành người biết. Bằng việc học, bạn dành dụm; bằng việc quên đi những gì đã học, bạn trở thành trần trụi, trống rỗng.
Vị thầy hỏi: “Ông có biết tại sao ông bắn trúng mục tiêu không?” Sao ông ấy hỏi thế? Đó là điều Socrates1 ngụ ý khi bảo các đệ tử của mình rằng một cuộc sống không được xem xét thì không đáng để sống. Bạn có thể thành công nhưng cuộc đời bạn không đáng sống nếu nó chưa được xem xét kỹ càng đến mức bạn biết cội nguồn của nó, nền tảng của nó.
1 Triết gia Hy Lạp cổ đại.
Bạn thấy hoa của một cái cây, nhưng đó không phải tri thức thực sự nếu bạn không đi đủ sâu để biết gốc rễ. Hoa phụ thuộc vào gốc rễ. Hoa chỉ là cái biểu hiện ra ngoài của cốt lõi gốc rễ bên trong. Gốc rễ đem theo thi ca, cội nguồn, nhựa sống, những thứ sẽ trở thành hoa, quả và lá. Và nếu bạn tiếp tục đếm lá, hoa, quả mà không bao giờ đi sâu vào trong bóng tối của mặt đất, bạn sẽ không bao giờ thấu hiểu cái cây bởi vì cái cây ở trong gốc rễ.
Gốc rễ của cung thủ ở đâu? Bạn đã thành công trong việc bắn trúng mục tiêu – đó là sự nở hoa – nhưng gốc rễ của bạn ở đâu? Bạn có biết tại sao bạn bắn trúng mục tiêu không? Bạn có biết tại sao những bông hoa này lại nở không? Bạn có biết từ cội nguồn nào không? Hoa là hoạt động sau cùng, ngoại vi nhất. Gốc rễ là hạt mầm, là hoạt động đầu tiên, căn bản nhất. Gốc rễ có thể tồn tại mà không cần hoa, nhưng hoa không thể tồn tại nếu thiếu gốc rễ. Bạn có thể cắt hoa đi và hoa khác sẽ mọc; trên thực tế, hoa mọc lại còn tốt hơn nhiều. Nếu bạn cắt hoa đi, gốc rễ sẽ nhận lời thách thức ngay lập tức và gửi tới một bông hoa lớn hơn. Chúng sẽ nói: “Để xem ai thắng.”
Tôi từng có một người làm vườn, một người rất hiếm có, một người làm vườn bậc thầy, người từng thắng mọi cuộc thi trong thành phố. Chưa ai từng tạo ra những bông hoa lớn như ông – tất cả các loại hoa. Tôi hỏi ông: “Bí quyết của ông là gì?”
Ông ấy nói: “Bí quyết của tôi là tôi thách thức gốc rễ.”
Tôi nói: “Ý ông là sao?”
Ông bảo: “Tôi cắt hoa đi, tôi hoàn toàn không cho những bông hoa bình thường xuất hiện trên cây. Nếu cây có thể ra một trăm bông, tôi chỉ giữ lại một. Chín mươi chín bông bị bỏ, tôi cắt chúng ngay lập tức bởi vì chúng là sự lãng phí. Gốc rễ càng lúc càng điên lên và tức giận. Và bông hoa lớn nhất tới – như thể tất cả một trăm bông hoa được làm thành một. Cuối cùng, gốc rễ chiến thắng. Đây là bí quyết của tôi. Tôi làm chúng điên lên.”
Bạn có thể cắt hoa và nó sẽ mọc lại, cắt tiếp và nó sẽ được thay thế. Nhưng cắt gốc rễ thì cây sẽ chết.
Vị thầy hỏi: “Ông có biết tại sao ông bắn trúng mục tiêu không?” Đệ tử trả lời, không chút do dự, không cần chờ đến một giây: “Không.” Đây là sự trung thực. Đệ tử thật sự là một đệ tử. Đó chính là Liệt Tử, người mà chúng ta vẫn đang nói tới suốt từ nãy tới giờ. Ông trả lời: “Không.” Đây là sự trung thực.
