Tôi xác định đây là đề tài khó nhất khi bàn về nuôi dạy con. Vì sao vậy?
• Như tôi đã nêu rõ trong bài viết đầu tiên, cái thuộc về quan điểm cá nhân thì không thể nêu ra như một mô hình chung để người khác dễ dàng làm theo.
• Những cá tính, thói quen được coi là tốt đối với gia đình này lại có thể là không thể chấp nhận được đối với gia đình khác.
• Khó hơn nữa là bàn về định hình nền tảng đạo đức cho con, đặc biệt là trong tình hình xã hội hiện nay, ví dụ:
• Tôi có thể muốn con lớn lên phải là người trung thực, thẳng thắn. Nhưng nhiều người sẽ phản bác với lý luận: sống trong xã hội như bây giờ, trung thực, thẳng thắn là dại và luôn chịu thiệt thòi.
• Tôi muốn con sẽ là người nhạy cảm, thương người, luôn biết thông cảm và chia sẻ với những người xung quanh. Nhưng trong thực tế xã hội, biết bao trái tim nhân hậu khô cằn dần vì bị lợi dụng, thậm chí bị lừa đảo.
Do vậy, việc phân định đúng – sai – tốt – xấu là không thể và cũng không phải mục đích các bài viết của tôi về đề tài này. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu đó là những chia sẻ kinh nghiệm tôi đã làm (trên cơ sở quan điểm và kiến thức do tôi tích lũy từ sách báo), trên cơ sở đó giúp con gái định hình cá tính, thói quen và nền tảng đạo đức. Những ai không cùng quan điểm cũng có thể dựa một phần trên phương pháp này để tạo cho con những nền tảng mà gia đình mình cho là tốt. Việc này đòi hỏi sự thống nhất của các thành viên trong gia đình sau khi xác định được mục đích và đưa ra các bước thực hiện. Bạn cũng phải xác định: có một đôi mắt nhỏ luôn theo dõi, chụp ảnh các hành động của từng thành viên trong gia đình, đôi tai nhỏ luôn nghe và so sánh những gì bạn nói với việc bạn làm. Do vậy, tất cả những gì xảy ra nằm trong hoặc ngoài tầm kiểm soát của bạn phải được giải thích rất rõ ràng, rành mạch, chứ không thể bỏ qua hoặc lấp liếm với một cái tặc lưỡi: “Nó còn nhỏ, biết gì, sẽ quên ngay thôi mà”. Trẻ con không bỏ qua cái gì và những việc bạn làm hôm nay sẽ được trẻ lặp lại, có thể với hình thức khác hẳn, khiến chính bạn phải ngạc nhiên: “Sao con mình lại có tính đó, ai dạy nó vậy?”. Trong quá trình phân tích các ví dụ, tôi sẽ có nhiều cơ hội chứng minh quan điểm này.
Lúc mang bầu, tôi dành nhiều thời gian để ngẫm nghĩ: “Vậy mình muốn con trở thành người thế nào về các mặt: tri thức, cá tính, thói quen và đặc biệt là đạo đức?”. Tôi lôi về hàng đống sách, chủ yếu là sách giáo dục con cái của các tác giả Mỹ và Anh, rồi cắm đầu đọc để có cơ sở lựa chọn. Kết quả là tôi viết lại trên ba tờ giấy những điều mình cho là đúng. Lại tìm tiếp sách để học xem muốn con lớn lên có những chất lượng mình chọn thì phải làm gì.
Trước tiên, tôi sẽ nói về lựa chọn các cá tính và thói quen mà tôi muốn con có, đó là:
1. Về ăn uống:
• Dễ dàng, không cầu kỳ, để sau này con có thể thưởng thức mọi loại đồ ăn ở mọi nơi, miễn là hợp vệ sinh.
