Đà Lạt mưa. Mây mù che khuất mặt trời nhưng phảng phất khắp nơi, hơi thở vẫn đẫm sắc xuân. Xuân nhuộm thắm từng khuôn mặt, tràn đầy vào ánh mắt, hòa quyện sắc hồng tươi của những tà áo đủ màu phấp phới quanh hồ Xuân Hương.
Chợt tôi ngẩn ngơ suy nghĩ: “Ừ nhỉ, mình đã và đang có những điều ước gì mỗi dịp xuân về? Liệu có phải hầu hết các điều ước tốt đẹp đều không trở thành sự thật trong xã hội chúng ta???”
Thuở còn tung tăng cắp sách tới trường, ai đó đã gieo vào đầu tôi khát vọng về những ngôi trường đại học cổ kính. Hai cái tên Harvard và Oxford trở thành niềm ao ước khôn nguôi từ bao giờ nhỉ? Năm tôi 10, 12 hay 14 tuổi? Mặc dù lúc đó, tôi đã đủ tri thức để hiểu điều ước của mình thật viển vông. Tôi chôn chặt nó vào lòng, chẳng dám tâm sự với ai vì sợ bị cười, sợ bị bố mẹ mắng là chỉ nghĩ hão huyền. Vào những năm 1970, liệu có ai dám thì thầm về nguyện vọng được đi học ở các nước tư bản chủ nghĩa?
Để rồi tháng 10 năm 1992, 34 tuổi, lần đầu tiên tôi đặt chân đến nước Anh. Về khách sạn lúc 10 giờ tối thứ Bảy, câu đầu tiên tôi hỏi cô tiếp tân là: “Làm thế nào để đi đến Oxford?” Để rồi ngay sáng sớm hôm sau, tôi ra bến xe buýt, một mình mua vé xe đến đó. Cả ngày trời lang thang hết phố này sang phố khác của một Oxford nhộn nhịp, tràn đầy nhựa sống, toát ra từ mọi thứ – những khuôn mặt trẻ trung, tươi mát của sinh viên, những tòa nhà cổ kính chứa đựng biết bao tri thức của nhân loại, các khu ký túc xá từng nâng niu nuôi dưỡng nên biết bao con người vĩ đại... Điều ước thuở ấu thơ cứ trào dâng, tràn đầy trong tôi... Để rồi 7 năm sau, mùa xuân 1997, ở tuổi 40, tôi cầm trong tay bức điện báo tin trúng học bổng Fulbright cho chương trình thạc sỹ (Master) và trào nước mắt. Nhiều niềm vui sướng, tự hào nhưng nhiều hơn cả là sự tiếc nuối và nhận biết rằng món quà đó không nên dành cho mình nữa. Tôi hiểu nếu có đi, chắc mình sẽ cực kỳ chật vật để leo qua được những đỉnh cao mà chương trình này đòi hỏi. Nếu chấp nhận học bổng, có nghĩa là một bạn trẻ có thể có khả năng hơn tôi, trẻ hơn tôi phải từ bỏ ước mơ. Nếu chấp nhận đi tiếp con đường học vấn nghĩa là tôi tự đánh mất cơ hội được làm mẹ...
Để khỏi phải suy nghĩ thêm rồi có thể lại chần chừ, phân vân, tôi fax ngay bức thư từ chối – bức thư đó đồng thời mang lại niềm vui cho một bạn trẻ khác, đang ở trong danh sách dự bị.
Để rồi sau đó gần một năm, niềm vui ập đến khi lần đầu tiên tôi được bế con gái bé bỏng trên tay. Vào giây phút đó, những điều ước thuở ấu thơ lại ào ạt trở về. Tôi hứa với mình sẽ truyền lửa đam mê, truyền tri thức để con đủ khả năng tiếp nối giấc mơ còn bỏ dở của chính mình.
Cho đến gần một năm trước đây, khi con băn khoăn, ngập ngừng hỏi: “Mẹ ơi, con có buộc phải vào Stanford hoặc Havard không hả mẹ?” thì trong tôi như lóe lên một tia chớp của sự thức tỉnh. Những lời tâm sự về điều ước thuở ấu thơ của tôi... dường như đang là nỗi ám ảnh với con, ngăn cản con dám có những điều ước của riêng mình. Cám ơn con, câu hỏi của con đã đánh thức mẹ tỉnh dậy sau giấc mơ kéo dài gần 50 năm.
Tôi pha một ấm trà, kéo con ngồi xuống bên mình, ôm vai con, rồi nhẹ nhàng nói: “Đó là ước mơ 50 năm trước của mẹ và chỉ của một mình mẹ. Giờ thì mẹ hiểu, chỉ riêng việc có con trên đời này đã là sự may mắn của số phận mẹ, là niềm vui và hạnh phúc lấp đầy tất cả các điều ước không thành của mẹ rồi. Ai cũng có những điều ước không thành, những giấc mơ mãi vẫn chỉ là giấc mơ. Nhưng sẽ rất không công bằng khi ai đó (kể cả mẹ) muốn áp đặt con thay mình thực hiện nó. Con có quyền tự lựa chọn bất cứ điều gì con muốn, vào bất cứ trường nào con thích và sau này sống trọn vẹn cuộc sống của con. Mẹ luôn ủng hộ con nhưng có một lời khuyên: con phải hiểu thật rõ khả năng của bản thân, đừng bao giờ xây dựng ước mơ vì số đông người khác muốn thế hoặc để đem đến niềm tự hào cho bất cứ ai. Hãy luôn cố gắng sống với niềm tự hào về bản thân mình, vì những giá trị mình thực sự mang lại cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Hãy cố gắng tìm niềm vui và sự hài lòng từ những việc nhỏ nhất hàng ngày, khi đó con sẽ với tới hạnh phúc thật sự”.
Nhìn mắt con gái sáng lên kèm với nụ cười rạng rỡ, tôi thấy trong tôi cũng dâng lên niềm vui khó tả: “Con có biết là chính con đã dạy cho mẹ bao bài học trong cuộc sống không?”. Cái tôi không ngờ là con tâm sự tiếp: “Mẹ biết không? Ai cũng nói là phải vào các trường hàng đầu để sau này tìm được việc làm tốt, được lương thật cao. Con chẳng hiểu tại sao cứ phải thế? Con luôn cố gắng học vì con nghĩ mình có trách nhiệm phải làm tốt những gì là công việc của mình. Nhưng học giỏi chỉ để sau này kiếm nhiều tiền thì chán lắm”. “Con ạ, học là để trở thành người có tri thức, có văn hóa, để mình có đủ khả năng hiểu những gì xảy ra trong cuộc sống và xã hội, để có khả năng và cơ hội làm được những điều mình thích. Nhưng riêng việc học giỏi không đem lại hạnh phúc cho con người. Có biết bao người không được học hành tử tế vẫn có ích cho xã hội, vẫn sống hạnh phúc. Mỗi người một việc mới tạo thành một xã hội đa dạng”. Câu chuyện giữa hai mẹ con cứ thế kéo dài mãi...