Nếu tôi hỏi bạn: “Bạn có biết bạn là ai không?” thì chỉ có những người rất trung thực mới trả lời: “Không.” Người không trung thực sẽ bắt đầu nghiền ngẫm, người không trung thực sẽ nói: “Để tôi nghĩ.” Bạn định nghĩ về cái gì? Nếu bạn biết thì bạn biết, nếu bạn không biết thì bạn không biết. Bạn định nghĩ về cái gì? Nghĩ tức là bạn sẽ cố gắng thu xếp một câu trả lời, bạn sẽ cố gắng chế ra một câu trả lời. Thật khó để tìm ra một người có thể thừa nhận rằng họ không biết. Và đó là người có thể trở thành đệ tử thực sự, đó là người một ngày nào đó có thể biết.
Bạn sẽ không nói: “Không.” Ai đó sẽ nói: “Có. Thượng Đế tồn tại. Tôi biết”, và ai đó khác sẽ nói: “Tôi biết không có Thượng Đế” – nhưng cả hai đều biết. Chỉ ít người có thể nói: “Tôi không biết.”
Liệt Tử nói: “Không” – ông là một đệ tử thực sự, một đệ tử đích thực. Đệ tử phải mở trái tim ra trước bậc thầy – đệ tử phải trần trụi. Anh ta không thể che giấu điều gì bởi vì nếu bạn che giấu với bậc thầy, bạn sẽ không bao giờ lớn lên.
Liệt Tử nói: “Không.”
Thế rồi vị thầy nói: “Chưa được. Thế là tốt, ông có tiến triển, và câu trả lời không của ông là một dấu hiệu tốt, nhưng vẫn chưa được. Ông vẫn phải đi xa hơn nữa.”
Liệt Tử ra đi tập luyện và sau ba năm lại báo cáo cho Quan Âm.
Liệt Tử đã làm gì trong ba năm? Ông đã đạt tới mục tiêu, thế thì ông ấy làm gì trong ba năm? Ngụ ngôn không kể, bởi vì đây là một ngụ ngôn để thiền. Một ngụ ngôn thì chỉ kể đôi điều và để lại nhiều điều không được nói để bạn phải thiền và lấp đầy khoảng trống đó. Bạn phải tìm ra quãng nghỉ ở đâu. Và điều thực sự nằm ở trong những quãng nghỉ đó.
Ông ấy đã làm gì trong ba năm? Khi bạn đã bắn trúng mục tiêu, bạn còn có thể làm gì thêm nữa? Ông ấy đã quên đi những điều đã học. Việc học đã hoàn thành, việc học đã trọn vẹn – cho nên ông đã quên đi những điều đã học, hay nói cách khác, ông ấy đã xoay cặp mắt của mình vào bên trong.
Hãy quan sát. Khi một cung thủ cầm cung tên trên tay, cặp mắt anh ta hiển nhiên là đặt vào mục tiêu. Thế thì Liệt Tử đã làm gì trong ba năm? Khi ông cầm cung tên lên, ông sẽ nhìn vào mục tiêu, nhưng sâu bên dưới ông nhìn vào chính bản thân mình. Mục tiêu trở thành phụ. Mũi tên ý thức của ông ấy trở thành mũi tên kép – cái mà Gurdjieff1 gọi là “ghi nhớ bản thân”.
1 Nhà huyền môn, triết gia, thầy tâm linh và nhà soạn nhạc đầu thế kỷ XX.
Khi bạn nhìn vào tôi, bạn đang thấy tôi; ý thức của bạn là mũi tên đơn, ngắm về phía tôi. Nếu bạn thay đổi... Bạn có thể làm điều này ngay bây giờ, và nó đúng là việc cần làm để thấu hiểu. Bạn đang nhìn vào tôi, đôi mắt bạn đặt vào tôi. Nếu bạn tập trung vào tôi, bạn sẽ quên chính mình. Đây là một kiểu quên. Bây giờ biến ý thức của bạn thành mũi tên kép. Nhìn vào tôi và cùng lúc đó, đồng thời, nhìn vào chính mình. Nhìn vào cái được nhìn và nhìn vào cả người nhìn.