• Ăn uống sao cho luôn khỏe mạnh, không bị béo phì, cũng không gầy giơ xương như một số các cô gái hiện đại. Muốn thực hiện hai điều này, tôi sẽ luyện cho cháu: Ăn nhiều rau và trái cây, các loại ngũ cốc nguyên cám. Hạn chế tối đa uống các loại nước giải khát có đường, ăn rất ít bánh, kẹo, các loại đồ chiên, rán, cũng như các đồ ăn nhanh.
2. Về sinh hoạt:
3. Quan hệ với bạn bè:
Những điểm nêu trên chỉ là ví dụ, tôi không thể nêu đầy đủ vì sẽ quá dài. Với thời gian, khi con lớn dần, tôi bổ sung những gì quan trọng phù hợp với lứa tuổi nhưng còn thiếu, và lược bỏ bớt những gì được coi là đã hết ưu tiên. Với các điều liệt kê trên, cũng có một số cái tôi thất bại, nhưng không thể làm lại hoặc sửa vì đã qua mất cơ hội.
Xin các ông bố và bà mẹ nhớ rằng, điều quan trọng nhất mình có thể dành cho con không phải là tiền bạc, quần áo đẹp, thức ăn ngon hay nhà cao cửa rộng. Cái chúng cần nhất là sự yêu thương được thể hiện đúng cách, là thời gian các bạn dành để giúp các con bước vào đời. Hãy cố gắng dành ít nhất hai tiếng mỗi ngày với trẻ, nếu bạn không thể sắp xếp được nhiều hơn. Xin các ông bố bớt tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt hoặc “chém gió” bên cốc cà phê để đọc cho con nhỏ nghe vài trang sách. Tắt TV, nếu không muốn bé sau này thành “tín đồ” của TV. Một nghiên cứu đã xác nhận: trí thông minh của trẻ con tỉ lệ nghịch với thời gian xem TV. Tôi tuyệt đối không cho con tôi xem TV, cho đến lúc con lên 6. Và kết quả là nó chỉ thích đọc, không hề muốn xem bất kỳ chương trình TV nào.
Hãy yêu thương, san sẻ và chân thành với những người xung quanh trẻ (ví dụ với người giúp việc), vì mình yêu thương họ thì họ sẽ yêu thương con mình. Đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương của mọi người, bao giờ cũng thành con người cởi mở, nhân hậu, biết chia sẻ.
Đi vào chi tiết của việc nuôi dạy con, tôi sẽ chia sẻ về những cách cụ thể để tạo thói quen và nền tảng tốt cho các bé (từ ngày đầu tiên sinh ra).
• Trước tiên nói về thói quen ăn uống: muốn cho con dễ dàng trong việc ăn uống và sau này biết lựa chọn ăn những thứ tốt cho sức khỏe.
Chính bố mẹ phải có tâm lý nhẹ nhàng về việc ăn của bé: ăn theo nhu cầu, tuyệt đối không ép. Ép sẽ dẫn đến làm bé bị ói và sợ, rồi dẫn đến chán ăn. Theo tôi quan sát, 100% các trường hợp bé lười ăn là do bị ép dưới hình thức này hoặc khác, thậm chí ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời. Sách vở hoặc các bác sĩ có thể nói: cứ 1 kg cân nặng thì bé phải ăn được ít nhất lượng sữa là bao nhiêu ml/ngày. Vậy là các ông bố bà mẹ liền lấy đó làm “chân lý” và khổ sở để tính, đếm, rồi ép bé ăn bằng được cho đủ. Thực ra, đó chỉ là gợi ý vì các bé có nhu cầu khác nhau (cũng như người lớn). Vì vậy, không thể có một tiêu chuẩn cứng nhắc áp dụng cho tất cả các trường hợp. Bé này có thể ăn nhiều hơn (1000ml/ngày), còn bé kia ít hơn (500ml/ngày), không có gì là lạ. Miễn là các bé khỏe mạnh, vui vẻ, không ốm, biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao đi lên, chứ không cần mỗi tháng nhất định phải lên ít nhất là 1kg.
