Một sự việc xảy ra ở công viên nước Hà Nội cứ ám ảnh tôi mãi, kể cả trong giấc ngủ. Nó làm tôi nhớ đến một việc buồn, xảy ra cách đây đã hơn 30 năm (1981), cũng tại một công viên Hà Nội nhưng là công viên Thống Nhất.
Hôm đó, trời đã xế chiều, vừa ở Liên Xô cũ về được vài ngày, tôi và bồ rủ nhau đi dạo công viên. Sau 5 năm xa Hà Nội, với ký ức lúc đó, công viên Thống Nhất như là một thiên đường. Tôi đã có cả một tuổi thơ gắn liền với nó. Những ngày còn bé, các anh hay dẫn tôi đi chơi, ngắm hoa bắt bướm. Rồi lớn lên một chút, hàng ngày, lũ con gái chúng tôi hay mang sách vở ra công viên học bài, tán gẫu, rủ rỉ tỉ tê với nhau đủ chuyện. Cũng tại nơi này, biết bao lần có một anh chàng lớp trên cứ “bám đuôi” tôi suốt, khiến tôi xấu hổ vì bị bạn bè trêu ghẹo.
Với tâm trạng hồi hộp vì sắp được trở lại nơi chốn cũ thân yêu, chúng tôi hớn hở dắt xe đạp tiến tới cổng vào. Đột nhiên, một người đàn bà (chắc là làm vệ sinh tại công viên) xông ra, chặn chúng tôi lại, nói bằng giọng khá hách dịch: “Hai cô cậu này đi đâu, không được mang xe đạp vào công viên”. Tôi hỏi lại: “Chị ơi, hồi xưa em vẫn đi xe vào mà”. Chị ta trả lời: “Hồi xưa là hồi xưa, bây giờ là bây giờ, không được là không được”. Chúng tôi nhìn quanh, chẳng còn bãi giữ xe nào quanh đó còn làm việc. Có lẽ chỉ có hai đứa hâm này muốn vào công viên lúc xế chiều? Tôi bèn dịu giọng: “Em chẳng biết để xe ở đâu chị ạ. Chị trông xe giúp em, em gửi chị tiền đúng bằng vé xe nhé”. Nói rồi, tôi rút tiền ra, vì không có tiền lẻ, nên đưa chị ta nhiều hơn tiền vé xe bình thường (tôi cũng không ý thức được là nhiều hơn bao nhiêu). Cái mà tôi không ngờ là đột nhiên, chị ta quỳ sụp xuống bằng hai đầu gối, bám lấy gấu quần tôi, rồi lạy tôi mấy cái, cảm ơn rối rít. Tôi bị bất ngờ quá, nên lùi vội ra phía sau, làm cái xe đạp đổ chổng kềnh, tôi cũng suýt ngã. Rồi tôi kéo chị ta dậy, vẫn không thể mở nổi mồm để nói bất cứ câu gì. Tôi im lặng, còn chị ta vẫn liến láu: “Em cứ đem xe vào đi, nếu gặp bảo vệ thì nói là người nhà chị Thoa nhé, sẽ không ai làm gì bọn em đâu”.
Chúng tôi lên xe đi vào công viên. Mọi niềm vui, mọi sự mong đợi tan biến đi như bong bóng xà phòng. Đầu tôi căng ra, đau nhức mà không hiểu tại sao. Trời ơi, chỉ vì vài đồng bạc (tiền lúc đó) mà một con người có thể hành xử như vậy sao? Chị ta có thể mua được những cái gì với vài đồng bạc đó để rồi phải vứt bỏ nhân cách mà lạy tôi? Trong tôi tràn ngập cảm giác xấu hổ, giận dữ, chán nản: “Đất nước tôi, Việt Nam, có những con người thế này ư?”. Sau 5 năm xa Tổ quốc, biết bao nhớ nhung, thổn thức, để rồi khi trở về, tôi phải chứng kiến những sự việc làm bất cứ ai có lương tâm cũng phải cúi đầu xấu hổ vì mình là đồng hương của họ. Hay là chị ta không biết nhân cách và lòng tự trọng là gì? Hai cụm từ đó không tồn tại trong tiềm thức con người đó chăng? Câu chuyện ám ảnh tôi hàng năm trời và cũng giúp tôi quyết định một cách sống: “Mình sẽ sống để KHÔNG BAO GIỜ phải xấu hổ với bản thân, để KHÔNG BAO GIỜ người khác có thể khinh mình chỉ bằng một phần ngàn so với cảm giác khinh bỉ của mình với người đàn bà đó”. Giá như chị ta cầm tiền, có trả lại tiền lẻ hay không chẳng quan trọng, và nói đơn giản: “Bây giờ chị rảnh, chị sẽ trông xe hộ các em”. Chỉ vậy thôi thì tôi sẽ tôn trọng và cám ơn chị ta biết bao nhiêu. Trong trường hợp này, chị ta đâu cần xin tôi tiền, chị ta trông xe hộ tôi mà? Tôi hiểu ra một điều, cái cách mình nhận tiền cũng thể hiện nhân cách con người.
Cũng từ thời điểm ấy, trong tôi cạn dần những ký ức về công viên Thống Nhất. Sau lần đó, hình như tôi chưa trở lại đó vì sợ phải gặp lại chị ta, cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt gầy gầy, đôi mắt khá to, tóc dài vuốt đuôi chuột cặp đằng sau bằng cái cặp ba lá.
Từ đó, tôi căm căm một cách sống, người khác có thể yêu thương tôi, ghét bỏ hoặc sợ tôi, nhưng tôi sẽ sống, để không cho phép ai khinh bỉ mình. Tôi cũng căm căm dạy con về lòng tự trọng, về nhân cách con người để con tôi có thể và dám ngẩng cao đầu trong mọi trường hợp.
Bây giờ đây, ngồi viết những dòng này, tôi trào nước mắt, hơn 30 năm trôi qua, đất nước đã giàu có hơn nhiều so với ngày đó, để rồi tôi lại phải chứng kiến sự mất nhân cách của KHÔNG CHỈ MỘT CON NGƯỜI mà là của nhiều trăm, nhiều ngàn con người hành xử tương tự, thậm chí còn tệ hơn. Có phải họ đều được sinh ra và nuôi dạy bởi những bậc bố mẹ như người đàn bà kia?
Cái tốt luôn cần được gieo mầm, chăm chút và nuôi dưỡng... Cái xấu lây truyền như bệnh dịch.