Khi bạn đang lắng nghe ai đó, hãy lắng nghe – nhưng hãy luôn nhận biết cả người đang lắng nghe nữa. Người nói phải được lắng nghe và người lắng nghe cũng phải được lắng nghe. Thế thì ý thức của bạn là mũi tên kép. Ngay lúc này, nó là một chiều: Bạn nhìn vào tôi nhưng bạn không nhìn vào chính mình. Đây là một kiểu “quên đi bản thân”. Nếu bạn nhìn vào tôi và đồng thời có khả năng nhìn vào chính mình, trong khoảnh khắc đó, bạn nhận biết bản thân.
Điều Liệt Tử đã làm suốt ba năm ở trong rừng là một nhiệm vụ khó khăn hơn. Việc học thì đơn giản. Ông ấy là đàn ông. Bây giờ, ông ấy phải trở thành phụ nữ. Đầu tiên, ông cố gắng thâm nhập mục tiêu bên ngoài; bây giờ, ông ấy bắt đầu dịch chuyển vào bên trong, vào trong tử cung của bản thể. Ông trở thành nữ tính.
Tri thức thì hung hăng, việc biết thì thụ động.
Có hai kiểu tâm trí được đề cập trong Đạo, họ gọi một kiểu là mui và kiểu kia là ui. Mui nghĩa là “tự nhiên, thư giãn”; và ui nghĩa là “không tự nhiên, căng thẳng”. Khi bạn đang chiến đấu với cuộc đời, bạn tồn tại như ui; khi bạn đang tuôn chảy cùng cuộc đời, bạn tồn tại như mui. Bơi, bạn vận hành như ui; trôi nổi, bạn vận hành như mui.
Khi bạn buông bỏ, tâm trí tự nhiên hòa hợp với toàn thể, hòa hợp với Đạo. Khi đó, tiếng chim hót líu lo không làm bạn xao nhãng – trái lại, chúng làm giàu thêm sự im lặng. Khi đó, mọi thứ đều được cho phép. Tất cả các cánh cửa được mở. Bạn không kháng cự, không tranh đấu, chỉ hiện hữu. Đó là trạng thái mui.
Đầu tiên Liệt Tử học và tạo ra trạng thái ui: Ông trở nên năng nổ, hướng ngoại, nhắm ra bên ngoài. Đó là tham vọng. Ông đã thành công, ông đã hoàn thành mục tiêu của mình. Thế rồi bậc thầy nói thế này chẳng là gì, ông ấy phải đi xa hơn. Vậy ông đã làm gì trong ba năm? Ông trở thành mui: Ông thư giãn. Ông ngồi im lặng và cảm nhận sự buông bỏ. Dần dần, ông cầm cung tên lên và phóng tên trong trạng thái buông bỏ. Ông không bắn nó ra – ông cho phép nó được bắn ra. Đó là việc khó khăn. Ông sẽ không bắn nó – ông sẽ đợi cho nó tự bắn chính mình.
Herrigel đã cố gắng cùng bậc thầy nhưng không thể thành công. Thế rồi một hôm, tuyệt vọng, ông nói: “Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ có thể thành công. Tôi không thể hiểu điều thầy gọi là mui này, nó hoàn toàn vô nghĩa. Làm sao mũi tên có thể bắn chính nó nếu tôi không bắn? Nếu tôi không kéo dây cung, làm sao mọi thứ có thể xảy ra theo cách của chúng? Điều đó là bất khả thi.”
Chúng ta có thể hiểu được Herrigel. Đó là thái độ của phương Tây: “Điều đó là bất khả thi.”
Bậc thầy nói: “Thế thì ông có thể đi.”
Herrigel hỏi: “Thầy sẽ cho tôi một chứng nhận chứ ạ?”
Bậc thầy nói: “Không thể được, bởi vì ông chưa học được gì cả. Cái ông đã học ông có thể học ở bất cứ nơi nào khác, cho nên việc ông ở đây chẳng có ý nghĩa gì. Ông có thể đi.” Thế là Herrigel đặt một chuyến bay, thu xếp để rời đi, quên tất cả mọi thứ. Ông đã ở đó trong ba năm1 – một khoảng thời gian quá dài.