Các bà mẹ Việt Nam coi ăn uống là quan trọng hàng đầu trong việc nuôi con và dành hầu hết thời gian quý báu cho việc này, tôi xin chia sẻ về hai vấn đề:
• Tập cho bé thói quen ăn uống khoa học là cơ sở định hình một trong những thói quen quan trọng nhất của con người sau này.
Từ tháng thứ Bảy, nên tập cho bé ăn cháo loãng. Mấy ngày đầu, bé có thể bị ọe hoặc ói một chút. Tập rất từ từ, lấy cho bé từng chút một, để bé tự đút. Nếu bạn đã cho bé tập nhai từ lúc 3 tháng rưỡi thì chỉ sau 3 – 4 ngày, bé có thể ăn cháo loãng ngon lành. Nếu bé chưa biết nhai, bạn phải thực hành lại bước tập nhai trước, nếu không bé sẽ nuốt chửng như khi ăn bột hoặc đồ xay nhuyễn và sẽ bị ói nhiều. Nên cho bé làm quen từ từ với tất cả các loại đồ ăn (trái cây, rau, củ, các loại thịt, cá, gạo, mì...). Nguyên tắc là từ tháng thứ 10, bạn có thể tập cho bé ăn cơm nát và từ tháng thứ 11, người lớn ăn gì bé có thể ăn đó. Đừng cho bé kiêng cữ gì, nếu không có lý do đặc biệt. Ví dụ, khi đi ăn phở, cứ cho bé ăn tô phở với đầy đủ rau thơm, hành lá (bạn có thể yêu cầu nhà hàng nhúng vào nước sôi cho chín hơn). Nếu bạn coi là bé không thể ăn gia vị và vớt hết ra thì khi lớn lên, bé sẽ có thói quen ăn phở không gia vị. Hãy tìm các loại sách nói về ích lợi của việc ăn uống lành mạnh (sách có tranh đẹp là tốt nhất), cùng đọc với con. Nói chuyện với con về những thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe. Hãy chất nhiều trái cây tươi trong tủ lạnh, thay vì nước ngọt và bánh kẹo. Cho bé uống nước cam vắt (không cần cho thêm đường), nước táo tươi ép, thay vì cho bé làm quen với nước uống có ga. Từ bé đến giờ, con gái tôi không hề uống các loại nước ngọt đóng hộp hoặc đóng chai. Cháu sẽ chọn nước trái cây, rau củ tươi, hoặc nước trắng. Nếu bạn không thích con có thói quen ăn các loại đồ ăn vặt chiên giòn, đừng mua cho con. Động viên con ăn rau trong mỗi bữa cơm. Và điều quan trọng nhất là muốn con có thói quen ăn uống lành mạnh, bạn phải làm gương và cũng phải dành thời gian để đảm bảo bữa ăn của con đủ dinh dưỡng.
