Con gái yêu của mẹ!
Mẹ nhớ mãi một ngày tháng 5 năm 2006, thiếu sáu tháng nữa con tròn 9 tuổi. Tháng 9 năm đó, con sẽ một mình nhập trường nội trú ở thành phố Bristol nước Anh. Ba người nhà mình quyết định đi leo núi Yên Tử. Lúc đó, cáp treo mới hoàn thành giai đoạn 1, muốn lên chùa Đồng phải leo núi khá xa, đường đi ngoằn nghèo với những đoạn một bên là vách đá, một bên là vực, rất nguy hiểm. Con đã được chuẩn bị kỹ từ lâu về mọi thứ: tập leo núi, kỹ năng đi bộ, rèn luyện sức khỏe... và mẹ nghĩ mọi thứ đã rất hoàn hảo cho con thử sức.
Thật tuyệt vời! Ngồi trên cáp treo, cảm giác mình như đang bay qua vực sâu, hướng lên phía đỉnh núi, xung quanh là núi đồi hùng vĩ, cây cối xanh ngút ngàn. Rời cáp, hình như chỉ có ba chúng mình leo tiếp đoạn sau. Đi được độ một phần ba quãng đường, trời đột nhiên mưa lâm thâm. Mẹ hơi lo ngại nhưng vẫn động viên con đi tiếp, quyết không bỏ cuộc. Có một điều mẹ không ngờ tới để chuẩn bị, tuy mưa không dày hạt lắm, nhưng có lẽ vì ẩm ướt nên giun đất bò ra nhiều kinh khủng. Nói thật, mẹ sợ tất các loài vật bò sát, cái bọn cứ đong đưa uốn éo, ngoằn nghèo, trông thấy là đã rợn tóc gáy. Một điều không ngờ nữa là con gái mẹ cũng sợ giun và vì còn bé, con không kiểm soát nổi mình. Nhìn lũ giun dày đặc dưới đất, con run bắn lên, bám chặt vào tay mẹ, co chân tránh giun, mặt tái mét, mếu máo. Nếu cứ thế này thì con có thể kéo cả ba xuống vực, nát thây chứ chẳng chơi. Không kịp suy nghĩ nhiều, mẹ gầm lên: “Thu, ngẩng cao đầu lên, cắn chặt răng lại và đi”. Con giật mình, mắt mở to đầy nước mắt, có lẽ sợ mẹ quá nên tạm quên nỗi sợ giun. Mẹ nắm chặt tay con, nghiến răng dùng chân xéo nát một con giun, rồi cố nói một cách bình thản: “Con thấy không, mình có thể di chết giun mà, thế sao mình lại sợ nó? Thôi cắn răng lại, mẹ muốn nghe con cười, rồi mình đi tiếp”. Vậy là con cố nhe răng cười to một cách gượng gạo, bước tiếp. Lên đến chùa Đồng, mẹ ôm con vào lòng căn dặn: “Mẹ không thể đi theo con suốt cả cuộc đời. Có những lúc, nỗi sợ hãi sẽ làm mình trở nên mụ mẫm, không còn tỉnh táo để suy nghĩ và hành động một cách sáng suốt. Nỗi sợ hãi có thể là nguyên nhân giết chết ta một cách oan uổng. Vì vậy, đừng bao giờ để cho sự sợ hãi chế ngự, kiểm soát mình con ạ! Bất cứ lúc nào, khi thấy mất tinh thần hay sợ hãi, con hãy nghiến chặt răng lại, ngẩng cao đầu và tập trung suy nghĩ để tìm ra cách tốt nhất vượt qua tình thế nguy hiểm”.
Hơn một năm sau, tháng 12 năm 2007, trong lần đi trượt tuyết ở Áo, con bị trượt xuống vực một mình lúc trời nhập nhoạng tối. Con can đảm, không khóc lóc, không mất bình tĩnh mà đã tìm mọi cách báo hiệu cho mọi người biết để xuống giúp.