1 Theo một số nguồn thông tin và tư liệu thì Herrigel sống ở Nhật từ năm 1924 đến năm 1929, chứ không phải ba năm.
Ông đến chào từ biệt sư phụ nhưng thầy đang dạy các đệ tử khác nên ông phải đợi. Ông ngồi trên một băng ghế trong lúc thầy dạy và lần đầu tiên ông ở trong trạng thái thư giãn bởi vì không còn lo lắng – ông sắp rời đi, mọi thứ đã xong – và ông không còn tham lam. Không có nỗ lực. Ông chỉ nhìn – và ông có thể thấy rằng bậc thầy không bắn. Bậc thầy cầm cung trong tay, kéo dây cung bằng tay mình – nhưng mũi tên tự bắn nó. Ông có thể thấy – đó là một linh ảnh. Làm sao mà ông có thể bỏ lỡ nó cho tới bây giờ, ông không thể tin nổi!
Trong ba năm, ông đã quan sát vị thầy hết lần này đến lần khác, nhưng tâm trí logic của chính ông đã can thiệp vào. Nó sẽ không cho phép ông nhìn thấy. Ông nói: “Sao có thể như vậy? Thầy có thể thiện nghệ hơn, nhưng làm sao mũi tên đó lại có thể tự phóng ra được?” Sáng hôm nay ông đã có thể thấy nó. Giờ đây ông thư giãn. Giờ đây ông không lo lắng về việc đạt được điều gì. Khi bạn không còn nỗ lực, ham muốn hay khao khát, bạn được thư giãn.
Ông vội vã chạy tới chỗ vị thầy, chạm chân thầy, và không nói lời nào, cầm cung từ tay thầy rồi bắn mũi tên đi. Vị thầy đặt tay lên đầu ông và nói: “Ông đã làm được. Ông có thể có chứng nhận. Và ông vẫn có thể đi bởi vì giờ đây không cần phải đợi nữa. Hoàn thành rồi. Ông đã biết nó, ông đã nếm trải nó.”
Mọi thứ có thể tự xảy ra. Bạn được sinh ra – bạn không quản lí chuyện đó. Bạn rơi vào tình yêu – bạn không làm điều đó. Cơn đói tới, bạn ăn và cảm thấy hài lòng. Cơn khát trỗi dậy, bạn uống và cảm thấy hết khát. Bạn còn trẻ, bạn sẽ già đi. Một ngày kia bạn sẽ chết. Mọi thứ đang xảy ra. “Người làm” là một ảo tưởng sai lầm. Hãy ở trong trạng thái mui.
Xã hội tạo ra trạng thái ui. Nó làm bạn mất tự nhiên, căng thẳng; nó khiến bạn có học thức, có văn hóa – nhưng nó tạo ra một cái vỏ cứng xung quanh trái tim bạn và bạn mất đi bản chất thực sự, Đạo.
Liệt Tử ra đi tập luyện và sau ba năm lại báo cáo cho Quan Âm. “Ông có biết tại sao ông bắn trúng mục tiêu không?” – lại vẫn câu hỏi đó – “Tôi biết”, Liệt Tử đáp. Một lần nữa nó đơn giản – đơn giản như câu trả lời “Không” lần đầu. Nó không phải sự giả tạo. Khi một người giả bộ, anh ta sẽ nghĩ trước khi nói: “Tôi biết.” Anh ta cố gắng nhẩm lại nó trong đầu – đó là cái bạn gọi là suy nghĩ. Trong trường hợp của Liệt Tử, câu trả lời là không cần suy nghĩ. Nó vốn là vậy. Lần đầu ông đơn giản trả lời: “Không.” Bây giờ, theo đúng cách khiêm nhường ấy – không tuyên bố gì, nhớ nhé – ông trả lời: “Tôi biết.”