• Luyện cho con có các thói quen tốt trong sinh hoạt, ví dụ:
Để con tự lập, bố mẹ phải quyết tâm và kiên trì, ngay từ thời điểm bé được sinh ra. Bạn hãy để bé tự quyết định bú bao nhiêu sữa là đủ, rồi tự ngủ khi thấy buồn ngủ – đó là những bài học đầu tiên. Đừng tạo thói quen phụ thuộc theo kiểu: phải bế ru hoặc ngậm ti mẹ thì bé mới ngủ, hoặc hễ khóc là phải bế lên dỗ... Nhưng lại phải đọc được tín hiệu khi bé cần bạn: bé đói, bé đau hoặc khó chịu, để an ủi và tỏ tình yêu thương đúng lúc và đúng cách. Hãy thủ thỉ nói chuyện với con về tất cả mọi việc với cách diễn tả đơn giản, dễ hiểu ngay từ ngày đầu tiên. Kiên trì dạy bé làm từng việc nhỏ, động viên khi bé chán nản, không bao giờ được mắng vì bé chưa làm được tốt việc gì đó. Tôi mất hơn 2 tuần để dạy con gái bò lên bò xuống cầu thang, từ lúc con được 8 tháng. Tôi cầm từng bàn chân, bàn tay bé để đặt vào các vị trí của bậc thang, mồm giải thích rất rõ ràng mỗi động tác, rồi bò lên thì con trước, mẹ sau; bò xuống thì mẹ trước, con sau. Con biết bò cầu thang, tôi mới nhận ra là mình bắt đầu bị đau lưng, nên mới tập “suối nguồn tươi trẻ”. Con gái tôi biết tự bò cầu thang trước khi biết đi, bò lên bò xuống rất nhanh và tự hào về điều đó lắm. Tôi cũng luyện cho con tính kiên trì bằng cách: cùng con làm đến cùng những gì đã được bắt đầu, quyết không bỏ dở giữa chừng. Tôi cho con tập bơi lúc 3 tuổi và để bé chịu tập bơi, dù rất sợ nước nhưng đến lúc đó, tôi cũng lui cui tập bơi. Nhờ tập bơi cùng con, mà bây giờ, hai mẹ con có niềm vui là có thể bơi và chơi các trò chơi dưới nước một cách tự tin khi đi biển.
Hãy tập cho con thói quen ăn mặc hợp hoàn cảnh, hợp túi tiền. Ví dụ, đi biển thì mặc váy ngắn hoặc quần sooc, đi học mặc đồng phục. Nếu trước mặt con, bạn bàn tán với bạn bè và tỏ ra say mê hàng hiệu, bé sẽ thích dùng hàng hiệu từ lúc còn bé, không phải vì thẩm mỹ hoặc giá trị sử dụng mà chỉ vì nghĩ hàng hiệu sẽ nâng giá trị con người lên.
Tôi có thói quen là khi làm gì cũng nói với con theo kiểu bàn bạc. Ví dụ, trước khi đi đâu, tôi lấy một tờ giấy, ngồi cùng bé để liệt kê các đầu việc sẽ làm, các thứ cần mang theo, những điều cần lưu ý. Tôi làm điều này từ lúc con khoảng 9 tháng tuổi và không ngờ tác dụng lại tốt thế. Con gái tôi biết cách lập kế hoạch cho các việc phải làm từ rất sớm, thậm chí trước khi bắt đầu đi học lớp 1. Lúc bé 3 tuổi, chuẩn bị đi đâu là cháu tự soạn quần áo, vật dụng, tôi không cần làm hộ.
Thú thật, tôi thất bại khi dạy con sắp xếp đồ đạc, vật dụng cá nhân trong nhà ngăn nắp. Lý do là vì chính tôi không biết làm sao cho ngăn nắp. Bàn làm việc của tôi luôn bề bộn toàn sách và tài liệu. Tủ quần áo sắp xếp không khoa học và con gái tôi cũng bị tình trạng tương tự. Đúng là “Mẹ nào con nấy”, chẳng đổ cho ai được.
Để con không có thói quen xem TV nhiều, tôi phải gương mẫu nên cũng bỏ được việc cứ ở nhà là bật TV lên. Tôi dành rất nhiều thời gian đi hiệu sách cũng như đọc sách cùng với con. Tôi không chơi điện tử nên con cũng như vậy.
Về các khái niệm đạo đức thì sao? Tôi nghĩ phần này sẽ khó nhất và vì vậy, chần chừ mãi chưa biết phải tiếp cận vấn đề thế nào để ít bị ném đá. Quan điểm về đạo đức của con người là phạm trù rất rộng, có thể gây những tranh cãi nảy lửa, không có hồi kết.
Vì vậy, trong bài viết này, tôi chỉ nêu quan điểm cá nhân và chia sẻ những cách tôi đã dạy con ra sao, không hề có ý công kích quan điểm của ai khác hoặc phê phán những thói xấu của người Việt Nam mà báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực thời gian qua.