Tháng 12 năm ngoái, nhà mình lại đi trượt tuyết. Sau mấy ngày tập, con quyết định lên trượt trên đỉnh cao, nơi dành cho những người đã thành thạo. Nhìn lên đỉnh núi xa tít, mây mù che khuất, mẹ thấy run rẩy tự đáy lòng. Muốn thốt ra một lời để ngăn con nhưng rồi mẹ tự nghiến chặt răng lại: “Không, mẹ không thể đi theo để bảo vệ con suốt cả cuộc đời”. Hãy để con được thử thách và tự lựa chọn làm những việc con muốn. Mẹ không thể dùng tình yêu làm lực cản trên bước đường đời của con. Con không ngã ngày đầu, mà đến 2 – 3 ngày sau mới ngã. Cú ngã làm con lăn lông lốc hàng trăm mét từ đỉnh núi. Lại một may mắn lớn, chân không bị gãy nhưng đau mất ba tháng mới khỏi. Con rút ra bài học: mấy ngày đầu, con rất cẩn thận; đến ngày đó, con hơi tự tin quá, nghĩ là mình đã thạo, sơ ý vài giây và bị ngã ngay. Vậy đó con ạ, mình phải chế ngự sự sợ hãi nhưng không bao giờ được chủ quan, mẹ mừng là con đã học được bài học quý giá, có ích cho con đến cuối đời.
Chắc con cũng biết, mấy tháng nay, liên tiếp xảy ra bốn vụ tai nạn máy bay làm hàng trăm người thiệt mạng, đặc biệt thương tâm là vụ MH17 bị bắn tại Ukraine. Hàng ngày hàng giờ, báo chí, đài truyền hình trong nước và quốc tế, các mạng xã hội, các thông tin, bình luận, chia sẻ lan truyền chóng mặt. Ai không biết cũng phải biết. Ai chuẩn bị phải đi máy bay cũng cảm thấy bất an, lo lắng. Đó là tâm lý rất thông thường. Truyền thông như một tấm gương nhiều chiều, phản ánh mọi mặt của các sự kiện dưới nhiều góc độ khác nhau. Tấm gương đó lại được phóng đại lên theo thời gian và không gian, xoáy vào tâm trí ta, làm cho trí óc ta bị xoay chiều theo nó một cách tự nguyện. Ta không còn minh mẫn, tỉnh táo để phân tích, suy luận một cách logic mà suy nghĩ theo vòng xoáy của số đông và lo sợ những điều mà mọi người bàn tán là đáng phải lo sợ.
Những tháng này, con phải bay đi, về từ Anh rồi lại bay đi Thái Lan. Ai cũng khuyên mẹ nên bảo con hủy hoạt động xã hội ở Thái Lan vì tình hình bên đó rất căng thẳng. Mẹ theo dõi báo chí về đảo chính ở Thái Lan, lo lắng đến thắt ruột nhưng lại tự bắt mình chịu đựng, dành cho con toàn quyền quyết định việc đi hay ở lại. Đưa con lên sân bay, mẹ không thấy con thể hiện chút lo sợ nào. Thôi con cứ đi đi, nếu lo sợ quá nhiều, mình sẽ làm mất hết cơ hội được đi, được cống hiến, được học hỏi và được sống hết mình, con ạ!