Nhiều lần bạn mắc quá nhiều vào ngôn từ. Bộ kinh Upanishad nói rằng người nói: “Tôi biết” thì tức là anh ta không biết. Đúng – nhưng có thể có người nói: “Tôi biết” và thực sự biết. Nếu bạn có thể nói: “Tôi biết” theo một cách đơn giản, khiêm tốn, không tuyên bố, thì không có vấn đề gì. Khi bộ kinh Upanishad nói rằng nếu một người nói: “Tôi biết” thì không biết, nhà tiên tri Upanishad nhấn mạnh vào chữ “Tôi”. Khi ai đó nói: “Tôi biết” thì sự nhấn mạnh là vào chữ “Tôi”, nó được gạch chân. Khi một người thực sự biết nói: “Tôi biết”, chữ “Tôi” không được gạch chân. Chữ “biết” chỉ là một thực tế. Làm sao Liệt Tử có thể nói gì đó không thật? Nếu ông biết thì ông biết. Ông phải nói ra. Nhưng nó không phải một tuyên bố.
Cho nên đừng bị ngôn từ đè nặng. Con người thực sự bị ngôn từ đè nặng. Chẳng hạn, nếu một người theo trường phái tư tưởng Vedanta1 đọc câu chuyện này thì anh ta sẽ nói: “Ông ấy bảo ‘Tôi biết’ thì theo những gì Upanishad nói, ông ấy không thể biết được.” Ngôn từ là ngôn từ, và người ta cần cảm nhận cái cốt lõi nhất của ngôn từ, trái tim của ngôn từ.
1 Một trường phái triết học diễn giải Upanishad.
Khi Liệt Tử nói: “Tôi biết”, ông ấy biết. Và câu “Tôi biết” của ông có nghĩa đích xác giống như khi bộ Upanishad nói: “Tôi không biết.” Nó có nghĩa đích xác giống như khi Socrates nói: “Tôi chẳng biết gì.” Bằng cách nói: “Tôi chẳng biết gì”, Socrates đã phủ nhận “Tôi”. Nhưng bằng cách nói: “Tôi biết”, như thể nó là một thực tế đơn giản, một sự việc bình thường, không có tuyên bố, Liệt Tử đang thực hiện một phép màu to lớn hơn rất nhiều bởi vì – hãy lắng nghe mà xem – đôi khi một người làm bộ làm tịch có thể giả vờ nói: “Tôi không biết”, với hi vọng bạn sẽ nghĩ rằng anh ta biết. Bởi vì bộ Upanishad nói thế và Socrates nói thế nên một kẻ giả vờ có thể nói: “Tôi không biết” với hi vọng bạn sẽ nghĩ rằng anh ta biết, rằng anh ta là một Socrates khác. Tâm trí rất láu cá. Cho nên hãy nhớ một điều: Nếu một tâm trí giản đơn, khiêm nhường và chỉ đang nói thực tế thì đó là sự thật – bất kể đó là thực tế gì.
“Được,” vị thầy nói.
Một cách rất thoải mái, ông ấy nói: “Được.” Vấn đề không phải là Liệt Tử đang nói gì, mà là Liệt Tử đang là gì – sự giản đơn, khiêm nhường, nhu mì của con người, sự ngây thơ của con người. Khi bạn nói: “Tôi biết”, một bản ngã tinh vi trỗi dậy. Chỉ nói câu “Tôi biết” và bạn sẽ cảm thấy một bản ngã tinh vi đang mạnh thêm trong bạn.
Bậc thầy hẳn đã nhìn vào bên trong Liệt Tử. Các bậc thầy không nhìn bạn, họ nhìn vào bên trong bạn. Họ không quan sát khuôn mặt bạn, họ quan sát trái tim bạn. Ông ấy hẳn đã nhìn vào trong trái tim khi Liệt Tử nói: “Tôi biết.” Đã có gì trỗi dậy ở đấy? Đã có gì tích hợp, trở thành bản ngã? Không gì cả. Không gian vẫn còn hoang sơ, nguyên vẹn. Ông ấy nói: “Tôi biết” và không có gì xảy ra bên trong ông. Bậc thầy nói:
“Được. Hãy giữ lấy nhận biết này và đừng để mất.”
