Tôi tình cờ đọc được bài báo “Con gái kể chuyện bố trải chăn ngủ dưới chân bàn thờ mẹ”. Chia sẻ của cô gái thật cảm động nhưng lại chợt làm cho tôi tự hỏi:
1. Nếu tôi có chồng và chẳng may phải đi xa trước, thì ở nơi ấy, liệu tôi có thấy vui không khi chồng tôi vật vã, đau khổ 10 năm trời vì nhớ thương tôi? Tôi nghĩ đi, nghĩ lại và thấy thật sự mình không mong vậy. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, con người nên vượt qua đau khổ mà tiến lên phía trước, chứ cứ “chìm đắm” vào quá khứ thì chẳng có ích cho ai. Người đi xa đã đi rồi, nếu người đó yêu thương bạn thì sự đau khổ, vật vã, tuyệt vọng của bạn sẽ là nỗi đau khôn nguôi, làm cho người đã ra đi khó yên ổn dưới suối vàng. Chắc bạn còn nhớ câu thơ: “Ba năm chực tiết còn gì là xuân?”
2. Nếu tôi có mệnh hệ gì, nếu con gái tôi vật vã, đau khổ để rồi không thể cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc triền miên trong 10 năm trời và lâu hơn nữa, thì liệu tôi có vui và tự hào vì “sự hiếu thảo” của con? Tôi sẽ đau khổ và thất vọng biết bao nếu con gái không tự vượt qua được những quy luật của tạo hóa để sống cuộc sống của chính mình, mà lại bằng tàn phá cuộc đời nỗi đau mất người thân.
Và tôi cứ trăn trở về cái khác nhau cơ bản trong cách tiếp cận vấn đề:
• Nếu ai đó có chồng hoặc vợ đi xa không trở lại, ở “bên Tây”, người còn lại đau khổ vài tháng đến một năm đã bị cho là quá lâu và ai cũng động viên người đó hãy tự đứng dậy, vượt qua đau khổ mà tiếp tục sống, tìm niềm vui và hạnh phúc mới. Còn ở ta, người còn lại vật vã, đau khổ, tiếc thương càng lâu thì càng được ca ngợi. Người ta ca ngợi những người vợ kiên trinh cả đời sống để “thờ chồng”. Người ta tấm tắc khen những cô con dâu dành thời gian để lo tổ chức giỗ thật to cho nhà chồng. Tóm lại, người ta khen những ai cứ “chìm đắm” trong đau khổ vì hai chữ thủy chung với người đã khuất.
• Nếu ai đó có chồng hoặc vợ mất chưa đủ 3 năm mà lại có “người mới”, họ sẽ bị mọi người xì xào, bàn tán, trề môi, bĩu mỏ chê bai là vợ (chồng) chưa xanh cỏ mà đã nhấp nhổm.
• Bố hoặc mẹ nằm xuống, tại sao phải sau 3 năm con cái mới được nghĩ đến chuyện cưới xin? Vì vậy mới vừa đau khổ, vừa nực cười cái cảnh đám cưới “chạy tang”. Người ốm nằm trong phòng kín, để mà chứng kiến cảnh con “buộc phải vui vẻ” cưới trước khi mình ra đi, cho thiên hạ khỏi chê cười.
Những hủ tục đó nói lên điều gì?
Sự ích kỷ của người đời ẩn đằng sau thái độ “khen ngợi” sự đau khổ triền miên của người khác. Và để được khen ngợi, người ta cứ phải “gắng gượng, rướn mình lên” mà đau khổ càng lâu càng tốt. Người ta chụp những tấm ảnh trẻ trần truồng để kêu gọi sự thương hại của thiên hạ, để rồi gián tiếp khuyến khích trẻ con là cứ khóc, cứ than, cứ nước mắt nước mũi đầm đìa thì “xin” được lòng thương và quần áo từ người khác. Sao ta không nghĩ: hãy chụp hình ảnh những em bé cười vui bên tấm áo mới được cho để khuyến khích niềm vui và những điều tích cực trong cuộc sống?
