Trong các bài viết của tôi về nuôi dạy con, đều có nhấn mạnh vai trò của bố mẹ và các ông bà nội ngoại hai bên. Tôi biết mình vẫn chưa đủ can đảm để xoáy vào một vấn đề cốt lõi: mối quan hệ phức tạp và vai trò của ông bà (nội và ngoại).
Xã hội Việt Nam hàng ngàn năm lưu truyền những quan niệm về đạo đức và lễ giáo phong kiến thể hiện ở mọi phương diện của cuộc sống, ví dụ:
1. Con cái phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ, kể cả khi đầu đã có vài thứ tóc, mà tóc trắng chiếm vai trò chủ đạo: “Trứng cứ đòi khôn hơn vịt”, rồi: “Cá không ăn muối cá ươn...”
2. Vai trò phụ nữ rất ít được nhắc đến, hoặc nhắc đến với sự miệt thị, coi thường: “Khôn ngoan cũng thể đàn bà/Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông”.
3. Người đàn ông chỉ được coi trọng, khi phải luôn sẵn sàng “bỏ quên” nhiệm vụ làm người chồng, người cha, để “trai thời trung hiếu làm đầu”: trung là trung với nước, hiếu là hiếu với bố mẹ anh ta, không thấy người vợ trong bức tranh đó. Ít thấy (hay là tôi chưa được đọc), có tác phẩm “cổ điển” nào của Việt Nam mà người đàn ông được nêu gương vì chung thủy với vợ hoặc vì biết chăm sóc dạy dỗ con cái.
4. Người đàn ông chung thủy, yêu thương và chăm sóc vợ, thì bị bạn bè chê bai, châm chọc “bám váy vợ”, rồi thì mẹ và chị, em gái... lườm nguýt, châm chọc “đồ sợ vợ”, nặng hơn thì: “Rước vợ lên bàn thờ mà ngồi”.
Chúng tôi là những cô gái Việt Nam ngây thơ, lớn lên trong vòng tay đùm bọc của bố mẹ. Một ngày nào đó, chúng tôi yêu một chàng trai, được nghe hứa hẹn đủ điều về cuộc sống lứa đôi, để rồi hầu hết, khi về làm dâu, những bài học cay đắng cứ thấm dần. Hóa ra chàng trai mà chúng tôi đồng ý cưới, chỉ muốn kéo chúng tôi nhập vào đại gia đình anh ấy chứ không hề muốn tự xây dựng một gia đình riêng. Cưới nhau năm bảy năm, thậm chí hàng chục năm, có khi con cái đã đề huề, vậy mà cái tổ ấm của hai vợ chồng (nếu may mắn được sống riêng) cũng chỉ được anh coi là cái nhà trọ. Còn nhà của anh, là nhà bố mẹ và anh chị (em) của anh đang sống.
Còn quan niệm của thiên hạ, mà cụ thể là ở các nước phát triển, thì sao:
Là một phụ nữ Việt Nam, tôi rất trân trọng đàn ông Việt Nam vì họ có rất nhiều tính tốt mà trai Tây không thể nào sánh kịp (kể không hết tính tốt đâu). Nhưng có hai điều mà mà tôi không thích:
1. Các anh trưởng thành chậm quá, lại thích oai và gia trưởng. Trước khi lấy vợ, hình như rất ít anh xác định được nhiệm vụ: tôi đang lập nên một thực thể gia đình mới, chỉ với tôi và vợ tôi. Và các anh điềm nhiên đem vợ về, quẳng đánh oạch cho mẹ các anh xử lý, “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” mà. Hay ít ra là anh chỉ muốn hòa vợ vào cái tập thể gia đình mình (cho đến lúc đó gồm có bố, mẹ, anh chị em ruột và cô, dì, chú, bác nhà anh). Nhiều anh cực kỳ gia trưởng với vợ con nhưng sợ mẹ nem nép, mẹ nói gì (dù sai hay đúng) cũng im lặng nghe và bắt chúng tôi cùng nghe. Lạ thật!
2. Và vì không xác định mình và vợ chính là chủ của cái THỰC THỂ GIA ĐÌNH mới đó, lại sợ bị chê là “sợ vợ”, “không biết dạy vợ” hoặc “không có hiếu”, các anh nhường luôn quyền làm chủ gia đình riêng của mình cho mẹ (tức là mẹ chồng của chúng tôi), mà với các anh thì “tiện không chỉ đôi đường, mà là tất cả các đường” luôn. Còn với chúng tôi, chúng tôi luôn muốn được cùng các anh làm chủ và xây đắp tương lai gia đình của hai người, chứ bị ép “ủy quyền” hay tự đánh mất quyền, là chúng tôi ấm ức và bắt đầu “bớt tôn trọng” các anh.
Và vì vậy, trong bài này, thay mặt chị em phụ nữ Việt Nam (dám hoặc không dám nói ra), tôi đề nghị việc đầu tiên các anh phải làm là cùng với vợ (chúng tôi đây) giữ lấy quyền quyết định việc nuôi dạy con cái của chính mình. Chúng tôi luôn mong muốn được bàn bạc và thống nhất với các anh (những người chồng yêu quý của chính chúng tôi) để nuôi dạy con nên người. Chúng tôi mơ ước được cùng chồng quyết định mọi việc trong gia đình RIÊNG CỦA MÌNH, trong đó có việc tối quan trọng là sinh con, và nuôi dạy chúng khôn lớn.
Các bà mẹ trẻ hay than rằng: “Chồng em khoán trắng việc nuôi dạy con cho em. Vợ chồng cãi nhau tối ngày”, “Chồng em cho rằng việc giáo dục, chăm sóc con là của đàn bà. Em stress quá!”, “Chồng em làm hư con, em nói không được. Bực quá” và hay hỏi: “Làm gì khi cha mẹ trái ngược quan điểm trong cách dạy con?”. Tôi trả lời: “Cá nhân tôi chọn cách chia tay”.
Dù không trợ cấp, không thăm hỏi, dù con tôi có thiệt thòi hơn bè bạn vì không có bố trong đúng những năm tháng cần bố nhất của cuộc đời, nhưng con sẽ thông minh hơn, vui vẻ hơn trong một môi trường lành mạnh. Còn con có yêu thương bố hay không, là do chính người bố. Tôi biết tôi đang chống lại số đông vì với câu “Một sự nhịn là chín sự lành”, hầu như khi nghe ai tâm sự xin lời khuyên về ly dị, ít người dám nói: “Bỏ đi em, hãy can đảm một mình dắt con đi nốt chặng đường dài và ngẩng cao đầu, nghiến răng lại mà đi”. Tôi không ủng hộ việc giải quyết tất cả các mâu thuẫn bằng kết cục ly dị. Tôi chỉ muốn khuyên đừng vì con mà buộc mình phải sống với một người bố vô trách nhiệm. Những đứa trẻ vẫn lớn lên, vẫn vui vẻ, hồn nhiên và hạnh phúc, thậm chí có thể có cuộc sống lành mạnh hơn vì không bị sự can thiệp trái chiều từ quá nhiều người. Và vì một mình, tôi có đủ kiến thức và tình yêu thương để nuôi và dạy con khôn lớn.
Dạy con là ĐẶC QUYỀN của CHA MẸ. Và nếu chúng ta không dạy sẽ có người khác dạy con của bạn. Đó là TV, hàng xóm, bạn bè, đường phố. Đó có thể là những người đàn ông, đàn bà khác yêu con bạn hơn chính bạn vì những mục đích mà chỉ riêng họ biết.