Khi con chuẩn bị ra đời, tôi đã hiểu rõ một nguyên lý rất quan trọng: với trẻ con một vấn đề sẽ chỉ có một tiêu chuẩn. Trí óc chúng còn non nớt, các bé chưa thể hiểu được khái niệm theo kiểu: “Đi với bụt mặc áo cà sa/ Đi với ma mặc áo giấy”. Các bé sẽ không chấp nhận “double standards” – “Tiêu chuẩn kép”. Do vậy, mặc dù sống trong gia đình có ba thế hệ, tôi dùng quyền của người mẹ (và tôi xác định là tôi có quyền đó, kể cả về tình và lý) để yêu cầu mọi người: hãy để tôi được toàn quyền quyết định nuôi và dạy chính con tôi. Bây giờ, nghĩ lại, tôi mới thấy mình đã thực hiện được điều đó, mặc dù nó cực kỳ khó khăn, chứ không hề đơn giản.
Lúc đó, đầu tiên, tôi liệt kê các tiêu chí rõ ràng về đạo đức mà tôi muốn con có trong tương lai:
Với mỗi điều, tôi lại phải liệt kê các hành động mình phải làm để có thể dạy bé bằng những cách cụ thể. Trẻ con sẽ quan sát người lớn làm gì, cháu làm nấy chứ không thể tiếp thu những bài học dài dằng dặc về đạo đức. Lấy ví dụ, chắc bậc phụ huynh nào cũng tán thành là phải dạy con trung thực, không dối trá. Nhưng liệu có nhiều người suy nghĩ thấu đáo về các trường hợp xảy ra hàng ngày trong gia đình, vô tình gieo vào đầu cháu là người lớn nói dối, rồi chúng sẽ làm theo?
• Để bắt bé ăn thêm vài thìa cháo, một cách rất thông dụng là các bà, các bậc bố mẹ hoặc người giúp việc sẵn sàng lấy bất cứ điều gì dọa bé: gọi chú công an, gọi ông ngáo ộp, dọa nhốt vào phòng tắm, vứt xuống bể bơi... Đó có phải là nói dối? Rồi khi bé đang chơi ở nhà hàng xóm, không muốn về nhà, người lớn bèn nói dối là rủ bé đi công viên rồi bế thốc về nhà mình, mặc cho bé gào thét . Đó có phải là đánh lừa bé? Khi con lớn lên một chút, bé bắt chước mình để nói dối hoặc để lừa ai đó, ta vô tình chối bỏ ngay trách nhiệm: “Không biết ai dạy nó, chứ nhà tôi không bao giờ dạy nó nói dối hoặc lừa đảo”.
• Có một lần, lúc con tôi hơn 1 tuổi, đang chơi gì đó rất say sưa. Bà ngoại đi qua, yêu quá, đẩy đồ chơi của bé ra, ôm lấy bé hôn hít ầm ĩ. Bé khóc ré, hét lên: “Bà ngoại hư, quấy rầy con, về con mách mẹ”. Bà giận lắm, đợi tôi về để mách ngay, chắc chờ tôi mắng cho cháu một trận. Lúc đó, tôi biết là hơi gay go, bèn bình tĩnh hỏi bà: “Mẹ ơi, vậy lúc mẹ đang nhặt rau, cháu ra giằng rổ rau rồi bắt bà chơi với cháu, bà nói gì?”. Sau đó, tôi nhẹ nhàng phân tích cho mẹ: “Nếu người lớn đang bận mà bé quấy rầy, ta mắng bé. Vậy khi bé đang chơi, tức là làm việc của bé, bà muốn hôn cháu, thì nên hỏi nó: ‘Bà yêu quá, bà hôn cháu nhé?’” Với bé, tôi giải thích là vì bà yêu thì mới muốn hôn con, nhưng đáng ra bà phải hỏi trước. Nếu con không thích, chỉ việc nhẹ nhàng nói là con đang bận chứ không nên hét tướng lên. Sau đó, tôi thuyết phục mẹ xin lỗi cháu trước vì quấy rầy khi bé đang làm việc và bé thì xin lỗi bà vì đã nói năng không lịch sự. Sau khi hai bà cháu xin lỗi nhau xong, bé chu mỏ ra nói với bà: “Bây giờ con đang rỗi, bà muốn hôn bao nhiêu cũng được”. May quá, mẹ tôi là người không khó tính và không bảo thủ.