Lại nhớ, khi con còn bé, trước tuổi vào Lớp 1, mỗi lần mẹ sắp phải đi công tác, con hay mất ngủ, thầm thì hỏi: “Mẹ ơi, có bao giờ mẹ đi, rồi không trở về nữa không? Máy bay có rơi không hả mẹ?” Con biết không, trong những đêm đó, nằm ôm con, mẹ cũng phải cố nén nỗi lo sợ vô cớ trong lòng. Con chỉ có một mình mẹ, nếu có chuyện gì xảy ra, mẹ không trở về, con sẽ ra sao? Ngược lại với nỗi lo trong lòng, mẹ đã giải thích cặn kẽ cho con nhiều điều: sự sống và cái chết, rủi ro và may mắn. Mẹ con mình cũng đã nhiều lần nói chuyện về sự an toàn của các phương tiện giao thông, đặc biệt là về ngành hàng không. Mẹ nói với con về việc hàng năm, tai nạn giao thông ở Việt Nam lấy đi hơn 10.000 sinh mạng. Mẹ cũng kể rằng, năm 1997, khi mẹ đang mang thai con, Vietnam Airlines bị một tai nạn máy bay rơi ở Campuchia.
Mấy hôm nay, mỗi khi vào mạng, mẹ lại thấy có nhiều chia sẻ, những câu xót thương, nhiều lúc nghe rất ai oán của mọi người. Chợt nghĩ, trong cuộc đời mỗi người, sẽ phải trải qua bao mất mát cũng như những nỗi buồn. Nhiều lúc, một tai nạn hàng không xảy ra ở đâu đó làm ta xót thương cho những người gặp nạn, rồi liên tưởng tới bản thân và gia đình, lo sợ liệu nó có xảy ra cho ta hay người thân? Con có đọc bài báo của chú Lương Hoài Nam phân tích về tỉ lệ tai nạn và phần trăm tử vong rất nhỏ xảy ra do tai nạn hàng không so với các phương tiện giao thông khác. Mẹ tìm và biết thêm con số cụ thể hơn, năm 2013, số người tử vong vì tai nạn giao thông ở Việt nam là 9.369 người. Từ năm 2011 trở về trước, con số này đều hơn 10.000 người/năm.
May mắn thay, từ năm 1997, Vietnam Airlines không bị tai nạn máy bay nào, trong khi số người tử vong vì các phương tiện giao thông khác là hơn 170.000 người. Vậy thì con nhé, có những nỗi lo sợ vô cớ mà trong đời ai cũng phải đương đầu và con phải kiểm soát được nó bằng lí trí.
Con nhớ không, mẹ vẫn hay kể cho con nghe về những kỷ niệm khi mẹ còn làm đoàn trưởng tiếp viên Vietnam Airlines. Mẹ yêu quý và gắn bó với các cô chú tiếp viên vì nghề đó không hề nhẹ nhàng, dễ dàng như mọi người nghĩ. Nhiều người đã không thể vượt qua sức ép tâm lý hoặc không đủ sức khỏe để gắn bó lâu dài. Mẹ biết, trong những ngày này, các cô chú và gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con...) lại đang hoang mang, lo lắng. Mẹ muốn dặn con một điều: khi lớn lên, con có thể chọn bất cứ nghề nào con muốn nhưng hãy nhớ có một nghề mà thiếu nó, mẹ con mình sẽ không thể gặp nhau mỗi khi con được nghỉ, con sẽ không thể tới được những nơi xa tít tắp, để thỏa ước mong được tìm hiểu về bao miền đất lạ: đó là nghề lái máy bay và tiếp viên hàng không. Khi đi máy bay, con hãy hết sức tôn trọng những người đang làm việc cần cù để chắp cánh cho con bay xa, giúp cho con đi được khắp nơi trên thế giới rộng lớn này. Nếu trên chuyến bay nào đó, con gặp một người tiếp viên chưa được vui vẻ, niềm nở với khách, hãy cố gắng thông cảm. Biết đâu, con gái nhỏ của họ (nhỏ như khi con nằm thủ thỉ với mẹ khi xưa), đang bị ốm ở nhà. Và vì không đủ người thay thế, họ vẫn phải xách vali lên chuyến bay thực hiện nhiệm vụ. Nếu có dịp, con hãy trò chuyện với những người tiếp viên trên chuyến bay, để cám ơn các anh chị vì công việc họ làm.