Thật khó để thu được một thoáng nhìn về buông bỏ và thật dễ để đánh mất nó, bởi vì trong hàng thế kỉ, trải qua nhiều kiếp sống, ta đã thực hành việc “làm”. Khi những khoảnh khắc “không làm” đến, toàn bộ lề thói qua nhiều kiếp của ta chống lại chúng, thói quen của chúng ta chống lại chúng, toàn bộ cơ chế của chúng ta chống lại chúng. Việc chúng xảy ra là đột phá và quá khứ của bạn sẽ tranh đấu để đóng những cánh cửa của bạn lại lần nữa.
Đó là lí do vị thầy nói: “Hãy giữ lấy nhận biết này và đừng để mất.” Đây là kho báu, vương quốc của Thượng Đế bên trong bạn. Đây là kho báu – ở một trạng thái thư giãn và để cho Đạo vận hành. Giờ đây Liệt Tử không làm gì cả. Phải, ông ấy cầm cung tên, nhắm tới mục tiêu, nhưng không phải ông ấy – mà là Đạo trong ông ấy.
Điều này không chỉ áp dụng cho bắn cung mà còn cho việc chế ngự chính mình. Cho nên hiền nhân không chiêm nghiệm việc sống sót hay tiêu tan mà chiêm nghiệm lí do của nó.
“Điều này không chỉ áp dụng cho bắn cung mà còn cho việc chế ngự chính mình.” – Trên thực tế, trong Đạo và Thiền, bắn cung chỉ là cách để học điều gì đó về cuộc sống. Khi ai đó xúc phạm bạn, hãy nhớ rằng người đã xúc phạm bạn thì ở bên ngoài bạn, ở ngoại vi, giống như mục tiêu. Bạn ở sâu bên trong chính mình, ở cội nguồn. Và giữa bạn với kẻ xúc phạm là tâm trí – giống như mũi tên.
Nếu tâm trí bạn nhắm tên vào kẻ xúc phạm bạn, bạn sẽ bỏ lỡ. Hãy để nó nhắm tên về hướng cội nguồn. Thay vì nghĩ rằng hắn ta đã xúc phạm bạn, hãy nhìn vào bên trong bản thể của mình: Bạn hẳn phải mang theo vết thương nào đó, đó là lí do bạn cảm thấy bị xúc phạm. Nếu không thì người khác làm sao có thể xúc phạm bạn được?
Nếu ai đó gọi bạn là tên ngốc và bạn cảm thấy bị xúc phạm thì điều đó đơn giản nghĩa là bạn nghĩ bạn thông thái lắm chứ chẳng có gì khác. Nếu bạn nghĩ rằng mình là kẻ ngốc thì bạn sẽ ôm chầm lấy người kia. Bạn sẽ nói: “Đúng! Chính xác! Đó chính là điều tôi cảm thấy!” Thế thì xúc phạm ở đâu?
Nếu ai đó bảo bạn là kẻ cắp và bạn cảm thấy nhục nhã thì điều đó đơn giản nghĩa là bạn nghĩ rằng mình là nhà đạo đức vĩ đại, có đức hạnh lớn lao, thế này và thế nọ – nhưng sâu bên trong bạn cũng biết rằng bạn là kẻ cắp. Người đó đã đánh trúng chỗ nhức nhối trong bản thể bạn, một điểm mong manh. Cho nên bây giờ có hai khả năng: Hoặc bạn nhảy vào anh ta và chứng minh bạn không phải kẻ cắp, hoặc bạn nhìn vào bên trong chính mình.
Luôn luôn đi đến cội nguồn. Trong yoga, đi đến cội nguồn được gọi là pratyahara. Mahavira gọi việc đi đến cội nguồn này là pratikramana. Jesus gọi nó là “sám hối”. Người Thiên Chúa giáo đã hiểu nhầm khái niệm này. Sám hối chẳng liên quan gì đến hối hận. Nghĩa nguyên thủy của từ này là “trở về, quay lại, đi vào trong chính mình”. Người Hy Lạp có từ đúng cho nó: metanoia – quay vào trong chính mình, quay 180 độ. Bạn hẳn đã nhìn thấy trong vài cuốn sách huyền bí cổ cũ kĩ nào đó biểu tượng một con rắn ăn cái đuôi của chính nó – đó là metanoia.
Hãy quay về với chính mình. Thay vì đi tới người khác, hãy quay về và đi tới chính mình. Để mũi tên của bạn di chuyển trong một vòng tròn và trở lại cội nguồn nơi nó bắt đầu. Ai đó xúc phạm bạn và sự náo động trỗi dậy – đây là khởi đầu của mũi tên. Mũi tên bắt đầu dịch chuyển hướng tới người kia. Nó muốn đánh người kia, muốn xúc phạm người kia. Đừng bị nó đánh lừa. Hãy để nó di chuyển theo một vòng tròn. Hãy để nó quay 180 độ về chỗ bạn – về nơi nó bắt đầu, về nơi bạn cảm thấy náo động. Hãy để nó trở lại, hãy nhìn vào đó.
Điều này có thể trở thành chìa khóa cho sự chuyển hóa bên trong. Có thể có một bản thể mới. Bắn cung chỉ là phương tiện. Những Đạo nhân đã tạo nhiều phương tiện. Nhưng trong tất cả các phương tiện thì điều căn bản, điều thiết yếu, là quay về bản chất của mình.
Hãy thiền về ngụ ngôn này và bắt đầu sử dụng nó trong cuộc sống của bạn. Trước tiên, tìm kiếm những khoảnh khắc buông bỏ. Chờ đợi và tiếp nhận chúng với sự chào đón và hân hoan to lớn. Mời gọi chúng hết lần này qua lần khác. Hãy trở nên nhiều nữ tính hơn.
Thứ hai, nếu có bất kì cơ hội nào xuất hiện khi mũi tên của bạn bắt đầu di chuyển ra ngoài, hãy nhớ ngay lập tức xoay nó vào trong. Hãy quay nó vào trong. Thay vì bật công tắc, hãy quay vào trong! Nếu ai đó xúc phạm bạn và bạn bị bật công tắc, nếu một phụ nữ xinh đẹp đi ngang qua và bạn bị bật công tắc, tình dục trỗi dậy – hãy quay vào trong thay vì bật công tắc. Người phụ nữ xinh đẹp đi qua không phải mục tiêu thực sự: Bạn có tính dục trong mình. Hãy đi đến cội nguồn. Hãy để nó là cơ hội to lớn để thiền. Chuyển hóa từng cơ hội bình thường thành thiền và phần thưởng sẽ vô cùng to lớn. Mỗi khoảnh khắc sẽ trở thành chói lòa.
Nhớ rằng không có hoạt động nào trần tục hay báng bổ. Tất cả hoạt động đều có thể được chuyển thành thiền – chúng phải thế. Đây cũng là thông điệp của tôi. Thiền không phải là điều gì đó tách rời khỏi cuộc sống, nó phải trở thành cốt lõi sâu thẳm nhất của cuộc sống. Mỗi hoạt động, dù nhỏ bé hay lớn lao, đều phải sáng chói sự nhận biết của thiền. Khi đó bạn sẽ thấy rằng mỗi hoạt động mang bạn tới cái cốt lõi sâu thẳm nhất của mình, mỗi hoạt động mang bạn về nhà, mỗi hoạt động trở thành sự giải phóng.
Mỗi hoạt động phải rơi trở lại vào trong cội nguồn nguyên thủy. Nỗi tức giận nảy sinh từ bản thể bạn phải rơi trở lại vào trong bản thể bạn, tình dục nảy sinh từ bản thể bạn phải rơi trở lại vào chính cội nguồn. Ở đó, nơi alpha và omega gặp gỡ, nơi khởi đầu và kết thúc gặp gỡ, nơi con rắn xoay đến đuôi của mình và bắt đầu ăn nó, bạn trở nên hoàn thiện, một vòng tròn trọn vẹn. Đó là trạng thái của hiền nhân.