• Khi chưa có bé, có lúc ai đó gọi điện thoại đến nhà, thấy tôi mệt, chị tôi có thể nói đại là tôi đi vắng. Chợt một lần, bé hỏi tôi: “Mẹ ơi, bác nói dối. Mẹ đang ở trên nhà mà bác bảo mẹ đi vắng”. Tôi liền nói bác xin lỗi bé là lỡ nói dối và yêu cầu cả nhà từ sau không được nói dối bất cứ ai, về bất cứ việc gì, để bé được lớn lên một cách lành mạnh trong không khí trung thực.
Vậy ta phải làm gì để bé lớn lên thành người trung thực:
1. Người lớn không được nói dối về bất cứ điều gì. Bạn có thể giải thích một cách ngắn gọn, đủ để bé hiểu về các sự việc xảy ra, hoặc thậm chí nói: “Con còn bé, bao giờ con đủ lớn mẹ sẽ giải thích”. Tuyệt đối không được nói dối hoặc lấp liếm, nghĩ là bé còn nhỏ không biết gì.
2. Khi con lớn lên, một điều nữa các bậc bố mẹ hay nói dối, là về tài sản.
Với quan điểm sợ con biết nhà có tiền sẽ ỷ lại và không chịu học, các bậc bố mẹ luôn nói với con: nhà rất nghèo, không có tiền cho con đi du học, nếu con không kiếm được học bổng. Rồi kèn kẹt khi con có nhu cầu thật sự chi tiêu cái gì đó. Các bạn có biết rằng bằng cách đó, mình đang vô tình dạy con nói dối, keo kiệt và coi đồng tiền được làm ra để mang giấu kỹ?
Một trường phái khác lại dạy con phung phí tiền bạc từ rất sớm vì nghĩ nếu được đáp ứng đủ nhu cầu, con sẽ thấy hạnh phúc. Một sai lầm nghiêm trọng. Đồng tiền thường làm hư con trẻ. Nếu bạn không dạy chúng về giá trị lao động để kiếm tiền cũng như giá trị đồng tiền, cách tiêu pha sao cho hiệu quả, để mang lại lợi ích cho bản thân và cho mọi người.
3. Có biết bao việc xảy ra trong nhà, ngoài đường mà bạn có thể biến thành cơ hội để trao đổi với con. Thông qua đó, bạn sẽ giúp con định hình quan điểm, cách suy nghĩ, cách phân tích và giải quyết vấn đề một cách có logic. Ví dụ, có lần con đi chơi, thấy một bà mẹ đang chửi rủa con vì con đem cho bạn nó cái gì đó: “Sao tôi khổ thế này, con dại cái mang, mày ăn gì mà mày ngu thế hả con? Cứ đem cho đi, rồi về lại gào lên đòi mua cái khác”. Tôi bèn chủ động hỏi con suy nghĩ sao về sự việc xảy ra. Con bảo nếu mình là bạn đó thì sẽ xấu hổ và sợ lắm. Rồi con thắc mắc: “Sao bạn ấy làm việc tốt mà lại bị mắng hả mẹ?” Tôi bèn thủ thỉ giải thích với con quan điểm của mình:
• Đồ chơi do mẹ bạn bỏ tiền mua, trước khi cho ai, bạn phải hỏi mẹ.
• Nếu gia đình người được cho nghèo, không đủ tiền mua thì giúp đỡ người không may mắn là việc tốt. Nhưng nếu nhà bạn đó cũng có tiền thì nên để bạn tự xin bố mẹ bạn mua.
• Nếu một người được cho nhiều thứ mà không phải làm gì, lâu dần họ sẽ ngồi chờ để xin xỏ, trở nên lười biếng. Lớn lên họ có thể đi ăn xin thay vì làm việc để nuôi thân. Họ có thể “giả nghèo, giả khổ” để xin tiền từ thiện.
• Tôi cũng nói rõ là thái độ bà mẹ trên rất không tốt, có thể bà ta nghĩ nếu sỉ nhục con làm nó xấu hổ, thì lần sau nó không dám làm nữa. Tôi không bao giờ làm vậy với con mình.
Còn rất nhiều ví dụ tương tự, diễn ra quanh ta hàng ngày hàng giờ. Nếu những người lớn xung quanh dành thời gian để thủ thỉ giải thích, nghe chính kiến của con, thì sẽ dần dần định hình cho con được những cá tính tốt đẹp mà mình mong muốn.
4. Hãy quy định những hình phạt hợp lý nếu con nói dối. Như vậy, để công bằng, khi người lớn nói dối bị bé phát hiện, người lớn cũng bị phạt. Nghe thì buồn cười, nhưng điều đó rất quan trọng.
Người lớn trong nhà không chỉ cần thống nhất quan điểm về việc dạy con mà phải cùng nhau bàn bạc chi tiết từng sự việc xảy ra, để thống nhất hướng giải quyết. Cũng phải có ai đó có tiếng nói cuối cùng về một vấn đề và người đó nên là bố (hoặc mẹ). Ở Việt Nam, điều khó nhất là ai cũng có quyền can thiệp vào việc nuôi con của một cặp vợ chồng: nào là ông bà nội ngoại. Rồi còn cô, dì, chú bác, hàng xóm, khách khứa, bạn bè... Hãy để cho bố mẹ đứa trẻ có toàn quyền chuẩn bị và quyết định các vấn đề liên quan đến con cái: bao giờ đẻ, chuẩn bị thế nào, nuôi con ra sao. Hãy đặt trách nhiệm lên vai chính cặp vợ chồng đó: không gây sức ép, không tranh quyền nuôi con hộ cho bố mẹ chúng. Nếu ông bà có thời gian để giúp đỡ các con trông cháu, rất tốt. Nhưng xin hãy làm theo những gì vợ chồng đứa con yêu cầu, kể cả khi điều đó trái với ý mình. Và vì mình tự nguyện làm, cũng đừng than phiền là vì bố (mẹ) chúng bỏ bê con nên mình vất vả. Nếu các con không cần sự giúp đỡ đó mà tự lo được việc nuôi dạy con, hãy động viên chúng và thấy vui vì điều đó: con đã tự lập, tự biết chịu trách nhiệm về gia đình riêng của mình.
Còn các ông bố bà mẹ trẻ đừng vì giữ không khí yên ấm giả tạo trong gia đình mà cho phép bố mẹ hoặc bất cứ ai khác can thiệp sâu vào việc của gia đình mình, đặc biệt là liên quan đến con cái. Hãy giải thích nhẹ nhàng, nhưng thật rõ ràng (không né tránh) với các cụ: đó là trách nhiệm của vợ chồng bạn. Khi cần các cụ giúp đỡ, cũng nên trao đổi rõ là các bạn muốn các cụ giúp thế nào. Lúc đầu, các cụ (đặc biệt là các bà mẹ chồng) có thể nổi giận nhưng nếu rõ ràng được ngay từ đầu, sẽ tránh rắc rối về sau, có thể dẫn tới mâu thuẫn lớn, thậm chí là đổ vỡ. Một điều rất quan trọng: Xin các bà mẹ chồng đừng nói xấu con dâu với các cháu của mình hoặc sử dụng các cháu như công cụ để “chiến đấu” với con dâu.