Tôi nhớ có cô bạn vì chồng đi cặp bồ nên vợ chồng li dị. Tính cô vốn can đảm nên hầu như không thấy cô thể hiện sự buồn bã hay đau khổ cho bất cứ ai biết. Cô sống và nuôi con, vẫn vui vẻ, vẫn lạc quan dù biết rằng đằng sau lưng cô là biết bao ánh mắt lườm nguýt, bao lời chê bai. “Đã bị chồng chê, đi cặp bồ mà còn “vô liêm sỉ” đến nỗi không biết ngượng. Mặt mày vẫn cứ vênh lên thế kia”? Bạn tôi biết đằng sau những thái độ đó là sự ghen tức, sự ấm ức của những con người đang chờ cô phải vật vã, phải than khóc, phải đóng một vở kịch “người vợ tội nghiệp bị chồng bỏ rơi”! Hồi đó, tôi thường đến với bạn để ríu rít với nhau những câu chuyện “trên trời dưới biển”, để lấp chỗ trống về thời gian cho cô không có lúc nào buồn, để đưa mẹ con cô đi chơi và nói với cô rằng: “Đời còn nhiều người tốt và con người không xứng đáng kia đã có ai đó “nẫng đi hộ”, biết đâu lại là sự may mắn?”. Và bây giờ, tôi thấy đời cô may mắn thật.
Tôi còn nhớ có những ông bố bà mẹ bệnh tật (hoặc giả bệnh tật) triền miên hết năm này đến năm khác. Họ nằm đó, khi thấy con cái vui vẻ thì rất bực bội: “Tao thì ốm đau bệnh tật mà chúng nó bỏ tao đi chơi, mà chúng vẫn vui vẻ cười nói?” Vậy họ muốn gì đây, muốn cả nhà phải bất hạnh, phải vật vã, phải từ bỏ cuộc sống bình thường, nếu có ai đó chẳng may ốm đau bệnh tật hoặc qua đời?
Vậy thì chúng ta hãy sống và cố gắng luôn vui vẻ, hạnh phúc trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chẳng ai sống hộ ai nên không những vượt qua đau khổ mà nhiều lúc, chúng ta còn phải cắn răng vượt qua những bàn tán, dị nghị, sự cười chê từ những người ác ý hoặc cổ hủ. Hãy sống cuộc sống của bạn và dạy cho con cái cách sống tích cực, đừng bao giờ “câu” sự thương hại của thiên hạ bằng nước mắt và buồn đau.
Khi con gái còn nhỏ, tôi thường xuyên tâm sự với con: “Trong cuộc đời, có những việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của mình. Mẹ nói ví dụ là nếu mẹ có bị chuyện gì, thì con phải làm thế này nhé...” Lần đầu tiên nghe tôi nói vậy, con gái khóc òa lên, nức nở ôm chặt lấy tôi. Lần thứ hai, con rơm rớm nước mắt. Từ lần thứ ba, con tiếp lời: “Thì con sẽ gặp chị A, anh B, con sẽ phải làm những việc này phải không mẹ? Lần cuối tôi nói với con là khi con 15 – 16 tuổi, con trả lời tôi: “Mẹ không cần dặn nữa đâu, con nhớ lắm rồi! Mẹ cứ sống khỏe mạnh và đi chơi đi, không cần lo gì cho con đâu”. Đến lúc đó, tôi thật sự yên tâm là nếu chẳng may thiếu tôi, con vẫn ngẩng cao đầu vượt qua mất mát, con sẽ tự biết xoay xở để mà sống và tìm được niềm vui trong cuộc sống. Con cũng biết rõ rằng, tôi muốn nhìn thấy mọi người lau hết nước mắt, mở karaoke lên hát nếu nhớ đến tôi. Con cũng biết rằng, tôi sẽ tự lên kế hoạch cho đám ma của mình cùng với con, vì ngày đó không sớm thì muộn sẽ phải đến, chỉ là việc của 10 năm, 20 năm hay lâu hơn chút nữa mà thôi.
Vậy thì dù thế nào đi chăng nữa hãy sống và sống thật hết mình để không phải nuối tiếc. Hãy chuẩn bị tâm lý cho người thân yêu (kể cả vợ hoặc chồng bạn) và nói rõ để họ biết rằng, ở nơi đó, bạn chỉ có thể yên lòng khi thấy người thân khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc.